Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Zero Covid của Trung Quốc đe dọa tăng trưởng thế giới

Les Echoschạy tựa trang nhất "Khi Trung Quốc đe dọa sự tăng trưởng của thế giới". Tờ báo nêu ra những yếu tố : chiến lược zero Covid khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa, tăng trưởng Trung Quốc đi xuống, bên cạnh đó là khủng hoảng địa ốc.

zero0

Công nhân làm việc tại một dây chuyền lắp ráp xe hơi ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 24/02/2020.  Reuters – Aly Song

Bắc Kinh phong tỏa nhiều nơi, gây khó khăn cho chuỗi sản xuất toàn cầu

Vào đầu tháng, tập đoàn điện tử Samsung Electronics và Micron Technology phải giảm sản lượng tại Tây An (Xi’an), sau khi phát hiện một số ca dương tính. Tuần trước, các nhà máy của Volkswagen và Toyota, hai hãng xe hơi lớn nhất thế giới đành ngưng hoạt động toàn bộ tại Thiên Tân (Tianjin), do vài ca Omicron tại thành phố cảng 14 triệu dân. Ở Ninh Ba (Ningbo), đến lượt Shenzhou International Group - nhà cung cấp cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Uniqlo - đóng cửa nhà máy.

Tại địa điểm lắp ráp Airbus ở ngoại ô Thiên Tân, tuy sản xuất chưa bị ảnh hưởng nhưng các hạn chế ra vào thành phố gây phức tạp cho việc giao hàng. Tổng giám đốc Airbus Guillaume Faury cảnh báo, Omicron có thể thay đổi đáng kể tình hình Trung Quốc so với hai năm trước. Cho dù liên tiếp xuất hiện các ổ dịch, nhà cầm quyền nhất quyết bám vào chủ trương zero Covid, khiến người ta lo ngại sẽ gây rối loạn kinh tế thế giới, mà theo chủ tịch EurasiaGroup, "là nguy cơ số 1 của năm 2022".

Việc đóng cửa những khu vực rộng lớn khiến các tập đoàn Hàn Quốc và Nhật Bản bỗng nhận ra mối nguy lệ thuộc vào Trung Quốc. Báo cáo mới nhất của Liên đoàn Kỹ nghệ Hàn Quốc (KFI) cho biết 29,3% linh kỉện, phụ tùng sử dụng là từ Trung Quốc, còn ở Nhật Bản là 28,9% ; và ngày càng tập trung vào các lãnh vực chiến lược. Đặc biệt với bình điện lithium-ion, tỉ lệ này lên đến 93,3% đối với Hàn Quốc và 66,1% với Nhật Bản. KFI muốn giảm dần lệ thuộc bằng sản xuất trong nước, còn chính phủ Nhật đang xem xét một chương trình tài trợ mới cho những sản phẩm chiến lược.

2021, năm cuối cùng Trung Quốc tăng trưởng cao

Theo Le Monde, năm 2021 là năm tăng trưởng cao cuối cùng của Trung Quốc. Với tỉ lệ tăng trưởng 8,1% trong năm ngoái, Trung Quốc không chỉ vượt chỉ tiêu 6% mà còn đạt mức chưa từng có từ 10 năm qua, với thặng dư thương mại 676,4 tỉ đô la, tăng 30%.

Hơn phân nửa trong số này là nhờ buôn bán với… Mỹ. Máy tính, đồ chơi, vật liệu y tế… made in China tràn ngập thị trường phương Tây. Tuy nhiên Trung Quốc nay đối mặt với nhiều khó khăn. Lưu Quế Bình (Liu Guiping), phó thống đốc Ngân hàng Trung ương hôm 15/01 nêu ra : dịch chuyển chuỗi sản xuất sang các nước Đông Nam Á thậm chí sang các quốc gia phát triển vì lý do kinh tế lẫn chính trị, thiếu chip bán dẫn, những bất định liên quan đến Covid, lạm phát, siết chặt chính sách tiền tệ và xu hướng chống toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó là những khó khăn trong nước. Tuy chính sách zero Covid mang lại kết quả trong năm 2020 và đầu năm 2021, nhưng biến thể Omicron xuất hiện khiến phải bất ngờ phong tỏa 19 triệu dân. Nếu Bắc Kinh thực hiện lời đe dọa trừng phạt các hãng hàng không chở khách bị xét nghiệm dương tính khi đến nơi, sẽ không còn chuyến bay trực tiếp nào giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ từ 19/01 đến 02/02, điều chưa từng thấy từ nhiều thập niên qua. Một chủ doanh nghiệp nhấn mạnh : "Làm thế nào đầu tư lớn vào một nước mà bản thân mình không thể đến đó ?".

Hơn nữa, sau khi nhiều lãnh vực chủ chốt bị siết lại, nhất là công nghệ, giới kinh doanh tự hỏi rồi sẽ đến lượt ai ? Ngoài ra vụ Evergrande phá sản tiếp tục làm rung chuyển lãnh vực địa ốc, vốn chiếm 25% GDP Trung Quốc. Trong nửa cuối năm 2021, nhiều vụ cúp điện làm rối loạn sản xuất do các quan chức địa phương sợ Bắc Kinh khiển trách về môi trường.

