Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/02/2018

Thế hệ trẻ là thế hệ nào ?

Việt Nghĩa

Tôi luôn được nghe một câu kinh điển rằng : "Hy vọng thế hệ trẻ sẽ thay đổi đất nước". Nhiều lúc tôi còn nghe thấy câu đó ở những người U30. Vậy "thế hệ trẻ" mà họ nhắc đến là thế hệ nào ? Thế hệ 9X, 10X... ? Và lúc này họ (thế hệ già) chỉ làm mỗi việc ngồi chờ hay sao ?

tre1

"Thế hệ trẻ" là thế hệ nào ? Thế hệ 9X, 10X... ?

Lúc đầu, tôi cảm thấy được động viên, được tôn trọng, được khuyến khích khi nghe câu nói này. Nhưng càng về sau, và đặc biệt khi người nói càng lúc càng trẻ, tôi bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu đặt những câu hỏi. Tôi thắc mắc tại sao họ lại có truyền thống "nhường" trọng trách cho thế hệ đi sau ? Câu trả lời là hàng loạt lý do : hoàn cảnh khó khăn, học thức thấp, quá bận rộn... Tôi chợt liên tưởng, nếu tôi là người trẻ (thế hệ sinh cuối thập niên 80), tôi có được quyền trả lời với con cháu sau này : thời của ba nhiều gái đẹp, nhiều xe sang, nhiều quần áo đắt tiền, nhiều thú tiêu khiển... nên ba không thể góp phần thay đổi đất nước ? Những lý do này nhiều khi còn thuyết phục hơn những lý do thiếu thốn, vì cám dỗ càng lớn thì sự hi sinh càng nhỏ.

Thật kém may mắn cho những đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam, chưa chào đời nhưng đã được trao những trọng trách nặng nề. Trong khi ông bà, cha mẹ, cô chú, anh chị... của chúng thì cứ thỏa thích hưởng thụ, thỏa thích tàn phá, thỏa thích phung phí thời gian, thỏa thích bất đồng, thỏa thích làm nhân sĩ... rồi khi về già (hoặc sắp già) lại tự nhận là thế hệ bỏ đi, thế hệ bất lực... và để lại cho con cháu những món nợ và trách nhiệm khổng lồ.

Nhiều kẻ còn khuyến khích thế hệ sau tiếp tay cho cường quyền để nối dài truyền thống phá hoại, người thì nhồi vào đầu con cháu nỗi sợ hãi và sự ích kỷ, để chúng phải xa rời quê hương, tìm kiếm thiên đường nơi xứ người với thứ tiếng dì ghẻ. Lắm kẻ lại đổ thừa vì lo cho tương lai con cái, nên sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm không những của họ, mà cả của gia đình và con cái…

Vậy "thế hệ bỏ đi" có thật sự vô dụng, có thật sự bất lực hay không ? Xin quả quyết là không. Họ chỉ tự chặn con đường của mình, tự bóp nghẹt những tiềm năng to lớn của bản thân, tự giết chết óc lạc quan và hy vọng... Chỉ cần họ giũ sạch sự bảo thủ, từ bỏ những thói xấu, khước từ những lợi ích có được vì luồn lách…thì chắc chắn họ (chứ không là bất cứ ai khác) sẽ là một kho kiến thức để giới trẻ học hỏi, là tiếng nói khách quan trong tranh luận, là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ dấn thân, là cầu nối dẫn đến các tổ chức chính trị tầm vóc. Thế hệ bỏ đi đang đứng trước một lựa chọn lịch sử, hoặc là thật sự bỏ đi, hoặc là trở thành vốn quí của đất nước.

Theo tôi, phải có niềm tin vào bản thân mình, vào thời đại mình và những người đang sống xung quanh thay vì đặt hết hy vọng (hoặc nói thẳng ra là đùn đẩy trách nhiệm) cho thế hệ trẻ. Cũng không nên ca tụng một cách quá đáng vào người xưa. Thời nào cũng có hào kiệt và thời nào cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Không ai sinh ra là tự nhiên trở thành anh hùng hay danh nhân ngay lập tức mà đó là một quá trình học học, tìm tòi và cống hiến.

Cuộc đời chỉ thực sự có ý nghĩa khi sống có niềm tin và lý tưởng. Cần nói với bản thân rằng : không phải chúng ta sống được bao lâu mà là chúng ta đã cống hiến được gì cho cuộc đời và cho dân tộc của mình.

Nếu cuộc sống mà không có mục tiêu và lý tưởng thì cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt và vô vị. Tất nhiên khi đói nghèo thì nhiệm vụ đầu tiên là phải vượt qua được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như "cơm, áo, gạo, tiền" nhưng khi đã no đủ rồi thì nên chăng nghĩ đến những điều cao quí hơn như quyền tự do ngôn luận, quyền được tôn trọng, quyền được sống như những con người văn minh ?

Có một câu nói rất hay rằng "hạnh phúc là cho đi, hạnh phúc là được cống hiến", vậy thế hệ nào thì cũng nên cống hiến, hy sinh cho đời rồi đời sẽ cho ta niềm vui và hạnh phúc. Thế hệ nào thì cũng chỉ được sống có một lần thôi vì vậy nên sống xứng đáng với chính bản thân mình để con cháu sau này có thể tự hào và hãnh diện về mình thay vì chê cười vì mình đã buông xuôi, không làm được gì tốt đẹp cho đời.

Thế hệ nào cũng có bổn phận và trách nhiệm với đất nước và xã hội, mỗi người, mỗi thế hệ nếu làm đúng và làm tròn bổn phận của mình thì xã hội chắc chắn sẽ khá hơn và tương lai con cháu chúng ta sẽ tốt đẹp hơn và con cháu sẽ cám ơn chúng ta vì sự hy sinh đó.

Vậy phải làm những gì ? Đơn giản là hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất là không nói dối, không nịnh bợ, không hùa theo cái sai mà chỉ làm theo những điều mà mình biết chắc là đúng, là lẽ phải. Thấy sai và vô lý thì cần phản đối, thấy cái đúng cái tốt thì nên ủng hộ và cổ vũ. Quan trọng nhất là nên thành thật với lương tâm mình. Đừng đầu độc thế hệ trẻ bằng những thứ độc hại và sự ích kỷ.

Việt Nghĩa

(5/2/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Nghĩa
Read 1196 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)