Lõi đời như cô gái sành điệu, Việt Nam đã "dating" cùng lúc với cả "ba chàng trai" tiềm năng (The Three Bigs) ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm nâng cốc tại một bữa tiệc tại Hà Nội hôm 20/6/2024 - Gavriil Grigorov/Pool/AFP
Bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn… Hai bức chân dung khủng của Tô Lâm và Putin dựng trong Phủ Chủ tịch tại Hà Nội đã được hạ xuống. 21 phát đại bác gầm rú trong điệu nhạc "thề phanh thây uống máu quân thù" cũng đi vào quên lãng trong giới quan sát. Chỉ còn lại là dư âm từ phát biểu của Putin ở Hà Nội, thậm chí cả trên đường trở lại Điện Kremlin, Nga có thể cung cấp vũ khí cho Triều Tiên và lời cảnh báo đi kèm – bị dư luận cho là điên khùng – về khả năng Moskva sẽ vũ trang cho Bình Nhưỡng để phản ứng lại việc phương Tây "chống lưng" cho Ukraine trong cuộc chiến đấu vệ quốc của mình (1).
Quyền lực của Tô Lâm càng "được lên men" dịp này qua việc ông cùng với Putin cam kết làm sâu hơn quan hệ chiến lược toàn diện (2). Một bình luận từ "East Asia Forum" cho rằng, tân Chủ tịch nước Việt Nam đã tận dụng được cuộc chiến chống tham nhũng để thăng tiến, thậm chí có cơ hội để nắm luôn vị trí quyền lực cao nhất là Tổng bí thư Đảng Cộng sản (3). Còn "Al Jazeera" thì đưa ra cảnh báo, tình hình nhân quyền có thể sẽ tồi tệ hơn ở Việt Nam khi ông Tô Lâm ngày càng tiến lên đỉnh cao quyền lực.
Khép lại bài viết của mình, Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) Elaine Pearson trên "Al Jazeera" nhắn nhủ : "Giờ đây, ở cương vị Nguyên thủ quốc gia, ông Lâm sẽ tiếp nhiều phái đoàn quốc tế trong các dịp nghi lễ chính thức và đàm phán ngoại giao. Khi bắt tay ông ấy, các nhà ngoại giao chớ nên quên rằng, leo lên mỗi nấc thang quyền lực, Tô Lâm đã để lại phía sau rất nhiều tội ác và gây ra biết bao tổn hại đối với nhân quyền ở Việt Nam" (4). Trong các số báo ra ngày 21/6/2024, cả ba nhật báo lớn ở Pháp "Les Echos", "Le Figaro" và "Le Monde" đều nhấn mạnh đến một nội dung, qua các chuyến công du, Tổng thống Putin muốn chứng tỏ ông không hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế. Liên quan đến Việt Nam, đây là dịp để truyền thông Pháp nhắc lại chính sách "ngoại giao cây tre" của Hà Nội, cũng như mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Hà Nội và Moskva, vì năm nay đánh dấu 30 năm đôi bên ký kết Hiệp ước hữu nghị Nga – Việt (5).
Việc ông Nguyễn Phú Trọng đứng ra mời Tổng thống Putin, cho dù ông Putin không còn giữ chức Chủ tịch Đảng "Nước Nga Thống nhất" ; rồi tiếp đến các cuộc hội đàm riêng rẽ giữa Putin với cả Chủ tịch nước Tô Lâm lẫn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho thấy dường như Việt Nam có đến "hai Nguyên thủ quốc gia". Điều này phản ánh sự lúng túng của Việt Nam qua các các động thái lễ tân phức tạp. Không những tổ chức rình rang để đón một chính khách hàng đầu của một liên minh cũ từ thời mồ ma Xô Viết. Mà ngay giờ đây, chính khách ấy lại đang là đối tượng của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Dẫu Việt Nam không phải là thành viên ký Quy chế Roma, nên không bị gây sức ép, không chịu sự ràng buộc phải tuân theo quy định của Tòa ICC, thế nhưng Việt Nam vẫn vấp phải sự không hài lòng của Liên Hiệp Châu Âu (EU), đặc biệt là sự phản ứng khá gay gắt từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Nhưng có lẽ dư âm sẽ còn đọng lại lâu nhất là phơi bày ra những nguyên nhân sâu xa của việc, tại sao lãnh đạo Hà Nội, bất chấp mọi ì xèo ở cả quốc nội lẫn quốc tế, vẫn mạo hiểm mời và đón tiếp trọng thị "tân Sa Hoàng" của nước Nga ? Hóa ra, chủ nghĩa thực dụng, chứ không phải "những ràng buộc quá đát" của ý thức hệ Xô Viết lỗi thời, đã dẫn dắt định hướng của ban lãnh đạo Ba Đình. Trong một phân tích sâu sắc và bao quát, Khang Vũ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ từ Đại học Boston (Mỹ) đã chỉ ra ba yêu cầu quan trọng nhất về an ninh tổng thể mà Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Giờ đây, Hà Nội đang tìm mọi cách (i) bảo vệ an ninh chế độ, (ii) bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và (iii) duy trì môi trường hòa bình và sự ổn định bên ngoài, có lợi cho tăng trưởng kinh tế (6). Hành động như một cô gái sành điệu, Việt Nam đã "dating" cùng lúc với cả "ba chàng trai" tiềm năng (The Three Bigs).
Hoa Kỳ – vốn là siêu cường từ thời Chiến tranh Lạnh, và hy vọng Hợp chủng quốc sẽ còn duy trì được vị thế này dài dài – từng hứa hẹn giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và môi trường hòa bình trong không gian "Ấn Độ Đương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP). Nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP), trước tiên cũng là để phục vụ mục đích (ii) và (iii). Trung Quốc, câu chuyện ngàn năm ấy, nhưng bao giờ cũng mới, tuy "nàng" chỉ hy vọng vào "chàng" giúp cho mục tiêu thứ nhất (i). Đơn giản là vì, nếu giữ được chế độ cho Đảng cộng sản Việt Nam, có nghĩa là buộc được "nàng" vào "của hồi môn" Mác – Lê – Hồ thì suốt đời, "nàng" không thể thoát khỏi "vòng tay cầu hôn", dù "chàng" có tệ bạc bao nhiêu nữa cũng cam chịu. Nước Nga Xô Viết trước đây hẳn nhiên đến với "nàng" sớm nhất, từ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Có điều :
"Xưa sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường…"
Tuy không còn quyền lực như xưa, Putin đến lần này vẫn mang theo quà tặng và đặc biệt là lời hứa, cùng lúc sẽ giúp Hà Nội thực hiện cả ba mục tiêu nói trên. Tuyên bố chung Việt Nam và Nga vào ngày 20/6 bao gồm ý tưởng về cái gọi là "cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng". Theo đó, Việt Nam và Nga cho rằng "cần tăng cường các nỗ lực chung của khu vực nhằm xây dựng tại Châu Á – Thái Bình Dương… không chia tách, mang tính toàn diện, mở và minh bạch, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình xung đột, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai bên phản đối việc chia rẽ cấu trúc Châu Á – Thái Bình Dương với vai trò trung tâm của ASEAN, tác động tiêu cực đến việc mở rộng và tăng cường đối thoại chung của khu vực" (7). Trên thực tế, nếu Nga tuân thủ những cơ sở pháp lý ghi trong Tuyên bố chung này thì đã không có cuộc chiến tranh xâm lược của Putin ở Ukraine!
