Việt Nam đứng chót bảng về tự do báo chí
"Tự do báo chí ở Việt Nam lâm vào tình trạng rất nghiêm trọng, đứng hàng thứ 178 trên tổng số 180 nước trong bảng số Tự do báo chí trên Thế giới. Việt Nam tụt 4 hạng từ hàng thứ 174 năm 2022. Bảng thống kê này do Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders, RSF) công bố ngày 3/5 (2023), đánh dấu 30 năm kỷ niệm Ngày Tự do do chí Thế giới. Việt Nam lần này chỉ đứng trên Trung Quốc và Bắc Hàn" (1).
Ngoài ra, theo RSF, Việt Nam cũng đang giam giữ 42 Nhà báo bị cáo buộc nhiều tội danh khác nhau, trong đó có vấn đề "phổ biến tuyên truyền chống nhà nước và lợi dụng tư do dân chủ" (2).
Ba nhà báo nổi tiếng trong số bị giam gồm Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, bà Phạm Đoan Trang và ông Nguyễn Tường Thụy.
Ông Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập trước khi bị bắt, đang thi hành bản án 15 năm tù. Bà Phạm Đoan Trang, nhà báo, nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyến bị tù 9 năm. Trong khi nhà báo Nguyễn Tường Thụy, thành viên của Hội nhà báo độc lập bị án 11 năm.
Các tổ chức nhà báo và nhân quyền trên thế giới đã phản đối các bản án này và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức.
Chính phủ Việt Nam bác đề nghị này và chối biến không có tù chính trị ở Việt Nam, nói rằng họ chỉ bắt giam những người vi phạm pháp luật.
Báo phải của Đảng
Cũng với tư duy này, Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn bào chữa không có hạn chế tự do tư tưởng và tự do ngôn luận ở Việt Nam, trong khi thực tế người dân không có quyền ra báo, hội họp và lập hội tự do như Hiến pháp quy định.
Điều 25 Hiến pháp 2013 viết : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Điều cắc cớ là trong mấy chữ "do pháp luật quy định". Do đó, Luật Báo chí năm 2016 đã hạn chế nhiều quyền của công dân và chà đạp lên Hiến pháp.
Bằng chứng này ghi trong Điều 4 của Luật Báo chí quy định "Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí" như sau :
1. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội ; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ; là diễn đàn của Nhân dân.
2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây :
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân ;
b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí ; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ;
c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội ; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân ;
d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến ; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội ;
đ) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam ;
e) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững".
Không có báo tư nhân
Để bảo đảm cho độc quyền báo chí, Luật Báo chí viết trong Điều 14 về "Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí", gồm có :
1. "Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học ; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học".
Đối với nhà báo, Luật ấn định trong Điều 25 buộc họ phải :"Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực ; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm".
Rõ ràng, Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận cho tư nhân ra báo. Điều này hoàn toàn trái với tuyên truyền : "Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Việc bảo đảm mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam" (Xây dựng Đảng, ngày 28/07/2022).
Càng ngụy biện hơn khi Điều 10 của Luật này quy định về "Quyền tự do báo chí của công dân", theo đó dân được :
1. Sáng tạo tác phẩm báo chí.
2. Cung cấp thông tin cho báo chí.
3. Phản hồi thông tin trên báo chí.
4. Tiếp cận thông tin báo chí.
5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí.
6. In, phát hành báo in.
Điều 11. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được cho phép bao gồm :
1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.
Nên biết những quyền ghi trong hai Điều luật này chỉ được thực hiện trên báo của nhà nước và phải bị sàng lọc bởi cán bộ Tổng biên tập, người của đảng tại mỗi tòa soạn.
Khoe cái không có
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn khoe có nhiều báo đài để phục vụ thông tin như viết rẳng : "Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, 77 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình (7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, 63 kênh truyền hình địa phương), 57 kênh nước ngoài. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó, khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người.
