Tử Long, VNTB, 21/04/2022
Trong những năm gần đây, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và không ít trang web trong và ngoài nước nói rằng ở Việt Nam "Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí", "Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet" Ủy Ban bảo vệ nhà báo (Committee to Protect Journalists, viết tắt là CPJ) cũng nhiều lần ra báo cáo nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt bảo chí nhiều nhất.
Nhận xét trên là không sai vì tự do báo chí được hiểu là thể hiện qua việc tự do thông tin, tiếp nhận thông tin qua tất cả các nguồn khác nhau, bày tỏ quan điểm chính kiến mà không sợ bị giam cầm hay trù dập.
Tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí là quyền cơ bản của con người. Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó.
Nói Việt Nam chưa có tự do báo chí, vì không chỉ chuyện tư nhân không được quyền làm báo, mà ngay cả báo chí nhà nước cũng chịu sự giới hạn trong lựa chọn loại hình báo chí. Đơn cử như với lý do quy hoạch báo chí, thời gian qua Việt Nam đã chuyển đổi rất nhiều tờ báo sang thể loại tạp chí kèm ràng buộc là nội dung các bài trên báo, trên tạp chí phải tuân thủ theo "tôn chỉ – mục đích".
Xin được trở lại vụ án "Báo Sạch".
Cơ quan tuyên truyền của Đảng đưa ra lập luận rằng "Không thể đặt quyền tự do ngôn luận lên trên pháp luật" bằng biện giải như sau (trích) :
"Lật lại quá khứ, với khẩu hiệu "Độc lập với nguồn tin – Kiểm chứng thông tin – Trung lập với chính trị" nghe hết sức văn minh nhưng nhóm "Báo Sạch" lại hoạt động chẳng hề sạch.
Họ đã lợi dụng cái họ coi là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để tung tin xấu độc, sai sự thật, chưa hề được kiểm chứng hòng hạ bệ, bôi nhọ danh dự của nhiều cá nhân, tổ chức ; tuyên truyền những thông tin sai lệch chống Đảng, Nhà nước. Chính điều này đã được "Danh cùng cộng sự" cúi đầu thừa nhận khi đứng trước vành móng ngựa.
Hầu hết bài được viết, đăng tải lên tài khoản cá nhân của Trương Châu Hữu Danh và Fanpage "Báo Sạch", Group "Làm Báo Sạch" do Danh và đồng phạm lập ra đều núp dưới danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực, đi sâu khai thác mặt trái của xã hội cùng những vấn đề "nóng" đang tồn tại ở các địa phương, trong đó có Cần Thơ.
Nhiều bài viết, video thiếu thông tin kiểm chứng, gây hoang mang dư luận mà chính cá nhân các bị cáo thừa nhận đã làm xâm phạm đến quyền lợi của tổ chức, xúc phạm uy tính, danh dự của một số cán bộ lãnh đạo Trung ương và nhiều địa phương, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
Bị cáo Trương Châu Hữu Danh đã thừa nhận 31 bài viết phản ánh liên quan đến Cần Thơ là sai sự thật. Chưa kể đến, 51 bài viết của Trương Châu Hữu Danh trên mạng xã hội Facebook đều vi phạm pháp luật, vi phạm các hành vi bị cấm và không chấp hành đúng quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo Nghị định 72/3013 của Chính phủ" (dừng trích).
Phía công tố và cả cơ quản lý nhà nước chuyên trách về báo chí rõ ràng là với vụ án kể trên đã cố tình quên đi một câu hỏi rất quen thuộc, đó là "động cơ phạm tội" nếu có ở đây là gì ?
Nếu như pháp luật về báo chí không giới hạn về quyền làm báo, mà cho phép tất cả các pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp chẳng hạn đều có thể đăng ký ngành nghề sản xuất báo chí – truyền hình, thì có lẽ những nhà báo tự do lẫn đang làm việc trong các tòa soạn báo chí nhà nước họ không cần mượn nền tảng mạng xã hội như Facebook, WordPress để thực hiện quyền tự do báo chí như Hiến định.
Nếu nói ở Việt Nam có quyền tự do báo chí theo như cách hiểu phổ quát chung của thế giới, thì có lẽ bên cạnh cái gọi là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, giới làm báo ở Việt Nam còn được quyền chọn cho riêng nghề của mình một ngày "cúng Tổ" khác không từ tố "cách mạng" – đơn cử như lấy ngày ra mắt tờ báo bằng tiếng Việt đầu tiên là Gia Định báo, vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn chẳng hạn, coi như là ngày của "Tổ Nghề báo Việt Nam" theo đúng nghĩa về nghiệp vụ chuyên môn lẫn giá trị lịch sử vốn có của nó.
