Trong thực tế, chưa có ai từ bỏ đảng mà bị mất sổ lương hưu, vì nếu chính quyền cắt sổ hưu của người bỏ đảng là vi phạm pháp luật.
Bỏ ? Không bỏ (Đảng Cộng sản Việt Nam) ? - Ảnh minh họa
Từ bỏ ‘phản dân hại nước’ !
Sau tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam rất mạnh mẽ "Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, "tự diễn biến" thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy" của nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Chu Hảo - đương sự chính đang bị Ủy ban Kiểm tra trung ương của đảng đe dọa kỷ luật vì tội ‘suy thoái tư tưởng’ và ‘tự diễn biến’, đã thực sự làm một cuộc cách mạng đối với bản thân ông : "Càng ngày tôi càng nhận thức rõ hơn rằng tổ chức chính trị mà mình tham gia đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại" - tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản của Chu Hảo, ký vào ngày 26/10/2018 và được công bố 3 ngày sau đó.
Rất chia sẻ và xin chúc mừng nhà khoa học Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc và những trí thức khác đã xác quyết từ bỏ 'đường về nô lệ' và ‘phản dân hại nước’.
Đến ngày 29/10/2018, đã có ít nhất 11 người tuyên bố bỏ đảng :
1. Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo - tuyên bố bỏ đảng ngày 26/10/2018
2. Nhà giáo Mạc Văn Trang - tuyên bố bỏ đảng ngày 26/10/2018
3. Nhà văn Nguyên Ngọc - tuyên bố bỏ đảng ngày 26/10/2018
4. Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn - tuyên bố bỏ đảng ngày 26/10/2018
5. Trung Tá Trần Nam - tuyên bố bỏ đảng ngày 26/10/2018
6. Kỹ sư Hoàng Tiến Cường - tuyên bố bỏ đảng ngày 26/10/2018
7. Bạn trẻ Nguyễn Việt Anh - tuyên bố bỏ đảng ngày 26/10/2018
8. Trung úy quân đội Nguyễn Hữu Hiếu - tuyên bố bỏ đảng ngày 27/10/2018
9. Nguyên phó chủ tịch quận Bình Chánh Hà Quang Vinh - tuyên bố bỏ đảng ngày 27/10/2018
10. Cô giáo Dương Bích hà - tuyên bố bỏ đảng ngày 27/10/2018
11. Luật sư Lê Văn Hòa - tuyên bố bỏ đảng ngày 28/10/2018
Vì sao quá ít đảng viên dám bỏ đảng ?
Nếu lấy mốc thời gian từ đầu năm 2013 là lúc bùng nổ phong trào Kiến nghị 72 với khá nhiều nhân sĩ, trí thức xuất thân từ lòng đảng đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp để chuyển sang đa đảng, một số ít người dám công khai từ bỏ đảng từ đó đến nay đã chỉ làm nên một bức tranh ly khai phơn phớt. Con số từ bỏ quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng đã phản ánh tâm thế e ngại và e sợ vẫn bao phủ trong tâm não tuyệt đại đa số đảng viên, mặc dù nhiều người còn giữ thẻ đảng thừa nhận đã quá chán ngán chế độ chính trị và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.
Do bị gò bò bởi kỷ luật đảng và sợ ảnh hưởng đến vị thế chính trị lẫn công việc nên rất hiếm trường hợp đảng viên dám ra đảng trong lúc còn làm việc, mà chỉ đến khi nghỉ hưu mới có một ít người dám "xé rào". Cho tới nay, đây vẫn là một tâm lý bao phủ lên gần 4 triệu đảng viên.
Nhưng có một thực tế là ngay cả một ít đảng viên hưu trí từ bỏ đảng lại không hẳn xuất phát từ thái độ dứt khoát chia tay ý thức hệ hoặc phản kháng với một đảng tham nhũng, mà do những người này đã có những hoạt động bị đảng quy kết là "đa nguyên", thậm chí "ủng hộ các thế lực phản động", nên cấp ủy đảng gây sức ép khai trừ họ. Để tránh bị "hạ nhục", những đảng viên này đã chủ động tuyên bố ra đảng trước khi bị khai trừ.
Vào cuối năm 2013, có một đợt đồng loạt từ bỏ đảng diễn ra với 3 đảng viên (Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên), sau đó là rời rạc từng người. Rất nhiều văn bản chỉ thị và công văn lẻ chỉ đạo lẫn "vận động" của các cấp ủy đảng từ trung ương xuống địa phương đã bó chân những đảng viên chỉ chực chờ thoát khỏi vòng kim cô.
Thậm chí còn xuất hiện một hiện tượng khó tưởng tượng nếu xảy ra cách đây mười năm : bất chấp một quy định của Điều lệ đảng về việc đảng viên sẽ bị khai trừ nếu không đóng đảng phí trong 3 tháng liên tiếp, một số chi bộ địa phương sẵn sàng "tạm ứng" hoặc đóng luôn đảng phí của đảng viên, chỉ với điều kiện là đảng viên không đòi rút tên khỏi danh sách sinh hoạt đảng nơi cư trú.
