Với tỷ số 6 bảo thủ, 3 cấp tiến, Tối cao Pháp viện trong thời gian tới sẽ theo chiều hướng bảo thủ hơn. Nhưng Chánh án John Roberts thường thuyết phục các thẩm phán mới, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barret, chấp nhận các quyết định ôn hòa hơn là các ông Clarence Thomas, Samuel Alito và Neil Gorsuch.
Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng nhưng không cho phép nhà nước cổ động riêng một tôn giáo nào. Nghe rất giản dị, nhưng khi áp dụng mới thấy phức tạp.
Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng nhưng không cho phép nhà nước cổ động riêng một tôn giáo nào. Nghe rất giản dị, nhưng khi áp dụng mới thấy phức tạp.
Năm nay, Tối cao Pháp viện mới phán quyết buộc Tiểu bang Maine phải trợ cấp các trường tôn giáo như những trường tư khác. Maine có một chương trình trợ cấp học phí cho học sinh trường tư ở những vùng quê thiếu trường công lập ; nhưng không cho trường tư nào thuộc về các giáo hội được hưởng. Nhiều phụ huynh có con học ở các trường Bangor và Waterville kiện. Cả hai trường tôn giáo này đều theo chính sách không tuyển các giáo sư đồng tính. Trường Bangor không nhận học sinh và không mướn các giáo sư đã "đổi giống," từ nam thành nữ hoặc ngược lại. Tất cả đều vì lý do tín ngưỡng.
Sáu vị thẩm phán bỏ phiếu thuận đều trong nhóm bảo thủ, do các tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm. Ba vị chống lại, đều thuộc phe cấp tiến, được các tổng thống Dân chủ đưa vào.
Chánh án Tối cao John Roberts, khuynh hướng bảo thủ, viết rằng không trợ cấp cho các trường tư chỉ vì họ theo một tôn giáo là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng ghi trong hiến pháp. Thẩm phán Stephen Breyer, phe cấp tiến nói ngược lại, rằng Tiểu bang Maine tôn trọng hiến pháp Mỹ cho nên không dùng công quỹ giúp việc truyền đạo. Bà Sonia Sotomayor nói thêm rằng đem tiền thuế do dân đóng góp trợ cấp cho các tôn giáo là vi phạm quy tắc tách rời nhà nước ra khỏi tôn giáo.
Các vị thẩm phán giải thích hiến pháp theo cách khác nhau, đưa tới các quyết định khác nhau, điều này thường diễn ra trong các tòa án, kể cả Tối cao pháp viện.
So với tôn giáo, chuyện chính trị còn rắc rối hơn. Người ta có thể nghĩ rằng khi xét xử các vụ kiện về quyền bỏ phiếu, các thẩm phán bảo thủ sẽ nghiêng về phía đảng Cộng hòa, và ngược lại. Nhưng mỗi vụ kiện lại khác.
Thông thường, nghị viện các tiểu bang đảng Cộng hòa chiếm đa số thường đặt ra các luật lệ ngặt nghèo trong việc bỏ phiếu, lấy lý do để ngăn ngừa gian lận ; đảng Dân chủ thường chủ trương nên cho cử tri đi bầu được dễ dàng.
Năm 2020, tiểu bang Wisconsin rút ngắn giới hạn ngày bỏ phiếu bằng thư. Bên Dân chủ kiện, cho rằng luật lệ đó gây thêm khó khăn cho các cử tri. Tòa địa phương cấp dưới đồng ý, bắt Wisconsin phải nới rộng giới hạn cho nhiều ngày hơn. Lên tới Tối cao Pháp viện, năm vị thẩm phán bảo thủ đã bác bỏ phán quyết của tòa dưới ; bốn vị cấp tiến thì không.
Trong năm đó, vì bệnh Covid-19 cản trở việc đi lại, các quan tòa tiểu bang Idaho và Oregon cho phép giảm bớt số chữ ký tối thiểu trước khi đưa một đề án luật cho dân biểu quyết, tức là giúp việc bỏ phiếu dễ dàng hơn. Lên tòa Tối cao, đa số đã bác bỏ quyết định đó.
Có thể kết luận rằng Tối cao Pháp viện chấp nhận cho việc bỏ phiếu khó khăn hơn hay không ?
Không chắc. Hai vụ kiện về luật bầu cử đã đưa tới phán quyết trái ngược nhau. Một vụ năm 2020, Tiểu bang Alabama bắt buộc các lá phiếu bầu bằng cách gửi thư phải có hai chữ ký làm chứng. Tòa án cấp dưới đã yêu cầu ngưng điều luật này vì gây khó khăn cho cử tri, nhưng Tòa Tối cao không chấp nhận. Bốn vị thẩm phán Dân chủ, cấp tiến Ruth Bader Ginsburg, Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan không đồng ý.
Nhưng sau đó, Ủy hội quốc gia đảng Cộng hòa kiện tiểu bang Rhode Island, yêu cầu họ tái lập các điều kiện về số chữ ký người làm chứng, Tòa Tối cao đã bác bỏ. Ba vị thuộc nhóm thiểu số là các thẩm phán Cộng hòa bảo thủ : Clarence Thomas, Samuel Alito và Neil Gorsuch.
Chánh án Roberts vốn bảo thủ, thời Tổng thống Cộng hòa Georges W.H. Bush ; nhưng ông đã nhiều lần đồng ý với các thẩm phán cấp tiến.
Trong thời gian bệnh Covid-19 hoành hành, những người theo đảng Dân chủ thường ủng hộ các biện pháp của chính quyền nhằm ngăn ngừa bệnh dịch, còn đảng Cộng hòa chủ trương nên cho dân chúng sinh hoạt tự do hơn để sớm phục hồi kinh tế.
Nhiều giáo hội ở California và Nevada đã kiện chính quyền các tiểu bang này khi họ hạn chế số tín đồ tụ họp trong nhà thờ. Khi đưa lên Tòa Tối cao, đơn kiện bị bác bỏ với tỷ số sát nút 5-4. Chánh án Roberts đồng ý với các bạn đồng viện cấp tiến, phán rằng những người không chuyên môn về y tế công cộng không thể chống lệnh cấm tụ họp đông người của chính quyền.
Nhưng các thẩm phán bảo thủ muốn cho các cơ sở tôn giáo tự do hơn. Thẩm phán Brett Kavanaugh đặt câu hỏi tại sao các giáo hội lại bị ngăn cấm, chỉ được họp mỗi lần 50 người trong nhà thờ, còn các sòng bài được chứa nhiều người hơn ? Ông Roberts đã quyết định dựa trên một án lệnh từ năm 1905, khi Tối cao Pháp viện bác bỏ đơn kiện của một công dân phản đối lệnh của tiểu bang Massachusetts bắt mọi người phải chích ngừa bệnh đậu mùa.
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, ông có cơ hội bổ nhiệm ba thẩm phán tối cao mới, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett. Các thẩm phán bảo thủ thường chia sẻ các quan niệm xã hội, kinh tế và chính trị của đảng Cộng hòa. Nhưng khi xét xử các vụ kiện, họ vẫn suy nghĩ trên quan điểm luật pháp mà quốc hội đã ban hành.
Thí dụ, trong vụ một cửa hàng bán hoa ở Richland, Washington, kháng cáo bản án của tòa dưới không cho phép họ từ chối trưng hoa cho đám cưới một cặp đồng tính. Người bán hoa nói tín ngưỡng của họ không cho phép công nhận hôn nhân giữa những người cùng phái tính. Tòa Tối cao đã từ chối không thụ lý với tỷ số 6-3. Chỉ có ba thẩm phán bảo thủ Thomas, Alito và Gorsuch chấp nhận cho xử đơn kháng cáo. Chánh án Roberts và hai thẩm phán Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett bỏ phiếu giống như ba vị thẩm phán cấp tiến.