Tuyên bố chung và mười một văn kiện ký kết (MOU) mở ra cho Việt Nam một số triển vọng, nhất là các dự án về chế biến dầu thô, khí hóa lỏng, công nghệ hạt nhân và năng lượng nguyên tử… Tuy nhiên, với tất cả các kế hoạch đồ sộ này, nhưng nếu nước Nga của Putin lại ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, như một phát biểu trước đây của ông ấy, không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (CPA), thì liệu hợp tác Nga – Việt tại các giềng dầu sẽ mở rộng có đủ để ngăn chặn các âm mưu từ "chiến lược vùng xám" của Trung Quốc trên Biển Đông ? (8). Cho nên, có khi lời khuyên chân thành của Đại sứ Ukraine tại Hà Nội Oleksandr Gaman lại hữu lý khi nhà ngoại giao này khẳng định rằng, ký kết các thỏa thuận với Putin có thể sẽ là vô ích (9).
Trả lời Reuters, nhà nghiên cứu Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) đánh giá, mặc dù chuyến đi của Putin khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại, nhưng Hà Nội đã tính toán chính xác về việc sẽ không phải gánh chịu nhiều hậu quả. Hiebert nhấn mạnh đến việc Washington đang tùy thuộc vào mức độ cao vào mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, trả lời New York Times, bà Hoàng Thị Hà, nhà nghiên cứu cấp cao từ viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng : "Dù Nga có thể đề nghị gì đi chăng nữa thì Việt Nam chưa chắc đã vồ vập đón nhận và tạo bất kỳ ấn tượng nào rằng, Việt Nam đang cùng phe với Nga trên mặt trận chống phương Tây" (10).
Trần Hiếu Chân
Nguồn : RFA, 23/06/2024
Tham khảo :
(1) https://www.voatiengviet.com/a/putin-tuyen-bo-nga-co-the-cung-cap-vu-khi-cho-trieu-tien/7664184.html
(3) https://eastasiaforum.org/2024/06/21/to-lams-ambitious-ascent-in-vietnam/
(4) https://www.aljazeera.com/opinions/2024/6/19/beware-of-vietnams-new-authoritarian-president
(6) https://thediplomat.com/2024/06/putins-trip-to-vietnam-the-next-phase-of-major-power-competition/
(7 và 10) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv22y3e3l9yo
(8) https://www.voatiengviet.com/a/su-that-va-doi-tra-qua-chuyen-tham-ha-noi-cua-putin/7665349.html
Cơ hội Hà Nội trắc nghiệm chính sách ngoại giao đa phương hóa
Trong khi Liên Hiệp Châu Âu thông báo đã thống nhất về loạt biện pháp trừng phạt thứ 14 nhắm vào Nga, trong khi tổng thống Nga đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC / Cour pénale international - CPI) truy nã vì tội cưỡng bức di dời trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraine sang Nga, thì ông Putin cũng được trải thảm đỏ chào đón như một "ngôi sao sáng", được nghênh tiếp với những nghi thức trọng thể nhất tại Bắc Triều Tiên và Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội, ngày 20/06/2024. AP - Gavriil Grigorov
Điểm qua báo chí Pháp, nếu so sánh, thì dường như chuyến công du của Putin đến Bắc Triều Tiên được phương Tây quan tâm chú ý nhiều hơn. Nguy cơ Moskva và Bình Nhưỡng - hai chế độ đang bị phương Tây trừng phạt - xích lại gần nhau hơn khiến phương Tây lo ngại. Trong thời gian qua, đã có những bằng chứng cho thấy chế độ Kim Jong Un đã cung cấp nhiều vũ khí đạn dược, thậm chí tên lửa, cho chính quyền Putin tấn công Ukraine. Mối lo của phương Tây và Ukraine càng tăng sau khi Moskva và Bình Nhưỡng thông báo đôi bên ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược, sẵn sàng hỗ trợ nhau về mặt quân sự nếu một trong hai bên bị tấn công vũ trang từ bên ngoài. Phương Tây chắc chắn cũng lo ngại về việc Nga hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển chương trình tên lửa.
Liên quan đến Việt Nam, đây là dịp để các đài báo Pháp như RFI, France 24, Le Monde, Le Figaro, La Croix, Les Echos… nhắc lại về chính sách "ngoại giao cây tre" của Hà Nội, cũng như về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Hà Nội và Moskva. Năm nay đánh dấu 30 năm đôi bên ký Hiệp ước hữu nghị Nga-Việt.
Dẫu Việt Nam không phải là thành viên ký Quy chế Roma, nên không bị gây sức ép, không chịu sự ràng buộc phải tuân theo quy định của Tòa án Hình sự Quốc tế, thế nhưng Việt Nam vẫn vấp phải sự không hài lòng của phương Tây, nhất là Mỹ.
Theo Le Figaro, trong thông cáo, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nhấn mạnh : "Không nước nào nên tạo cơ hội cho Putin quảng bá cuộc chiến tranh của ông ta xâm lăng Ukraine". Washington cảnh giác về ý đồ của Putin bình thường hóa hành vi bạo tàn của ông ta trong chiến tranh Ukraine. Theo nhận định của sứ quán Mỹ, để tổng thống Nga tự do đi lại trong khi ông ta đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã, là cho phép bình thường hóa những hành vi của Nga vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn.
Và quả đúng như lo ngại của Mỹ, khi đến Hà Nội, Putin đã có những phát biểu đánh giá cao và bày tỏ lòng biết ơn về việc Việt Nam có lập trường "cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine". Trên thực tế, Hà Nội luôn giữ thái độ kín đáo về hồ sơ chiến tranh Ukraine. Gần đây nhất, Việt Nam đã không tham gia vào Hội nghị vì hòa bình tại Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ vào cuối tuần trước, với sự tham gia của đại diện đến từ hơn 90 nước và tổ chức quốc tế.
Về những tính toán của Nga, Le Figaro ngày 20/06 nhận định thông qua chuyến công du Việt Nam, tổng thống Nga "thách thức thế bao vây của phương Tây". Điều này càng rõ nét bởi vì Việt Nam, dù là một nước nhỏ, nhưng là đối tác quan hệ chiến lược toàn diện của nhiều nước có trọng lượng trên trường quốc tế : Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Myong Hyun, nhà nghiên cứu của Viện Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, tại Seoul, được Le Figaro trích dẫn, nhận định : "Chuyến thăm này nhằm cho thấy ông ta (Putin) không bị cô lập trên trường quốc tế".
Về phía Việt Nam, do lệ thuộc vào nguồn cung vũ khí và dầu lửa - khí đốt của Nga và cũng muốn tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nên ngoài việc thắt chặt quan hệ với Moskva, việc mời tổng thống Putin đến thăm cũng là dịp để Hà Nội khẳng định thế tự chủ chiến lược, cân bằng, mềm dẻo thắt chặt quan hệ với nhiều nước lớn. Trong đó, có những nước là đối thủ của nhau hoặc là thành viên của các khối đối chọi nhau trên trường quốc tế.
Hà Nội cũng nhân dịp này trắc nghiệm phản ứng của phương Tây với đường lối ngoại giao của Việt Nam. Hãng tin Pháp AFP hôm 20/06 trích dẫn nhận định của bà Lê Thu Hường, phó giám đốc chương trình Châu Á của tổ chức phi chính phủ Crisis Group : Đây là "bài trắc nghiệm để xem chính sách ngoại giao đa phương hóa của Hà Nội có thể đi xa đến đâu, và liệu có được các cường quốc khác chấp nhận hay không".
Bầu cử Hạ Viện Pháp và mối lo của Châu Âu
Chỉ còn 1 tuần nữa là cử tri Pháp bước vào vòng 1 bầu cử lập pháp. Cuộc chạy đua giữa các đảng phái chính vẫn đang diễn ra quyết liệt. Các nước Liên Âu, nhất hai láng giềng Đức - Ý ngay sát cạnh Pháp, cũng đang theo dõi bầu không khí chính trị được xem là "chưa từng có" tại Pháp, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN). Theo các thăm dò ý kiến gần đây nhất, đảng RN sẽ về đầu trong kỳ bầu cử Hạ Viện, trước liên đảng cánh tả và đảng Renaissance của tổng thống Macron.
