Số lượng những người còn cảm thấy "cực kỳ tự hào" là công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy sự sụt giảm lòng yêu nước của người dân Mỹ
Người dân New York xem bắn pháo hoa trên Tòa nhà Empire State Building nhân ngày lễ Độc Lập 4/7/2021. Khào sát gần đây cho thấy số người 'cựu kỳ tự hào' là công dân Mỹ xuống mức thấp kỷ lục.
Nước Mỹ trong những tuần gần đây bị chia rẽ sâu sắc trước các phán quyết từ Tòa án Tối cao về quyền nạo phá thai, quyền sở hữu súng trong bối cảnh các cuộc chiến chính trị gay gắt về di dân, quyền người đồng tính LGBTQ và sự điều hành nền kinh tế. Nhưng có một điều ít nhất hầu hết người Mỹ đều nhất trí là đất nước "đang đi lệch hướng".
Một cuộcthăm dò của AP-NORC công bố gần đây cho thấy đại đa số người Mỹ bi quan về tình hình đất nước. Và trong khi đa số người theo đảng Cộng hòa tin như vậy kể từ khi Tổng thống Joe Biden đắc cử, số lượng người theo đảng Dân chủ, từng có thái độ lạc quan về tình hình đất nước, giờ đây cũng có quan điểm tương đồng ngày càng tăng (78%).
Bà Kim Fellner, một người theo đảng Dân chủ, cho biết bà cảm thấy chán nản về những gì đã xảy ra, đặc biệt sau phán quyết của Tòa án Tối cao lật ngược án lệ Roe v Wade đã tồn tại trong nửa thế kỷ qua về quyền phá thai của phụ nữ.
"Chúng ta nhận thấy rằng Tòa án Tối cao đang đi vào một đường lối, mà theo quan điểm của tôi, là nguy hiểm", bà Fellner, người từng là một nhà tổ chức công đoàn và hiện đang viết văn tự do sinh sống ở Washington DC, nói. "Đất nước đã thay đổi lớn trong vòng 50 năm qua, trong số đó là sự tiến hóa của quyền LGBTQ (người đồng tính), quyền của phụ nữ, những đối thoại về công bằng chủng tộc. Nhưng cái mà chúng ta đang thấy giờ đây giống như là chúng ta đang trong một cuộc nội chiến lần nữa".
Cuộc khảo sát của AP-NORC, được tiến hành từ 23-27 tháng 6, chỉ ra rằng quan điểm của người dân Mỹ về đường hướng của đất nước được phản ánh trong mức độ ủng hộ thấp dành cho Tổng thống Biden.
Tỷ lệ ủng hộ giành cho ông Biden vẫn ở mức 39%, theo cuộc khảo sát được tiến hành trong thời gian Quốc hội Mỹ thông qua dự luật bạo lực súng đạn có quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ hôm 24/6 và được tổng thống ký vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, quan điểm của công chúng về việc xử lý chính sách kiểm soát súng của ông Biden tương tự như vào tháng 1 năm nay, tức phần lớn cho là kém.
Sự không hài lòng với cách tổng thống đang điều hành nền kinh tế ngày càng gia tăng, khi lạm phát tiếp tục tăng cao. Quan điểm bi quan của người Mỹ về đường hướng của đất nước cũng phản ánh trong cách họ nhìn nền kinh tế khi 79% người dân cho rằng nền kinh tế của đất nước ở trong tình trạng tồi tệ, khi ngày càng nhiều người thuộc đảng Dân chủ có cái nhìn bi quan.
Tuy nhiên, ông Vũ Bảo Kỳ, một chuyên viên về kinh tế-tài chính của Fortright Partners ở Georgia, cho rằng Tổng thống Biden không phải là người đáng bị đổ lỗi cho tình trạng kinh tế tồi tệ hiện nay.
"Đây là hậu quả của những chính sách không được hoàn thành từ lúc đầu vì theo tôi nếu chính quyền ông (Donald) Trump mà thúc đẩy để mọi người đeo khẩu trang, là một ví dụ cụ thể nhất, thì lúc đó kinh tế chúng ta đã không cần đóng cửa ngay lập tức như đã xảy ra sau đó… và ngân hàng Trung ương đã không cần phải in ra bao nhiêu tiền – 3-4 nghìn tỷ – tạo ra lạm phát cao", ông Bảo Kỳ nói.
Lạm phát ở Mỹ tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua với chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6% so với năm trước đó, với nguyên nhân chính được cho là hệ quả của các gói cứu trợ do chính phủ tung ra trong đại dịch cộng với sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì COVID và chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Tự hào dân tộc xuống thấp
Trái với số lượng người dân tăng cao bi quan về nền kinh tế, số người Mỹ cảm thấy cực kỳ tự hào là công dân Hoa Kỳ lại giảm mạnh, xuống đến mức thấp kỷ lục 38%, theo mộtkhảo sát gần đây của Gallup. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Gallup bắt đầu tiến hành khảo sát từ năm 2001.
Công ty tư vấn và phân tích hàng đầu của Mỹ có trụ sở ở Washington DC cho biết kết quả được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang trong giai đoạn đầy thách thức, khi công chúng mệt mỏi vì đại dịch kéo dài hơn 2 năm qua cùng tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hơn 4 thập kỷ và một loạt các vụ xả súng từ Buffalo ở New York tới Uvalde ở Texas. Cuộc thăm dò được tiến hành trước cả khi có các phán quyết của Tòa án Tối cao về kiểm soát súng đạn và nạo phá thai – những quyết định, mà theo Gallup, đều đã gây ra những dư luận trái chiều.
Bà Fellner cho biết bà không còn cảm thấy lòng tự hào dân tộc như bà đã từng có cho nước Mỹ trước đây.
"Đêm của năm 2008 khi ông (Barack) Obama lần đầu được bầu làm tổng thống, tôi nghĩ đó có thể là lúc tôi cảm thấy thực sự tự hào (là công dân Mỹ)", bà Fellner nói khi nhắc lại thời điểm ông Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ và sau đó được bầu tiếp cho nhiệm kỳ thứ 2. "Tôi cảm thấy điều gì đó, mà tôi từng cho là không có thể xảy ra, đã thực sự đã xảy ra ở đất nước này".
Giờ đây, theo bà Fellner, những chiến thắng như vậy đang bị những người ở phía đối lập đẩy lùi, với những nỗ lực làm nước Mỹ đi chệnh hướng tự do dân chủ và nhân quyền, bằng những phán quyết như của Tòa án Tối cao gần đây khi lật ngược án lệ Roe v Wade vốn bảo vệ quyền nạo phá thai của phụ nữ.
Cũng như bà Fellner, ông Bảo Kỳ, một cựu di dân Chiến tranh Việt Nam, từng có giây phút vô cùng tự hào khi trở thành công dân Mỹ vào năm 1984 và giờ đây cũng có cái nhìn chán nản về sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ.
Từng có 30 năm theo đảng Cộng hòa và từng làm việc trong ủy ban cố vấn của Tổng thống George W. Bush về người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương, ông Bảo Kỳ cho biết ông đã có sự thay đổi suy nghĩ trong 5 năm trở lại đây khi thấy hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không thể cùng làm việc với nhau vì lợi ích của quốc gia như trước đây, với các ví dụ mà ông đưa ra về sự hợp tác giữa hai đảng của các chính quyền trước như Ronald Reagan hay George W. Bush.
Sự "cực kỳ" tự hào dân tộc của người dân Mỹ đã trên đà đi xuống kể từ năm 2015 khi đánh giá của Gallup cho thấy số lượng người Mỹ nói lòng tự hào dân tộc của họ ở mức cao nhất tụt giảm 20% so với một thập kỷ trước đó.
Gallup cho rằng lòng yêu nước của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự ủng hộ đối với tổng thống, nền kinh tế, y tế và những sự kiện gây ảnh hưởng lớn – như vụ khủng bố nhắm vào tòa tháp đôi ở New York ngày 9/11/2001. Tuy nhiên, vẫn theo tổ chức chuyên thăm dò ý kiến của Hoa Kỳ, người dân thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong những năm gần đây trở nên ít tự hào về đất nước của mình hơn, mà Gallup cho là phản chiếu từ "sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc và sự bế tắc của các đảng ở Washington, cũng như những thách thức ở tầm quốc gia liên quan đến các mối quan hệ chủng tộc, các chính sách về COVID-19 và lạm phát".
Theo ông Bảo Kỳ, xu hướng giảm sút niềm tự hào dân tộc của người dân Mỹ có thể dẫn tới hậu quả nguy hiểm, nhưng cũng như bà Fellner, ông không mất đi hy vọng về một sự thay đổi cho một nước Mỹ tốt đẹp hơn.
Ông Bảo Kỳ cho rằng ông đầy hy vọng cho một sự hợp tác giữa hai đảng trong tương lai khi thấy những người như dân biểu Liz Cheney hay Adam Kinzinger trong số các đảng viên Cộng hòa tham gia vào ủy ban lưỡng đảng điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Trong khi đó, bà Fellner, người thường tham gia các cuộc tuần hành phản đối chính sách di dân, biến đổi khí hậu và quyền cho phụ nữ, nói bà tiếp tục các hoạt động tranh đấu và vận động của mình để góp phần tạo ra những thay đổi cho nước Mỹ trong tương lai.
Không có gì bất ngờ trước niềm phấn khích của nhiều người Việt Nam với Hội nghị Thượng định Trump-Kim được tổ chức ở Hà Nội lần này vì đã lâu rồi Việt Nam mới có chút gì đó đóng góp để giải quyết những vấn đề quốc tế.
Cảnh sân sau một căn nhà tại Hà Nội ngày 13/2/2019 -AFP
Cảm xúc này của công chúng đáng được trân trọng bởi lẽ sâu xa nó phản ánh khát vọng của một dân tộc muốn thoát dần ra khỏi thân phận tầm gửi luôn dựa vào sự giúp đỡ của quốc tế để vươn lên có một địa vị nào đó trên trường quốc tế và đóng góp cho quốc tế.
Hân hoan một chút như thế cũng tốt, nhưng dĩ nhiên không nên để cảm xúc dẫn chúng ta đi xa quá.
Nhất là khi nhìn vào lý do mà Việt Nam được chọn đăng cai hội nghị lần này.
Bên cạnh việc thuận tiện về hậu cần đi lại, còn có một hậu ý chính trị mà cả đôi bên, Hoa Kỳ và Triều Tiên đều không hề giấu giếm.
Với Triều Tiên, Việt Nam mặc dù đã cải tổ kinh tế song đảng cộng sản vẫn giữ được địa vị thống lĩnh xã hội. Với Mỹ và cộng đồng quốc tế, việc Bắc Hàn trở thành một Việt Nam thứ hai không phải là lựa chọn tồi, nếu không muốn nói là khá lý tưởng, bởi thế giới bớt được một nỗi lo hạt nhân, bù lại bằng việc cho phép Triều Tiên hội nhập, mở mang kinh tế.
Tóm lại Việt Nam được chọn như một tấm gương cho Bắc Hàn noi theo.
Nhưng không phải lúc nào được chọn làm gương cũng đáng tự hào. Câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam không được chọn làm gương cho các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, hay ngay cả là Cambodia, Myanmar, mà chỉ là cho Bắc Hàn - một thảm họa cả về kinh tế lẫn nhân quyền ?
Kim Jong-un và trò chơi phóng hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử
Phải chăng Bắc Hàn như một đứa bé ngỗ nghịch vừa quậy nhà mình vừa phá nhà hàng xóm khiến cộng đồng quốc tế không mong gì hơn là đứa bé ấy thành một Việt Nam thứ hai, vẫn còn ngỗ nghịch nhưng khi được cho kẹo thì chỉ quậy nhà mình thôi để hàng xóm làng giếng được yên thân ?
Mà nếu thế thì liệu có gì đáng tự hào ?
Chỉ khi nào kinh tế phát triển vượt bậc đi kèm với pháp trị được củng cố, dân chủ được thúc đẩy, nhân quyền được tôn trọng, như những gì được chứng kiến ở Nhật Bản (Sự thần kỳ Nhật Bản), Hàn Quốc (Kỳ tích sông Hán), hay Đài Loan (Kỳ tích Đài Loan) thì chúng ta mới có nhiều lý do hơn để tự hào.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 27/02/2019
Cách đây vài tháng, an ninh nhà nước bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Cộng hòa liên bang Đức, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Liên Hiệp Châu Âu (EU). Trong khi Cộng hòa liên bang Đức giận dữ phản đối, thì nhiều tờ báo uy tín quốc tế đồng loạt đưa tin về hành vi man rợ của chính quyền cộng sản.
Cổng Hiển Nhơn (phía đông Đại nội Kinh thành Huế) trước kia là nơi dành cho những người vinh hiển, có công với triều đình và đất nước
Cách đây vài ngày, cộng đồng mạng phẫn nộ với bản tin về nhiều vi cá mập tươi được phơi khô trên mái nhà của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile. Rất nhiều người Việt trong và ngoài nước không khỏi bàng hoàng, tức giận và cảm thấy xấu hổ cho hành động này, bởi đây không phải lần đầu tiên mà các quan chức ngoại giao "bôi tro trát trấu" hình ảnh Việt Nam.
Gần đây nhất, theo phúc trình của Freedom House 2017, Việt Nam cùng với vài quốc gia khác, được xếp hạng KHÔNG có tự do. Hổ nhục nhức nhối khác là sự phụ thuộc và khiếp sợ quá đáng của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc.
Những trung tâm mua sắm ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… đều có những bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt chống nạn ăn cắp. Ngày 15/1/2018, cảnh sát Đài Loan cũng vừa bắt giữ một nhóm du khách người Việt, với cáo buộc trộm cắp hàng hóa và tịch thu tang vật trị giá hơn 30.000 USD.
Trong công bố mới nhất do Tổng cục thống kê vừa ban hành ngày 29/1, cả nước hiện có 19.700 người dân thiếu đói chỉ riêng trong tháng 1 đầu năm 2018.
Một Việt Nam buồn với đầy ắp những hổ nhục, khổ đau và bất công. Thế nhưng, lợi dụng chiến thắng U23, chế độ độc tài cộng sản đã kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thổi phồng nó, để định hướng dư luận và khiến cho người dân quên đi tất cả. Hàng ngàn bạn trẻ đổ ra đường, hò hét, bấm còi inh ỏi và thậm chí trần truồng, phần nào chứng minh được điều ấy. Tôi chia sẽ niềm vui chiến thắng, nhưng nó cần phải được thể hiện một cách văn minh, trang nhã và không hợm hĩnh.
Ở một góc độ khác, hình ảnh các bạn trẻ gào thét trong sung sướng khiến tôi cảm thấy dân tộc Việt Nam sao quá đỗi bất hạnh. Vì tham vọng duy trì quyền lực cai trị, Đảng cộng sản luôn ngăn cản người dân tham gia các tổ chức cũng như hoạt động xã hội vì sợ tạo nên sự gắn bó cộng đồng. Đã thế, dân tộc Việt có rất ít cơ hội để được hãnh diện về đất nước. Bởi thế, đối với nhiều người, chiến thắng thể thao tầm quốc gia là một sự kiện giúp họ giải tỏa xúc cảm bị đè nén, kết nối và mang tới niềm tự hào mà họ luôn mong mỏi.
Thể thao đượm màu chính trị
Nhiều người cho rằng thể thao và chính trị không liên quan đến nhau. Nhưng, thực ra, thể thao là một phần tất yếu của chính trị. Từ khi xuất hiện các cuộc tranh tài thể thao đa quốc gia, nhiều chính quyền đã sử dụng nó như một vũ khí ngoại giao để gửi thông điệp chính trị. Chính quyền Nazi của Hitler đã tận dụng Olympics năm 1936 để tuyên truyền, tạo ra một nước Đức mới, mạnh mẽ và thống nhất trong lúc che giấu mục tiêu tàn sát người Do Thái. Năm 1980, nhiều nước Tây phương cũng tẩy chay Olympics tại Moscow vì cuộc xâm lăng của Liên Xô tại Afghanistan. Và Ban tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã lợi dụng chiến thắng của U23, cho mục đích tuyên truyền, bằng cách phát cờ búa liềm miễn phí cho những ai "xuống đường". Thậm chí, đê tiện hơn, có những bài báo viết bằng những ngôn ngữ sặc mùi tuyên truyền dối trá như : "thế nước mạnh", "vận nước đang lên"…
Một số vận động viên mong muốn dùng những biểu tượng của thể thao để thay đổi xã hội. Ví dụ, ngày 17/10/1968, Olympics tổ chức tại Mexico, Tommie Smith và John Carlos của Hoa Kỳ, đã thu hút sự chú ý của công luận khi bày tỏ thái độ chống lại sự áp bức đối với người da đen. Trong lúc lên nhận huy chương, họ đã không mang giày, chỉ mang vớ và chào bằng biểu tượng nắm đấm, tượng trưng cho sự nghèo khổ đày đọa Mỹ Đen. Hành động của họ đã thu hút được sự chú ý rộng lớn của dư luận Hoa Kỳ và dẫn tới nhiều thay đổi xã hội đáng kể.
Tommie Smith và John Carlos của Hoa Kỳ, lúc lên nhận huy chương, đã không mang giày, chỉ mang vớ và chào bằng biểu tượng nắm đấm, tượng trưng cho sự nghèo khổ đày đọa người Mỹ da đen.
Aristole, triết gia vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại, khẳng định con người là một động vật chính trị. Nghĩa là con người không thể tự tách mình ra khỏi mọi hoạt động của xã hội, bao gồm kinh tế, văn hóa, thể thao… nơi họ sinh sống. Dù muốn hay không, công dân cũng không thể tách rời bất kỳ hoạt động xã hội nào ra khỏi chính trị bởi quyền lực chính trị ảnh hưởng tất cả.
Thể thao vốn có bản chất chính trị bởi nó là một công cụ hữu hiệu để đế hình thành nhận thức chính trị và đặc biệt gắn kết mọi người cho cứu cánh của chính trị. Một trận bóng bàn, bóng rổ, bóng đá… nếu tổ chức khéo léo, cũng có thể xóa tan sự thù hằn và ganh ghét giữa người với người. Nelson Mandela đã dùng bóng đá để hòa giải dân tộc Nam Phi và ông đã thành công. Một bài học rút ra cho phong trào dân chủ đó là chúng ta sẽ sử dụng thể thao như thế nào để thu hút ý thức chính trị, vận động tham gia tổ chức, cũng như sự quan tâm tới đất nước của trí thức và quần chúng.
Có thể thực lòng tự hào với thực trạng Việt Nam ?
Nhà nước cộng sản hiểu rõ hơn ai hết sự thất bại của họ về mọi mặt. Vì thế, họ đã lợi dụng chiến thắng của U23 vào vòng chung kết AFC Cup để che giấu nỗi nhục thua kém và sự thất bại trong quản lý quốc gia.
Với những phương tiện dồi dào có sẵn có trong tay, họ đã huy động sức mạnh tổng lực của các tờ báo đảng nhằm "tô son trét phấn" làm đẹp chế độ để "ăn theo" chiến thắng của U23 và cho phép người dân "xuống đường" để kích động chủ nghĩa dân tộc hợm hỉnh. Nhưng chế độ cộng sản lại tuyệt đối cấm cản và đàn áp bằng vũ lực những cuộc diễn hành ôn hòa bảo vệ môi trường, phản đối Formosa xả thải, chặt phá cây xanh trong thành phố, và thậm chí những buổi tưởng niệm liệt sĩ bị quân Trung Quốc thảm sát tại Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988) và chiến tranh biên giới Việt Trung (1979).
Vài bạn trong friendlist của tôi viết những dòng status như sau : "Thật tự hào là người Việt Nam", "Cảm ơn U23 đã mang đến niềm tự hào Việt Nam", "U23 là anh hùng dân tộc"... Tôi rất ngạc nhiên về những tự hào giản dị kiểu này. Chỉ cần thắng một trận bóng đá là có thể trở thành anh hùng và là niềm tự hào của cả dân tộc ! Chỉ cần lọt được vào vòng chung kết là người ta sẵn sàng bỏ qua mọi bất hạnh, nhục nhã mà đảng cộng sản đã và đang gây ra cho dân tộc Việt Nam !
Làm sao có thể tự hào khi mà đại đa số người dân Việt Nam còn bị cấm đoán những quyền tự do tối thiểu nhất ? Làm sao có thể tự hào khi hàng triệu người Việt Nam vẫn phải sống lây lất trong nghèo khổ và bất công vì bị cướp đất, xử oan ? Làm sao có thể tự hào khi hàng ngàn người mỗi năm phải rời bỏ quê hương Việt Nam, để lao động vô cùng khổ cực ở xứ lạ, vì miếng cơm, manh áo cho gia đình ?
Chiến thắng thể thao ở tầm mức quốc gia là tạm thời và nó chỉ có ý nghĩa khi trở thành động lực thúc đẩy người dân quan tâm hơn đến thực trạng đất nước. Chiến thắng của U23 có giúp đồng bào nhận ra Việt Nam ngày càng tụt hậu, ô nhiễm, nghèo khổ, trong khi trẻ em vẫn đang bị nhồi sọ bởi nền giáo dục lạc hậu ? Xin chớ quên khi nhắc đến Việt Nam, người dân ở các nước khác nghĩ ngay đến "trộm cắp", "buôn lậu", "bắt cóc"... và thậm chí "bán dâm".
Nhìn chung, đất nước Việt Nam buồn đến mức chẳng ai muốn thảo luận với nhau về những vấn nạn tiêu cực nữa... Nỗi buồn thua kém đã đẩy người dân trông chờ vào những chiến thắng và thành tích ngắn hạn, để quên đi cuộc sống khó khăn hàng ngày, để không phải đối mặt với một tương lai bất định và sự lụn bại của quốc gia. Khi người Việt Nam không cảm nhận được nỗi đau bị cướp đất, tù oan, nghèo khổ… của những đồng bào cùng "máu đỏ, da vàng" khác, thì làm sao có thể "tự hào là người Việt Nam" ?
Socrates, được xem là cha đẻ của triết học phương Tây, nhắn nhủ : "Một cuộc sống không tự kiểm không xứng đáng để sống" (An unexamined life is not worth living"). Thông điệp mà Socrates muốn gửi đến đó là phải luôn luôn tự kiểm điểm, xem xét lại những hành động của bản thân, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, để điều chỉnh, thay đổi và phát huy những giá trị làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn.
Sẽ thật ý nghĩa nếu sau mỗi thắng lợi của dân tộc Việt Nam, thể thao hay văn nghệ, nhiều người cùng tự suy xét để tỉnh thức nhận ra có những giá trị cao quý hơn để tự hào. Vì trong hoàn cảnh và điều kiện sống hiện nay, ngoài chiến thắng của U23, người Việt Nam còn có gì để tự hào ?
Tại sao các các bộ đảng viên lại có cuộc sống giàu sang, nhưng phần lớn người dân Việt Nam lại sống trong nghèo khổ ? Tại sao trẻ em ở những nước dân chủ như Singapore, Nhật Bản, Úc, Mông Cổ được hưởng nền giáo dục tiến bộ và khai phóng để giúp đất nước của họ phát triển và củng cố hạnh phúc, trong khi ước mơ của thanh niên Việt Nam sau khi được đào tạo là được đưa đi xuất khẩu ? Phải làm sao để thay đổi thực trạng khánh kiệt và suy tàn của đất nước ?...
Thay lời kết
Trong lúc nhiều bạn "xuống đường" vui sướng cho chiến thắng của U23, thì hàng chục ngàn người dân phải sống cảnh "màn trời chiếu đất" vì bị chính quyền cưỡng chế. Cũng lúc đó, hàng chục ngàn người khác đang phải làm việc quần quật ở xứ lạ vì nhà nước Việt Nam không tạo ra được công việc cho họ. Và ngay lúc đó, hàng chục ngàn người thiếu đói và ít nhất là 80 triệu người bị tước đoạt những quyền tự do cơ bản nhất.
Bạn gào thét cho chiến thắng của U23, nhưng lại im lặng trước sự đau khổ của dân tộc và lụn bại của đất nước ? Hình ảnh Viêt Nam bị "bôi tro trét trấu" bởi các cán bộ đảng viên "ăn cắp", bởi chế độ tham nhũng nghiêm trọng, bởi một nhà nước "quì gối cúi đầu" trước Trung Quốc, thì có gì đáng để tự hào ?
Chỉ khi bạn biết ăn năn và chất vấn bản thân một cách nghiêm túc về thực trạng lụn bại của đất nước thì mới biết nỗi đau là người Việt Nam và củng cố quyết tâm xây dựng một chế độ tốt đẹp hơn trong đó mọi người có chỗ đứng ngang nhau và cùng nhau loại bỏ chế độ độc tài toàn trị đang bóp nghẹt ý kiến và sáng kiến của cả dân tộc. Chỉ khi xây dựng một chế độ tốt đẹp, con cháu bạn và tôi xứng đáng được sống trong một môi trường sạch sẽ và lành mạnh, được hưởng một nền giáo dục khai phóng và sáng tạo để trở thành những con người tự do và không mang mặc cảm thua kém. Những nguyện ước giản dị này không quá khó. Vấn đề là bạn có thực sự yêu nước và chấp nhận hy sinh để xây dựng cho bằng được tương lai tốt đẹp đó hay không ?
Muốn được vậy, những bạn trẻ còn quan tâm đến tương lai của mình và tương lai của Việt Nam phải tìm nhau và cùng nhau xây dựng một kết hợp chính trị lương thiện, đồng thuận trên một giải pháp chung, để tạo ra một đối trọng có tầm vóc có thể đối chất với đảng cộng sản cầm quyền về những định hướng lớn của đất nước và cách thực hiện. Chỉ qua hình thức này, sinh hoạt chính trị sẽ trong sáng hơn và mang lại một tương lai tươi sáng cho con cháu chúng ta.
