Hà Nội yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm tại rừng phòng hộ Sóc Sơn (RFA, 30/10/2014)
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm ở rừng đặc dụng Sóc Sơn. Nếu không thực hiện thì cơ quan này sẽ quyết định cưỡng chế bất kể người đó là ai.
Các biệt phủ tại rừng phòng hộ Sóc Sơn. Screen Capture
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu của chủ tịch thành phố Hà Nội, Ông Nguyễn Đức Chung, tại phiên họp giao ban của thành phố diễn ra hôm 30/10.
Theo ông chủ tịch thành phố Hà Nội thì Ban Quản lý Rừng Đặc dụng Sóc Sơn với các xã huyện, dù đã phân cấp thanh tra xây dựng nhưng làm việc vẫn hời hợt và nhiều yếu kém. Ông yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng ở Huyện Sóc Sơn. Riêng 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng phải bị cưỡng chế.
Vị chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh tại phiên họp rằng sau khi thanh tra toàn diện sẽ xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm bất kể người đó là ai.
Gần đây, công luận đặc biệt quan tâm đến tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch. Trong khi đó thì lãnh đạo địa phương không thừa nhận sai phạm và cho rằng những công trình kiên cố đó chỉ là nhà tạm.
Sau khi báo chí lên tiếng phản ánh tình trạng sai phạm trong việc cấp hơn 200 sổ đỏ cho việc nhận và chuyển nhượng đất rừng cùng với việc quản lý lỏng lẻo của huyện khiến đất rừng bị "xẻ thịt" nhưng đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn tại một số biệt phủ và khu du lịch sinh thái.
Một trong những biệt thự được nói đến là của cô ca sĩ Mỹ Linh. Cô này bị cư dân mạng phản đối mạnh mẽ sau khi có phát biểu đồng tình với việc xây dựng nhà hát giao hưởng tại khu vực Thủ Thiêm. Đây là nơi mà nhiều người dân đang phải khiếu nại do biện pháp cưỡng chế vi phạm luật được Thanh Tra chính phủ xác nhận.
Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng lên tiếng xin lỗi về những sai phạm đất đai như thế.
*****************
Người Việt tại Đài Trung bị cáo buộc giết chó ăn (RFA, 30/10/2018)
Cảnh sát và cơ quan chức năng bảo vệ động vật tại Đài Trung bắt 17 công nhân người Việt Nam vào tối ngày thứ năm tuần qua vì nghi ngờ giết chó ăn thịt.
Hình minh hoạ. Một cửa hàng thịt chó ở Hà Nội hôm 26/7/2012 - AFP
Mạng báo Asia Times loan tin ngày 29 tháng 10 cho biết sau khi nghe tin báo từ người dân địa phương, cảnh sát và lực lượng chức năng bảo vệ động vật hoang dã đột kích vào một nhà máy xử lý nước nơi có các công nhân Việt Nam làm việc.
Asia Times dẫn nguồn Nhật báo Taiwan Apple rằng tại ký túc xá của nhà máy xử lý nước họ phát hiện 17 công nhân người Việt đang ăn món chó hầm. Lực lượng chức năng phát hiện một bao nhựa đen chứa đầu và nội tạng của một con chó. Còn trong bếp thì có những khay đựng thịt được cho là thịt con chó bị giết.
Ngoài ra tại nhà máy xử lý nước còn có 3 con chó sống mà theo suy luận của Cảnh sát thì đó là những con chó hoang ; chúng bị những công nhân Việt Nam bắt để giết thịt. Cả ba con chó này được lực lượng chức năng đưa đi.
Về phía các công nhân Việt Nam bị bắt vì giết chó để ăn thì không ai nhận có hành động đó ; tuy nhiên đến khi một nữ công nhân có họ Nguyễn, 36 tuổi bị xét nghiệm đúng có máu chó dính nơi kẻ tay thì họ mới nhận tội.
Người nữ công nhân sau đó cho biết một nam công nhân tên Giáp 52 tuổi là người giết con chó. Người này dùng dao cắt cổ chó và sau đó xẻ thịt.