Tử Long
Nguồn : VNTB, 21/04/2022
*********************
Thu Thu, VNTB, 20/04/2022
Phiên tòa xử nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang tại Hà Nội.
Hôm 19 tháng 4, một lần nữa, trên các trang mạng xã hội, những người đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền, thậm chí ngay cả vợ, chồng của những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong tù, lại nổ ra những lời than phiền, trách mắng, oán ghét, thậm chí chửi rủa nặng lời những người của chính quyền đưa đến canh cửa nhà họ. Họ hỏi nhau, "Hôm nay là ngày gì mà nhà tôi bị canh cửa ?". Sự sách nhiễu của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người này đã có từ lâu, lập đi lập lại nhiều lần. Những người bị quấy rầy nên có hành động gì để chính quyền phải chấm dứt sách nhiễu ?
Những người hoạt động bênh vực cho tự do dân chủ, nhân quyền hay bảo vệ lãnh thổ, chống xâm lược Trung Quốc bị công an đến nhà canh cửa, theo dõi, ngăn cản đi lại như một người tù giam lỏng làm mọi người rất khó chịu bị mất công việc những ngày hôm đó, phải bỏ việc cần làm, lỡ công, lỡ việc, bỏ khám bệnh, có người thân nhân mất cũng không được cho đi viếng.. Mỗi đợt canh gác, theo dõi kéo dài ít nhất là 2 ngày, nhiều có thể đến một tuần vì những lý do khác nhau. Khi có phiên tòa xử người bất đồng chính kiến hay khi một giới chức phụ trách về nhân quyền, tự do tôn giáo hay quan chức cao cấp các quốc gia khác đến thăm, làm việc.
Hành động của chính quyền Việt Nam thể hiện tính man rợ, không tôn trọng nhân quyền, xem thường người dân, xem người dân như kẻ thù.
Chính quyền cũng đối xử không ra gì, không coi trọng nhân phẩm của những người công an mặc thường phục, hoặc mặc quần áo, đeo băng tay ‘bảo vệ dân phố’ được phái đến canh cửa người dân. Nhiều người bị canh cửa vốn nhẫn nhịn, hiền lành không phản ứng, nhiều người khác la mắng bâng quơ, nhưng nhiều người bị đàn áp quá mức chịu đựng lên tiếng chửi rủa. Những người canh cửa bị chửi rủa hoặc cúi gằm mặt chịu đựng, hoặc lí nhí, "Chúng cháu bị bắt phải làm thế vì nồi cơm thôi ạ !" Vì nồi cơm, vì bị cấp trên chỉ định, họ phải chịu đựng nhục nhã rất đáng thương.
Có nhiều công an đàn áp, xô đẩy người bị canh giữ, bắt trở lại nhà, bị cả hàng xóm túm lại chửi bới hết sức ê mặt. Facebooker có tên Tử Đinh Hương viết rất nhã nhặn, "Cố ý canh nhà, rồi cố ý tung ra một thông tin mập mờ khó kiểm chứng như thế, xem ra màn kịch này của nhà cầm quyền diễn cũng quá khó hiểu rồi ! ? Song, dù ẩn ý của hành động này có khó hiểu mức nào đi nữa thì có một điều Tử Đinh Hương chắc chắn rằng : Người dân Việt Nam chúng ta đóng thuế để duy trì hoạt động của nhà nước sẽ không bao giờ hy vọng bộ máy nhà nước ấy lại dùng tiền thuế của mình vào những việc vô bổ như thế này. Vì thế, mong các người hãy có tự trọng !…".
Chính quyền Việt Nam nên xem lại việc này. Chính phủ có thể không cần đến danh dự của đảng bị nhân dân khinh thường, phỉ báng, nhưng với thuộc hạ của mình, để họ bị người dân khinh bỉ, nhân phẩm họ bị hạ thấp khi họ phải tuân theo lệnh làm những chuyện mất lòng dân, phi lý, phi pháp, phi nhân, mà không phải ý muốn của họ, thì chính phủ vô cùng đáng trách. Tình trạng đẩy nhân viên của mình chịu nhục vì những chuyện thế này càng kéo dài, những nhục nhã chính phủ ngày phải gánh thêm càng nhiều, tính bất nhân với ngay cả thuộc hạ của mình của chính phủ càng rõ ràng.