Theo thông tín viên Anne Le Nirtại Roma, nhật báo bảo thủ Il Giornale của Ý, vốn rất bài Macron, nhấn mạnh là thủ tướng Ý Giorgia Meloni và bà Marine Le Pen của đảng RN của Pháp, dù đều là thuộc phe cực hữu, nhưng lại không có chung quan điểm về nhiều vấn đề, chẳng hạn về hồ sơ chiến tranh Ukraine. Còn các báo cánh tả của Ý, trong đó có La Republica, lo ngại về nguy cơ không đảng phái nào ở Pháp có thể kiềm chế được đà tiến của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, vốn có tư tưởng bài Liên Âu, gây tác động đến phần còn lại của Liên Hiệp.
Nhìn sang Đức, quyết định giải tán Hạ Viện và tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng gây ngạc nhiên, thắc mắc và sự khó hiểu ở Đức. Quốc gia đối tác chính của Paris ở Liên Âu lo ngại về quan hệ hợp tác trong thời gian tới của Pháp và Đức, cũng như về tương lai của Liên Âu.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gửi về bài tường trình :
"Đánh bom tự sát", "Thích châm lửa phóng hỏa", "Ông ta bị ong chích hay sao ?"… Báo chí Đức đã dùng những từ ngữ không hề dịu nhẹ để bình luận về quyết định giải tán Hạ Viện của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Giống như hồi năm 2017 và 2022, nỗi lo sợ về thắng lợi của đảng cực hữu Pháp, Tập Hợp Dân Tộc, đã khuấy động công luận Đức. Ngay cả những người bên ngoài giới truyền thông và chính trị cũng lo ngại và tìm cách thấu hiểu vấn đề.
Berlin sợ rằng quan hệ song phương vốn đã suy yếu ở Châu Âu do thất bại của Emmanuel Macron và Olaf Scholz trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua sẽ bị tổn hại thêm nếu đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc hoặc liên đảng cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới thắng cử. Cách nay 1 tuần, Bộ Ngoại giao Đức đã tổ chức một cuộc gặp với các nhà nghiên cứu để bàn về hậu quả của cuộc bầu cử Hạ Viện ở Pháp.
Ngoài quan hệ song phương, mối lo ngại cho Liên Âu cũng gia tăng. Những sáng kiến nào sẽ vẫn có thể thực hiện được cùng với Paris ? Chính sách kinh tế của chính phủ Pháp trong tương lai cũng được đặt ra với khả năng bị chặn ở Bruxelles, cũng như những căng thẳng có thể xảy ra trên các thị trường tài chính và đối với tài chính công.
Nắng nóng : Chuyến hành hương đến Thánh địa linh thiêng Mecca thành mồ chôn hơn 1000 người
Tuần qua, ngoài các vấn đề thời sự, thời tiết nắng nóng như thiêu đốt tại nhiều khu vực trên thế giới cũng là chủ đề đáng quan tâm. Không chỉ ở người dân Châu Á, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam… phải hứng chịu nhiệt độ được ví như "trong chảo lửa", mà tại Châu Mỹ, hiện tượng thời tiết "vòm nhiệt" cũng hoành hành ở Canada và Hoa Kỳ.
Tại Mỹ, không chỉ lo ngại về nhiệt độ cao bất thường ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người, chính quyền Mỹ còn lo ngại về việc các đợt nắng nóng ngày càng kéo dài hơn. Từ Miami, thông tín viên David Thomson hôm 18/06 gửi về bài tường trình :
"150 triệu người Mỹ sẽ phải hứng chịu đợt nhiệt độ cao khắc nghiệt này, và 50% đã được báo động nắng nóng. Vòm nhiệt bao trùm lên hàng chục thành phố lớn ở Bờ Đông và vùng Midwest của nước Mỹ : Detroit, Cleveland, Boston, Chicago, Philadelphia và New York. Các đô thị lớn này vốn dĩ không quen với những đợt nắng nóng đến sớm như vậy, thậm chí trước cả khi bắt đầu vào hè. Nhiệt độ có thể sẽ phá vỡ mọi kỷ lục và vượt quá 38 độ.
Tình trạng này kéo dài vài ngày, cho đến thứ Bảy (22/06) và chính thời gian kéo dài như vậy là điều khiến chính quyền Mỹ lo ngại. Người dân được khuyến cáo không nên tham gia bất cứ hoạt động nào ở ngoài trời. Tại nhiều bang, nhà chức trách cho đóng cửa các trường học công vào buổi chiều.
Hồi năm ngoái, nước Mỹ đã phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng kiểu như vậy nhất, tính từ năm 1936 trở lại đây. Và theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science, biến đổi khí hậu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những đỉnh nhiệt độ cao như vậy và khiến chúng xảy ra ngày càng nhiều hơn, kéo dài hơn và gây chết chóc nhiều hơn".
Nói về cái chết do điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt gây ra, đau buồn nhất trong tuần qua phải kể đến vụ có đến hơn 1.100 người chết chỉ trong đợt hành hương 5 ngày (14-19/06) đến Thánh địa Mecca, miền tây Saudi Arabia, dưới nhiệt độ lên tới 50-52 độ C. Hơn 650 nạn nhân thiệt mạng là người dân Ai Cập. Còn lại là những tín đồ Hồi giáo đến từ khoảng một chục nước, như Pakistan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Iran, Jordan, Tunisia, Sudan…
Về tình hình cháy rừng tại Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trong đêm thứ Năm rạng sáng thứ Sáu, ngọn lửa lan ra nhiều làng ở miền đông nam đã làm ít nhất 5 người thiệt mạng, 40 người bị thương, trong đó có 10 người bị thương nặng.
Liên quan đến Pháp, báo cáo "Rings of fire" (Vòng lửa) do tổ chức phi chính phủ Climate Central, các học giả đại học Portsmoth của Anh và 11 vận động viên Olympic đồng soạn thảo, báo động nắng nóng gay gắt vào tháng 07-08/2024, giai đoạn diễn ra Thế Vận Hội và Thế Vận Hội cho người khuyết tật, có thể khiến một số vận động viên kiệt sức, thậm chí khiến họ tử vong.
Nỗi lo này không phải vô cớ. Trong những năm gần đây, Paris đã hứng chịu nhiều đợt nắng nóng. AFP nhắc lại là vào năm 2023, theo số liệu của Cơ quan Y tế công, tổng cộng hơn 5.000 người tại Pháp đã tử vong vì nắng nóng. Và theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet Planet Health hồi tháng 5, Paris là thành phố có tỉ lệ tử vong do nắng nóng cao nhất trong số 854 thành phố của Châu Âu, do mật độ dân cư cao và ít không gian xanh.
Thùy Dương
Nguồn : RFI 22/06/2024
Tổng thống Vladimir Putin chờ đợi gì ở Việt Nam ?
Thanh Hà, RFI, 20/06/2024
Sau lễ ký kết "hiệp ước quan hệ chiến lược" với Bắc Triều Tiên, tổng thống Nga Vladimir Putin sang ngay Hà Nội, bắt đầu chuyến công du Việt Nam cấp Nhà nước trong hai ngày 19 và 20/06/2024. Qua động thái này, Moskva muốn chứng minh rằng ông Putin không bị cô lập về ngoại giao. Hơn thế nữa, không vì chiến tranh Ukraine mà nước Nga lơ là với Châu Á –Thái Bình Dương.
Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024 via Reuters – Nhac Nguyen
Từ khi đưa quân xâm chiếm Ukraine, kinh tế Nga bị phương Tây mạnh tay trừng phạt, những chuyến xuất ngoại của tổng thống Vladimir Putin trở nên hiếm hoi hay chỉ thu hẹp ở những vùng thuộc ảnh hưởng của Nga như Trung Á, hay với đối tác Trung Quốc và gần đây nhất là mới hôm 19/06 là tại Bắc Triều Tiên. Cũng vì chiến tranh Ukraine mà chủ nhân điện Kremlin đã không dự các thượng đỉnh G20 hay của khối các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS.