Theo Luật Bảo Vệ Động Vật của Đài Loan thì những người phạm tội giết chó, mèo phải đối diện với mức án đến hai năm tù giam cùng với khoản phạt tối đa là 2 triệu Đài Tệ, tương đương hơn 64 ngàn đô la Mỹ. Những người ăn thịt chó, mèo bị phạt tiền lên đến 250 ngàn Đài Tệ, tương đương hơn 8 ngàn đô la Mỹ.
Tại một số nước Châu Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, nhiều người có thói quen ăn thịt chó. Điều này bị các tổ chức bảo vệ động vật lên án. Gần đây, thủ đô Hà Nội nói sẽ loại trừ việc buôn bán, tiêu thụ thịt chó mèo vào năm 2021.
**************
Romania sẽ nhận thêm công nhân Việt Nam (RFA, 30/10/2018)
Romania cần có thêm công nhân Việt Nam để đáp ứng cho nhu cầu thị trường lao động của nước này.
Mạng báo Business News được Asia Times dẫn lại vào ngày 30 tháng 10 như vừa nêu, cho biết thêm là Bộ Trưởng Lao Động của Romania sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm nay. Nhân dịp đó hai phía có kế hoạch ký một biên bản ghi nhớ về vấn đề thuê lao động Việt Nam sang Romania làm việc.
Hình minh hoạ. Nông dân Romania ở làng Rosia Montana hôm 19/9/2011 AFP
Phía Romania cho biết hiện đang thiếu công nhân làm trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và du lịch.
Ông Stefan Radu Oprea, Bộ Trưởng Môi trường Kinh Doanh-Thương Mại- Doanh Nghiệp của Romania, được dẫn lời rằng kế hoạch đưa công nhân nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam, sang Romania làm việc thuộc chiến lược lao động của nước này.
Hiện nay những người Việt đang lao động tại Romania chủ yếu làm trong ngành đóng tàu. Cụ thể tại Xưởng đóng tàu Vard Tulcea đang có chừng 450 công nhân Việt Nam. Trong thời gian tới sẽ có thêm công nhân được nhận vào những xưởng đóng tàu khác tại Romania.
Vào tuần qua, phía Romania cũng vừa ký hai biên bản ghi nhớ với Việt Nam liên quan đến đầu tư và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
*****************
Romania muốn nhập khẩu nhiều công nhân Việt hơn (VOA, 30/10/2018)
Chính phủ Romania đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhân lực kéo dài nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế của nước này bằng cách nhập khẩu công nhân nước ngoài, đặc biệt là từ Việt Nam. Quốc gia Đông Âu này đang chuẩn bị ký một bản ghi nhớ với Việt Nam để nhập khẩu nhiều công nhân Việt hơn.
Công nhân xây dựng tại một công trường ở Hà Nội hôm 31/5/2016. Romania muốn đưa nhiều hơn nữa các công nhân Việt Nam, đặc biệt trong ngành xây dựng, tới nước họ làm việc để giải tỏa nạn khan hiếm lao động.
Business Review cho biết Bộ trưởng Lao động của Việt Nam có kế hoạch đến thăm Romania vào cuối năm nay và dự kiến sẽ ký bản ghi nhớ với chính phủ Romania.
Tuần trước, Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania, Stefan Radu Oprea đã tới thăm Việt Nam và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón, theo Nhân Dân. Trong chuyến thăm này, ông Oprea đã ký hai bản ghi nhớ liên quan tới đầu tư và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Theo Business Review, Romania cần đưa công nhân Việt sang nước này để giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động. Bộ trưởng Oprea nói rằng Romania cần công nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và du lịch. Công nhân Việt sẽ bù vào số lao động trong nước thiếu hụt của Romania.
Một làn sóng khổng lồ các công nhân nước ngoài không thuộc khối Liên Hiệp Châu Âu được nhập khẩu vào Romania với một con số kỷ lục là 17.089 người trong tháng Bảy vừa qua.