Thiếu thốn mọi thứ, Bắc Triều Tiên mở cửa biên giới với Trung Quốc

Trung Quốc đóng cửa, nhưng Bắc Triều Tiên lại mở cửa cho hàng hóa từ Hoa lục, do đang thiếu thốn mọi thứ vì cấm vận và tự cô lập để chống Covid. Les Echos cho biết lần đầu tiên kể từ 2020, một đoàn tàu chở đầy hàng Trung Quốc hôm qua đã vượt qua biên giới Trung-Triều. Lo sợ trước con virus, đôi bên đã sắp xếp để không có sự tiếp xúc nào. Những hình ảnh trên truyền hình Nhật cho thấy một đầu máy từ Đan Đông chạy qua chiếc cầu Hữu Nghị, kéo về khoảng 15 toa tàu rỗng của Bắc Triều Tiên, sau đó quay lại Sinuiju, nơi chế độ Bình Nhưỡng năm ngoái đã xây dựng một trung tâm tiệt trùng hàng hóa.

Đây có thể là thử nghiệm cho việc trao đổi "an toàn". Trước đại dịch, trao đổi giữa hai nước lên đến trên 3 tỉ đô la năm 2019, chủ yếu qua con đường này. Việc tạm ngưng giao dịch với Trung Quốc khiến Bắc Triều Tiên gặp nhiều khó khăn : công nghiệp không hoạt động được, thiếu trầm trọng xăng dầu, ngũ cốc, thực phẩm, thuốc men.

Romania tăng gấp 4 số giấy phép cho lao động Châu Á

Cũng về kinh tế, Le Monde cho biết do thiếu nhân công, Romania mở cửa cho lao động Châu Á. Theo bộ Lao Động Romania, hiện nay đang cần 480.000 nhân công trong khi chỉ có 200.000 người đăng ký tìm việc.

Tình trạng thiếu lao động mỗi năm cứ tăng lên kể từ 2007, khi Romania được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Khoảng 4 triệu người Romania sang Tây Âu tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhất là Ý và Tây Ban Nha. Nạn chảy máu nhân công này khiến giới chủ phải cầu viện đến lao động từ Việt Nam, Philippines, Sri Lanka, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh. Xây dựng là ngành thiếu công nhân trầm trọng nhất, và Covid tạo khủng hoảng cho lãnh vực nhà hàng, khách sạn.

Đầu năm 2021, chính quyền ấn định quota 25.000 nhân công từ các nước ngoài Châu Âu, thế nhưng đến tháng Tám phải tăng gấp đôi để đáp ứng nhu cầu. Đến 2022, lại tăng gấp đôi lần nữa, Romania cấp 100.000 giấy phép lao động mới. Tuy vậy xin được visa không đơn giản, vì ưu tiên trước hết dành cho công dân EU, trung bình phải đợi 8 tháng. Các công ty tuyển dụng mọc lên như nấm. Không chỉ ở Bucarest, mà tại Oradea ở vùng tây bắc chẳng hạn công ty Valtryp chuyên sản xuất phụ kiện cho xe hơi hài lòng cho biết, nhờ lao động ngoại quốc nên mới hoàn thành được hợp đồng cho khách hàng. Người Romania ra đi, đã có người Châu Á đến thay thế.

Kazakhstan : Almaty tìm kiếm những người mất tích

Về tình hình Kazakhstan sau biến loạn, đặc phái viên Le Mondenói về "Almaty, cuộc tìm kiếm những người mất tích". Mười ngày sau đợt bạo động, lá phổi kinh tế và văn hóa của Kazakhstan chìm trong bầu không khí tang tóc và nghi hoặc. Mười một chân dung của các cảnh sát và quân nhân thiệt mạng lần lượt được chiếu trên các màn hình lớn ở gần tòa thị chính, nhưng không hề nhắc đến trên 200 thường dân đã chết trong các cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 02/01.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nói rằng đợt tắm máu vừa qua là do "20.000 tên khủng bố" tấn công vào Almaty, một số "nói những thứ tiếng khác với ngôn ngữ Kazakhstan",  "được một trung tâm duy nhất chỉ huy" ; thế nên ông mới ra lệnh bắn thẳng không cần cảnh cáo. Nhưng từ đó đến nay, chẳng có thông tin gì về "trung tâm chỉ huy" lẫn "người nước ngoài" ở Almaty. Cũng không thể biết tại sao cảnh sát bỗng biến mất trong đêm 05/01, để mặc cho hai triệu dân trước những băng đảng đôi khi vũ trang.

Le Monde nêu ra trường hợp Sayat Adibekuly, 28 tuổi, chiều hôm ấy đi mua thuốc về cho con đang bị sốt nhưng sau đó gia đình không liên lạc được. Người dân không biết rằng chính quyền đã cắt internet và điện thoại, cho ngừng hoạt động nhiều kênh truyền hình. Rốt cuộc Sayat về nhà với hai vết đạn, đang chữa trị ở bệnh viện thì bị bắt vào tù, tuy anh không hề dính dáng đến chính trị. Một nhóm tình nguyện lập được danh sách khoảng 50 thường dân Almaty đến nay không có tin tức.

Vì sao OTSC lần đầu đưa quân can thiệp ?