Do vậy, theo giới quan sát, qua việc dành thời gian viếng thăm một nước có "quan hệ truyền thống lâu đời" với Nga, chủ nhân điện Kremlin muốn chứng minh rằng ông không bị cô lập trên trường quốc tế.
Hơn nữa theo quan điểm của Nga, Việt Nam có nhiều ưu thế để Moskva gửi đi những thông điệp mạnh về mặt ngoại giao : Trước hết chính quyền Hà Nội là một mối bang giao mật thiết, truyền thống và lâu đời. Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, là điểm tựa kinh tế và thương mại trong những năm tháng Việt Nam bị Mỹ cấm vận.
Giờ đây, Việt Nam là đối tác của Mỹ về kinh tế và cả quân sự. Tháng 09/2023, hai bên nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Do vậy, theo một số nhà ngoại giao Âu, Mỹ, ông Putin công du Việt Nam để "dằn mặt phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ". Đây cũng là cách để Nga chứng minh rằng Moskva vẫn có khả năng đối thoại kể cả với những nước được coi là "khá gần gũi với Mỹ, điểm tựa quân sự chính của Ukraine". Tổng thống Nga trong ngày đầu đến Việt Nam đã hoan nghênh thái độ "cân bằng" của chính quyền Hà Nội trên hồ sơ Ukraine.
Việt Nam là nước Châu Á thứ ba tiếp ông Putin từ khi ông bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore ISEAS Yusof Ishak Institute, đây cũng có thể hiểu như hành động để Vladimir Putin phá vỡ thế cô lập trên sân khấu quốc tế". Đó là dụng ý thứ nhì của chủ nhân điện Kremlin trong chuyến công du Việt Nam lần này.
Thông điệp thứ ba và quan trọng không kém của ông Putin có lẽ đã thể hiện qua tuyên bố về tình hình tại "Châu Á-Thái Bình Dương". Trong cuộc họp báo chung giữa tổng thống Nga với chủ tịch Việt Nam Tô Lâm sáng nay, tổng thống Putin xác định "lợi ích của hai bên được thể hiện qua việc xây dựng một kiến trúc an ninh phù hợp, đáng tin cậy tại Châu Á Thái Bình Dương trên cơ sở những nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và không ngả theo các khối chính trị, quân sự".
Một điểm quan trọng khác là chỉ vài tuần lễ sau thượng đỉnh ở Bắc Kinh với chủ tịch Tập Cận Bình, nguyên thủ Nga đến Việt Nam. Không hiểu Vladimir Putin có những tính toán gì khi xắp xếp lịch làm việc của ông hay không. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang được hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhắc lại, Nga hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu hỏa tại các vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, một cách giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền ở những nơi này. Trong chuyến công du Việt Nam lần này, tổng thống Nga bày tỏ mong muốn "đẩy mạnh đầu tư" phát triển năng lượng, dầu khí và nhất là khí hóa lỏng với các đối tác Việt Nam.
Câu hỏi còn lại là những tính toán của Nga liệu có đặt Việt Nam vào thế khó xử hay không. Một số nhà quan sát cho là không. Với chiều dày lịch sử trong quan hệ song phương, việc tiếp nguyên thủ Nga vào thời điểm này thể hiện tính "chung thủy" của Việt Nam đối với một người bạn lâu đời, thể hiện tính độc lập của nền ngoại giao Việt Nam, như quan điểm của nhà nghiên cứu Prashanth Parameswaran, trung tâm Wilson Center của Mỹ.
Trái lại, một số khác như Futaba Ishizuka Viện Phát Triển Kinh Tế IDE Nhật Bản, cho rằng việc thân thiết với Nga có thể khiến một số đối tác của Việt Nam "e ngại".
Còn trong quan hệ đối tác song phương, thì dù muốn hay không Việt Nam cũng cần tìm một thế cân bằng để vừa tiếp tục giao thương với Moskva vừa không bị ảnh hưởng vì các trừng phạt của phương Tây nhắm vào nước Nga.
Thanh Hà
*************************
Đón Putin, Hà Nội hứa ‘sẽ không hùa với nước khác chống Nga’
VOA, 20/06/2024
Chủ tịch nước Tô Lâm đã đón Tổng thống Nga Vladimir Putin với nghi thức long trọng nhất và hai vị nguyên thủ đã hứa với nhau rằng sẽ ‘không tham gia liên minh với bên thứ ba để làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau’, truyền thông hai nước đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm là 'nồng ấm'
Ông Putin đã bay từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội vào sáng sớm ngày 20/6 trong chuyến thăm cấp nhà nước và là chuyến thăm lần thứ 5 của ông đến Việt Nam trên cương vị tổng thống Nga. Ông được người tương nhiệm Tô Lâm đón tại Phủ Chủ tịch vào trưa cùng ngày với 21 phát đại bác chào mừng, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm kéo dài hai ngày, ông Putin đã hội đàm, sau đó họp báo với Chủ tịch nước Tô Lâm, gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và dự kiến cũng sẽ gặp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ông Putin đến Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giống như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, không rõ vì sao ông Trọng đã không chủ trì lễ đón ông Putin như ông đã từng đón hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc.
‘Ủng hộ hòa bình’
Cuộc xung đột tại Ukraine là một trong những nội dung được đề cập tại cuộc hội đàm Tô Lâm- Putin, truyền thông Việt Nam cho biết. Việt Nam nằm trong số ít các nước đã nhiều lần bỏ phiếu trắng và phiếu chống đối với các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine.
Mặc dù Nga đang tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, ông Lâm được hãng tin nhà nước dẫn lời tái khẳng định lập trường của Việt Nam là ‘giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình’, ‘có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan’, tức là lợi ích của cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, bản tin của đài Russia Today của Nga không đề cập đến chi tiết này.
Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia nỗ lực trung gian quốc tế để tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho vấn đề Ukraine, cũng theo lời ông Tô Lâm được dẫn lại.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Tô Lâm cho biết hai nước Việt-Nga đã hứa với nhau là sẽ ‘không tham gia vào liên minh hay ký hiệp ước với các nước thứ ba để làm tổn hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bên kia’, cả Russia Today và Thông tấn xã Việt Nam đều cho biết.
Trong bài viết đăng trên báo Nhân dân một ngày trước khi đến Hà Nội, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảm ơn Việt Nam vì ‘đã thể hiện lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine’.
Putin khen Việt Nam ‘nhớ ơn’
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó, ông Putin được Russia Today dẫn lời nói với ông Chính rằng ‘điều rất quan trọng là ở Việt Nam các bạn vẫn nhớ rằng Liên Xô đã hỗ trợ cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến hào hùng chống lại người Pháp, sau đó là cuộc chiến với quân xâm lược Mỹ, và rồi giúp xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
Liên Xô trước đây và Nga sau này là nước đồng minh sớm nhất và lâu bền nhất của nhà nước cộng sản Việt Nam. Không chỉ trong các cuộc chiến với người Pháp, người Nhật, người Mỹ mà trong cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc, Moscow cũng đứng về phía Hà Nội. Sau này, khi Việt Nam bị cộng đồng quốc tế cô lập, cấm vận vì đưa quân vào Campuchia, Nga cũng nằm trong số những nước ít ỏi vẫn ủng hộ Việt Nam.
"Việt Nam là một trong những bạn bè và đối tác lâu đời nhất của Nga. Mối quan hệ tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau đã có từ rất lâu rồi. Nó đã trải qua thử thách của thời gian", ông Putin được dẫn lời nói với ông Chính.
Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói với người tương nhiệm Nga rằng Việt Nam ‘luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình mà nhân dân Nga dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay’, theo Thông tấn xã Việt Nam.