Số công nhân đến từ Việt Nam đang tăng mạnh. Năm ngoái, Việt Nam đứng đầu danh sách những nước xuất khẩu công nhân nhiều nhất sang Romania với 1.406 người, trên Thổ Nhĩ Kỳ – đứng thứ hai với 669 người, và Trung Quốc – đứng thứ ba với 566 người, theo Business Review.
Công nhân Việt Nam chủ yếu làm tại các xưởng đóng tàu. Khoảng 450 lao động Việt đang làm việc cho xưởng đóng tàu Vard Tulcea. Sẽ có thêm nhiều công nhân nữa tới làm ở các xưởng đóng tàu khác trong tương lai gần.
Romania và Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 500 triệu USD trong tương lai từ con số gần 200 triệu USD như hiện nay, theo Nhân Dân.
Sài Gòn phá đường dây mua bán, sử dụng, chế tạo vũ khí (Người Việt, 06/11/2017)
Sáng 6 tháng Mười Một, Phòng Cảnh Sát Hình Sự (PC45) công an ở Sài Gòn cho biết đơn vị này vừa phối hợp với công an nhiều tỉnh thành, phá thành công đường dây mua bán, sử dụng, chế tạo vũ khí quân dụng.
Ông Nguyễn Hồng Phúc và nhiều vũ khí bị công an thu giữ. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ, đường dây này do ông Nguyễn Hồng Phúc (32 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long, tạm trú tỉnh Bình Phước) giữ vai trò cầm đầu và tổ chức hoạt động thời gian qua.
Báo này cho hay, đường dây mua bán, sử dụng, chế tạo vũ khí trải dài trên nhiều tỉnh thành như Sài Gòn, Lâm Đồng, Bình Phước, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… Số lượng và chủng loại cũng rất đa dạng như súng quân dụng, súng tự chế, lựu đạn, thuốc nổ, dây cháy chậm, bình xịt hơi cay…
Để chế tạo vũ khí, ông Phúc chọn một khu rừng ở tỉnh Bình Phước làm trung tâm chế tạo, thử nghiệm các loại vũ khí trước khi bán ra thị trường. Trong đường dây này, ông Phúc giữ vai trò chủ mưu của băng nhóm "cấp trên", gồm Phúc và nhiều đồng phạm khác. Dưới nhóm "cấp trên" là hàng loạt các "chân rết" phủ dài trên nhiều tỉnh, thành.
Tin cho hay, công an thu giữ hàng loạt súng đạn quân dụng các loại (có cả trong nước lẫn ngoài nước), súng bút, súng tự chế, ống giảm thanh, súng đạn hoa cải, lựu đạn, bình xịt hơi cay… với đủ loại giá bán khác nhau. Riêng súng thì giá bán dao động khoảng 10 đến 30 triệu đồng/khẩu súng (từ $440 đến $1,323).
Ngoài mua bán, sử dụng, chế tạo nhiều loại vũ khí, băng nhóm này còn nhận "hợp đồng" đòi nợ thuê, mang súng đi thanh toán nhau, nếu có ai ra giá hợp lý. (Q.D.)
********************
Thu hồi giấy phép gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (RFA, 06/11/2017)
Có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, có trụ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Ảnh minh họa : Công nhân lên đường sang Đài Loan xuất khẩu lao động năm 2009. Courtesy : vieclamvietnam.gov.vn
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, thuộc Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 6 tháng 11.
Nguyên nhân 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép do vi phạm các quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chẳn hạn như không làm thủ tục đổi giấy phép, không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép, không trực tiếp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội đề nghị 46 doanh nghiệp này phải có báo cáo về tình hình của công ty và vẫn phải chịu trách nhiệm tiếp tục quản lý, hỗ trợ các lao động đang làm việc ở nước ngoài cũng như chuẩn bị ra nước ngoài làm việc.
Hiên có 296 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhiều công nhân lao động xuất khẩu lâu nay lên tiếng cho biết họ bị doanh nghiệp môi giới lừa đảo. Tình trạng này đến nay vẫn xảy ra.