Về cuộc can thiệp chớp nhoáng vào Kazakhstan của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) gồm sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Le Mondenhấn mạnh đó là một liên minh quân sự do Nga thống trị.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập cách đây 20 năm, OTSC chấp nhận can thiệp. Năm 2010, khi Kizghizistan bị xung đột sắc tộc dữ dội, tổ chức này lại không gởi quân sang. Nhà nghiên cứu David Teurtrie của Inalco giải thích, Kirghizistan là một Nhà nước nhỏ nghèo, bất ổn, nên việc can thiệp có thể phức tạp. Đến mùa thu 2020, Armenia cầu cứu khi phải đối đầu với Azerbaijan ở Thượng Karabath, OTSC cũng từ chối.

Ngược lại, liên minh này nhanh chóng đến Kazakhstan khi Tokayev kêu gọi, chủ yếu là quân Nga và một ít quân Belarus, Tadjikistan, Armenia, Kirghizistan. Cũng theo ông Teurtrie, "yêu cầu vội vã, triển khai cũng vội vã, bởi vì khó thể chứng minh được lý do". Chẳng có bằng chứng nào về mối đe dọa từ "một Nhà nước hay nhóm Nhà nước" để can thiệp, như trong Điều 4 của hiệp ước.

Mục đích trên thực tế mang tính chính trị chứ không phải quân sự. Richard Giragosian, giám đốc trung tâm nghiên cứu Regional Studies Center ở Erevan nhận định, Vladimir Putin muốn tổng thống Kazakhstan phải mang ơn, "đó là một đầu tư cho tương lai" chẳng tốn kém bao nhiêu. Về địa chính trị, "mục tiêu còn là ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc tại nước này". Bên cạnh đó, Moskva vẫn coi Kazakhstan là vùng đệm để ngăn cách với các vấn đề Trung Á – theo chuyên gia Teurtrie.

Nga can thiệp nhanh gọn rồi rút đi để tránh bị sa lầy, trong lúc còn bận rộn với cả trăm ngàn quân đóng tại biên giới Ukraine. Sự ổn định mà OTSC mang lại chỉ là ảo tưởng, vì các nguyên nhân gây bất bình cho dân chúng vẫn còn đó. Nhà nghiên cứu Giragosian lưu ý "OTSC là một chiếc vỏ rỗng", chỉ là công cụ của Nga. Những thành viên của liên minh này, đa số là các chế độ độc tài với lợi ích rất khác nhau, cũng không liên lạc với nhau mà chỉ với Moskva.

Putin sẽ không xâm lược Ukraine ?

Trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Renaud Girard cho rằng "Vladimir Putin sẽ không xâm lược Ukraine". Tổng thống Nga không coi Ukraine là một quốc gia độc lập, mà là những người anh em. Là anh, nếu tính về lịch sử, vì Kiev từng là thủ đô Slave của nước Rus (882-1240) ; và là em về địa chính trị. Putin coi Ukraine chỉ là vùng đệm để bảo vệ nước Nga. Ông ta sẽ không sa lầy như Brejnev đưa quân vào Afghanistan, vì những gì cần chiếm thì Putin đã chiếm được. Đó là Crimea với cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải từ thời Catherine II.

Về việc gây áp lực, còn có đội quân tin tặc mới đây đã làm tê liệt các cơ quan chính phủ Ukraine, gây thêm căng thẳng giữa Kiev và Moskva – theo Le Monde. Hôm Chủ nhật 16/01, Ukraine khẳng định có những "bằng chứng" cho thấy Nga đứng phía sau các cuộc tấn công tin học đêm 13 rạng 14/01. Cho đến nay, Kiev chưa bao giờ trực tiếp tố cáo Moskva mà chỉ nói là nghi ngờ.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh cáo, nếu đúng thủ phạm là Nga thì không có gì ngạc nhiên, và Washington sẽ phối hợp với các đồng minh để trả đũa. Từ nhiều tháng qua, Hoa Kỳ đã cảnh báo khả năng Nga tấn công tin học để tiếp tục leo thang ở Ukraine. Người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borell cũng nói : "Tôi không lên án ai vì không có bằng chứng, nhưng chúng ta có thể hình dung đó là ai", và cho biết sẽ làm mọi cách để trợ giúp Kiev.

Covid, ánh sáng cuối đường hầm 

Cuối cùng là một tin vui. Libération tỏ ra lạc quan với trang bìa là hình mặt trời lên trên biển, nhưng là một vầng tròn có gai như con virus, với tựa đề "Covid, viễn cảnh hy vọng".

Đặc phái viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), David Nabarro không ngần ngại tuyên bố : "Có thể nghĩ rằng ánh sáng đã ở cuối đường hầm" - câu nói được chờ đợi từ lâu, trước thực tế đại dịch đang giảm dần tại Châu Âu, nhất là Anh. Ở Pháp, tỉ lệ lây nhiễm "R" từ 1,61 tuần này còn 1,44. Tuy nhiên đợt dịch thứ năm với hai biến thể Delta và Omicron không phải là đợt cuối cùng, con virus vẫn tồn tại trên thế giới, biến thể khác xuất hiện, hạ cánh xuống Roissy hay nơi nào khác…Trước mắt cứ hãy vui với tin tốt lành : kịch bản tệ hại nhất xa dần, đỉnh dịch đã đạt được, ít nhất tại Paris và vùng phụ cận.