Việc bắt giữ, theo dõi, không chế, cấm cản đi lại, quấy phá người hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và môi trường, ngay cả với người chống Trung Quốc xâm lấn lãnh hải, lãnh thổ xảy ra rất tùy tiện ở Việt Nam đánh động lương tri con người trên toàn thế giới. Các tổ chức bênh vực nhân quyền, các bộ ngoại giao các quốc gia như Đức, Anh, Pháp, Mỹ.., Liên hiệp Âu Châu và Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc rất quan tâm và đã từng can thiệp với chính phủ Việt Nam về các trường hợp này. Tuy nhiên để thúc đẩy sự giúp đỡ, theo dõi có hiệu quả, cụ thể hơn, nhanh chóng và cập nhật cần đến sự cộng tác của gia đình người bị hại.
Nếu gia đình của những nhà hoạt động bị chính phủ Việt Nam bắt giữ, hoặc bị quấy nhiễu, theo dõi, canh cửa, ngăn cấm không cho đi lại, ngăn cấm làm việc, xúi bẩy người khác, hàng xóm có hành vi kỳ thị v.v. nên báo cáo lên các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, các tổ chức này sẽ dễ dàng liên lạc với gia đình để cập nhật nhận tin tường tận, chính xác liên quan nạn nhân, thay vì họ phải nhận thông tin của chính phủ hay báo chí Việt Nam, thường bị bóp méo vấn, bất lợi về nạn nhân.
Quý vị có thể gửi thẳng đơn,báo cáo thân nhân bị bắt giữ, hay bị chính phủ Việt Nam đàn áp, sách nhiễu theo mẫu đơn dưới đây về (bằng email, Fax hay thư viết tay)
I. Thông tin cá nhân
1. Họ :
2. Tên :
3. Giới tính :
4. Ngày sinh hoặc tuổi
5. Quốc tịch : Việt Nam
6. (a) Giấy tờ tùy thân : CMND, v.v.
(b) Cấp bởi :
(c) Ngày cấp :
(d) Số :
7. Nơi cư trú (address of usual residence) :
II. Bị theo dõi, quấy nhiễu làm phiền, cấm đi lại hay bị bắt
1. Ngày bị theo dõi hay bắt.
2. Nơi bị theo dõi, quấy nhiễu Xã, huyện, tỉnh/Tp.
3. Lực lượng tiến hành theo dõi, hay Không rõ vì lực lượng bắt giữ mặc thường phục.
4. Lực lượng canh gác nhà có đưa lệnh theo dõi hay không
5. Lý do :
lll. Miêu tả quá trình theo dõi, quấy phá, bắt giữ
(Thí dụ Khoảng 10 giờ ngày 7 tháng 4 năm 2030, ông La Thi Minh bị lực lượng mặc thường phục khoảng 10 người bao vây gia đình ..)
IV. Nêu lý do mà ông/bà cho rằng việc theo dõi,bắt giữ là độc đoán
Tên tuổi và địa chỉ bưu điện, email của người cung cấp thông tin
Tên nạn nhân hay người đại diện làm đơn.
Địa chỉ : (Ví dụ 2000 Hai Bà Trưng, Quận Tân Bình, Thành phố HCM, Vietnam)
Địa chỉ Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Ngày :
Ký tên
Có thể gửi thư về :
1/Special Rapporteur on freedom of religion or belief
c/o Office of the High Commissioner for Human Rights
United Nations at Geneva
8-14 avenue de la Paix
CH-1211 Geneva 10
Switzerland
Hay :
Fax : (+41) 22 917 90 06
Hay :
E-mail : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. or Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
2/ Hoặc về các tổ chức NGO tranh đấu cho nhân quyền trên thế giới. Đơn từ của quý vị sẽ được các tổ chức này chuyến đến Ủy Ban Nhân Quyền LHQ và các tổ chức quốc tế khác.
Gửi e-mail về
BPSOS .org Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Hay về
End Torture Việt Nam Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Đơn từ khiếu nại gửi qua các tổ chức NGO, ví dụ BPSOS, được các tổ chức này dịch ra tiếng Anh, hay Pháp..
Thu Thu
Nguồn : VNTB, 20/04/2022
Tự do báo chí là cái gai nhọn trong con mắt của các chế độ độc tài, và là kẻ thù của cộng sản Hà Nội. Nhưng nó lại là vũ khí vô cùng lợi hại của người dân, mang một ý nghĩa hết sức lớn lao cho sự đổi thay của đất nước.