***********************
Người dân sinh sống cạnh Sân bay Biên Hòa, chỉ cách một con đường và một bức tường, lâu nay phải dùng nguồn nước giếng để ăn uống, tắm giặt. Nguồn nước không hề được lọc qua phương tiện nào như nguồn nước máy.
Những đứa trẻ sống gần Sân bay Biên Hòa nghi nhiễm chất dioxin. RFA
"Nhà cô sống ở đây hơn 20 năm rồi, mà điện cũng mới có. Nước sạch chưa có, cứ ăn nước giếng. Tương lai hoặc hậu quả sau này cô không biết được.
Nước máy vào đây là mong muốn của rất nhiều người. Mà không biết chừng nào có, cứ bảo từ từ mà không biết từ từ là chừng nào".
"Chị là chị xài nước giếng, chị mua cái máy lọc về chị lọc xài thôi chứ giờ nước máy đâu có vào tới đây. Bọn em coi xem nhờ chính quyền địa phương nếu mà kéo được thì tốt cho dân".
Hầu hết người dân, ai cũng mong muốn có môi trường sạch sẽ, nhất là với nguồn tin chất hóa học da cam dioxin gây ra hậu quả tàn khốc cho con người.
Gia đình chị Lê Thị Mỹ, thuộc khu phố 11, phường Tân Phong, có một bé gái mà gia đình chị nghi ngờ rằng cháu bị nhiễm chất dioxin. Gia đình chị lâu nay sống cạnh sân bay Biên Hòa, trước kia người thân trong gia đình chị phục vụ trong quân đội. Chị Mỹ tỏ rõ sự lo ngại khi nhắc đến hậu quả của chất này.
"Đáng lẽ phải làm sớm hơn, để bây giờ biết bao nhiêu năm nay, nếu thực chất nó có thì nó đã ăn sâu trong máu người ta hết rồi. Sống bao nhiêu năm, mấy chục năm rồi chứ còn gì nữa".
Và không riêng con gái chị Mỹ, còn nhiều trường hợp gia đình sống quanh sân bay có con cái sinh ra bị dị tật và mắc nhiều biến chứng khiến cơ thể phát triển không bình thường.
"Thằng thì không nói được, đi học trường tàn tật. Chung quanh nhà nó đây hiện tại là ba thằng, xong lại một cái nhà hàn xì đây nữa nằm đơ đơ đấy, 17 tuổi rồi. Chung quanh đây là nguyên cái chỗ này là 4 đứa rồi, là nuôi không hy vọng rồi. Thằng này nuôi cũng không hy vọng đâu".
"Cô mong muốn nhà nước làm càng sớm càng tốt. Cô thấy nhà nước làm hơi trễ, hơi chậm cho dân".
"Bà vui, họ làm vậy bà vui lắm, bà trông cho cái nước độc này họ nói có bị ô nhiễm, xử lý cho an toàn".
"Nếu như mà được Tổng thống Mỹ quan tâm thì chị muốn con chị sẽ được ưu đãi phần đó, cho dù là đi qua bên đó để chữa cho nó chị cũng bằng lòng".
Trong Chiến tranh Việt Nam, Sân bay Biên Hòa được Hoa Kỳ làm nơi chứa chất diệt cỏ. Tin tức ghi nhận cho thấy từ cuối năm 1969 đến quí 1 năm 1970, có 4 vụ tràn chất hóa học từ các bể chứa ra ngoài ; trong đó 25.000 lít chất da cam và 2.500 lít chất trắng.
Mãi đến trung tuần tháng 9 vừa qua, dự án có tên ‘Xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất dioxin’ mới được khởi động. Khoản kinh phí dành cho dự án này được nói là 270 tỷ đồng, triển khai từ nay đến năm 2020. Mục tiêu được nói nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ phơi nhiễm cho cán bộ và người dân sinh sống tại khu vực trong và ngoài sân bay Biên Hòa.