‘Bạn bè tốt, tin cậy cao’
Hai ông đã mô tả quan hệ giữa hai nước là ‘rất tốt đẹp’ với ‘mức độ tin cậy cao’, hãng tin Nhà nước Việt Nam tường thuật. Ông Tô Lâm nói Việt Nam coi Nga là một trong những đối tác hàng đầu trong khi ông Putin khẳng định luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách ‘Hướng Đông’.
Sau cuộc hội đàm, hai vị nguyên thủ đã thông báo với báo chí rằng hai nước đã thông qua Tuyên bố chung nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Cụ thể, hai nước cam kết sẽ tăng cường tiếp xúc ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất, thông qua tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội để đẩy mạnh hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác ở cấp độ địa phương, tăng cường giao lưu thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ về quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Hai nước cũng sẽ thúc đẩy du lịch bằng cách mở thêm đường bay, đơn giản hóa visa cho công dân Việt Nam, và thúc đẩy hợp tác lao động. Ông Putin cũng hứa là sẽ cấp thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam du học ở Nga, cũng theo tường thuật của hãng tin Nhà nước.
Việt Nam và Nga bày tỏ lập trường ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông và giải quyết các tranh chấp trên vùng biển này bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ trao đổi một loạt văn kiện hợp tác song phương về giáo dục đào tạo, giao thông, tư pháp, hải quan, tài chính, khoa học-công nghệ, dầu khí…
Russia Today còn cho biết ông Putin nói cơ quan năng lượng nguyên tử của Nga (Rosatom) sẽ giúp Việt nam xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân và các trường đại học Nga sẽ đào tạo các chuyên gia về hạt nhân dân sự cho Việt Nam.
Việt Nam ‘thể hiện sự độc lập’
Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2 năm 2022, ông Putin gần như bị phương Tây cô lập, thậm chí còn bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Sau khi lên nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 hồi đầu tháng 5, những nước bạn bè thân cận mà ông Putin có thể đi thăm gồm có Belarus, Uzbekistan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.
Hà Nội, vốn có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và đối tác chiến lược với nhiều nước Châu Âu và nền kinh tế của họ dựa rất nhiều vào thị trường và đầu tư của phương Tây, đã đối mặt với sức ép của phương Tây khi tiếp đón Tổng thống Nga. Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã chỉ trích rằng ‘không nước nào nên cho Putin diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến xâm lược của ông ấy và cho phép ông ấy biến sự tàn bạo thành điều bình thường’.
Đài Russia Today đã ca ngợi Việt Nam ‘mặc kệ chỉ trích của Mỹ’ và gọi đó là ‘thất bại mới nhất của Washington trong nỗ lực cô lập Moscow’.
Còn Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc họp báo chung đã nói rằng sở dĩ Việt Nam tiếp đón ông Putin là để ‘triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ’, tức là có thể tùy ý quan hệ với bất cứ nước nào mà không bị phụ thuộc vào nước nào.
"Khi tôi nói nồng ấm, ý tôi không chỉ muốn nói là nhiệt độ nóng bên ngoài mà còn là sự tiếp đón chân thành mà chúng tôi nhận được", Tổng thống Putin được Russia Today dẫn lời nói về màn tiếp đón Việt Nam dành cho ông.
Trong một cử chỉ đặc biệt, ông Putin đã mời ông Tô Lâm đến Nga tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng phát xít ở Quảng trường Đỏ vào năm 2025, Thông tấn xã Việt Nam và Russia Today đều đưa tin.
Nguồn : VOA, 20/06/2024
*************************
Thăm Việt Nam, tổng thống Nga đánh giá cao lập trường "cân bằng" của Hà Nội trong hồ sơ Ukraine
Thanh Hà, RFI, 20/06/2024
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã chủ trì lễ đón tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du cấp Nhà nước vào sáng nay 20/06/2024 tại Hà Nội, với những nghi lễ trọng thể nhất. Trong cuộc họp báo chung với chủ tịch nước Việt Nam, tổng thống Vladimir Putin đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm "gần gũi" giữa Moskva và Hà Nội về tình hình trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm duyệt đội danh dự trong lễ đón tiếp tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024. via Reuters - Gavriil Grigorov
Nguyên thủ Nga nhấn mạnh đến "tầm mức quan trọng đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện chiến lược truyền thống giữa hai nước" trên cơ sở "tinh thần tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích của mỗi bên".
Khi đề cập đến những hồ sơ lớn trên thế giới, theo CNN, tổng thống Putin đã đánh giá cao lập trường "cân bằng" của Việt Nam trong hồ sơ Ukraine: "Chúng tôi biết ơn các bạn Việt Nam có lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như mong muốn tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm các phương tiện phù hợp để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình. Tất cả những điều này phù hợp với tinh thần và bản chất của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta".
Cũng tại cuộc họp báo chung, tổng thống Nga không quên tình hình tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
"Tôi xin nhấn mạnh Nga và Việt Nam có cùng quan điểm về phần lớn các chủ đề hoặc là quan điểm của đôi bên gần gũi. Hai quốc gia chúng ta cương quyết bảo vệ những nguyên tắc tối thượng của luật pháp quốc tế, của chủ quyền quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác (…). Lợi ích của hai bên được thể hiện qua việc xây dựng một kiến trúc an ninh phù hợp, đáng tin cậy tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở những nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp và không ngả theo các khối chính trị, quân sự".
Lãnh đạo hai nước chứng kiến lễ trao nhiều văn kiện hợp tác song phương, như hợp tác giáo dục, giao thông vận tải, khoa học, công nghệ và cùng khai thác dầu khí …. Hãng tin Mỹ AP cho biết Nga "sẵn sàng đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp khí hóa lỏng tại Việt Nam".
Sau cuộc hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, chiều nay, tổng thống Vladimir Putin có buổi làm việc với thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã hội đàm với nguyên thủ Nga..
Thanh Hà
Được, mất của nhà cầm quyền và Đảng cộng sản Việt Nam sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Putin ?
Các khách mời là nhà phân tích, quan sát thời sự chính trị - xã hội Việt Nam từ Hoa Kỳ và hải ngoại thảo luận, phân tích kết quả, tác động, hệ lụy của chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới nội trị, bang giao và chính trị nội bộ của nhà nước và ĐCSVN.
Nguồn : RFA, 20/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Việt Nam - Chương trình nghị sự có gì ?
BBC, 17/06/2024
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/6 ra thông cáo xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp nhà nước Việt Nam trong hai ngày 19-20/6.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của Tổng thống Putin đến Việt Nam, nhưng là lần thứ năm ông đặt chân đến đây trên cương vị nguyên thủ quốc gia
Cũng theo bộ này, chuyến thăm của ông Putin diễn ra theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Gần như cùng lúc, Điện Kremlin và các hãng thông tấn khác của Nga cũng đăng tin về chuyến công du.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của Tổng thống Putin đến Việt Nam, nhưng là lần thứ năm ông đặt chân đến đây trên cương vị nguyên thủ quốc gia.
Chuyến thăm cấp nhà nước lần này diễn ra ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin, cho thấy sự coi trọng của ông đối với quan hệ Nga - Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ.
Trước đây, ông Putin có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2013, gần một năm sau khi ông đắc cử tổng thống Nga.
Chiều 17/6, ông Tô Lâm đã tiếp Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko.
Từ khi lên làm chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã có những buổi tiếp đại sứ một số quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam gồm Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba vào ngày 11/6 và Đại sứ Mỹ Marc Knapper vào ngày 13/6.
Chương trình nghị sự có gì ?
Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, ông Putin dự kiến dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch.
Ông Putin cũng dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với lãnh đạo cấp cao Việt Nam cùng một số hoạt động khác.
Hôm 17/6, ông Putin và ông Tô Lâm đã trao đổi thư mừng nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.
