Số lượng những người còn cảm thấy "cực kỳ tự hào" là công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy sự sụt giảm lòng yêu nước của người dân Mỹ
Người dân New York xem bắn pháo hoa trên Tòa nhà Empire State Building nhân ngày lễ Độc Lập 4/7/2021. Khào sát gần đây cho thấy số người 'cựu kỳ tự hào' là công dân Mỹ xuống mức thấp kỷ lục.
Nước Mỹ trong những tuần gần đây bị chia rẽ sâu sắc trước các phán quyết từ Tòa án Tối cao về quyền nạo phá thai, quyền sở hữu súng trong bối cảnh các cuộc chiến chính trị gay gắt về di dân, quyền người đồng tính LGBTQ và sự điều hành nền kinh tế. Nhưng có một điều ít nhất hầu hết người Mỹ đều nhất trí là đất nước "đang đi lệch hướng".
Một cuộcthăm dò của AP-NORC công bố gần đây cho thấy đại đa số người Mỹ bi quan về tình hình đất nước. Và trong khi đa số người theo đảng Cộng hòa tin như vậy kể từ khi Tổng thống Joe Biden đắc cử, số lượng người theo đảng Dân chủ, từng có thái độ lạc quan về tình hình đất nước, giờ đây cũng có quan điểm tương đồng ngày càng tăng (78%).
Bà Kim Fellner, một người theo đảng Dân chủ, cho biết bà cảm thấy chán nản về những gì đã xảy ra, đặc biệt sau phán quyết của Tòa án Tối cao lật ngược án lệ Roe v Wade đã tồn tại trong nửa thế kỷ qua về quyền phá thai của phụ nữ.
"Chúng ta nhận thấy rằng Tòa án Tối cao đang đi vào một đường lối, mà theo quan điểm của tôi, là nguy hiểm", bà Fellner, người từng là một nhà tổ chức công đoàn và hiện đang viết văn tự do sinh sống ở Washington DC, nói. "Đất nước đã thay đổi lớn trong vòng 50 năm qua, trong số đó là sự tiến hóa của quyền LGBTQ (người đồng tính), quyền của phụ nữ, những đối thoại về công bằng chủng tộc. Nhưng cái mà chúng ta đang thấy giờ đây giống như là chúng ta đang trong một cuộc nội chiến lần nữa".
Cuộc khảo sát của AP-NORC, được tiến hành từ 23-27 tháng 6, chỉ ra rằng quan điểm của người dân Mỹ về đường hướng của đất nước được phản ánh trong mức độ ủng hộ thấp dành cho Tổng thống Biden.
Tỷ lệ ủng hộ giành cho ông Biden vẫn ở mức 39%, theo cuộc khảo sát được tiến hành trong thời gian Quốc hội Mỹ thông qua dự luật bạo lực súng đạn có quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ hôm 24/6 và được tổng thống ký vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, quan điểm của công chúng về việc xử lý chính sách kiểm soát súng của ông Biden tương tự như vào tháng 1 năm nay, tức phần lớn cho là kém.
Sự không hài lòng với cách tổng thống đang điều hành nền kinh tế ngày càng gia tăng, khi lạm phát tiếp tục tăng cao. Quan điểm bi quan của người Mỹ về đường hướng của đất nước cũng phản ánh trong cách họ nhìn nền kinh tế khi 79% người dân cho rằng nền kinh tế của đất nước ở trong tình trạng tồi tệ, khi ngày càng nhiều người thuộc đảng Dân chủ có cái nhìn bi quan.
Tuy nhiên, ông Vũ Bảo Kỳ, một chuyên viên về kinh tế-tài chính của Fortright Partners ở Georgia, cho rằng Tổng thống Biden không phải là người đáng bị đổ lỗi cho tình trạng kinh tế tồi tệ hiện nay.
"Đây là hậu quả của những chính sách không được hoàn thành từ lúc đầu vì theo tôi nếu chính quyền ông (Donald) Trump mà thúc đẩy để mọi người đeo khẩu trang, là một ví dụ cụ thể nhất, thì lúc đó kinh tế chúng ta đã không cần đóng cửa ngay lập tức như đã xảy ra sau đó… và ngân hàng Trung ương đã không cần phải in ra bao nhiêu tiền – 3-4 nghìn tỷ – tạo ra lạm phát cao", ông Bảo Kỳ nói.
Lạm phát ở Mỹ tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua với chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6% so với năm trước đó, với nguyên nhân chính được cho là hệ quả của các gói cứu trợ do chính phủ tung ra trong đại dịch cộng với sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì COVID và chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Tự hào dân tộc xuống thấp
Trái với số lượng người dân tăng cao bi quan về nền kinh tế, số người Mỹ cảm thấy cực kỳ tự hào là công dân Hoa Kỳ lại giảm mạnh, xuống đến mức thấp kỷ lục 38%, theo mộtkhảo sát gần đây của Gallup. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Gallup bắt đầu tiến hành khảo sát từ năm 2001.