Thụy My

Published in Châu Á

Hệ lụy từ đeo đuổi ‘Zero Covid’ : Nguy cơ mất thị trường vì ‘đứt gãy’ đơn hàng

"Những điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng"

chuoi01

Các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm khó doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và nghiêm trọng hơn là mất thị trường khi người mua chuyển sang mua hàng từ các quốc gia khác. Ảnh minh họa chuỗi chế biến cá xuất khẩu 

Không còn giãn cách xã hội nghiêm ngặt, doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng không hề dễ dàng bởi có quá nhiều rào cản cần phải tiếp tục tháo gỡ từ hệ lụy của việc duy ý chí trong đeo đuổi chính sách ‘Zero Covid’.

Nhờ CPTPP và EVFTA ‘vớt vát’ lại kim ngạch xuất khẩu

Trong bối cảnh hồi phục sản xuất xuất khẩu 3 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn vì dịch Covid vẫn phức tạp, nhu cầu thị trường cao nhưng doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, thiếu lao động và chịu các chi phí đầu vào tăng nên xuất khẩu thủy sản nói chung chưa thể hồi phục nhanh 100% trong 1/2 tháng tới.

Dự báo xuất khẩu sang EU quý IV giảm nhẹ 2,5% và cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 4%. Dự báo xuất khẩu sang CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) quý IV đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 5% và cả năm năm 2021 sẽ đạt khoảng 2,16 tỷ USD, giảm 3%.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ năm 2018 đến nay bị tác động giảm, vì các yếu tố như nhu cầu và giá nhập khẩu tại một số thị trường chính sụt giảm, các rào cản kỹ thuật và thuế quan, đặc biệt là dịch Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ trong 2 năm qua.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, mức độ sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam không bị lao dốc vì có bệ đỡ là các hiệp định FTA từ 2018 đến nay, trong đó có hiệp định CPTPP và EVFTA" – bà Lê Hằng nhận xét.

Theo phân tích của bà Lê Hằng, sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng gần 3% trong năm 2019, trong đó xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia đều tăng 6%, xuất khẩu sang Brunei 10%, xuất khẩu sang Malaysia và Peru tăng nhẹ 1%.

Sang năm 2020 và 2021, xuất khẩu thủy sản sang khối CPTPP sụt giảm 2%, chủ yếu do tác động Covid làm ảnh hưởng giao thương và làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm lần lượt 3% và 7% trong 2 năm là tác nhân chính khiến tổng xuất khẩu sang khối này giảm.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Canada, Australia, Malaysia, Mexico và NewZealand khá là khả quan trong 2 năm qua. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Australia duy trì tăng trưởng dương trong cả 3 năm liên tiếp : tăng lần lượt 6%, 10% và 22%.

Xuất khẩu sang Canada năm 2020 tăng mạnh 14%, tuy nhiên năm 2021 giảm nhẹ 2% do dịch Covid làm cước phí vận tải tăng, thiếu container vận chuyển đi Bắc Mỹ. Xuất khẩu sang NewZealand tăng mạnh 20% và 18% trong 2 năm 2020 – 2021. Xuất khẩu sang Mexico tăng vọt 65%, sang Brunei tăng 34% trong năm 2021.

Gãy đơn hàng nên sẽ dễ bị mất thị trường

"Xuất khẩu thủy sản sang khối EU năm 2020 giảm 26% đạt khoảng 960 triệu USD, nguyên nhân chính là do Brexit, Anh rời khỏi thị trường. Anh là thị trường nhập khẩu lớn của khối này với kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam từ 280 – 340 triệu USD/năm.

Do vậy, nếu chỉ tính EU27 (trừ Anh) thì xuất khẩu sang khối này trong năm 2020 không giảm. Trong bối cảnh Covid và thẻ vàng IUU, xuất khẩu sang EU ổn định cho thấy tác động rõ rệt của hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam, EU-Vietnam Free Trade Agreement) đã thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang khối EU tăng gần 4% đạt 744 triệu USD, trong bối cảnh Covid ảnh hưởng mạnh đến logistics cho thương mại, đặc biệt là chuỗi cung ứng trong quý III, cũng thể hiện xu hướng tích cực có lẽ một phần nhờ sự thúc đẩy từ thuế quan ưu đãi theo EVFTA.

Với kim ngạch 2,2 – 2,3 tỷ USD/năm, vị thế của khối CPTPP thể hiện rõ hơn khi mà tỷ trọng của khối này trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng từ 25% năm 2018 lên gần 28% năm 2021" – bà Lê Hằng nhận định.

Theo VASEP, thời gian vừa qua khi các tỉnh/ thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua. Chỉ khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường – 2 điểm đến".

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký VASEP – cho biết, các doanh nghiệp không sắp xếp được chỗ ở cho người lao động trong quá trình thực hiện phương thức sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường – 2 điểm đến" ; doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do các tỉnh, thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khiến cho người lao động không thể đi làm ; và bị thiếu hụt nguyên liệu, nguyên vật liệu phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản xuất xuất khẩu do quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh.

"Những điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng", ông Nam cho biết.