Việt Nam đội sổ với thứ hạng 176 trong số 180 quốc gia được khảo sát
Việt Nam luôn chiếm vị trí đội sổ trên tất cả các biểu đồ thống kê của thế giới. Tự do báo chí là một trong những chỉ số rõ rệt thông thường nhất được lặp đi lặp lại năm này qua năm khác đạt ngưỡng mức tồi tệ.
Theo báo cáo thường niên mới nhất của Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (Reporters sans frontières-RSF) hôm 25/4/2019 xếp hạng các quốc gia về tự do báo chí, Việt Nam đội sổ với thứ hạng 176 trong số 180 quốc gia được khảo sát. Tụt 1 hạng so với hai năm trước đó, năm 2018 và 2017, là 175/180.
Ngày 3 tháng 5 hàng năm là ngày Liên Hiệp Quốc dành riêng để cổ vũ và nâng cao nhận thức vềtầm quan trọng của tự do báo chí trên toàn thế giới. Nó nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Việt Nam là quốc gia đã ký kết và thừa nhận quyền tự do báo chí đã được quy định trong bản Tuyên Ngôn và các Công Ước quốc tế.
"Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết". (sic) Ngoài ra, Điều 25 Hiến Pháp CSVN cũng đã ghi : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình".
Xét theo văn bản pháp luật và lời lẽ như trên thì Việt Nam có tự do báo chí không ?
Ngược lại những mỹ từ trong văn bản chữ viết của nhà nước cộng sản thì trong con mắt của dư luận trong nước cũng như thế giới, họ thấy Hà Nội đối xử tự do báo chí như "Việt Nam : ‘Tự do báo chí’ là tự do gì ?", "Tự do cấm khẩu trước áp bức", "Tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng tồi tệ", "Việt Nam bảo đảm tốt tự do báo chí khi tống giam hàng loạt blogger", "Đảng Cộng sản Việt Nam chống Tự do Báo chí", hay "Nguyễn Phú Trọng là kẻ thù của tự do báo chí".
Trên thực tế, quyền được thông tin của báo chí phụ thuộc vào Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an và công an các tỉnh thành về định hướng tư tưởng và tuyên truyền ; theo dõi báo chí và nhà báo ; xử phạt báo chí vi phạm những nội dung "nhạy cảm", cố ý che giấu, đặc biệt thực trạng xã hội, kinh tế, đảng viên hủ bại, tham nhũng, nhân quyền, tù nhân chính trị, v.v.
Những kẻ nhân danh pháp luật và công lý lại chính là thủ phạm vấy tay bịt miệng tự do báo chí.
Tại sao Hà Nội lại sợ hãi trước quyền lực của tự do báo chí ?
Một nền báo chí tích cực, sâu sát và độc lập cung cấp một hàng hóa công cơ bản : Sự minh bạch khiến trách nhiệm giải trình về kinh tế và chính trị trở nên khả thi. Có thể nói báo chí tự do giúp "phân tán quyền lực truyền thông của nhà cầm quyền" mà chắc chắn điều này thì mọi chế độ độc tài đều không muốn nó xảy ra.
Hơn 10 năm làm báo tự do cho tôi một kinh nghiệm, nếu mỗi một người dân đều là người làm báo đểchống lại nền báo chí có định hướng của nhà cầm quyền thì rõ ràng nó sẽ phá vỡ kết cấu khép kín và quyền lực truyền thông của nhà nước. Thực vậy, tự do báo chí đem lại sự minh bạch cho truyền thông trong các sự kiện người dân không được chứng kiến, đem lại những góc nhìn khác để người dân có cái nhìn đa chiều, từ đó có quyết định chính xác hơn.
Hơn thế nữa, trong một viễn kiến muốn có sự đổi thay của xã hội, đó cũng là phương cách "giúp khai dân trí, khơi gợi sự phản tỉnh và đánh thức sự phản kháng" trong người dân sau hàng mấy chục năm bị chế độ cộng sản ru ngủ, mị dân và dối lừa.
Theo thống kê năm 2018, với dân số 96 triệu người, lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đạt 64 triệu người dùng, chiếm 67% dân số. Đây là những con số tích cực, cho thấy sự tiếp cận thông tin của người dân đang dần được phổ cập.
