Việt Nam muốn tăng gần gấp đôi số tỷ phú cho đến năm 2030
VOA, 10/05/2024
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu cho đến năm 2030 nước này sẽ có 10 tỷ phú đô la và 5 doanh nhân được thế giới công nhận thuộc hàng quyền lực nhất Châu Á, theo một nghị quyết của chính phủ vừa được công bố hôm 9/5.
Tỷ phú Việt Nam Pham Nhat Vuong gặp gỡ tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani ở Gujarat
Nghị quyết này đặt ra chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, trang mạng ZNews cho biết.
Ngoài ra, đến năm 2045, nước này cũng đặt mục tiêu có các tập đoàn mang tính dẫn dắt chuỗi cung ứng giá trị công nghiệp và nông nghiệp toàn cầu, theo trang mạng VnExpress.
Việt Nam hiện nay có 6 tỷ phú đô la trong danh sách của Forbes năm 2024. Như vậy để đạt được mục tiêu này, trong vòng 6 năm nữa, Việt Nam phải có thêm 4 tỷ phú đô la nữa.
Tuy nhiên, con số tỷ phú này gần như không thay đổi gì trong những năm qua. Do đó, không rõ Việt Nam sẽ làm cách nào để có thêm 4 tỷ phú đô la trong vòng 6 năm nữa.
Nghị quyết của chính phủ cũng nêu ra phương cách để đạt được mục tiêu này, chẳng hạn như ‘nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước’, ZNews cho biết.
Ngoài ra, chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, cũng theo ZNews.
Một mục tiêu nữa mà chính phủ đề ra đến năm 2030 là Việt Nam sẽ có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế và số doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao sẽ tăng 10% mỗi năm.
Sáu tỷ phú Việt Nam hiện nay được Forbes công nhận gồm có Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Với khối tài sản ròng trị giá 4,4 tỷ theo ước tính của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam. Hãng xe hơi VinFast của ông hiện có tham vọng vươn ra góp mặt trên thị trường xe hơi điện thế giới, trong đó có thị trường Mỹ.
Từ một kinh tế tập trung bao cấp vốn coi giới chủ và doanh nhân là ‘thành phần bóc lột’, nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế nhiều thành phần vốn dựa rất nhiều vào đội ngũ doanh nghiệp tư nhân góp phần tạo ra việc làm và tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hàng loạt doanh nhân sừng sỏ đã bị khởi tố, bắt giam về các tội như ‘Vi phạm về đấu thầu’, ‘Đưa hối lộ’, ‘Tham ô’, ‘Lừa đảo’…, trong đó có ông Trịnh Văn Quyết của tập đoàn FLC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn của Tập đoàn AIC, Bùi Anh Dũng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Trần Quý Thanh của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Phan Quốc Việt của Công ty Việt Á và mới đây nhất là Nguyễn Văn Hậu của Tập đoàn Phúc Sơn và Nguyễn Duy Hưng của Tập đoàn Thuận An.
Một số doanh nghiệp được cho là sân sau của các lãnh đạo cao cấp, chẳng hạn như vụ Phúc Sơn đã dẫn đến việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị mất chức, còn vụ tập đoàn Thuận An bị vỡ lở đã khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải ra đi.
Tuy nhiên, doanh nhân gây chấn động nhất là bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vốn cũng được cho là một tỷ phú đô la nhưng rất kín tiếng nên không có tên trong danh sách xếp hạng của Forbes. Bà Lan hôm 11/4 đã bị tuyên án tử hình trong vụ án rút ruột ngân hàng SCB gây thiệt hại đến 27 tỷ đô la. Liên quan đến Vạn Thịnh Phát, hôm 8/5, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã bị đề nghị kỷ luật về mặt Đảng.
Nguồn : VOA, 10/05/2024
******************************
"Dữ liệu kiều bào" : ý đồ và khả năng thực hiện !
RFA, 10/05/2024
Hôm 8/5/2024, tại buổi tọa đàm về vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhận định rằng, hiện mạng lưới doanh nhân, trí thức người Việt rất phát triển ở nước ngoài, tiềm lực rất lớn nên cần xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nhân, trí thức, kiều bào. Theo ông Đông, khi biết được thế mạnh của từng nhóm người, lĩnh vực cụ thể thì sẽ phát huy tốt nhất các đóng góp của đội ngũ này đối với sự phát triển đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thị Huỳnh Mai phát biểu tại tọa đàm - Photo : dangcongsan.org.vn
Bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ đề xuất các cơ quan liên quan của trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp mang tính đột phá, trong đó hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng các sáng kiến của chuyên gia, trí thức, doanh nhân ở nước ngoài.