Niềm tự hào lớn nhất mà mỗi người Việt nên có là góp phần giải thể chế độ độc tài toàn trị, mang tới dân chủ đa nguyên thực sự cho dân tộc Việt Nam.
Mai V. Phạm
Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
"Đa nguyên – Bất bạo động – Hòa giải & Hòa hợp Dân tộc"
Tham khảo :
http://www.history.com/this-day-in-history/olympic-protestors-stripped-of-their-medals
Lòng tham và tự trọng trong vụ vây cá mập trên nóc tòa đại sứ (RFA, 22/01/2018)
Ngày 19 tháng Giêng vừa qua, mạng báo www.elmostrador.cl của Chile đăng tải những hình ảnh cho thấy hàng trăm vây cá mập đang được phơi khô trên mái nhà của Đại sứ quán Việt Nam vào chiều thứ Năm, ngày 18 tháng Giêng. Dân chúng địa phương, ở xung quanh khu vực gần Đại sứ quán Việt Nam phản ánh mùi hôi từ trên mái nhà cơ quan ngoại giao này. Báo mạng này còn cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra tại Chile một số lượng lớn vây cá mập của các loài trưởng thành còn tươi được phơi ngay trong thành phố.
Hình vây cá mập được phơi trên nóc nhà đại sứ quán Việt Nam ở Chile do báo elmostrador đăng tải - Hình chụp màn hình từ trang báo elmoStrador
Đài RFA có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức Bộ ngoại giao Việt Nam từng làm việc trong các cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ, xung quanh sự việc này.
Đặng Xương Hùng : Tôi cũng rất quan tâm đến câu chuyện vây cá mập được phơi trên nóc nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Chile và nói rõ hơn là Thương vụ Việt Nam tại Chile. Câu chuyện này không làm cho tôi ngạc nhiên lắm bởi vì tôi cũng từng ở trong ngành và những câu chuyện những nhân viên ngoại giao Việt Nam làm những việc để thu thêm thu nhập, kiếm thêm ít tiền làm giàu tận dụng thời gian đi ra nước ngoài làm công tác ngoại giao.
Các bạn cũng biết là ở mỗi nước lại có một lợi thế nhất định mà các nhân viên ngoại giao Việt Nam thường tìm hiểu rất kỹ tình hình của nước đó và các cơ hội để họ có thể kiếm thêm tiền. Thí dụ ở Châu Phi họ đã từng buôn sừng tê giác. Mua hàng như thuốc lá hay rượu miễn thuế của các nước sở tại rồi mang ra bán lại cho người tiêu dùng để tìm giá chênh lệch. Đây là việc lợi dụng vị trí ngoại giao và những ưu đãi ngoại giao tại nước sở tại để kiếm thêm tiền. Ở Thụy Sĩ thời tôi làm cũng có sự việc như buôn bán đồng hồ rồi gửi về Việt Nam bán lại. Tức là khi đi làm ngoại giao họ đã hỏi nhỏ nhau về cơ hội họ có thể kiếm thêm đồng tiền nào đó.
RFA : Theo ông sự việc này ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Việt Nam – Chile ?
Đặng Xương Hùng : Việc này tất nhiên ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Chile. Tuy nhiên cũng phải nói là trong quan hệ hai nước thì người ta cũng cân nhắc và thái độ của Chile đối với sự việc như thế nào tức là họ coi mức độ trầm trọng của vấn đề đến đâu thì nó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hai nước tới mức đó. Thí dụ như vụ ông Bàng đi bắt sò ở New York thì người ta cũng chỉ phạt và đưa tin một thời lượng nhất định nào đó và sau rồi câu chuyện cũng chìm đi. Chuyện bắt sò của ông Bàng không nghiêm trọng bằng chuyện buôn bán sừng tê giác và phơi vây cá mập bởi vì nó liên quan đến môi trường và bảo vệ sinh vật quý hiếm. Cho nên Chile cũng phải nghĩ đến vấn đề quan hệ hai nước và tính đến vấn đề bảo vệ môi trường. Không những họ đã vi phạm quy chế ngoại giao, lợi dụng văn phòng bất khả xâm phạm để làm những việc vi phạm pháp luật. Rồi còn lợi dụng công việc để làm chuyện gây hại với môi trường và vi phạm luật bảo vệ động vật quý hiếm. Phải nói rằng đây là một sự việc tương đối nghiêm trọng cho ngành ngoại giao Việt Nam.
Trước đây ít mạng thông tin nên những sự việc như thế này ngay lập tức bị bưng bít bởi phía Việt Nam. Tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của mạng thông tin những vụ việc như thế này được công chúng biết đến nhiều hơn. Chẳng hạn như vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức cũng vậy. Tức là Việt Nam hiện nay ít có cơ hội bưng bít những thông tin rất xấu cho hình ảnh đất nước.
RFA : Và vụ việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hình ảnh Việt Nam ?
Đặng Xương Hùng : Hình ảnh đã xấu rồi và bây giờ xấu thêm thôi. Những câu chuyện người Việt Nam mình gây ra ở nước ngoài phải nói là rất nhiều. Tất nhiên đối với phía ngoại giao thì nặng nề hơn nhiều bởi vì anh có quyền ưu đãi nhưng anh lại lợi dụng quyền ưu đãi đó. Chứ còn những hình ảnh như lấy cắp ở Thụy Điển hay ở Nhật Bản hay sinh viên đi làm thuê bị trục xuất ở một số nước như Canada, Úc. Ở Thái và Nhật người ta viết những biển cảnh báo bằng cả tiếng Việt, đó là những điều rất xấu với hình ảnh đất nước.
Vụ vây cá mập này phải nói là rất xấu cho hình ảnh Việt Nam và trách nhiệm thuộc về ngành ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên với hình ảnh của đất nước Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì đó không chỉ là trách nhiệm của ngành ngoại giao Việt Nam mà còn là cả trách nhiệm của những người còn nhân danh người Việt ra nước ngoài cần giữ uy tín cá nhân và giữ cả uy tín cộng đồng và của đất nước.
RFA : Theo ông, Nhà nước Việt Nam nên xử lý những trường hợp này như thế nào để không tái diễn trong tương lai ?
Đặng Xương Hùng : Đây là một câu hỏi rất hay bởi vì chính những người từng làm trong ngành ngoại giao như chúng tôi và có một chút nghĩ về tự trọng cho đất nước thì đều nghĩ rằng đất nước phải minh bạch trong những vấn đề như thế này. Tôi cho rằng đây là một hiện tượng khi người làm ngoại giao Việt Nam không được trả lương cao như những nhà ngoại giao ở nước ngoài. Bởi vì những đồng lương rất hạn hẹp nên người ta thường nghĩ đến câu chuyện buôn bán, làm ăn nhiều khi là phi pháp. Đôi khi họ lợi dụng cả visa, hộ chiếu, chứng thực,…
Có thời người ta đã đặt câu hỏi tại sao Nhà nước Việt Nam không tăng lương cho nhân viên ngoại giao để giảm bớt tình trạng này, tuy nhiên đây là một bài toán luẩn quẩn. Đây có thể nói là sự tham lam, bỏ qua lòng tự trọng của mình để làm những việc vi pháp. Một khía cạnh khác nữa, đó là thường thì Việt Nam không đủ sức để bao bọc tất cả con dân của mình mà phải tạo cho họ những kẽ hở để họ tự làm. Thí dụ như công an đứng đường bắt người tham gia giao thông, rồi họ cũng bỏ qua dù họ biết thừa, như vậy để mua lại sự trung thành của ngành công an với chế độ. Cũng như bỏ visa cho ngành ngoại giao để họ trung thành hơn với chế độ hiện thời.
Cho nên rất khó để họ xử lý để những câu chuyện tương tự không lặp lại mà họ chỉ làm đến mức độ nào đó gọi là "ném bùn qua ao". Câu chuyện này có khi cũng chỉ giải quyết nội bộ, một vài bản kiểm điểm cá nhân rồi thuyên chuyển những người đó đến nơi khác và câu chuyện rồi cũng qua đi. Sẽ không có một biện pháp xử lý nghiêm minh để răn đe người khác, mà chỉ là hình thức gỡ rối khi lỡ có sự vi phạm xảy ra.
RFA : Xin cám ơn những chia sẻ của ông.
Và thưa quý khán thính giả, ở Chile, cá mập là một tài nguyên trên bờ vực tuyệt chủng và việc đánh bắt loài này đã bị Chính phủ Chile cấm từ năm 2012. Đây là lần đầu tiên vây cá mập được phát hiện trong quá trình phơi khô tại quốc gia này. Vụ việc bị phát giác ngay trong khi một hội nghị khoa học về hiểm họa tuyệt chủng của cá mập đang diễn ra tại Nam Mỹ.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng báo cáo và giải trình vụ việc trụ sở Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam, ở Chile bị phát hiện phơi vây cá mập. Bộ Công thương còn gửi văn bản đến Bộ Ngoại Giao đề nghị phối hợp để xác minh thông tin liên quan, đồng thời làm việc với cơ quan chức năng của nước sở tại để xử lý theo pháp luật của Chile và báo cáo cho Bộ Công thương trước ngày 25 tháng Giêng.
*****************
Việt Nam điều tra vụ phơi vây cá mập ở đại sứ quán tại Chi lê (RFA, 22/01/2018)
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng báo cáo và giải trình vụ việc trụ sở Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam, ở Chile bị phát hiện phơi vây cá mập.
Hình vây cá mập được phơi trên nóc nhà đại sứ quán Việt Nam ở Chile do báo elmostrador đăng tải - Hình chụp màn hình từ trang báo elmoStrador
Truyền thông trong nước cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 22 tháng Một.
Bộ Công thương cũng gửi văn bản đến Bộ Ngoại Giao đề nghị phối hợp để xác minh thông tin liên quan truyền thông Chile đưa tin về Đại sứ quán Việt Nam phơi vây cá mập trên mái nhà, đồng thời làm việc với cơ quan chức năng của nước sở tại để xử lý theo pháp luật của Chile và báo cáo cho Bộ Công thương trước ngày 25 tháng Giêng.
Vụ việc vừa nêu được báo mạng www.elmostrador.cl đăng tải vào ngày 19 tháng Một với những hình ảnh cho thấy có ít nhất 100 vây cá mập phơi khô trên mái nhà của Đại sứ quán Việt Nam vào chiều thứ Năm, ngày 18 tháng Một. Dân chúng địa phương ở xung quanh khu vực gần Đại sứ quán Việt Nam phản ánh mùi hôi từ trên mái nhà cơ quan ngoại giao này.
Tờ báo mạng còn cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra tại Chile một số lượng lớn vây cá mập của các loài trưởng thành còn tươi được phơi ngay trong thành phố.
*****************
Quốc tế kêu gọi Việt Nam xử nghiêm đầu nậu buôn sừng tê giác (RFA, 22/01/2018)
16 tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội hoạt động trong lãnh vực bảo tồn tại Việt Nam gửi thư kêu gọi Việt Nam xét xử nghiêm minh đối với bị cáo Nguyễn Mậu Chiến, nghi phạm cầm đầu một đường dây buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia.
Sừng tê giác buôn lậu bị tịch thu và trưng bày tại văn phòng Hải quan ở Hà Nội hôm 14/3/2017 - AFP
Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Trung tâm Giáo dục thiếu niên vào chiều ngày 22 tháng Một cho biết tin vừa nêu.
Trong thư do 16 tổ chức đồng ký tên kêu gọi Tòa án Nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội xét xử đúng người, đúng tội nhằm răn đe các đối tượng đã và đang buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, cũng như thể hiện Việt Nam quyết tâm phòng chống loại tội phạm này.
Bị cáo Nguyễn Mậu Chiến bị bắt giữ vào tháng 4 năm 2017 tại Việt Nam, do tình nghi có liên quan tới hàng loạt vụ buôn bán hổ trái phép và hợp pháp hóa qua một cơ sở nuôi nhốt hổ ở Thanh Hóa. Vụ bắt giữ này đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có bước đột phá trong việc ngăn chặn hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã.
Tuy nhiên, trong phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Mậu Chiến diễn ra vào ngày 27 tháng 11 năm 2017, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ nguồn gốc của tang vật tịch thu và mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo.
Trước đó, Nguyễn Mậu Chiến vào năm 2007 đã bị bắt giữ tại Tanzania và bị xử phạt do vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
16 tổ chức ký tên trong thư kêu gọi Việt Nam xét xử nghiêm minh đối với Nguyễn Mậu Chiến, cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Lời người viết : Bài này đã được viết gần hai năm trước, nhưng vì lúc đó viết trong vội vã cho nên chưa được như ý tác giả, nay hiệu đính lại cho hoàn hảo hơn.
Niềm tự hào dân tộc luôn luôn là một đề tài mang tính chất thời sự và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định số phận của một dân tộc. Nếu hiểu nó một cách đúng đắn sẽ giúp cho đất nước vươn lên, còn nếu hiểu nó một cách mù quáng sẽ làm cho dân tộc khốn khổ và đất nước lụn bại như những gì tại xảy ra tại Việt Nam trong gần 70 năm qua.
Bài viết này mong được đóng góp một phần nhỏ bé để mọi người nhìn vấn đề này từ nhiều góc độ khác nhau, hầu tránh bị một số cá nhân, phe nhóm, tập đoàn lãnh đạo, khai thác cho mục đích riêng tư và cho mưu đồ chính trị.
**********************
Tôi tự hào là người Việt Nam
Tác phẩm Tôi tự hào là người Việt Nam được ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8 năm 2014. Có lẽ tại Việt Nam từ sau tháng 4/1975 đến nay, kiếm có một cuốn sách nào được tổ chức ra mắt "hoành tráng" như cuốn sách này.
Các cơ quan truyền thông lớn trong nước đều quảng bá quyển sách này và tường thuật 2 buổi "tọa đàm" về tác phẩm tại Sài Gòn ngày 30/8 và Hà Nội ngày 27/9, với sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng và các đại diện của chính quyền.
Theo chủ biên Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tác phẩm này là điểm khởi đầu cho dự án lâu dài, nhiều cuốn "tự hào" khác sẽ được ra đời : "Doanh nhân tự hào là người Việt Nam" (2015), "Trí thức tự hào là người Việt Nam" (2016), "Người Việt Nam ở nước ngoài tự hào là người Việt Nam" (2017), "Văn nghệ sĩ tự hào là người Việt Nam" (2018), "Thanh niên tự hào là người Việt Nam" (2019), "Lãnh đạo mọi cấp, mọi nơi tự hào là người Việt Nam" (2020) và còn nữa.
Tác phẩm bao gồm 35 bài viết của 33 tác giả. Mỗi tác giả đại diện cho một lãnh vực : giáo dục, văn hóa, văn nghệ, trí thức, sử học, y tế, công nghệ, báo chí, tâm lý học, tư duy chiến lược, quốc phòng… phản ảnh mọi khía cạnh của xã hội ngày nay. Trong số 33 người này có 16 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 1 thượng tướng, còn lại đều có bằng cử nhân. Phần lớn các tác giả là những người nổi tiếng tại Việt Nam như chủ biên cuốn sách là tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, đang là Tổng Giám Đốc công ty sách Thái Hà ; Đặng Lê Trung Vũ là chủ Cà Phê Trung Nguyên ; Dương Trung Quốc là sử gia, cũng từng là Đại Biểu Quốc Hội ; Nguyễn Hữu Thái Hòa là Giám Đốc Chiến Lược của Tập Đoàn FPT ; Hùng Cửu Long và Phạm Phú Ngọc Trai là hai đại gia nổi tiếng hiện nay v.v…
Theo tiểu sử đăng trong phần đầu của cuốn sách (trang 3-18), phần lớn các tác giả làm việc cho các cơ quan nhà nước và một số là doanh nhân. Nói chung tất cả đều thuộc thành phần ưu tú của đất nước Việt Nam hiện nay. Riêng ông chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng đang là thần tượng của giới trẻ trong nước, được ngưỡng mộ đến mức có cả "Hội những người là học trò của Thầy Nguyễn Mạnh Hùng" (1).
Trong số 35 bài viết, theo tôi, chỉ có 2 bài có giá trị là "Niềm tin vào con người Việt" của Alan Phan, và "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ ?" của Lương Hoài Nam.
Bài "Niềm tin vào con người Việt" ông Alan Phan đã viết từ năm 2011, cho nên không phải là bài ông viết riêng cho cuốn Tôi tự hào là người Việt Nam. Tương tự, bài "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ ?" của ông Lương Hoài Nam đã viết từ năm 2013 cho diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ", cho nên những chi tiết trong bài viết này không nói về niềm tự hào dân tộc mà ở một phía cạnh khác, trong đó ông trình bày rất thẳng thắn về hiện tình của đất nước, ngay cả đề nghị "cần phải có cơ chế thật sự dân chủ và tự do" (tr.62). Tôi đã từng đọc qua một số bài viết khác của ông và luôn dành cho ông một sự kính trọng.
Riêng ông Alan Phan (đại diện cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài theo lời giới thiệu trong sách), tôi thật ngạc nhiên về sự có mặt của ông trong cuốn sách này. Bài của ông trong quyển sách này "Niềm tin vào con người Việt", viết về sự thành công của một người Việt ở Mỹ. Đây không phải là bài hay trong số các bài viết của ông.
Hầu hết những bài viết khác của ông Alan Phan đều có những câu "móc" chính quyền cộng sản Việt Nam, đôi khi rất thâm và rất nặng. Càng về sau ông càng nói mạnh hơn. Trong bài "Những So Sánh Bất Tiện…" vào tháng 11/2014, ông kết luận bài viết bằng câu : "Cả 90 triệu người đang bị lưu đày trên quê hương của họ", cho thấy ông khó có thể tự hào khi 90 triệu đồng bào của ông đang bị lưu đài ngay trên quê hương.
Những nhận xét của tôi dưới đây về tác phẩm không bao gồm bài của ông Alan Phan và Lương Hoài Nam.
Nhận xét tổng quát về tác phẩm :
Về hình thức - nhìn chung, sách trình bày không được đẹp lắm, giấy xấu, không hợp lý khi để tên tác giả cuối bài viết.
Về nội dung, nói chung :
- Kiến thức kém so với bằng cấp tự xưng của các tác giả
- Quá coi thường độc giả
- Nhiều "niềm tự hào dân tộc" nêu ra mơ hồ, viển vong
- Đặt nặng tính chất chính trị
- Hoàn toàn né đụng chạm đến chính quyền
- Nhiều nghịch lý trong cách lý luận
- Nhiều chi tiết mâu thuẫn nhau, có khi câu trước nghịch với ý câu sau
- Nhiều dữ kiện trình bày không có bằng chứng
- Vẫn còn phân biệt giữa "Bên thắng cuộc" và "Bên bại cuộc"
- Không cho biết nguồn của các chi tiết quan trọng để độc giả có thể kiểm chứng
Điểm đáng nói đầu tiên là nhiều tác giả coi thường độc giả quá. Có những kiến thức rất căn bản lại sai, chẳng hạn như : A.Pazzi là tác giả của "Người Việt cao quý" (tr.260), ông Đỗ Đức Cương là người đã phát minh ra máy ATM (tr.44). Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp nằm trong danh sách 10 tướng lãnh xuất sắc nhất trong lịch sử nhân loại (tr.40), Mục sư King đã bị bắn chết trong lúc diễn thuyết kiêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam" (tr.70). v.v…
Đây là những kiến thức mà một người bình thường đều biết, nếu không thì chỉ cần bỏ ra vài phút là có ngay câu trả lời trên Google.
Cách chọn lựa bài của chủ biên làm cho cuốn sách mất giá trị, nhiều bài phẩm chất quá kém, có những bài lý luận không logic chút nào, có những bài người đọc có cảm tưởng như tác giả đang trong cơn lên đồng, chẳng hạn như bài "Đặt vấn đề cho sống còn phát triển Việt Nam" của tác giả Hùng Hữu Long (tr.387-393), có những bài viết như tác giả đang sống ở một hành tinh nào khác chớ không phải ở Việt Nam, có những bài quá lỗi thời trong thế giới văn minh ngày nay như bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bài ca ngợi tinh thần hỗ trợ doanh nhân của Hồ Chí Minh. Bài "Thành Hoàng làng Hạ" của tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng - đại diện cho giáo dục v.v...
Mặc dầu trong "Lời nói đầu" (tr.29-35) của chủ biên nói rằng cuốn sách này là niềm tự hào chung của tất cả người Việt Nam bao gồm mọi giới, cả người trong nước lẫn người ngoài nước nhưng nội dung cuốn sách vẫn còn nặng yếu tố chính trị như bài "Một bài phỏng vấn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp" (tr.127-133) và bàng bạc trong cuốn sách vẫn nhắc đến niềm tự hào "đánh Mỹ cứu nước", thậm chí ông chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng dự định sẽ ra mắt cuốn "Doanh nhân tự hào là người Việt Nam" vào "nhân dịp ngày 30/4/2015 – 40 năm ngày thống nhất đất nước" (tr.33), như nhắc lại vết thương của hằng triệu người Miền Nam và đại đa số người Việt ở hải ngoại. Vậy làm sao có thể kêu gọi họ tự hào về đất nước mình.
Một đặc điểm khác của cuốn sách này là né tránh những "vấn đề nhạy cảm". Mặc dầu có những bài nêu ra những yếu kém của Việt Nam so với thế giới, những xuống cấp về đạo đức trong xã hội ngày nay, những cảnh người Việt bị kỳ thị ở Nga, bị coi thường ở Nhật… nhưng tuyệt đối không ai nêu ra trách nhiệm của chính quyền.
Nói chung nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế của một cuốn sách xuất bản rộng rãi cho quần chúng, thì cuốn sách này không đáp ứng được những đòi hỏi căn bản.
Đòi hỏi tối thiểu của một sách là tất cả các nguồn (source, reference) phải ghi xuống, và những chi tiết quan trọng phải cho độc giả biết trích từ đâu để nếu cần họ có thể kiểm chứng. Cuốn sách này hoàn toàn thiếu điều đó. Đây là trách nhiệm của chủ biên.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất sau khi đọc qua cuốn sách này là khả năng và tư cách đạo đức nghề nghiệp của ông Tiến sĩ Chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng thể hiện qua cách chọn bài và 3 bài viết của ông. Ông coi thường người đọc quá. Ông ca ngợi người Việt giống như ông đang sống tại nơi tại nào đó trên thế giới, chớ không phải trên mảnh đất Việt Nam, chẳng hạn như bài "Người Việt và lý thuyết cây tre" (tr.343-349) nêu ra 20 đức tính tốt của người Việt Nam. Bài "Tôi tự hào là người Việt Nam" (tr.37-45), nêu ra khoảng 40 điều mà người Việt Nam nên tự hào về đất nước mình. Trên thế giới này khó có dân tộc nào có đến 20 đặc tính tốt như ông nêu ra và hiếm có quốc gia nào có 40 thứ để tự hào như ông nói. Thật sự, trong những tự hào ông nêu ra đó phần lớn không đúng sự thật, có những tự hào chỉ gây thêm chia rẽ giữa người Việt, có những tự hào đúng ra phải lấy làm xấu hổ.
Cả 3 bài viết của ông Nguyễn Mạnh Hùng không thể hiện tính chất chuyên nghiệp và sự lương thiện của người trí thức, có những chi tiết sai rất căn bản, nhiều nghịch lý trong cách lý luận mà một người không cần học nhiều cũng nhìn thấy, nhiều chi tiết không đáng tín và không ghi nguồn trích từ đâu để người đọc có thể kiểm chứng. Điều mỉa mai nhất là nếu người Việt Nam tốt đến mức như ông nói, thì cả thế giới đã biết rồi, họ đã kính nể và ngưỡng mộ người Việt Nam có thể hơn cả người Nhật, thì cần gì phải phát động thành một phong trào như ông đang làm và sẽ làm, để hy vọng "Tôi muốn sẽ đến một ngày, Hai tiếng Việt Nam được thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ" (tr. 384).
Nếu quan niệm đây là cách tự hào riêng của người Việt Nam, cuốn sách này được viết ra để người Việt "tự sướng" với nhau, thì không có gì để nói. Nhưng nếu quan niệm như một số tác giả trong cuốn sách hay như ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông, phát biểu trong buổi tọa đàm "Tôi tự hào là người Việt Nam" ngày 27/08/2014 tại Hà Nội : "Chủ đề này cần trở thành một cú hích, tác động vào mỗi cá nhân, để thế giới ngưỡng mộ chúng ta hơn" (2), thì đối với một người Việt còn tự trọng phải xét lại - đây là cuốn sách để tự hào hay để xấu hổ !
Ông tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đang là chủ tịch của Công Ty Cổ Phần Sách Thái Hà, dĩ nhiên với địa vị này, ông bắt buộc phải có liên hệ với chính quyền, không ai có thể đòi hỏi ông không làm theo những đòi hỏi của chính quyền, nhưng ít ra ông cũng phải thể hiện một chút sĩ khí và trách nhiệm của người trí thức trước hiện tình đất nước, hay tối thiểu cũng phải tôn trọng sự thật.
I. Khái niệm về niềm tự hào dân tộc
Cái khó nhất đối với một người phê bình cuốn sách này là có quá nhiều bài viết và khó hơn nữa là hầu hết những bài viết đều có nhiều chi tiết sai và nhiều điều dễ gây tranh cãi. Cho nên trong phạm vi bài viết này tôi chỉ tập trung vào những bài chánh.
Bất cứ dân tộc nào cũng có những cái để tự hào. Không nhất thiết phải tự hào về những thành tựu vĩ đại mà tự hào vì đó là nơi mình đã sinh và lớn lên với những nét đặc thù được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cũng giống mọi sắc dân khác, người Việt nào cũng muốn tự hào về quê cha đất tổ. Ai cũng mong muốn đất nước mình giàu đẹp, văn minh có thể sánh vai cùng thế giới và không cảm thấy tủi hổ nhắc đến hai chữ "Việt Nam".