Đến nay, Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 68,7% người sử dụng, cao hơn mức trung bình của thế giới (51,4%)" (Tạp chí Doanh nghiệp, ngày 27/12/2022).
Vậy những còn số này đã nói nên điều gì ?
Trước hết, chúng chỉ xác nhận điều có thật là tất cả báo chí và truyền thông đều của nhà nước và do đảng làm chủ. Những người được cấp thẻ báo chí chẳng qua cũng chỉ là những đảng viên hoặc được đảng tuyển chọn, theo những tiêu chuẩn của đảng về lý lịch và an ninh khe khắt.
Vì là tiếng nói của đảng và của các Tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp do nhà nước quản lý nên Báo chí cũng chỉ là cái loa của nhà nước.
Do đó khi bị Tổ chức Ký giả không biên giới (Reporters sans Frontieres, RSF) tố cáo không có tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Việt Nam thì lập tức báo đài nhà nước lên tiếng phủ nhận.
Tiêu biểu như báo Công an Nhân dân viết rẳng : "Phần lớn những thông tin được đưa ra là không khách quan, không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực chất mà đó là những đánh giá thiếu căn cứ hoặc được suy diễn, phóng đại… việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam lại thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp, do đó thông tin không khách quan, sai thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam" (báo Công an Nhân dân, ngày 12/05/2023).
Bài viết của Công an Nhân dân cũng giống như ngôn ngữ không nói lên được điều gì tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa đảng XIII khai mạc tại Hà Nội ngày 15/05/2023.
Hội nghị "giữa nhiệm kỳ" không nói được điều gì
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc sáng 15/5/2023, tại Thủ đô Hà Nội.
Theo lời bài diễn văn khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về "Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ" và "Lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII".
Chi tiết không được thông báo, nhưng thời gian họp chỉ kéo dài đến ngày 17/5/2023 cho thấy thời gian ngắn này không đủ để đưa ra những quyết định nhân sự quan trọng.
Phạm Trần
(15/05/2023)
(1) Vietnam’s press freedom is considered in "very serious condition" as the country ranks 178 out of 180 measured countries in the World Press Freedom Index. Vietnam fell four places from its 174th position in 2022. The index was released by the press freedom advocacy group Reporters Without Borders (RSF) on May 3, which marked the 30th anniversary of World Press Freedom Day. Vietnam’s ranking this year is only above that of China and North Korea (the Vietnamese Magazine, ngày 08/05/2023).
(2) "distributing anti-State propaganda" and "abusing democratic freedoms".
Ngày tự do báo chí thế giới...
Hôm nay là ngày Tự do báo chí thế giới. Bốn năm qua truyền thông, báo chí Mỹ cũng như thế giới chạy theo "Tuýt" của ông Trump mệt nghỉ. Truyền thông và báo chí Việt cũng vậy. Fan cuồng ông Trump lại càng dính "keo son" với ông Trump.
Hiện tượng Trump đã khiến báo chí tự nhìn lại mình. Các trang mạng xã hội của cá nhân trong chừng mực đã thành công chiếm lĩnh vai trò "độc quyền" về thông tin của báo chí. Biên giới giữa "báo chí", tức những trang báo được sự cộng tác của các nhà báo, phóng viên... chuyên nghiệp, với những trang Facebook, Twitter, Youtube... của cá nhân trở nên mờ nhạt. Hiện tượng "Tuýt" của ông Trump là thí dụ điển hình.
Quan điểm của cá nhân, thông tin từ cá nhân trên các trang mạng xã hội đôi khi "hay" hơn, thu hút hơn là các trang báo "chính thống". Truyền thông bên Mỹ nhiều người "hối tiếc" vì ông Trump xuống thì không còn chuyện gì để nói.
Truyền thông "mạng xã hội" đang đe dọa "nồi cơm" của truyền thông truyền thống.
Điều này rất đúng với tình hình truyền thông, báo chí tiếng Việt hải ngoại.