Cho tới nay, công tác "vận động" vẫn tỏ ra hiệu quả tương đối với một số đảng viên "không biết nên ra hay nên ở". Cứ thấy đảng viên nào có biểu hiện "dao động tư tưởng" cấp ủy cơ quan hoặc cấp ủy địa phương lại tổ chức một đoàn đại biểu, có thể cả với thành phần "ủy viên" là công an, đến "làm việc" theo phương châm "vừa đấm vừa xoa". Thể loại răn đe vừa kín đáo vừa lộ liễu luôn theo cách "Ông rút tên thì không sao, nhưng cũng phải biết nghĩ cho tương lai con cái mình chứ !".
Có những đảng viên chẳng mấy quan tâm đến sổ hưu (vì trong thực tế chẳng có quy định nào tước sổ hưu của những người bỏ đảng, và cũng bởi những đảng viên này đã có cuộc sống đủ sung túc sau thời làm quan), nhưng cứ nghe đến chuyện "con cái chúng ta" là lập tức từ bỏ ngay ý định từ bỏ đảng.
Hiển nhiên, một trong những lý do chính mà nhiều đảng viên không dám công khai, kể cả âm thầm từ bỏ đảng là lo sợ bị chính quyền gây áp lực hoặc trả thù. Khi thấy kết quả thuyết phục và "giáo dục tư tưởng" không ăn thua, cấp ủy đảng và cơ quan chính quyền liền gây áp lực bằng cách đe dọa cắt bớt chế độ hưu trí, gây khó khăn về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chế độ hộ khẩu… Nhưng thường nhất là chính quyền và công an gây khó khăn đối với người thân của người bỏ đảng, đặc biệt về công ăn việc làm. Đó là nguyên do chủ yếu để những người muốn bỏ đảng phải chấp nhận bỏ đảng trong âm thầm, bị khai trừ hoặc chưa dám ra đảng.
Thoái đảng và bỏ đảng có bị mất sổ lương hưu ?
Trong khi quá ít đảng viên dám bỏ đảng, tình trạng thoái đảng lại diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam.
Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy "nhắc nhở", thì coi như không sinh hoạt đảng và cũng xem như đã "ra đảng". Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình…
Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn – có thể lên đến 50 - 60%, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước đây và còn chưa tới đáy.
Nếu như những năm trước, có những người muốn bỏ đảng nhưng vẫn lo sợ bị chính quyền cắt sổ hưu hoặc bị sách nhiễu bản thân và thân nhân, thì với một số trường hợp bỏ đảng từ năm 2013 đến nay, đặc biệt gần đây như ông Võ Văn Thôn – cựu giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Hòa – cựu chuyên viên Ban Nội chính Trung ương, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà báo Tống Văn Công - nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động… cho thấy áp lực và thủ đoạn gây khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân giảm hẳn. Thậm chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí, xuất thân từ lực lượng vũ trang như quân đội và công an, cũng muốn công khai bỏ đảng.
Trong thực tế, chưa có ai từ bỏ đảng mà bị mất sổ lương hưu, vì nếu chính quyền cắt sổ hưu của người bỏ đảng là vi phạm pháp luật.
Hãy từ bỏ Đảng cộng sản !
Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò "lãnh đạo toàn diện" trong nhiều qua đã khiến cho rất nhiều đảng viên đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
Kết quả của cơ chế "lãnh đạo toàn diện" của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng độc trị và độc tài, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội Việt Nam lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi khổng lồ không thương xót đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu hơn 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.
Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế ? Trong tâm trạng tuyệt vọng, nhiều đảng viên đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự "lãnh đạo toàn diện" của Đảng cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước "của dân, do dân và vì dân", Đảng cộng sản hiện thời chỉ còn là cái mà nhà văn Nguyên Ngọc đã xác quyết mạnh mẽ chưa từng có : phản dân hại nước.
Đến lúc này, lời thề trung thành với Đảng cộng sản của rất nhiều đảng viên đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận. Một khi đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao những đảng viên còn lương tâm phải tiếp tục trung thành với nó ?
Lời thế đó đương nhiên bị xóa bỏ.
Nhưng những người xác quyết xóa bỏ lời thề trung thành với Đảng cộng sản chẳng có gì phải áy náy, bởi lương tâm họ đã chọn Nhân Dân, và khi đã từ bỏ đảng, họ vẫn sống và đấu tranh theo đúng lời thề lương tâm của mình : vì Nhân Dân.
Đất nước này, xã hội này đang tràn ngập những chỉ dấu bất ổn và chuẩn bị biến động như thời chỉ vài ba năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990. Khi đó, Đảng cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên và cả 5 triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an, nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi mang tính quy luật của lịch sử. Việt Nam cũng đang và sẽ như vậy chỉ trong ít năm nữa, bất chấp số đảng viên được xem là "trung thành" còn tới gần 4 triệu người. Và cũng chỉ trong ít năm nữa thôi, sẽ có nhiều hơn hẳn đảng viên không vì phải chịu sức ép khai trừ mà sẽ hoàn toàn chủ động chia tay với đảng, chia tay với một chính đảng phi nhân bản để kiếm tìm một bến bờ mới hứa hẹn nhân văn hơn rất nhiều.
Từ lâu, Đảng Cộng sản Việt Nam khoe hoài chuyện nhờ có đoàn kết nhất trí trong đảng mà Đảng đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhưng riêng chuyện nhiều đảng viên đã chán đảng đến tận mang tai nên bỏ sinh hoạt và nghỉ chơi luôn với đảng thì các dư luận viên lại giấu đi để xuyên tạc và mạ lỵ.