Công ty tư vấn và phân tích hàng đầu của Mỹ có trụ sở ở Washington DC cho biết kết quả được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang trong giai đoạn đầy thách thức, khi công chúng mệt mỏi vì đại dịch kéo dài hơn 2 năm qua cùng tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hơn 4 thập kỷ và một loạt các vụ xả súng từ Buffalo ở New York tới Uvalde ở Texas. Cuộc thăm dò được tiến hành trước cả khi có các phán quyết của Tòa án Tối cao về kiểm soát súng đạn và nạo phá thai – những quyết định, mà theo Gallup, đều đã gây ra những dư luận trái chiều.
Bà Fellner cho biết bà không còn cảm thấy lòng tự hào dân tộc như bà đã từng có cho nước Mỹ trước đây.
"Đêm của năm 2008 khi ông (Barack) Obama lần đầu được bầu làm tổng thống, tôi nghĩ đó có thể là lúc tôi cảm thấy thực sự tự hào (là công dân Mỹ)", bà Fellner nói khi nhắc lại thời điểm ông Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ và sau đó được bầu tiếp cho nhiệm kỳ thứ 2. "Tôi cảm thấy điều gì đó, mà tôi từng cho là không có thể xảy ra, đã thực sự đã xảy ra ở đất nước này".
Giờ đây, theo bà Fellner, những chiến thắng như vậy đang bị những người ở phía đối lập đẩy lùi, với những nỗ lực làm nước Mỹ đi chệnh hướng tự do dân chủ và nhân quyền, bằng những phán quyết như của Tòa án Tối cao gần đây khi lật ngược án lệ Roe v Wade vốn bảo vệ quyền nạo phá thai của phụ nữ.
Cũng như bà Fellner, ông Bảo Kỳ, một cựu di dân Chiến tranh Việt Nam, từng có giây phút vô cùng tự hào khi trở thành công dân Mỹ vào năm 1984 và giờ đây cũng có cái nhìn chán nản về sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ.
Từng có 30 năm theo đảng Cộng hòa và từng làm việc trong ủy ban cố vấn của Tổng thống George W. Bush về người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương, ông Bảo Kỳ cho biết ông đã có sự thay đổi suy nghĩ trong 5 năm trở lại đây khi thấy hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không thể cùng làm việc với nhau vì lợi ích của quốc gia như trước đây, với các ví dụ mà ông đưa ra về sự hợp tác giữa hai đảng của các chính quyền trước như Ronald Reagan hay George W. Bush.
Sự "cực kỳ" tự hào dân tộc của người dân Mỹ đã trên đà đi xuống kể từ năm 2015 khi đánh giá của Gallup cho thấy số lượng người Mỹ nói lòng tự hào dân tộc của họ ở mức cao nhất tụt giảm 20% so với một thập kỷ trước đó.
Gallup cho rằng lòng yêu nước của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự ủng hộ đối với tổng thống, nền kinh tế, y tế và những sự kiện gây ảnh hưởng lớn – như vụ khủng bố nhắm vào tòa tháp đôi ở New York ngày 9/11/2001. Tuy nhiên, vẫn theo tổ chức chuyên thăm dò ý kiến của Hoa Kỳ, người dân thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong những năm gần đây trở nên ít tự hào về đất nước của mình hơn, mà Gallup cho là phản chiếu từ "sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc và sự bế tắc của các đảng ở Washington, cũng như những thách thức ở tầm quốc gia liên quan đến các mối quan hệ chủng tộc, các chính sách về COVID-19 và lạm phát".
Theo ông Bảo Kỳ, xu hướng giảm sút niềm tự hào dân tộc của người dân Mỹ có thể dẫn tới hậu quả nguy hiểm, nhưng cũng như bà Fellner, ông không mất đi hy vọng về một sự thay đổi cho một nước Mỹ tốt đẹp hơn.
Ông Bảo Kỳ cho rằng ông đầy hy vọng cho một sự hợp tác giữa hai đảng trong tương lai khi thấy những người như dân biểu Liz Cheney hay Adam Kinzinger trong số các đảng viên Cộng hòa tham gia vào ủy ban lưỡng đảng điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Trong khi đó, bà Fellner, người thường tham gia các cuộc tuần hành phản đối chính sách di dân, biến đổi khí hậu và quyền cho phụ nữ, nói bà tiếp tục các hoạt động tranh đấu và vận động của mình để góp phần tạo ra những thay đổi cho nước Mỹ trong tương lai.