Chưa có thống kê chính thức nhưng ta thấy số "độc giả" theo dõi các trang mạng như VOA, RFA, BBC, RFI... có khi không bằng số người theo các facebookers tiếng tăm. Các clips video bình luận thời sự cũng vậy.
Ta thấy mục video chi đó vào thứ năm của BBC ngày càng tẻ nhạt, không còn mấy ai mất thì giờ vô coi. Hãy thử so sánh, coi vài lần video chương trình thứ năm của BBC Việt ngữ đồng thời với các "kênh" Video của "tư nhân" khác. Cùng một nội dung nhưng các "kênh" cá nhân hiển nhiên có giá trị vượt BBC hai ba cái đầu.
Đọc tin tức hay thời sự của BBC cũng vậy. Một số bài viết "thời sự" trên trang này là "xào nấu lại" từ các trang cá nhân ở trong nước. Tin tức, thời sự thế giới BBC 100% cũng xào nấu, định hướng lại, hay dịch lại từ các nguồn Reuters, AP... hoặc từ các bài viết của các phóng viên "báo mẹ" BBC. Báo chí kiểu (định hướng) như vậy, thay vì đọc BBC, người ta đọc thẳng ở các facebookers kia, hoặc báo chí của tuyên giáo Việt Nam, hoặc các trang báo kia cho gọn.
RFA, VOA, RFI... ta không thấy tình trạng này. Nhưng đôi khi báo chí, truyền thông Việt ngữ cũng "kẻ xấu" bị "lợi dụng".
Rõ ràng vụ Trịnh Vĩnh Bình "kiện" nhà nước cộng sản Việt Nam là bài học cho VOA và RFA. Trịnh Vĩnh Bình với nhà nước cộng sản Việt Nam, điếm thúi gặp thằng ăn cướp. Lúc tay điếm thúi kiện thằng ăn cướp ra tòa quốc tế thì hắn tìm đủ cách nhờ "phóng viên" lăng xê rùm beng để "vận động dư luận".
Nhớ đâu năm trước (hay năm kia), RFA và VOA làm "phóng sự" đưa lên "trang nhứt", giật tít "vua chả giò Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà nước Việt Nam" đòi tỉ mấy đô la... Độc giả (kể cả tôi) nóng lòng theo dõi. Ngày nào mở máy lên là vô VOA, RFA coi có tin gì mới hay không. Rốt cục là một "sự bịp" trắng trợn. Chẳng có giòng tin tức nào tường thuật lại diễn tiến phiên tòa, ai thắng ai thua, đền bồi bao nhiêu...
"Phóng viên" chắc không có "thẻ nhà báo" nên Tòa không cho vô, hoặc tòa xử kín. Không thành vấn đề. Chuyện phải đạo là phóng viên phải buộc người trong cuộc tường thuật lại cho độc giả biết diễn tiến câu chuyện ra sao. Làm quảng cáo báo chí nước ngoài chi phí hàng trăm, hàng triệu đô la. Thằng điếm thúi đồng lõa với "phóng viên" lợi dụng (sự ngây thơ ?) RFA, VOA quảng cáo không công.
Bây giờ thằng ăn cướp mặt lì, đéo trả của cải cho thằng điếm thúi. Chuyện này cũng mới đưa lên RFA và VOA. Thằng điếm thúi lại muốn nhờ báo chí làm rùm beng, nhờ dư luận làm áp lực thằng ăn cướp.
Theo tôi, RFA và VOA đã "lún tới cổ" vào vụ này rồi. Không làm thì thôi, làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn. Sự thật thế nào, ai gian ai lận, tòa phân xử ra sao... mọi thứ phải được "minh bạch".
Đó là chưa nói tới các vụ "phỏng vấn" học giả, chuyên gia... về các vấn đề chuyên môn, như Biển Đông. Nếu ta tin các ý kiến của các học giả, chuyên gia này thì Việt Nam đã đi kiện Trung Quốc tám hoánh rồi. Qua các học gia, chuyên gia, cộng sản Việt Nam đã sử dụng báo chí hải ngoại cho dân "uống thuốc an thần".