Cho dù cố gắng tô vẻ lại, Đảng Cộng sản Việt Nam đang rữa như con mắm
Bằng chứng như báo Quân đội nhân dân viết ngày 18/09/2017 :
"Thời gian gần đây, lợi dụng việc một vài cá nhân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi Đảng, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị lại được dịp "đục nước béo cò", thông qua một số trang điện tử và mạng xã hội để xuyên tạc bản chất và truyền thống cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những giọng điệu hết sức hằn học theo kiểu "bới lông tìm vết", các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị ra sức cổ súy, cho rằng việc xin ra khỏi Đảng của một vài cá nhân là "hết sức đúng đắn", "là sự tỉnh táo", "là những người có danh dự"…
Ông Nguyễn Phước Tương, alias Tương Lai, nguyên là Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam, viết thư ra khỏi đảng 18/09/2017
Thời điểm xuất hiện bài viết của Quân đội nhân dân cũng đáng chú ý vì nó ra mắt công chúng sau 16 ngày Giáo sư Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương, nguyên là Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam, sinh năm 1936 tại Thừa Thiên - Huế) đưa ra tuyến bố :
"Tôi là Tương Lai, vào Đảng Lao Động Việt Nam ngày 6/1/1959, đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm nay 2/9/2017 tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh".
Quyết định của Giáo sư Tương Lai, nguyên là một trong số tư vấn của hai nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã gây tiếng vang và tranh luận khắp nơi.
Bản chất và truyền thống gì ?
Nhưng điều mà báo Quân đội nhân dân gọi là "bản chất và truyền thống cách mạng của Đảng" là cái quái gì thế ?
Báo này ba hoa chích chòe rằng bản chất và truyền thống ấy là :
"Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục tiêu nào khác là phấn đấu, hy sinh vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc, để "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Nhưng những loại người dân nào được đảng cho hưởng diễm phúc này ? Nếu các dư luận viên không nói cho đúng và trúng thìsẽ bị dân chửi mệt nghỉ.
Bởi vì" Bác của các anh", ông Hồ Chí Minh, đã nói như thế với các phóng viên nước ngoài từ năm 1946. Ông bảo họ :
"Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ǎn áo mặc, ai cũng được học hành".
(Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21/1/1946).
Vậy mà bây giờ đã 71 năm rồi, kể từ sau ngày ông Hồ nói câu này (1946-2017), nước Việt Nam vẫn chưa "hoàn toàn độc lập" vì chủ quyền lãnh thổ vẫn có một phần nằm trong tay quân xâm lược Tầu ở dọc biên giới phía bắc và tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Các dư luận viên ăn báo hại dân cũng nên thành thật để hỏi nhau xem nhân dân đã "hoàn toàn tự do" chưa, hay chỉ có những kẻ có chức có quyền và con ông cháu cha mới nằm trong hàng ngũ "ai cũng có cơm ǎn áo mặc, ai cũng được học hành" ?
Còn chuyện tầm phào nói đảng đã "hy sinh vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc" từ khi ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 thì chưa được chứng minh trong đời sống nhân dân đâu.
Nếu không tin thì các quan chức to đầu của đảng cứ việc bảo tài xế lái xe đưa đến thăm dân tại các bãi rác Đồng Tràm (xã Cửa Cạn) và bãi rác ấp 7 (thị trấn An Thới), Phú Quốc thì biết ngay dân hạnh phúc dưới lá cờ đảng đến mức nào. Nếu chưa thỏa tính tò mò thì ghé về hai bãi rác Hòa Thành và Bến Cầu (Tây Ninh), hoặc ra ngay bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội) để thăm dân cho biết sự tình thế nào chứ đừng ngồi nhà nói phét.
Có lẽ vì lâu nay quen sống xa dân nên lãnh đạo không biết dân cơ cực ra sao với chiếc bánh vẽ xóa đói giảm nghèo hay công bằng xã hội giả tạo, dân chủ trá hình và văn minh tụt hậu. Vì thế mà họ không hiểu tại sao đã có tới 40% đảng viên tự cho mình quyền "không sinh hoạt đảng nữa", và nhiều người nổi tiếng khác thì tuyên bố ra khỏi đảng kể từ khóa đảng XI.
Cũng chính vì tình trạng đảng viên không còn coi Điều lệ đảng ra gì nữa nên họ cứ tự ý làm những việc "không được phép làm" để cho vinh thân phì gia và thỏa chí tang bồng.
Nhưng để hạ thấp mức nghiêm trọng của tình trạng bỏ đảng hay "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, báo Quân đội nhân dân đã mỉa mai rằng :
"Trước hết cần nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ về việc một số cá nhân xin ra khỏi Đảng thời gian qua và âm mưu lợi dụng xuyên tạc nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị".
Điểm qua tên tuổi những người xin ra khỏi Đảng được những kẻ rắp tâm hại đảng, hại dân liệt kê trong các bài viết đăng trên một số trang báo điện tử ở nước ngoài, hoặc qua mạng xã hội thì việc xin ra khỏi Đảng của họ cũng không khó hiểu. Không phải đến bây giờ, những người một thời mang danh đảng viên mới bộc lộ tư tưởng, mà một thời gian dài, họ đã lợi dụng dân chủ nói và viết trái với quan điểm, đường lối của Đảng ; trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước ; trái với nguyện vọng và tình cảm của tuyệt đại đa số nhân dân".