Theo các doanh nghiệp, các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm khó doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và nghiêm trọng hơn là mất thị trường khi người mua chuyển sang mua hàng từ các quốc gia khác.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 10/11/2021

Published in Diễn đàn

Yếu tố thúc đẩy Việt Nam chuyển từ "Zero Covid" sang sống chung với virus

Dịch Covid-19 cùng với những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam : GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020 (theo Tổng cục Thống kê), tăng trưởng cả năm dự kiến còn 3%, thay vì 5% trước đó. Khoảng 18-20% hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài đã bị chuyển sang một nước thứ ba.

veque1

Người gốc ngoại tỉnh ồ ạt đổ về các cửa ngõ Sài Gòn ngày 01/10/2021, để chờ được về quê nhà. Ngày 01/10 là ngày thành phố Hồ Chí Minh bãi bỏ các biện pháp hạn chế đi lại ngừa Covid với đại đa số người dân. Reuters - Stringer

Nếu tiếp tục chiến lược "Zero Covid", "chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam" và có nguy cơ tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Đây là điểm được bốn hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (AmCham, EuroCham, Acean USABC và KoCham) nêu trong bức thư chung gửi đến thủ tướng Phạm Minh Chính vào giữa tháng 09/2021.

Phương án "3 tại chỗ" tốn kém, thiếu hiệu quả

Những phương án "3 tại chỗ" (ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy), "1 cung đường - 2 điểm đến" (đường vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất của công ty, doanh nghiệp), hoặc phương thức "4 xanh" (các địa điểm nơi ở, làm việc và di chuyển thuộc "vùng xanh" và người lao động có "thẻ xanh" chứng nhận y tế) nhằm duy trì hoạt động sản xuất không mang lại hiệu quả vào thời điểm chính phủ vẫn duy trì chiến lược "Zero Covid". Những biện pháp này rất tốn kém cho doanh nghiệp, nhưng lại không bảo đảm được năng suất và cũng chỉ duy trì được khoảng 10%-30% số lao động.

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 06/10, bà Delphine Rousselet, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, giải thích :

"Những doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động, phải giữ nhân viên tại chỗ và họ phải hình dung ra cả một hệ thống hậu cần để bảo đảm cho việc này. Người ta có thể thấy những chiếc lều vải dựng trong văn phòng, hoặc trong kho hoặc trong vườn. Thật sự là không tưởng tượng được. Sau đó là phải hình dung ra cả chuỗi hậu cần để cung cấp bữa ăn, lương thực cho người lao động. Rất nhiều doanh nghiệp có đến 1.000-2.000, thậm chí 6.000 người ăn, ở, làm việc tại chỗ. Có thể thấy cả một chuỗi hậu cần ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng lại rất khó duy trì lâu dài do kế hoạch này quá tốn kém, gây phát sinh nhiều phí tổn cho bất kỳ nhà máy nào dù là lớn hay nhỏ".

Ảnh hưởng đến tâm lý người lao động

Ngoài ra, "ăn, ngủ, làm việc tại chỗ", gần như tách công nhân khỏi xã hội, là một "biện pháp không tưởng" nếu nhìn từ góc độ của một doanh nghiệp nước ngoài, vẫn theo giải thích của bà Delphine Rousselet :

"Kế hoạch "3 tại chỗ" đã có những hậu quả rất lớn đến tinh thần mà trước tiên là những người lao động phải ở lại trong các nhà máy và không thể về thăm gia đình trong suốt nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Nhìn từ nước Pháp hay Châu Âu, những biện pháp này nằm ngoài sức tưởng tượng. Tình trạng này gây căng thẳng. Và còn căng thẳng hơn khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 trong nhà máy khiến khó kiểm soát được tình hình, công nhân thì muốn ra ngoài, trốn khỏi nhà máy.

Ngoài ra, các nhà máy cũng không duy trì được hết công nhân tại chỗ nên phải luân phiên, ví dụ 100 công nhân làm việc tại chỗ, 15 ngày sau đó thay bằng một đội khác. Nhưng biện pháp này cũng rất khó áp dụng, vì phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh, xét nghiệm… mà chính quyền bắt buộc. Tất cả những biện pháp này đã khiến sản xuất sụt giảm và khách hàng bắt đầu hủy đơn hàng vì sản xuất bị đình trệ, trễ hạn giao hàng nên dĩ nhiên là họ phải hướng sang một nước khác trong vùng, như Malaysia, Indonesia…".

Việt Nam được cho là nước được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Tuy nhiên, lợi thế này bị lung lay nếu tiếp tục chiến lược "Zero Covid", Việt Nam có thể để vuột mất các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu tháng 10, cùng lúc với việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Việt Nam cũng đi theo hướng "thích ứng với việc sống chung an toàn với virus corona" trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã trở lại hoạt động gần như bình thường.

Theo trang Courrier du Vietnam ngày 07/10, tiêm chủng và thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vẫn là chìa khóa và là điều kiện tiên quyết để người dân có thể sống an toàn trong bối cảnh bình thường mới. Việt Nam hy vọng nhận được thêm 54 triệu liều vac-xin trong tháng 10.

Thu Hằng

Published in Việt Nam

Chiến lược zero Covid của Châu Á bị lung lay

Về đại dịch corona, xã luận của Le Monde nhận định "Chiến lược zero Covid bị lung lay ở Châu Á". Nếu các nước Châu Á ban đầu đã thành công trong việc nhanh chóng khống chế được con virus, việc quay lại bình thường hầu hết tùy thuộc vào tiêm chủng, một lãnh vực mà Châu Á-Thái Bình Dương rất chậm trễ.

zero1

Tiêm chủng cho các nhân viên hàng không tại Bangkok, Thái Lan ngày 25/05/2021.  AP - Sakchai Lalit

Hồi mùa xuân 2020, khi Châu Âu bị quá tải và không đủ phương tiện đối phó, đang nằm ở tâm đại dịch Covid, Châu Á là một tấm gương ngoạn mục. Không kể Trung Quốc với việc xử lý khủng hoảng một cách độc đoán mà phương Tây không thể bắt chước, các nền dân chủ Châu Á đã nhanh chóng ngăn chận được việc lây nhiễm, nhờ kinh nghiệm trong dịch SARS vào đầu những năm 2000, nhờ người dân chấp hành tốt và quen thuộc với các công nghệ mới.