Trong tháng tới, Tòa Tối cao sẽ quyết định các vụ kiện về luật phá thai của mấy tiểu bang Cộng hòa. Nhiều người tiên đoán, Tòa sẽ xóa bỏ án lệ năm 1973, không công nhận quyền phá thai của phụ nữ nữa. Quyết định này sẽ thay đổi cả xã hội Mỹ !
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện có thể tìm cách thỏa hiệp để tránh các vấn đề gay go. Thí dụ, năm 2020, Cơ quan Xã hội Thiên Chúa giáo kiện Philadelphia, vì thành phố không trao cho họ tìm cha mẹ nuôi cho các trẻ em, lấy lý do tổ chức từ thiện này không chấp nhận các cặp vợ chồng đồng tính nhận con nuôi. Cả 9 vị thẩm phán đồng ý cho nguyên đơn thắng, Philadelphia thua.
Trong vụ án này, hôn nhân đồng tính là một vấn đề đang gây chia rẽ trong xã hội Mỹ. Nhưng các thẩm phán Kavanaugh và Barrett (bảo thủ) đã cộng tác với ba thẩm phán cấp tiến Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan đưa ra một phán quyết đặt trên căn bản một vấn đề nhỏ, thu hẹp phạm vi áp dụng, để cho Phòng Xã hội Công giáo được trợ cấp như 20 cơ quan từ thiện khác.
Họ đã giúp lái Tòa Tối cao tránh né, không đụng tới một vấn đề hôn nhân đồng tính đang gây chia rẽ trong xã hội. Các quan tòa có thể kiên nhẫn chờ đến khi nào dân chúng Mỹ, qua các đại biểu quốc hội của họ, làm ra luật lệ rõ ràng hơn trên các vấn đề "nhạy cảm," như hôn nhân đồng tính, quyền phá thai, vân vân.
Có thể hy vọng như vậy. Sau bao năm chờ đợi, Thượng viện Mỹ sắp thỏa hiệp để thông qua một dự luật về quyền tự do mang súng ! Chánh án Roberts luôn luôn tìm cách tránh cho Tòa Tối cao bị chính trị hóa. Ông nhiều lần khẳng định chỉ có các thẩm phán, không hề có ai là thẩm phán của Bush, của Obama hay của Trump.
Với tỷ số 6 bảo thủ, 3 cấp tiến, Tối cao Pháp viện trong thời gian tới sẽ theo chiều hướng bảo thủ hơn. Nhưng Chánh án John Roberts thường thuyết phục các thẩm phán mới, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barret, chấp nhận các quyết định ôn hòa hơn là các ông Clarence Thomas, Samuel Alito và Neil Gorsuch. Có thể nói Tối cao Pháp viện đang có ba khuynh hướng. Ngoài hai nhóm bảo thủ trên là ba người cấp tiến, Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan do các vị tổng thống Dân chủ bổ nhiệm.
Bảo thủ hay cấp tiến, Tối Cao Pháp Viện sẽ ảnh hưởng đến tương lai thế nào ?
Nhã Duy, 28/09/2020
Theo như công bố từ Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần qua, nữ thẩm phán Amy Coney Barrett đã chính thức được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện và sẽ đệ trình lên Thượng Viện Hoa Kỳ để bắt đầu quá trình chuẩn thuận.
Nữ thẩm phán Amy Coney Barrett đã chính thức được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện
Nhân việc này chúng ta tìm hiểu chính sách bổ nhiệm và thay người vào Tối Cao Pháp Viện như thế nào, cũng như sẽ ảnh hưởng ra sao đến người dân Mỹ trong tương lai.
Theo sau hai thẩm phán Neil M. Gorsuch và Brett M. Kavanaugh, thẩm phán Barrett, 48 tuổi được tổng thống Trump đề cử là những người còn khá trẻ so với giới tiền nhiệm, nhằm có thể phục vụ và thay đổi luật pháp, chính sách quốc gia trong vài ba thập niên tới. Các thẩm phán này thuộc tổ chức Federalist Society, là nhóm những nhà hoạt động pháp lý bảo thủ, cổ súy việc diễn giải và thực thi hiến pháp và luật pháp theo tính nguyên bản và nguyên thủy của chúng.
Trong khi hiến pháp là nguyên tắc và nền tảng lâu đời của hệ thống pháp lý Hoa Kỳ, không phải nó không gây trở ngại cho việc phát triển quốc gia cùng sự thích nghi trước xu hướng xã hội cấp tiến theo ý nguyện người dân.
Nếu nhìn lại hiến pháp Hoa Kỳ được các nhà lập quốc soạn thảo và ký kết vào năm 1787, đến nay đã hơn 230 năm. Những quyền công dân căn bản cùng các luật lệ điều hành quốc gia khi Hoa Kỳ còn là một quốc gia canh nông thô sơ và lạc hậu vừa giành được độc lập so với một xã hội dân chủ phát triển và văn minh cao cùng tính chất đa dạng của xã hội và công dân Hoa Kỳ hiện nay là khác xa.
Từ các vấn đề dân quyền, chính phủ, luật lệ, xã hội cho đến dân sinh, thương mại, khoa học, di trú... đều hoàn toàn khác biệt với một nước Mỹ của hơn hai thế kỷ trước. Ở mặt nào đó, một số điều trong hiến pháp Hoa Kỳ có thể đã trở nên lạc hậu và không còn thích hợp với thời đại, cần có sự thay đổi trên quan điểm cấp tiến và phù hợp hơn. Điều này cũng đã được các nhà lập pháp ghi nhận khi các Tu Chính Án lần lượt ra đời theo thời gian, thay đổi hay bổ sung vào những điều cần cải đổi trong hiến pháp.
Ngay cả các Tu Chính Án cũng có thể là điều gây tranh cãi ở xã hội đương thời. Ví dụ như Tu Chính Án thứ hai về quyền được sở hữu và mang súng của người dân. Nó ra đời vào thời kỳ sơ khai của nước Mỹ, người dân cần có súng để tự vệ vì chính quyền không đủ khả năng bảo vệ cho tất cả người dân ở những vùng thôn quê hẻo lánh. Nhưng hiện nay, súng là một vấn đề và thách thức cho xã hội. Cho dù không tuyệt đối tước đoạt quyền mang súng nhưng việc kiểm soát là cần thiết. Nó mang lại sự an toàn cho xã hội bởi vũ khí sát thương hàng loạt không thể xem như sử dụng cho mục đích tự vệ mà là vũ khí nguy hiểm một khi vào trong tay kẻ xấu hay quá khích. Hoặc giả thể thức cử tri đoàn trong bầu cử tổng thống xem ra đã khá lạc hậu so với trào lưu tiến bộ của thế giới về bầu cử và ứng cử.
Khi muốn diễn dịch và áp dụng hiến pháp và luật pháp theo nguyên bản, những thẩm phán bảo thủ này sẽ có trong tay thẩm quyền để giữ hay đưa xã hội về lại với các nguyên tắc và giá trị cách đây hàng thế kỷ, khi mà quyền lực và luật pháp hầu như nằm trong tay người da trắng. Đây là điều đáng quan tâm trong việc chọn lựa và bổ nhiệm vì những quan điểm bảo thủ hay cấp tiến, hoặc trung dung, ôn hòa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân qua các phán quyết được đưa ra như thế nào.
Ca ngợi nữ thẩm phán đáng kính Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời, thẩm phán Barrett phát biểu tại lễ ra mắt rằng, "Một thẩm phán phải áp dụng luật như đã được viết ra. Các thẩm phán không phải là những nhà hoạch định chính sách và họ phải kiên quyết gạt bỏ mọi quan điểm về chính sách mà họ có thể đã có". Bà cũng đã cam kết sẽ đại diện và bảo vệ quyền lợi người dân. Dù tái khẳng định đường lối bảo thủ, thái độ và lời cam kết của bà cho thấy một lý tưởng tích cực và sự thuyết phục cho vai trò cần thiết của các thẩm phán liên bang hay tối cao pháp viện.