Đoạn văn này cũng có ít điều đánh tráo khái niệm thật và giả cần phải đem ra ánh sáng như bảo rằng, những thông tin nói về đảng viên bỏ đảng có "hại cho đảng" thì đã đành, nhưng cũng "hại dân" nữa thì không ổn chút nào. Bởi vì chuyện bỏ đảng của đảng viên làm sao mà hại cả đến dân, hay là báo Quân đội nhân dân muốn nhập nhằng đánh tráo chữ nghĩa để đồng hóa đảng với dân hòng giảm bớt nỗi ê chề cho đảng ?
Đảng viên ra đảng
Vậy phải chăng khi báo Quân đội nhân dân cố ý hạ uy tín những người bỏ đảng là "những người một thời mang danh đảng viên" dù họ là những người trọng tuổi có uy tín, học cao và có thành tích trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng là loại xoàng thôi sao ?
Ông Lê Hiếu Đằng viết thư ra khỏi đảng ngày 4/12/2013 sau hơn 40 năm phục vụ
Vậy chứ những người như Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên bố ra khỏi đảng ngày 4/12/2013, sau hơn 40 năm theo đảng, có ý nghĩa gì không ?
Ông Lê Hiếu Đằng, người đã qua đời ngày 22 tháng 1 năm 2014, nói với VOA Việt ngữ ngày 5/12/2013 :
"Tôi ở trong đảng lâu năm, cũng hy vọng đảng sẽ có chuyển biến, nhưng bây giờ nhận thấy rằng đảng càng ngày càng tệ, không có sự chuyển biến gì mà lại trở thành lực cản trở cho sự phát triển của đất nước. Nếu mình đứng làm thành viên trong đảng thì sau này mình cũng có trách nhiệm. Thành ra thôi, mình rút ra. Rút ra trở thành một công dân tự do để mình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, dân quyền, nhân quyền, và môi trường, vốn là những vấn đề thực tế của con người. Chủ nghĩa xã hội nó đã tanh bành như ở Liên Xô rồi, mình còn đi theo làm chi nữa".
Ông Tống Văn Công tuyên bố ra khỏi đảng năm 2014 sau 56 năm trung thành hoạt động cho đảng cộng sản.
Hơn một năm sau ngày ông Đằng qua đời, vào ngày 25 tháng 2 năm 2014, cựu Tổng biên tập báo Lao Động Tống Văn Công, tác giả hồi ký 'Đến già mới chợt tỉnh- Từ theo cộng đến chống cộng' (Người Việt Books xuất bản và phát hành năm 2016) cũng tuyên bố bỏ đảng. Ông Công viết :
"Trải qua 56 năm hoạt động trong Đảng, nay nghiệm lại, thức tỉnh, ngấm được nỗi đau lầm lạc vào con đường lịch sử, buộc dân tộc vào tròng độc tài đảng trị che giấu sau chiếc mặt nạ tự do, dân chủ".
Vì vậy, khi được BBC (tiếng Việt) hỏi ông đã "hối tiếc nhất điều gì", ông đáp : "Đó là tự nguyện làm công cụ của Đảng chứ không phải thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nhân dân" (BBC, 30/11/2016).
Trong Lời chia tay với Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25/02/2014, cựu Tổng Biên tập báo Lao Động viết :
"Càng tự hào về lý tưởng cao cả mà mình đã bỏ cả đời để phục vụ, tôi càng day dứt, xấu hổ vì sự thoái hóa, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ những người trong guồng máy lãnh đạo, khiến Đảng cầm quyền phạm nhiều sai lầm, làm mất hết niềm tin của nhân dân, làm khoảng cách tụt hậu của đất nước càng ngày càng xa so với các nước khu vực. Những người lúc nào cũng hô hào kiên trì ý thức hệ lỗi thời, cấm không được tự diễn biến, thực ra, họ chỉ nhằm duy trì quyền lực, khai thác "lợi ích nhóm", làm giàu cho bản thân, bất chấp thiệt hại của nhân dân lao động và đất nước…".
Thế rồi ông dứt khoát :
"Vì những lẽ đó mà thời gian qua, tôi hết sức tự kiềm chế, cố gắng tiếp tục đứng trong hàng ngũ Đảng để cùng với các đảng viên chân chính trực tiếp đấu tranh, góp ý xây dựng Đảng, hi vọng những người lãnh đạo nhận ra sai lầm, vứt bỏ ý thức hệ lạc hậu, tiến tới một Đại hội Đảng đổi mới lần 2 : Đổi mới chính trị, thực hiện nhà nước pháp quyền đúng như các thể chế chính trị hiện đại. Từ đó mà vực dậy niềm tin đang cùng kiệt của nhân dân, tiếp tục sứ mệnh mà đảng viên và nhân dân giao cho.
Hôm nay, con đường ấy đã bị chặn lại. Đau lòng lắm, nhưng phải đành vậy thôi ! Từ giờ phút này, từ ngày hôm nay, 25/2/2014, tôi xin nói lời chia tay với Đảng Cộng sản Việt Nam".
Ông Nguyễn Đình Cống tuyên bố ra khỏi đảng ngày 03/02/2016
Người nổi tiếng thứ ba lìa khỏi đảng là nhà giáo tại Đại học Xây dựng đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Đình Cống cũng viết trêng trang báo cá nhân :
"Tôi thông báo từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 03 tháng 02 năm 2016. Yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên tôi khỏi danh sách".
Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư Cống, người chia tay đảng sau 31 năm, cho biết nguyên nhân việc làm của ông :
"Thực ra ý định ra khỏi Đảng có từ lâu rồi. Nhưng tôi vẫn muốn kéo dài ra đến Đại hội 12 vì trước đại hội 12, tôi cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho đại hội, muốn đại hội thảo luận, trao đổi. Tôi chờ xem thử đại hội có trao đổi, thảo luận gì không, có chuyển biến gì không. Rồi sau đại hội, không thấy chuyển biến gì cả thì tôi quyết định dứt khoát ra khỏi Đảng".
Giáo sư Cống tiết lộ với BBC những ý kiến ông đã nói với lãnh đạo đảng :
"Tôi có nêu ý kiến chủ nghĩa Marx-Lenin là không thích hợp nữa, nên bỏ nó đi. Chứ đừng có kiên trì Marx-Lenin, bỏ cái đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà phải xây dựng một thể chế dân chủ, tam quyền phân lập, bỏ cái việc toàn trị của Đảng, bỏ quốc hữu hóa ruộng đất. Nghĩa là phải thay đổi thể chế chính trị, chứ không phải giữ nguyên như thế này".
Tuy nhiên, Giáo sư Cống cho biết đã "không nhận được bất kỳ một phản hồi nào hết".
Vậy thì ra đôi khi cứ nghe đảng nói dai, nói dài và nói mãi thì nhiều người lầm tưởng rằng đảng vẫn tròn vo một cục ai ngờ nó đã rữa ra như con mắm.
Phạm Trần
(20/09/017)
------------------
Kính tặng những người trả thẻ đảng cộng sản Việt Nam
anh nói chẳng tiếc gì quyền lợi đảng viên
có tiếc là tháng năm đã mất
làm cán bộ chuyên cần
như một con trâu kéo cày
bị xỏ mũi bằng sợi dây thừng xã hội chủ nghĩa
mấy chục năm học tập giáo điều Mác-xít
tư tưởng cộng sản ngấm sâu vào đầu
nhìn ngang dọc trước sau
chỉ thấy quyền lợi đảng
anh vẫn trân trọng giữ những kỷ vật
đôi dép cao su đúc
cái mũ lá sen
bi đông đựng nước
túi thuốc cá nhân
bộ quân phục bạc màu...
nhưng mỗi lần nhìn chúng
lại thấy ruột thắt lòng đau
cảm giác cay đắng bị các đồng chí phản bội dâng trào
khi những đoàn cán bộ cộng sản say máu hô hào
đào tận gốc trốc tận rễ
đem địa chủ đấu tố rồi giết
trong cuộc cải cách ruộng đất
họ biến thành những kẻ sát nhân
con cái đấu tố cha mẹ
học trò đấu tố thầy
người chịu ơn đấu tố kẻ cho ơn
từ đấu tranh chống bóc lột nông thôn
chuyển sang vô sản trả thù chủ nông
bằng những hành động giết người tàn ác dã man
anh biết khủng hoảng đạo lý ở đâu
anh biết đấu tranh giai cấp ở đâu
khi xảy ra vụ án Nhân Văn Giai Phẩm
những trí thức văn nghệ bị lôi ra kiểm thảo
bị bắt đi thực tế bị tù
bị truy bức suốt cuộc đời
những tinh hoa sáng tạo dân tộc
bị hành hạ đọa đày
khi bọn công an văn hóa
đục chữ chưa đủ phải đục người
cho tan tành vỡ nát
sống trong nghèo đói tủi nhục
thơ văn viết không có chỗ đăng
tài năng không được dùng
vì ai cũng sợ liên lụy
anh biết đàn áp tự do tư tưởng ở đâu
anh biết sự trù dập nhân tài ở đâu
khi sau ngày thống nhất đất nước
Đảng bắt đi học tập cải tạo hàng loạt
hàng trăm ngàn công chức sĩ quan chế độ cũ
họ bị giam trong những trại lao động tập trung
nơi rừng thiêng nước độc
thiếu ăn thiếu mặc thiếu thuốc men
như những người mang án khổ sai
có người bị tù mười năm mười lăm năm...