Ông Hoàng Ngọc Diêu hiện ở Úc cho rằng, đây là một suy nghĩ viển vông, khôi hài vì không thể thực hiện được. Ông nhận định :
"Theo tôi nghĩ, đây là trò mở rộng của Nghị quyết 36 thôi chứ không có cái gì mới mẻ hết. Cũng là trò tìm mọi cách thu hút chất xám và thu hút đô la từ nước ngoài về thôi vì bây giờ họ quá kiệt quệ về kinh tế rồi ; rối loạn trong xã hội, sụp đổ trong giáo dục. Về mặt chính trị, họ muốn có người Việt ở nước ngoài về để trấn an cái gọi là tư tưởng, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước. Có nghĩa họ muốn cho mọi người nghĩ là chính sách của họ đúng nên kiều bào ở nước ngoài mới trở về, chứ không phải họ thực lòng. Tại vì họ không có biểu hiện gì thực sự, thực lòng trong việc mong muốn người Việt hải ngoại về đóng góp cả. Người Việt về đóng góp đâu phải chỉ đóng góp tiền, đóng góp chất xám ngoan ngoãn theo kiểu họ biểu gì thì nghe nấy đâu.
Đóng góp có nghĩa phải có sự xây dựng, phải có sự phê bình và bên kia phải có sự thay đổi thì mới gọi là đóng góp. Đằng này, ai phê bình, đóng góp mà đụng chạm tới chính quyền là họ bắt, họ nhốt thì làm sao có chuyện nhân tài, trí tuệ từ nước ngoài về ?"
Nghị quyết 36 về "công tác người Việt Nam ở nước ngoài" được Bộ Chính trị đưa ra năm 2004 với mục tiêu là "hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước".
Bà Phương Diên, hiện đang ở Úc thì cho rằng, sở dĩ người Việt không muốn về nước làm ăn vì không tin tưởng vào cách điều hành của những người đang lãnh đạo đất nước. Gia đình bà từng về Việt Nam lập nhà máy sản xuất nước đá nhưng rồi mất tất cả vì chính sách thay đổi liên tục. Bà nói :
"Tại Việt Nam, thủ tục hành chánh quan liêu, lạm quyền, tham nhũng. Chính sách thuế, chính sách lương bổng không rõ ràng như những nước Á Châu khác như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc… Quyền của người lao động, của người chủ không rõ ràng. Thay đổi chính sách liên tục làm cho người Việt ở nước ngoài ngại, nhất là thấy gương của mấy người đi trước. Đã không minh bạch lại quá độc tài thì không có ai tin tưởng đưa thông tin của mình cho một đất nước như vậy. Phải thay đổi những người làm trong chính quyền triệt để mới thu hút được người Việt về nước.
Chừng nào có sự công bằng, bình đẳng trong xã hội thì chúng tôi mới trở về xây dựng đất nước. Cái đảng này họ chỉ muốn quyền lợi cho họ thôi. Họ muốn có thêm quyền lực trong tay. Họ không xây dựng đất nước đâu. Họ chỉ xây dựng đảng của họ thôi".
Ông Trịnh Vĩnh Bình trước Tòa Án Quốc Tế năm 2017. RFA photo
Bà Diên nhắc lại một tấm gương của người đi trước, là chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, một triệu phú ở Hà Lan đã đem hơn ba triệu đô la Mỹ về Việt Nam làm ăn và đầu tư trong nước vào cuối năm 1987. Đến năm 1999, ông bị tịch thu tài sản và lãnh án 11 năm tù. Ông đã bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại, ông Bình đã tìm cách trốn thoát khỏi Việt Nam.
Hôm 3/2/2024, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" được truyền thông nhà nước đăng tải.
Ông Trọng trước hết ca ngợi những thành tích đạt được "nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng". Sau cùng, ông Trọng nhắc nhở "các thế lực xấu, thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ chúng ta nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta".