Trong thư mừng, lãnh đạo hai bên khẳng định hiệp ước là văn kiện lịch sử, có ý nghĩa lớn lao và "là biểu tượng khởi đầu cho một giai đoạn mới trong phát triển hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tạo ra tiền đề cho việc đưa quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện", theo Tuổi Trẻ.
Các lãnh đạo Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam và Nga là quan hệ truyền thống "đồng chí, anh em" và Nga đang là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Vấn đề mua bán vũ khí có thể sẽ là một trong những nội dung đứng đầu chương trình nghị sự trong chuyến đi sắp tới của ông Putin đến Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa kho vũ khí của mình sau cuộc chiến tranh Ukraine.
Các chuyên gia về quốc phòng - an ninh nhận định với BBC News tiếng Việt việc Việt Nam "chuyển hệ" sang mua vũ khí, khí tài của phương Tây, giảm phụ thuộc vào Nga đã bắt đầu từ hơn một thập niên trước và là một xu hướng dài hạn.
Tuy nhiên các cuộc thảo luận với những nhà lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ tập trung vào nhiều vấn đề nhạy cảm hơn, một số quan chức nói với Reuters.
Ngoài vũ khí, có thể sẽ còn về vấn đề khai thác dầu khí của những công ty Nga ở các mỏ dầu trên Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp với Trung Quốc và những vấn đề thanh toán trong bối cảnh ngân hàng Nga đang là đối tượng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ liên quan đến chiến tranh Ukraine, một trong những quan chức này trả lời Reuters.
Mỹ lên tiếng chỉ trích
Ông Putin đã có chuyến thăm hai ngày 15-16/5 tới Trung Quốc
Kế hoạch thăm Việt Nam của ông Putin đã vấp phải chỉ trích từ Mỹ.
Trả lời Reuters, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết :
"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình".
"Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế", người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết thêm, đề cập đến cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022 đến nay.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam có thể diễn ra trong bối cảnh Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) phát lệnh truy nã ông từ tháng 3/2023.
Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC), do đó ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến Việt Nam.
Diễn biến gần đây trong quan hệ Việt Nam-Nga
Các thành viên của đội Việt Nam khai hỏa từ xe tăng T-72 của Nga trong Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế vào ngày 16/8/2022 tại Công viên Patriot, ngoại ô Moscow, Nga
Ngày 5-8/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 27 được tổ chức tại Thành phố Saint-Petersburg (Nga).
Diễn đàn được tổ chức với chủ đề "Nền tảng đa cực - hình thành các trung tâm tăng trưởng mới".
Tại đây, ông Quang cho biết Việt Nam đánh giá cao sáng kiến "Đối tác Đại Á - Âu" của Tổng thống Putin về kết nối các tiến trình liên kết kinh tế khu vực, trong đó có Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và ASEAN.
Ông Quang cũng nêu ra một số đề xuất giúp gia tăng kết nối kinh tế Á – Âu.
Sau khi ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 22/5, ông Putin là một trong những vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên gửi điện và thư chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức.
Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng rằng trên cương vị Chủ tịch nước, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương mang tính xây dựng trên mọi lĩnh vực, vì lợi ích của hai dân tộc, nhằm củng cố an ninh và ổn định tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Khi đó, Chủ tịch Duma quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin cũng đã chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ông Volodin đã nhấn mạnh việc hợp tác giữa các đại biểu Quốc hội Nga và Việt Nam nhằm thúc đẩy củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ngày 23/5, hãng Thông tấn Nga TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Nga quyết tâm tiếp tục đối thoại thực chất thường xuyên với Việt Nam và cho rằng Hà Nội đã có cách tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine.
Khi nhắc tới cuộc chiến ở Ukraine, Việt Nam luôn sử dụng cụm từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" – cách Nga gọi cuộc xâm lược ở Ukraine - trong các phát ngôn chính thức.
Việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về vấn đề Ukraine-Nga vào tháng 2/2023 được đánh giá là nỗ lực duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga ngày càng xích lại với Trung Quốc, Việt Nam được cho là cần hạn chế quan hệ đối tác chiến lược với Nga để bảo toàn vị thế cân bằng trước ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Trong bài viết ngày 22/3 trên trang Fulcrum của Viện ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Ian Storey cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị.
Theo ông Storey, "không có quốc gia nào khác ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi điều này nhiều như Việt Nam. Điều này tác động lớn đến tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề trên Biển Đông, cũng như việc hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với Nga".
Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012.
Tới nay, Việt Nam luôn khẳng định "là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga", luôn nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.
Các lãnh đạo Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam và Nga là quan hệ truyền thống "đồng chí, anh em".
Gần đây đã có thông tin Việt Nam muốn gia nhập khối BRICS, một nhóm quốc gia mà Trung Quốc và Nga đóng vai trò chủ chốt.
Việt Nam là điểm đến an toàn của Tổng thống Putin ?
Vị tổng thống Nga từng công du Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.
Việt Nam nằm trong số ít quốc gia bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc... có lãnh đạo "nhiệt liệt chúc mừng" ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 tổng thống Nga trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là "giả hiệu".
Ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) phát lệnh truy nã vào tháng 3/2023 vì liên quan đến các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.
Từ thời điểm đó, ông Putin đã công du đến các nước không phải là thành viên của ICC.
Việt Nam hiện không phải là thành viên của ICC, nên ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến đây.
"Khả năng Việt Nam bắt giữ ông Putin theo lệnh của ICC thì cũng giống như trẻ em đắp người tuyết ở Sài Gòn. Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất để Putin công du nước ngoài", Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College (Mỹ) nói với BBC News tiếng Việt.
Bên cạnh việc Nga là nhà cung cấp vũ khí truyền thống, mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Moscow được coi là sự kế thừa về tình cảm từ thời Liên Xô.
Nhiều lãnh đạo cấp cao, quan chức các cấp, trí thức, doanh nhân Việt Nam từng học tập tại Liên Xô và nước Nga thường giữ tình cảm đặc biệt với Nga và cả ông Putin.
Nguồn : BBC, 17/06/2024
*************************
Ông Putin sắp đến Hà Nội : Mỹ phản ứng gay gắt, EU bất mãn
VOA, 17/06/2024
Mỹ phản ứng gay gắt chuyến thăm cấp nhà nước sắp diễn ra của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam trong lúc Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ bất mãn việc Hà Nội hoãn chuyến thăm của quan chức phụ trách cấm vận Nga, Reuters đưa tin.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm chính thức Nga ngày 6/9/2018 tại Sochi.
Ông Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm Việt Nam kéo dài hai ngày bắt đầu từ ngày 19/6, truyền thông nhà nước Việt Nam và Nga cho biết. Ông Putin dự kiến sẽ được người tương nhiệm Việt Nam Tô Lâm tiếp đón, hội đàm cũng như gặp các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra sau khi Hà Nội bỏ qua hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ vào cuối tuần trước, trong khi lại cử thứ trưởng ngoại giao tham dự một cuộc họp của khối BRICS ở Nga vào đầu tuần trước.
"Không nước nào nên cho Putin diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của họ và mặt khác cho phép ông ta biến sự tàn bạo của mình trở thành bình thường", phát ngôn nhân của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với Reuters khi được hỏi về tác động của chuyến thăm trong quan hệ với Mỹ.
Mỹ mới nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Nga là một trong những đối tác chiến lược toàn diện sớm nhất của quốc gia Đông Nam Á này.
"Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều đó có thể bình thường hóa các hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Nga", phát ngôn nhân này nói thêm, ý nhắc đến cuộc xâm lược Ukraine mà ông Putin phát động hồi tháng 2 năm 2022.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của Reuters.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại La Haye hồi tháng 3 năm ngoái đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, nhưng Việt Nam không phải là thành viên của ICC nên không có nghĩa vụ tuân thủ.