Tin cho biết dự án này nhằm chuẩn bị về hạ tầng, kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thực hiện ‘Dự án Xử lý Tổng thể Chất Dioxin tại Sân bay Biên Hòa’ bằng nguồn kinh phí ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ và một số đối tác quốc tế khác có tổng kinh phí chừng 500 triệu đô la.
https://youtu.be/C6R_luiQaKw
Thông tín viên RFA
******************
Hơn 90% tiền tham nhũng bị tẩu tán (RFA, 06/11/2017)
Có đến 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Đây là quan ngại mà một số đại biểu quốc hội nêu lên tại phiên thảo luận của Quốc hội vào chiều ngày mùng 6 tháng 11 năm 2017.
Ông Dương Chí Dũng tại phiên xử ở Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 16 tháng 12 năm 2013. Photo : AFP
Một số Đại biểu Quốc hội cho rằng việc thu hồi tài sản là quá ít so với thiệt hại lớn do tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia ; đồng thời kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng như mở rộng đối tượng kê khai tài sản và phải kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng sau khi được xác minh.
Theo trình bày tại phiên thảo luận thì trong vụ đại án Vinashin cho đến tháng 7 vừa qua thì hai phạm nhân Trần Văn Liêm và Phạm Thanh Bình vẫn chưa bồi hoàn một khoản nào trong số tiền bồi thường thiệt hại 989,2 tỷ đồng. Còn trong vụ đại án Vinalines, ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, người nhận bản án tử hình chỉ mới bồi hoàn 21 tỷ đồng trong tổng số 110 tỷ đồng được yêu cầu trả lại cho ngân sách nhà nước.
Sinh viên Việt Nam ở Nhật tham gia một cuộc thi với 18 đội đến từ nhiều nước tại Tokyo vào ngày 31 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Hàng chục ngàn người Việt qua Nhật theo diện du học sinh hoặc thực tập sinh nhưng phần lớn bỏ ra ngoài đi làm chứ không đi học.
Thực chất là đi làm
Con số người Việt đến Nhật Bản trong tư cách du học sinh hay thực tập sinh hiện lên tới 60.000. Tuy nhiên chỉ 8% tức khoảng 5.000 là thực sự đi học, còn hầu hết bỏ ra ngoài kiếm việc làm và hành nghề một cách bất hợp pháp.
Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ như vậy trong buổi gặp gỡ giữa hai vị tại Việt Nam hôm thứ Năm 5 tháng Giêng 2017 vừa qua.
Từ Tokyo, một bạn trẻ tên Hùng, từ Sài Gòn qua Nhật du học, nói rằng con số 8% thật sự đi học có lẽ hơi nhiều so với thực tế :
Khoảng 8% thì em nghĩ số đó hơi nhiều. Thực sự mà nói ở bên đây đa số các bạn nói chung là mượn danh du học sinh thôi chứ chủ yếu qua đây để làm việc. Đa số qua đây theo em thấy tất cả đều học xong đại học hết, ở Việt Nam kiếm việc không có nên họ muốn qua đây kiếm số vốn. Cơ bản bên đây một giờ làm việc, nếu mà ở Tokyo, thì khoảng 900 tới 1.000 Yen, một giờ làm việc của nó khoảng gần 200.000 tiền Việt Nam, trong khi ở Việt Nam mình một giờ làm việc chỉ khoảng 10.000, 12.000 hoặc 15.000 thôi. Bảo là đi học này nọ, nói là tu nghiệp sinh thực chất cũng chỉ là xuất khẩu lao động thôi.
Tiếng là du học sinh hay thực tập sinh nhưng làm sao bỏ học đi làm mỗi ngày mà không gặp vấn đề được bạn Hùng giải thích thêm :
Ở bên Nhật này tất cả các trường học đều điểm danh hết, các bạn chỉ nhắm đúng giờ điểm danh đó các bạn lên lớp, có mặt ở đó để người ta điểm danh là mình không vắng mặt. Cả ngày dành để đi làm, nếu là du học sinh thì lên lớp chỉ có ngủ thôi. Trên mạng có nhiều hình các bạn chuyền tay nhau, lên lớp là cả lớp đều ngủ hết.