Ông Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Czech nêu quan điểm của ông :
"Tôi cho từ xây dựng trong ngoặc kép bởi không loại từ yếu tố an ninh. Nghĩa là họ lấy thông tin để dễ bề kiểm soát những người có tư tưởng không đúng với tư tưởng của họ. Những người này về đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Và ngượi lại, những người có thiện chí thì về Việt Nam làm ăn, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã từng gặp những người ở Châu Âu về đầu tư, họ nói cái trở ngại lớn nhất là lề thói làm việc ; là nạn cát cứ. Thủ tục kinh doanh thì không lành mạnh như nạn phong bì, ‘bôi trơn’… Đó là những ngáng trở người Việt về nước làm ăn. Do đó nhiều người có thiện chí cũng không muốn về. Ngay cả làm thiện nguyện cũng phải báo cáo với chính quyền địa phương nên rất nhiều trở ngại".
Cũng trong buổi tọa đàm về vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hôm 8 tháng 5, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, bà Vũ Thị Huỳnh Mai cho hay, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 2,8 triệu kiều bào ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng thành phố chưa có dữ liệu về các lĩnh vực mà kiều bào hoạt động và nghề nghiệp của họ. Theo bà Mai, "việc xây dựng phần mềm dữ liệu kiều bào sẽ là động lực để tập hợp kiều bào ở tất các quốc gia, vùng lãnh thổ để có từng nhóm, phát huy được vai trò của họ để hỗ trợ thành phố khi cần". Với mục đích thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, một số lãnh đạo có mặt trong buổi tọa đàm hôm 8 tháng 5 vừa qua cho rằng phải xác định vai trò của cộng đồng doanh nhân, trí thức trong kết nối các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy nêu quan điểm của ông với RFA :
‘Khi làm một cơ sở dữ liệu về kiều bào, chính quyền không nghĩ hoặc không đặt mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ kiều bào để giúp họ phát triển bản thân và gia đình trước mà đặt mục tiêu thẳng luôn là tập hợp họ lại để nhờ họ giúp phát triển, hỗ trợ thành phố khi cần.
Chính vì cái tư duy như vậy cho nên thái độ và hành động của chính quyền đối với kiều bào qua bao nhiêu năm vẫn không thể thay đổi. Kiều bào mà cần sự giúp đỡ thì liên lạc với đại sứ quán ở nước ngoài rất khó. Gửi email sẽ không thấy trả lời. Còn gọi điện thoại thì không thấy nhấc máy. Đại sứ quán đúng lý ra nó phải là một nhịp cầu tình cảm thì nó trở thành một nơi duy nhất mà khi cần lắm thì người Việt ở hải ngoại cố nhịn để tới làm cho xong giấy tờ hay một thủ tục nào đó.
Muốn nhận được sự giúp đỡ của kiều bào với thành phố nói riêng và quốc gia nói chung thì chính quyền cần thay đổi cách đối xử với nhân dân nói chung trước, phải khoan dung với các tiếng nói khác biệt, phải tôn trọng những quyền cơ bản của người dân, và phải cải cách để diễn ra một cuộc bầu cử tự do để tạo tính chính danh cho chính quyền".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, khi một chính quyền có tính chính danh, được dân bầu chọn công khai, có tính khoan dung và mở lòng đối với các ý kiến, dù khác biệt, thì người dân ở mọi miền trên khắp quốc gia và trên thế giới sẽ tìm cách giúp đỡ quốc gia và thành phố mà không cần phải kêu gọi họ.
Nguồn : RFA, 10/05/2024
Con số các tỉ phú đôla Việt Nam đã tăng lên tới 6 người vào cuối năm 2020, sở hữu khối tài sản tổng cộng lên tới 16,2 tỉ USD trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh sau khi rớt giá trong một thời gian ngắn vào tháng Ba, VnExpress trích dẫn tạp chí Forbes cho biết.
Giá trị tài sản của các tỉ phú tại thời điểm 13/10 theo cập nhật của Forbes - Nguồn : Forbes
Đứng đầu danh sách vẫn là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup.
Theo danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes công bố hàng ngày, thì tính cho tới ngày 6/1, tỉ phú Phạm Nhật Vượng, 53 tuổi, sở hữu khối tài sản 7 tỉ USD, tăng lên 139 triệu USD so với ngày giao dịch trước. Ông Vượng xếp hạng 345 trên danh sách những người giàu nhất thế giới trong ngày 6/1/2021 (1).