Tự hào về quê hương là tình cảm tự nhiên. Tự hào giúp cho chúng ta có thêm niềm tin khi đất nước phải đương đầu với những thử thách, khi đứng trước những khúc quang của lịch sử và những giai đoạn chuyển mình của đất nước. Tự hào cũng là chất keo nối kết dân tộc lại trước hiểm họa xăm lăng của ngoại bang, và càng cần thiết hơn nữa khi đất nước phải xây dựng lại từ đống tro tàn.
Thế nhưng phải tự hào trong tinh thần tự trọng. Tự hào đúng với những với những gì mà mình xứng đáng. Những gì tự hào phải là những điều có thật, chớ không là những điều viễn vông hoang tưởng, không phải hùa theo chính quyền. Phải tự hào trong ý thức và sự tỉnh táo để không bị một số người lợi dụng.
Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, tự hào về dân tộc mình để có thêm tự tin hòa nhập vào cộng đồng thế giới chớ không phải để chứng tỏ dân tộc mình hơn dân tộc khác. Trong thế giới ngày nay sẽ không có chỗ cho tinh thần dân tộc mù quáng, tự cao về dân tộc mình và đòi hỏi những dân tộc khác phải "nghiêng mình ngưỡng mộ". Trước khi tự hào về dân tộc mình phải hành xử như những con người văn minh, có tư cách của công dân toàn cầu, góp phần giúp thế giới này được nhân bản và tử tế hơn.
Đáng tiếc là trong 60 năm qua, người Việt Nam là nạn nhân nhiều lần của chiêu bài "tự hào dân tộc" bởi những kẻ đầu cơ chính trị núp dưới danh nghĩa "làm cách mạng", khiến cho dân tộc Việt Nam ngày nay không còn là một dân tộc đáng tự hào mà như một thân xác mang trên người đầy thương tích, lại thêm chứng bệnh hoang tưởng trầm trọng.
Khi nói về niềm tự hào dân tộc, người viết xin nêu 2 quan điểm dưới đây :
1/ Nhiều người cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị đất nước chỉ có 60 năm, là một giai đoạn rất ngắn trong quá trình lịch sử kéo dài 4000 năm. Chính vì vậy niềm hào dân tộc phải được nhìn với chiều dài của lịch sử chớ không nên nhìn ở một giai đoạn nhất thời.
Chỉ có hiện tại mới quan trọng, mới là những gì chúng ta hãnh diện hay xấu hổ. Quá khứ dù có vẻ vang đến đâu thì cũng vẫn là dấu tích của một thời. Người ta sống với hiện tại chớ không ai sống với khá khứ. Quá khứ chỉ để nhận dạng mình làm hành trang cho cuộc hành trình hướng về tương lai.
Mấy ngàn năm văn hiến có ý nghĩa gì nếu như hiện tại không bằng những quốc gia mới hình thành có mấy mươi năm. Người Singapore không tự hào về khá khứ nhưng họ có hàng trăm lý do để tự hào về những thành tựu hôm nay. Một người ngoại quốc đánh giá một quốc gia không phải bằng những trang sử vẻ vang, một nền văn minh rực rỡ trong quá khứ của xứ sở đó mà bằng những gì họ nhìn được thấy trong hiện tại.
Quá khứ là những bài học quý giá, nhưng có khi cũng những là chướng ngại.
Nền văn minh lực rỡ của Ai Cập, Hy Lạp, Peru, Mông Cổ… chỉ giúp cho những quốc gia này có thêm một số du khách đến xem những di tích còn sót lại, nhưng cũng chính những di sản quá khứ rực rỡ đã tạo cho họ đặc tính tâm lý tự mãn và làm cho đất nước khó phát triển.
Nếu như chúng ta tự hào về 4000 năm văn hiến thì có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ về câu hỏi dưới đây :
60 năm là một khoảng thời gian rất ngắn so với chiều dài lịch sử 4000 năm. Nếu thật sự chúng ta có 4000 văn hiến, thì đáng lý ra phải có một nền văn hóa lành mạnh, vững chắc, chịu được những thử thách của biến động… thế thì tại sao chỉ trong vòng có 60 năm văn hóa lại có thể xuống cấp một cách thảm hại như hiện nay. Có thể nói trong lịch sử thế giới chưa bao giờ chứng kiến có một dân tộc nào bị phá sản về đạo đức và văn hóa nhanh như dân tộc Việt Nam hiện nay.
2/ Nhiều người vẫn cho rằng chúng ta phải có niềm tự hào dân tộc cho dù chế độ cộng sản đang cai trị đất nước. Chế độ chỉ là nhất thời còn dân tộc thì trường tồn mãi mãi, hơn nữa chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay không thể coi là những người đại diện cho đất nước.
Dù viện dẫn với bất cứ lý do gì thì chúng ta không thể phủ nhận trước cộng đồng thế giới - chính quyền hiện tại là những người đại diện chính thức của đất nước Việt Nam. Mặc dù biết rằng thành phần lãnh đạo hiện nay không phải được đa số toàn dân chấp nhận qua các cuộc bầu cử chính thức, nhưng khi Việt Nam không có những nhân vật đối lập được sự ủng hộ rộng rãi của toàn dân, được thế giới biết đến giống như Nelson Mandala hay bà Aung San Suu Kyi trước đây thì họ chỉ biết người đại diện của đất nước Việt Nam qua chính quyền hiện hữu.
Tội ác của cộng sản đối với dân tộc trong 60 năm như thế nào, mọi người đều biết không cần phải nêu ra đây. Trong những tội ác đó, chúng ta là nạn nhân nhưng đồng thời cũng là thủ phạm. Đừng quên rằng tập đoàn cộng sản lãnh đạo hiện nay không thể nắm được chính quyền ở miền Bắc và chiếm được Miền Nam nếu không có sự tiếp tay, ủng hộ của người Việt Nam. Đừng đổ thừa ngoại bang càng thêm xấu hổ, chính chúng ta định đoạt số phận của chúng ta chớ không ai khác. Và nếu chúng ta không hèn thì đảng cộng sản không thể duy trì được quyền lực cho đến ngày hôm nay. Cho nên trước khi kết án đảng cộng sản Việt Nam "hèn với giặc ác với dân" thiết nghĩ cũng nên nhớ câu nói của nhà văn người Pháp Joseph de Maistre "Dân tộc nào thì chế độ đó" (Every country has the government it deserves). Chúng ta là thủ phạm đã góp phần làm hủy hoại đất nước và tự đưa chúng ta vào vòng nô lệ. Bây giờ là lúc phải biết sám hối thì mai ra đất nước mới có cơ hội hồi sinh.
Trong những thủ phạm đó dĩ nhiên có cả người viết - một người tị nạn cộng sản. Bỏ nước ra đi từ căn bản đã là một sự đầu hàng. Ra đi để tìm một lối thoát cho cá nhân vì không có đủ cam đảm ở lại tranh đấu đòi quyền sống cho mình, chớ đừng nói tới dân tộc lớn lao.
Chính vì thế mà những gì người cộng sản làm nhục quốc thể trong 60 năm qua, cả trong nước lẫn ngoài nước, thì đó cũng là cái nhục chung dân tộc Việt Nam vì mỗi cá nhân chúng ta, dù ít hay nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp, đã góp phần tạo ra những con người và chế độ đó thì nay phải có cam đảm nhận trách nhiệm đó.
***
Đọc qua cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam" người viết cố gắng tìm một từ ngữ chính xác nhất để diễn tả cuốn sách này nhưng nghĩ hoài không ra, đành mượn câu thơ của cụ Tản Đà để nói hộ : "Dân 25 triệu, ai người lớn, nước 4000 năm vẫn trẻ con".
Câu thơ này được làm vào đầu thập niên 30 mà như viết cho thời đại hôm nay.
Không biết tâm lý thích được khen và thích sử dụng những trò khôn vặt của người Việt phát xuất từ lúc nào, có lẽ từ thời xa xưa.
Dưới thời phong kiến, vì mang mặc cảm nhược tiểu, bị Tàu áp bức, mọi thứ đều bắt chước theo Tàu nhưng cũng không học và làm được đến nơi đến chốn, cho nên ta mới tưởng tượng ra nhân vật "lỗi lạc" Trạng Quỳnh để thỏa mãn lòng tự ái tự tộc. Tài ứng khẩu và những tiểu xảo của Trạng ta đã làm cho quan sứ Tàu bái phục. Người Việt Nam lấy đó làm thích thú và xem như một niềm tự hào dân tộc.
Tâm lý vừa tự ti vừa tự tôn trở thành đặc thù văn hóa của người Việt Nam.
Điều bất hạnh cho dân tộc chúng ta là có những người đã hiểu rõ được tâm lý này và tận tình khai thác nó trong 60 năm qua. Bất hạnh hơn nữa là thay vì người Việt Nam phải học hỏi từ những kinh nghiệm đau thương để thay đổi số phận, họ vẫn tiếp tục tự nguyện làm nạn nhân cho những kẻ có mưu đồ chính trị.
Căn bệnh trầm kha của dân tộc Việt Nam hôm nay là căn bệnh tinh thần, căn bệnh ảo tưởng, căn bệnh của đứa trẻ mãi mãi không chịu trưởng thành làm người lớn.
Thân phận của người Việt Nam trong 60 năm qua là thận phận "Con ngựa già của Chúa Trịnh" của Phùng Cung. Sau bao năm chạy theo ảo tưởng cuối cùng trở thành một con ngựa già kiệt sức. Dù cả đời bị lường gạt, nhưng trước khi chết vẫn không thoát ra được ảo tưởng : "Trước hơi thở cuối cùng, nó lấy hết sức tàn, ngốc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau, chừng như để cố giữ lấy cái thế cao đầu phong vĩ" (3).
Nếu như Lỗ Tấn được xem là người hiểu dân tộc Trung Hoa hơn ai hết, thì có thể nói người hiểu tâm lý người Việt Nam rõ nhất là Hồ Chí Minh. Sự khác biệt giữa Lỗ Tấn và Hồ Chí Minh là Lỗ Tấn mang hoài bão dùng kiến thức và ngòi bút của mình để mong chữa được căn bệnh tinh thần của người Trung Hoa, còn Hồ Chí Minh thì khai thác "căn bệnh tự hào" của người Việt để đạt mục đích chính trị và đưa dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ.
Mặc dầu cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam" là sản phẩm của một số trí thức, nhưng nó phản ảnh khá chính xác tâm lý của người Việt hôm nay. Lòng tự hào của người Việt Nam là căn bệnh thành tích quá phổ biến trong xã hội hiện nay, nó được dùng như một vật trang sức để che giấu những sự thật phũ phàng, là liều thuốc an thần đối với đại đa số giới nghèo khổ để quên những cơ cực, tủi nhục trong đời sống và chờ đợi một phép lạ xảy ra để thay đổi số phận.
Trái với mục đích của cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam", cuốn phim "Chuyện Tử Tế", nhà đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm cách đây đúng 30 năm, trong đó ông cảnh báo mọi người về cái nguy hiểm của "căn bệnh tự hào" : Trong suốt nhiều năm các học sinh Miền Bắc được dạy rằng : "Các em là những đứa trẻ hạnh phúc vì các em là con Hồng cháu Lạc, giang sơn gấm vóc, thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên giàu có, tiền rừng bạc biển" Cũng ở một lớp học như vậy ở nước Nhật thì người ta dạy con em của người ta rằng "Các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh vì bởi các sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên ưu đãi. Một đất nước đã từng thua cuộc trong chiến tranh. Gương mặt của đất nước này, tương lai của các bạn là trong tay các bạn". Giá như một lần chúng ta dạy con em rằng : "Các em ạ, cái nhục của sự nghèo khổ cũng chẳng kém gì cái nhục của sự mất nước". Đừng nghe những lời tâng bốc hão huyền vì bi kịch và hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa" (4).
Ông Trần Văn Thủy nói 30 năm trước mà cứ tưởng như đang nói cho thời nay. Ông nói đúng quá, nhưng mấy ai lắng nghe. 30 năm trước Việt Nam nghèo. 30 sau năm Việt Nam vẫn nghèo. Ông khuyên "Đừng nghe những lời tâng bốc hão huyền" cũng chẳng thấy có tác dụng, bằng chứng là sẽ nhiều cuốn sách "tâng bốc hão huyền" sẽ ra đời để đáp ứng nhu cầu của quần chúng.
Cái đau đớn nhất của dân tộc chúng ta là dù có quyết tâm, yêu thương đất nước đến đâu thì những con người như Phan Chu Trinh vẫn thất bại, trong lúc đó những con người như Hồ Chí Minh lại thành công – tất cả chỉ vì một lý do giản dị : đối với người Việt Nam những lời tâng bốc dù giả dối đến đâu vẫn có sức hấp dẫn hơn những lời chân thật. Chính quyền cộng sản duy trì được quyền lực cho đến hôm nay là vì học được từ Hồ Chí Minh bí quyết giản dị này.
Nếu như lòng tự hào dân tộc được sử dụng một cách bừa bãi tại Việt Nam, thì thế giới Tây Phương ngày nay rất thận trọng khi nói về điều này.
Thế giới hiện nay đang phải đương đầu với 3 hiểm họa : Nga, Tàu và các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Hai nước Nga Tàu đang có tham vọng phục hưng thời oanh liệt trong quá khứ bằng cách khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Rút kinh nghiệm từ những nguyên nhân đưa đến Đệ Nhị Thế Chiến, các nước văn minh Tây Phương rất dè dặt khi nói đến niềm tự hào dân tộc, hơn ai hết họ hiểu rằng từ niềm tự hào dân tộc đến tinh thần quốc gia cực đoan chỉ là một khoảng cách rất ngắn. Chế độ Phát xít Đức, Ý, Nhật lên nắm quyền vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước và người dân sẵn sàng xông pha vào lửa đạn vì bị kích thích bởi lòng tự hào dân tộc. Phát xít Ý tự hào là con cháu của những người đã dựng lên nền văn minh rực rỡ đã thống trị thế giới trong 500 năm, Hitler cho rằng người Đức thuộc chủng tộc thượng đẳng Aryan và người Nhật tự hào là con cháu của Thần Dương Thái Nữ. Cả hai dân tộc Đức và Nhật đều tự cho mình được sinh ra để mang sứ mạng khai hóa nhân loại. Chủ nghĩa cộng sản lúc đầu chủ trương đạt đến thế giới đại đồng qua các phong trào Quốc tế cộng sản, nhưng sau những kết quả không mấy khả quan, Stalin đã nhận ra rằng đối với các nước nhược tiểu lạc hậu, chủ nghĩa cộng sản phải được che đậy bằng chủ nghĩa dân tộc. Kết quả chứng minh là quyết định của ông đúng.
Không phải tình cờ mà ba nước Nga, Trung Hoa và Việt Nam theo cộng sản. Ba dân tộc này có nhiều đặc tính giống nhau : vừa tự ti vừa tự tôn và mang não trạng của một dân tộc lạc hậu.
Sau khi đánh bại Đế quốc Thụy Điển vào năm 1721, nước Nga đã trở thành cường quốc lớn nhất Âu Châu, biên giới trải dài từ Âu sang Á và tiết tục được mở rộng sau đó, thế nhưng trong suốt nhiều thế kỷ người Nga luôn luôn bị các dân tộc khác ở Âu Châu xem là một dân tộc lạc hậu. Khi trở thành Đế Quốc lớn nhất thế giới lại bị bại trận trước một nước Nhật nhỏ bé – lần đầu tiên một nước Âu Châu bị đánh bại bởi một nước Á Châu. Đối với người Nga đây là cái nhục không thể quên.
Thời huy hoàng được lập lại khi Liên Bang Sô Viết đạt đến tột đỉnh về sức mạnh vào thập 60, 70 tưởng chừng như không lâu nữa sẽ thống trị cả thế giới, thế nhưng đế quốc này một lần nữa bị tan rã trong một thời gian rất ngắn.
Ngày nay nước Nga tuy vẫn là quốc gia rộng lớn nhất thế giới nhưng vẫn bị cầm quyền bởi chế độ độc tài và yếu kém về kinh tế.
Chính những yếu tố thăng trầm của lịch sử đã góp phần tạo nên một tâm lý người Nga vừa tự tôn vừa tự ti và luôn luôn mang một mối thù hận đối với thế giới bên ngoài.
Nhà văn người Nga Natalja Kljutcharjova, có nhận xét khá chính xác về tâm lý người Nga ngày nay trong bài viết "Bệnh tự hào dân tộc của người Nga" (5), cho thấy nó khá giống với người Việt Nam. Trong đó có một đoạn bà viết :
"Họ giống các nhân vật của Dostoevsky, ông gọi họ là "những kẻ ở xó hầm". Đó là những con người sống rất lâu, thường là suốt đời, trong trạng thái bị hạ nhục, khiến tâm lí họ hoàn toàn bị méo mó. Cả cuộc đời họ, toàn bộ những ước mơ và nguyện vọng của họ chỉ rút gọn vào một mục tiêu : trả thù, rửa nhục. Nỗi khao khát trả thù bệnh hoạn ấy phần lớn không nhằm cụ thể vào những kẻ nào đó đã làm nhục họ, mà chĩa vào toàn thế giới. Dostoevsky đã miêu tả nhiều giai đoạn phát triển của căn bệnh mà giới tâm lí học hiện đại chắc sẽ gọi là một "chấn thương bỏ ngỏ" này. Nó đặc biệt ăn sâu ở những người không bao giờ ra khỏi trạng thái bị hạ nhục.
Ở Nga ngày nay cũng hệt như ở thời Dostoevsky, cả cuộc đời người ta thường là sự hạ nhục : từ khi sinh ra trong một bệnh viện bình dân (một chi nhánh thực thụ của địa ngục) đến lúc say xỉn ở góc đường mà chết. Những con người sống một cuộc đời như thế thường hình thành một lòng tự hào bệnh hoạn. Để phục hồi sự cân bằng nội tâm vốn liên tục bị những hoàn cảnh ê chề bên ngoài tàn phá, muốn sống còn thì họ buộc phải có một điều gì đó để tự hào.
Cơ sở để tự hào có thể hoàn toàn ngớ ngẩn và viễn vông, nhiều khi đơn giản là bịa đặt và hầu như bao giờ cũng phi lí, khiến người có tư duy bình thường, lành mạnh phải bật cười hoặc nhún vai cho qua. Nhưng những kẻ bị hạ nhục kinh niên thì bám chặt lấy những ảo ảnh ấy, đầy đức tin, cuồng tín, nhiệt thành và trong thâm tâm càng bất mãn thì càng hăng say phụng sự chúng".
Tổng thống Putin là người hiểu rõ tâm lý người Nga, cho nên nếu theo dõi thông tin chúng ta sẽ thấy ông không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để khai khác yếu tố tự hào dân tộc những lúc cần thiết.
Trong bài diễn văn đọc tại Quốc Hội Nga ngày 18/03/2014, ông Putin biện minh cho hành động xâm chiếm Crimea bằng cách đã khơi dậy lòng tự hào của dân tộc Nga : "Tất cả những gì tại Crimea đều là niềm tự hào và là lịch sử chung của chúng ta. Ở nơi này có dấu tích của Khersones cổ đại, ở đây Quận Vương Vladimir đã được làm lễ rửa tội. Tinh thần Chính Thống Giáo của Người đã xây dựng ra các nền tảng cho văn hóa cũng như những giá trị nhân bản, văn minh để liên kết nhân dân Nga, Ukraine và Belarus. Cũng tại Crimea này còn có bia mộ của những người lính Nga mà vào năm 1783 lòng dũng cảm của họ đã đưa Crimea vào với Đế quốc Nga. Crimea cũng có Sevastopol – một thành phố huyền thoại, thành phố của lịch sử chói lọi, cũng là một pháo đài, và chính là quê hương để sinh ra Hạm đội Hắc Hải của nước Nga. Crimea là Balaklava và Kerch, Malakhov Kurgan và Sapun Ridge. Mỗi cái tên đó đều rất thiêng liêng trong lòng dân tộc, là biểu tượng của lòng dũng cảm và vinh quang của quân đội Nga" (6).
Chính vì biết khai thác yếu tố "tự hào dân tộc" cho nên mặc dầu kinh tế nước Nga đang xuống dốc thê thảm, quyền tự do con người bị giới hạn, thành phần đối lập bị bỏ tù hay bị thủ tiêu, nhưng tổng thống Putin vẫn được đa số người dân ủng hộ.
Trong lúc đó ở phương Đông, con sư tử Châu Á đang gầm thét : "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc" (7).
"Giấc mơ Trung Quốc" dù theo quan điểm của Đại Tá Lưu Minh Phúc hay của Chủ Tịch Tập Cập Bình đều bắt đầu bằng cách khơi dậy niềm tự hào của dân tộc Trung Quốc qua tinh thần Đại Hán, một đất nước từng có nền văn minh rực rỡ và nền kinh tế mạnh nhất thế giới vào đầu thế kỷ 14.
"Giấc mơ Trung Quốc" theo quan điểm của Tập Cẩn Bình và Lưu Minh Phúc, không phải chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà bao gồm cả sức mạnh quân sự.
Đại tá-giáo sư Đại học Quốc phòng Lưu Minh Phúc, tác giả cuốn sách "Giấc mơ Trung Quốc" đã nói rõ : Trung Quốc có 3 chiến lược để thực hiện trong thế kỷ 21, chiến lược đầu tiên là "Trung Quốc phải thay Mỹ lãnh đạo thế giới" (8).
Tập Cập Bình thì khéo léo hơn trong cương vị của ông khi nói đến "Giấc mơ Trung Quốc" :
"Cội nguồn lịch sử của chúng ta vô cùng sâu sắc, những cơ sở thực tiễn vô cùng rộng lớn. Nhân dân Trung Quốc có được truyền thống thông minh sáng tạo phi thường, chính vì vậy, nhân dân đã xây dựng lên một nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại. Chúng ta cần tự tin vào bản thân và tràn đầy lòng dũng cảm tiến về phía trước theo con đường đã chọn. Giấc mơ Trung Hoa - giấc mơ của nhân dân. Cần phát triển rộng rãi tinh thần Trung hoa, cơ sở căn bản của tinh thần Trung Hoa là lòng yêu nước, một khi đã đoàn kết lại thành một khối vững chắc, chúng ta sẽ thực hiện được giấc mơ Trung Hoa". (9)
So với lịch sử của nước Nga thì lịch sử của Trung Quốc khắc nghiệt hơn nhiều. Nếu như có lúc họ đạt đến tột đỉnh của vinh quang thì cũng có lúc họ bị đạp xuống tận cùng của sự nhục nhã. Sau khi bị đánh bại trong cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, Nhà Thanh phải ký hiệp ước Nam Kinh (1842) với những điều kiện cay đắng, và sau đó bị các liệt cường Tây Phương đua nhau xâu xé. Tiếp theo đó là bị nước Nhật nhỏ bé hơn đánh bại dễ dàng, rồi phải chứng kiến cảnh cảnh thảm sát kinh hoàng tại Nam Kinh vào năm 1937.
Tất cả những nhục nhã đó cộng với những tấm bảng treo ở bãi biển Thượng Hải sau cuộc chiến tranh Nha Phiến "Nơi đây cấm chó và người Tàu", đã làm cho tâm lý người Trung Quốc phức tạp hơn người dân tộc khác – vừa tự tôn về nền văn minh trong quá khứ, vừa tự ti vì nước ngoài làm nhục. Họ vừa cần đến Tây Phương, Nhật Bản để làm giàu nhưng đồng thời cũng mang một mối căm thù chờ ngày phục hận.
Muốn làm được làm đó, trước hết họ phải khơi dậy "niềm tự hào dân tộc" giống như Hitler đã làm gần một thế kỷ trước. Và ngày nay ai cũng nhìn thấy nguy cơ của thế giới này một khi Trung Quốc đạt được giấc mơ "thay Mỹ lãnh đạo thế giới".
II. Những điều tự hào không đúng sự thật
Người viết chỉ nêu một số điều tự hào không đúng trong cuốn "Tôi tự hào người Việt Nam" (Tôi tự hào là người Việt Nam) có thể kiểm chứng được. Ngoài ra có những tự hào - khó có thể nói đúng sai như "Người Việt rất thông minh, yêu nước, anh hùng, cần cù, chịu khó, sáng tạo, nhân ái, lạc quan…" đó là cái nhận xét riêng của từng người và đúng hay sai tùy quan điểm của người đọc.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là chủ biên cuốn sách, ông là người duy nhất có ba bài viết trong cuốn sách.
Ba bài này có điểm chung là Việt Nam được mô tả như một thiên đàng trên hành tinh này : đất nước được "thiên nhiên ưu đãi", lịch sử oai hùng, con người thì "rất linh hoạt, thông minh", có rất nhiều đức tính tốt, "mỗi người Việt là một bông hoa quý hiếm. Hoa người Việt hiếm nên rất quý", và luôn lạc quan "vững tin vào ngày mai".
Việt Nam đối với ông chỉ có tốt, không thấy ông nêu ra bất cứ một yếu kém nào của đất nước và con người Việt Nam.
Trong phần tiểu sử tác giả cho biết ngoài bằng tiến sĩ, ông Nguyễn Mạnh Hùng còn là giáo sư đại học và giữ nhiều chức vụ quan trọng, đã từng có 15 năm du học ở nước ngoài và đã đặt chân đến 41 quốc gia.
Đặc điểm khác trong các bài viết của ông chủ biên và một số tác giả, là đưa ra kết luận mà không đưa ra bằng chứng cụ thể để cho thấy mức độ đáng tin.
Điều quan trọng đối với một cuốn sách là tác giả phải thể hiện cho người đọc thấy tính thuyết phục. Muốn như thế tác giả phải chứng tỏ khả năng lý luận. Nếu không có bằng chứng cụ thể thì phải lý luận cho hợp lý để thuyết thục người đọc. Đáng tiếc là cuốn sách này không thể hiện được những tiêu chí đó.