Ngày nay, mặc dù bị nhà cầm quyền Hà Nội không từ bất cứ thủ đoạn nào để bỏ tù tự do báo chí, từ sử dụng kỹ thuật tường lửa ngăn chặn các nguồn thông tin tự do, khách quan đến việc thông qua Luật An Ninh Mạng, khủng bố người sử dụng mạng xã hội, đi đến việc kết án tù người mở miệng. Tuy nhiên, sự nhận thức và tính phản kháng trong nhiều sự kiện bất công xã hội đang được người dân hành động và truyền cảm hứng. Điều đó làm cho nhà cầm quyền vô cùng run sợ.
Nhiều người dân Việt Nam đang phải hi sinh sự tự do của họ bằng nhiều năm ngục tù để thực hành quyền tự do báo chí, bảo vệ lẽ phải, chân lý và sự thật.
Tự do báo chí là cái gai nhọn trong con mắt của các chế độ độc tài, và là kẻ thù của cộng sản Hà Nội. Nhưng nó lại là vũ khí vô cùng lợi hại của người dân, mang một ý nghĩa hết sức lớn lao cho sựđổi thay của đất nước.
Paulus Lê Sơn
Nguồn : VNTB, 06/05/2019
**************
Báo chí tự do giúp ‘phân tán quyền lực truyền thông của nhà cầm quyền’ (VOA, 04/05/2019)
Huy động mọi người dân làm báo để chống lại nền báo chí có định hướng của nhà cầm quyền và nhờ đó sẽ giúp phân tán quyền lực truyền thông của nhà nước, một nhà báo tự do lưu vong ở Mỹ nói về kinh nghiệm đấu tranh cho tự do báo chí ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hải hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ
Ông Nguyễn Văn Hải, người được biết đến nhiều hơn với biệt danh ‘Điếu Cày’, trao đổi với VOA về quá trình ông dấn thân cho báo chí tự do ở Việt Nam hôm 3/5, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Ông là người thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do tại Việt Nam và từng bị kết án nhiều năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ trước khi được Hà Nội trả tự do và cho sang Mỹ dưới áp lực của Hoa Kỳ.
Động cơ khiến ông Hải, vốn là một cựu chiến binh, nhảy vào làm báo là khi ông chứng kiến ‘hàng ngàn bà con các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn khiếu kiện’, ông cho biết.
"Họ biểu tình kéo dài cả tháng ở văn phòng 2 Quốc hội ở đường Hoàng Văn Thụ mà 800 tờ báo và hàng trăm đài phát thanh truyền hình không có một tin nào cả", ông nói.
Nhà báo từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới nói rằng việc báo chí Việt Nam làm theo lệnh của chính quyền đã ‘cản trở tự do thông tin’ và ‘bóp nghẹt việc cất lên tiếng nói của hàng triệu con người’.
Với mong muốn có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để hoạt động báo chí tự do, ông Hải và một số người đồng chí hướng đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
"Chúng tôi thường chọn những đề tài mà báo chí nhà nước tránh không đăng hoặc đưa tin không trung thực như vụ sập cầu Cần Thơ, vụ hàng trăm ngàn công nhân khu công nghiệp Linh Trung đình công", ông kể và cho biết chính quyền đã ‘gửi hàng trăm giấy mời ông lên làm việc’ vì những hoạt động báo chí của ông.
Ông Hải cho rằng chính câu lạc bộ của ông đã ‘phát động phong trào dân làm báo’ và ‘khởi sự việc dùng blog để làm báo’.
"Bất cứ ở đâu khi có sự kiện xảy ra không thể có ngay nhà báo đến phỏng vấn đưa tin, nhưng ở đâu cũng có người dân. Bằng chiếc điện thoại của mình họ có thể ghi âm, quay phim, chụp ảnh sự kiện rồi gửi đến cộng đồng", ông Hải nói nhưng cũng thừa nhận rằng không thể đòi hỏi chuẩn mực báo chí ở những người dân làm báo vì chỉ đưa những thông tin mà họ chứng kiến.
Khi được hỏi về ý nghĩa của việc thúc đẩy tự do báo chí ở Việt Nam, ông nói là ‘để phân mảnh quyền lực truyền thông tập trung trong tay chính quyền’.
"Hệ thống truyền thông cộng sản đầu độc người dân rất nhiều với việc định hướng thông tin. Họ chỉ cho người dân biết những gì họ muốn người dân biết và giấu tất cả những gì họ không muốn cho người dân biết", ông giải thích.
"Tự do báo chí đem lại sự minh bạch cho truyền thông cho các sự kiện người dân không được chứng kiến, đem lại góc nhìn khác để người dân có cái nhìn đa chiều từ đó có quyết định chính xác hơn".
