Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/06/2017

Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Đăng Vũ, Giáo xứ Song Ngọc bị đàn áp

RFA tiếng Việt

Hội cựu giáo chức lên tiếng vụ tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng (RFA, 14/06/2017)

Theo Hội Cựu giáo chức Chu Văn An thì quyết định do chủ tịch nước Trần Đại Quang ký về việc tước quốc tịch của giáo sư Phạm Minh Hoàng là ngược lại với Bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền ; theo đó mọi người đều có quyền có quốc tịch.

pmh1

Giáo Sư Phạm Minh Hoàng giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn năm 2006. Courtesy FB Lê Nguyễn Hương Trà

Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An nói rằng giảng viên Phạm Minh Hoàng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, và đương nhiên ông có quốc tịch Việt Nam mà không có một điều khoản luật pháp nào cho phép nhà nước Việt Nam tước quốc tịch của ông.

Giảng viên – cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng cũng là một trong những người sáng lập Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An.

Chúng tôi đã liên lạc được với thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, thuộc Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An, nguyên giảng viên trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật thương mại tại Hà Nội, hiện sống ở Hà Nội, và ông cho biết về bản lên tiếng của hội về trường hợp thành viên Phạm Minh Hoàng :

"Chúng tôi thấy những điều bất công trong xã hội thì chúng tôi lên tiếng. Để bảo vệ những quyền lợi chính đáng, trước hết là công lý và lẽ phải cho những người thầy giáo dám dấn thân nói lên những lẽ phải và công lý, nói lên sự thật, giúp cho xã hội thay đổi và tiến bộ. Đối với trường hợp thầy giáo Phạm Minh Hoàng thì tôi thấy là việc Chủ tịch nước ông Trần Đại Quang ra cái quyết định đó là trái với luật pháp và đạo lý của dân tộc".

******************

Nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ, đánh đập (RFA, 14/06/2017)

Tổ chức theo dõi quyền con người Front Line Defenders - Người Bảo vệ Tuyến đầu - vào hôm 13 tháng 6 lên tiếng về trường hợp Nguyễn Đăng Vũ, một thanh niên hoạt động nhân quyền bị công an tỉnh Đak Lak bắt giữ và đánh đập hồi ngày 8/6/2017.

pmh2

Anh Nguyễn Đăng Vũ (Ảnh minh họa chụp trước đây). Courtesy FB Nguyễn Peng

Theo đó trong chuyến đi làm thiện nguyện ở thành phố Buôn Ma Thuộc, anh Nguyễn Đăng Vũ bị những người mặc thường phục lẫn sắc phục đưa về đồn Công an Tân Lập để kiểm tra hành chính. Anh Vũ đã bị đánh và đạp vào bụng trong thời gian bị tạm giữ 31 giờ đồng hồ và sau đó bị ép buộc đưa lên xe đò về lại thành phố Hồ Chính Minh.

Anh Nguyễn Đăng Vũ kể lại diễn tiến ở đồn Công an Tân Lập với RFA ngay sau khi về đến nhà ở Sài Gòn vào tối ngày 9 tháng 6.

Front Line Defenders kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức chấm dứt hành động sách nhiễu đối với Nguyễn Đăng Vũ, trả lại điện thoại cá nhân cho anh Vũ cũng như phải điều tra vụ việc và công khai kết quả điều tra theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời chấm dứt mọi động thái cản trở nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, kể cả sách nhiễu về mặt luật pháp.

**********************

Các linh mục giáo hạt Thuận Nghĩa lên tiếng về bất ổn ở Song Ngọc (RFA, 14/06/2017)

Các linh mục thuộc Hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh vào hôm 13/6/2017 đồng ký tên trong bản tuyên bố khẳng định tình hình bất ổn gần đây tại giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là do chính quyền gây nên.

pmh3

Lễ rước thánh giá tại hạt Thuận Nghĩa. (Ảnh minh họa) - RFA

Trong bản tuyên bố Linh mục đoàn Giáo hạt Thuận Nghĩa nêu rõ sự nghi ngờ của họ về thiện chí của chính quyền địa phương trong việc được gọi là "đảm bảo ổn định trật tự" nhưng thực tế chính quyền đã dung túng những người cố tình gây phạm pháp, kích động thù hằn và chia rẽ lương giáo.

Các linh mục trưng dẫn nhiều bằng chứng cho thấy việc làm của những người này có tổ chức dưới sự chứng kiến của công an và chính quyền, điển hình như dùng bạo lực quấy rối đời sống của giáo dân giáo xứ Song Ngọc, ném đá vào nhà thờ, đe dọa không cho dân chúng địa phương giao thương làm ăn với những gia đình công giáo và dùng sức ép để lấy chữ ký với mục đích trục xuất hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục khỏi huyện Quỳnh Lưu.

Trong bản tuyên bố, chín vị linh mục và giáo dân Hạt Thuận Nghĩa yêu cầu chính quyền tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu cần tức khắc chấm dứt những hành động khủng bố tinh thần lẫn thể chất đối với giáo dân Song Ngọc, tiến hành điều tra thủ phạm tấn công giáo dân và phải kiến nghị với Chính phủ để bôi thường thỏa đáng cho các nạn nhân của thảm họa Formosa.

*********************

Hạn chót mới cho bồi thường thảm họa Formosa (RFA, 14/06/2017)

Công tác bồi thường cho các đối tượng mà chính phủ Hà Nội qui định chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa gây nên đến cuối tháng 6 này phải hoàn tất.

pmh4

Ngư dân tại cảng cá Hà Tĩnh. RFA

Đó là chỉ thị mới nhất do phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đưa ra với các địa phương và được truyền thông trong nước nhắc lại vào ngày 14 tháng 6.

Theo yêu cầu của ông phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình thì các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại theo hai quyết định 1880 và 309 do thủ tướng ký, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 tới đây.

Vị phó thủ tướng kiêm trưởng ban chỉ đạo khắc phục thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên còn yêu cầu không được mở rộng đối tượng, phạm vi ra.

Theo qui định của chính phủ Hà Nội thì chỉ có 4 tỉnh nằm trong diện bị tác động bởi hóa chất độc hại do nhà máy thép Formosa thải ra biển là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế.

Trong khi đó nhiều ngư dân cùng những người thuộc ngành nghề liên quan đến biển tại địa phương lân cận là Nghệ An cho biết họ cũng chịu tác động nặng nề bởi thảm họa môi trường Formosa.

Trong chỉ thị đưa ra, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giám sát, công bố chất lượng, an toàn thực phẩm hải sản tầng đáy ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung như vừa nêu.

Đối với số lượng hải sản đang còn tồn kho, phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thống kê một cách chính xác, xác minh, kiểm tra, đánh giá hồ sơ, chứng cứ, chứng minh rõ nguồn gốc số hải sản được mua tạm trữ trong thời gian xảy ra thảm họa môi trường biển. Tất cả tổng hợp lại gửi cho Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với hai bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Tài chính thẩm tra kết quả thống kê, xác minh hồ sơ, chứng cứ.

Quay lại trang chủ
Read 845 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)