Khi du học sinh qua đây thì người ta qui định một tuần được làm khoảng 28 tiếng. Các bạn lách luật như thế nào đó thì một tuần họ làm 40 tiếng hoặc hơn. Visa được một năm sáu tháng hay hai năm gì đó thì người ta tận dụng hết người ta cày cuốc để kiếm tiền, sau đó ôm tiền về Việt Nam. Một số tìm cách ở lại, hết visa rồi vẫn cố ở lại để kiếm tiền và tìm mọi cách gởi tiền về Việt Nam.
Trong buổi nói chuyện với bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam hôm thứ Năm, Đại sứ Nhật Umeda Kunio nói với ông Phùng Xuân Nhạ rằng nếu không kiểm soát được số du sinh và tu nghiệp sinh thật sự muốn sang Nhật để học tập thì điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Việt Nam trong mắt người Nhật Bản.
Hình ảnh xấu trong mắt người bản xứ
Có thể nói đây là lần đầu tiên Việt Nam nhận được sự nhắc nhở cảnh báo trực tiếp như vậy từ phía Nhật, trong lúc những tai tiếng không hay liên quan đến những người Việt sang Nhật để học hay kiếm việc làm đã từng tạo sự chú ý nơi người bản xứ. Đây cũng là điều bạn du học sinh tên Hùng muốn chia sẻ :
Điều đó xảy ra từ nhiều năm rồi. Theo báo chí Nhật thì số lượng du học sinh, tu nghiệp sinh người Việt Nam qua Nhật vẫn nằm trong hàng top. Mới năm ngoái 2016, dân Việt Nam mình đứng hàng đầu về tỷ lệ tội phạm ở Nhật. Trộm cắp này, đá tàu trốn tàu đi tàu mà không mua vé, trộm đồ trong siêu thị rồi tuồn ra ngoài bán với giá rẻ hơn.
Bên đây tất cả đều là tự động hết, không có người canh nên là cứ thế mà không mua vé, cứ thế mà vào ăn cắp thôi.
Vẫn theo lời bạn Hùng, đôi khi cách sống và thái độ ứng xử của các bạn người Việt mình cũng tạo ấn tượng không mấy tốt về Betonamu tức người Việt Nam trong mắt người Nhật :
Không riêng gì dân Trung Quốc đâu, dân Việt Nam khi ra đường kiểu như là bỗ bã, nói chuyện lớn tiếng, đi lấn hết cả đường, thì mình không nghe được người Nhật người ta nói cái gì nhưng mà nghe được chữ Betonamu tức là Việt Nam trong đó thì rõ ràng đã có ảnh hưởng xấu rồi.
Đáp lời Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ buộc các công ty tư vấn du học làm việc nghiêm túc hơn. Ông cũng đồng thời yêu cầu phía Nhật cung cấp danh sách những công ty có dấu hiệu vi phạm để điều tra và đưa ra tòa xét xử theo đúng luật pháp.
Để tìm kiếm thêm thông tin từ phía Việt Nam, đường dây viễn liên của đài Á Châu Tự Do nhiều lần được nối về các viên chức thẩm quyền Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cũng như các công ty tư vấn du học,đặc biệt cho du sinh đến Nhật. Rất tiếc những vị bắt máy hoặc từ chối bình luận hoặc nói là không hay biết gì nên không thể trả lời.
Đây cũng không phải lần đầu tiên thông tin không tốt về người Việt tại xứ Phù Tang được đưa ra. Ngoài thành phần du học sinh, thực tập sinh như vừa nêu, giới phi công, tiếp viên hàng không cũng bị phía Nhật bắt do nằm trong đường dây chuyển hàng mà người Việt ăn cắp ở các siêu thị ở xứ này đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Kế đó là hành xử của nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đối với công dân bản xứ có việc phải đến liên hệ tại đó. Tất cả đều được đưa lên truyền thông địa phương và những cảnh báo bằng tiếng Nhật được ghi rõ để thông báo cho cộng đồng địa phương cảnh giác.
Vấn đề ‘thể diện quốc gia’ được gợi đến qua những vụ việc tại Nhật Bản cũng như ở một số nước khác lâu nay, thế nhưng dường như tình trạng vẫn chưa có gì chuyển biến.
Thanh Trúc, phóng viên RFA