Kế đến là nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet với khối tài sản 2,5 tỉ USD, tăng thêm 400 triệu USD trong năm 2020 bất chấp tác động nặng nề của đại dịch Covid đối với ngành hàng không. Bà Thảo được xếp hạng 1181 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Tiếp theo là Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, người đã lọt sổ hồi năm ngoái nhưng năm nay trở thành người giàu thứ 3 tại Việt Nam với khối tài sản tăng vọt lên tới 2 tỉ vào cuối năm nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh trên sàn chứng khoán. Ông Long xếp hạng 1491 trong danh sách những người giàu nhất của Forbes. Những tỉ phú còn lại trong danh sách của Forbes gồm có Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, chủ khối tài sản ước lượng 1,7 tỉ USD và xếp hạng 1647 trên danh sách Forbes, sau đó là Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang, tỉ phú xếp hạng 5 tại Việt Nam với khối tài sản 1,5 tỉ USD, và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương với khối tài sản trị giá 1,5 tỉ USD, vẫn giữ nguyên so với đầu năm.
Tỉ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng còn được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 15 nhà từ thiện hào phóng nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo tạp chí Forbes, ông Vượng và Hội từ thiện Thiện Tâm của ông đã đóng góp 77 triệu USD để tài trợ chống Covid, cấp học bổng và các chương trình y tế khác trong nước.
Ông thành lập Quỹ Thiện Tâm vào năm 2006, chủ yếu để giúp đỡ những người nghèo khó tại Việt Nam, cấp học bổng cho trẻ em cần được giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người không đủ khả năng chi trả. Tổ chức từ thiện này còn xây nhà, trung tâm y tế, thư viện, cơ sở hạ tầng cho các cộng đồng có thu nhập thấp và cung cấp các khoản cứu trợ thiên tai.
Thêm vào đó, Vingroup cũng đóng góp 55 triệu USD trong các hoạt động chống dịch Covid-19, như cung cấp máy thở và các thiết bị cho các tổ chức y tế.
(1) https://www.forbes.com/real-time-billionaires/#1a3db49c3d78
Làn sóng xuất hiện các tỷ phú USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam là điều bất ngờ lớn trong năm 2016, nhưng chắc chắn là tín hiệu rất tốt cho một nền kinh tế đang bước sang giai đoạn phát triển mới.
Giấc mơ trở thành tỷ phú, triệu phú USD chưa bao giờ gần gũi với hiện thực như bây giờ, khi mà hàng loạt các doanh nhân trẻ đang nổi lên nhanh chóng và ghi danh vào tầng lớp siêu giàu, nhờ vào một thế giới phẳng với các kênh hút vốn, công nghệ quản trị và nhân lực liên thông toàn cầu.
Vài tháng thêm 2 tỷ phú USD
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng lịch sử Việt Nam cũng đã ghi nhận tỷ phú USD chính thức thứ 2 vào những tháng cuối cùng của 2016. Đó là ông Trịnh Văn Quyết (42 tuổi), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết được biết đến với vai trò chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC và là cổ đông lớn nhất của một doanh nghiệp xây dựng có tốc độ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam : CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS). Đây là hai công ty gắn liền với chuỗi dự án nghỉ dưỡng và sân golf quy mô lớn đang phát triển tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam trong những năm gần đây như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Hạ Long…
Tính tới thời điểm cuối 2016, ông Quyết sở hữu gần lượng cổ phiếu trị giá tổng cộng hơn 33 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), vượt qua người đứng số một trước đó là tỷ phú Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Tập đoàn Vingroup).
Ít nhất đã có 3 tỷ phú USD được công khai trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, trong những ngày cuối cùng của năm 2016, giới đầu tư xôn xao với thông tin thị trường đón thêm một tỷ phú USD mới. Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) - được xem là tỷ phú USD thứ 3 tại Việt Nam, và hiện đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán.
Cùng với người thân, ông Nhơn nắm giữ tổng cộng khoảng 380 triệu cổ phiếu NVL, có tổng giá trị khi đóng cửa phiên đầu tiên trên sàn là khoảng 23,4 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Cả chục tỷ phú USD nữa đang chờ
Sự xuất hiện liên tiếp 2 tỷ phú USD tất nhiên đã khuấy động giới đầu tư chứng khoán. Cùng với đó, thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết với hàng loạt các doanh nghiệp lớn lên sàn và xếp hàng chờ lên sàn, hứa hẹn những tỷ phú USD mới.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hơn 216 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (Banacab), trị giá hơn 2.160 tỷ đồng theo mệnh giá.
