Nhiều vụ giả danh cán bộ, lãnh đạo Công an, lãnh đạo ban, ngành để lừa gạt người dân, xảy ra liên tiếp những năm gần đây. Nhiều người dân mất hàng chục tỷ đồng vì những trò lừa đảo đó. Tại sao xảy ra những việc như vậy, phải chăng bộ máy hành chính công của Việt Nam không chuyên nghiệp hay luật pháp Việt Nam không được coi trọng ?
Ông Trần Anh Vũ lúc bị bắt (Lao Động online) - Ảnh minh họa
Lừa thật và lừa giả !
Hôm 20/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt ông Trần Anh Vũ do ông này giả danh Phó trưởng ban Nội chính Trung ương để lừa đảo chạy vay vốn ưu đãi, mua đất giá rẻ.
Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Phó ban Nội chính Trung ương đương nhiệm là ông Nguyễn Văn Yên, người vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật do tham nhũng, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả bị cho là rất nghiêm trọng.
Cũng liên quan đến việc giả danh cán bộ, lãnh đạo nhà nước, trước đó một tháng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định truy nã Trần Minh Hiếu vì ông này giả danh đại tá công an đang công tác tại Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), nhận tiền từ người dân để lo thủ tục tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ngoài chuyện lừa đảo trực tiếp như hai trường hợp vừa nêu, theo truyền thông nhà nước, thời gian qua có một số người dân trên địa bàn cả nước, còn nhận được các cuộc gọi điện thoại giả danh là cán bộ công an để hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID. Khi người dân cung cấp thông tin cá nhân hoặc cài đặt ứng dụng VNeID cho những cuộc gọi giả mạo, liền bị kẻ gian truy cập điện thoại rồi thực hiện lệnh chuyển tiền trên các ứng dụng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, một đại tá quân đội về hưu, nêu quan điểm của ông với RFA về những vụ giả danh lừa đảo như vậy, sáng 20/6 :
"Hiện tượng này chỉ chứng tỏ một điều bộ máy hành chính công của Việt Nam không chuyên nghiệp. Việc vận hành bộ máy thực thi luôn xảy ra tình trạng không dựa vào những quy định của pháp luật mà chỉ dựa vào mối quan hệ cá nhân, quan hệ mua bán, người thực thi trong bộ máy luôn lợi dụng những kẻ hở của pháp luật để trục lợi cho bản thân. Hiện tượng này chính là hệ quả tất yếu sau nhiều năm của bộ máy hành chính không chuyên nghiệp. Từ những việc như trên dẫn đến hiện tượng những kẻ lừa đảo đã lợi dụng hình ảnh của cán bộ công chức, quan chức Nhà nước đi lừa đảo. Ngược lại những người bị lừa cũng quen với những việc không tuân thủ luật pháp và trình độ dân trí hạn chế nên dễ dàng bị những kẻ lừa đảo lợi dụng".
Dư luận cho rằng, sở dĩ có chuyện giả danh công an để lừa đảo, vì chính công an thật cũng lừa đảo, như trường hợp nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng - Đỗ Hữu Ca bị truy tố do "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" số tiền 35 tỷ đồng từ một doanh nghiệp nhờ chạy án. Hay trường hợp ông Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục C50, hiện đang phải thụ án tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án đánh bạc trực tuyến qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đứng đầu.
Mới nhất hôm 3 tháng 6, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã xử sơ thẩm cựu công an xã Nguyễn Thị Mỹ Xuyên với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, trong đó có cả cô giáo của con gái mình.
Cho ý kiến về những vụ việc trên, cựu trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục 2 Bộ quốc phòng nói :
"Điều đó chứng tỏ trong ngành công an có khá nhiều người không đủ phẩm chất, là những người có quyền, có uy, có thế lực, có sự tác động…, họ có những thứ để có thể thu được mối lợi từ đấy, để mua bán, trao đổi ở đấy thì họ mới giả danh. Ngày xưa, khi tôi công tác tại Tổng cục 2 Bộ quốc phòng, tôi từng được nắm danh sách vài chục đối tượng giả danh tình báo quân đội để đi lừa đảo và cũng lừa được khá nhiều người".
Do luật pháp Việt Nam
Liên quan pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Miếng nhận định :
"Tình trạng lợi dụng sự quen biết để tìm một lợi ích cá nhân nào đó không qua con đường chính thức đã trở thành một tệ nạn rất là lớn tại Việt Nam. Chính những người đang giữ những vị trí gọi là ‘đầy tớ của nhân dân’ đã lợi dụng chức vụ đó để kiếm ăn. Và nhìn chung, trên hết mọi sự như vậy là do luật pháp Việt Nam không được coi trọng. Họ coi pháp luật của Việt Nam chẳng có ý nghĩa gì cả. Họ đứng cả trên luật. Và hậu quả là có những người chẳng có chức vụ, quyền hạn gì cả, hay cũng chẳng quen biết ai nhưng họ vẫn lấy chức danh đó để giúp người khác chạy chọt. Từ đó nó trở thành một cái tệ nạn là giả danh cán bộ, giả danh công an, giả danh những người có chức có quyền để lừa gạt siêu đẳng hơn".
Theo thống kê được Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) cho biết tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt", tổ chức hôm 14 tháng 6 vừa qua, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022. Trong đó, có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính. Tỷ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang cũng thừa nhận nguyên nhân chủ yếu của việc lừa đảo là do kẽ hở pháp luật.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021, cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có 527 vụ giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Hôm 8/5/2024, đại diện Bộ Công an cũng xác nhận, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo Bộ Công an, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.
Trong năm qua, cũng theo Bộ Công an, Bộ này đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.
Nguồn : RFA, 20/06/2024