Tuy nhiên có thật sự là nữ thẩm phán Barrett được tổng thống Donald Trump chọn lựa và được giới bảo thủ hết lòng ủng hộ là nhờ vào các quan điểm tiền định của bà trong việc chống lại quyền phá thai cùng đạo luật Affordable Care Act của tổng thống Barack Obama, những luật đã từng được thông qua và nay có nguy cơ bị đảo ngược nếu bà tham gia vào tòa tối cao với đường lối bảo thủ.
Thêm vào đó, trong ba năm qua, kể từ khi được bổ nhiệm, bà đã tỏ ra đồng thuận với nhiều chính sách di trú khó khăn và nghiêm ngặt của nội các qua các phán quyết hay quan điểm đưa ra. Bà là thẩm phán duy nhất ủng hộ sắc lịnh cấm người di dân được quyền thường trú nếu từng nhận phúc lợi xã hội, theo một phán quyết gồm ba thẩm phán tại tòa phúc thẩm 7th Circuit Court of Appeals. Trump và phía Cộng hòa còn kỳ vọng bà cũng sẽ đứng về phía họ nếu có xảy ra tranh chấp về kết quả bầu cử trong tháng 11 tới.
Mặt khác, cũng chính bà khi còn là giáo sư luật tại đại học Notre Dame Law đã phát biểu về việc hoãn bổ nhiệm thẩm phán trong năm bầu cử trên đài CBS vào tháng Hai năm 2016 rằng, việc tổng thống Obama bổ nhiệm thẩm phán trong năm bầu cử là không thích hợp khi "lật ngược đáng kể cán cân quyền lực" tại Tối Cao Pháp Viện. Đây là điều đang xảy ra với chính bà hiện nay, khi cán cân quyền lực sẽ nghiêng hẳn về khối bảo thủ một khi bà được chuẩn thuận vào tòa tối cao.
Việc bổ nhiệm thẩm phán Barrett gây ra tranh cãi bởi tính chính danh và sự vội vã của nó khi mà cuộc bầu cử sớm đã diễn ra tại nhiều tiểu bang. Không phải sự tranh luận về phẩm cách hay năng lực của thẩm phán Barrett mà ở cách khối đa số đảng Cộng hòa tại Thượng Viện đã đảo ngược chính lời của mình, bất chấp những danh dự và nguyên tắc cùng tiền lệ do chính họ đã đặt ra. Không kể nó trái ngược ý nguyện đa số cử tri qua các cuộc thăm dò. Việc này cho thấy có sự lo ngại về việc khả năng Donald Trump có tái đắc cử và phía Cộng hòa vẫn giữ thế thượng phong tại Thượng Viện hay không.
Hồi tháng Tám vừa qua, Phó Tổng thống Mike Pence đã thẳng thừng chỉ trích Chánh án Tối Cao Pháp Viện rằng, "John Roberts đã làm thất vọng giới bảo thủ" (Christian Broadcasting Network ngày 5 tháng Tám, 2020) khi chánh án Roberts có những đồng thuận với các thẩm phán cấp tiến trong một vài phán quyết quan trọng. Theo cách nói này, giới bảo thủ và đảng Cộng hòa kỳ vọng rằng, một thẩm phán được tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm phải trung thành với đường hướng và nghị sự đảng phái, thay vì đặt công lý và lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Họ cũng chọn lựa và hy vọng như vậy với thẩm phán Amy Coney Barrett.
Sự gay gắt của chính trường cùng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay cho thấy, sự thờ ơ hay chọn lựa sai lầm trong lá phiếu sẽ tạo những ảnh hưởng trực tiếp đến hàng thế hệ. Sự cân nhắc không chỉ là vấn đề cảm xúc cá nhân dành cho các ứng cử viên mà còn cần nhắm đến lợi ích và sở nguyện một giới trẻ, là chính con cháu mình, sẽ được sống với một tương lai như thế nào.
Nhã Duy
(28/09/2020)
*******************
Sau Ruth Ginsburg, nước Mỹ sẽ thay đổi
Ngô Nhân Dụng, VOA, 28/09/2020
Bà Ruth Bader Ginsburg qua đời khiến mọi người thấy lá phiếu của một Thẩm phán Tối cao ảnh hưởng đến đời sống một người dân Mỹ bình thường như thế nào. Tổng thống Donald Trump đề cử một vị thẩm phán bảo thủ, sẽ được các nghị sĩ Cộng hòa chiếm đa số trong Thượng viện thông qua. Điều này có thể xẩy ra trước hoặc sau ngày dân Mỹ bỏ phiếu. Trong Tối cao pháp viện sẽ có 6 vị thuộc khuynh hướng "bảo thủ", do các vị tổng thống Cộng hòa đưa lên, và ba vị "cấp tiến" do các phía Dân chủ bổ nhiệm.
Một tấm bảng ở lễ tưởng niệm thẩm phán Ginsburg : "RBG, bà đã thay đổi thế giới".
Một tuần lễ sau ngày dân Mỹ di bầu, ngày 10 tháng 11 sắp tới, Tối cao pháp viện Mỹ sẽ phán quyết một vụ kiện liên can đến đạo Luật Cải tổ Y tế của cựu Tổng thống Barack Obama, thường gọi là Obama Care. Nếu bữa đó đã có người thay thế bà Ginsburg trong Tối cao pháp viện, thì chắc Obama Care có thể sẽ bị bác bỏ.
Đảng Cộng hòa đã cương quyết đòi hủy bỏ Obama Care ngay từ đầu, Tổng thống Trump đã tranh cử với lời hứa sẽ xóa bỏ nó. Cho đến nay đạo luật đó vẫn tồn tại vì Quốc hội chưa thay thế nó. Tối cao pháp viện đã bác bỏ nhiều đơn kiện đòi xóa bỏ toàn thể hay từng phần đạo luật đó, với tỷ số 5/4, nhờ bốn Thẩm phán Tối cao cấp tiến được Chánh án John Roberts chia sẻ cùng ý kiến. Ông John Roberts được cựu Tổng thống George W. Bush (Cộng hòa) bổ làm Chánh án Tối cao năm 2005.
Ai theo dõi Tối cao pháp viện thì biết rằng vụ kiện chống Obama Care sau cùng này có tính chất rất kỹ thuật. Tòa Tối Cao đã xét xử hai vụ về Obama Care năm 2012 và 2015, cả hai lần đạo luật được cứu sống nhờ bà Ginsburg, và được ông Roberts đồng ý. Trong vụ kiện 2012, có người kiện Obama Care vi hiến vì bắt mọi công dân Mỹ phải có bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt tiền. Người ta coi điều này vi phạm quyền tự do cá nhân được hiến pháp bảo đảm. Khi bỏ phiếu bác bỏ đơn kiện Chánh án Roberts viện cớ rằng khoản tiền phạt những người không mua bảo hiểm chỉ là một thứ thuế, mà chính phủ có quyền đánh thuế.
Nhưng Tổng thống Trump đã làm cho điều luật trên vô hiệu lực bằng cách xóa bỏ tiền phạt những người không mua bảo hiểm y tế. Nghĩa là thứ "tiền thuế" đó không còn nữa. Cho nên có người kiện rằng lý luận về "thuế" của Chánh án Roberts không còn được áp dụng ! Ngày 14 tháng 12 năm 2018 thẩm phán tòa sơ thẩm Reed O’Connor ở Bắc Texas, do Tổng thống G.W. Bush bổ nhiệm năm 2007, đã phán quyết rằng điều khoản bắt mọi người phải mua bảo hiểm Y tế trong Obama Care là vi hiến, do đó cả đạo luật đó không còn hiệu lực.
Lên đến tòa phúc thẩm, tòa cũng đồng ý với tỷ số 2/3 nhưng đưa trả lại tòa dưới để cứu xét thêm coi để quyết định các điều khoản trong đạo luật Obama Care có thể giữ lại hay không ; nhưng vụ kiện đã được đưa lên tòa cao nhất !