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu, đối tác kinh tế quan trọng khác của Việt Nam, đã không bình luận trước chuyến thăm, nhưng hồi tháng trước đã bày tỏ sự bất mãn về quyết định của Hà Nội trì hoãn cuộc họp với đặc phái viên EU về các biện pháp trừng phạt Nga – quyết định được cho là liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Putin.
Trên quan điểm của Hà Nội, chuyến thăm của ông Putin nhằm ‘chứng tỏ rằng Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại cân bằng, không đi theo bất kỳ cường quốc nào", ông Ian Storey, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu đông nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, nhận định với Reuters.
Năm ngoái, Hà Nội đã tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong các chuyến thăm cấp nhà nước để nâng cấp và củng cố quan hệ.
Đây là lần thứ 5 ông Putin tới thăm Việt Nam và là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ năm 2017. Tại Hà Nội, ông Putin dự kiến sẽ công bố các thỏa thuận trong các lĩnh vực bao gồm thương mại, đầu tư, công nghệ và giáo dục, hai quan chức nói với Reuters, mặc dù nghị trình có thể thay đổi.
Tuy nhiên, các cuộc bàn thảo với các lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ tập trung vào các vấn đề nhạy cảm hơn, các quan chức cho biết, nhưng không nói rõ vấn đề gì vì nó không được công khai.
Những cuộc thảo luận sẽ bao gồm mua bán vũ khí mà Nga lâu nay vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam ; năng lượng, với các công ty Nga đang khai thác tại các mỏ dầu khí của Việt Nam ở vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông ; và thanh toán, vì hai nước đang rất vất vả để thực hiện các giao dịch vì lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các ngân hàng Nga.
Không rõ liệu thông báo về các chủ đề này có được đưa ra hay không.
"Các chủ đề chính sẽ là củng cố các quan hệ kinh tế và thương mại, bao gồm bán vũ khí", ông Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nói với Reuters.
Ông Putin và các nhà lãnh đạo Việt Nam nhiều khả năng sẽ bàn thảo cácth thức thực hiện các giao dịch bằng tiền rúp và tiền đồng thông qua hệ thống ngân hàng để cho phép thanh toán hàng hóa và dịch vụ, ông nói.
Tại Hà Nội, chủ một cửa hàng đồ lưu niệm Nga thể hiện sự hào hứng của những người Việt Nam lớn tuổi trước chuyến thăm của ông Vladimir Putin.
"Người Việt Nam rất yêu thích các sản phẩm của Nga", bà Nguyễn Thị Hồng Vân nói với Reuters. Cửa hàng của bà bày bán các búp bê Matryoshka và mũ có thêu các chữ cái CCCP, tên viết tắt của Liên Xô.
"Tôi rất vui khi biết ông Putin đến Việt Nam vì ông ấy rất tài năng, thực sự là một lãnh đạo thế giới. Tôi rất ngưỡng mộ ông ấy", ông Trần Xuân Cường, một cư dân Hà Nội 57 tuổi, nói với Reuters trước tượng đài Lenin ở trung tâm Hà Nội.
"Tinh thần Nga rất tuyệt. Nó nhẹ nhàng, nhiều tình cảm và yêu hòa bình", ông Trần Xuân Việt, một cư dân khác ở Hà Nội, 83 tuổi, nói với Reuters.
Trái với những người lớn tuổi, những người trẻ ở Việt Nam từ chối bình luận về ông Putin.
Nguồn : VOA, 17/06/2024
*********************************
Washington trách cứ Hà Nội về chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga Putin
Anh Vũ, RFI, 1/06/2024
Hãng tin Reuters hôm nay, 17/06/2024, dẫn nguồn từ nhiều quan chức cho biết, tổng thống Vladimir Putin trong tuần này công du chính thức Việt Nam. Washington đã tỏ không hài lòng việc Hà Nội đón tiếp tổng thống Nga.
Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp với Bộ Ngoại giao Nga, Moskva, ngày 14/06/2024. AP - Alexander Zemlianichenko
Ông Putin vừa mới nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 cách đây hơn một tháng. Theo nhiều nguồn thạo tin, trong tuần, nguyên thủ Nga sẽ tới Hà Nội. Tổng thống Putin sẽ được chủ tịch Việt Nam Tô Lâm đón tiếp và ông sẽ gặp gỡ nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị Nga-Việt.
Hoa Kỳ đã có phản ứng khá nặng nề. Được Reuters đặt câu hỏi về tác động chuyến thăm Hà Nội của tổng thống Nga, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuyên bố : "Không quốc gia nào nên tạo cơ hội cho Putin quảng bá cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và giúp ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình".
Đại diện sứ quán Mỹ nói thêm : "Nếu ông ta có thể đi lại tự do, như thế tức là có thể bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga", ý muốn nói đến cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine mà ông Putin phát động từ hồi tháng 02/2022.
Được Reuters liên hệ, Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời đề nghị bình luận về sự việc.
Vẫn theo hãng tin Anh, Liên Hiệp Châu Âu, một đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam, không bình luận trước thông tin chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga, nhưng tháng trước Bruxelles đã tỏ thái độ không hài lòng về quyết định của Hà Nội trì hoãn cuộc gặp với đặc phái viên Liên Âu để thảo luận về các lệnh trừng phạt Nga. Nhiều quan chức ngoại giao nhận định, sự trì hoãn này có liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Putin.
Lần đầu tiên tổng thống Putin có chuyến thăm Việt Nam ở cấp Nhà nước là vào năm 2017. Lần này là chuyến đi Việt Nam thứ 5 của ông. Theo giới quan sát, trong cuộc gặp lần này, ngoài những hồ sơ hợp tác thương mại, đầu tư, công nghệ, giáo dục... hai bên sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề nhạy cảm.
Đó có thể là hồ sơ mua bán vũ khí. Trước đây, Nga là nhà cung cấp chính cho Việt Nam ; hay hồ sơ hợp tác năng lượng, với các công ty Nga hoạt động tại các mỏ khí đốt và dầu lửa của Việt Nam tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ; và vấn đề thanh toán, vì hai nước gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngân hàng Nga. Một quan chức giấu tên tại Hà Nội cho Reuters biết như trên.
Chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu chính trị ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nhận định, đối với Hà Nội, chuyến thăm nhằm mục đích "chứng minh rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, không ngả theo bất kỳ cường quốc nào".
Anh Vũ
***************************
Việt Nam sắp tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, Mỹ lên tiếng chỉ trích ?
BBC, 17/06/2024
Cho đến nay chưa có thông tin chính thức về thời gian công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Bắc Hàn và Việt Nam.
Trên mạng xã hội hiện đang lan truyền hình ảnh máy bay được cho là IL-96-300 mang quốc kỳ Nga và hai chiếc xe Aurus Senat ở sân bay Nội Bài (Hà Nội)
Lần gần nhất mà ông Putin đến Việt Nam là vào năm 2017 khi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Trên mạng xã hội hiện đang lan truyền hình ảnh chiếc máy bay IIlyushin Il-96-300PU vốn được ví là 'Điện Kremlin bay', chuyên chở tổng thống Nga, mang quốc kỳ Nga, cùng hai chiếc xe limousine Aurus Senat ở sân bay Nội Bài, được cho là để chuẩn bị công tác hậu cần trước khi ông Putin đến Hà Nội.
BBC News tiếng Việt chưa thể kiểm chứng độc lập những hình ảnh này.
Trong khi đó các nguồn tin từ Hàn Quốc cho thấy tổng thống Nga có thể đến Bắc Hàn vào thứ Ba 18/6 và các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hiện quốc gia này đang chuẩn bị cho chuyến đi của ông Putin.
Như vậy rất có thể sau chuyến đi Bắc Hàn thì ông Putin sẽ đến Hà Nội, tức sau ngày 18/6, như thông tin trên báo Vedomosi của Nga hôm 10/6.
Ngoài ra, Việt Nam và Nga đã có những động thái dường như làm tiền đề cho chuyến thăm của ông Putin.