Và điểm cuối cùng là sự lương thiện của người viết. Dám trình bày quan điểm của mình cho dù điều đó đi ngược lại quan điểm của nhiều người là nhân cách của người trí thức, nhưng viết chỉ để phục vụ cho những mục đích mờ ám riêng tư hay mục đích của nhà cầm quyền thì chỉ xứng đáng là tư cách của một người viết mướn và có tội rất nặng đối với quốc gia dân tộc.
Bài "Tôi tự hào là người Việt Nam" (tr.37-45) của ông Nguyễn Mạnh Hùng, là bài đầu tiên và cũng có thể xem là bài chánh yếu nhất của cuốn sách.
Bài viết liệt kê ra hơn 40 thứ để người Việt Nam tự hào - từ trống đồng, đến Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trải, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, nhà Lý, Nhà Trần - từ được thiên nhiên ưu đãi cho đến cho đến làn điệu dân ca, 8 di sản phi vật thể, áo dài, múa rối nước, Sử thi Tây Nguyên, văn hóa mừng thọ, một đất nước với 8000 lễ hội lớn nhỏ - từ người Việt Nam rất thông minh, cho đến những thiên tài góp mặt trên nhiều lãnh vực - từ người đã phát minh ra máy AMT là Tiến sĩ Đỗ Đức Cường cho đến Thiền Sư Nhất Hạnh, thầy Huyền Diệu, và khoảng vài chục thứ tự hào khác.
Bài thứ hai "Tự hào về Việt Nam theo những cách riêng" (tr.153-163) viết về câu chuyện ba người Việt "Chuyện anh Tân", "Chuyện thầy Liễn" và "Chuyện trò Phi".
Bài thứ ba "Người Việt Nam và lý thuyết cây tre" (tr.343-349) nêu ra khoảng 20 đức tính tốt của người Việt : "Người Việt giản dị, mềm mỏng, tiết kiệm, thông minh, linh hoạt, khéo léo, luôn biết hiên ngang ngẩng cao đầu, vững tin vào ngày mai...v.v". Và đặc biệt là "Mỗi người Việt là một bông hoa quý hiếm. Hoa người Việt hiếm nên rất quý".
Dưới đây là những điều tự hào mà người viết nghĩ là không đúng sự thật trong cuốn sách này :
1/ "Tôi tự hào rằng, người phát minh ra máy ATM là một công dân Việt Nam" (tr.44)
Điều "tự hào" này có thể ông Nguyễn Mạnh Hùng dựa vào một số website trong nước – chẳng hạn như trang web của tờ Lao Động, có bài "Những điều ít biết về người gốc Việt phát minh ra máy ATM" (10) cho rằng tiến sĩ Đỗ Đức Cường là người đã phát minh ra máy ATM trong lúc làm việc cho City Bank (Mỹ). Tuy nhiên không có trang web nào trong nước đưa ra bằng chứng cụ thể, tất cả điều viết na ná giống nhau, một cách mông lung mơ hồ.
Muốn biết ai là người đã phát minh ra máy rút tiền ATM, chỉ cần vào "Wikipedia" phần "History of ATM" (11) sẽ có đầy đủ chi tiết. Xin tóm tắt phần viết về người phát minh : "Máy ATM đầu tiên được sử dụng bởi ngân hàng Barclays Banks tại phố Enfield, phía bắc London, Anh Quốc vào ngày 27/6/1967, đây là máy rút tiền đầu tiên trên thế giới và người đầu tiên sử dụng là diễn viên hề Reg Varney. Người phát minh ra máy này là John Shepherd-Baron của công ty in ấn De La Rue, ông được trao giải thưởng OBE [Order of the British Empire] - Danh Dự của năm 2005". Nguyên văn : The first of these [ATM] that was put into use was by Barclays Bank in Enfield Town in north London, United Kingdom [9] , on 27 June 1967. This machine was the first in the world and was used by English comedy actor Reg Varney. This instance of the invention is credited to John Shepherd-Barron of printing firm De La Rue [10] , who was awarded an OBE in the 2005 New Year Honours [11] .
Trong trang web này hoàn toàn không có nhắc đến tiến sĩ Đỗ Đức Cường.
Trên "Wikipedia" tiếng Việt (12), chỉ giới thiệu về Tiến sĩ Đỗ Đức Cường như sau : "Tiến sĩ Đỗ Đức Cường là một chuyên viên cao cấp ngành Ngân hàng ở Hoa Kỳ, ông còn được biết đến như một chuyên viên thông thạo trong nhiều lĩnh vực[1][2][3][4][5]. Ông cũng là Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc[cần dẫn nguồn][6] (tổ chức nào ?) và là cố vấn cao cấp ngành Ngân hàng tại Việt Nam [7]".
Sau đó cho biết ông sinh tại Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1945, du học tại Nhật năm 1963. Trong phần "Đánh giá" có câu : "Tiến sĩ Đỗ Đức Cường đã đóng góp 38 phát minh của riêng ông. Trong đó có sáng kiến sửa đổi kiểu dáng bên ngoài hệ thống ATM được cấp phép năm 1997 mang số hiệu D386883 [9]" (Báo Pháp Luật và Xã Hội) [5].
Bên cạnh đó, nếu để ý yếu tố thời gian chúng ta sẽ thấy ông Đỗ Đức Cường không thể là người phát minh ra máy ATM được : Theo báo chí trong nước đưa tin - ông Đỗ Đức Cường bắt đầu làm việc cho City Bank năm 1977, như vậy thời điểm sớm nhất để ông phát minh ra máy ATM là năm 1977. Vào thời điểm này các nước tân tiến Tây Phương đã sử dụng máy ATM lâu rồi.
Có lẽ đúng như báo Pháp Luật và Xã Hội, ông chỉ "có sáng kiến sửa đổi kiểu dáng bên ngoài hệ thống ATM".
Sửa đổi kiểu dáng bên ngoài và phát minh là hai điều hoàn toàn khác nhau, ông tiến sĩ ạ !
2/ "Tôi tự hào khi trong danh sách 10 vị tướng xuất sắc nhất lịch sử nhân loại thì có đến hai người con đất Việt ta là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Liệu có một dân tộc thứ hai nào trên thế giới này có thể sản sinh ra 20% những vị tướng kiệt xuất nhất" (tr.40).
Đây là niềm tự hào lớn của người Việt trong nhiều năm qua và nay chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng nêu lại.
Cá nhân người viết đã từng đã bỏ ra nhiều thời gian để kiểm chứng nguồn tin trên các trang web tiếng Anh nhưng không tìm ra được bằng chứng.
Trong bài "Khen quá lố, không nên !" (13) của tác giả Bùi Tín đăng trên VOA ngày 13/03/2010 đã xác nhận nguồn tin này như sau :
"…Ban biên tập báo Quân đội Nhân dân đưa tin : "Năm 1992, Hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có 2 vị tướng kiệt xuất của Việt Nam : Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
…Năm 1994 và 1996 tôi sang London theo lời mời của nhà xuất bản HURST. Bà Judie Stowe trưởng ban Việt ngữ hãng BBC đưa tôi đến thăm Viện nghiên cứu Viễn Đông và Thư viện Hoàng gia. Tôi cố tìm xem có một tin nào về Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh "bàn và bầu ra 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại" hay không, thì đều được trả lời là không ! Vậy thì đó chỉ là chuyện tưởng tượng, phao tin, bịa đặt, kẻ tung người hứng trên đất ta.
…Tôi đã hỏi nhà báo Đỗ Văn, nguyên quyền trưởng ban Việt ngữ của hãng BBC, London, anh trả lời : "Tôi xác định không hề có việc vinh danh như vậy ; đó là một tin hoàn toàn vô căn cứ".
Thế là mọi sự đều rõ. Tôi để công tra cứu trên mạng Google và mạng Wikipedia – bách khoa toàn thư mở cho toàn thế giới – cũng không có chuyện bình chọn quốc tế này".
Một tài liệu khác trên net có thể giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề này : "Bàn về 10 vị tướng vỹ đại nhất của mọi thời đại" trích từ Lichsuvn.info/ (14).
Sau sau tìm hiểu tất cả thông tin, từ phía Việt Nam lẫn Anh Quốc (các cơ quan thẩm quyền ở Anh xác nhận với tác giả), bài viết kết luận như sau :
"Các thông tin trên từ các cơ quan có liên quan và có thẩm quyền từ nước Anh có thể góp phần giải đáp khá rõ ràng có hay không có việc tuyển chọn và trưng bày tượng Mười danh tướng thế giới.
Tuy nhiên các sách báo Việt Nam về việc này đều có nhắc đến từ điển bách khoa Anh (Encyclopedia Britannica) 1985 (EB). Chúng ta hãy đến với bộ sách này : ở đây dựa vào sự tra cứu khá công phu của Minh Hiền. Minh Hiền tham gia soạn thảo từ điển Bách khoa Việt Nam, xuất bản lần thứ 14 năm 1973 rất đồ sộ, gồm tới 30 volumes, nhưng đến năm 1983, hội đồng biên soạn EB điều chỉnh bổ sung để tái bản lần thứ 15 và lấy tên là The New Encyclopedia Britanica (TNEB). TNEB ra đời năm 1983 có bổ sung thêm những vị tướng soái kiệt xuất thế giới mà các lần xuất bản trước chưa có, trong đó có Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Mục từ Trần Hưng Đạo có 38 giòng, 270 từ, đánh giá : "Hưng Đạo Vương một gương mặt hình như huyền thoại của lịch sử Việt Nam, nhà chiến lược quân sự xuất sắc đã đánh thắng quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, và là người anh hùng dân tộc trong nền văn hoá của Việt Nam ngày nay".. Mục tướng Võ Nguyên Giáp có 70 giòng, 490 từ, đánh giá : "Tướng Giáp nhà lãnh đạo chính trị, quân sự đã hoàn thiện chiến lược, chiến thuật của chiến tranh du kích và chiến tranh quy ước, lãnh đạo Việt Minh đánh thắng Pháp, chấm dứt nền thống trị thực dân ở Đông Nam Á, và sau đó đã đưa đến thắng lợi của Miền Bắc Việt Nam đánh thắng Mỹ"... Phải chăng việc Hội đồng biên soạn EB thẩm định lại bổ sung các từ mục về các danh tướng (Inilita** generals) trong đó có Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp để xuất bản thành TNEB năm 1983 có ít nhiều liên quan đến "tin đồn" về "Mười danh tướng thế giới" và huyền thoại về hai danh tướng Việt Nam được thế giới tôn vinh. Người ta chú ý mấy chỗ trùng hợp : Tin nào cũng nêu Bách Khoa từ điển Anh, thời gian xuất hiện 1983 - 1984, tên tuổi hai danh nhân Việt Nam và sự nhìn nhận của thế giới".
Người viết đã kiểm chứng lại trên Encyclopedia Britanica sau 1983, và đúng như tác giả trên đã viết.
Như vậy mọi chuyện đã sáng tỏ, Encyclopedia Britannica chỉ bổ túc thêm một số vị tướng, nhưng một số người trong nước đã tô vẽ thêm.
3/ "Người Việt Nam rất thông minh. Tôi đã học ở Nga, Úc, Mỹ, Pháp… hầu như ở đâu nhóm người Việt chúng ta cũng được điểm cao nhất, được đánh giá rất cao. Tôi chỉ nể phục các bạn cùng lớp người Do Thái, người Bắc Âu và người Đức. Hình như họ thông minh hơn mình" (tr.38).
Chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng có thể nói "Người Việt Nam rất thông minh", đó là cái nhìn của tác giả, nhưng một khi có sự so sánh dân tộc này thông minh hơn dân tộc khác thì vấn đề trở nên khác, trong đó hàm chứa một một sự kỳ thị trí tuệ (intellectual racism). Đó là quan điểm không thể chấp nhận trong thế giới văn minh và hòa nhập ngày nay.
Sau khi đọc qua câu này tôi càng thêm nghi ngờ về sự tự hào thông minh của người Việt. Những gì mà tác giả phán quyết chỉ là những nhận xét hời hợt, không có kiểm chứng. Đúng ta ông chủ biên nên suy nghĩ về vấn đề này một cách thận trọng trước khi kết luận. Sự thông minh của một người đâu phải chỉ phản ảnh ở điểm ở trường, mà là những thành quả sau khi tốt nghiệp.
Trong thế giới hội nhập ngày nay, đòi hỏi con người đối xử với nhau trong tinh thần hài hòa, tôn trọng và bình đẳng. Dựa vào đâu để cho rằng dân tộc Việt Nam thông minh hơn những dân tộc khác ? Điều đó có thể tin được nếu Việt Nam là một quốc gia giàu, người Việt có nhiều phát minh đóng góp cho nhân loại. Nhưng ngay cả một dân tộc giàu và có nhiều đóng góp cho nền văn minh như người Mỹ cũng không cho mình thông minh hơn những dân tộc khác.
Mặc dầu lợi tức bình quân của người Mỹ da trắng hiện tại cao gần gấp đôi người Mỹ đa đen (15), nhưng trong hằng trăm tài liệu nghiên cứu về sự thông minh của người da đen và người da trắng (đăng trên web), không có một tài liệu chính thức nào của chính phủ Hoa Kỳ hay của những học giả uyên bác, có tinh thần nhân bản dám kết luận rằng người Mỹ da trắng thông minh hơn người Mỹ da đen. Mục đích của những nghiên cứu này chỉ để người Mỹ tìm cách rút ngắn lại khoảng cách về lợi tức và cơ hội giữa hai sắc dân.
Sự thông minh giữa dân tộc này với dân tộc khác hay sắc dân này với sắc dân khác tùy thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa, truyền thống, giáo dục, lịch sử, thói quen, cách ăn uống, điều kiện/thành kiến xã hội v.v. Nếu người Mỹ da đen có cùng những điều kiện như người Mỹ da trắng thì chưa chắc họ đã không thành đạt bằng. Sự thành công của tổng thống Obama là một thí dụ cụ thể.
4/ Bên cạnh sự thông minh vượt trội hơn các sắc dân khác, người Việt còn thể hiện một triết lý sống cao siêu không đâu bằng !!!
Trong bài "Tự hào về lịch sử văn hóa Việt Nam" (tr.332-341), tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, sau khi phân tích triết lý sống của người Việt Nam "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", đã viết : "Đây là tư tưởng Việt Nam rất vĩ đại. Hòa đồng bằng tình thương ! Ý nghĩa chung một giàn rất sâu sắc. Đó là triết lý sống thực tiễn sâu xa không gì bằng, không đâu bằng" (trang 338).
Tác giả cho rằng triết lý sống của người Việt Nam thể hiện tư tưởng hòa đồng trong mọi khía cạnh, từ vật chất đến tinh thần : Hòa đồng trong văn học nghệ thuật. Hòa đồng trong văn cổ và văn mới. Hòa đồng trong âm nhạc. Hòa đồng trong họa và thơ. Hòa đồng trong khoa học truyền thống và hiện đại. Hòa đồng trong trong xã hội giữa Đông và Tây. Hòa đồng trong kinh tế nông nghiệp và công nghiệp. Hòa đồng trong trong y học - Đông y và Tây y. Hòa đồng trong tôn giáo – Thiên địa nhân v.v…
Và nếu áp dụng tư tưởng này, thế giới có thể thoát khỏi nguy cơ diệt vong : "Trong một buổi nói chuyện của Viện Giáo Dục Đức (IRED) tại Thành phố Hồ Chí Minh về đề tài Toàn cầu hóa ảnh hưởng như thế nào đến giáo dục đại học, tôi có phát biểu Việt Nam có nhiều điều có thể giúp cho giáo dục đại học trong thời kỳ toàn cầu hóa, đó là tư tưởng hay triết lý sống "bầu bí" của Việt Nam nếu được đưa vào triết lý giáo dục đại học các nước kể cả Trung Quốc thì sẽ giúp cho thế giới thoát khỏi nguy cơ diệt vong" (trang 336).
Nếu dân tộc Việt Nam thật sự có một triết lý cao siêu như thế, thì Việt Nam ngày nay phải là một quốc gia hạnh phúc, lý tưởng, một kiểu mẫu cho thế giới.
Sự thật có đúng như thế không ?
Trong cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn", ông Nguyễn Gia Kiểng có nhận xét về 2 câu ca dao : "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng", "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", như sau : "Thực là ai oán. Hai câu ca dao đó hình như đã xưa lắm rời. Tôi có đọc một cuốn sách nói rằng câu "Bầu ơi thương lấy bí cùng…" có từ thời Hai Bà Trưng ?... Như thế có nghĩa là từ lâu rồi người Việt tệ bạc với nhau tới độ có những người phải đau lòng thốt ra những lời nhắn nhủ não nùng như thế".
Và có lẽ đúng như thế. Nhìn lại suốt dòng lịch sử, người Việt Nam ít khi đối xử tử tế với nhau, nhất là từ khi có đảng cộng sản. Kể từ đó, con người đối xử với nhau tệ hơn cả loài thú. Đã có một thời những khẩu hiệu trong cuộc sống là "Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trốc tận rễ".
"Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt"
Và cho đến bây giờ chế độ cầm quyền vẫn còn quan niệm "ta và địch", "bạn và thù", lúc nào cũng đề cao cảnh giác các "thế lực thù địch", vẫn đàn áp những người có những tư tưởng, quan điểm khác biệt.
Trong gần một thế kỷ qua, người cộng sản đã giết hàng triệu đồng bào của họ bằng đủ mọi hình thức : bằng khủng bố, bằng chiến tranh, bằng tù đày, bằng cải cách ruộng đất, bằng chính sách đánh tư sản mại bản, bằng trại "cải tạo", bằng những khu kinh tế mới, bằng cách đẩy người dân ra biển để đi tìm tự do… Và hiện tại người Việt Nam vẫn tiếp tục chết "đúng huy trình" bằng chất độc trong thức ăn, bằng không khí ô nhiễm, bằng bạo lực trong xã hội, bằng sự mất nhân tính của con người như lời của tác giả Trần Thiện Tùng trong cuốn sách này.
Cùng một dân tộc mà còn đối xử với nhau như thế, làm sao có thể thuyết phục được thế giới là người Việt Nam có một triết lý sống cao siêu đáng để những dân tộc khác noi theo ?.
Nên nhớ rằng, một triết lý sống chỉ có giá trị khi chứng minh được bằng những hành động cụ thể chớ không phải là những lý thuyết suông.
Ngay trong lý luận của tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cũng đã có những mâu thuẫn : Khi nói về tình đồng loại, cuộc sống hòa đồng, điều kiện đầu tiên phải có là sự tôn trọng và bình đẳng. Tự cho tư tưởng của mình là "rất vĩ đại", "sâu xa không gì bằng, không đâu bằng" thể hiện sự ngạo mạn, muốn chứng tỏ hơn người, như thế làm sao có thể sống hòa đồng với người khác.
Người viết không tin là tác giả bài viết đã có những nghiên cứu, tìm hiểu những nền văn hóa, triết lý sống của dân tộc khác trước khi đưa ra một kết luận như thế. Một khi chưa tìm hiểu rõ người khác thì cũng không nên vội vã tâng bốc mình một cách quá đáng. Người có nhận xét và hiểu biết, đọc qua chỉ thấy đó là những lời lố bịch, không có gì đáng để tự hào.
5/ Tự hào về "Ngôi nhà Việt Nam" trong Hội Chợ Expo Thượng Hải 2010
Trong bài "Tự hào về Việt Nam theo những cách riêng" cũng của Chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng. Mục "Chuyện anh Tân", tác giả viết : "…Ấy vậy mà Việt Nam yêu quý của chúng ta lại trở thành một trong những "ngôi nhà" đứng đầu. Anh bạn Tân của tôi kể những câu chuyện đầy tự hào và xúc động. Tôi ngồi nghe như nuốt lấy từng lời. Anh khẳng định rằng người Việt Nam rất thông minh và có những lợi thế mà không có nước nào có thể sánh bằng.
Những con số biết nói : 8 triệu người tham quan "ngôi nhà" Việt Nam, trong khi "ngôi nhà" Mỹ chỉ thu hút được 7 triệu lượt khách tham quan. Về tài chánh, Việt Nam chúng ta chỉ có vỏn vẹn 3 triệu đô la, còn nước Mỹ đổ vào hơn 70 triệu".
Người Việt rất tự hào khi hơn Mỹ, nhưng thật sự có đúng như vậy không ?
Tôi bỏ nhiều thời gian tra khảo nhưng không tìm được bất cứ một thông tin nào nói về số lượng người viếng thăm gian hàng Việt Nam cao hơn Mỹ. Ban tổ chức Expo cho biết số lượng du khách ghé qua từng gian hàng nhưng chỉ ghi lại những gian hàng có số lượng khách thăm viếng cao. Trong trang web đáng tin nhất là Wikipedia, "Expo 2010 Pavillions" (17), trong phần viết về số lượng du khách đến thăm gian hàng Mỹ, ghi như sau : "As of August 31, 2010, the pavilion reported that attendance had surpassed 4.7 million and was averaging more than 41,000 people per day.[102] On September 30, 2010, the pavilion welcomed its 6 millionth visitor". (Cho biết ngày 30/9/2010, số người đến thăm gian hàng Mỹ là 6 triệu).
Trong lúc đó về Gian hàng Việt Nam, tất cả chỉ vỏn vẹn có mấy hàng (không cho biết số lượng khách đến gian hàng) :
• Within Zone A of the Expo Site.
• Theme : 1000-Year History of Hanoi.
• The facade of the 1,000-square-meter pavilion appears like a river and the bamboo surrounding it reduced the heat from the sun. The design highlighted Vietnamese culture. Visitors could learn about the country's profound history and culture as well as its wisdom in eco-protection and urban development.
Muốn biết Gian Hàng Việt Nam trong Hội Chợ Thượng Hải 2010 gây ấn tượng với du khách ngoại quốc như thế nào, xin đọc bài phóng sự ngắn dưới đây của BBC tiếng Việt "Ấn tượng người Việt, người Hoa ở Thượng Hải" (18) của ký giả Nguyễn Hùng tường thuật từ Hội Chợ Expo Thượng Hải năm 2010.
Hai du khách sau khi viếng nhiều gian hàng, đã đến thăm gian hàng Việt Nam và nhận xét như sau :
Gian hàng Việt Nam
"Cả một ngày hơn 12 giờ ở triển lãm, chúng tôi chứng kiến cảnh người Trung Quốc xếp hàng chờ xe buýt, chờ tới lượt vào các gian triển lãm, chờ tới lượt đứng vào vị trí đẹp để chụp ảnh.
Tất cả đều tỏ ra kiên nhẫn. Tôi nói đùa với Trương Vi ‘đây là bài học xếp hàng cho người Trung Quốc’.
Thật đáng tiếc ấn tượng tồi nhất của tôi về EXPO lại diễn ra ở gian hàng của Việt Nam, một gian triển lãm khá sơ sài.
Khi nghĩ tới khẩu hiệu của triển lãm ‘Better City, Better Life’, tức ‘Thành phố Tốt hơn, Cuộc sống Tốt hơn’, gian của Việt Nam như được thiết kế cho một triển lãm khác.
Nếu 1000 năm Thăng Long mà Việt Nam chỉ có vậy để đem khoe với bạn bè quốc tế thì thật là khó hiểu.
Khi tôi tiến lại hỏi chuyện một nhân viên tiếp tân người Việt, anh hỏi tôi : "Anh cần gì ?".
Tôi giới thiệu bản thân và nói muốn hỏi chuyện anh về ý đồ của triển lãm.
Anh nói có một ‘chú’ phụ trách nhưng ‘chú’ đã về mất rồi và anh ‘không biết gì’ để trả lời.
Tôi không nói với anh nhưng nghĩ bụng ‘anh không biết gì thì sang đây làm gì’.
Việt Nam cũng tranh thủ bán hàng thủ công mỹ nghệ và quầy bán hàng nằm ngay ở cửa ra vào. Tôi đi mấy gian triển lãm, kể cả của nước chủ nhà Trung Quốc, chẳng thấy nước nào bán hàng cả.
Đúng là ‘năng nhặt chặt bị’, nhưng bán vài bức tranh, mấy cái lọ để tăm ở triển lãm quốc tế có vẻ hơi quê.
Và trong khi tôi bị đối xử như công dân hạng hai trong gian của Việt Nam, người Trung Quốc chào đón tôi như VIP.
Một cô hướng dẫn viên ăn mặc lịch sự đứng chờ ở cổng vào, ấn nút mở cửa thang máy và sau khi chúng tôi vào hết lại ấn nút lên tầng trên.
Tôi đi tới đâu cũng có nhân viên giơ tay chỉ hướng đi tiếp và sẵn sàng giải đáp các câu hỏi.
Gian hàng của Trung Quốc có lẽ phải có tới vài chục nhân viên chỉ để hướng dẫn khách tham quan.
Trung Quốc là nước lớn và nước chủ nhà nên họ hành xử như người lớn.
Nhưng chẳng lẽ Việt Nam có thể chấp nhận cách hành xử trẻ con chỉ vì mình là nước nhỏ ?".
6/ Người Việt cao quý của A. Pazzi (tr.258-263)
Trong bài viết "Người Việt cao quý" của tác giả Hà Minh Hồng, là tiến sĩ Sử Học và được phong là Phó Giáo Sư, đại diện cho giới Sử học.
Mở đầu tác giả viết : "Nhớ có lần gặp trong tiệm sách cũ một cuốn sách mỏng của tác giả A.Pazzi, do Hồng Củc dịch, nhan đề Người Việt cao quý…"
Sau đó tác giả diễn tả những điều đáng tự hào của người Việt qua nhận xét của tác giả người Ý A.Pazzi.