Phiên tòa Tối Cao ngày 10 tháng 11 có thể sẽ làm cho Obama Care thành vô hiệu. Dù ông Roberts không muốn xóa bỏ đạo luật đó thì ông và ba vị thuộc phía cấp tiến cũng thành thiểu số, với tỷ số 4/5. Nhưng dù chưa có ai thay thế bà Ginsburg thì kết quả 4/4 có nghĩa là phán quyết của Tòa Phúc thẩm, tuyên bố rằng đạo luật đó vi hiến, sẽ có giá trị.
Mấy chục triệu người Mỹ đang được bảo hiểm sức khỏe theo luật Obama, nhờ được trợ cấp khi mua bảo hiểm lấy, hay nhờ chương trình Y tế cho người nghèo (Medicaid, Medical) được mở rộng. Trong đó có mấy chục triệu người mới bị mất việc vì Đại dịch Covid. Họ sẽ không biết họ còn được bảo hiểm hay không, khi chưa có luật mới nào thay thế.
Tình cảnh hoang mang đó có thể tránh được trong vài trường hợp. Với quyết định 4/4 ông Roberts có thể tuyên bố Tòa Tối Cao tạm ngưng xử, để chờ khi có người thay thế bà Ginsburg, sẽ xử tiếp. Để tạm thời cứu Obama Care ông Roberts cũng có thể đặt vấn đề một cách khác, là giới hạn phán quyết của tòa vào một vấn đề mà thôi : Bắt mọi người đều phải mua bảo hiểm y tế có vi hiến hay không ?
Thẩm phán Tối cao Brett Kavanaugh, do Tổng thống Trump bổ nhiệm, có thể cũng đồng ý với lối đặt vấn đề như vậy. Dù phiên tòa có quyết định rằng điều này vi hiến, với tỷ số 6/4 hay 5/4, thì các điều khoản khác trong Obama Care vẫn tồn tại, mấy chục triệu người sẽ khỏi bị mất bảo hiểm.
Câu chuyện trên đây cho thấy bà Ruth Ginsburg qua đời khiến đời sống dân Mỹ sẽ thay đổi, vì cán cân trong Tối cao pháp viện nghiêng hẳn về phía bảo thủ. Bảo hiểm Y tế sẽ bị ảnh hưởng nhưng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Nếu đảng Dân chủ thắng trong các cuộc bỏ phiếu năm nay họ vẫn có cơ hội làm các đạo luật bảo hiểm y tế tương tự.
Có nhiều biến chuyển quan trọng hơn sẽ xẩy ra khi có người thay thế bà Ginsburg. Các Thẩm phán Tối cao bảo thủ sẽ có khuynh hướng bảo vệ quyền của những người mua súng, bán súng, quyền mang súng, dùng súng. Nhiều luật lệ hạn chế, kiểm soát việc bán súng sẽ bị kiện và có thể thắng thế. Cũng giống như vậy, các luật lệ hạn chế việc thải khói, bảo vệ môi trường sống, sẽ bị kiện nhiều hơn khi người ta biết sẽ được đa số các Thẩm phán Tối cao lắng nghe.
Nhưng khi Tối cao pháp viện có tỷ số 6/3 nghiêng về phía bảo thủ thì các vấn đề quan trọng nhất sẽ thay đổi cả xã hội nước Mỹ là hôn nhân đồng tính, quyền bình đẳng của những người đồng tính ; và đặc biệt là vấn đề phá thai.
Tối cao pháp viện đã công nhận quyền phá thai của phụ nữ do phán quyết năm 1973 mang tênRoe v. Wade của Tối cao pháp viện. Từ đó đến nay, các cử tri bảo thủ vẫn mong muốn Tối cao pháp viện đảo ngược lại án lệ này, nhưng sau nhiều lần vẫn chưa thành công. Năm 1992, Bà Sandra Day O'Connor, đã bỏ lá phiếu thứ năm cùng các bạn đồng viện cấp tiến trong quyết định không xóa bỏ án lệnhRoe v. Wade mặc dù bà là một Thẩm phán Tối cao bảo thủ.
Trước đây, nhiều ứng viên bảo thủ khi ra trước Thượng viện để được phê chuẩn đã tránh không nói rõ lập trường của mình về án lệRoe v. Wade. Nhưng sau khi bà Ginsburg qua đời, một nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố rằng ông chỉ bỏ phiếu tín nhiệm người sắp được Tổng thống Trump đưa vào Tối cao pháp viện nếu vị thẩm phán đó hứa sẽ xóa bỏ án lệRoe v. Wade. Người sắp được Tổng thống Trump đề cử chắc chắn sẽ được đa số nghị sĩ Cộng hòa trong Thượng viện chấp thuận. Có thể đoán rằng trong tương lai quyền phá thai của phụ nữ Mỹ sẽ bị hủy bỏ, nếu không thì cũng bị hạn chế tối đa. Phong hóa cả xã hội sẽ thay đổi. Tất cả chỉ vì một Thẩm phán Tối cao qua đời. Đến ngày thứ Bảy, 26 tháng Chín, tổng thống Trump đã chính thức loan báo bổ nhiệm nữ thẩm phán tòa phúc thẩm có quan điểm bảo thủ, Amy Coney Barrett, vào vị trí thay thế bà Ginsburg.
Khi bà Ruth Bader Ginsburg qua đời, tôi mới biết rằng bà là phụ nữ thứ nhì được vào ngồi trong Tối cao Pháp viện nước Mỹ. Người Mỹ thường không gọi các vị làm nghề "thẩm phán" này là "quan tòa" (judge) mà luôn trân trọng gọi là "Justice", viết hoa. Cho nên tôi dịch là "Thẩm phán Tối cao" cho có vẻ tôn kính. Chín vị Thẩm phán Tối cao là những trọng tài tối hậu khi người Mỹ kiện cáo nhau. Vậy mà gần hai thế kỷ không có ai là phụ nữ !
Khi tới nước Mỹ năm 1975, người Việt Nam thường bảo nhau rằng ở xứ này đàn ông đứng hạng chót trong thứ bậc xã hội ! Đứng đầu là Trẻ em, Thứ nhì là Phụ nữ, Thứ ba là Chó ; dưới cùng mới là đàn ông. Nhưng vào năm đó thì Tối cao pháp viện Mỹ vẫn là một câu lạc bộ dành cho quý vị đàn ông, phần lớn da trắng.
Trong dân số Mỹ, phụ nữ da trắng cũng bị gọi là "thiểu số" dù họ đông hơn số đàn ông da đen ! Thẩm phán Tối cao da đen đầu tiên là ông Thurgood Marshall, được Tổng thống Lyndon Johnson đưa lên từ năm 1967. Thật không ngờ, 14 năm sau mới có người phụ nữ đầu tiên được gọi là Thẩm phán Tối cao, Bà Sandra Day O'Connor, do Tổng thống Reagan đề cử năm 1981. Có lẽ trong xã hội Mỹ phụ nữ không chiếm địa vị cao như mình tưởng !
Nhà văn Toni Morisson (Nobel 1993) đã kể chuyện quyền của người chồng đối với phụ nữ Mỹ ngày xưa như thế nào.
Dưới chế độ thuộc địa của Anh, vào thế kỷ 17, Toni Morisson cho biết đã có luật nhằm "bảo vệ phụ nữ !" Theo luật này, người chồng bị cấm không được đánh vợ.
Nhưng nói thế chưa đủ, phải nói rõ hơn : Các ông chồng bị "cấm không được đánh vợ vào buổi tối". Thêm một chi tiết cần thiết nữa : "sau 9 giờ tối !"