Với tiềm năng lớn, với những diễn biến tăng giá gấp 5-7, thậm chí cả chục lần so với mệnh giá như nhiều cổ phiếu lên sàn gần đây thì vốn hóa của Banacab cũng có thể lên tới cả tỷ USD.
Ông Lê Viết Lam, người nắm giữ phần lớn cổ phiếu tại doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ nằm trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Ngoài Banacab, ông Lam còn có nhiều dự án và doanh nghiệp lớn chưa lên sàn thuộc Tập đoàn SunGroup.
Bà chủ hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cũng có thể trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên và là tỷ phú USD thứ 4-5 tại Việt Nam sau khi hãng không này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Tài sản của bà Thảo còn nhiều hơn thế với BĐS và BĐS nghỉ dưỡng khắp cả nước, như : Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang, An Lam Ninh Van Bay Villas và cổ phần tại Ngân hàng HDBank.
Ông Trần Bá Dương, ông chủ của doanh nghiệp ô tô lớn nhất Việt Nam - Trường Hải Thaco (được định giá hơn 2 tỷ USD) cũng được cho là người có thể vượt mặt nhiều đại gia giàu có trên thị trường chứng khoán nếu cổ phiếu lên sàn.
Đó là chưa kể tới doanh nhân Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG và Ngân hàng SeABank với hàng loạt các BĐS "khủng" như : khách sạn Hilton, khách sạn Thắng Lợi, khách sạn Sông Nhuệ, Intimex, các sân golf trải trên nhiều tỉnh thành.
Hay đó là ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch Geleximco ; ông Nguyễn Văn Trường, đại gia đầu năm động thổ xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư khoảng 15 ngàn tỷ đồng và là người đã thành công với : Quần thể khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính tại tỉnh Ninh Bình ; Khu du lịch Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân cũng có thể sớm ghi danh tỷ phú USD như : ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT Him Lam và cổ đông lớn của LienVietPostBank ; Đỗ Quang Hiển, chủ tịch Tập đoàn T&T ; ông Johnathan Hạnh Nguyễn (vua hàng hiệu Việt Nam), bà Trương Mỹ Lan, Trần Thanh Quý (Tân Hiệp Phát)...
Còn nhiều doanh nhân nữa xứng đáng với danh hiệu tỷ phú USD.
Thị trường hứa hẹn còn bùng nổ
Khác với các năm trước, thị trường chứng khoán 2016 chứng kiến một sự bứt phá ngoạn mục về quy mô vốn. Hàng loạt các doanh nghiệp quy mô vốn khổng lồ lên sàn và theo đó hàng loạt các đại gia mới gia nhập top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Các đại gia mới xuất hiện ngày càng giàu có với túi tiền không còn ở mức vài trăm tỷ, mà thay vào đó là vài ngàn tỷ. Để có thể gia nhập top 10, giờ đây các đại gia cần tối thiểu 2.330 tỷ đồng.
Đó là chưa kể tới việc, một số doanh nhân chuyển cổ phiếu qua các doanh nghiệp tư nhân để dễ dàng hơn trong việc quản lý nhưng lại khiến khối tài sản cá nhân và vị trí trên bảng xếp hạng suy giảm.
Sự xuất hiện dồn dập của các doanh nghiệp lớn, các doanh nhân giàu có trên thị trường chứng khoán trong năm 2016 đánh dấu một bước tiến mới của kênh huy động vốn quan trọng này. Nó không chỉ là hàn thử biểu cho nền kinh tế mà còn là thước đo sự minh bạch và triển vọng phát triển trong tương lai của quốc gia.
Sau 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán chứng kiến hơn 1.000 doanh nghiệp đại chúng đã đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung. Quy mô vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên 70 tỷ USD, thu hút 1,6 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán hóa đạt 42% GDP. Sau 20 năm, thị trường chứng khoán đã huy động được trên 2 triệu tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển doanh nghiệp và đất nước. Khoảng 4.000 doanh nghiệp đã thực hiện bán đấu giá công khai cổ phần ra công chúng.
Với làn sóng doanh nghiệp lên sàn và doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập mới tăng kỷ lục và các chính sách mạnh mẽ thúc đẩy của Chính phủ, trong thời gian tới, thị trường chứng khoán được đánh giá sẽ còn phát triển bùng nổ hơn nữa. Sẽ có thêm những doanh nhân triệu phú, tỷ phú… và họ sẽ đại diện cho sự giàu có và thịnh vượng của quốc gia.
V. Hà