Ngay từ trước tháng 4/1975, nhiều nhà văn ở Miền Nam đã nghi ngờ tác giả của cuốn sách này. Sau tháng 4/1975 nhà văn Vũ Hạnh đã chính thức nhìn nhận trên báo mình là tác giả của tác phẩm này. 40 năm qua rồi ông tiến sĩ sử ơi, đại diện cho giới sử học, không lẽ ông không biết điều này !
Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân "Nhà văn Vũ Hạnh : Người ẩn danh sôi nổi" (19) đã viết :
"Không phải bây giờ, mà thời đó, hầu như không ai biết, ông chính là tác giả ẩn sau những bút danh Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, ký dưới các bài báo bút chiến, tiểu luận phê bình ; tung hoành trên các cuốn nhật báo, với truyện ngắn Bút máu, truyện dài Lửa rừng, tiểu thuyết Cô gái xà niêng, công trình lý luận "Đọc lại Truyện Kiều"... đặc biệt là tác phẩm "Người Việt cao quý" với bút danh A. Pazzi...
27 năm sau, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau mới tái bản tác phẩm "Người Việt cao quí" với đúng tên thật là nhà văn Vũ Hạnh".
III. Có nên tự hào về "hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc" ?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng viết : "Người Việt rất may mắn, rất tuyệt vời. May mắn và tuyệt vời đến mức khó tin. Cá nhân tôi và rất nhiều bạn bè của mình cũng thấy vậy. Dù đi học hay đi du lịch, dù đi công tác hay đi làm ăn, ở đâu cũng thấy có hồn thiêng sông núi, có các anh linh dân tộc phù hộ. Mỗi lần khó khăn, tôi chỉ cần nghĩ đến và cầu nguyện tổ tiên đất Việt là y như rằng mọi khó khăn đều qua và mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Nhiều bạn bè và học trò cũng nghe tôi hướng dẫn và rất thành công. Có vài bạn chưa đạt được như ý. Tôi nghĩ, đó là do chưa thật sự thành tâm" (tr.38).
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đi từ những tự hào mơ hồ lãng mạn sang niềm tự hào không thể chứng minh. "Hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc" thuộc lãnh vực "tâm linh, huyền bí" – đó là niềm tin của mỗi người, không thể nói là đúng hay sai, càng không thể xem là niềm tự hào dân tộc.
Mặc dầu vậy, tôi cũng xin có ý kiến :
Từ câu "Dù đi học hay đi du lịch, dù đi công tác hay đi làm ăn" cho thấy ông và bạn bè của ông đều thuộc thành phần thượng lưu, nếu không là cán bộ thì cũng là đại gia, trí thức.
Nếu đúng như lời ông Hùng nói thì không có hàng triệu mảnh đời khốn khổ trên đất nước Việt Nam như hôm nay.
Mỗi ngày trên đất nước đang có hằng trăm ngàn người đang cầu nguyện "hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc" phù trợ cho họ thoát khỏi những cảnh đời bi đát. Đó là những "dân oan khiếu kiện" từ khắp miền đất nước, những tù nhân lương tâm đang bị tra tấn, những bà mẹ lam lũ vẫn không kiếm đủ tiền cho con ăn học, những cô dâu Việt Nam bị hành hạ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, những cô gái nghèo phải "bán thân nuôi miệng" từ Singapore sang tận Ghana (16), những thanh niên thiếu nữ Việt phải sống lậu làm chui từ Á sang Âu, những em bé tuổi còn ngây thơ bị bán qua Campuchia, và hàng ngàn cảnh đời thương tâm khác…
Tiếng cầu nguyện của những người đang tuyệt vọng bao giờ cũng thành khẩn hơn những thành phần giàu sang phú quý.
Nếu đúng như lời ông Hùng nói thì "hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc" của đất nước Việt Nam thời nay chỉ phù trợ cho những thành phần có thế lực !!!
IV. Nên tự hào hay nên xấu hổ trong những trường hợp này :
1/ "Tôi tự hào về những gì mà Việt Nam chúng ta đã và đang xuất khẩu : gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu, hải sản, rau quả.". (tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, tr.45).
Nếu dân tộc Việt Nam thông minh như Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nói thì đáng lý ra Việt Nam phải xuất cảng những sản phẩm trí tuệ như máy móc, đồ điện tử, robot, hardware, software…v.v
Xuất khẩu gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu, hải sản, rau quả... không thể coi là niềm tự hào. Đúng hơn là phải xấu hổ. Sản phẩm nông nghiệp thì bất cứ dân tộc nào cũng có thể làm được và chẳng thâu về được nhiều ngoại tệ. Không có một quốc gia nào giàu nhờ xuất cảng nông nghiệp. Nông phẩm bán ra với giá rẻ, trong lúc đó phải nhập vào máy móc, đồ tiêu dùng, vật dụng kỹ thuật… với giá cao.
Và không lẽ ông Nguyễn Mạnh Hùng không hiểu rõ hoàn cảnh của người nông dân Việt Nam hiện nay sao, báo chí trong nước đã nói rất nhiều. Chưa có thời đại nào người nông dân Việt Nam khổ như thời nay, khổ đủ mọi thứ : từ thiên tai, chính quyền cướp đất, chịu đủ thứ thuế cho đến việc bị các thương gia Việt Nam, Trung Quốc lường gạt, ép giá…
2/ Nuôi dưỡng hận thù cũng là niềm tự hào dân tộc ?
Trong bài "Việt Nam sẽ thắng mọi kẻ thù" (tr.109-117) do Văn Việt – Hải Hà phỏng vấn Thượng tướng cộng sản Nguyễn Huy Hiệu, khi nhắc lại cuộc chiến vừa qua, ông Nguyễn Huy Hiệu nói : "Sinh thời, Người [Hồ Chí Minh] khẳng định : ‘Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ’… Khi đó, chúng tôi tiếp tục tích lũy lực lượng, chuẩn bị tổng tấn công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trận Ban Mê Thuột, chúng tôi điểm vào đúng yếu huyệt của địch, để rồi giành thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975…".
Trong lúc đó, đối với những kẻ đang xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam thì cũng chính ông tướng này tuyên bố rất nhỏ nhẹ : "Mối quan hệ Việt Nam, Trung Quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông gây dựng nên. Tôi cho rằng các thế hệ về sau phải biết tôn trọng, gìn giữ đúng tinh thần của hai nhà lãnh tụ"
Tinh thần của hai lãnh tụ có lẽ là tinh thần mà nhà thơ Tố Hữu đã nêu ra : "Bên ni biên giới là mình, bên kia bên giới cũng tình quê hương" "Bên ni" hay "bên kia" đều là quê hương, cho nên có tặng cho chút đất, chút biển, không phải là chuyện lớn để làm ầm ỉ !!!
Tiếp theo đó là bài "Yêu nước, yêu hòa bình, cần có hành động đúng đắn và phù hợp" (tr.119-125), để trả lời những câu hỏi liên quan đến việc giàn khoang Hải Dương 981 kéo đến hải phận Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh (đại diện lãnh vực truyền thông) trả lời : "Cho nên có thể nói, với Việt Nam chiến tranh không được phép xảy ra và hòa bình là nỗi khát khao của tất cả mọi người"
Với ngoại bang, dù đang xâm lấn lãnh thổ, vẫn hết sức nhỏ nhẹ : "phải biết tôn trọng, gìn giữ tinh thần của hai nhà lãnh tụ", "chiến tranh không được phép xảy ra", trong lúc đó với đồng bào của mình thì hết sức sắt máu, sẵn sàng hy sinh tất cả, chiến đấu tới người lính cuối cùng...
Mặc dầu cuộc chiến đã chấm dứt từ 40 năm trước mà trong cuốn sách này vẫn bàng bạc nhắc đến "cuộc chiến chống Mỹ cứu nước" coi đó như một niềm tự hào dân tộc.
Cuộc chiến "chống Mỹ cứu nước" đó thực chất là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn do Miền Bắc chủ xướng và Miền Nam ở vào vị thế bắt buộc phải tự vệ. Nếu còn mang trong người dòng máu Việt Nam, làm sao có đủ cam đảm để tự hào khi có nhiều hàng triệu sinh mạng của hai miền đất nước đã nằm xuống và lòng người vẫn còn chia cách đến tận hôm nay. Phải xem đó như một nỗi nhục, một vết thương cần phải chữa lành, chớ sao lại là niềm hãnh diện.
Tinh thần nhân ái mà tác giả Phạm Phú Ngọc Trai đề cao trong bài "Ấm Lòng Việt Nam" (tr.277-283) áp dụng ở đâu ? với kẻ thù phương bắc nhưng không với đồng bào của mình chăng !
Chưa đủ sao mà còn thêm "Một bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đường mòn Hồ Chí Minh" (tr.109-117), như khơi dậy thêm một vết thương khác của người Miền Nam. Thật sự "Đường mòn Hồ Chí Minh" là con đường đưa cả dân tộc về cõi chết.
Trong bài phỏng vấn này của ký giả Virginia Morris, tướng Giáp cho biết : "Tháng 5/1959 tôi ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh", đoạn khác tướng Giáp nói : "Các kỹ sư của đường Trường Sơn rất khéo léo và chịu nhiều hy sinh. Trong đó có rất nhiều cô gái đang tuổi lớn. Họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho con đường. Và khi trở về họ đã không còn trẻ như cô nữa" (tr.132).
Tướng Giáp kết luận bài phỏng vấn bằng cách cho ký giả Virginia biết tinh thần yêu nước của người Việt lúc đó : "Tôi tin rằng nếu lúc đó cô là một cô gái Việt Nam, cô sẽ lên đường đi Trường Sơn".
Rất đúng, nhiều thế hệ ở Miền Bắc đã bị ru ngủ bởi những lời tuyên truyền quá hay của giới lãnh đạo trong đó có tướng Giáp - núp dưới chiêu bài "yêu nước", "niềm tự hào dân tộc", cho nên nhiều người trẻ sẵn sàng hy sinh theo tiếng gọi của Đảng.
Người Việt trong nước ngày nay quá tự hào về tướng Giáp "là một trong 10 vị tướng xuất sắc nhất trong lịch sử nhân loại" và đang tôn vinh ông như một vị thánh, nhưng hình như không ai đặt câu hỏi này : Trong lúc có những cô gái "đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho con đường", con số có thể lên đến hàng chục ngàn người và có hàng triệu thanh niên thanh nữ đã "sinh Bắc tử Nam", thì con cái của tướng Giáp đã làm gì trong thời gian đó.
Cả 5 người con của Giáp mặc dầu đã trưởng thành trong cuộc chiến vừa qua nhưng không người nào phải đi bộ đội : Võ Hồng Anh sinh năm 1939, du học ở Nga năm 1954. Võ Hòa Bình (SN1951) học đại học tổng hợp Hà Nội. Võ Hạnh Phúc (1952) du học ở Nga. Võ Điện Biên (1954) du học ở Nga, Võ Hồng Nam (1956) học Đại Học Bách Khoa, sau đó du học ở Hungary (20) .
Tướng Giáp không xem điều đó là bất công ! Và tệ hơn nữa là đại đa số người Việt coi đó là bình thường. Nó bình thường nếu như chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta là một dân tộc có nhiều cái dở cần phải học hỏi thế giới, nhưng nó không bình thường khi người Việt tự cho mình cao hơn những dân tộc khác trong khi không tuân thủ một giá trị căn bản nhất.
Đối thủ một thời của tướng Giáp trong cuộc chiến Đông Dương lần Thứ Nhất là Đại tướng Jean Lattre de Tassigny. Nhiều người Việt không coi tướng Tassigny xứng đáng là đối thủ của tướng Giáp, nhưng nhân cách của tướng Tassigny thì hơn xa tướng Giáp.
Trong lúc tướng Tassigny đang là Tổng Tư Lệnh Quân Đội Pháp tại Đông Dương (6/12/1950 – 19/11/1951) thì người con duy nhất của ông là Trung Úy Bernard de Lattre de Tassigny tử trận tại Ninh Bình ngày 30/5/1951. Mặc dầu là một mất mát quá lớn nhưng tướng Tassigny vẫn coi đó là niềm hãnh diện.
Đối với người Pháp, họ thương mến và nể phục ông nhưng họ chỉ xem ông như một vị tướng giương mẫu. Chuyện cha là tướng, con ra chiến trường là chuyện bình thường ở xứ Tây Phương, không có gì phải đề cao. Một xứ gọi là văn minh không giờ chấp nhận sự bất công dù dưới bất cứ hình thức nào.
Riêng với người Việt Nam, mặc dầu sự bất công quá rõ ràng như thế nhưng người ta không xem đó là quan trọng và vẫn tôn vinh tướng Giáp như một vị thánh, bởi vì dân tộc chúng ta là một dân tộc không coi trọng danh dự và sự công bằng.
V. Tự hào theo kiểu Việt Nam
Cách tự hào của người Việt không chỉ viễn vong, mơ hồ mà còn chứa đầy mâu thuẫn, phi lý trong cách lý luận. Những dân tộc duy lý như Tây Phương khó có thể hiểu được tâm lý của người Việt, điển hình như những trường hợp dưới đây :
1/ Làm sao có thể hiểu một dân tộc tự cho mình thông minh chỉ kém hơn "người Do Thái, người Bắc Âu và người Đức", thế nhưng cũng chính trong cuốn sách này cho biết "bình quân thu nhập quốc dân trên đầu người trên 600 USD đặt Việt Nam vào danh sách các nước nghèo nhất thế giới" (tr.59).
2/ Một dân tộc thực tế như người Đức sẽ không thể nào hiểu được cách tự hào đầy mâu thuẫn dưới đây :
"Nước Việt Nam ta được thiên nhiên ưu đãi với những cánh rừng nguyên sinh chạy dọc đất nước, với đất đai phí nhiêu màu mỡ, với thảm mộc thực vật phong phú và quý" (tr 43). "Chúng ta chắc chắn là tinh hoa của nhân loại" (tr 390).
"Chúng ta đang sống và luôn sống với sự bố thí, ban ơn, xin xỏ, theo sau thế giới để là một công trường, bếp ăn, là một công xưởng của nhân loại. Chúng ta chỉ làm được thế sao ? Thật nực cười và nhục nhã, chúng ta sống trong sự ăn may [mày] của quá khứ, sự lợi dụng danh tiếng mà cha ông, tổ tiên chúng ta để lại…" (tr.390).
Tại sao lạ vậy : một đất nước vừa được thiên nhiên ưu đãi, vừa là "tinh hoa của nhân loại", sao phải sống nhờ vào sự bố thí của thế giới ! Nếu vậy thì từ "tinh hoa của nhân loại" đến kẻ ăn mày chỉ cách nhau có đường tơ kẽ tóc !!!
3/ "Người Việt Nam rất thông minh và có những lợi thế riêng mà không có nước nào có thể sánh bằng" (tr 155), "được sở hữu những đức tính tốt đẹp mà cả thế giới phải công nhận" (tr 380), người Việt Nam "Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa" (tr.374), "Mỗi người Việt là một bông hoa quý hiếm. Hoa người Việt hiếm nên rất quý" (tr.349), người Việt Nam "giàu lòng nhân ái" (tr 283), cộng thêm "đất đai màu mỡ, với thảm động thực vật phong phú và quý" (tr 43).
Một đất nước quá tốt không đâu bằng nhưng sao lại có cảnh như dưới đây (từ chính cuốn sách này cho biết) :
"Hiện nay, có lẽ đâu chỉ có tôi mà nhiều người lên mạng hàng ngày đều không khỏi mệt mỏi, ngán ngẩm khi tin cướp, giết, hiếp tràn lan – không chỉ trên báo của ngành công an, pháp luận. Có những chuyện án tận lương tâm, không còn luân thường đạo lý, mà thời gian trước không xảy ra, hiếm xảy ra, hoặc sẽ là chuyện động trời thì nay cảm giác đã trở nên bình thường, như : có những người trẻ giết hại cha mẹ, ông bà mình hoặc người khác chỉ vì mấy chục nghìn để chơi game, chỉ vì nhìn… đểu, chỉ vì thấy mặt nó khó ưa… Có quá nhiều bất an, "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" trong cuộc sống, xã hội mà phần đông ai cũng kêu, ai cũng than và hy vọng "chắc nó chừa mình ra"…" (Cứ đi sẽ gặp, Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, trang 196).
Tại sao là "một bông hoa quý hiếm" "được sở hữu những đức tính tốt đẹp mà cả thế giới phải công nhận" mà con người lại đối xử với nhau dã man đến như thế !!!
4/ Tác giả Trần Đăng Tuấn của bài "Người Việt Nam" (tr.164-177), đã viết : "…gặp lúc rét gần 0 độ C, mà trẻ con có nhiều đứa không có cái áo nào khả dĩ che ấm người, chẳng ai cầm nổi nước mắt" (tr.167). Chính vì thế mà Bác Hợi (Nguyễn Văn Mốt) đã mở ra chương trình từ thiện có tên là "Cơm có thịt" nhằm mục đích "huy động đóng góp của mọi người, nhằm giúp bữa cơm của các em học sinh vùng núi cao có thêm chút dinh dưỡng" (tr.166).
Để nguyên góp thêm tài chánh, chương trình "Cơm có thịt" nay đã mở rộng ra toàn thế giới : ""Cơm có thịt Australia", và rồi nối nhau "Cơm có thịt United States", "Cơm có thịt Liên Bang Nga", "Cơm có thịt Đức… ra đời. Rồi "Cơm có thịt" có ở Ý, Pháp, Anh, Nhật, Hungary, Phần Lan, Đài Loan, Trung Quốc… trên 20 quốc gia" (tr 175).
Tự hào là một dân tộc "rất thông minh", được "thiên nhiêu ưu đãi"… sao lại không thể cung cấp cho những trẻ em miền núi những bữa ăn đủ dinh dưỡng mà phải nhờ đến lòng hảo tâm của thế giới !!!
Bài viết "Người Việt Nam" của tác giả Trần Đăng Tuấn kêu gọi người Việt nên tự hào vì có những tấm lòng nhân ái như "bác Hợi", cho thấy nghịch lý trong cách tự hào của tác giả - tự hào về một người nhưng có đáng xấu hổ về hàng chục ngàn cảnh đời bất hạnh của các em nhỏ thiếu ăn, thiếu mặc trong một đất nước tự cho là được "thiên nhiêu ưu đãi" và con người "rất thông minh" !!!
5/ Một dân tộc coi trọng danh dự và thể diện quốc gia như người Nhật sẽ không thể nào hiểu được kiểu tự hào của người Việt, như trong trường hợp dưới đây :
Trong bài "Bạn có tự hào là người Việt Nam không ?" (tr. 247-257) của tác giả Đinh Tiến Dũng, cử nhân Nông Nghiệp, đại diện cho giới văn nghệ sĩ, ghi lại cảnh cá nhân ông và một nhóm đồng hương (đa số sang Nga để buôn bán, lao động) bị khinh khi công khai tại phi trường Moscow bởi các nhân viên nhập cảnh :
"Đoàn chúng tôi mất hơn bốn tiếng đồng hồ để nhập cảnh vì sân bay Nga chỉ dành hai cửa làm nhập cảng cho riêng người Việt, hai cửa xa nhất, heo hút nhất khu nhập cảnh ở sân bay… Những cửa làm thủ tục còn lại dành cho hành khác nước khác được hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng, nên chỉ cần vài phút là họ đi qua"…
"Chúng tôi về xếp hàng trước lối vào cùng khoảng hơn một trăm đồng hương đang đứng lố nhố không hàng lối. Những người nước khác đi qua đưa mắt nhìn về chúng tôi, tôi có cảm giác như những lần hồi bé phải đứng lên góc lớp vì không thuộc bài cho cả lớp nhìn vậy".
Sau đó ông kể cảnh sống của Việt ở Nga, khổ sở đủ điều, bị trộm, bị cướp, bị cảnh sát hiếp đáp tống tiền và rất bị người bản xứ kỳ thị : "Tôi hỏi anh tôi rằng người Nga có quý người Việt không, anh bảo giờ thì không, họ ghét lắm, bọn anh thi thoảng đi vặt táo, thấy mấy bà già người Nga đứng bên cửa sổ trên tầng léo nhéo chửi, ý bảo bọn mày về nước mày đi…" (tr.253).
"Tinh hoa của nhân loại" mà sao phải chịu những cảnh bị khinh khi nhục nhã đến thế !!!
Rồi ông kể tiếp chuyến đi Nhật : "Đợt vừa rồi rộ lên vụ truyền hình Nhật Bản đưa tin người Việt ăn cắp và bị bắt. Khắp nơi trên các diễn đàn trên các diễn đàn và mạng cộng đồng, những cụm từ như "chục mặt chưa", đẹp mặt chưa", xấu hổ quá…" được nhiều người dùng với cường độ cao để bình luận cho sự kiện này bởi có vẻ như lòng tự hào Việt Nam của họ đang bị tổn thương sâu sắc".
"Riêng cá nhân tôi thì luôn tin rằng, cách đấu tranh với cái xấu hiệu quả nhất, là chỉ quan tâm đến những cái tốt, những cái tích cực, đồng thời tìm cách lan truyền và nhân rộng nó ra để con sói tốt ngày càng mạnh mẽ, không cho con sói xấu trong mình có cơ hội bùng lên…" (tr.255).
Khi tiếp xúc với người Việt ở Nhật, có người hỏi : "Anh có tự hào là người Việt Nam không ?". Ông trả lời : "Có chứ !".
Cuối cùng ông nói với họ : "Nên sống thế nào để có thể tự hào về bản thân mình thì cũng chính là lúc chúng ta đã tự hào là người Việt Nam chú ạ"
Câu nói của ông (con sói tốt và con sói xấu) được nhiều tờ báo trong nước trích dẫn và coi đó như một "triết lý cao siêu". Dĩ nhiên là nó rất hợp với quan điểm của chính quyền "Chỉ nên nói đến những cái tốt của xã hội và của Đảng". Ngay cả bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong lời giới thiệu cuốn sách cũng "hoàn toàn tâm đắc" với câu nói trên.
Ông Đinh Tiến Dũng nói những câu trên mà quên rằng, trong câu nói "Tôi tự hào là người Việt Nam" không mang ý nghĩa một cá nhân mà mang ý nghĩa một tập thể, một hành vi xấu hay tốt của một người Việt đều có trách nhiệm liên đới với những người Việt khác.
Trong hoàn cảnh xảy ra ở Nhật, ăn cắp vẫn cảm thấy không xấu hổ, vậy thì trong trường hợp nào mới cảm thấy xấu hổ ?.
Nếu nói như thế thì những phần tử Hồi Giáo cực đoan IS hiện nay cũng có thể tự hào về những hành động giết người dã man của họ.
Phải biết xấu hổ trước những hành vi trái đạo đức của người Việt bất kể là do mình hay do một đồng hương khác gây ra. Chúng ta lên án cái xấu không phải là lên án những người đang sống ở Nga, ở Nhật… mà lên án những người đã đưa đẩy họ vào những hoàn cảnh như thế.
Nghĩ cho cùng thì những người đã gây ra những hình ảnh không đẹp của người Việt Nam tại Nga, tại Nhật, ngay cả cái phi công, tiếp viên hàng không Vietnam Airline cũng chỉ nạn nhân của một đất nước nghèo khổ, một chế độ đầy bất công và thối nát. Thử hỏi nếu như những người đó có một đời sống vật chất tương đối khá giả, được hấp thụ một nền giáo dục đàng hoàng tử tế, đất nước được lãnh đạo bởi những người xứng đáng, không phải đút lót tiền để có việc làm… thì tình trạnh xấu xa như thế có xảy ra không ?
Ông Đinh Tiến Dũng đề cao cái tốt không phải sai, nhưng những cái tốt không thể tồn tại nếu như cái xấu, cái ác không bị lên án, trừng phạt. Chúng ta cám ơn những người đề cao cái đẹp, góp phần làm thăng hoa con người, nhưng chúng ta càng phải cám ơn nhiều hơn đối với những người dám lên án cái xấu cái ác. Không có một chính quyền độc tài phi nhân nào bỏ tù những người đề cao cái đẹp nhưng sẽ tìm cách triệt tiêu những tiếng nói chống lại cái ác, cái xấu của chế độ.
Thế giới này sẽ trở thành địa ngục nếu như nhân loại chỉ có những người đề cao cái đẹp mà không có những người lên án cái ác.
Tự hào là cần thiết, nhưng biết xấu hổ đôi lúc lại cần thiết hơn.
Xã hội Tây Phương đạt tới trình độ văn minh như ngày hôm nay vì họ dám lên án cái xấu và biết xấu hổ trước những hành vi thiếu nhân bản, do dù chuyện đó đã xảy ra từ lâu trong quá khứ.
Vì biết xấu hổ cho nên chính quyền Úc, Mỹ và Canada đã xin lỗi các thổ dân. Chính phủ Anh đã xin lỗi "những đứa trẻ bị cưỡng bách di dân" (child migrants) xảy ra từ hơn một thế kỷ trước. Chính phủ Đức đã xin lỗi vai trò của mình trong cuộc diệt chủng người Do Thái. Chính phủ Anh đã xin lỗi những hành động sai trái của họ đối với các thuộc địa trong thời gian đô hộ...
Chính những hành động này đã làm cho dân tộc của họ văn minh hơn, nhân bản hơn, người dân cảm thấy tự hào hơn về đất nước của họ.
Trái lại một dân tộc không biết xấu hổ sẽ mãi mãi là một dân tộc lạc hậu và đất nước đó sẽ mãi mãi bị thế giới bỏ lùi phía sau.
Trở lại câu nói của ông Đinh Tiến Dũng : "Nên sống thế nào để có thể tự hào về bản thân mình thì cũng chính là lúc chúng ta đã tự hào là người Việt Nam" cũng chứa đầy tính chất mỉa mai khi ngay cả cá nhân cũng không làm được điều đó.