Muốn biết cho đầy đủ, điều luật này còn xác định một điều kiện : "nếu không có lý do chính đáng". Tóm lại, đàn ông Mỹ vào thế kỷ 17 bị cấm không được đánh vợ vào buổi tối sau 9 giờ nếu không có lý do chính đáng !
Biết luật lệ từ thế kỷ 17 như vậy thì chúng ta cũng không ngạc nhiên khi biết đến cuối thế kỷ 20 mới có hai phụ nữ được ngồi trong Tối cao pháp viện. Cả hai bà đều đã bảo vệ quyền của giới nữ nhi trong nhiều phán quyết quan trọng, như bình đẳng trong trường học, trong cơ hội làm việc, lương bổng, vân vân. Chắc chắn không ai có thể bị chồng đánh trước hay sau 9 giờ tối, dù ông chồng nghĩ có lý do chính đáng !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 28/09/2020
*********************
Tối Cao Pháp Viện và cuộc chiến văn hóa
Đoàn Hưng Quốc, VNTB, 25/09/2020
Thẩm Phán Ruth Ginsberg qua đời, Tổng thống Donald Trump đề cử bà Amy Coney thay thế 40 ngày trước bầu cử đã khiến báo chí và dư luận nổi lên làn sóng tranh luận gay gắt
CNN hôm 09/26/2020 chạy hàng đầu bài bình luận rằng đây là cuộc đảo chánh do phe bảo thủ chuẩn bị từ nửa thế kỷ nay [1]. Bài viết này sẽ tìm hiểu giữa Tòa Án Tối Cao lại có liên hệ gì đến cuộc chiến văn hóa vốn âm ỷ trong suốt 50 năm nhưng nay bùng nổ làm rạn nứt xã hội Hoa Kỳ, không kém gì cuộc Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Quốc vào thập niên 70.
Nhưng trước cả cuộc chiến văn hóa của thập niên 60 còn có cuộc chiến kinh tế từ thập niên 30. Sau Đại Khủng Hoảng 1929 Tổng thống Franklin Roosevelt đưa ra chương New Deal bảo vệ công đoàn và quyền lợi người lao động theo mô hình Dân Chủ Xã Hội do John M. Keynes đề xướng.
Ngược lại không ít dân Mỹ chủ trương tiếp tục tư bản kinh tế thị trường (free market) mà không có sự can thiệp của nhà nước dựa trên quan điểm của Adam Smith ; cộng thêm vào đó là cuộc Cách Mạng Tháng Mười năm 1917 ở Nga khiến cánh tự do (libertarian) ở Mỹ cho rằng các tư tưởng xã hội hô hào giải quyết giàu nghèo và bình đẳng xã hội sẽ dẫn đến cộng sản tước đoạt quyền tự do và tài sản của dân chúng. Văn hóa nơi đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc chiến giữa hai lý tưởng tự do và cộng sản.
Nhảy vọt sang thế kỷ thứ 21 thì bài bình luận của CNN cho rằng bà Amy Comey nếu được bỏ phiếu vào Tối Cao Pháp Viện sẽ đưa cánh bảo thủ chiếm đa số 6-3 để đảo ngược truyền thống New Deal gần 100 năm nay với các quyết định không thuận lợi về mức lương tối thiểu của người lao động, về số ngày nghỉ sau khi sinh con (maternity leave), hay quyền hạn (giới hạn) của nhà nước trong các phán quyết liên quan đến cạnh tranh và độc quyền của thị trường. Cho nên ngành Tư Pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò của nhà nước trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Cánh cấp tiến cho rằng chính quyền phải can thiệp để tạo công bằng xã hội, còn đối với phe bảo thủ thì tự do kinh tế chính là tự do.
Nhưng tiếp theo cuộc chiến kinh tế từ thập niên 30 là cuộc chiến văn hóa của thập niên 60, khi Tổng thống Lyndon B. Johnson đưa ra The Great Society thúc đẩy trào lưu dân quyền (Civil Rights) bình đẳng màu da, giới tính (women suffrage) và gọi đây là bước mở rộng của truyền thống New Deal của Franklin Roosevelt.
Ngược lại trong khi đảng Dân Chủ dưới thời Roosevelt bênh vực giới thợ thuyền (blue collar) sang giai đoạn Johnson lại nghiêng sang bảo vệ nữ quyền, di dân và người thiểu số, LGBTQ, hôn nhân đồng tính, phá thai và xã hội đa văn hóa (multi-cultural). Thành phần lao động lại bị mất việc vì toàn cầu hóa do các Tổng thống vừa Dân Chủ lẫn Cộng hòa đề xướng (Clinton, Bush, Obama). Giới công nhân ở vòng đai han rỉ (Rust Belt) xem rằng bị phản bội nên tức giận ngả theo trào lưu dân túy của Donald Trump năm 2016.
Trong khi đó giới bảo thủ và trung lưu thành phố lại phẫn nộ vì truyền thống và các giá trị lịch sử của Hoa Kỳ bị đe dọa. Cánh cấp tiến (progressive) chủ trương một xã hội đa văn hóa thay vì đặt trên nền tảng Ki-Tô Giáo ; quyền phá thai, LGBTQ, hôn nhân đồng tính, di dân ; giới hạn các sinh hoạt của Tin Lành hay Thiên Chúa Giáo ngoài công cộng ; xóa bỏ hình ảnh của các nhà lập quốc (Founding Fathers) ; người da trắng sẽ trở thành thiểu số trên chính đất nước họ dựng nên.
Một số đông trong giới trung lưu thành phố đổ dồn phiếu cho Donald Trump năm 2016 và họ sẽ quyết định cho kết quả bầu cử năm 2020. Cho nên cuộc chiến đưa pheo bảo thủ chiếm đa số ở Tối Cao Pháp Viện có giá trị quyết định cho cuộc chiến văn hóa trong một thế hệ sắp tới (mỗi Thẩm Phán có thể tại vị 30-40 năm) khi xem xử liên quan đến tôn giáo, LGBTQ, hôn nhân đồng tính, di dân, v.v…
Nếu cuộc chiến văn hóa sẽ quyết định cho cuộc bầu cử 2020 thì đối với xã hội Mỹ không có mặt trận nào quan trọng hơn Tối Cao Pháp Viện với các chiến trường tiêu biểu gồm Roe vs. Wade (phá thai), quyền cầu nguyện trong trường công (school prayer) và Obamacare (bảo hiểm y tế).
Nhưng không nên hiểu lầm là các vị quan tòa trong Tối Cao Pháp Viện phán xử thiên vị theo quan điểm cá nhân hay bè phái. Trái lại các Thẩm Phán đều tôn trọng Hiến Pháp và tính độc lập của Tòa Án. Vấn đề là chính trong ngành Tư Pháp cũng chia ra hai trường phái diễn giải Hiến Pháp theo nghĩa rộng hay hẹp, tức là Originalism (Nguyên Thủy) hay Cấp Tiến.
Các Thẩm Phán bảo thủ theo lập trường Originalism diễn giải Hiến Pháp theo ý nghĩa nguyên thủy của các nhà Lập Quốc vì đây mới là nền tảng của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nếu cần sửa đổi thì phải theo tiến trình Tu Chính chớ quan tòa không được quyền tùy tiện thêm bớt.
Các Thẩm Phán Cấp Tiến quan niệm rằng Hiến Pháp là một văn kiện sống cần được diễn giải thích hợp theo khung cảnh xã hội. Thí dụ năm 1779 y khoa không có phá thai hay chuyển giới, không có Facebook và Google, chưa có nhu cầu bảo vệ môi trường nên nay Hiến Pháp phải được hiểu trên nghĩa rộng để thích hợp theo những thay đổi nhanh chóng mà tiến trình tu chính không thể nào bắt kịp.
Một cánh trong giới cấp tiến còn chủ trương Judicial Activism (ngành Tư Pháp năng động) tức là Tòa Án không chỉ thụ động áp dụng luật pháp mà còn là nhân tố tích cực (active) thúc đẩy tiến bộ theo nghĩa rộng của Hiến Pháp. Cánh này bị giới bảo thủ chỉ trích là Judicial Legislation, tức là quan tòa làm ra luật thay vì thi hành pháp luật.
