Boris Johnson khác Donald Trump
Ngô Nhân Dụng, VOA, 10/07/2022
Chế độ đại nghị ở Anh quốc thay đổi người cầm đầu chính phủ lẹ làng, và không gây chia rẽ nặng nề trong xã hội, như chế độ tổng thống ở Mỹ. Có lẽ khi nào nước Việt Nam thiết lập thể chế tự do dân chủ thật sự chúng ta cũng nên theo lối tương tự.
Boris Johnson khác Donald Trump
Nếu ở nước Mỹ, ông Boris Johnson sẽ không phải từ chức. Tổng thống Mỹ do dân bầu, các đại biểu quốc hội được bầu riêng. Bên Anh quốc, các dân biểu nghị viện chọn lãnh tụ, người này sẽ được nữ hoàng phong làm thủ tướng. Khi thấy không còn được các đại biểu đảng Bảo thủ tín nhiệm, Boris Johnson phải xin Nữ hoàng tìm một vị thủ tướng mới, để mình trở về làm một đại biểu bình thường.
Người Mỹ phải thấy cảnh tượng đó "ngoạn mục". Ở Mỹ, muốn cất chức một ông tổng thống phải làm rất nhiều thủ tục rắc rối. Đầu tiên là Hạ viện "đàn hạch" ; rồi chuyển lên Thượng viện. Cần 2 phần 3 số nghị sĩ đồng ý mới phế được một tổng thống. Vì thế, chưa ông tổng thống Mỹ nào bị cất chức. Có người từ chức trước khi bị đem ra đàn hạch. Mỗi lần có chuyện đàn hạch là xảy ra "gió tanh mưa máu".
Ông Johnson đã lung lay một thời gian khá dài, sau nhiều vụ "tai tiếng" (scandals). Nhân viên thân cận của ông đã tổ chức dạ tiệc, trong lúc cả nước bị "cấm cung" vì bệnh dịch Covid-19. Họ khiêu vũ ngay trước ngày lễ quốc táng Hoàng tế Philip, mà chính bà nữ hoàng bị cách ly phải ngồi một mình để phòng nhiễm bệnh. Ông đã xin lỗi nữ hoàng về bữa tiệc, rồi quên luôn. Johnson bị cảnh sát phạt sau bữa tiệc sinh nhật "bất ngờ" ngay trong dinh thủ tướng. Ông còn mắc tội "dối đầu hở đuôi !". Ngay lúc đầu, khi bị chất vấn, ông chối bỏ rằng không có tiệc tùng nào hết. Rồi bị lật tẩy ! Khi mọi người phản đối ông trong việc thăng chức cho Chris Pincher vì ông này từng bị tố cáo sách nhiễu tình dục, Johnson chối không hề biết trước chuyện đó. Rồi cũng bị lật tẩy ! Xưa nay một vị thủ tướng Anh mắc tội nói dối trước nghị viện thường phải từ chức. Ông Johnson đã thoát nạn mấy lần.
Ông Johnson lên làm lãnh tụ đảng Bảo thủ tháng Bảy năm 2019 sau khi bà May từ chức. Ông tổ chức bầu Nghị viện, đảng Bảo thủ đại thắng, chiếm đa số mạnh nhất từ 30 năm. Ông lãnh đạo nước Anh khi quyết định rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) rồi thương thuyết các điều kiện tách rời. Ông chỉ huy vụ ngăn ngừa bệnh dịch Covid, rồi đưa nước Anh vào vai trò ủng hộ Ukraine, chống Vladimir Putin mạnh mẽ nhất Châu Âu. Trong ba năm đó, ông tục huyền, sanh hai con.
Cuối cùng Johnson phải từ chức vì bị đảng bỏ rơi. Ở nước Mỹ, Tổng thống Richard M. Nixon đã lâm tình cảnh đó. Tháng Tám năm 1974, Nghị sĩ Barry Goldwater, tiểu bang Arizona, bảo cho ông Nixon biết rằng đảng Cộng hòa trong Thượng viện sẽ bỏ rơi ông sau khi bị Hạ viện đàn hạch. Trước triển vọng bị truất phế, ông Nixon đã từ chức.
Tổng thống Trump không bao giờ bị chống đối như vậy. Các đại biểu Cộng hòa trong quốc hội, các thống đốc và nghị viện Cộng hòa ở tiểu bang, chưa bao giờ đồng thanh phản đối ông. Nhưng ông Trump rất giống Johnson, chưa gặp đã bảy tỏ cảm tình. Trump khen ngợi Johnson, chê bà Theresa May trước khi gặp bà, trong thời gian Johnson đang vận động tranh chức thủ tướng của bà May.
