Tổng thống Vladimir Putin chờ đợi gì ở Việt Nam ?
Thanh Hà, RFI, 20/06/2024
Sau lễ ký kết "hiệp ước quan hệ chiến lược" với Bắc Triều Tiên, tổng thống Nga Vladimir Putin sang ngay Hà Nội, bắt đầu chuyến công du Việt Nam cấp Nhà nước trong hai ngày 19 và 20/06/2024. Qua động thái này, Moskva muốn chứng minh rằng ông Putin không bị cô lập về ngoại giao. Hơn thế nữa, không vì chiến tranh Ukraine mà nước Nga lơ là với Châu Á –Thái Bình Dương.
Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024 via Reuters – Nhac Nguyen
Từ khi đưa quân xâm chiếm Ukraine, kinh tế Nga bị phương Tây mạnh tay trừng phạt, những chuyến xuất ngoại của tổng thống Vladimir Putin trở nên hiếm hoi hay chỉ thu hẹp ở những vùng thuộc ảnh hưởng của Nga như Trung Á, hay với đối tác Trung Quốc và gần đây nhất là mới hôm 19/06 là tại Bắc Triều Tiên. Cũng vì chiến tranh Ukraine mà chủ nhân điện Kremlin đã không dự các thượng đỉnh G20 hay của khối các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS.
Do vậy, theo giới quan sát, qua việc dành thời gian viếng thăm một nước có "quan hệ truyền thống lâu đời" với Nga, chủ nhân điện Kremlin muốn chứng minh rằng ông không bị cô lập trên trường quốc tế.
Hơn nữa theo quan điểm của Nga, Việt Nam có nhiều ưu thế để Moskva gửi đi những thông điệp mạnh về mặt ngoại giao : Trước hết chính quyền Hà Nội là một mối bang giao mật thiết, truyền thống và lâu đời. Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, là điểm tựa kinh tế và thương mại trong những năm tháng Việt Nam bị Mỹ cấm vận.
Giờ đây, Việt Nam là đối tác của Mỹ về kinh tế và cả quân sự. Tháng 09/2023, hai bên nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Do vậy, theo một số nhà ngoại giao Âu, Mỹ, ông Putin công du Việt Nam để "dằn mặt phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ". Đây cũng là cách để Nga chứng minh rằng Moskva vẫn có khả năng đối thoại kể cả với những nước được coi là "khá gần gũi với Mỹ, điểm tựa quân sự chính của Ukraine". Tổng thống Nga trong ngày đầu đến Việt Nam đã hoan nghênh thái độ "cân bằng" của chính quyền Hà Nội trên hồ sơ Ukraine.
Việt Nam là nước Châu Á thứ ba tiếp ông Putin từ khi ông bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore ISEAS Yusof Ishak Institute, đây cũng có thể hiểu như hành động để Vladimir Putin phá vỡ thế cô lập trên sân khấu quốc tế". Đó là dụng ý thứ nhì của chủ nhân điện Kremlin trong chuyến công du Việt Nam lần này.
Thông điệp thứ ba và quan trọng không kém của ông Putin có lẽ đã thể hiện qua tuyên bố về tình hình tại "Châu Á-Thái Bình Dương". Trong cuộc họp báo chung giữa tổng thống Nga với chủ tịch Việt Nam Tô Lâm sáng nay, tổng thống Putin xác định "lợi ích của hai bên được thể hiện qua việc xây dựng một kiến trúc an ninh phù hợp, đáng tin cậy tại Châu Á Thái Bình Dương trên cơ sở những nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và không ngả theo các khối chính trị, quân sự".
Một điểm quan trọng khác là chỉ vài tuần lễ sau thượng đỉnh ở Bắc Kinh với chủ tịch Tập Cận Bình, nguyên thủ Nga đến Việt Nam. Không hiểu Vladimir Putin có những tính toán gì khi xắp xếp lịch làm việc của ông hay không. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang được hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhắc lại, Nga hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu hỏa tại các vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, một cách giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền ở những nơi này. Trong chuyến công du Việt Nam lần này, tổng thống Nga bày tỏ mong muốn "đẩy mạnh đầu tư" phát triển năng lượng, dầu khí và nhất là khí hóa lỏng với các đối tác Việt Nam.
Câu hỏi còn lại là những tính toán của Nga liệu có đặt Việt Nam vào thế khó xử hay không. Một số nhà quan sát cho là không. Với chiều dày lịch sử trong quan hệ song phương, việc tiếp nguyên thủ Nga vào thời điểm này thể hiện tính "chung thủy" của Việt Nam đối với một người bạn lâu đời, thể hiện tính độc lập của nền ngoại giao Việt Nam, như quan điểm của nhà nghiên cứu Prashanth Parameswaran, trung tâm Wilson Center của Mỹ.
Trái lại, một số khác như Futaba Ishizuka Viện Phát Triển Kinh Tế IDE Nhật Bản, cho rằng việc thân thiết với Nga có thể khiến một số đối tác của Việt Nam "e ngại".