Xã hội Mỹ lúc nào cũng sôi sục như một phòng thí nghiệm trưng bày không che dấu các vấn nạn của thời đại như màu da (Black Live Matter), nữ quyền (Me Too), di dân, LGTBQ, hôn nhân đồng tính, phá thai, fake news, Facebook v.v… Có người cho rằng Hoa Kỳ không đơn thuần là một quốc gia mà còn là một vùng đất của những ý tưởng, cho nên Mỹ dù bị chê cười hay tán thưởng thì thế giới vẫn sát sao theo dõi. Liệu những tranh luận gay gắt này có thể giúp nền dân chủ Hoa Kỳ mạnh vì nhiều sức sống, hay là lực ly tâm khiến xã hội rạn nứt ? Chúng ta đang sống trong một của những khúc quanh lịch sử đó.
Đoàn Hưng Quốc
Nguồn : VNTB, 2809/2020
[1] The nomination of Amy Coney Barrett to the Supreme Court could solidify a revolution that has been a half-century in the making – CNN 09/26/2020
Cho dù cả Tổng thống Mỹ lẫn các chính khách của Đảng Cộng hòa hết sức sốt ruột nhưng họ vẫn chưa thể đưa Thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện… Đem chuyện chính trường Mỹ so với hiện tình chính trường Việt Nam ắt sẽ thấy "Đảng ta vĩ đại thật" !
Tổng thống Mỹ đưa Thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện
***
Tối cao Pháp viện Mỹ là một Hội đồng với chín thẩm phán và là định chế đứng đầu hệ thống tư pháp của Mỹ. Mỗi thẩm phán trong số chín thẩm phán này được Tổng thống Mỹ lựa chọn – giới thiệu với Thượng viện. Thượng viện sẽ xem xét – bỏ phiếu chấp nhận hay từ chối.
Nếu được Thượng viện phê chuẩn, người được đề cử sẽ trở thành Thẩm phán của Tối cao Pháp viện, cùng với tám thẩm phán còn lại có quyền giải thích Hiến pháp, xác định các đạo luật liên bang hay tiểu bang, hành động của chính phủ liên bang hoặc chính quyền các tiểu bang là hợp hiến hay vi hiến. Chưa kể Hội đồng Thẩm phán của Tối cao Pháp viện còn có quyền phân định đủ loại tranh chấp, bất đồng là đúng – sai, phải – trái. Phán quyết của Tối cao Pháp viện là chung thẩm, không xét lại nữa.
Đó cũng là lý do tổ chức chính trị nào tại Mỹ cũng muốn các thẩm phán ủng hộ - chia sẻ quan điểm của mình chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện. Đạt được mục tiêu đó, Tối cao Pháp viện sẽ là nơi giúp tổ chức chính trị giải quyết những vấn đề hóc búa, chẳng hạn như cho phép phá thai hay cấm mà vì nhiều lý do, lập pháp thúc thủ, hành pháp bó tay bởi không thể dung hòa những khác biệt nhận thức, lợi ích cả trong hệ thống lập pháp, hành pháp lẫn dân chúng.
Từ đầu tháng 8 tới nay, sau khi Thẩm phán Anthony Kennedy từ chức vì tuổi cao, sức yếu, Tối cao Pháp viện Mỹ thiếu một người. Tám thẩm phán đương nhiệm trong Tối cao Pháp viện có bốn do các Tổng thống là người của Đảng Cộng hòa đề cử, bốn còn lại do các Tổng thống là người của Đảng Dân chủ đề cử.
Tổng thống Donald Trump đã chọn – giới thiệu Thẩm phán Brett Kavanaugh, một người nhiệt thành ủng hộ các quan điểm của Đảng Cộng hòa vào Tối cao Pháp viện. Thượng viện Hoa Kỳ với 100 ghế, các thành viên Đảng Cộng hòa đang giữ tới 51 phiếu thành ra chuyện đưa thêm một thẩm phán ủng hộ Đảng Cộng hòa vào Tối cao Pháp viện tưởng như sẽ là tất nhiên...
Không ai dè việc thực hiện "chủ trương lớn" của Đảng Cộng hòa gặp trục trặc. Bà Christine Ford – một giảng viên đại học, đột nhiên tố cáo, cách nay 34 năm, Thẩm phán Kavanaugh toan cưỡng bức bà khi cả hai đang học trung học... Lúc đầu, cả Tổng thống Trump lẫn giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa cùng cho rằng, tố cáo của bà Ford là chuyện… tầm ruồng, không thể xác minh, kết luận phải – trái, đúng – sai vì đã xảy ra cách nay ba thập niên, thậm chí lên án tố cáo ấy là âm mưu của Đảng Dân chủ - "thế lực thù địch, phản động" nhưng phản ứng của công chúng đã buộc họ phải nhượng bộ...
Ngày 27 tháng 9, Ủy ban Tư pháp của Thượng viện phải tổ chức một buổi điều trần, nghe cả bà Ford lẫn Thẩm phán Kavanaugh. Buổi điều trần được nhiều người xem là "đầy kịch tính" : Một Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa bị các nạn nhân của những vụ tấn công tình dục bao vây, chất vấn (1). Hai nữ Thượng nghị sĩ cũng của Đảng Cộng hòa cho rằng, điều trần chưa đủ. Cho đến giờ này vẫn chưa thể xác định bà Ford tố thật hay tố điêu nhưng Tổng thống Trump rồi các thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp của Thượng viện cùng lui thêm một bước : Yêu cầu FBI điều tra – như bà Ford và nhiều người khác đã từng đề nghị.
Chỉ vài giờ sau cuộc điều trần, tạp chí America của Jesuit (người Việt quen gọi là Dòng Tên) tuyên bố rút lại sự ủng hộ Thẩm phán Kavanaugh tham gia Tối cao Pháp viện. Cần nhớ Thẩm phán Kavanaugh là một tín đồ Công giáo và đã vài lần dẫn yếu tố từng là học sinh một tư thục danh tiếng của Dòng Tên, cũng như tuân thủ giáo lý Công giáo một cách nghiêm cẩn nhằm khẳng định ông không vô đạo đức như tố cáo của bà Ford. Trong Thư ngỏ gửi cho công chúng, America nhấn mạnh, ai tôn trọng quyền được sống của các thai nhi cũng ủng hộ Thẩm phán Kavanaugh trở thành thành viên Hội đồng Thẩm phán của Tối cao Pháp viện, song mặt khác, không thể không quan tâm đến cách thức quốc gia đối xử với nữ giới khi họ tố cáo bị quấy rối, bị tấn công và những tố cáo ấy có thể làm tiêu tan sự nghiệp của những nhân vật quyền lực. Một thành viên trong Hội đồng chủ biên của tạp chí vừa kể bảo với báo giới, sự quan tâm của America không chỉ giới hạn trong những vấn đề liên quan đến Hiến pháp mà còn bao gồm cả việc phải xem xét để quấy rối, lạm dụng tình dục được chú tâm xủ lý đúng mức vì đó cũng là đạo đức Công giáo (2).
***
Thời nào, ở đâu, các tổ chức chính trị cũng có tham vọng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Đảng Cộng hòa ở Mỹ cũng vậy nhưng "chủ trương lớn" (đưa Thẩm phán Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện để gia tăng khả năng kiểm soát, chi phối cả ba nhánh quyền lực của Mỹ) là một chuyện, thực hiện được hay không là chuyện khác. Chuyện khác đó phụ thuộc vào nhận thức của dân chúng. Xem mong muốn của dân chúng như rác, không lắng nghe, cưỡng cầu – thực hiện cho bằng được các "chủ trương lớn" thì toàn Đảng sẽ đi chỗ khác chơi vì ở những kỳ bầu cử sau đó, dân chúng sẽ chọn người khác của đảng khác.