Vào ngày Chủ nhật 16/6, hai nước đã kỷ niệm 30 năm ngày ký "Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga" (16/6/1994 - 16/6/2024).
Theo truyền thông Việt Nam, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao đổi thư mừng với Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trao đổi thư mừng với người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin.
Mỹ lên tiếng chỉ trích ?
Trả lời Reuters, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết :
"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình".
"Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế", người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết thêm, đề cập đến cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022 đến nay.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam và Bắc Hàn có thể diễn ra trong bối cảnh Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) phát lệnh truy nã ông từ tháng 3/2023.
Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC), do đó ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến Việt Nam.
Trước đó, thông tin về chuyến đi của ông Putin đến Bắc Hàn và Việt Nam chỉ được công bố rất ít ỏi.
Báo Vedomosi của Nga đưa tin hôm 10/6 rằng ông Putin sẽ tới thăm Việt Nam và Bắc Hàn "vào tuần tới", tức tuần từ 17-23/6.
Ngoài ra một nguồn tin cho Reuters hay rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Putin dự kiến sẽ diễn ra vào 19-20/6 nhưng vẫn chưa ấn định.
Ngày 30/5, trang Sputnik đăng tuyên bố từ người phát ngôn Điện Kremlin rằng chuyến đi của ông Putin đến Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị và ngày cụ thể sẽ được công bố kịp thời.
Ông Putin từng có bốn lần công du Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.
Trong đó có ba lần ông có chuyến thăm chính thức là vào các năm 2001, 2006, 2013.
Năm 2017, ông Putin đến Đà Nẵng để dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Vấn đề 'nhạy cảm' sẽ được thảo luận ?
Từ tháng 10/2023 đến nay, Việt Nam đã hai lần gửi lời mời thăm Việt Nam đến ông Putin.
Hồi tháng 10/2023, ông Putin cũng nhận lời "sớm" đến thăm theo lời mời của chủ tịch nước khi đó là ông Võ Văn Thưởng trong khuôn khổ cuộc gặp bên lề hội nghị kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, diễn ra tại Bắc Kinh ngày 17/10/2023.
Lúc bấy giờ, phản hồi từ phía Điện Kremlin là "Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời và mời Chủ tịch nước Việt Nam thăm Nga vào thời gian thích hợp".
Hôm 26/3, trong cuộc điện đàm chúc mừng ông Putin tái đắc cử, ông Nguyễn Phú Trọng đã lần nữa gửi lời mời ông Putin thăm Việt Nam.
Khi chuyến đi của ông David O'Sullivan, đặc phái viên chuyên về các lệnh trừng phạt của EU đến Việt Nam vào các ngày 13-14/5 bị hoãn với lý do "các nhà lãnh đạo [Việt Nam] quá bận để gặp ông" thì xuất hiện thông tin sự trì hoãn này có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội.
Tuy nhiên, những xáo trộn nhân sự trong thượng tầng chính trị của Việt Nam đó, bao gồm việc "Tứ Trụ" đang thiếu mất hai ghế : chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội, được cho là lý do khiến ông Putin chưa đến Việt Nam hồi giữa tháng Năm.
Chuyến đi tiềm năng tới Bắc Hàn và Việt Nam của ông Putin diễn ra sau khi Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine (Summit on Peace in Ukraine) kết thúc tại khu resort Bürgenstock của Thụy Sĩ.
Việt Nam là khách mời nhưng đã không tham dự thượng đỉnh này.
Các lãnh đạo Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam và Nga là quan hệ truyền thống "đồng chí, anh em" và Nga đang là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Vấn đề mua bán vũ khí có thể sẽ là một trong những nội dung đứng đầu chương trình nghị sự trong chuyến đi sắp tới của ông Putin đến Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa kho vũ khí của mình sau cuộc chiến tranh Ukraine.
Tuy nhiên các cuộc thảo luận với những nhà lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ tập trung vào nhiều vấn đề nhạy cảm hơn, một số quan chức nói với Reuters.
Ngoài vũ khí, có thể sẽ còn về vấn đề khai thác dầu khí của những công ty Nga ở các mỏ dầu trên Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp với Trung Quốc và những vấn đề thanh toán trong bối cảnh ngân hàng Nga đang là đối tượng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ liên quan đến chiến tranh Ukraine, một trong những quan chức này trả lời Reuters.
Tại sao ông Putin đến Bắc Hàn vào lúc này ?
Báo giới cũng đang theo dõi chặt chẽ những chỉ dấu về chuyến đi của ông Putin đến Bắc Hàn.
Điện Kremlin tuyên bố sẽ có thêm chi tiết vào thời điểm thích hợp nhưng đồn đoán đã đến đỉnh điểm.
Khi lên máy bay đến Bình Nhưỡng, ông Putin biết những hình ảnh chuyến công du sẽ khiến thế giới chú ý và hẳn là nhà lãnh đạo Điện Kremlin sẵn sàng hợp tác cả trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị với những đối tác mà ông lựa chọn.
Chuyến đi của ông Putin đến Bắc Hàn tại sao quan trọng và vì sao lại diễn ra vào thời điểm này ?
Trước hết, có một sự tò mò tự nhiên vì đây sẽ chỉ là lần thứ hai ông Putin đến thăm Bắc Hàn, lần đầu tiên là vào năm 2000 khi ông mới nhậm chức tổng thống Nga, khi đó nhà lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn là Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), cha của ông Kim Jong-un vẫn là lãnh tụ tối cao.
Nhưng hơn thế, mối quan hệ ngoại giao (mặc dù không được như cấp độ thời Liên Xô) hiện đã chuyển từ mức quan hệ xã giao sang có cùng chung lợi ích, đây chính là điều khiến phương Tây quan ngại.
Điện Kremlin nói có một không gian cho "mối quan hệ rất sâu sắc" giữa Nga và Bắc Hàn, mặc dù cho biết điều này không nên làm bất kỳ ai quan ngại.
Đã có nhiều đồn đoán về việc chính xác hai bên muốn gì từ nhau. Và dường như vấn đề chủ yếu xoay quanh đảm bảo an toàn cho nguồn cung khí tài.
Chính trị gia và đồng minh của Putin, Sergei Markov, cho biết Nga có khả năng đang tìm kiếm đạn dược, công nhân xây dựng, thậm chí là tình nguyện viên để ra tiền tuyến ở Ukraine.
Đổi lại, Bình Nhưỡng có thể nhận được hàng hóa của Nga, cũng như sự hỗ trợ công nghệ cho các mục tiêu quân sự, bao gồm chương trình tên lửa tầm xa nhằm cuối cùng đạt được tầm bắn tới Mỹ, ông Markov cho BBC biết thêm.
Một bài viết mới đây trên Bloomberg trích dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho thấy Bắc Hàn đã vận chuyển gần 5 triệu vỏ đạn đến Nga.
Tìm một đối tác cùng gánh chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và không ưa gì phương Tây và muốn giao dịch thương mại, là điểm mấu chốt quan trọng cho Nga.
Sau cùng thì Nga và Bắc Hàn là hai quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới - Bắc Hàn thì bị trừng phạt liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và phóng thử các tên lửa đạn đạo.
Và có thể cũng có tình hữu nghị thật sự giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Bắc Hàn, mặc dù là một tình bạn thận trọng và mang tính thương mại.
Hồi tháng Hai, ông Putin đã tặng cho ông Kim một chiếc xe limousine sang trọng của Nga, điều này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Ông Kim nói Bắc Hàn là "một đồng chí bất khả chiến bại" với Nga trong một thông điệp mới đây gửi đến ông Putin.
Rõ ràng là Bắc Hàn hiện có giá trị hơn đối với một nước Nga đang bị quốc tế cô lập và Bình Nhưỡng thấy Moscow cần có bạn bè.
Nguồn : BBC, 17/06/2024