Tất cả đều là "lợi dụng".
Mới đây Tân hoa xã loan tin ông tân chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lúc gặp gỡ bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc là Ngụy Phượng Hòa, có nhắc lại cam kết "Việt Nam sẽ không theo bất cứ nước nào để chống Trung Quốc".
Điều hiển nhiên là ông Phúc chỉ nhắc lại chính sách quốc phòng 4 không của Việt Nam "không theo nước này chống nước kia" mà thôi.
Vậy mà chuyên gia Việt Nam lên VOA nói là ông Phúc "không bao giờ nói vậy". Không lẽ chính sách 4 không của bộ quốc phòng là không có ?
Bởi vậy, nói hôm nay là ngày tự do báo chí thế giới nhưng báo chí Việt ngữ hải ngoại, báo chí ăn trợ cấp nhà nước sở tại, "êm re". Chỉ có các trang "cá nhân" mới nói tới vụ này.
Theo tôi, tình hình như vậy thì không bao lâu nữa các trang facebook, YouTube, các "kênh" video cá nhân... sẽ "thống lĩnh" môi trường truyền thông và báo chí Việt ngữ.
Thanh Hà, RFI, 03/05/2021
Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới mồng 3 tháng 5, Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố sẵn sàng đẩy mạnh chiến dịch chống tin giả và hỗ trợ các cơ quan truyền thông độc lập. Theo thông cáo của Phóng Viên Không Biên Giới, Pháp đứng hạng thứ 34 trong số 180 quốc gia. Khối Bắc Âu dẫn đầu về quyền tự do báo chí.
Trước thềm Ngày Tự Do Báo Chí, Chủ Nhật 02/05/2021 lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, Josep Borrell tuyên bố : "Quyền tự do báo chí tiếp tục bị đe dọa vào thời điểm mà thông tin và các phương tiện truyền thông độc lập là điều cần thiết hơn bao giờ hết".
Liên Âu nêu bật hiện tượng các phóng viên "tiếp tục hành nghề trong các điều kiện khó khăn, chịu áp lực cả về tài chính lẫn chính trị", một số bị "theo dõi, bị tống giam một cách vô tội vạ" hay bị sách nhiễu, bạo hành trong lúc tác nghiệp.
Theo báo cáo của UNESCO, trong năm 2020 đã có 76 nhà báo bị sát hại trên thế giới, nhiều người bị đe dọa. Hiện tượng này đặc biệt đè nặng lên các nữ phóng viên.
Tháng trước, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới của Pháp công bố báo cáo về quyền tự do thông tin. Theo bản xếp hạng này, Pháp đứng hạng thứ 34, trước Slovakia và Slovenia.
Nhưng dẫn đầu bảng vẫn là ba nước Bắc Âu : Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển. Mỹ đứng hạng 44 và Trung Quốc xếp hàng 177, Việt Nam xếp hạng thứ 175 còn Nga đứng hạng 150.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 03/05/2021
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ cho tự do báo chí Việt Nam hơn
"Việt Nam đã ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và như vậy đã cam kết tôn trọng các quyền tự do cá nhân về tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội, báo chí và quyền duy trì hội họp và biểu hiện chính trị".
Giáo viên công giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Ảnh của Nguyễn Thị Tinh
Theo đài RFA, hôm thứ Ba, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã viết thư kêu gọi Hoa Kỳ thúc đẩy mạnh hơn nhằm yêu cầu Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận sau khi một loạt các nhà hoạt động và các blogger bị chính quyền cộng sản độc đảng bị bắt giam.
Trong bức thư gởi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo, 25 thành viên quốc hội do Thượng nghị sĩ Edward Markey (Massachusetts) và Đại diện Alan Lowenthal (California) dẫn đầu, đã nêu lên điều mà họ gọi là " các vụ án bắt và giam giữ rắc rối các nhà báo độc lập ở Việt Nam".