Đâu phải tự nhiên mà hết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi tới Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem việc bàn luận, vận động cho "đa nguyên, đa Đảng" là… phản quốc. Với hiện tình chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội quốc gia như lúc này, đa số người Việt chỉ bàn luận sôi nổi về "nhất thể hóa" cá nhân đứng đầu tổ chức chính trị duy nhất với nguyên thủ quốc gia, không bận tâm thân phận, tương lai của chính mình, của con cháu mình là vàng hay rác thì rõ ràng "Đảng ta" còn vĩ đại lâu, còn rất nhiều du địa để soạn thảo – ban hành – thực thi vô số "chủ trương lớn" nữa. Năm 1962, ở Lễ Kỷ niệm 32 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh rất thản nhiên tuyên bố như thế này : "Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, Đảng ta thật là vĩ đại !". Giờ, liệu có thể nói thêm thế này : Sau tất cả những gì đã và đang xảy ra, có thể khẳng định, ‘Đảng ta’ thật là vĩ đại vì dân ta thật là… vô tư ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/10/2018
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=bshgOZ8QQxU
(2) https://www.vox.com/2018/9/28/17914064/america-jesuit-catholic-magazine-brett-kavanaugh-allegations
Có lẽ ít có lần đề cử thẩm phán vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nào mang tính căng thẳng và gây cấn như đối với thẩm phán Brett Kavanaugh kỳ này. Có nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn nằm trong bối cảnh chính trị của Hoa Kỳ hơn là chính cá nhân ông Kavanaugh.
Ứng viên tối cao pháp viện, Brett Kavanaugh và khung hình là bản Hiến Pháp Mỹ.
Trước hết cần nói về vai trò ngày càng quan trọng của ngành tư pháp.
Giáo sư Kermit Hall chia sẻ rằng triết gia người Pháp Alexis de Tocqueville, trong chuyến tham quan Hoa Kỳ đầu thế kỷ 19, đã có nhận định vào thời điểm đó rằng "Tôi không rõ có quốc gia nào trên thế giới này cho đến nay tổ chức quyền lực tư pháp trong cung cách giống như người Mỹ không… Một quyền lực tư pháp mang tính áp đặt hơn lại không bao giờ được cấu tạo bởi người dân" [1].
Chỉ có vài pháp viện khác trên thế giới có quyền lực về bề rộng và về hoạt động giống như Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Hall cho rằng Tối cao Pháp viện là sản phẩm của Hiến Pháp Hoa Kỳ, và là một trong các định chế mới ấn tượng nhất, nhưng đồng thời ít được tranh luận nhất, được hình thành từ Hội nghị Philadelphia năm 1787. Trong các nỗi quan tâm của các phái đoàn đến Philadelphia lúc đó có ý tưởng pháp quyền (the rule of law) bị đe dọa nghiêm trọng, do đó các nhà định hình Hiến pháp ban đầu muốn xây dựng một ngành tư pháp mạnh mẽ để bảo toàn các chuẩn mực mới của nền pháp luật toàn quốc và để mang lại một số hạn chế đối với các mong muốn phổ biến quá đà.
Tuy quan niệm và mong muốn xây dựng ngành tư pháp như thế, mãi cho đến năm 1935 Tối cao Pháp viện mới có tòa nhà riêng của mình. Tạp chí Economist biện luận rằng ngày hôm nay Tối cao Pháp viện chiếm vị thế trọng tâm nhưng ngày càng không thể đứng vững được (untenable) trong đời sống người Mỹ [2].
Nó là tâm điểm vì phần lớn đến từ sự bế tắc. Khi Quốc hội (tức Lập pháp) không thể thông qua các dự luật đơn giản, thuần tuý mang tính thương lượng chính trị với nhau, thì quyền lực của chính nó tràn sang Hành pháp và Tư pháp. Các vấn đề chính trị như phá thai hay hôn nhân đồng tính lại trở thành các vấn đề mang tính pháp lý, được dàn xếp bởi chín thẩm phán, trong đó không một ai được dân bầu lên.
Nó không thể đứng vững được là do vị thế thiên vị ngày càng gia tăng của pháp viện. Không phải lúc nào nó cũng như thế. Trước đây các tổng thống thuộc đảng Cộng hoà đã bổ nhiệm ba thẩm phán cấp tiến nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, gồm Earl Warren, William Brennan và Harry Blackmun, và kể cả Anthony Kennedy, mặc dầu ông Kennedy, người mới vừa quyết định về hưu, được xem là người giữ phiếu quyết định nhưng xoay chiều khi cần (swing vote). Trong khi đó, bốn thẩm phán có lập trường bảo thủ hiện nay đều do các tổng thống của Đảng Cộng hòa bổ nhiệm, và bốn thẩm phán cấp tiến đều do các tổng thống của Đảng Dân chủ bổ nhiệm.
Tiến trình đề cử thì ngày càng trở nên độc hại. Cộng hòa đổ lỗi cho thủ thuật của Dân chủ qua cuộc điều trần của Robert Bork, một ứng viên mà tổng thống Ronald Reagan đề cử. Dân chủ thì đổ lỗi cho Cộng hòa qua sự kiện cựu tổng thống Barack Obama đề cử thẩm phán Merrick Garland vào năm 2016. Cộng hòa lúc đó chiếm đa số ở thượng viện, do đó có quyền quyết định khi nào diễn ra cuộc điều trần. Họ đã ngâm tôm cuộc điều trần này bởi vì cuối năm 2016 diễn ra bầu cử lại một phần ba thượng viện, toàn hạ viện và bầu cử tổng thống. Ứng cử viên Cộng hoà Donald Trump, trong một cuộc vận động bầu cử lúc đó, đã phát biểu : "Quý vị phải bầu cho tôi… Quý vị biết tại sao không ? Thẩm phán Tối cao Pháp viện. Không có chọn lựa nào khác". [3]. Dân chủ mất cơ hội chọn thẩm phán theo quan điểm của mình.
Hiện nay Cộng hòa chiếm tỷ lệ 51 – 49 ở thượng viện, trong đó 47 thuộc Dân chủ, và hai thượng nghị sĩ độc lập. Đảng nào có hơn 50 ghế thượng viện là coi như nắm phần quyết định việc bổ nhiệm thẩm phán vào Tối cao Pháp viện. Cũng vì thế nên Trump đã thành công trong việc đề cử thẩm phán Neil Gorsuch vào Tối cao Pháp viện năm ngoái. Việc Trump đề cử thẩm phán Brett Kavanaugh, người đã và đang được điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ tuần qua, có lẽ sẽ không gặp khó khăn nào đáng kể mặc dầu vào giờ phút cuối, một người phụ nữ ẩn danh đã cáo buộc ông Kavanaugh từng xâm phạm tình dục đối với bà khi còn là học sinh [4]. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Dianne Feinstein đã đưa vấn đề này ra bàn cãi vào thứ Năm 13 tháng 9 vì cho rằng những lời cáo buộc này rất nghiêm trọng về tính cách của thẩm phán Kavanaugh.
Vì các tranh chấp và thủ thuật chơi nhau giữa hai đảng, như trình bày trên, Đảng Dân chủ sẽ không dễ dàng thông qua cuộc điều trần này, hay bỏ qua cơ hội đặt vấn đề khi có thêm các thông tin tiêu cực về Kavanaugh [5]. Tuy nhiên Carl Hulse thuộc báo New York Times nhận định rằng trước đây hai thẩm phán Clarence Thomas và Neil Gorsuch đã phải đối diện với bao điều cáo buộc về cung cách hành xử của họ trong giai đoạn cuối của cuộc điều trần, nhưng họ cuối cùng cũng được vào Tối cao Pháp viện ; do đó ngoại trừ các cáo buộc này chồng chất lên, Kavanaugh cũng sẽ ngồi vào ghế Tối cao Pháp viện thôi [6].
