Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

30/01/2018

Việt Nam yêu dấu, hãy đặt tự hào vào những giá trị cao quý hơn !

Mai V. Phạm

Cách đây vài tháng, an ninh nhà nước bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Cộng hòa liên bang Đức, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Liên Hiệp Châu Âu (EU). Trong khi Cộng hòa liên bang Đức giận dữ phản đối, thì nhiều tờ báo uy tín quốc tế đồng loạt đưa tin về hành vi man rợ của chính quyền cộng sản.

tuhao1

Cổng Hiển Nhơn (phía đông Đại nội Kinh thành Huế) trước kia là nơi dành cho những người vinh hiển, có công với triều đình và đất nước

Cách đây vài ngày, cộng đồng mạng phẫn nộ với bản tin về nhiều vi cá mập tươi được phơi khô trên mái nhà của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile. Rất nhiều người Việt trong và ngoài nước không khỏi bàng hoàng, tức giận và cảm thấy xấu hổ cho hành động này, bởi đây không phải lần đầu tiên mà các quan chức ngoại giao "bôi tro trát trấu" hình ảnh Việt Nam.

Gần đây nhất, theo phúc trình của Freedom House 2017, Việt Nam cùng với vài quốc gia khác, được xếp hạng KHÔNG có tự do. Hổ nhục nhức nhối khác là sự phụ thuộc và khiếp sợ quá đáng của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc.

Những trung tâm mua sắm ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… đều có những bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt chống nạn ăn cắp. Ngày 15/1/2018, cảnh sát Đài Loan cũng vừa bắt giữ một nhóm du khách người Việt, với cáo buộc trộm cắp hàng hóa và tịch thu tang vật trị giá hơn 30.000 USD.

Trong công bố mới nhất do Tổng cục thống kê vừa ban hành ngày 29/1, cả nước hiện có 19.700 người dân thiếu đói chỉ riêng trong tháng 1 đầu năm 2018.

Một Việt Nam buồn với đầy ắp những hổ nhục, khổ đau và bất công. Thế nhưng, lợi dụng chiến thắng U23, chế độ độc tài cộng sản đã kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thổi phồng nó, để định hướng dư luận và khiến cho người dân quên đi tất cả. Hàng ngàn bạn trẻ đổ ra đường, hò hét, bấm còi inh ỏi và thậm chí trần truồng, phần nào chứng minh được điều ấy. Tôi chia sẽ niềm vui chiến thắng, nhưng nó cần phải được thể hiện một cách văn minh, trang nhã và không hợm hĩnh.

Ở một góc độ khác, hình ảnh các bạn trẻ gào thét trong sung sướng khiến tôi cảm thấy dân tộc Việt Nam sao quá đỗi bất hạnh. Vì tham vọng duy trì quyền lực cai trị, Đảng cộng sản luôn ngăn cản người dân tham gia các tổ chức cũng như hoạt động xã hội vì sợ tạo nên sự gắn bó cộng đồng. Đã thế, dân tộc Việt có rất ít cơ hội để được hãnh diện về đất nước. Bởi thế, đối với nhiều người, chiến thắng thể thao tầm quốc gia là một sự kiện giúp họ giải tỏa xúc cảm bị đè nén, kết nối và mang tới niềm tự hào mà họ luôn mong mỏi.

Thể thao đượm màu chính trị

Nhiều người cho rằng thể thao và chính trị không liên quan đến nhau. Nhưng, thực ra, thể thao là một phần tất yếu của chính trị. Từ khi xuất hiện các cuộc tranh tài thể thao đa quốc gia, nhiều chính quyền đã sử dụng nó như một vũ khí ngoại giao để gửi thông điệp chính trị. Chính quyền Nazi của Hitler đã tận dụng Olympics năm 1936 để tuyên truyền, tạo ra một nước Đức mới, mạnh mẽ và thống nhất trong lúc che giấu mục tiêu tàn sát người Do Thái. Năm 1980, nhiều nước Tây phương cũng tẩy chay Olympics tại Moscow vì cuộc xâm lăng của Liên Xô tại Afghanistan. Và Ban tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã lợi dụng chiến thắng của U23, cho mục đích tuyên truyền, bằng cách phát cờ búa liềm miễn phí cho những ai "xuống đường". Thậm chí, đê tiện hơn, có những bài báo viết bằng những ngôn ngữ sặc mùi tuyên truyền dối trá như : "thế nước mạnh", "vận nước đang lên"…

Một số vận động viên mong muốn dùng những biểu tượng của thể thao để thay đổi xã hội. Ví dụ, ngày 17/10/1968, Olympics tổ chức tại Mexico, Tommie Smith và John Carlos của Hoa Kỳ, đã thu hút sự chú ý của công luận khi bày tỏ thái độ chống lại sự áp bức đối với người da đen. Trong lúc lên nhận huy chương, họ đã không mang giày, chỉ mang vớ và chào bằng biểu tượng nắm đấm, tượng trưng cho sự nghèo khổ đày đọa Mỹ Đen. Hành động của họ đã thu hút được sự chú ý rộng lớn của dư luận Hoa Kỳ và dẫn tới nhiều thay đổi xã hội đáng kể.

tuhao2

Tommie Smith và John Carlos của Hoa Kỳ, lúc lên nhận huy chương, đã không mang giày, chỉ mang vớ và chào bằng biểu tượng nắm đấm, tượng trưng cho sự nghèo khổ đày đọa người Mỹ da đen.