Tin rằng đã khống chế được virus, Châu Á lơ là vac-xin

Một năm sau, tình hình hoàn toàn khác biệt. Đại dịch lùi lại hẳn ở Châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng lại bùng lên khủng khiếp ở Ấn Độ, và nhiều nước Đông Nam Á cũng bị bùng dịch, kể cả Đài Loan hay Singapore vốn tưởng chừng đã thoát nạn.

Một điều hiển nhiên với thế giới : để ra khỏi khủng hoảng, quay lại với hoạt động bình thường của các nhà nước, xã hội và nền kinh tế, phần lớn tùy thuộc vào tỉ lệ tiêm chủng. Trong khi Châu Á-Thái Bình Dương rất trễ tràng so với Châu Âu và Bắc Mỹ, vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là nghĩ rằng đã khống chế được nguy cơ lây nhiễm, người Châu Á thấy chẳng cần đến vac-xin.

Nhiều chính phủ không hăng hái đặt mua vac-xin, nên nay phải chờ đợi các liều được cơ chế Covax của Liên Hiệp Quốc phân bố. Ấn Độ phải ngưng xuất khẩu vac-xin để lo cho tình hình trong nước, còn Trung Quốc dành phân nửa số lượng sản xuất ra cho "ngoại giao vac-xin".

Sự khác biệt này khiến việc di chuyển giữa các nước không thể trở lại bình thường, kìm hãm sự phục hồi hoạt động kinh tế. Trước mối đe dọa liên tục của các biến chủng virus mới, như biến chủng xuất hiện tại Ấn Độ, các nước đã thoát khỏi đại dịch nhưng không có chiến lược tiêm chủng hiệu quả buộc lòng phải kéo dài việc đóng cửa biên giới.

Úc và mặt trái của tấm huy chương

Úc là một ví dụ nổi bật cho nghịch lý này, cho thấy giới hạn của chiến lược zero Covid. Nhờ vị trí địa lý bán đảo, Úc đóng biên giới rất nhanh và áp đặt chính sách cách ly nghiêm ngặt, cùng với hệ thống phong tỏa cục bộ lập tức ngay khi xuất hiện các ca dương tính mới. Chính sách này rất được dư luận ủng hộ, cho thấy vô cùng hiệu quả, với tỉ lệ lây nhiễm gần với số không, và cư dân sinh hoạt hầu như bình thường.

Mặt trái của chiếc huy chương là, để tránh những biến chủng mới, nước Úc phải tiếp tục khóa kín. Canberra vừa thông báo các biên giới nước Úc sẽ còn đóng cho đến giữa năm 2022, có nghĩa là hai năm phải tự cô lập, với các tác động lên những gia đình bị chia cách, kinh tế, nhập cư. Việc đe dọa khởi tố hình sự đối với các công dân Úc gốc Ấn đi sang Ấn Độ và định trở về, bị nhiều người cho là quá đáng.

Vào lúc một phần khá lớn của thế giới bắt đầu được giải tỏa, sinh hoạt trở lại và mở cửa dần biên giới, có thể nói Châu Á là nạn nhân của sự thành công của chính mình. Châu Á cần phải gia tăng sản xuất, quản lý vac-xin một cách hiệu quả, như từng chứng tỏ trong việc xử lý khủng hoảng dịch tễ trước đây, điều này có lợi cho tất cả mọi người.

Càng khốn đốn vì Covid, càng nhanh chóng chủng ngừa

Le Monde cũng nhận thấy người dân Châu Á tỏ ra lưỡng lự về việc tiêm chủng : theo điều tra của IPSOS vào tháng Giêng, chỉ có 14% người Hàn Quốc, 22% người Nhật Bản nói rằng sẵn sàng chích ngừa, so với người Mỹ là 53%.

Ông Krishna Udayakumar, giám đốc Trung tâm sáng tạo Duke về sức khỏe toàn cầu, trên New York Times nhận định : "Những nước cảm thấy cần khẩn cấp tiêm chủng là những nước bị đại dịch hoành hành nhiều nhất". Hậu quả là nhiều nước lần đầu bị bùng dịch, như riêng trong ngày 27/05 Đài Loan có 671 ca mới và thêm 13 người tử vong, còn Thái Lan 5.386 ca mới nhiễm và 47 tử vong trong cùng ngày.

Ngay cả những nước giàu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng bị ảnh hưởng nặng về kinh tế vì đóng biên giới, trong khi các nước tiêm chủng nhiều nhất như Israel, Hoa Kỳ chuẩn bị ra khỏi Covid. Trung Quốc là trường hợp đặc thù, với 546 triệu liều đã được chích gồm 7 loại vac-xin nội địa – trong đó chỉ có một loại là Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận – và chênh lệch vô cùng lớn giữa thủ đô và các tỉnh. Các nước nhỏ như Singapore và Mông Cổ tiêm chủng nhiều nhất.