Ông kể lại một kinh nghiệm trong chuyến đi Nhật : "Có một lần đi công tác, tôi có dịp ngồi với một cậu em bên Nhật Bản, rượu vào lời ra, trên tầu điện ngầm, hai anh em cứ ồn ào trò chuyện. Những ánh mắt khó chịu đổ dồn về phía chúng tôi khiến hai anh em giật mình và giữ im lặng" (tr.256).
Tư cách của ông so ra không bằng một người Nhật bình thường, vậy mà vẫn hãnh diện "Tôi tự hào là người Việt Nam" Sao lại hạ niềm tự hào dân tộc xuống thấp đến thế.
VI. Đừng nên đề cao Hồ Chí Minh một cách quá lố bịch
Người viết muốn nói đến bài bài "Doanh nhân – người lính thời bình" (tr.94-99) của tác giả là tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đại diện cho khối doanh nghiệp.
Trong phần tiểu sử tác giả cho biết, ông Vũ Tiến Lộc là tiến sĩ kinh tế, giảng dạy tại các trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, Đại Học Quốc Gia Hà Nội và một số trường đại học khác trong và ngoài nước. Không cho biết đại học ngoài nước là đại học nào. Bên cạnh đó còn là Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam khóa XI, XII, XIII, Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, Chủ Tịch Ủy Ban Hợp Tác Kinh Tế Thái Bình Dương, Chủ Tịch Hội Đồng Trung Ương các Hiệp Hội Doanh Nghiệp Việt Nam, Chủ Tịch Liên Minh Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam.
Tác giả không những là một quan chức cao cấp mà còn là một nhà khoa bảng.
Với thành tích đó, đúng ra ông Lộc phải hiểu nguyên tắc căn bản - ông đang viết về đề tài "Doanh nhân – người lính thời bình" trong cuốn sách "Tôi tự hào là người Việt Nam", có nghĩa là những thành tích của doanh nhân Việt Nam xứng đáng để người Việt tự hào.
Thế nhưng suốt bài viết của ông, không thấy một tấm gương doanh nhân nào cả, mà chỉ thấy ông ca ngợi Hồ Chí Minh từ đầu đến cuối bài như một thiên tài về lãnh vực kinh tế.
Mở đầu, ông Lộc viết : "Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới giới doanh nhân. Từ chiến khu Việt Bắc ở về Thủ đô chuẩn bị cho ngày độc lập, Bác ở và làm việc tại ngôi nhà của một trong những gia đình giàu có nhất ở Hà Nội và cũng tại đây, Bác viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chỉ hai tuần sau ngày độc lập, trong "tuần lễ vàng", ngày 18/9/1945 Bác đã gặp mặt các nhà công thương Hà Nội và theo lời Bác họ đã tích cực ủng hộ về tài chánh cho Chính quyền cách mạnh còn non trẻ và giới doanh nhân là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ Tịch. Sau đó ngày 13/10/1945 Bác viết thơ kêu gọi giới doanh nhân tham gia công thương cứu quốc đoàn. Trong thư Bác viết : "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chánh vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ và nhân dân sẽ tận tâm giúp giới Công Thương trong cuộc kiến thiết này".
Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng những lời chỉ dẫn của Bác về vai trò của giới doanh nhân về sự song hành lợi ích của doanh nhân với lợi ích của đất nước và dân tộc, về quan hệ giữa chính phủ với doanh nhân vẫn còn nguyên giá trị. Đường lối đổi mới của Đảng đã đưa chúng ta trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh và ngày 13/10, ngày Bác gửi thư cho giới công thương đã trở thành ngày Doanh Nhân Việt Nam…"
Lúc từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, ông Hồ Chí Minh ở nhà của thương gia Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn "Phúc Lợi", bán tơ lựa và có hãng chế tạo tơ lụa. Theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, ông Trịnh Văn Bô đã đóng góp cho Việt Minh 5,147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ (21).
Ngoài số vàng đó ra gia đình của ông Trịnh Văn Bô còn giúp Việt Minh rất nhiều thứ khác, ngay cả cá nhân ông cũng đi theo kháng chiến.
Thế nhưng sau khi đảng cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc (1954) thì gia đình ông Bô đã bị đối xử ra sao ? Xin đọc một đoạn dưới đây trong quyển "Bên thắng cuộc" (22) của Huy Đức :
"Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành "cải tạo xã hội chủ nghĩa" trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi "làm gương", đưa xưởng dệt của bà vào "công tư hợp doanh". Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột, bây giờ Chính phủ nhân đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của mình. Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó...
Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được…"
Nhà văn Huy Đức còn kể thêm rất nhiều cay đắng khác mà gia đình ông Bô phải chịu đựng từ khi ông Hồ Chí Minh lên nắm quyền.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc viết tiếp : "Đối với người dân Việt khi gặp khó khăn thách thức thì chúng ta lại nhớ Bác Hồ, tìm lại trong di sản của người, và thật kỳ lạ, bao giờ chúng ta cũng tìm ra được những chỉ dẫn giải quyết cho những vấn đề hiện tại…
"Bác dặn : "Phải nâng cao năng xuất, thực hành tiết kiệm, phải cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, phải chăm lo đời sống người lao động.."..
"Bác nói : "Những người sản xuất phải tập hợp lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt không là phí tài năng và thời gian…".
Cuối cùng tác giả viết : "Những chỉ dẫn về tái cấu trúc như vậy không phải là những điều cao xa trong giáo trình kinh tế học hiện đại của phương Tây mà còn là những điều căn dặn giản dị, ngắn gọn trong tư tưởng của Bác Hồ 40, 50 năm về trước. Đổi mới, tái cấu trúc ở Việt Nam là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh và vươn tới chuẩn mực toàn cầu"
Nếu kiến thức về kinh tế của "Bác" uyên bác đến như thế, tại sao đất nước Việt Nam từ khi có "Bác" thì từ nghèo tới nghèo hơn. Thời chiến tranh thì quá nghèo. Và hòa bình nay đã 40 năm, Việt Nam vẫn không vươn lên để trở thành rồng mà còn lẹt đẹt đứng gần cuối bảng của thế giới về sự nghèo khổ (133/183) (23) và đang có nguy cơ bị Lào và Campuchia qua mặt.
Những lời trên của Hồ Chí Minh (cho dù có thật) về lãnh vực kinh tế - chỉ là những lời nói chung chung ai cũng biết, một ông tiến sĩ kinh tế như ông Vũ Tiến Lộc mà đi tâng bốc một cách lố bịch như thế thì tội nghiệp cho bằng tiến sĩ của ông quá !
Nhưng một ngàn lời nói không có giá trị bằng một hành động. Ông Hồ Chí Minh nói như thế, nhưng ông có làm đúng như vậy không ? Nếu không thì những lời đó chỉ là sự lường gạt nhằm để đạt mục tiêu chính trị. Và hành động tâng bốc của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc ngày nay là tiếp tay cho sự lường gạt đó.
Có 2 điểm dưới đây cần phải nêu ra về những lời nói của ông Hồ :
- Ông Hồ Chí Minh đề cao "doanh nhân" trong giai đoạn nào ?
Sau khi cướp chính quyền ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh mở "Tuần Lễ Vàng" để kêu gọi mọi người đóng góp tiền của cho chính quyền Việt Minh. Từ lúc đó cho đến khi chưa lên nắm quyền (7/1954), dĩ nhiên Hồ Chí Minh lúc nào cũng vuốt ve giới thương gia để họ đóng góp cho Việt Minh càng nhiều càng tốt.
- Số phận của thương gia miền Bắc ra sao sau khi Hồ Chí Minh lên nắm quyền ?
Sau khi lên nắm quyền ở miền Bắc, chính phủ của Hồ Chí Minh thực hiện ngay Cải Cách Ruộng Đất, không chỉ tiêu diệt thành phần "địa chủ" mà còn tiêu diệt luôn tầng lớp tiểu tư sản, thương gia như trường hợp bà Nguyễn Thị Năm. Tất cả các thương gia nếu không bị xử bắn thì cũng bị đi cải tạo, tài sản bị tịch thu, trở thành quốc doanh.
Sau Cải Cách Ruộng Đất là nhiều đợt "Cải tạo công thương nghiệp" và cho đến khi Hồ Chí Minh qua đời (9/1969) thì kinh tế tư nhân ở Miền Bắc hoàn toàn biến mất như một tài liệu chính thức dưới đây của đảng cộng sản Việt Nam : "Sau 3 năm cải tạo kinh tế (1958-1960), ở thành thị, 100% số cơ sở công nghiệp tư bản tư doanh thuộc diện cải tạo đã được tổ chức thành xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác, 1.553 doanh nhân thành người lao động. Có 90% tổng số thợ thủ công trong diện cải tạo đã tham gia các hợp tác xã thủ công nghiệp, trong đó hơn 70.000 thợ thủ công chuyển sang sản xuất nông nghiệp"(24).
Tác giả Vũ Tiến Lộc quá coi thường người đọc khi ngày nay vẫn còn hàng triệu nhân chứng sống, đã từng sống qua thời đại của Hồ Chí Minh.
VII. "Tư duy chiến lược" hay bệnh hoang tưởng
Bệnh "nổ" của người Việt được phát huy tối đa dưới thời đại cộng sản, từ Đảng cho đến nhân dân đều thi đua nhau "nổ".
Người có học thường "nổ" có bài bản hơn dân thường, riêng ông "đại trí thức" này "nổ" chẳng bài bản gì cả.
Theo phần tiểu sử cho biết, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, tốt nghiệp ngành kiến trúc ở Canada, sau đó lấy bằng Thạc sĩ ở Thượng Hải, Trung Quốc. Hiện đang là Phó Viện Trưởng, Viện Khoa Học Cộng Nghệ, cũng là Giám Đốc Chiến Lược của Tập đoàn FPT và còn nhiều chức vụ khác. Đồng thời ông được đánh giá "là một vị lãnh đạo tài năng luôn truyền lửa "giấc mơ Việt Nam" cho thế hệ trẻ".
Sau chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng, ông Thái Hòa là một trong những tác giả chánh trong cuốn sách, đại diện cho tư duy chiến lược đương nhiên là rất quan trọng.
Bài viết của ông "Việt Nam tự định vị mình và vươn ra thế giới" (tr.67-93) là bài dài nhất trong cuốn sách, 26 trang, chỉ một bài nhưng bao gồm nhiều đề tài : chính trị, xã hội, văn hóa, đặc biệt là về quản lý chất lượng (quality control).
Về thành tích của mình, ông cho biết như sau : "Tác giả bài viết thuộc thế hệ trí thức, Việt kiều trẻ có hơn 15 năm làm việc quản trị ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á cho các tập đoàn đa quốc gia trước khi quay về đảm trách công tác định hướng chiến lược cho một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Qua những câu chuyện, minh chứng có thật từ thực tế kinh nghiệm từ Đông sang Tây đã được tích lũy nhiều năm được sắp xếp lại nhằm góp phần giải mã các ẩn số này của đất nước.
"Kinh nghiệm bản thân tác giả suốt chặng đường 14 năm làm việc như một công dân toàn cầu tại ba châu lục cho Tập Đoàn Schneider Electric (Pháp), từ một kiến trúc sư đến địa vị lãnh đạo cao nhất của hệ thống chất lượng châu Á-Thái Bình Dương.
"Suốt thời gian ở Pháp, với vị trí Trưởng Bộ phận Quốc tế vụ (Pilotage International), để quản lý được các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Schneider Electric, tôi thường đem trong ví một viên ốc Nhật của xe Toyota làm niềm tin chất lượng của người Á Châu.
"Năm 2001, tôi đến Pháp làm việc theo lời mời của Tập đoàn Schmeiner Electric và trở thành người Á Châu đầu tiên đảm nhận chức vụ Giám đốc Văn phòng Quốc tế Vụ tại Tập đoàn".
Cuối cùng quá chán tính lường biếng và thiếu sáng tạo của người Pháp, ông Thái Hòa quyết định bỏ Pháp về Á Châu làm việc.
"Đầu năm 2003, tôi quyết định quay về châu Á trong cương vị Giáo đốc Chất lượng Hệ thống Tiêu chuẩn Kỹ thuật Á-Thái Bình Dương…"
Người viết cố tìm trên Google (tiếng Anh) để xem thế giới có biết "nhân tài" nước Việt này không, nhưng tìm mãi không ra.
Nếu như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng mô tả đất nước Việt Nam như một thiên đàng trên trái đất này thì ông Nguyễn Hữu Thái Hòa vẽ ra những tham vọng vĩ đại cho Việt Nam trong tương lai, tiêu biểu như :
1. Giấc mơ khám phá và chinh phục toàn cầu – The Global DREAM
2. Thương hiệu chất lượng "Made in Vietnam, Made in world"
3. Giấc mơ chất lượng Việt Nam
4. Dự án "Best in Class, Vươn tới đỉnh cao"…
5. Chiến lược định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới.
Thật ra phải gọi đây là ảo tưởng hơn là tham vọng. Tham vọng thì còn có thể làm được, nhưng ảo tưởng thì không. Một đất nước chưa chế tạo được đinh ốc chất lượng mà đòi chinh phục toàn cầu, trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới… thì phải gọi tên gì cho đúng ?
Thông thường, khi muốn thực một tham vọng (hay sáng kiến mới) đòi hỏi phải hội đủ ít nhất là 3 yếu tố dưới đây :
1. Tham vọng đó nằm trong khả năng tài chánh, nhân lực… đang có ? (feasible)
2. Có đủ bằng chứng cho thấy tham vọng đó có thể làm được ?
3. Có phương cách để thực hiện ?
Đó chỉ là những tham vọng bình thường, huống hồ chi những dự án mang tính chất "tư duy chiến lược" cho một quốc gia.
Riêng ông Thái Hòa thì không cần biết Việt Nam đang ở vị trí nào trên thế giới và có khả năng để thực hiện những tham vọng quá lớn đó hay không !
Bài viết của ông không theo một nguyên tắc nào, hết sức ẩu tả, lý luận theo kiểu "ếch ngồi đáy giếng", những lý lẽ đưa ra hoàn toàn không thuyết phục, đôi khi hết sức lạc đề, bằng chứng thì mơ hồ, "chiến lược" để thực hiện càng "lãng mạn" hơn.
Chỉ cần đọc một đoạn dưới đây trong phần "Định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới" (tr.90) người đọc sẽ thấy sự "uyên bác" của tác giả :
"Chúng ta cần nhận diện thật rõ ràng đâu là điểm mạnh của bản sắc dân tộc, lịch sử và truyền thống của con người Việt Nam để từ đó đưa ra một định hướng chiến lược phù hợp. Trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã là trái tim của nhân loại. Sau cuộc chiến gần 40 năm, chúng ta đã đánh mất quá nhanh tình cảm đó vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan và cũng chính chúng ta đã không ý thức được tầm quan trọng và giá trị vô biên của việc trở thành một trung tâm thế giới.
Phải nhìn nhận rằng qua bao cuộc bể dâu, dù trong thế yếu chống mạnh, người Việt luôn cao truyền thống của tinh thần Nhân nghĩa làm nền tảng :
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo (Cáo bình Ngô, Nguyễn Trải, 1428).
Vị trí địa lý, lịch sử đã trao vào tay Việt Nam một cơ hội đứng lên lãnh đạo khối ASEAN…
Ông viết tiếp : "Khi tất cả các vec-tơ tương tác trong các mối quan hệ toàn cầu từ các dòng tiền của giới đầu tư vào những vấn đề kinh doanh trong nhiều lãnh vực khoa học công nghệ, công nghệ, nông nghiệp, giao thông, chuỗi phân phối, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, sáng tạo… cho đến các mối quan hệ trong những vấn đề toàn cầu như khủng hoảng năng lượng, lương thực, chiến tranh, hòa bình, y tế, biến đổi khí hậu, môi trường đều hướng đến Việt Nam, khi đó Việt Nam sẽ hùng mạnh và an toàn hơn bao giờ hết. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được điều đó và dám đề ra một chiến lược cụ thể để định vị Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng của thế giới, khi đó đất nước mới có thể ngẩng đầu cao và thật sự thoát ra khoải kiếp nô lệ từ trong tư duy, tiềm thức của dân tộc.
Định vị Việt Nam trước tiên có thể làm ngay là định vị lại thương hiệu Việt. Hai chữ "Việt Nam" hiện nay trên Google Search đang có giá trị thương hiệu lớn gấp nhiều lần những nước khác trong khu vực hoặc có diện tích, dân số tương đương. Điều đó phần nhờ ánh hào quang của Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua. Chúng ta phải biết nhanh tay tận dụng thương hiệu Việt trước khi thế giới lãng quên chúng ta, bằng những giá trị chất lượng và sự khác biệt trong từng sản phẩm, dịch vụ".
Đưa ra cả một chiến lược "Định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới" mà chỉ có 770 từ, trong đó phần lớn là những lời chung chung, đầy mâu thuẫn và không đưa ra được một phương cách làm thế nào để thực hiện.
"Chỉ khi nào chúng ta ý thức được điều đó và dám đề ra một chiến lược cụ thể để định vị Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng của thế giới, khi đó đất nước mới có thể ngẩng đầu cao và thật sự thoát ra khoải kiếp nô lệ từ trong tư duy, tiềm thức của dân tộc", có nghĩa là tác giả chưa có một chiến lược để thực hiện. Nếu vậy thì mệnh đề khẳng định (affirmative) "Định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới" hoàn toàn trở nên vô nghĩa.
Tác giả lý luận : Khi tất cả các lãnh vực của thế giới hướng tới Việt Nam, thì Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của thế giới. Nói như thế ai nói chẳng đươc. Vấn đề là làm sao để thực hiện ?
Lý luận như ông thạc sĩ này chẳng khác nào một ông chủ tiệm buôn nói rằng : nếu có nhiều khách đến tiệm tôi mua hàng thì tôi sẽ giàu.
Tác giả lý luận tiếp : "Chỉ khi đó đất nước ta mới thoát ra được tư duy nô lệ".
Đã mang tư duy nô lệ, làm sao có thể làm được chuyện "đội đá vá trời" : mang tất cả các lãnh vực của thế giới đến Việt Nam.
Đã mang tư duy nô lệ làm sao có khả năng để biến Việt Nam trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới.
Và không lẽ khối ASEAN ngu đến mức độ để cho một dân tộc mang tư duy nô lệ lãnh đạo họ.
Thời đại này mà tác giả nhắc "ánh hào quang của 2 cuộc chiến vừa qua" thì hết sức lỗi thời. Trong thời buổi khủng bố ngày nay, những gì dính dáng đến bạo lực, người ta đều ghê tởm, chỉ có tác giả mới coi đó là lợi điểm.
Tác giả tự giới thiệu là một kiều Việt trẻ, một công dân toàn cầu, đúng ra phải mang tinh thần nhân bản, bác ái, yêu chuộng hòa bình, sao lại thích nhắc lại chuyện chém giết, và khơi dậy nỗi đau của hàng triệu người khác. Nhắc lại lời của "Bình Ngô đại cáo", nhưng một trí thức như tác giả sinh trưởng ở Sài Gòn (năm 1969) (25), không lẽ không biết hàng trăm ngàn quân nhân cán chính Việt NamCH và người dân Miền Nam đã bị bên thắng cuộc trả thù và đối xử ra sao sau tháng 4/1975 !!!
Không biết tác giả rời Việt Nam trong tư cách gì, tị nạn hay di dân ! nhưng dù với bất cứ lý do gì, nếu là một người có suy nghĩ, tác giả phải tỏ chút lòng mang ơn những người lính Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có cả triệu người đã hy sinh để những người như tác giả có một tuổi thơ đẹp, không phải ăn bo bo, bị nhồi sọ bởi chính quyền và gia đình tác giả cũng đã hưởng được những quyền sống căn bản trong 20 năm mặc dầu miền Nam đang trong hoàn cảnh chiến tranh.
Người viết không hiểu tại sao ông thạc sĩ Việt kiều này cần phải lấy điểm với chính quyền cộng sản Việt Nam đến độ đánh mất sự lương thiện của một người trí thức khi ông bóp méo một sự kiện mà ai cũng biết. Mục sư Luther King quá nổi tiếng và mọi người biết ông bị ám sát trước khi chuẩn bị lãnh đạo một cuộc đình công của công nhân làm vật dụng vệ sinh. Thế nhưng ông thạc sĩ này bóp méo như sau : "Ngày 4/4/1968, mục sư King đã bị bắn chết trong khi diễn thuyết kêu gọi hòa bình và chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam" (tr.70).
Đối với người viết, một người dù có phô trương bằng cấp hay khoe khoang thành tích của mình đến đâu mà không có "common sense" (lý lẽ hiển nhiên) thì không thể xem là một người giỏi.
Đọc qua phần của tác giả viết về Thương hiệu chất lượng "Made in Vietnam, Made in world", theo ông Việt Nam có đủ khả năng để chế tạo những sản phẩm có chất lượng thế giới, người đọc sẽ thấy cách suy nghĩ của ông thạc sĩ này hơi lạ :
"Năm 2001, khi sang Pháp sống và làm việc, hội nhập với cuộc sống ở Pháp và tôi có tham gia vào một đội bóng địa phương. Một lần tôi vào một siêu thị ở Lyon để kiếm đôi giày đá bóng. Tôi vẫn còn nhớ mình sửng sốt như thế nào trong cái siêu thị đó. Đôi giày thứ nhất ‘made in China’ bán với giá 30 Eu, đôi giày thứ hai do châu Âu sản xuất với giá 60-80 Eu, đôi giày thứ ba rất đẹp giá 190 Eu, làm cho tôi rất thèm muốn có được vì nó đẹp và đường may rất tỉ mỉ, tôi mở ra và tôi sửng sốt ‘made in Vietnam’. Một đôi giày đến từ Việt Nam lại được bày bán ở vị trí sang trọng nhất và có chất lượng cao nhất ! Giấc mơ chất lượng Việt Nam bắt đầu từ đó : ‘Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tốt, chất lượng phù hợp với tố chất của người Việt Nam nhưng vấn đề là chúng ta có tin là chúng ta là được. Sự ngạc nhiên của tôi chính là vấn đề của tất cả chúng ta, chúng ta chưa tin vào khả năng của chính mình. Nhưng sự thật để chứng minh, đôi giày đó là một minh chứng là chúng ta có thể làm được".
Trước hết có nhiều vô lý trong trường hợp này. Ông không cho biết đôi giày 190 Eu, ‘Made in Vietnam’, hiệu gì ? Thương hiệu của Việt Nam hay của ngoại quốc như Adidas, Nike, Puma, Dunlop… gia công ở Việt Nam ?
Nếu là một thương hiệu của Việt Nam, không ai bỏ ra 190 Eu để mua một đôi giày "no name".
Nếu là một thương hiệu ngoại quốc như Adidas, Nike, Puma, Dunlop… cũng khó tin. Những hãng này mang sang những nước như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nam Dương chế tạo vì giá thành rẻ. Trong trường hợp này không một khách hàng Âu Châu nào dại đến độ bỏ ra số tiền mắc hơn gấp 3 lần để mua một đôi giày làm ở Việt Nam thay vì một đôi giày làm ở Âu Châu.
Giả sử lời ông Thái Hà đúng, thì đây chỉ là một trường hợp hết sức đặc biệt, không thể lấy một trường hợp ngoại lệ để cho rằng Việt Nam có khả năng chế tạo hàng chất lượng cao như Tây phương. Và cho dù làm được phẩm chất tốt, nhưng giá thành cao như vậy, ai sẽ mua !!!
Báo chí trong nước gần đây đã nói quá nhiều về chuyện Việt Nam không thể chế tạo được vít, ốc đúng chất lượng, khiến cho những hãng xưỡng của Nhật, Hàn Quốc ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ông Alan Phan là người hiểu rất rõ chất lượng sản phẩm của Việt Nam vì ông sống lâu năm ở đó : "Do đó, khi các doanh nghiệp Việt lobby chánh phủ bỏ tiền hỗ trợ quảng bá một "thương hiệu Việt", tôi luôn nhăn mặt. Đây là một lối "gánh vàng đi đổ sông Ngô", chỉ lợi cho các công ty quảng cáo và các quan chức điều hành chương trình" (26).
Thật sự là sau đọc qua bài viết của ông Thái Hòa, người viết không ngạc nhiên chút nào - tại sao cho đến giờ này Việt Nam vẫn chưa sản xuất được vít ốc có chất lượng. Trong bài viết ông Thái Hòa dành ra nhiều trang để viết về đề tài Kiểm Soát Chất Lượng Sản Phẩm (Quality Control). Một người không biết về đề tài này đọc qua sẽ không hiểu gì cả, một người có kiến thức về lãnh vực này sẽ nhận ra ngay là lối viết của ông rất khó hiểu vì ông nắm vững vấn đề, hoàn toàn tương phản với cách bày thông suốt rõ ràng của bậc thầy về nghành này là Edward Deming (người Mỹ) – người đã giúp nước Nhật làm ra những sản phẩm chất lượng cao sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Nói tóm lại, nội dung bài viết của ông thạc sĩ Việt kiều này, ngoài những lời phô trương về thành tích của mình và chuyện đôi giày 190 euro, còn lại là những dự kiến, tham vọng, ước mơ, các "tư duy chiến lược"… tức là những dự định sẽ làm cho tương lai. Từ lời nói đến hành động là một khoảng rất xa, nhất là dưới chế độ cộng sản. Gần 40 năm trước, ông Lê Duẫn đã từng nói : "Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng" (27), còn thời nay thì ông Hùng Cửu Long đã nói hộ ngay trong cuốn sách này : "Tôi tin 30 năm ? 60 năm ? 120 năm sau Việt Nam sẽ là vàng, sẽ là báu vật, sẽ là tinh hoa của nhân loại" (tr.391) – chuyện tương lai muốn nói sao cũng được !
VIII. Tóm tắt một số bài còn lại
- Bài "Người thợ giày vui vẻ", tác giả là Hồ Thị Hải Âu, đại diện cho "sự nghiệp làm mẹ" nhưng viết về một thợ sửa giày ở Hà Nội, khéo tay, vui vẻ, tử tế với khách hàng.
