Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/01/2017

Hơn 90% du học sinh Việt ở Nhật bỏ học, vì sao ?

RFA tiếng Việt

duhoc1

Sinh viên Việt Nam ở Nhật tham gia một cuộc thi với 18 đội đến từ nhiều nước tại Tokyo vào ngày 31 tháng 1 năm 2016. AFP photo

Hàng chục ngàn người Việt qua Nhật theo diện du học sinh hoặc thực tập sinh nhưng phần lớn bỏ ra ngoài đi làm chứ không đi học.

Thực chất là đi làm

Con số người Việt đến Nhật Bản trong tư cách du học sinh hay thực tập sinh hiện lên tới 60.000. Tuy nhiên chỉ 8% tức khoảng 5.000 là thực sự đi học, còn hầu hết bỏ ra ngoài kiếm việc làm và hành nghề một cách bất hợp pháp.

Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ như vậy trong buổi gặp gỡ giữa hai vị tại Việt Nam hôm thứ Năm 5 tháng Giêng 2017 vừa qua.

Từ Tokyo, một bạn trẻ tên Hùng, từ Sài Gòn qua Nhật du học, nói rằng con số 8% thật sự đi học có lẽ hơi nhiều so với thực tế :

Khoảng 8% thì em nghĩ số đó hơi nhiều. Thực sự mà nói ở bên đây đa số các bạn nói chung là mượn danh du học sinh thôi chứ chủ yếu qua đây để làm việc. Đa số qua đây theo em thấy tất cả đều học xong đại học hết, ở Việt Nam kiếm việc không có nên họ muốn qua đây kiếm số vốn. Cơ bản bên đây một giờ làm việc, nếu mà ở Tokyo, thì khoảng 900 tới 1.000 Yen, một giờ làm việc của nó khoảng gần 200.000 tiền Việt Nam, trong khi ở Việt Nam mình một giờ làm việc chỉ khoảng 10.000, 12.000 hoặc 15.000 thôi. Bảo là đi học này nọ, nói là tu nghiệp sinh thực chất cũng chỉ là xuất khẩu lao động thôi.

Tiếng là du học sinh hay thực tập sinh nhưng làm sao bỏ học đi làm mỗi ngày mà không gặp vấn đề được bạn Hùng giải thích thêm :

Ở bên Nhật này tất cả các trường học đều điểm danh hết, các bạn chỉ nhắm đúng giờ điểm danh đó các bạn lên lớp, có mặt ở đó để người ta điểm danh là mình không vắng mặt. Cả ngày dành để đi làm, nếu là du học sinh thì lên lớp chỉ có ngủ thôi. Trên mạng có nhiều hình các bạn chuyền tay nhau, lên lớp là cả lớp đều ngủ hết.

Khi du học sinh qua đây thì người ta qui định một tuần được làm khoảng 28 tiếng. Các bạn lách luật như thế nào đó thì một tuần họ làm 40 tiếng hoặc hơn. Visa được một năm sáu tháng hay hai năm gì đó thì người ta tận dụng hết người ta cày cuốc để kiếm tiền, sau đó ôm tiền về Việt Nam. Một số tìm cách ở lại, hết visa rồi vẫn cố ở lại để kiếm tiền và tìm mọi cách gởi tiền về Việt Nam.

Trong buổi nói chuyện với bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam hôm thứ Năm, Đại sứ Nhật Umeda Kunio nói với ông Phùng Xuân Nhạ rằng nếu không kiểm soát được số du sinh và tu nghiệp sinh thật sự muốn sang Nhật để học tập thì điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Việt Nam trong mắt người Nhật Bản.

Hình ảnh xấu trong mắt người bản xứ

Có thể nói đây là lần đầu tiên Việt Nam nhận được sự nhắc nhở cảnh báo trực tiếp như vậy từ phía Nhật, trong lúc những tai tiếng không hay liên quan đến những người Việt sang Nhật để học hay kiếm việc làm đã từng tạo sự chú ý nơi người bản xứ. Đây cũng là điều bạn du học sinh tên Hùng muốn chia sẻ :

Điều đó xảy ra từ nhiều năm rồi. Theo báo chí Nhật thì số lượng du học sinh, tu nghiệp sinh người Việt Nam qua Nhật vẫn nằm trong hàng top. Mới năm ngoái 2016, dân Việt Nam mình đứng hàng đầu về tỷ lệ tội phạm ở Nhật. Trộm cắp này, đá tàu trốn tàu đi tàu mà không mua vé, trộm đồ trong siêu thị rồi tuồn ra ngoài bán với giá rẻ hơn.

Bên đây tất cả đều là tự động hết, không có người canh nên là cứ thế mà không mua vé, cứ thế mà vào ăn cắp thôi.

Vẫn theo lời bạn Hùng, đôi khi cách sống và thái độ ứng xử của các bạn người Việt mình cũng tạo ấn tượng không mấy tốt về Betonamu tức người Việt Nam trong mắt người Nhật :

Không riêng gì dân Trung Quốc đâu, dân Việt Nam khi ra đường kiểu như là bỗ bã, nói chuyện lớn tiếng, đi lấn hết cả đường, thì mình không nghe được người Nhật người ta nói cái gì nhưng mà nghe được chữ Betonamu tức là Việt Nam trong đó thì rõ ràng đã có ảnh hưởng xấu rồi.

Đáp lời Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ buộc các công ty tư vấn du học làm việc nghiêm túc hơn. Ông cũng đồng thời yêu cầu phía Nhật cung cấp danh sách những công ty có dấu hiệu vi phạm để điều tra và đưa ra tòa xét xử theo đúng luật pháp.

Để tìm kiếm thêm thông tin từ phía Việt Nam, đường dây viễn liên của đài Á Châu Tự Do nhiều lần được nối về các viên chức thẩm quyền Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cũng như các công ty tư vấn du học,đặc biệt cho du sinh đến Nhật. Rất tiếc những vị bắt máy hoặc từ chối bình luận hoặc nói là không hay biết gì nên không thể trả lời.

Đây cũng không phải lần đầu tiên thông tin không tốt về người Việt tại xứ Phù Tang được đưa ra. Ngoài thành phần du học sinh, thực tập sinh như vừa nêu, giới phi công, tiếp viên hàng không cũng bị phía Nhật bắt do nằm trong đường dây chuyển hàng mà người Việt ăn cắp ở các siêu thị ở xứ này đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Kế đó là hành xử của nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đối với công dân bản xứ có việc phải đến liên hệ tại đó. Tất cả đều được đưa lên truyền thông địa phương và những cảnh báo bằng tiếng Nhật được ghi rõ để thông báo cho cộng đồng địa phương cảnh giác.

Vấn đề ‘thể diện quốc gia’ được gợi đến qua những vụ việc tại Nhật Bản cũng như ở một số nước khác lâu nay, thế nhưng dường như tình trạng vẫn chưa có gì chuyển biến.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 783 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)