Những khó khăn của Nhật Bản và Đài Loan

Còn tại Nhật Bản, đợt dịch thứ tư ập đến khiến chính phủ phải kéo dài tình trạng khẩn cấp tại 9/47 vùng trong đó có Tokyo và Osaka. Chỉ mới có 6,4% dân Nhật được tiêm liều đầu tiên, tỉ lệ quá thấp này đe dọa Thế vận hội Tokyo ngày 23/07. Chính phủ đặt mục tiêu chích ngừa toàn bộ người trưởng thành trước cuối tháng Chín, một "thử thách chưa từng thấy", theo thủ tướng Yoshihide Suga. Thủ tục cấp phép vac-xin quá lâu của Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong những lý do, bên cạnh đó là nhà sản xuất cung ứng chậm. Nhật lại còn thiếu nhân viên y tế và kim tiêm đúng chuẩn cho vac-xin Covid.

Đài Loan gặp một rắc rối khác. BioNTech, đối tác của Pfizer đã bán quyền khai thác thị trường Đài Loan cho tập đoàn Phục Tinh (Fosun) của Trung Quốc ở Thượng Hải, nơi liên doanh sản xuất vac-xin, khiến việc mua vac-xin trở nên phức tạp do sự thù địch giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Thái Lan thì trông cậy phần lớn vào AstraZeneca, sản xuất bởi một công ty của Crown Property Bureau, cơ quan quản lý tài sản của quốc vương. Người dân vốn đã bất bình với hoàng gia, và họ cũng e sợ các rủi ro của vac-xin này, một số công ty du lịch bèn tổ chức các tour đi Mỹ để chích ngừa trong các bệnh viện tư.

Dân Hồng Kông chống vac-xin vì bất mãn với chính quyền

Tại Hồng Kông, người dân có thể chọn lựa giữa vac-xin Sinovac Trung Quốc và BioNTech của Đức, nhưng họ do dự không muốn tiêm chủng khiến trữ lượng vac-xin của đặc khu có nguy cơ hết hạn sử dụng trong vài tháng tới.

Hồng Kông là một trong những vùng đất hiếm hoi trên thế giới có số vac-xin dự trữ cao quá mức cần thiết : đã đặt mua đến 7,5 triệu liều Sinovac và 7,5 triệu liều BioNTech (do Pfizer sản xuất và Phục Tinh phân phối, không có ở Hoa lục), trong khi dân số chỉ có 7,5 triệu người. Nhưng đến nay chỉ có 12% đã chích đủ hai liều và 17% ít nhất một.

Trước cảnh các trung tâm tiêm chủng vắng vẻ, kể từ 28/05 công dân Hoa lục làm việc tại Hồng Kông và người tị nạn đều được tiêm chủng miễn phí. Trong khi người dân đặc khu hờ hững, người nước ngoài đổ xô đi tiêm. Một nghiệp đoàn loan báo cho nghỉ phép bốn ngày để đi chích ngừa, một đảng thân Trung Quốc tặng cho mỗi người đăng ký một phiếu mua hàng 2.000 đô la Hồng Kông (220 euro) và vé số có giải thưởng 5 triệu đô la. Tập đoàn địa ốc Chinese Estate Holdings cho xổ số với giải thưởng là 20 phiếu mua hàng trị giá 100.000 đô la Hồng Kông mỗi phiếu, và một căn hộ giá 10,8 triệu đô la Hồng Kông.

Đối với những người dân phẫn nộ trước một chính quyền hoàn toàn tuân phục Bắc Kinh, việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc là điều tốt đẹp nhất mà con virus đã mang lại, bất chấp tác động lên nền kinh tế đặc khu. Việc chống vac-xin là một thái độ chính trị của người dân Hồng Kông, trong chưa đầy hai năm đã bị mất đi tất cả những phương tiện biểu lộ quan điểm : cuộc bầu cử nghị viện tháng 9/2020 bị ngưng, hầu hết các nhân vật đối lập bị tống vào tù, và quyền biểu tình trên thực tế đã bị hủy bỏ.

Hồng Kông : Nhật báo đối lập Apple Daily có nguy cơ đình bản

Cũng về Hồng Kông nhưng trên lãnh vực báo chí, Le Figaronói về Apple Daily, tờ báo bình dân theo khuynh hướng đối lập. Cả cơ quan báo chí này lẫn ông chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đều trở thành mục tiêu triệt hạ của Bắc Kinh.

Tháng 8/2020, trên 200 cảnh sát ùa vào tòa soạn để khám xét suốt 9 tiếng đồng hồ, mang đi 25 thùng hồ sơ. Giữa tháng Năm, trên 500 triệu đô la Hồng Kông (53 triệu euro) của ông Lê Trí Anh bị phong tỏa. Ông chủ báo 73 tuổi bị giam giữ trong một nhà tù được canh gác cao độ từ cuối năm ngoái.

Đối với Mark Simon, cánh tay phải của ông Lê Trí Anh đang ẩn náu tại Đài Loan từ tháng Tư, rõ ràng chính quyền muốn giết chết tờ báo vì Apple Daily là biểu tượng của đấu tranh dân chủ. Còn về nhà tỉ phú thì họ muốn giữ trong tù càng lâu càng tốt - theo nhận xét của Cédric Alviani, phụ trách Châu Á của Phóng viên Không biên giới. Trong vụ bố ráp Apple Daily, cảnh sát còng tay ông đưa ra trước camera để trình diện như một tội phạm. Giờ đây sự sống còn của tờ báo đang bị đe dọa, có thể không quá tháng Bảy nếu không có thêm nguồn quỹ, còn chi nhánh ở Đài Loan đã ngưng ra báo giấy.

Bắc Kinh triệt hạ tỉ phú Lê Trí Anh : "Giết gà để dọa khỉ"

Hồi năm 2009, nhà tỉ phú đã từng bị mưu sát, cổng nhà ông thường xuyên bị những kẻ giấu mặt tông sập, tòa soạn bị ném bom xăng. Nhật báo có 70 phóng viên khó lấy được quảng cáo vì doanh nghiệp bị đe dọa. Khó khăn như vậy nhưng Apple Daily rất được độc giả ủng hộ, sau vụ bố ráp người dân xếp hàng từ sáng sớm để mua, phải in đến nửa triệu bản, và cổ phiếu của tập đoàn mẹ Next Digital tăng đến 1.100%.

Tờ báo tiết lộ nhiều xì-căng-đan tham nhũng của quan chức, và bền bỉ gọi con virus corona gây ra đại dịch Covid là "virus Vũ Hán". Ông Lê Trí Anh nhiều lần xuống đường với giới trẻ, dẫn đầu đoàn biểu tình, tài trợ cho các đảng đối lập và có quan hệ tốt với các thành viên Quốc hội Mỹ, khiến ông trở thành kẻ thù số một của Bắc Kinh. Cédric Alviani giải thích : "Do không thể tấn công tất cả mọi người, Trung Quốc tập trung đánh vào một nhân vật nổi bật để làm gương", đúng theo câu ngạn ngữ Trung Hoa "Giết gà, dọa khỉ" !

Các cường quốc lực bất tòng tâm

Nhìn chung thế giới, tác giả Dominique Moisi trên Les Echos cho rằng cần "Khẩn cấp xây dựng một hệ thống hợp tác quốc tế mới". Ngày nay đối mặt với các "nhà nước côn đồ", không có cường quốc nào có thực lực tương xứng với tham vọng của mình, cả Trung Quốc, Nga lẫn Hoa Kỳ.

Trung Quốc của năm 2021 tuy là quốc gia tham vọng nhất thế giới, nhưng ông chủ nợ quốc tế này sẽ ra sao nếu tất cả hoặc một phần con nợ không thể trả được ? Chưa kể với dân số lão hóa, làm thế nào duy trì khế ước xã hội một khi tăng trưởng mất đi hoặc giảm sút ? Một vấn đề nữa là chủng tộc, ngoài hồ sơ Duy Ngô Nhĩ, đế quốc đa sắc tộc này ngày càng do người Hán dân tộc chủ nghĩa thống trị.

Nga có những khiếm khuyết về kinh tế, chính trị, dân số, y tế ; còn Mỹ thì khó vượt qua nạn chia rẽ nội bộ sâu sắc. Washington không đủ phương tiện và cũng chẳng muốn lại đóng vai sen đầm quốc tế. Về phần Liên Hiệp Châu Âu sau khi Anh ra đi, không còn có thể mơ trở thành mô hình thế giới về chủ nghĩa đa phương mới.

Cần phải có những thảm họa khác – dịch tễ, kinh tế, khí hậu, địa chính trị - để các cường quốc này nhận ra tình trạng "lực bất tòng tâm" như Châu Âu trước năm 1648 chăng ? Vào thời đó, sau cuộc "Chiến tranh Ba Mươi Năm" đẫm máu, dân số Đức từ 48 triệu chỉ còn 20 triệu do chiến sự, dịch hạch và nạn đói. Rốt cuộc hòa ước Westphalia đã ra đời, đặt nền móng cho quan hệ quốc tế mới.

Trang nhất báo Pháp : Hậu Covid

Tựa chính các báo Pháp hôm nay chủ yếu là các khía cạnh liên quan đến đại dịch Covid. Nhật báo kinh tế Les Echoschạy tựa "Các doanh nghiệp trước thách thức tái thúc đẩy" : nhân viên văn phòng quay lại làm việc, logistic và lạm phát. Le Monde cho rằng "Trong điện thoại của các thiếu niên là dấu ấn của mạng xã hội" : Do cuộc khủng hoảng dịch tễ, thời gian lướt màn hình của giới trẻ tăng mạnh, cùng với nạn quấy rối trên mạng.Le Figarođặt vấn đề "Covid : Sắp tới chúng ta có thể bỏ khẩu trang được không ?". Đại dịch chừng như đang chững lại tại Pháp, nhưng chính phủ vẫn hết sức thận trọng về các điều kiện quay lại cuộc sống bình thường. "Khúc tụng ca tình yêu" là tít lớn của La Croixmở đầu một loạt bài trong hai tuần, nói về tình yêu trên mọi phương diện, vào thời điểm thế giới mà chúng ta đang sống có xu hướng thu mình lại.

Về chính trị, Libérationcảnh báo một nhân vật thuộc đảng cực hữu xuất thân là cựu bộ trưởng của cánh hữu đang có nhiều hy vọng thắng cử trong cuộc bầu cử cấp vùng ở Provence-Alpes-Côte d’Azur, mà tờ báo chơi chữ như thường lệ, thay chữ "Azur" bằng "alerte" có nghĩa là báo động.

Thụy My

Published in Châu Á
Trang 2 đến 2