Đối với thế giới Tây Phương, một người làm thương mại, ngoài chuyên môn, muốn khách trở lại phải niềm nở, vui vẻ, tử tế… đó là chuyện đương nhiên. Tại sao lại coi đó là một niềm tự hào dân tộc ?
- Bài "Đặt vấn đề cho sống còn phát triển Việt Nam" một bài ngắn của tác giả Hùng Hữu Long, đại diện cho lãnh vực vàng, bạc, đá quý, viết giống như tác giả đang trong cơn lên đồng. Từ ngữ "vàng" được nhắc đến khoảng 100 lần : "Đúng, chúng ta phải là vàng, vàng của vũ trụ, vàng của thiên nhiên, vàng của nhân loại, vàng của xã hội, vàng của thế giới, vàng của khu vực, vàng của đất nước, vàng của tư duy, vàng của ký tưởng, vàng của chân lý, vàng của đạo đức, vàng của ý thức, vàng của thị trường, vàng của lịch sử, vàng của tài chánh, vàng của pháp luận, vàng của chính sách, vàng của tất cả…".
"Chúng ta từng có sức mạnh Hồ Chí Minh là vàng của tư tưởng, vàng đạo đức, vàng chân lý, vàng lịch sử, vàng văn hóa…chính là bắt nguồn từ đoàn kết…
"Tôi tin 30 năm ? 60 năm ? 120 năm sau Việt Nam sẽ là vàng, sẽ là báu vật, sẽ là tinh hoa của nhân loại…
"Trong tương lai sản phẩm vàng, sự kiện vàng, hành động vàng, con người vàng, lý tưởng vàng, tư duy vàng, nhân cách vàng, niềm tin vàng cho Việt Nam vàng tương lai.
"Với chiến dịch Hồ Chí Minh chúng ta đã thành công ! Vậy tiếp theo Chiến dịch Hồ Chí Minh vàng, chúng ta sẽ tiếp tục thành công mới. Việt Nam vàng, thành phố vàng, tầm nhìn vàng, chiến lược vàng, khát vọng vàng, mục tiêu vàng…
"Chúng ta hãy cùng nhau chung tay góp sức xây dựng Việt Nam vàng, Đảng vàng, Nhà nước vàng, Thành phố vàng…".
Chỉ có ở thời đại con cháu Hồ Chí Minh, một bài viết thuộc loại "nửa điên nửa khùng" như thế mới được cho vào cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam" !
Bài "Thành Hoàng làng Hạ", tác giả là tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, Phó giáo sư đang dạy Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho lãnh vực giáo dục nhưng nội dung phản tinh thần giáo dục.
Chuyện kể làng Hạ đang sống yên lành, thế rồi "Không hiểu ma xui quỷ giục thế nào, cụ Cả lại nghĩ ra cái việc làm tượng Thành Hoàng làng" Muốn làm được việc này cụ Cả phải nhờ đến thằng cháu, tên "Tư phệ" đang làm chức "viện trưởng tận trung ương", là một cán bộ cộng sản tiêu biểu "làng đồn nó giàu có vì mai mối buôn bán đất và dẫn mối quan chức", thế rồi sau đó nhờ Tư Phệ làng có đầy đủ thủ tục, tài chánh để thực hiện bức tượng. Trong lúc tượng chưa hoàn thành thì cụ Cả chết. Ngày làm lễ dựng tượng, lúc vào hậu cung lạy tạ Thành Hoàng, chỉ có ông chủ lễ, Tư Phệ và Từ Thọt (là người nông dân trẻ mới được giao cho chức Thủ Từ), thì một cảnh hãi hùng xảy ra : "chủ lễ đã bị bức tượng đồng đè vỡ cả mặt, thân thể nát nhừ, be bét máu, tắt thở ngay sau tiếng thét".
Sau đó tiếng đồn lan ra khắp nơi "Thành Hoàng Hạ linh thiêng lắm", thế là khách đổ về làng càng ngày càng đông, "nhiều dịch vụ đã mọc lên như như nấm : quán nước, nhà hàng, nơi giữ xe và cả các quán karaoke nữa" nhờ đó mà một số người kiếm tiền khấm khá. Về cái chết của ông chủ lễ, chỉ có Từ Thọt biết nhưng "sống để bụng chết mang theo" : "Chẳng ai biết thực hư bức tượng giờ thế nào, chỉ trừ Từ Thọt, người duy nhất biết chuyện, thỉnh thoảng như người dở hơi nghêu ngao hát : trăm năm bia đá thì mòn… Thọt đã quanh quẩn bên đám thợ đúc đồng cả tháng trời và cũng là người đầu tiên thấy kẻ xấu số bị Thành Hoàng đè. Nhưng có cậy răng Từ Thọt cũng chẳng nói ra…". Đọc qua đến cuối câu chuyện thì ai cũng đoán được những âm mưu mờ ám đằng sau cái chết của chủ lễ.
Đây không phải là một chuyện ngắn dở (không biết là chuyện có thật hay giả tưởng), nhưng nhưng không mang tinh thần giáo dục. Một bài viết diễn tả những cảnh xấu xa tìm ẩn trong xã hội Việt Nam, không lẽ lại xem đó là niềm tự hào dân tộc !!!
Thật tình người viết không biết ông chủ biên chọn bài dựa trên tiêu chuẩn nào. Có những bài không liên quan hoặc không trực tiếp liên quan đến đề tài của cuốn sách vẫn có mặt, chẳng hạn như : "Thế nào là Phật tử ?", "Phẩm chất con người Việt thời Lý-Trần", "Nhà với người Việt". Có những bài như truyện ngắn thì đúng hơn như "Ngọn lửa", "Thành Hoàng làng Hạ", còn lại một số bài khác, bày tỏ niềm tự hào dân tộc nhưng tất cả đều na ná như nhau, tự hào về Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… những điều ai cũng đã biết, còn lại là những niềm tự hào không có căn cứ.
IX. Kết luận :
Như lời bà Bộ Trưởng Trần Thị Thanh Thanh nói với báo chí : "Cuốn sách này (Tôi tự hào là người Việt Nam) cũng như những dự án sắp tới là cơ hội khơi dậy sức mạnh dân tộc, khơi dậy những giá trị tiềm năng trong mỗi con người, để chúng ta có niềm tin bước tiếp trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc". (28)
Đây cũng là thông điệp mà đa số tác giả trong cuốn sách Tôi tự hào là người Việt Nam muốn gởi đến người đọc.
Không phải bây giờ, mà kể từ khi đảng cộng sản có mặt ở Việt Nam, đề tài "tự hào dân tộc" luôn được nhắc nhở thường xuyên trên các diễn đàn văn chương, kịch nghệ, âm nhạc, báo chí, hội họa... Những biểu ngữ treo khắp nơi và hệ thống loa công cộng có mặt từ nông thôn đến thành thị, từ đường lớn đến ngõ hẻm, chỉ để phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền.
Sau năm 1975, người ta có cảm tưởng như thế giới đang bước vào kỷ nguyên của Việt Nam, say sưa trong chiến thắng, niềm tự hào dân tộc được khơi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết : Việt Nam là lương tâm của thời đại, là dân tộc duy nhất đánh bại hai đế quốc, là tấm gương cổ vũ nhân dân các nước đang bị áp bức. Đảng là đỉnh cao trí tuệ, Đảng là đạo đức, là văn minh…
Bây giờ các trí thức Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống đó bằng cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam" và nhiều cuốn "tự hào" khác sẽ ra đời.
Theo như cuốn sách này, người Việt Nam có nhiều thứ rất đáng để tự hào : Đất nước Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên phong phú. Người Việt Nam là tinh hoa của nhân loại, rất thông minh, cần cù, sáng tạo, thương người, nhân nghĩa… Việt Nam có tất cả những yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới…
Thực tế có đúng như vậy không ?
Ngay trong cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam", tác giả Lương Hoài Nam đã trả lời phần nào về mức độ đáng tin của cuốn sách này : "Ở các nước văn minh thì cả năm người ta nói thẳng, nói thật, đến mức phải sinh ra "ngày Cá tháng Tư" để được quyền nói xạo, nói dối mà lương tâm không bị cắn rứt. Còn ở ta thì nói-không-thật hoặc không-nói-thật gần như trở thành một nếp sống, một nếp ứng xử, tương đối phổ biến, rồi từ đó cũng làm-không-thật hoặc không-làm-thật. Có hiện tượng buồn cười : nhiều bài viết của các cụ về hưu gây xôn xao dư luận, nhưng khi còn đương chức thì… chẳng thấy các cụ viết như thế, nói như thế thì lúc đó ngại cấp trên. Cũng rất con người thôi !" (tr.62).
Về những "thành tích" của Việt Nam, tác giả Lương Hoài Nam nhận xét : "Trong toàn bộ lịch sử của đất nước, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến như một nước giàu có, thịnh vượng… Với GPD hơn 50 tỉ/năm, Việt Nam vẫn là nền kinh tế nhỏ… Bình quân thu nhập quốc dân trên đầu người trên 600 USD đặt Việt Nam vào danh sách các nước nghèo trên thế giới… Trong lịch sử, Việt Nam chưa có một nhà công nghiệp nào nổi tiếng thế giới… Việt Nam cũng chưa có gì đáng tự hào về khoa học… Về giáo dục hiện nay của Việt Nam, rất buồn nhưng cũng phải nói : chúng ta đã làm không biết bao nhiêu cuộc "thí điểm", cho ra lò các "sản phẩm thí điểm" chẳng ra làm sao… Có thể kể ra rất nhiều thứ khác mà đất nước chúng ta không có hoặc có rất ít. (tr.60-61)
Những thống kê/nghiên cứu của các cơ quan quốc tế(29) đánh giá về Việt Nam như sau :
- Thu nhập bình quân đầu người : Việt Nam hạng 123/182
- Tiêu chí cống hiến cho nhân loại Việt Nam xếp hạng : 124/125
- Mức độ ô nhiễm : 102/124
- Giáo dục (human development) : 121/187
- Bằng sáng chế : 108/130
- Tham nhũng : 116/177
- Tự do ngôn luận : 174/180
- Phát triển xã hội : 72/76
- Y tế : 160/190 v.v…
Nhìn chung, Việt Nam nằm gần cuối bảng trong mọi lãnh vực.
Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận : "Việt Nam vẫn là nước nghèo" (30). Về tham nhũng thì chính những người lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam cũng xem đây là một quốc nạn, Chủ tịch Trương Tấn Sang mới đây phát biểu : Nhiều cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đã nói thẳng với tôi "một số cán bộ có ăn thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn" (31).
Đó là những sự thật về đất nước Việt Nam ngày nay mà thế giới đều biết và không ai có thể chối cãi. Với những "thành tích" như thế, thử tưởng tượng vẫn có những người Việt Nam tự hào với người ngoại quốc : "Chúng tôi có những triết lý sống cao siêu không đâu bằng. Chúng tôi tự hào là thông minh vào hạng "top ten" của thế giới. Người Việt chúng tôi đã phát minh ra máy ATM. Chúng tôi có Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh tướng xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới. Chúng tôi đã lập được nhiều kỷ lục thế giới như : tô hủ tiếu lớn nhất, bánh chưng to nhất…".
Một đặc điểm khác trong cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam", là mặc dầu có những tác giả như Lương Hoài Nam nêu ra một cách tổng quát về những yếu kém của đất nước Việt Nam, tác giả Trần Thiện Tùng nêu ra trường hợp nhiều người trẻ miền quê phải bỏ học vì nghèo, tác giả Trần Đăng Tuấn nêu ra thực trạng nhiều trẻ em miền núi vào mùa Đông rét gần 0 độ C mà không có áo ấm để mặc, không có thịt để ăn… nhưng không người nào dám nêu câu hỏi : ai là người chánh yếu phải chịu trách nhiệm cho những vấn nạn đó ?
Có một lối thoát nào cho Việt Nam không ?
Vào năm 2012, hai học giả là Daron Acemoglu - Giáo sư kinh tế của Đại học MIT và James A. Robinson là Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị của Đại học Harvard đã xuất bản tác phẩm "Why nations fail" (Tại sao một số quốc gia thất bại). Có thể nói cho đến nay, đó là cuốn sách có giá trị cao nhất giải thích nguyên nhân tại sao trên thế giới có những quốc gia giàu có và có những quốc gia nghèo khổ.
Sau 15 năm nghiên cứu, hai tác giả đã phân tích và đưa ra rất nhiều thí dụ cụ thể về những thành công và thất bại của nhiều quốc gia trên thế giới trong lịch sử 2000 năm qua của nhân loại. Cuối cùng hai ông đi đến một kết luận đầy tự tin rằng chỉ có một yếu tố duy nhất quyết định sự giàu-nghèo của một quốc gia – đó là thể chế (institution). Một thể chế chính trị dân chủ sẽ sinh ra một thể chế kinh tế tự do, tạo ra một sân chơi bình đẳng mọi người, người dân có động lực và điều kiện thuận lợi để phát triển hết khả năng và quốc gia trở nên giàu có. Ngược lại một thể chế chính trị độc tài sẽ nảy sinh ra một thể chế kinh tế khép kín, chỉ ưu đãi cho một số người, giết chết mọi nguồn sáng tạo và kết quả chỉ có một thiểu số giàu, còn lại đại số dân chúng thì nghèo khổ.
Trong cuốn sách này, hai tác giả nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của "nhóm lợi ích" (elite) : Chế độ độc tài tự nó không thể tồn tài mà phải có một nhóm lợi ích hỗ trợ. Hai thế lực này nương tựa vào nhau để tồn tại và cùng có lợi.
Đó cũng là đang gì xảy ra tại Việt Nam, từ ngữ "nhóm lợi ích" được báo chí trong nước gần đây nhắc đến rất nhiều.
Từ những nghiên cứu của học giả Acemoglu và Robinson, cũng như những gì xảy ra tại Việt Nam trong 60 năm qua, cho thấy ngày nào chế độ độc tài còn cai trị, ngày đó Việt Nam không có hy vọng thoát ra được nghèo khổ và lạc hậu.
Nghèo không phải chỉ đơn giản là sự thiếu thốn về vật chất. Những cảnh đời của người Việt ở Singapore, Mỹ Lai, Thái Lan, Trung Quốc… và ngay trên quê hương Việt Nam cho thấy nghèo khổ đi cùng với tủi nhục. Ngay cả dưới thời Pháp thuộc, phụ nữ Việt cũng không phải chịu cảnh bị rao bán tại Trung Quốc với giá khoảng 8000 Mỹ kim như những món hàng quảng cáo ở siêu thị. Và ngay tại quê hương mình những cô gái Việt phải hy sinh phẩm giá cao quý nhất của người phụ nữ để cho những người đàn ông ngoại quốc ngắm nghé lựa chọn như cảnh buôn bán nô lệ thời Trung Cổ.
Chưa có một thời đại nào khốn nạn hơn như thế !
Tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài đang trở thành một vấn nạn của thế giới. Mới nhất đây một người đàn ông Úc, Michael Brosowski, 40 tuổi, đã cứu hàng trăm cô gái Việt tuổi vị thành niên bị bán làm nô lệ tình dục ở Trung Quốc(32). Những cô gái trẻ này chỉ được bán với giá dưới 1,000 Mỹ kim.
Những nhà trí thức như chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng sao không viết về những mảnh đời bất hạnh đó, dù chỉ một lời chia sẻ trước nỗi đau chung của dân tộc thì vẫn có giá trị hơn ngàn lời tâng bốc giả dối.
Thế nhưng, cái bi kịch lớn nhất của đất nước Việt Nam hiện nay không phải là sự nghèo khổ mà là con người mất khả năng suy nghĩ để phân biệt thiện-ác, thật-giả, tốt-xấu, đúng-sai… Người dân bây giờ quá mệt mỏi và mất niềm tin đến mức không còn muốn suy nghĩ gì khác ngoài chuyện cơm áo hằng ngày. Người ta an phận với những gì mình đang có và chờ đợi một phép lạ xảy ra để đổi đời. Người ta tìm niềm vui mỗi ngày ở rượu bia, thuốc lá, ma túy, sex, phim Hàn Quốc, những trận bóng đá… để cho qua ngày tháng.
Chưa bao giờ đạo đức của người Việt xuống thấp đến mức thảm hại như hiện nay. Cũng chính từ cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam" cho biết : "Tranh chấp nhau một cái ve chai mà trẻ nhỏ rút dao đâm nhau chết (dao luôn để sẵn trong người) ? Về việc người trong gia đình tranh chấp nhau vài chục centimét đất hàng rào mà gia đình tan nát", (tr.63), "Có những chuyện án tận lương tâm, không còn luân thường đạo lý, mà thời gian trước không xảy ra, hiếm xảy ra, hoặc sẽ là chuyện động trời thì nay cảm giác đã trở nên bình thường, như : có những người trẻ giết hại cha mẹ, ông bà mình hoặc người khác chỉ vì mấy chục nghìn để chơi game, chỉ vì nhìn… đểu, chỉ vì thấy mặt nó khó ưa…" (tr.196).
Tác giả Lương Hoài Nam và Trần Thiện Tùng chỉ nói lên một phần nhỏ trong hàng ngàn câu chuyện đáng buồn đang xảy ra trên đất nước. Chỉ trong mấy ngày Tết, báo chí trong nước đưa tin, có hơn 35 ngàn vụ ẩu đả xảy ra trên toàn quốc, khiến cho 6500 phải nhập viện và hơn 500 người chết.
Chính vì con người mất khả năng phân biệt thiện-ác, thật-giả, tốt-xấu, đúng-sai đã dẫn đến hiện tượng giết người công khai đang diễn ra ở Việt Nam.
Việt Nam là một trong 5 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới (300,000 vụ/năm)(33). Đó là con số chính thức của chính quyền Việt Nam đưa ra, con số thật sự có thể còn hơn thế nhiều.
Bào thai không chỉ là mầm sống, mà là sinh mạng, khi chúng ta giết chết một mầm sống cũng là đang giết chết chính con người chúng ta. Tính trung bình mỗi ngày có hơn 800 đứa trẻ tại bị giết chết tại Việt Nam – một con số khủng khiếp. Tất cả các cuộc chiến trên thế giới gần đây dù khốc liệt đến mấy cũng không có số thương vong nhiều đến như thế.
Khi một người xem việc giết một sinh mạnh như giết một con gà, con vịt thì người đó có thể làm bất cứ điều gì. Khủng khiếp hơn nữa là cả chính quyền và xã hội xem đó là chuyện bình thường. Những bản quảng cao công khai và tràn lan trên đất nước đã nói lên sự mất nhân tính của con người Việt Nam hiện nay, và điều đó sẽ để lại những hậu quả khủng khiếp trong tương lai. Đó không phải là một tệ nạn xã hội mà là một tội ác, một vấn đề của lương tâm dân tộc (national consciousness).
Tại sao người Việt có thể mất nhân tính đến như thế ?
Khi nói về thực trạng đạo đức xuống cấp tại Việt Nam ngày nay, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã có nhận xét ngắn nhất và chính xác nhất :
"Tôi chỉ xin tổng kết bằng một câu, có thể rất hài hước nhưng hoàn toàn chính xác. Chúng ta cứ ngẫm nghĩ chậm rãi, từ từ chúng ta sẽ thấy nó như thế nào. Đó là hàng chục năm nay chúng ta mơ ước xây dựng thành công con người mới xã hội chủ nghĩa và khủng khiếp thay chúng ta đã thành công" (34)
"Con người mới xã hội chủ nghĩa" sẽ là một nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Việt Nam trong nhiều thập niên sắp tới.
Trách nhiệm của tầng lớp trí thức
Một người Việt Nam còn thiết tha tới vận mệnh của đất nước sẽ cảm thấy một nỗi buồn đau đáu sau khi đọc qua cuốn "Tôi tự hào là người Việt Nam" khi nghĩ đến vai trò của người trí thức. Đọc lại lịch sử mới thấy, trong 60 năm qua, tất cả những tội ác và những hành vi phản bội dân tộc của đảng cộng sản Việt Nam đều có bàn tay góp sức của tầng lớp trí thức.
Nông dân tẩm thuốc độc vào thức ăn, rau cải chỉ vì họ thiếu hiểu biết và nghèo khổ, nhưng người trí thức, cấu kết với chính quyền, tẩm thuốc độc vào đầu óc người dân nhẹ dạ bằng những lời giả dối và những niềm tự hào không có thật, thì đáng khinh bỉ hơn nhiều.
Cùng đứng trước những thử thách của thời đại, những khúc quanh của lịch sử, trí thức Nhật và trí thức Việt có thái độ hoàn toàn khác nhau. Trí thức Nhật luôn tự nhận mình là đầu tàu, là xương sống của đất nước, là thành phần chủ lực chịu trách nhiệm cho sự thịnh suy của quốc gia, họ được sinh ra để hoàn thành sứ mệnh được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác : "Đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dân cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt của người Tây Phương"(35)
Chỉ vài tiếng đại bác của thuyền trưởng Mathew Perry bắn vào cảng Edo vào tháng 7/1853, đã làm cho trí thức Nhật Bản thức tỉnh – ngay sau đó kẻ đi Đông người đi Tây, kẻ đi chính thức người trốn lậu lên tàu, tất cả đều mang chung một mục đích là ra ngoại quốc học hỏi những văn minh tiến bộ để mang về canh tân đất nước. Trăm người như một, từ vua đến quan, từ trí thức cho đến bình dân, tất cả dồn hết mọi tâm huyết nỗ lực để làm sao không hổ thẹn là con cháu của Thần Dương Thái Nữ.
Chính vì thế mà chỉ 2 năm sau khi Thuyền Trưởng Perry trở lại nước Nhật như lời hứa, thì hoàn cảnh nước Nhật đã hoàn toàn thay đổi. Người Nhật đã chứng tỏ cho Tây Phương thấy là họ không bao giờ chấp nhận thân phận nô lệ và họ có khả năng canh tân đất nước lên ngang hàng với các nước Tây Phương.
Thật ra hoàn cảnh của nước Nhật sau Đệ Nhị Thế Chiến cũng chưa bi đát bằng đất nước Việt Nam hôm nay.
Giữa đống tro tàn của kẻ bại trận vẫn tiềm ẩn những những tia sáng của niềm hy vọng. Vật chất bị tàn phá nhưng ý chí, đạo đức con người vẫn còn. Trong hoàn cảnh đó, người lãnh đạo của họ không ảo tưởng, không kêu gọi người Nhật ngẩng đầu trong chiến bại, mà kêu gọi thần dân hãy quên đi niềm tự hào dân tộc : "phải chịu đựng những gì mà chúng ta không thể chịu đựng nổi" (36) để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho các thế hệ mai sau.
Chính tinh thần trách nhiệm, thái độ nhẫn nhục chịu đựng và ý chí vươn lên của dân tộc Nhật Bản đã làm cho những người Mỹ như danh tướng MacArthur, Tiến sĩ Edward Deming, Joseph Juran nể phục và cả ba người này đã đem hết lòng ra giúp người Nhật tái thiết đất nước.
Còn đất nước Việt Nam hiện nay, trong những lời huênh hoang của kẻ chiến thắng, những ánh đèn loe lói của cảnh hưởng thụ, những công trình to lớn, những biệt thự lộng lẫy… tiềm ẩn hiểm họa vong thân, mất nước đang chờ đợi phía trước.
Người Việt có thật thông minh và đáng nể như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nói không ?
Cho dù sống trong môi trường thuận lợi nhất như Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức… người Việt chưa bao giờ chứng tỏ là một sắc dân rất thông minh và có sức mạnh tập thể.
Ít hiểu biết về người Tây Phương mới cho rằng người Việt giỏi, nhưng khi càng sống lâu với họ và hiểu biết về thế giới của họ nhiều hơn thì người Việt càng thêm dè dặt khi nói về niềm tự hào dân tộc.
Người Việt có tinh thần hiếu học, tỉ lệ người có bằng đại học rất cao, một số người làm kinh doanh thành công. Nhưng tất cả những yếu tố đó không nói lên sự thành công của người Việt. Sức mạnh của một dân tộc hay một tập thể không phải bao gồm nhiều cá nhân giỏi mà là khả năng kết hợp lại để tạo thành sức mạnh. Người Việt Nam dù sống trong hay ngoài nước chưa bao giờ làm được điều đó.
Bệnh đố kỵ và chia rẽ đã ăn sâu trong máu xương, làm cho người Việt Nam chỉ làm được việc nhỏ mà không làm được việc lớn.
Lập luận của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sinh viên Việt Nam rất thông minh, đạt điểm rất cao ở bậc đại học – hoàn toàn vô căn cứ. Nếu vậy người Việt Nam phải có nhiều học giả, nhiều khoa học gia nổi tiếng, ít nhất phải được vài giải thưởng Nobel hay những phát minh hữu ích cho nhân loại. Chỉ thấy tiến sĩ Hùng nêu ra được một phát minh cướp công của người khác "Người Việt Nam phát minh ra máy AMT".
Trong môi trường đại học, sinh viên Việt Nam chỉ thuộc hạng trung bình so với tất cả những sắc dân khác. Sau khi ra trường, càng về lâu về dài, sinh viên Việt Nam càng thụt lùi so với sinh viên Tây Phương và phần lớn chỉ lo kiếm tiền, ít phiêu lưu và ít khi đi làm từ thiện ở những xứ nghèo.
