Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/11/2021

Trì trệ là ‘virus’ tất yếu của thể chế thiếu động lực cạnh tranh ?

Phú Nhuận

Dược sĩ Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng đàn Quốc hội chỉ đích danh một con "virus trì trệ" to đùng.

tritre1 (2)

Mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương, mỗi người dân cần chống "virus trì trệ" để vượt qua khó khăn

 Bà lấy ví dụ về một lô hàng với 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh về nước đã một tháng nhưng không lấy ra được. Thời điểm đó Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y nhưng chỉ có Cục Thú y trong 2 ngày đã trả lời đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm đề nghị Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh hỏi Chính phủ.

Bà Châu thắc mắc : "Khi chúng tôi gửi công văn, Chính phủ lại phải giao cho Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao cục không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của cục và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời ?".

Theo bà, cách làm của Cục An toàn thực phẩm đúng quy định, nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và cuối năm đơn vị này vẫn sẽ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì đã làm tròn chức trách.

"Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được. Lỗi do ai ?", bà đặt câu hỏi.

Bà kiến nghị Chính phủ tạo ra cơ chế hành chính thật sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành, của từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cấp thiết. "Dù không cần nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy và có lợi tốt nhất cho người dân. Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống cụ thể thế này", bà phát biểu.

Vấn đề đáng bàn luận ở đây là hiện tượng "virus trì trệ" đã được đặt tên dưới thời chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

"Cùng một cơ chế, cùng chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt, ngược lại còn có sự trì trệ, sai sót lớn do từ điều hành mà gây ra" – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời một chất vấn của Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều ngày 01/11/2018. Khi ấy, ông Phúc cũng tự đặt ra yêu cầu cho mình là "Thủ tướng phải chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc tốt hơn cả Bộ trưởng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh".

Đến đầu tháng 5/2020, theo tường thuật của báo chí về Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến cộng động doanh nghiệp sáu đề nghị : yêu tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, năng động, sáng tạo và có niềm tin. Người đứng đầu Chính phủ khi ấy yêu cầu không than nghèo kể khổ, mà mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương, mỗi người dân cần chống "virus trì trệ" để vượt qua khó khăn.

Trước đó nữa, vào sáng 23-12/2019, tại Hà Nội, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập, hiệu quả, bền vững" đã diễn ra với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Các đại diện doanh nghiệp lại nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘tự kiểm điểm’ : "Đặc biệt ta cần biết và xử lý sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương làm mất thời cơ của doanh nghiệp ; cần chỉ rõ văn bản của bộ ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, cản trở, không phù hợp ; cơ quan nào gây nhũng nhiễu ở địa phương hay tập trung ở Trung ương"…

Giờ là nhiệm kỳ mới của chính phủ với người đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trước mắt thì ‘trì trệ’ vẫn chưa thay đổi.

Và, hướng dẫn chấp nhận một lô hàng sữa đầy nghĩa tình của kiều bào cho các cháu bé gặp khó khăn trong đại dịch đâu phải là việc gì to tát đến mức độ "dám làm". Đây là sự tắc trách, vô cảm, là con ‘virus trì trệ’ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cần phải tìm ra bằng được ‘vắc xin’ đủ liều ngay ở nhiệm kỳ chính phủ này.

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 11/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phú Nhuận
Read 391 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)