Tháng trước, đảng Bảo thủ đã thất bại trong hai cuộc bầu cử đặc biệt, có người đòi tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm ; ông Johnson may mắn thoát nạn. Nhưng các chính trị gia trong đảng thấy rằng họ lo sẽ bị dân lật đổ nếu ông Johnson còn ngồi đó. Dân chúng đã chán ông thủ tướng mắc tật nói dối kinh niên.
Màn kịch sau cùng chỉ diễn ra trong mấy ngày. Đầu tiên, hai vị bộ trưởng quan trọng cùng từ chức ; Rishi Sunak, bộ tài chánh và Sajid Javid, bộ y tế. Một ông gốc Ấn Độ, ông kia gốc Pakistan, cả hai đều hy vọng sẽ có ngày làm thủ tướng. Họ kéo theo năm người khác, rồi hàng loạt bộ trưởng và thứ trưởng nữa cùng xin nghỉ. Ông Boris Johnson biết mình đã hết thời.
Ở nước Mỹ khác hẳn. Ảnh hưởng của Tổng thống Trump vẫn mạnh nhất trong đảng Cộng hòa.
Ông Trump chiếm được thành phần cử tri cố hữu trong đảng, những người da trắng lớn tuổi, ở miền quê các tiểu bang thưa dân, nghèo và không tốt nghiệp đại học. Năm 2016 hầu hết những người lãnh đạo Cộng hòa coi ông Trump là một "người ngoài", đã có lần theo đảng Dân chủ. Nhưng cuối cùng ai cũng chịu thua để ông ra ứng cử tổng thống, vì ông được các cử tri gốc rễ nhiệt liệt ủng hộ. Nhiều ứng cử viên quốc hội và thống đốc tiểu bang năm nay vẫn tìm đến xin ông Trump ủng hộ. Những người khác ý kiến cũng im lặng không công khai chỉ trích ông vì sợ không được nhóm cử tri mạnh nhất chấp nhận. Nhiều người chống ông Trump đã rút lui không tranh cử nữa.
Đảng Cộng hòa đã thay đổi. Một đảng chủ trương tự do mậu dịch, nhưng ông tổng thống đánh thuế nhập cảng đủ các thứ hàng, từ giày dép đến nhôm, thép ; từ các nước đối nghịch như Trung Quốc đến các nước đồng minh như Canada, Đức, Anh, Pháp. Đảng Cộng hòa vẫn chủ trương ngân sách phải cân bằng, ông Trump đưa khiếm hụt ngân sách lên cao nhất từ trước đến thời ông. Ông chỉ trung thành với một chủ trương là cắt thuế cho các công ty và những người lợi tức cao. Đảng Cộng hòa không thay đổi ông Trump, chính ông thay đổi đảng.
Chính trị Mỹ khác nước Anh trên căn bản. Các đại biểu nghị viện Anh có quyền lớn khi bỏ phiếu chọn người lãnh đạo đảng, người đứng đầu đảng chiếm đa số sẽ làm thủ tướng. Sau khi ông Johnson rút lui, các đại biểu sẽ chọn hai người trong nghị viện rồi đưa ra cho các đảng viên Bảo thủ chọn một.
ÔngTrump không lo những chuyện như vậy. Dù không còn là tổng thống, ông vẫn mặc nhiên đóng vai lãnh đạo đảng. Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng hòa ở Thượng viện, tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ông Trump nếu ông ra tranh cử tổng thống năm 2024 ; mặc dù ông McConnell đã công nhận ông Joe Biden thắng cử, và coi ông Trump là người chịu trách nhiệm về vụ tấn công ở trụ sở Quốc hội ngày 6 tháng 1 năm 2021. Hiện nay Cộng hòa là khối thiểu số, nhưng nếu chiếm thêm được một ghế nghị sĩ trong cuộc bầu cử cuối năm, sẽ thành đa số. Ông Mitch McConnell có tiếp tục làm trưởng khối hay không cũng không chắc. Điều đó cũng tùy thuộc ông Trump ; vì nhiều nghị sĩ Cộng hòa vẫn lắng nghe ý kiến của ông !
Ảnh hưởng của Tổng thống Donald Trump trên đảng Cộng hòa sẽ lên hay xuống tùy thuộc kết quả cuộc bầu cử năm nay. Nếu những người được ông Trump ủng hộ thắng lớn, chiếm đa số trong đảng, thì ông sẽ mạnh hơn. Ông sẽ quyết định ai làm chủ tịch Hạ viện, ai đứng đầu khối đa số ở Thượng viện. Quốc hội sắp tới sẽ bó chân bó tay ông Joe Biden để không thể đưa ra một chính sách quan trọng nào. Tất cả để dọn đường cho ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc !
Ông Boris Johnson không hy vọng có ngày trở lại địa vị cũ như vậy !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 10/07/2022
************************
Boris Johnson : Người hạ bệ ba đời thủ tướng, kể cả chính ông
Nguyễn Hùng, VOA, 08/07/2022
Người ta bảo đi đêm lắm có ngày gặp ma và ngày đó đối với ông Johnson là ngày hôm qua
Người sinh ra ở New York và ngay từ nhỏ đã có tham vọng làm vua thế giới cuối cùng chỉ làm vương làm tướng ở Anh được chưa tới ba năm.
Boris Johnson, khá giống với Donald Trump ở Hoa Kỳ, là thương hiệu chính trị hiếm ai ở Anh không biết tới và cũng khá có tiếng trên thế giới.
Đáng tiếc thương hiệu đó đã bay cao vút để rồi mất hút trong tuần này dù sau khi tuyên bốtừ chức ông thủ tướng Anh vẫn còn tại nhiệm đợi người kế nhiệm.
Điểm đáng chú ý về Boris Johnson là ông đã hạ bệ được ba đời thủ tướng Anh trong đó có cả chính ông.
Việc ông Boris Johnson thành công trong việc thuyết phục công chúng Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã khiến Thủ tướng David Cameron từ chức ngay khi có kết quả trưng cầu dân ý về rời hay ở lại EU hôm 24/6/2016.
Ông Johnson và phe nhóm của ông cũng đã gây sức ép khiến Thủ tướng Theresa May từ chức hôm 7/6/2019 sau khi không thể mang lại Brexit vì thiếu đa số trong quốc hội.
Ông Johnson kế nhiệm bà May và đã đưa Đảng Bảo thủ tới chiến thắng áp đảo hồi tháng 12/2019 khi họ có đa số lớn trong quốc hội trong thắng lợi bầu cử lớn nhất của đảng này từ thập niên 1980 và khiến Đảng Lao động đối lập chịu thất bại ê chề nhất kể từ thập niên 1930.
Nhưng nếu điểm mạnh nhất của ông Johnson là tranh cử thì điểm yếu nhất của ông là điều hành chính quyền. Các chuyên gia nhận định nếu ông chọn người dưới quyền khéo hơn để họ lo việc điều hành và ông tập trung vào việc giữ sự ủng hộ của dân chúng thì có lẽ ông sẽ vẫn còn cầm quyền thêm nhiều năm nữa. Quyết định sai lầm về nhân sự từng khiến ông bẽ bàng khibị chính cựu cố vấn của mình chỉ trích thậm tệ.
Một trong các chính trị gia có ảnh hưởng của chính Đảng Bảo thủ, ông Rory Stewart,nói với kênh truyền hình Sky News rằng ông Johnson "có lẽ là thủ tướng đáng hổ thẹn nhất mà nước Anh từng có" và ông Stewart nói ông cầu mong rằng nước Anh sẽ không bao giờ phải thấy một thủ tướng trơ trẽn như thế nữa.
Sự dối trá không biết xấu hổ và sai lầm trong việc chọn mặt gửi vàng của ông thủ tướng cuối cùng đã kéo ông xuống hố. Sau khi lộ ra việc dân biểu Chris Pincher, nhân vật quyền lực thứ hai về phụ trách các dân biểu của Đảng Bảo thủ trong Nghị viện Anh, sờ soạng nam giới khi say sỉn hồi cuối tháng Sáu, nhiều người đặt câu hỏi vì sao ông Johnson lại bổ nhiệm một người như thế cách đây mấy tháng khi trước đó đã có tố cáo về hành vi quấy rối tình dục của ông này từ năm 2019. Khi đó ông Pincher, người giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao, đã xin lỗi và hứa không tái phạm. Ông Johnson đã được thông báo về kết quả điều tra nhưng cho tới cách đây vài ngày còn khẳng định ông không biết. Sau ông nói ông quên khi người ta đưa ra bằng chứng cho thấy ông đã được thông báo. Cái sự "quên" đó đã chấm dứt sự nghiệp của người đã bị trọng thươngnhư tôi viết trong blog lần trước.
Như vậy người sinh ra ở New York và ngay từ nhỏ đã có tham vọng làm vua thế giới cuối cùng chỉ làm vương làm tướng ở Anh được chưa tới ba năm. Nếu là một người tự trọng hơn, ông Johnson đã từ chức từ cuối năm ngoái khi lộ tin ông và nhiều quan chức chính phủ khác đã tiệc tùng ngay cả khi quy định do chính ông đề ra cấm làm như vậy giữa lúc cả nước gồng mình chống Covid-19. Nhưng nếu theo dõi kỹ thì không ai lạ gì chuyện Boris Johnson chẳng coi luật lệ ra gì. Ngay từ khi mới lên làm thủ tướng ông đã bị Tòa tối cao của Anh phê vì phạm luật. Người ta bảo đi đêm lắm có ngày gặp ma và ngày đó đối với ông Johnson là ngày hôm qua.