Còn trong quan hệ đối tác song phương, thì dù muốn hay không Việt Nam cũng cần tìm một thế cân bằng để vừa tiếp tục giao thương với Moskva vừa không bị ảnh hưởng vì các trừng phạt của phương Tây nhắm vào nước Nga.
Thanh Hà
*************************
Đón Putin, Hà Nội hứa ‘sẽ không hùa với nước khác chống Nga’
VOA, 20/06/2024
Chủ tịch nước Tô Lâm đã đón Tổng thống Nga Vladimir Putin với nghi thức long trọng nhất và hai vị nguyên thủ đã hứa với nhau rằng sẽ ‘không tham gia liên minh với bên thứ ba để làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau’, truyền thông hai nước đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm là 'nồng ấm'
Ông Putin đã bay từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội vào sáng sớm ngày 20/6 trong chuyến thăm cấp nhà nước và là chuyến thăm lần thứ 5 của ông đến Việt Nam trên cương vị tổng thống Nga. Ông được người tương nhiệm Tô Lâm đón tại Phủ Chủ tịch vào trưa cùng ngày với 21 phát đại bác chào mừng, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm kéo dài hai ngày, ông Putin đã hội đàm, sau đó họp báo với Chủ tịch nước Tô Lâm, gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và dự kiến cũng sẽ gặp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ông Putin đến Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giống như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, không rõ vì sao ông Trọng đã không chủ trì lễ đón ông Putin như ông đã từng đón hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc.
‘Ủng hộ hòa bình’
Cuộc xung đột tại Ukraine là một trong những nội dung được đề cập tại cuộc hội đàm Tô Lâm- Putin, truyền thông Việt Nam cho biết. Việt Nam nằm trong số ít các nước đã nhiều lần bỏ phiếu trắng và phiếu chống đối với các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine.
Mặc dù Nga đang tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, ông Lâm được hãng tin nhà nước dẫn lời tái khẳng định lập trường của Việt Nam là ‘giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình’, ‘có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan’, tức là lợi ích của cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, bản tin của đài Russia Today của Nga không đề cập đến chi tiết này.
Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia nỗ lực trung gian quốc tế để tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho vấn đề Ukraine, cũng theo lời ông Tô Lâm được dẫn lại.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Tô Lâm cho biết hai nước Việt-Nga đã hứa với nhau là sẽ ‘không tham gia vào liên minh hay ký hiệp ước với các nước thứ ba để làm tổn hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bên kia’, cả Russia Today và Thông tấn xã Việt Nam đều cho biết.
Trong bài viết đăng trên báo Nhân dân một ngày trước khi đến Hà Nội, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảm ơn Việt Nam vì ‘đã thể hiện lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine’.
Putin khen Việt Nam ‘nhớ ơn’
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó, ông Putin được Russia Today dẫn lời nói với ông Chính rằng ‘điều rất quan trọng là ở Việt Nam các bạn vẫn nhớ rằng Liên Xô đã hỗ trợ cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến hào hùng chống lại người Pháp, sau đó là cuộc chiến với quân xâm lược Mỹ, và rồi giúp xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
Liên Xô trước đây và Nga sau này là nước đồng minh sớm nhất và lâu bền nhất của nhà nước cộng sản Việt Nam. Không chỉ trong các cuộc chiến với người Pháp, người Nhật, người Mỹ mà trong cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc, Moscow cũng đứng về phía Hà Nội. Sau này, khi Việt Nam bị cộng đồng quốc tế cô lập, cấm vận vì đưa quân vào Campuchia, Nga cũng nằm trong số những nước ít ỏi vẫn ủng hộ Việt Nam.
"Việt Nam là một trong những bạn bè và đối tác lâu đời nhất của Nga. Mối quan hệ tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau đã có từ rất lâu rồi. Nó đã trải qua thử thách của thời gian", ông Putin được dẫn lời nói với ông Chính.
Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói với người tương nhiệm Nga rằng Việt Nam ‘luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình mà nhân dân Nga dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay’, theo Thông tấn xã Việt Nam.
‘Bạn bè tốt, tin cậy cao’
Hai ông đã mô tả quan hệ giữa hai nước là ‘rất tốt đẹp’ với ‘mức độ tin cậy cao’, hãng tin Nhà nước Việt Nam tường thuật. Ông Tô Lâm nói Việt Nam coi Nga là một trong những đối tác hàng đầu trong khi ông Putin khẳng định luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách ‘Hướng Đông’.
Sau cuộc hội đàm, hai vị nguyên thủ đã thông báo với báo chí rằng hai nước đã thông qua Tuyên bố chung nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Cụ thể, hai nước cam kết sẽ tăng cường tiếp xúc ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất, thông qua tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội để đẩy mạnh hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác ở cấp độ địa phương, tăng cường giao lưu thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ về quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Hai nước cũng sẽ thúc đẩy du lịch bằng cách mở thêm đường bay, đơn giản hóa visa cho công dân Việt Nam, và thúc đẩy hợp tác lao động. Ông Putin cũng hứa là sẽ cấp thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam du học ở Nga, cũng theo tường thuật của hãng tin Nhà nước.
