Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/06/2024

Tạp chí đặc biệt : Tổng thống Nga công du Việt Nam

RFI tiếng Việt

Cơ hội Hà Nội trắc nghiệm chính sách ngoại giao đa phương hóa

Trong khi Liên Hiệp Châu Âu thông báo đã thống nhất về loạt biện pháp trừng phạt thứ 14 nhắm vào Nga, trong khi tổng thống Nga đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC / Cour pénale international - CPI) truy nã vì tội cưỡng bức di dời trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraine sang Nga, thì ông Putin cũng được trải thảm đỏ chào đón như một "ngôi sao sáng", được nghênh tiếp với những nghi thức trọng thể nhất tại Bắc Triều Tiên và Việt Nam.

congdu1

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội, ngày 20/06/2024. AP - Gavriil Grigorov

Điểm qua báo chí Pháp, nếu so sánh, thì dường như chuyến công du của Putin đến Bắc Triều Tiên được phương Tây quan tâm chú ý nhiều hơn. Nguy cơ Moskva và Bình Nhưỡng - hai chế độ đang bị phương Tây trừng phạt - xích lại gần nhau hơn khiến phương Tây lo ngại. Trong thời gian qua, đã có những bằng chứng cho thấy chế độ Kim Jong Un đã cung cấp nhiều vũ khí đạn dược, thậm chí tên lửa, cho chính quyền Putin tấn công Ukraine. Mối lo của phương Tây và Ukraine càng tăng sau khi Moskva và Bình Nhưỡng thông báo đôi bên ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược, sẵn sàng hỗ trợ nhau về mặt quân sự nếu một trong hai bên bị tấn công vũ trang từ bên ngoài. Phương Tây chắc chắn cũng lo ngại về việc Nga hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển chương trình tên lửa. 

Liên quan đến Việt Nam, đây là dịp để các đài báo Pháp như RFI, France 24, Le Monde, Le Figaro, La Croix, Les Echos… nhắc lại về chính sách "ngoại giao cây tre" của Hà Nội, cũng như về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Hà Nội và Moskva. Năm nay đánh dấu 30 năm đôi bên ký Hiệp ước hữu nghị Nga-Việt. 

Dẫu Việt Nam không phải là thành viên ký Quy chế Roma, nên không bị gây sức ép, không chịu sự ràng buộc phải tuân theo quy định của Tòa án Hình sự Quốc tế, thế nhưng Việt Nam vẫn vấp phải sự không hài lòng của phương Tây, nhất là Mỹ.

Theo Le Figaro, trong thông cáo, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nhấn mạnh : "Không nước nào nên tạo cơ hội cho Putin quảng bá cuộc chiến tranh của ông ta xâm lăng Ukraine". Washington cảnh giác về ý đồ của Putin bình thường hóa hành vi bạo tàn của ông ta trong chiến tranh Ukraine. Theo nhận định của sứ quán Mỹ, để tổng thống Nga tự do đi lại trong khi ông ta đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã, là cho phép bình thường hóa những hành vi của Nga vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn.

Và quả đúng như lo ngại của Mỹ, khi đến Hà Nội, Putin đã có những phát biểu đánh giá cao và bày tỏ lòng biết ơn về việc Việt Nam có lập trường "cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine". Trên thực tế, Hà Nội luôn giữ thái độ kín đáo về hồ sơ chiến tranh Ukraine. Gần đây nhất, Việt Nam đã không tham gia vào Hội nghị vì hòa bình tại Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ vào cuối tuần trước, với sự tham gia của đại diện đến từ hơn 90 nước và tổ chức quốc tế.

Về những tính toán của Nga, Le Figaro ngày 20/06 nhận định thông qua chuyến công du Việt Nam, tổng thống Nga "thách thức thế bao vây của phương Tây". Điều này càng rõ nét bởi vì Việt Nam, dù là một nước nhỏ, nhưng là đối tác quan hệ chiến lược toàn diện của nhiều nước có trọng lượng trên trường quốc tế : Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Myong Hyun, nhà nghiên cứu của Viện Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, tại Seoul, được Le Figaro trích dẫn, nhận định : "Chuyến thăm này nhằm cho thấy ông ta (Putin) không bị cô lập trên trường quốc tế".