bị đày đọa thể xác và hành nhục tinh thần
chết héo mòn vì bệnh tật
lúc được thả thì thân tàn ma dại
khi nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị cày xới
bia mộ sụp đổ ngổn ngang
lau sậy mọc um tùm
cảnh vật tiêu điều hoang phế
người sống không tìm được mộ người chết
anh biết chiêu bài hòa hợp hòa giải dân tộc giả dối ở đâu
anh biết thủ đoạn trả thù ở đâu
khi Đảng đánh phá tư sản mại bản
tố cáo truy nã thương nhân
bắt kê khai rồi tịch thu tài sản
hàng triệu người phút chốc trắng tay
con cái không được học hành
đi lao động vùng kinh tế mới
ở lều ở chòi ăn sắn ăn khoai
ốm đau khổ cực
hàng trăm ngàn người phải liều mạng vượt biên
để tìm tự do và nhân quyền
dù phải vùi thây nơi biển cả
còn hơn sống lất lây trên đất nước mình
anh biết sự tước đoạt quyền tư hữu ở đâu
anh biết băng đảng cướp ngày ở đâu
khi các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền
treo biểu ngữ yêu nước
về Trường Sa Hoàng sa
bị cáo buộc tội xâm hại an ninh quốc gia
bị qui chụp là tay sai "thế lực thù địch"
bị kết án bị cầm tù
khi những bloggers bị bắt
vì viết ra sự thật về xã hội bất công
khi nhà báo bị mất việc vì tố cáo tham nhũng
khi biên tập viên bị cách chức vì thiếu xót kiểm duyệt
khi nhóm trí thức IDS phải tự giải thể
vì mất độc lập tư duy
bị đe dọa đem ra xử lý
anh biết đàn áp tự do ngôn luận ở đâu
anh biết cùm gông trí tuệ ở đâu
khi công an và bọn xã hội đen
hành hung các cha và giáo dân đòi đất nhà thờ
nhưng những ngọn nến hiệp thông vẫn cháy
khi công an và du đãng giả dạng phật tử
đánh đập trục xuất tăng ni khỏi chùa
nhưng những tiếng chuông tỉnh thức vẫn ngân
anh biết niềm tin tôn giáo ở đâu
khi công an và băng đảng đánh thuê
chỉ khác nhau ở bộ đồng phục
nhưng cùng những hành động côn đồ
anh biết bạo lực dối trá ở đâu
anh biết chính sách đàn áp tôn giáo ở đâu
khi dân oan khiếu kiện mất nhà mất đất
dinh quan mọc lên như nấm
khi nghĩa trang liệt sĩ hoang tàn
nhà thờ họ thủ tướng lớn như lăng
khi những đảng viên cao cấp
có kẻ đem hàng trăm ngàn đô la đi đánh bạc
nhiều bộ đội anh hùng sau ngày giải ngũ
phải đi bán rau sửa xe đạp
khi những đại gia ăn chơi trác táng
công nhân làm phụ trội vẫn không đủ ăn
khi quan chức tiệc tùng linh đình
mấy đứa trẻ rách rưới chầu chực
ở hàng quán xin thức ăn thừa
khi thanh niên nghèo phải đi xuất khẩu lao động
khi thiếu nữ nghèo phải lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan...
khi đất Pháp xuất hiện những người rơm
anh biết bất công tham nhũng bóc lột ở đâu
anh biết bạo quyền ức chế dân ở đâu
anh biết nguyên nhân đất nước nghèo đói ở đâu
vẫn với chiêu bài quốc gia dân tộc
Đảng lừa dân qua chính sách mị dân
khi nghệ sĩ sáng tạo phải tự cảnh giác
thơ văn tranh ảnh chỉ để minh họa hay tuyên truyền
trở nên nhạt nhẽo
khi những thạc sĩ tiến sĩ nước ngoài
lao vào ngọn lửa xã hội chủ nghĩa
như những con thiêu thân
tìm quyền lợi địa vị danh vọng
để được khen tặng trao bằng
anh biết mồi nhử việt kiều ở đâu
anh biết văn nô, bồi bút và ngụy trí thức ở đâu
khi Trung Quốc tự coi họ là thiên triều
vua quan ta còn phải đi sứ
triều cống mỗi năm
khi cái lưỡi bò chín đoạn
liếm hết các đảo biển Đông
thuyền chài bị tàu lạ đâm
ngư dân bị cướp của hành hung
khi Tây Nguyên cái nóc Đông Dương
mai phục đội quân xâm lược
đội nón công nhân bauxite
khi công ty ngoại nhân thuê rừng đầu nguồn
anh biết tham vọng nước lớn bá quyền ở đâu
anh biết nguy cơ mất nước ở đâu
khi ruộng lúa nông trường biến thành sân cù
khi sông cạn vì ô nhiễm
khi rừng trọc vì lâm tặc
khi Vinashin là tập đòan đóng tầu rỉ rỏ dollars
khi mua bán bằng cấp là chuyện thường tình
khi tòa án là trò hề công lý
khi quốc hội là đại biểu của Đảng
khi Đảng phải luôn cổ động học tập
tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
khi quân đội phải thề trung thành với Đảng
anh biết sự phá sản kinh tế ở đâu
anh biết sự khủng hoảng giáo dục ở đâu
anh biết sự thao túng luật pháp ở đâu
anh biết sự thoái hóa quân sự chính trị ở đâu
khi lần lượt các chế độ cộng sản thoái vị
ở Ba Lan, Hung, Tiệp, Đông Đức, Lỗ Ma Ni...
khi các khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô tan vỡ
khi bức tường Bá Linh sụp đổ
không xe tăng không lưỡi lê không súng nổ
chỉ ý chí và lòng cương quyết người dân đủ mọi thành phần
giới sinh viên trí thức công nhân
giới buôn bán văn nghệ sĩ nông dân
tất cả đấu tranh bất bạo động
trong phong trào diễn biến hòa bình
để được hít thở bầu khí chính trị tự do
anh biết lý tưởng dân chủ ở đâu
anh biết sức mạnh đấu tranh tất yếu ở đâu
anh tâm sự sau nhiều đêm thức trắng
anh đã nghĩ chín nghĩ cạn cùng
anh không muốn tiếp tục ngồi trên chiếc xe lửa
chạy vô định trên đường rầy xã hội chủ nghĩa
vì anh đã mất tất cả niềm tin
vào ủy ban trung ương Đảng
những kẻ mắc bệnh kinh niên
say mê quyền lực
sẵn sàng bán nước buôn dân
trong góc khuất lịch sử Việt Nam
quan nhất thời dân vạn đại
anh tin đảng Cộng Sản sẽ tàn
anh quyết định bỏ Đảng
vì lương tâm và lòng tự trọng thế thôi
Bắc Phong
Nguồn : http://bacphong.blogspot.fr, 02/02/2011
Vậy là cuối cùng ông Tương Lai, một trí thức khá nổi tiếng trong nước đã rời bỏ đảng cộng sản, nhưng với một quyết định nửa vời, nghĩa là không dứt khoát, tự cho vẫn còn là đảng viên đảng Lao Động Việt Nam của ông Hồ Chí Minh.