Thế nhưng vào lúc viết bài này thì vấn đề trở nên rắc rối hơn cho ông Kavanaugh. Người phụ nữ ẩn danh đó quyết định công khai danh tánh của mình trên báo Washington Post, kể chi tiết về vụ hành hung đó khoảng năm 1982, lúc bà chừng 15 tuổi, ông Kavanaugh chừng 17 tuổi. Bà tên là Christine Blasey Ford, 51 tuổi, hiện là một giáo sư nghiên cứu và giảng dạy tâm lý tại trường đại học Palo Alto, tiểu bang California [7]. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jeff Flake thuộc tiểu bang Arizona cho biết ông chưa sẵn sàng bỏ phiếu "Yes" cho đến khi ông biết thêm về vụ bà Ford [8]. Theo dự trù thì Đảng Cộng hòa muốn bỏ phiếu thông qua đề cử này vào thứ Năm 20 tháng 9, trong khi Đảng Dân chủ muốn hoãn lại và muốn có thêm thời gian.
Như đã trình bày trên, tiến trình tuyển chọn thẩm phán, từ đề cử bởi tổng thống đương nhiệm đến điều trần tại thượng viện, mang đầy tính đảng phái, thiên vị, do đó hoàn toàn không tốt cho ngành tư pháp và cho toàn nước Mỹ. Theo tạp chí Economist thì nó có khả năng làm què quặt ngành tư pháp vì hai cách. Một, nếu chỉ khi nào một tổng thống có đa số ở thượng viện mới có thể bổ nhiệm thành công một ghế trống ở Tối cao Pháp viện thì rất có khả năng là phần lớn thời gian tòa án không thể hoạt động với toàn lực của mình. Hai, tính chính nghĩa của tòa án phụ thuộc vào uy tín của nó như là một trọng tài trung lập khả tín.
Thẩm phán Kavanaugh, trong cuộc điều trần tuần qua, đã khẳng định lập trường rằng ông sẽ làm việc cùng với tám thẩm phán còn lại trong Tối cao Pháp viện như là một thành viên của đội (team player), và cương quyết dựa vào hiến pháp và pháp luật của Hoa Kỳ trong mọi quyết định của mình. Tuy thế, ông cũng khó thuyết phục phía Dân chủ hay những người khác rằng quyết định của ông sẽ hoàn toàn khách quan, không bị ảnh hưởng về các quan điểm có vẻ bảo thủ của mình.
Vì sự khác biệt quá sâu sắc trong xã hội Mỹ, và bao nhiêu quốc gia khác, về các vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua, từ các giá trị tôn giáo như phá thai đến các vấn đề chính trị bản sắc (identity politics) như hôn nhân đồng tính, cho nên nếu trước đây Tối cao Pháp viện phần lớn quyết định theo tuyệt đối, nhất trí với nhau, về nhiều vấn đề thì ngày nay không còn như thế nữa.
Với bốn thẩm phán bảo thủ, bốn thẩm phán cấp tiến, thì Kavanaugh, nếu được thượng viện thông qua, sẽ góp phần làm nghiên cán cân về phía bảo thủ. Ngoài ra, việc tổng thống Trump đề cử thẩm phán Kavanaugh cũng chính nó gây nhiều tranh cãi. Trump đang bị cho là có âm mưu vi phạm luật liên bang, và những người chung quanh Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 đang được điều tra có liên hệ như thế nào với Nga. Hiện giờ thì chưa rõ nhưng rất có thể Tối cao Pháp viện sẽ phải quyết định Trump có phải bị bắt buộc làm chứng trong cuộc điều tra này, hoặc có phải bị truy tố, và có được quyền tha thứ cho mình không v.v… Quan điểm của Kavanaugh liên quan đến các vấn đề này mang tính quyết định về cách tòa án quy định quyền hạn của tổng thống.
Khác với Tối cao Pháp viện Úc, ràng buộc trong hiến pháp rằng các thẩm phán phải về hưu ở tuổi 70, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ không giới hạn tuổi tác. Thẩm phán Kavanaugh hiện nay chỉ mới có 53 tuổi. Nếu được thượng viện thông qua, và nếu có sức khỏe, ông có thể tại nhiệm trong hai ba thập niên tới, và sẽ ảnh hưởng lớn lao lên nền tư pháp tới đây. Đảng Dân chủ không hề yên tâm về điều này, không chỉ vì khác quan điểm mà còn vì khá bực mình với Đảng Cộng hòa vì lẽ ra một ghế của Tối cao Pháp viện thuộc về thẩm phán Garland.
Tư pháp trong một nền dân chủ đích thực phải thực sự độc lập, vô tư/công bình (không bị chính trị hóa) và khả tín mới có thể hoàn thành sứ mạng công lý lớn lao của mình. Nó phải được sự tin tưởng cao cả thì mới phục vụ tối hảo cho mọi công dân dưới hiến pháp và pháp luật đó.
Tối cao Pháp viện có quyền quyết định nếu Lệnh Hành pháp (Executive Order) hay các bộ luật từ Lập pháp có hợp hiến không. Nghĩa là trách nhiệm và quyền hạn rất lớn và rất nặng về, trên cả hai ngành kia. Vì thế việc chính trị hóa ngành từ pháp của Hoa Kỳ trong thời gian qua, qua việc các tổng thống chỉ đề cử người có cùng quan điểm chính trị với đảng, đã làm giảm đi khả tín và tính lưỡng đảng (phi chính trị) của nền tư pháp. Như thế nó có thể làm giảm đi niềm tin của người dân Mỹ về nền công lý của quốc gia. Điều đó đã làm cho nhiều người chuyên môn quan tâm đệ trình một số cải tổ triệt để hoặc ôn hòa hơn.
Giới hạn nhiệm kỳ mỗi thẩm phán trong vòng 18 năm thay vì suốt đời là một đề nghị. Hoặc thay phiên mỗi 9 thẩm phán trong số 180 thẩm phán liên bang phục vụ trong vòng hai tuần, nhưng điều này sẽ gây nhiều khó khăn và cản trở về mặt hành chánh. Một cách khác nữa là số thẩm phán gia tăng lên 15 người, bởi trong hiến pháp không quy định bao nhiêu, số 9 hiện nay chỉ là theo thông lệ, kể từ năm 1869. 5 được Dân chủ đề chọn, 5 từ Cộng hòa, và 5 còn lại do các thẩm phán bầu chọn nhau. Dù kết quả ra sao đi nữa, cải tổ sâu sắc ngành Tư pháp hiện nay là điều hợp lý để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi sự năng động và thách thức không ngừng trong đời sống chính trị của người Mỹ hiện nay và tương lai.
Úc Châu, 17/09/2018
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 17/09/2018
Tài liệu tham khảo :
1. Kermit L. Hall, "The Law of the Land : The History of the Supreme Court", Course Guide, Utah State University, Recorded Books, 2003 ; trang 7.
2. "America’s highest court needs term limits ", The Economist, Leaders, 15 September 2018.
3. "How America’s Supreme Court became so politicised ", The Economist, Briefing, 15 September 2018.
4. "Brett Kavanaugh denies sexual misconduct in high school ", US & Canada, BBC, 14 September 2018.
5. "Ðảng Dân chủ quyết chận đề cử của TT Trump vào Tối cao Pháp viện ", VOA, 4 September 2018.
6. Carl Hulse, "New Kavanaugh Disclosure Shows Little Sign of Impeding His Nomination ", The New York Times, 15 September 2018.
7. Emma Brown, "California professor, writer of confidential Brett Kavanaugh letter, speaks out about her allegation of sexual assault ", The Washington Post, 16 September 2018.
8. Sheryl Gay Stolberg, "Brett Kavanaugh’s Confirmation in Turmoil as Accuser Comes Forward ", The New York Times, 16 September 2018.