Rộng hơn, tự do báo chí ‘giúp khai dân trí, thay đổi xã hội’, ông Hải nói thêm.
"Phong trào tự do báo chí càng mạnh bao nhiêu thì số lượng những người tham gia đấu tranh dân chủ, đòi những quyền con người ngày càng nhiều hơn".
Ông Hải phản bác việc báo chí định hướng trong nước là để ‘tạo đồng thuận xã hội’ theo như tuyên truyền của chính quyền.
"Thực chất định hướng thông tin là để bảo vệ cho chế độ độc tài toàn trị", ông nói.
"Vào năm 2007 khi chúng tôi phát động phong trào báo chí công dân, chỉ có 5,6 triệu người sử dụng các trang blog bằng tiếng Việt. Lúc đó, chúng tôi lý giải rằng chỉ cần 1% trong số đó sử dụng trang blog của mình như một tờ báo nhỏ thì chúng ta sẽ có 60.000 tờ báo nhỏ để chống lại 800 tờ báo của chính quyền rồi", ông kể và nói rằng thời đại ngày nay người dân có nhiều công cụ trong tay để làm báo như blog, mạng xã hội.
Blogger này tin tưởng với việc dân số Việt Nam sử dụng Internet ngày càng nhiều và báo chí tự do ngày càng phát triển thì ‘báo chí nhà nước sẽ phải chịu thua trong cuộc chiến truyền thông trên mạng’.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận rằng chính quyền Việt Nam ‘sẽ không bao giờ từ bỏ đặc quyền truyền thông’ và ‘sẽ áp đặt những rào cản, luật lệ để khống chế truyền thông tự do’.
Thưa quý vị, theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) vừa công bố vào ngày 25 tháng 4 vừa qua, thì Việt Nam được xếp vào danh sách quốc gia không có tự do báo chí. Hồi trung tuần tháng 11 năm ngoái, tổ chức Freedom House công bố bản phúc trình thường niên về "Tự do internet 2017", trong đó Việt Nam cũng bị xếp vào nhóm quốc gia không có tự do internet.
Bản đồ tự do báo chí thế giới năm 2018 của RSF
Qua hai báo cáo vừa nêu, Hòa Ái có cuộc trao đổi với Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, ở Hoa Kỳ và Nhà báo Trương Duy Nhất ở Việt Nam để cùng nhìn lại thực trạng báo chí tại Việt Nam trong một thập niên qua như thế nào ?
Hòa Ái : Thưa quý vị, vào thời điểm khoảng năm 2006-2007, tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ về kết nối qua internet với Yahoo 360 và các mail group, người ta có thể kết bạn qua mạng để chuyển tải hay chia sẻ những thông tin mà họ quan tâm. Xin thưa Blogger Điếu Cày, Hòa Ái được biết ông là một trong năm thành viên sáng lập ra Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do hồi tháng 9/2007, đây là một tổ chức xã hội dân sự đầu tiên hoạt động về tự do báo chí ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của Câu lạc bộ Nhà báo tự do và khi thành lập, 5 thành viên có lường trước được những thử thách mà tổ chức sẽ phải đối diện trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, có nghĩa là truyền thông phải có sự chỉ đạo và kiểm duyệt chặt chẽ từ phía Chính quyền Việt Nam ?
Blogger Điếu Cày : Cách đây 10 năm vào tời điểm đó có những sự kiện lớn ở trong nước xảy ra. Đặc biệt, sự kiện hàng ngàn nông dân ở miền Tây Nam Bộ lên thành phố biểu tình trước Văn phòng 2 của Quốc Hội trong gần 1 tháng nhưng trong số 800 tờ báo thì không có một tờ báo nào có một dòng đưa tin về sự kiện đó cả. Khi đó, anh em blogger của chúng tôi phải chuyển những hình ảnh của các cuộc biểu tình qua Yahoo 360. Rồi tình hình của ngư dân ở ngoài Hoàng Sa bị tấn công, nhưng báo chí cũng không đăng tin. Vì vậy, chúng tôi mong muốn những tiếng nói của họ được cất lên và chúng tôi sử dụng Yahoo 360 để đưa các thông tin đó. Tuy nhiên lúc đó, anh em blogger muốn có một ngôi nhà chung, một tổ chức để cùng hoạt động. Chúng tôi nhận ra rằng quyền lực truyền thông của blog có thể nói là quyền lực thứ 5 và sử dụng blog để đấu tranh, để cất lên tiếng nói như là một cách làm phân mảnh quyền lực tập trung của báo chí. Cho nên dẫn đến việc 5 thành viên chúng tôi cùng nhau thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Chúng tôi nghĩ rằng việc làm phân mảnh truyền thông tập trung của Chính quyền Việt Nam như thế này thì cũng có những rủi ro, nhưng không thể nghĩ sự đàn áp khốc liệt đến như vậy.