Về phía Việt Nam, do lệ thuộc vào nguồn cung vũ khí và dầu lửa - khí đốt của Nga và cũng muốn tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nên ngoài việc thắt chặt quan hệ với Moskva, việc mời tổng thống Putin đến thăm cũng là dịp để Hà Nội khẳng định thế tự chủ chiến lược, cân bằng, mềm dẻo thắt chặt quan hệ với nhiều nước lớn. Trong đó, có những nước là đối thủ của nhau hoặc là thành viên của các khối đối chọi nhau trên trường quốc tế.

Hà Nội cũng nhân dịp này trắc nghiệm phản ứng của phương Tây với đường lối ngoại giao của Việt Nam. Hãng tin Pháp AFP hôm 20/06 trích dẫn nhận định của bà Lê Thu Hường, phó giám đốc chương trình Châu Á của tổ chức phi chính phủ Crisis Group : Đây là "bài trắc nghiệm để xem chính sách ngoại giao đa phương hóa của Hà Nội có thể đi xa đến đâu, và liệu có được các cường quốc khác chấp nhận hay không". 

Bầu cử Hạ Viện Pháp và mối lo của Châu Âu

Chỉ còn 1 tuần nữa là cử tri Pháp bước vào vòng 1 bầu cử lập pháp. Cuộc chạy đua giữa các đảng phái chính vẫn đang diễn ra quyết liệt. Các nước Liên Âu, nhất hai láng giềng Đức - Ý ngay sát cạnh Pháp, cũng đang theo dõi bầu không khí chính trị được xem là "chưa từng có" tại Pháp, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN). Theo các thăm dò ý kiến gần đây nhất, đảng RN sẽ về đầu trong kỳ bầu cử Hạ Viện, trước liên đảng cánh tả và đảng Renaissance của tổng thống Macron. 

Theo thông tín viên Anne Le Nirtại Roma, nhật báo bảo thủ Il Giornale của Ý, vốn rất bài Macron, nhấn mạnh là thủ tướng Ý Giorgia Meloni và bà Marine Le Pen của đảng RN của Pháp, dù đều là thuộc phe cực hữu, nhưng lại không có chung quan điểm về nhiều vấn đề, chẳng hạn về hồ sơ chiến tranh Ukraine. Còn các báo cánh tả của Ý, trong đó có La Republica, lo ngại về nguy cơ không đảng phái nào ở Pháp có thể kiềm chế được đà tiến của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, vốn có tư tưởng bài Liên Âu, gây tác động đến phần còn lại của Liên Hiệp.

Nhìn sang Đức, quyết định giải tán Hạ Viện và tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng gây ngạc nhiên, thắc mắc và sự khó hiểu ở Đức. Quốc gia đối tác chính của Paris ở Liên Âu lo ngại về quan hệ hợp tác trong thời gian tới của Pháp và Đức, cũng như về tương lai của Liên Âu.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gửi về bài tường trình :

"Đánh bom tự sát", "Thích châm lửa phóng hỏa", "Ông ta bị ong chích hay sao ?"… Báo chí Đức đã dùng những từ ngữ không hề dịu nhẹ để bình luận về quyết định giải tán Hạ Viện của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Giống như hồi năm 2017 và 2022, nỗi lo sợ về thắng lợi của đảng cực hữu Pháp, Tập Hợp Dân Tộc, đã khuấy động công luận Đức. Ngay cả những người bên ngoài giới truyền thông và chính trị cũng lo ngại và tìm cách thấu hiểu vấn đề.

Berlin sợ rằng quan hệ song phương vốn đã suy yếu ở Châu Âu do thất bại của Emmanuel Macron và Olaf Scholz trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua sẽ bị tổn hại thêm nếu đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc hoặc liên đảng cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới thắng cử. Cách nay 1 tuần, Bộ Ngoại giao Đức đã tổ chức một cuộc gặp với các nhà nghiên cứu để bàn về hậu quả của cuộc bầu cử Hạ Viện ở Pháp.

Ngoài quan hệ song phương, mối lo ngại cho Liên Âu cũng gia tăng. Những sáng kiến ​​nào s vn có th thc hin được cùng vi Paris ? Chính sách kinh tế ca chính ph Pháp trong tương lai cũng được đặt ra vi kh năng b chn Bruxelles, cũng như nhng căng thng có th xy ra trên các th trường tài chính và đối vi tài chính công.