Aristole, triết gia vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại, khẳng định con người là một động vật chính trị. Nghĩa là con người không thể tự tách mình ra khỏi mọi hoạt động của xã hội, bao gồm kinh tế, văn hóa, thể thao… nơi họ sinh sống. Dù muốn hay không, công dân cũng không thể tách rời bất kỳ hoạt động xã hội nào ra khỏi chính trị bởi quyền lực chính trị ảnh hưởng tất cả.

Thể thao vốn có bản chất chính trị bởi nó là một công cụ hữu hiệu để đế hình thành nhận thức chính trị và đặc biệt gắn kết mọi người cho cứu cánh của chính trị. Một trận bóng bàn, bóng rổ, bóng đá… nếu tổ chức khéo léo, cũng có thể xóa tan sự thù hằn và ganh ghét giữa người với người. Nelson Mandela đã dùng bóng đá để hòa giải dân tộc Nam Phi và ông đã thành công. Một bài học rút ra cho phong trào dân chủ đó là chúng ta sẽ sử dụng thể thao như thế nào để thu hút ý thức chính trị, vận động tham gia tổ chức, cũng như sự quan tâm tới đất nước của trí thức và quần chúng.

Có thể thực lòng tự hào với thực trạng Việt Nam ?

Nhà nước cộng sản hiểu rõ hơn ai hết sự thất bại của họ về mọi mặt. Vì thế, họ đã lợi dụng chiến thắng của U23 vào vòng chung kết AFC Cup để che giấu nỗi nhục thua kém và sự thất bại trong quản lý quốc gia.

Với những phương tiện dồi dào có sẵn trong tay, họ đã huy động sức mạnh tổng lực của các tờ báo đảng nhằm "tô son trét phấn" làm đẹp chế độ để "ăn theo" chiến thắng của U23 và cho phép người dân "xuống đường" để kích động chủ nghĩa dân tộc hợm hỉnh. Nhưng chế độ cộng sản lại tuyệt đối cấm cản và đàn áp bằng vũ lực những cuộc diễn hành ôn hòa bảo vệ môi trường, phản đối Formosa xả thải, chặt phá cây xanh trong thành phố, và thậm chí những buổi tưởng niệm liệt sĩ bị quân Trung Quốc thảm sát tại Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988) và chiến tranh biên giới Việt Trung (1979).

Vài bạn trong friendlist của tôi viết những dòng status như sau : "Thật tự hào là người Việt Nam", "Cảm ơn U23 đã mang đến niềm tự hào Việt Nam", "U23 là anh hùng dân tộc"... Tôi rất ngạc nhiên về những tự hào giản dị kiểu này. Chỉ cần thắng một trận bóng đá là có thể trở thành anh hùng và là niềm tự hào của cả dân tộc ! Chỉ cần lọt được vào vòng chung kết là người ta sẵn sàng bỏ qua mọi bất hạnh, nhục nhã mà đảng cộng sản đã và đang gây ra cho dân tộc Việt Nam !

Làm sao có thể tự hào khi mà đại đa số người dân Việt Nam còn bị cấm đoán những quyền tự do tối thiểu nhất ? Làm sao có thể tự hào khi hàng triệu người Việt Nam vẫn phải sống lây lất trong nghèo khổ và bất công vì bị cướp đất, xử oan ? Làm sao có thể tự hào khi hàng ngàn người mỗi năm phải rời bỏ quê hương Việt Nam, để lao động vô cùng khổ cực ở xứ lạ, vì miếng cơm, manh áo cho gia đình ?

Chiến thắng thể thao ở tầm mức quốc gia là tạm thời và nó chỉ có ý nghĩa khi trở thành động lực thúc đẩy người dân quan tâm hơn đến thực trạng đất nước. Chiến thắng của U23 có giúp đồng bào nhận ra Việt Nam ngày càng tụt hậu, ô nhiễm, nghèo khổ, trong khi trẻ em vẫn đang bị nhồi sọ bởi nền giáo dục lạc hậu ? Xin chớ quên khi nhắc đến Việt Nam, người dân ở các nước khác nghĩ ngay đến "trộm cắp", "buôn lậu", "bắt cóc"... và thậm chí "bán dâm".