Hòa Ái : Thưa Blogger/Nhà báo Trương Duy Nhất, cũng vào thời điểm những năm 2006-2007, Hòa Ái được biết ông đang làm việc cho cho quan báo chí nhà nước, đồng thời ông cũng có lập trang blog cá nhân của mình. Ông có nghe gì về thông tin Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do ra đời và về phía cơ quan báo chí nơi ông làm việc, thì họ có đề cập đến các hoạt động truyền thông mạng như trường hợp của Câu lạc bộ Nhà báo tự do không, thưa ông ?
Trương Duy Nhất : Thật ra lúc đó những người cầm bút chúng tôi cũng có nghe đến và đọc được những bài viết trên trang của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Thực sự vai của câu lạc bộ này khi đó được phổ biến nhiều nhất trên mạng Yahoo 360. Sau này không còn Yahoo 360 thì chuyển sang một số mạng khác. Các trang blog bùng nổ và sau này các truyền thông mạng, mà người ta gọi là truyền thông lề trái. Nhưng mà có một số tờ báo, ví dụ như Báo Đại Đoàn Kết, nơi tôi công tác, và một số các tờ báo khác khi đó cũng chưa có quy định xiết các nhà báo trong vấn đề nêu ý kiến trên truyền thông mạng, bởi vì hiệu ứng của các trang báo độc lập lúc đấy cũng không được mạnh như bây giờ.
Hòa Ái : Thưa Blogger Điếu Cày, trước sự tăng cường kiểm soát một cách tối đa của Chính quyền Việt Nam hiện nay qua nhiều hình thức, chẳng hạn như họ kết hợp với Facebook và Google để kiểm duyệt và gỡ bỏ các thông tin trên mạng do những blogger và nhà báo độc lập đăng tải ; hay là mới đây nhất dư luận tại Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến các nhà mạng ở trong nước bắt buộc các khách hàng sử dụng thuê bao phải gửi hình chân dung của họ mà người ta cho rằng đây là một hình thức để quản lý chặt chẽ hơn nữa. Ông nghĩ rằng các blogger và nhà báo độc lập ở bên ngoài Việt Nam như ông sẽ làm gì để góp phần thúc đẩy sự phát triển của tự do báo chí ở Việt Nam, thưa ông ?
Điếu Cày : Sau khi ra tù, tôi nhận ra rằng việc phát triển mạng lưới truyền thông tự do là một trong những việc quan trọng nhất. Bởi vì bạn ở trong nước thì bạn có thể tham gia vào các sự kiện và viết bài nhưng bạn gặp khó khăn trong việc có thể đặt máy chủ hoặc thiết kế, phát triển các trang mạng ở trong nước. Vì vậy, những bạn ở bên ngoài Việt Nam được tự do hơn để phát triển mạng lưới truyền thông tự do và góp phần vào phát triển mạng lưới này càng mạnh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Vào do đó, chúng tôi mong muốn những mạng xã hội cũng như các trang website độc lập phát triển một cách mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao chúng tôi hoạt động trên trang Baothamnhung.com và trang Vietnamweek.net. Trong đó, trang Vietnamweek.net từng bị hàng ngàn dư luận viên của Chính quyền Cộng sản Việt Nam báo cáo cho Facebook và Facebook chặn đường link của Vietnamweek.net. Chúng tôi phải khiếu kiện rất lâu thì họ mới mở lại.
Hòa Ái : Thưa Blogger Trương Duy Nhất, Chính quyền Việt Nam cũng tăng cường các biện pháp để quản lý truyền thông mạng xã hội, như là họ có một lực lượng hơn 10 ngàn người, gọi là "Lực lượng 47", ông có nhận định gì về tính hiệu quả của lực lượng này ?