Giáo sư Tuong Lai tại tư gia tại Sài Gòn.
Tôi rất quý trọng ông Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương) một trí thức hiếm hoi đất Thừa thiên - Huế, khá uyên bác, học nhiều, hiểu biết uyên thâm, có tư duy độc lập, gần đây nổi tiếng về các bài viết "Mông mênh thế sự, để gió cuốn đi…" sưu tầm tài liệu khá công phu, đặc sắc, tôi vẫn chờ để đọc kỹ hàng tuần. Gần đây nghe nói ông ốm, nhưng bút lực vẫn sung sức, tỏ ra ông đã khỏe.
Tôi mừng khi biết tin ông bỏ đảng cộng sản hiện nay mà ông gọi là đảng của Nguyễn Phú Trọng, khi đảng đã thoái hóa, biến chất thành những nhóm đặc quyền, đặc lợi tranh giành nhau quyền lực và tài sản.
Tôi biết đây là một quyết định không đơn giản, khá dằn vặt, đau đớn, khi chế độ đã phong ông là Giáo sư, là Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng biên tập tạp chí Xã hội học, một thời là cố vấn cho các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Hồi chuẩn bị cho Đại hội XII của đảng cộng sản, ông Tương Lai đã cùng 125 trí thức - phần lớn là đảng viên cộng sản, viết thư yêu cầu đổi tên của đảng cộng sản và đổi tên nước, không gọi là đảng cộng sản và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa nữa. Đây là một đòi hỏi rất chính đáng, phù hợp với ý muốn của đông đảo nhân dân, của lẽ phải, hợp thời đại. Rất tiếc là Bộ chính trị đã khinh thị bỏ qua yêu cầu này.
Tôi rất đồng ý với ông Tương Lai khi ông lên tiếng phê phán ông Trọng một cách nghiêm khắc chính đáng. Tôi chia sẻ sự đánh giá rất ngay thật công bằng của ông vì bản thân tôi cũng đã có lần gặp gỡ, trò chuyện với ông Trọng hồi 1988 – 1989 khi ông Trọng là ủy viên ban biên tập của Tạp chí Cộng sản, khi tôi là phó Tổng biên tập nhật báo Nhân Dân kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân dân Chủ nhật. Ông đã 2 lần ghé nhà tôi để yêu cầu viết bài cho tạp chí về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1988 sau khi tôi dự họp ở Liên hợp Quốc – New York về. Khi ấy ông đi chiếc xe đạp cũ, ghé qua nhà tôi, hỏi chuyện về Hoa Kỳ và chăm chú nghe tôi kể về Hoa Kỳ, về cuốn sách "the best and the brightest" của David Halberstam tôi đang đọc về những bộ óc tài giỏi xuất sắc nhất của nước Mỹ đã bế tắc ở Việt Nam. Ông tỏ ra rất kém hiểu biết về phương Tây vì mới học ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc và mới biết có nước Nga, khi tiếng Nga ông nói chưa sõi, sai cả danh từ và văn phạm, còn không biết chút gì về tiếng Pháp, tiếng Anh. Tôi rất lo ngại một con người còn thấp kém, thiếu tư duy, hiểu biết như thế mà lại là lãnh tụ số 1 của Đảng và Nhà nước thì nguy hiểm quá ! Một con người cô đặc giáo điều máy móc cực đoan, không thể có ai bảo thủ hơn !
Trái lại tôi rất tiếc là ông Tương Lai còn sùng bái ông Hồ Chí Minh. Ông đã tự mâu thuẫn với mình, không nhất quán với chính mình khi ông tự bảo công bằng, tôn trọng sự thật lịch sử.
Với thời gian, mọi thần tượng giả tạo, bản chất thật của ông Hồ đã lồ lộ rõ ràng. Một trí thức có tư duy độc lập không thể mù quáng lâu.
Ông Tương Lai có biết ai đã mang tên Trần Dân Tiên để viết nên tiểu sử tự tâng bốc mình là "Cha già dân tộc", còn vĩ đại hơn Trần Hưng Đạo, Quang Trung ?
Ai đã quỵ lụy xin phép Staline và vâng lời Mao để tiến hành Cải cách ruộng đất theo chỉ đạo của đoàn Cố vấn Tàu, giết hại 17.000 trung nông – trí thức yêu nước kháng chiến chống Pháp, bị vu cáo là địa chủ - ác ôn, bị bắn chết và chôn sống.