Nắng nóng : Chuyến hành hương đến Thánh địa linh thiêng Mecca thành mồ chôn hơn 1000 người

Tuần qua, ngoài các vấn đề thời sự, thời tiết nắng nóng như thiêu đốt tại nhiều khu vực trên thế giới cũng là chủ đề đáng quan tâm. Không chỉ ở người dân Châu Á, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam… phải hứng chịu nhiệt độ được ví như "trong chảo lửa", mà tại Châu Mỹ, hiện tượng thời tiết "vòm nhiệt" cũng hoành hành ở Canada và Hoa Kỳ.

Tại Mỹ, không chỉ lo ngại về nhiệt độ cao bất thường ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người, chính quyền Mỹ còn lo ngại về việc các đợt nắng nóng ngày càng kéo dài hơn. Từ Miami, thông tín viên David Thomson hôm 18/06 gửi về bài tường trình :

"150 triệu người Mỹ sẽ phải hứng chịu đợt nhiệt độ cao khắc nghiệt này, và 50% đã được báo động nắng nóng. Vòm nhiệt bao trùm lên hàng chục thành phố lớn ở Bờ Đông và vùng Midwest của nước Mỹ : Detroit, Cleveland, Boston, Chicago, Philadelphia và New York. Các đô thị lớn này vốn dĩ không quen với những đợt nắng nóng đến sớm như vậy, thậm chí trước cả khi bắt đầu vào hè. Nhiệt độ có thể sẽ phá vỡ mọi kỷ lục và vượt quá 38 độ.

Tình trạng này kéo dài vài ngày, cho đến thứ Bảy (22/06) và chính thời gian kéo dài như vậy là điều khiến chính quyền Mỹ lo ngại. Người dân được khuyến cáo không nên tham gia bất cứ hoạt động nào ở ngoài trời. Tại nhiều bang, nhà chức trách cho đóng cửa các trường học công vào buổi chiều.

Hồi năm ngoái, nước Mỹ đã phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng kiểu như vậy nhất, tính từ năm 1936 trở lại đây. Và theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science, biến đổi khí hậu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những đỉnh nhiệt độ cao như vậy và khiến chúng xảy ra ngày càng nhiều hơn, kéo dài hơn và gây chết chóc nhiều hơn".

Nói về cái chết do điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt gây ra, đau buồn nhất trong tuần qua phải kể đến vụ có đến hơn 1.100 người chết chỉ trong đợt hành hương 5 ngày (14-19/06) đến Thánh địa Mecca, miền tây Saudi Arabia, dưới nhiệt độ lên tới 50-52 độ C. Hơn 650 nạn nhân thiệt mạng là người dân Ai Cập. Còn lại là những tín đồ Hồi giáo đến từ khoảng một chục nước, như Pakistan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Iran, Jordan, Tunisia, Sudan…

Về tình hình cháy rừng tại Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trong đêm thứ Năm rạng sáng thứ Sáu, ngọn lửa lan ra nhiều làng ở miền đông nam đã làm ít nhất 5 người thiệt mạng, 40 người bị thương, trong đó có 10 người bị thương nặng.

Liên quan đến Pháp, báo cáo "Rings of fire" (Vòng lửa) do tổ chức phi chính phủ Climate Central, các học giả đại học Portsmoth của Anh và 11 vận động viên Olympic đồng soạn thảo, báo động nắng nóng gay gắt vào tháng 07-08/2024, giai đoạn diễn ra Thế Vận Hội và Thế Vận Hội cho người khuyết tật, có thể khiến một số vận động viên kiệt sức, thậm chí khiến họ tử vong.

Nỗi lo này không phải vô cớ. Trong những năm gần đây, Paris đã hứng chịu nhiều đợt nắng nóng. AFP nhắc lại là vào năm 2023, theo số liệu của Cơ quan Y tế công, tổng cộng hơn 5.000 người tại Pháp đã tử vong vì nắng nóng. Và theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet Planet Health hồi tháng 5, Paris là thành phố có tỉ lệ tử vong do nắng nóng cao nhất trong số 854 thành phố của Châu Âu, do mật độ dân cư cao và ít không gian xanh.

Thùy Dương

Nguồn : RFI 22/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 407 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)