Trương Duy Nhất : Tôi cho rằng sẽ không có hiệu quả được, bởi vì thực ra đến bây giờ tăng cường đội ngũ đó, chủ yếu xây dựng đội ngũ dư luận viên tham gia mạng để chống phá, chỉ mang tính chất quấy rối hoặc các lời bình luận, comments chỉ mang tính chất chửi bới trên mạng thôi. Tôi gọi là để đấu tranh bút chiến trên mạng thì gần như không có. Thật sự, những người cầm bút như chúng tôi đang mong muốn có sự đấu tranh bút chiến này để công khai tranh luận trên mạng, nhưng thực ra chỉ dùng để làm công cụ đàn áp, bắt bớ và giam cầm các cây bút lề trái là các nhà báo và blogger độc lập. Tình trạng bắt giữa các nhà báo và blogger tại Việt Nam ngày càng nhiều. Theo số liệu của Tổ chức Ủy ban bảo vệ các Nhà báo (CPJ) thì Việt Nam nằm trong số 6 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất thế giới. Từ năm 2000 đến 2016, Việt Nam giam giữ 42 nhà báo, trong đó có 39 người là blogger và nhà báo độc lập, cộng thêm không dưới 10 nhà báo và blogger độc lập bị bắt trong năm 2017, và những tháng đầu năm 2018, tình trạng nhà báo bị bắt giữ và giam cầm đang bị báo động. Song song với việc bắt giữ, những bản án dành cho các nhà báo và blogger độc lập cũng nặng nề và tàn khốc hơn. Điển hình như vụ xử Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, chị Trần Thị Nga là 9 năm và trường hợp mới nhất anh Hoàng Đức Bình đến 14 năm tù giam. Chủ yếu Chính quyền Việt Nam xây dựng đội ngũ trong quân đội và công an để tấn công và xử lý những cây bút lề trái.
Hòa Ái : Qua hai bản báo cáo mới nhất về tình hình tự do báo chí và tự do internet ở Việt Nam của RSF và Freedom House, và theo ghi nhận của hai vị, có thể tạm gọi tình hình tự do báo chí ở Việt Nam là một bức tranh rất ảm đảm. Xuyên suốt một thập niên qua, nếu như nói về 1 điểm sáng trong bức tranh ảm đạm này, thì điểm sáng đó là gì, thưa Blogger Điếu Cày ?
Điếu Cày : Thực chất buổi ban đầu chúng tôi thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do thì các hoạt động mặc dù gần như là tự phát và mạng lưới truyền thông lúc đó cũng còn nhỏ lẻ. Tôi nhìn lại quãng đường gần 7 năm trong tù và thời gian ra ngoài thì tôi thấy rằng mạng truyền thông bây giờ đã phát triển mạnh so với trước rất nhiều, và những hoạt động trên mạng truyền thông bây giờ chuyên nghiệp hơn cũng như phối hợp trong và ngoài nước rất mạnh mẽ. Chúng ta thấy rằng nhà cầm quyền đã mất kiểm soát trên truyền thông. Họ không định hướng được và cũng không bưng bít được, mà đó là hai việc quan trọng nhất mà họ muốn làm. Bây giờ, hầu hết người dân xem tin tức trên Facebook nhiều hơn đọc báo. Đó là những điểm sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Mặc dù phong trào bị đàn áp rất khốc liệt, rất nhiều anh em nổi bật bị bắt, bị tù đày với những bản án rất nặng, nhưng tinh thần trên mạng không hề suy giảm
Trương Duy Nhất : Chúng tôi cho rằng mặc dù phía Chính quyền Việt Nam vẫn tăng cường trấn áp, nhưng cũng không thể làm nhục ý chí của hệ thống truyền thông mạng. Bởi vì nói như anh Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải thì cái gì cũng có hai mặt, trong sự u ám của báo chính chính thống như thế thì báo chí lề trái và truyền thông mạng lại tạo ra điểm sáng mà nhiều người nói là nó trở thành một quyền lực thứ 5, nhiều khi bỏ qua báo chí, dẫn dắt báo chí, chiếm đoạt quyền năng và thay thế chức phận của báo chí chính thống. Tôi nói đến những hiệu ứng tích cực đối với chính thể này thì lại thuộc về truyền thông mạng và báo chí lề trái và thực sự nó đã tạo nên những hiệu ứng mà phía chính quyền phải lắng nghe và phải thay đổi, thậm chí những chính sách và chủ trương lớn, đó là những điều báo chí chính thống không thể làm được và đã nhường hẳn thế trận cho truyền thông mạng và báo chí lề trái.
Hòa Ái : Cảm ơn Blogger Điếu Cày và Blogger/Nhà báo Trương Duy Nhất đã dành thời gian tham gia cuộc hội luận này với Đài RFA.
Hòa Ái thực hiện