Ai trong thâm tâm không muốn xuất khẩu bạo lực vào miền Nam, ai không muốn coi vũ trang là bảo bối theo phương châm của Mao "chính quyền ở đầu ngọn súng", ai e ngại cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 là mạo hiểm, giá sinh mạng qua đắt, mà không dám can ngăn, không dám ra mặt chống lại bộ ba khát máu Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Nguyễn Chí Thanh, là Chủ tịch đảng, là lãnh tụ số 1, là Chủ tịch nước mà ươn hèn, không dám có lập trường vững, để mặc cho bọn gian thần lộng hành mang lại thương vong hàng triệu sinh linh trẻ của 2 miền Nam Bắc, ông Hồ thật sự đáng chê trách, đáng lên án nặng nề nhất.
Hồi ấy tôi rất gần tướng Giáp. Ông rất tiếc là ông Hồ không nghe ông để can ngăn những quyết định "chủ quan, ngông cuồng, nguy hiểm khôn lường của 2 ông họ Lê", khi ông Giáp, cùng tướng Hoàng Văn Thái và tướng Lê Trọng Tấn đều suy nghĩ như nhau, coi Tổng tiến công tổng khởi nghĩa là chủ quan, liều lĩnh. Chỉ có ông Hồ là có quyền ngăn cản cuộc manh động phiêu lưu.
Cái rất đáng trách là ông Hồ chịu để cho bọn hiếu chiến cực đoan coi miền Nam ruột thịt là kẻ tử thù, đuổi ông sang Tàu nghỉ ngơi, đuổi ông Tổng tư lệnh Giáp sang Hungari dưỡng bệnh, để chúng tư do mở ra cuộc chiến Mậu Thân đẫm máu, một cuộc tự sát bi đát, chà đạp lên cam kết quốc tế "tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Nam Việt Nam", cam kết "không dùng vũ lực để thôn tính nhau giữa 2 miền" ghi rõ trong Hiệp Định Gieneve 1954.
Thật là buồn cười khi ông Tương Lai muốn trở lại khôi phục đảng Lao Động Việt Nam ! Tôi phải nói thật là ông lẩm cẩm rồi ! Lẽ ra ông phải nhìn về tương lai phía trước – như chính tên ông – thì ông lại ngoái cổ về quá khứ ! Đảng Lao Động ai chả biết ra đời tháng 2/1951 chỉ là cái mặt nạ của đảng cộng sản Đông Dương, giả vờ giải tán ngày 11/11/1945, thật ra là rút lui vào bí mật. Chính dưới cái mặt nạ đảng Lao Động mà đảng cộng sản đã làm cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu người yêu nước, làm cho nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp điêu đứng cho đến ngày nay. Chính dưới danh nghĩa đảng Lao Động mà đảng cộng sản làm hợp tác hóa - cải tạo nông thôn, cải tạo công - thương - nghiệp, rồi tự đề ra phương châm’’ đất đai là thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý’’ để cướp ruộng đất của nhân dân, để tự cho mình quyền thu hồi với đền bù rẻ mạt.
Và cũng dưới cái mặt nạ đảng Lao Động mà quân cộng sản đã lao vào xâm lược miền Nam, một quốc gia có chủ quyền được nhiều nước công nhận hơn miền Bắc, ngang nhiên chà đạp cam kết quốc tế tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, không dùng bạo lực, sẽ thống nhất qua Tổng tuyển cử tư do, sẽ có Hội đồng Hòa giải dân tộc có 3 thành phần ở miền Nam.
Và cũng dưới mặt nạ đảng Lao Động Việt Nam, đảng cộng sản đã trả thù, bỏ tù hàng lọat không phân biệt mọi sỹ quan, viên chức, chính đảng thuộc Việt Nam Cộng Hòa qua cái gọi là hàng trăm trại cải tạo cực kỳ tàn bạo bất nhân.
Vậy thì mong anh Tương Lai không nên quyến luyến gì cái quá khứ tàn bạo tội ác ấy, tuy mang chiếc mặt nạ lao động hiền lành nhưng lại là thời kỳ tàn bạo nhất, hung hãn nhất, đẫm máu, tội ác nhất, để đến năm 1976 đảng toàn trị mới lấy lại cái tên cộng sản, khi cao trào cộng sản bắt đầu suy thoái theo tốc độ rơi tự do, dẫn đến bức tường Berlin tưởng là lâu bền sụp đổ trong một đêm cuối năm 1989, và thành trị cộng sản Liên Xô tan vỡ tan bành cuối năm 1991, để cho Đảng cộng sản Việt Nam sớm cảm thấy đơn côi, phải lép về đầu hàng ô nhục đảng cộng sản Trung Quốc những mong được yên thân từ sự kiện đi đêm với mật ước Thành Đô tháng 9/1990.
72 năm là quá đủ cho mọi người có lương tri, có tư duy độc lập, có sự trung thực trí thức - probité intellectuelle – ngay thật với chính mình, bênh vực lẽ phải, thật lòng yêu nước mình, thật lòng thương dân mình, cùng nhân dân tìm ra lối thoát.
Không có lối thoát nào khác là từ bỏ dứt khoát, một lần cho mãi mãi một tổ chức mất gốc dân tộc, vay mượn từ nước ngoài những học thuyết sai lầm, ảo tưởng, cùng nhau dựng lên một tổ chức chính trị mới, trong sạch, hợp lòng dân hợp thời đại, ví như linh mục Nguyễn Văn Lý từng đề xướng là Tập Họp Quốc Dân Việt Nam.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 06/09/2017