Các trường hợp chi tiết trong bức thư bao gồm blogger RFA Nguyễn Văn Hóa, hiện đang thụ án 7 năm tù vì tội "tuyên truyền tuyên truyền chống phá nhà nước", và của cộng tác viên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ Lê Anh Hùng, hiện đang chờ xét xử trong vụ án lạm dụng các quyền tự do dân chủ.
Các nghị sĩ cũng đề cập trong bức thư trường hợp của Trường Duy Nhất, cộng tác viên RFA bị bắt cóc ở Bangkok, Thái Lan, một ngày sau khi nộp đơn xin tị nạn và hiện được cho là bị giam tại một trung tâm giam giữ của Bộ Công an tại thủ đô Hà Nội.
Trong thư có viết : "Việt Nam đã ký kết Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị và như vậy đã cam kết tôn trọng các quyền tự do cá nhân về tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội, báo chí và quyền duy trì hội họp và biểu hiện chính trị".
"Hoa Kỳ có nghĩa vụ lên tiếng về những vi phạm nhân quyền và chính trị nghiêm trọng này với các đối tác Việt Nam đồng thời thực hiện các bước để định hình hành vi của Đảng cộng sản Việt Nam".
Cùng với RFA, AFP cũng đưa tin về việc thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Công Tĩnh bị bắt vào hôm thứ Tư vì bài viết có liên quan tới Việt Tân trên Facebook. AFP cho rằng nhà nước cộng sản Việt Nam đang gia tăng đàn áp những người lên tiếng chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội.
Ông Tĩnh bị buộc tội đăng bài có nội dung phá hoại tư tưởng, và xuyên tạc chị cáo buộc có liên kết với các nhà hoạt động trong và ngoài nước.
AFP dẫn lời của vợ ông Tĩnh rằng ông không liên quan gì tới Việt Tân và "chỉ lên tiếng cho những người phải chịu bất công". Ngoài ra ông Tĩnh còn viết bài về thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra năm 2016 đã phá hủy môi trường và sinhh kế của ngư dân ven biển miền Trung.
Nếu bị chính thức buộc tội, ông Tĩnh có thể phải lãnh án 20 năm tù giam.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng yêu cầu trả tự do lập tức cho ông Tĩnh.
Tổ Chức Đoàn kết Công giáo (Christian Solidarity Worldwide-CSW) cũng đã lên tiếng về trường hợp của nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Bắc Truyển hiện đang thụ án vì thực hiện quyền đấu tranh ôn hoà.
CSW bày tỏ quan ngại về tình hình của Nguyễn Văn Hóa vì vị đánh đập bầm tím và bị quản giáo chẹn cổ. Đây không phải lần đầu Nguyễn Văn Hóa bị đánh đập và ngược đãi trong trại giam. Nguyễn Bắc Truyển và ba người khác đã tuyệt thực để phản đối việc Nguyễn Văn Hóa bị ngược đãi trong trại giam.
Giám đốc điều hành của CSW Mervyn Thomas nói : "Chúng tôi rất lo lắng về các báo cáo ngược đãi nghiêm trọng tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bao gồm đánh đập và tra tấn, và từ chối tiếp cận chăm sóc y tế đầy đủ".
"Là một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Chống tra tấn, Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ các tù nhân khỏi bị tra tấn và đối xử tệ bạc.
"Hơn nữa, chúng tôi tin rằng Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Hóa đều bị cầm tù vì ôn hòa tranh đấu vì quyền lợi của người khác, như các cộng đồng tôn giáo và những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Việt Nam.
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam, và để đảm bảo rằng không ai bị tra tấn và vi phạm nhân quyền dưới bất kỳ hình thức giam giữ nào".
Hiện Việt Nam đang giam giữ 200 tù nhân lương tâm.
Phương Thảo tổng hợp
Nguồn : VNTB, 01/06/2019