Những yếu kém trên cũng là điều dễ hiểu. Người Tây Phương có nền văn minh cao hơn chúng ta rất xa. Họ không phải chỉ hơn chúng ta ở phương diện khoa học kỹ thuật, mà còn ở phương diện tư tưởng, tinh thần. Thời Đại Khai Sáng (Age of Enlightenment) bắt đầu ở Âu Châu từ thế kỷ 18, thể hiện rõ nét nhất qua tiểu luận "Khai Sáng là gì ?" (What is Enlightment ?) của triết gia người Đức Immanuel Kant xuất bản năm 1784 và tinh thần khai sáng đó được phát triển liên tục từ đó đến nay. Trong lúc đó, trong gần 400 năm qua, từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627), Việt Nam chìm đắm trong chiến tranh, loạn lạc, phong kiến, độc tài… và cho đến nay Việt Nam vẫn là một dân tộc chưa được khai sáng đúng như ý nghĩa của nó.
Về những đóng góp cho thế giới, dân tộc Việt Nam còn một món nợ rất lớn đối với nhân loại. Chúng ta đã thừa hưởng rất nhiều những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, tư tưởng, hội họa… nhưng chưa có một đóng góp gì đáng kể.
Chỉ có thừa hưởng mà không có đóng góp vào tài sản chung của nhân loại thì khó có thể nói dân tộc đó xứng đáng để tự hào trước cộng đồng thế giới.
Khi nói về tự hào đối với thế giới, người Việt Nam chỉ nêu được những thành tích chém giết như "thắng Pháp, thắng Mỹ", "thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp", "nhà cách mạnh Hồ Chí Minh"… biến Việt Nam trở thành dị hợm trong thế giới văn minh ngày nay. Tại sao người Việt không nêu ra được những niềm tự hào văn minh hơn, nhân bản hơn, hay bằng những chứng cớ cụ thể như xe hơi Nhật, máy móc Đức, đồ điện tử Nam Hàn, đồng hồ Thụy Sĩ, mỹ phẩm Pháp, thời trang Ý, IT Mỹ… Muốn trở thành một quốc gia văn minh tiến bộ thì trước hết người Việt Nam phải quên đi những những niềm tự hào sắt máu, giả tạo và tập sống như những con người bao dung, hào hiệp, ngay thẳng, tử tế.
Và có nên tự hào không, khi đã bước vào thế kỷ 21 hơn một thập niên mà người Việt Nam vẫn chưa được hưởng những quyền tự do căn bản. Khi một dân tộc chấp nhận từ bỏ tư duy để sống như đàn cừu thì dân tộc đó chỉ là những thân phận nô lệ.
Điều đáng nói hơn nữa là dân tộc Việt Nam chấp nhận làm nô lệ từ hơn 60 năm qua mà không dám đứng lên đòi lại quyền làm người. Ngay cả một dân tộc từng được xem là loạn lạc, nghèo khổ, kém văn minh nhất Phi Châu như Sierra Leone ngày nay vẫn khá hơn Việt Nam nhiều, đã có bầu cử tự do và bắt đầu hình thành một chính quyền dân chủ(37).
Nói tóm lại, khi đất nước không còn thuộc về dân, khi con người chưa sống với đúng những giá trị mà Tạo Hóa ban cho : "Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" thì dân tộc đó không có lý do gì chính đáng để nói về "niềm tự hào dân tộc".
Ngẫm nghĩ kỹ mới thấy tác hại của cái ngu thật khủng khiếp như lời cảnh báo của nhà văn người Mỹ, Robert Heinlein : "Đừng bao giờ đánh giá thấp quyền lực của sự ngu dốt" (Never underestimate the power of human stupidity). Khủng khiếp hơn nữa là ngu mà không biết mình ngu. Chính cái ngu đã làm cho con người mất khả năng suy nghĩ để tin vào những lời dối trá, chọn một chủ nghĩa ngu dân lãnh đạo và trở thành nạn nhân của chính chủ nghĩa đó.
Nguyên nhân "cũng bởi thằng dân ngu quá lợn" (38) cho nên chính quyền mới đè đầu cỡi cổ được lâu như thế.
Trong cuốn "Tự Phán" để ghi lại những kinh nghiệm của đời mình trước khi qua đời, cụ Phan Bội Châu cũng nhắc đến ít nhất là 5 cái ngu của người Việt, trong đó có cái ngu vọng tưởng : "Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bê những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai" (39).
Cụ Phan Chu Trinh đem hết tâm huyết của đời mình để mong dân tộc Việt Nam được khai hóa. Theo cụ chúng ta mất nước chủ yếu không phải do ngoại bang mà do từ cái ngu mà ra. Trong ba hoài bão mà cụ theo đuổi cả đời : Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, thì mục tiêu "khai dân trí" được xếp lên hàng đầu. Và đúng như lời nhận xét của ông Hà Sĩ Phu : "Sinh thời, bao giờ Phan Châu Trinh cũng rất yêu mến bạn bè và dân chúng, thế mà rất nhiều lần cụ phải nhắc đến chữ "ngu", như nhắc đến một kẻ thù nguy hiểm, không thể coi thường. Chính cụ cũng lấy chữ ngu ra để tự răn mình" (40).
Chỉ tiếc cho những người như cụ Phan, hy sinh cả đời mong cho dân trí người Việt được cao hơn, rồi từ đó tìm cách thoát ra khỏi thân phận nô lệ, cuối cùng bao nhiêu tâm huyết như muối đổ biển. Một thế kỷ đã trôi qua nhưng những hoài bão của cụ đối với dân tộc cho đến nay vẫn chỉ là những ước mơ !!!
Phạm Hoài Nam
Sydney, 25/03/2015
Hiệu đính 05/02/2017
Ghi chú :
(1) Hội những người là học trò của Thầy Nguyễn Mạnh Hùng
https://www.facebook.com/nguyenmanhhungthb
(2) "Tôi tự hào là người Việt Nam", Lao Động
http://laodong.com.vn/xa-hoi/toi-tu-hao-la-nguoi-viet-nam-238576.bld
(3) "Con ngựa già của Chúa Trịnh", Phùng Cung http://music.vietfun.com/trview.php ?ID=8429&cat=13
(4) Chuyển tử tế
https://www.youtube.com/watch ?v=X36Omts1K50
(5) Bệnh tự hào dân tộc của người Nga
Natalja Kljutcharjova, Phạm Thị Hoài dịch
http://www.procontra.asia/ ?p=4182
(6) Bài diễn văn nổi tiếng của Putin 18/03/2014
https://vi-vn.facebook.com/notes/ti%E1%BB%83u-phi/b%C3%A0i-di%E1%BB%85n-v%C4%83n-n%E1%BB%95i-ti%E1%BA%BFng-c%E1%BB%A7a-putin-18032014-12-trang-r%E1%BA%A5t-%C4%91%C3%A1ng-%C4%91%E1%BB%8Dc-l%C6%B0%E1%BB%A3c-d%E1%BB%8Bch-ti%E1%BB%83u-p/641679135880633
(7) Giấc mơ Trung Quốc : http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A5c_m%E1%BB%99ng_Trung_Qu%E1%BB%91c
(8) "Đọc Giấc mơ Trung Hoa"
Tia Sáng http://tiasang.com.vn/Default.aspx ?tabid=116&News=4113&CategoryID=42 có biến thành ác mộng ?"
(9) ‘Giấc mơ Trung Hoa’ có biến thành ác mộng ?
Tiền Phong : http://www.tienphong.vn/the-gioi/giac-mo-trung-hoa-co-bien-thanh-ac-mong-638877.tpo
(10) http://laodong.com.vn/kinh-doanh/nhung-dieu-it-biet-ve-nguoi-goc-viet-phat-minh-ra-may-atm-239449.bld
(11) (Automated Teller Machine – History : http://en.wikipedia.org/wiki/Automated_teller_machine#History)
(12) Đỗ Đức Cường
(http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%97_%C4%90%E1%BB%A9c_C%C6%B0%E1%BB%9Dng)
(13) Khen quá lố, không nên !, Bùi Tín, 08/03/2015 http://www.voatiengviet.com/content/tuong-giap-03-13-2010-87577032/851267.html
(14) Bàn về 10 vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại
http://lichsuvn.net/forum/showthread.php ?t=1185&page=3
(15) These ten charts show the black-white economic gap hasn’t budged in 50 years – Washington Post, August 28, 2013
(http://www.washingtonpost.com/blogs/wonkblog/wp/2013/08/28/these-seven-charts-show-the-black-white-economic-gap-hasnt-budged-in-50-years/)
(16) Giải cứu sáu cô gái Việt Nam ‘bị bóc lột tình dục’ ở Ghana
(http://m.voatiengviet.com/a/giai-cuu-sau-co-gai-viet-nam-bi-boc-lot-tinh-duc-o-ghana/1874745.html)
(17) http://en.wikipedia.org/wiki/Expo_2010_pavilions#United_States
(18) "Ấn tượng người Việt, người Hoa ở Thượng Hải" BBC tiếng Việt
http://www.bbc.co.uk/blogs/legacy/vietnamese/2010/05/n-tng-thng-hi.html
(19) Nhà văn Vũ Hạnh : Người ẩn danh sôi nổi - HỒNG MINH, Nhân Dân, 24/4/2010
(http://www.baomoi.com/Nha-van-Vu-Hanh-Nguoi-an-danh-soi-noi/152/4175975.epi)
(20) Những người con của Danh tướng Võ Nguyên Giáp
(http://molang0205.blogspot.com.au/2013/10/nhung-ua-con-cua-danh-tuong-vo-nguyen.html)
(21) Trịnh Văn Bô – Wikipedia
(http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh_V%C4%83n_B%C3%B4)
(22) Bên thắng cuộc – Huy Đức, trang 204-206
(23) Lợi tức bình quân trên đầu người (GDP per capital)
(http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_%28nominal%29_per_capita)
(24) Giai đoạn 1955-1975 : xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước
http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchinhsachthanhtuu ?categoryId=797&articleId=10001575
(25) Bí ẩn Nguyễn Hữu Thái Hòa : Giấc mơ từ một đôi giầy đến Giám đốc chiến lược FPT
(26) Từ bỏ quốc tịch, Alan Phan
http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/quc-tch.html
(27) Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến :
http://www.danchimviet.info/archives/72666/tu-nhat-ban-hau-chien-den-viet-nam-hau-chien-1/2013/01
(28) "Tôi tự hào là người Việt Nam", Lao Động
http://laodong.com.vn/xa-hoi/toi-tu-hao-la-nguoi-viet-nam-238576.bld
(29) The Good Country Index
http://www.goodcountry.org/overall
(30) Thủ tướng : ‘Việt Nam vẫn là nước nghèo’
Việt NamExpress, http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/thu-tuong-viet-nam-van-la-nuoc-ngheo-2712178.html
(31) Chấp nhận đau đớn để chống tham nhũng thành công, Tuổi Trẻ, http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20120625/chap-nhan-dau-don-de-chong-tham-nhung-thanh-cong/498582.html
(32) Aussie hero saving trafficked Vietnamese kids sold as sex slaves
http://www.news.com.au/world/asia/aussie-hero-saving-trafficked-vietnamese-kids-sold-as-sex-slaves/story-fnh81fz8-1227273540499
(33) 300.000 ca/năm, tỉ lệ phá thai của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, Tuổi Trẻ online
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20130711/300000-canam-ti-le-pha-thai-cua-vn-cao-nhat-dong-nam-a/558619.html
(34) Sự khác nhau trong văn hóa ứng xử giữa Sài Gòn và Hà Nội
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/culture-behaviour-between-hn-n-sg-ml-07182014135804.html
(35) Khuyến học, Fukuzawa.
(36) Bài diễn văn của Nhật Hoàng Hirority tuyên bố đầu hàng
(37) "Người nông dân xứ Sierra Leone và trí thức nước CHXHCN Việt Nam", Trần Trung Đạo).
http://danlambaovn.blogspot.com.au/2014/03/nguoi-nong-dan-xu-sierra-leone-va-tri.html
(38) Thơ Tản Đà
(39) Từ chuyện Nhật tố thói xấu Việt, xem lại "Tự phán", (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/167780/tu-chuyen-nhat-to-thoi-xau-viet--xem-lai--tu-phan-.html)
(40) Nhân vật lịch sử Phan Châu Trinh và những bài học cho hôm nay, Hà Sĩ Phu
http://www.hasiphu.com/baivietmoi_130.html
***************
Buổi tọa đàm có chủ đề "Tôi tự hào là người Việt Nam" tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/8/2014. Courtesy LĐ
Cuộc tọa đàm có chủ đề "Tôi tự hào là người Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mở đầu cho chuỗi hoạt động của dự án cùng tên trong đó có cuốn sách của 33 người viết do công ty Thái Hà Book xuất bản nhằm cổ xúy cho tinh thần tự hào là người Việt cũng như lan tỏa tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc thông qua những hoạt động cụ thể và thiết thực.
Cuộc tọa đàm được đông đảo người trẻ tới nghe và nhiều ý kiến đồng tình cũng như nghi ngờ chung quanh đề tài này đã xuất hiện trên mạng lưới truyền thông. Người quan tâm cho rằng đây là cơ hội tốt để chia sẻ những tư tưởng khác biệt trong cùng một chủ đề và từ những chia sẻ ấy có thể tìm đến một mẫu số chung về hai chữ "tự hào".
"Tôi tự hào là người Việt Nam" là một mệnh đề khẳng định, nó mở ra rất nhiều câu hỏi và không ít người khi bị hỏi ngược trở lại đã ngay lập tức phản ứng vì cảm thấy bị xúc phạm, cứ như là người hỏi có vấn đề về tâm thế, không chấp nhận Việt Nam là một quê hương đáng để tự hào.
Việt Nam đối với người Việt giống như máu thịt là điều hiển nhiên không ai có thể chối cãi. Cho dù máu thịt ấy có ra sao thì những người từ đó bước ra cũng ngày đêm nghĩ tới. Tuy nhiên giữa đất nước và con người là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau. Đất nước được thành hình do hàng triệu con người qua nhiều thời đại cùng xây đắp, bảo vệ và bồi dưỡng. Mỗi công dân Việt Nam chỉ là từng cá thể, và mỗi cá thể lại có tính cách, hành động, vị trí và giai cấp khác nhau. Đã khác nhau thì không thể ôm ấp chung hai chữ "tự hào" một cách tập thể, đầy quán tính.
Mọi người ai cũng tự hào chung bởi là công dân Việt Nam thì sự tự hào ấy sẽ rất hạn chế trong một khu vực hạn hẹp, có khi chỉ tự hào trên lưng lịch sử, vốn oằn mình vì những bất toàn ngay trong chính dân tộc của mình. Niềm tự hào trong thế giới phẳng ngày nay là những gì mà nước khác, dân tộc khác nhìn thấy và nghĩ về con người và đất nước ấy. Sự tự hào chỉ nảy sinh khi thế giới lên tiếng ca tụng hay tôn vinh tính chất cao đẹp của một dân tộc mà văn hóa, tập quán, lòng tự trọng, tình yêu đồng loại cũng như phục vụ cộng đồng đã thuyết phục được nước khác, người khác hay châu lục khác.
Những tính cách ấy không phải cứ tuyên truyền, vận động hoặc tự hào suông mà được. Chúng cần ăn sâu, bám rễ vào từng cá nhân để dần dần lan tỏa vào cộng đồng, xã hội và cuối cùng là cả quốc gia, khi ấy nếu không muốn thì người dân nước ấy cũng nghiễm nhiên có một niềm tự hào không cần cổ vũ hay nhắc nhở.
Bài học từ nước Nhật cho cả thế giới thấy rằng dân tộc này tuy gần như sụp đổ sau hai trái bom nguyên tử của Mỹ nhưng họ đã đứng dậy, bước đi và hơn thế, dạy cho hàng trăm dân tộc khác đứng lên bằng sự tự trọng của từng người Nhật. Đất nước ấy tuy không lớn như Trung Quốc và giàu có thua Mỹ, nhưng hai đại cường này chưa hề dám một lần xúc phạm tinh thần yêu nước, thương dân của họ.
Tinh thần tự trọng của người Nhật ăn sâu vào ngay cả với một em bé, sẵn sàng chịu đứng co ro đói lả để xếp hàng nhận hàng cứu trợ sau trận sóng thần hơn là nhận ưu tiên để người khác phải chịu thiệt thòi. Lòng tự hào nào lớn hơn tính cách tự trọng tuyệt đối ấy ?
Phát biểu về chủ đề "Tôi tự hào là người Việt Nam" Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp nói rằng chủ đề này cần trở thành một cú hích, tác động vào mỗi cá nhân, để thế giới ngưỡng mộ chúng ta hơn".
Đây quả là một phát biểu khó hiểu. Nếu "tự hào" để thế giới ngưỡng mộ thì khủng bố IS hiện nay đáng để thế giới ngưỡng mộ biết bao nhiêu. Có điều thay vì ngưỡng mộ chúng thì cả thế giới đang truy sát chúng như những kẻ sát nhân cuồng bạo.
Cú hích mà ông Lê Doãn Hợp nói không biết có phải nhằm nhắc lại lịch sử thắng hai đế quốc đầu sỏ hay không hay còn ý nào khác nữa. Nếu chỉ lập lại một niềm tự hào này thì hình như chỉ có phân nửa nước Việt Nam tự hào mà thôi vì phân nửa còn lại nếu không theo Mỹ thì cũng thân Pháp, khó thuyết phục họ lấy chiến thắng của người khác làm niềm tự hào cho mình.
Nếu niềm "tự hào" phát xuất từ nhân cách của mỗi công dân như đất nước Nhật đang có thì không biết Việt Nam chúng ta có thật đáng tự hào hay không ?
Chỉ cần nhìn qua là thấy, ở trong nước thì vụ hôi bia tại Đồng Nai, dẫm đạp lên nhau trong các lễ hội, phá tan hoang hoa xuân và tự tiện mang hoa về nhà tại Hà Nội…còn ra bên ngoài thì trộm cắp khi du lịch, công tác nước ngoài. Ăn uống một cách bất nhã và phí phạm trong các nhà hàng buffet. Lớn tiếng, không giữ vệ sinh chung không xếp hàng nơi công cộng…cùng hằng trăm tính cách tiêu cực khác.
Một độc giả của báo Lao Động cho ý kiến về cuộc vận động này, đặc biệt qua câu xác định "Tôi tự hào là người Việt Nam". Người có tên Hiền Trần cho biết :
"Trong trường hợp tích cực thì ai cũng trả lời là có. Nhưng có những tình huống mà không biết phải trả lời sao. Ví dụ ở nước ngoài khi bắt được một nhóm ăn cắp vặt là người Việt, lúc đó mà có sự hiện diện của bạn và bạn được ai đó hỏi câu này thì xem ra không dễ để trả lời có hay không ! Ở Nga, an ninh biên phòng thường áp dụng cách đối xử với công dân Việt Nam rất thiếu bình đẳng và miệt thị. Tôi đã có lần đi cùng một số người bạn nước ngoài trên một chuyến bay từ Trung Quốc đến Nga trong khi những người bạn kia làm thủ tục nhập cảnh rất nhanh còn tôi thì bị họ cho đứng "nhai dây thun" hàng giờ".
Giáo sư Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn Văn hóa học Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Khoa xã hội nhân văn nhận xét về thói trộm cắp cũng như các thói xấu khác khi người Việt có dịp ra nước ngoài ông nói :
"Khi mà giao lưu văn hóa khiến cho người Việt Nam bớt e ngại đi ra nước ngoài nhiều hơn. Kinh tế người ta cũng khá lên để có thể chủ động đi du lịch thì bắt đầu có vấn đề. Bởi vì người ta mang theo hành trang là một số vốn văn hóa truyền thống, văn hóa ấy thích hợp cho trạng thái tĩnh tại, trạng thái ổn định khi con người quen biết nhau.
Bây giờ mang theo những thói quen đó ra bên ngoài, tức là di chuyển, đi đến những xã hội mà truyền thống của họ rất khác của ta. Xã hội của họ vốn năng động, luôn di chuyển thì nó không còn thích hợp nữa và vì vậy những mặt trái lộ ra hết. Bởi vì cuộc sống đầy dẫy khó khăn cho nên người ta phải linh hoạt, người ta phải khôn khéo.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh tại Buổi tọa đàm có chủ đề "Tôi tự hào là người Việt Nam" ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/8/2014. Courtesy LĐ. Photo : RFA
Trong cuộc sống làng xã thì sự khôn khéo đó nó không phát huy được hết bởi vì văn hóa làng xã nó quản lý con người rất chặt. Người Việt vốn âm tính cho nên thường nghĩ một đằng nói một nẻo nhưng trong phạm vi làng xã thì chỉ nói khéo để vừa lòng người khác thôi chứ không gây hại gì cả.
Ngày nay khi người ta đi ra khỏi làng xã đi ra đô thị, đi ra thành phố đi ra nước ngoài khi nói xong thì họ không chịu trách nhiệm về lời nói của mình và người nghe đối với họ có quan hệ rất mờ nhạt, lỏng lẻo cho nên họ có thể dối trá hơn trước. Họ có thể ăn trộm vặt. Ngày xưa ăn trộm trong làng xã thì bị bắt, bị xử còn bây giờ khi ra ngoài đường họ nghĩ rằng người ta không biết họ là ai và như thế thì có thể ăn trộm được.
Có những người trí thức hay có cương vị nhất định hẳn hoi khi ra nước ngoài khi vào siêu thị vẫn cứ lấy đồ người ta đút vào túi, ai ngờ nó có camera nó quay hết cả.
Tương tự những câu chuyện như vậy tôi cho rằng đó là do xung đột văn hóa, do người Việt chưa chuẩn bị hành trang văn hóa để mà bước vào cuộc sống đô thị hóa, công nghiệp hóa và cuộc sống giao lưu quốc tế".
Bà Trần Thị Thanh Thanh - nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - nói với báo chí : "Cuốn sách này (Tôi tự hào là người Việt Nam) cũng như những dự án sắp tới là cơ hội khơi dậy sức mạnh dân tộc, khơi dậy những giá trị tiềm năng trong mỗi con người, để chúng ta có niềm tin bước tiếp trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc".
Ý kiến của bà Thanh là một dạng ru ngủ trẻ em cố hữu. Trong khi tiềm năng của mỗi con người không ai biết là gì và hình dạng nó ra sao thì làm sao mà khơi cho nó dậy ? Tiềm năng ấy chỉ có thể bộc lộ đúng khi gặp môi trường thuận tiện để phát triển và sự phát triển ấy cũng phải cần thời gian và các yếu tố khác.
Việt Nam không hề có chiến lược phát triển và bồi dưỡng nhân tài cũng như không để ý tới những tiếng nói phản biện đóng góp cho chính sách thì mong gì sự khơi dậy cho một mục tiêu trừu tượng ?
Một độc giả tên Vương Đại gửi ý kiến vào báo Lao động có nội dung như sau :
"Là người sống ở Lào nhiêu năm, ngày đầu tôi cứ nghĩ tôi "tự hào" là người Việt Nam nhưng sau đó mới ngớ ra. Người Lào không muốn dạy con cái kiểu người Việt vì : ồn ào nơi công cộng, hút thuốc là trong phòng máy lạnh và sẵn sàng đập nhau tại quán bia là biểu hiện của một số dân lao động đi xây bên Lào... Trả lời thế nào cho đúng bản chất của câu hỏi và đúng ở địa điểm nào đây ?".
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một khuôn mặt nổi tiếng tại Việt Nam đối với người trẻ bởi các hoạt động trong lĩnh vực có nhiều cơ hội giao tiếp với nước ngoài. Bà tham dự cuộc hội thảo với tiền đề giúp cho bạn trẻ tham dự thấy được câu xác định "Tôi tự hào là người Việt Nam" cần phải xem xét lại trước khi bàn luận. Bà cho rằng để có thể tự hào là người Việt Nam, câu hỏi cơ bản trước tiên cần trả lời là "Chúng ta là ai ? Tôi là ai ? Như thế nào là người Việt Nam ? Bởi mình phải biết mình là ai thì mới mới có thể tự hào được. Còn nhắm mắt mà tự hào thì thật nguy hiểm".
Chừng như để trả lời cho câu hỏi của bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Nguyễn Thị Liên một người dân nam bộ, suốt đời cày bừa trên thửa ruộng của mình đã thẳng thắn nhìn nhận, bà không và chưa bao giờ tự hào là người Việt Nam cả, cho dù nhà nước có vận động thế nào chăng nữa, nói với chúng tôi bà Liên cho biết :
"Không ! Từ xưa tới giờ tui không tự hào. Tôi không tự hào vì lời nói không đi đôi với việc làm thành ra người ta nói là quyền của người ta còn tự hào thì tôi không tự hào tại vì tui quá khổ tui không tự hào được. Tui thấy những người chung quanh tui họ còn khổ tui không thể chịu nỗi nhưng tui cũng đau lòng".
80 phần trăm người Việt là nông dân. Một số lớn trong cái 80 phần trăm ấy đang sống trên mức nghèo khổ, thử hỏi làm sao họ có thể tự hào là người Việt Nam nếu đứng kề một nông dân khác như người Lào người Thái hay Campuchia, những nông dân như họ nhưng nếp sống dễ thở hơn ngay cả trong suy nghĩ và phát biểu cũng không ai bị gò bó vào khuôn phép.
"Tự hào" là một trạng thái phản ứng có điều kiện. Khi làm được điều tốt cho bản thân hay cho xã hội người ta mới tự cảm thấy tự hào. Trong khi vẫn còn ngái ngủ và tâm trạng chưa ra khỏi manh chiếu của đêm dài lo lắng cho bữa cơm ngày mai mà cảm thấy tự hào khi bị người khác vận động, nhắc nhở, đem khẩu hiệu của họ gắn vào môi thì niềm tự hào ấy chỉ là giả dối và "ăn theo" một cách thảm hại.
Hãy là người Việt Nam tử tế trước khi mang bất cứ danh hiệu nào để gán trên ngực, nhất là những danh hiệu chỉ có giá trị ảo, cốt che mắt thế giới hầu đổi lại vinh quang giả tưởng, u mê bản thân tuổi trẻ và đánh bóng xã hội vốn đang cật lực chạy theo phù phiếm và miếng ăn khó nhọc hàng ngày.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA