Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/11/2021

‘Zero Covid’ : Nguy cơ mất thị trường

Võ Hàn Lam

Hệ lụy từ đeo đuổi ‘Zero Covid’ : Nguy cơ mất thị trường vì ‘đứt gãy’ đơn hàng

"Những điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng"

chuoi01

Các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm khó doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và nghiêm trọng hơn là mất thị trường khi người mua chuyển sang mua hàng từ các quốc gia khác. Ảnh minh họa chuỗi chế biến cá xuất khẩu 

Không còn giãn cách xã hội nghiêm ngặt, doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng không hề dễ dàng bởi có quá nhiều rào cản cần phải tiếp tục tháo gỡ từ hệ lụy của việc duy ý chí trong đeo đuổi chính sách ‘Zero Covid’.

Nhờ CPTPP và EVFTA ‘vớt vát’ lại kim ngạch xuất khẩu

Trong bối cảnh hồi phục sản xuất xuất khẩu 3 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn vì dịch Covid vẫn phức tạp, nhu cầu thị trường cao nhưng doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, thiếu lao động và chịu các chi phí đầu vào tăng nên xuất khẩu thủy sản nói chung chưa thể hồi phục nhanh 100% trong 1/2 tháng tới.

Dự báo xuất khẩu sang EU quý IV giảm nhẹ 2,5% và cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 4%. Dự báo xuất khẩu sang CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) quý IV đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 5% và cả năm năm 2021 sẽ đạt khoảng 2,16 tỷ USD, giảm 3%.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ năm 2018 đến nay bị tác động giảm, vì các yếu tố như nhu cầu và giá nhập khẩu tại một số thị trường chính sụt giảm, các rào cản kỹ thuật và thuế quan, đặc biệt là dịch Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ trong 2 năm qua.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, mức độ sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam không bị lao dốc vì có bệ đỡ là các hiệp định FTA từ 2018 đến nay, trong đó có hiệp định CPTPP và EVFTA" – bà Lê Hằng nhận xét.

Theo phân tích của bà Lê Hằng, sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng gần 3% trong năm 2019, trong đó xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia đều tăng 6%, xuất khẩu sang Brunei 10%, xuất khẩu sang Malaysia và Peru tăng nhẹ 1%.

Sang năm 2020 và 2021, xuất khẩu thủy sản sang khối CPTPP sụt giảm 2%, chủ yếu do tác động Covid làm ảnh hưởng giao thương và làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm lần lượt 3% và 7% trong 2 năm là tác nhân chính khiến tổng xuất khẩu sang khối này giảm.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Canada, Australia, Malaysia, Mexico và NewZealand khá là khả quan trong 2 năm qua. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Australia duy trì tăng trưởng dương trong cả 3 năm liên tiếp : tăng lần lượt 6%, 10% và 22%.

Xuất khẩu sang Canada năm 2020 tăng mạnh 14%, tuy nhiên năm 2021 giảm nhẹ 2% do dịch Covid làm cước phí vận tải tăng, thiếu container vận chuyển đi Bắc Mỹ. Xuất khẩu sang NewZealand tăng mạnh 20% và 18% trong 2 năm 2020 – 2021. Xuất khẩu sang Mexico tăng vọt 65%, sang Brunei tăng 34% trong năm 2021.

Gãy đơn hàng nên sẽ dễ bị mất thị trường

"Xuất khẩu thủy sản sang khối EU năm 2020 giảm 26% đạt khoảng 960 triệu USD, nguyên nhân chính là do Brexit, Anh rời khỏi thị trường. Anh là thị trường nhập khẩu lớn của khối này với kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam từ 280 – 340 triệu USD/năm.

Do vậy, nếu chỉ tính EU27 (trừ Anh) thì xuất khẩu sang khối này trong năm 2020 không giảm. Trong bối cảnh Covid và thẻ vàng IUU, xuất khẩu sang EU ổn định cho thấy tác động rõ rệt của hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam, EU-Vietnam Free Trade Agreement) đã thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang khối EU tăng gần 4% đạt 744 triệu USD, trong bối cảnh Covid ảnh hưởng mạnh đến logistics cho thương mại, đặc biệt là chuỗi cung ứng trong quý III, cũng thể hiện xu hướng tích cực có lẽ một phần nhờ sự thúc đẩy từ thuế quan ưu đãi theo EVFTA.

Với kim ngạch 2,2 – 2,3 tỷ USD/năm, vị thế của khối CPTPP thể hiện rõ hơn khi mà tỷ trọng của khối này trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng từ 25% năm 2018 lên gần 28% năm 2021" – bà Lê Hằng nhận định.

Theo VASEP, thời gian vừa qua khi các tỉnh/ thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua. Chỉ khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường – 2 điểm đến".

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký VASEP – cho biết, các doanh nghiệp không sắp xếp được chỗ ở cho người lao động trong quá trình thực hiện phương thức sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường – 2 điểm đến" ; doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do các tỉnh, thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khiến cho người lao động không thể đi làm ; và bị thiếu hụt nguyên liệu, nguyên vật liệu phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản xuất xuất khẩu do quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh.

"Những điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng", ông Nam cho biết.

Theo các doanh nghiệp, các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm khó doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và nghiêm trọng hơn là mất thị trường khi người mua chuyển sang mua hàng từ các quốc gia khác.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 10/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Hàn Lam
Read 403 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)