Nhìn chung, đất nước Việt Nam buồn đến mức chẳng ai muốn thảo luận với nhau về những vấn nạn tiêu cực nữa... Nỗi buồn thua kém đã đẩy người dân trông chờ vào những chiến thắng và thành tích ngắn hạn, để quên đi cuộc sống khó khăn hàng ngày, để không phải đối mặt với một tương lai bất định và sự lụn bại của quốc gia. Khi người Việt Nam không cảm nhận được nỗi đau bị cướp đất, tù oan, nghèo khổ… của những đồng bào cùng "máu đỏ, da vàng" khác, thì làm sao có thể "tự hào là người Việt Nam" ?

Socrates, được xem là cha đẻ của triết học phương Tây, nhắn nhủ : "Một cuộc sống không tự kiểm không xứng đáng để sống" (An unexamined life is not worth living"). Thông điệp mà Socrates muốn gửi đến đó là phải luôn luôn tự kiểm điểm, xem xét lại những hành động của bản thân, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, để điều chỉnh, thay đổi và phát huy những giá trị làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn.

Sẽ thật ý nghĩa nếu sau mỗi thắng lợi của dân tộc Việt Nam, thể thao hay văn nghệ, nhiều người cùng tự suy xét để tỉnh thức nhận ra có những giá trị cao quý hơn để tự hào. Vì trong hoàn cảnh và điều kiện sống hiện nay, ngoài chiến thắng của U23, người Việt Nam còn có gì để tự hào ?

Tại sao các các bộ đảng viên lại có cuộc sống giàu sang, nhưng phần lớn người dân Việt Nam lại sống trong nghèo khổ ? Tại sao trẻ em ở những nước dân chủ như Singapore, Nhật Bản, Úc, Mông Cổ được hưởng nền giáo dục tiến bộ và khai phóng để giúp đất nước của họ phát triển và củng cố hạnh phúc, trong khi ước mơ của thanh niên Việt Nam sau khi được đào tạo là được đưa đi xuất khẩu ? Phải làm sao để thay đổi thực trạng khánh kiệt và suy tàn của đất nước ?...

Thay lời kết

Trong lúc nhiều bạn "xuống đường" vui sướng cho chiến thắng của U23, thì hàng chục ngàn người dân phải sống cảnh "màn trời chiếu đất" vì bị chính quyền cưỡng chế. Cũng lúc đó, hàng chục ngàn người khác đang phải làm việc quần quật ở xứ lạ vì nhà nước Việt Nam không tạo ra được công việc cho họ. Và ngay lúc đó, hàng chục ngàn người thiếu đói và ít nhất là 80 triệu người bị tước đoạt những quyền tự do cơ bản nhất.

Bạn gào thét cho chiến thắng của U23, nhưng lại im lặng trước sự đau khổ của dân tộc và lụn bại của đất nước ? Hình ảnh Viêt Nam bị "bôi tro trét trấu" bởi các cán bộ đảng viên "ăn cắp", bởi chế độ tham nhũng nghiêm trọng, bởi một nhà nước "quì gối cúi đầu" trước Trung Quốc, thì có gì đáng để tự hào ?

Chỉ khi bạn biết ăn năn và chất vấn bản thân một cách nghiêm túc về thực trạng lụn bại của đất nước thì mới biết nỗi đau là người Việt Nam và củng cố quyết tâm xây dựng một chế độ tốt đẹp hơn trong đó mọi người có chỗ đứng ngang nhau và cùng nhau loại bỏ chế độ độc tài toàn trị đang bóp nghẹt ý kiến và sáng kiến của cả dân tộc. Chỉ khi xây dựng một chế độ tốt đẹp, con cháu bạn và tôi xứng đáng được sống trong một môi trường sạch sẽ và lành mạnh, được hưởng một nền giáo dục khai phóng và sáng tạo để trở thành những con người tự do và không mang mặc cảm thua kém. Những nguyện ước giản dị này không quá khó. Vấn đề là bạn có thực sự yêu nước và chấp nhận hy sinh để xây dựng cho bằng được tương lai tốt đẹp đó hay không ?

Muốn được vậy, những bạn trẻ còn quan tâm đến tương lai của mình và tương lai của Việt Nam phải tìm nhau và cùng nhau xây dựng một kết hợp chính trị lương thiện, đồng thuận trên một giải pháp chung, để tạo ra một đối trọng có tầm vóc có thể đối chất với đảng cộng sản cầm quyền về những định hướng lớn của đất nước và cách thực hiện. Chỉ qua hình thức này, sinh hoạt chính trị sẽ trong sáng hơn và mang lại một tương lai tươi sáng cho con cháu chúng ta.

Niềm tự hào lớn nhất mà mỗi người Việt nên có là góp phần giải thể chế độ độc tài toàn trị, mang tới dân chủ đa nguyên thực sự cho dân tộc Việt Nam.

Mai V. Phạm

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Đa nguyên – Bất bạo động – Hòa giải & Hòa hợp Dân tộc"

Tham khảo :

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-viet-5-chau/du-khach-viet-nam-bi-nghi-an-trom-tai-hang-loat-cua-tiem-o-dai-loan-3701823.html

http://www.history.com/this-day-in-history/olympic-protestors-stripped-of-their-medals

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 2532 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)