Việt Nam và Nga bày tỏ lập trường ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông và giải quyết các tranh chấp trên vùng biển này bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ trao đổi một loạt văn kiện hợp tác song phương về giáo dục đào tạo, giao thông, tư pháp, hải quan, tài chính, khoa học-công nghệ, dầu khí…
Russia Today còn cho biết ông Putin nói cơ quan năng lượng nguyên tử của Nga (Rosatom) sẽ giúp Việt nam xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân và các trường đại học Nga sẽ đào tạo các chuyên gia về hạt nhân dân sự cho Việt Nam.
Việt Nam ‘thể hiện sự độc lập’
Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2 năm 2022, ông Putin gần như bị phương Tây cô lập, thậm chí còn bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Sau khi lên nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 hồi đầu tháng 5, những nước bạn bè thân cận mà ông Putin có thể đi thăm gồm có Belarus, Uzbekistan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.
Hà Nội, vốn có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và đối tác chiến lược với nhiều nước Châu Âu và nền kinh tế của họ dựa rất nhiều vào thị trường và đầu tư của phương Tây, đã đối mặt với sức ép của phương Tây khi tiếp đón Tổng thống Nga. Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã chỉ trích rằng ‘không nước nào nên cho Putin diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến xâm lược của ông ấy và cho phép ông ấy biến sự tàn bạo thành điều bình thường’.
Đài Russia Today đã ca ngợi Việt Nam ‘mặc kệ chỉ trích của Mỹ’ và gọi đó là ‘thất bại mới nhất của Washington trong nỗ lực cô lập Moscow’.
Còn Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc họp báo chung đã nói rằng sở dĩ Việt Nam tiếp đón ông Putin là để ‘triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ’, tức là có thể tùy ý quan hệ với bất cứ nước nào mà không bị phụ thuộc vào nước nào.
"Khi tôi nói nồng ấm, ý tôi không chỉ muốn nói là nhiệt độ nóng bên ngoài mà còn là sự tiếp đón chân thành mà chúng tôi nhận được", Tổng thống Putin được Russia Today dẫn lời nói về màn tiếp đón Việt Nam dành cho ông.
Trong một cử chỉ đặc biệt, ông Putin đã mời ông Tô Lâm đến Nga tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng phát xít ở Quảng trường Đỏ vào năm 2025, Thông tấn xã Việt Nam và Russia Today đều đưa tin.
Nguồn : VOA, 20/06/2024
*************************
Thăm Việt Nam, tổng thống Nga đánh giá cao lập trường "cân bằng" của Hà Nội trong hồ sơ Ukraine
Thanh Hà, RFI, 20/06/2024
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã chủ trì lễ đón tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du cấp Nhà nước vào sáng nay 20/06/2024 tại Hà Nội, với những nghi lễ trọng thể nhất. Trong cuộc họp báo chung với chủ tịch nước Việt Nam, tổng thống Vladimir Putin đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm "gần gũi" giữa Moskva và Hà Nội về tình hình trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm duyệt đội danh dự trong lễ đón tiếp tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024. via Reuters - Gavriil Grigorov
Nguyên thủ Nga nhấn mạnh đến "tầm mức quan trọng đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện chiến lược truyền thống giữa hai nước" trên cơ sở "tinh thần tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích của mỗi bên".
Khi đề cập đến những hồ sơ lớn trên thế giới, theo CNN, tổng thống Putin đã đánh giá cao lập trường "cân bằng" của Việt Nam trong hồ sơ Ukraine: "Chúng tôi biết ơn các bạn Việt Nam có lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như mong muốn tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm các phương tiện phù hợp để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình. Tất cả những điều này phù hợp với tinh thần và bản chất của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta".
Cũng tại cuộc họp báo chung, tổng thống Nga không quên tình hình tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
"Tôi xin nhấn mạnh Nga và Việt Nam có cùng quan điểm về phần lớn các chủ đề hoặc là quan điểm của đôi bên gần gũi. Hai quốc gia chúng ta cương quyết bảo vệ những nguyên tắc tối thượng của luật pháp quốc tế, của chủ quyền quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác (…). Lợi ích của hai bên được thể hiện qua việc xây dựng một kiến trúc an ninh phù hợp, đáng tin cậy tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở những nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp và không ngả theo các khối chính trị, quân sự".
Lãnh đạo hai nước chứng kiến lễ trao nhiều văn kiện hợp tác song phương, như hợp tác giáo dục, giao thông vận tải, khoa học, công nghệ và cùng khai thác dầu khí …. Hãng tin Mỹ AP cho biết Nga "sẵn sàng đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp khí hóa lỏng tại Việt Nam".
Sau cuộc hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, chiều nay, tổng thống Vladimir Putin có buổi làm việc với thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã hội đàm với nguyên thủ Nga..
Thanh Hà