Không biết vô tình hay hữu ý, trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - nhà hoạt động nhân quyền tranh đấu cho người dân miền Trung phản kháng Formosa - đã được chính quyền nổi còi báo động toàn quốc ngay trước khi diễn ra những chuyến công du đối ngoại của cấp chóp bu Việt Nam. Ngay trước mắt là chuyến đi Đức của Thủ tướng Phúc dự Hội nghị G20 khai mạc vào ngày 7/7/2017.
Vô tình hay hữu ý ?
Vào nửa cuối tháng 5/2017, trước chuyến đi của Thủ tướng Phúc sang Washington với mục đích ẩn ý "làm quen với Trump", ngay trước cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền Việt - Mỹ tại Hà Nội, ngôi nhà nhỏ số 24 Đặng Tất ở Nha Trang của bà Nguyễn Thị Tuyết Lan - mẹ của Như Quỳnh - bất thần bị hàng trăm công an và dân phòng bao vây vòng trong vòng ngoài. Những người hàng xóm chứng kiến cảnh tượng hùng hổ đe nẹt ấy cứ ngỡ là trong bà Lan phải có một lực lượng đang "âm mưu lật đổ chính quyền", hay chí ít cũng phải có một tổ chức phản động đang nhóm họp. Song ngôi nhà ấy lại chỉ có bà Lan và hai bé con của Quỳnh - những sinh linh chân yếu tay mềm mà chỉ cần thế ngang ngược côn đồ của một viên công an là khống chế được tất cả.
Vậy tại sao chính quyền phải dùng đến "sức mạnh toàn dân" như thế ?
Không thể hiểu khác hơn, việc cho số đông công an bao vây nhà, phong tỏa "nội bất xuất ngoại bất nhập" là một "biện pháp nghiệp vụ" của chính quyền vẫn tuyên xưng "chính danh", trở thành mẫu mực về hiệu quả khủng bố tâm lý trong các giáo trình nghiệp vụ "bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Cảnh tượng đầy màu sắc khủng bố trên lại xảy ra hai tháng sau khi đóa hoa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh "Người phụ nữ can đảm quốc tế".
Chỉ một tháng sau bức tranh khủng bố tại nhà số 24 Đặng Tất, tòa án "nhân dân" Khánh Hòa bất ngờ thông báo đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xét xử. Chi tiết cần chú ý là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị đưa ra tòa sau 8 tháng bị bắt tạm giam, trong khi một trường hợp khác là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đã bị Bộ công an bắt từ tháng 12/2015, nhưng cho tới nay vẫn chưa được đưa ra xét xử, cho dù thời hạn tạm giam đã kéo dài quá lâu và bị nhiều luật sư tố rằng trại giam đã vi phạm quy định của Luật Tố tụng hình sự về thời gian giam giữ.
Đầu tháng 5/2017, Công an tỉnh Hà Nam bất ngờ thông báo "đã hoàn thành kết luận điều tra Trần Thị Nga" - một tiến trình quá nhanh khi dân oan Trần Thị Nga mới bị bắt vào đầu năm 2017, quá nhanh so với rất nhiều trường hợp người đấu tranh nhân quyền bị tạm giam đến vài năm trời trước khi đưa ra xét xử. Tuy nhiên từ đó đến nay bỗng nhiên bặt tăm thông tin ra tòa của bà Nga.
Vì sao là Quỳnh mà không phải Đài hay Nga bị đưa ra tòa vào thời điểm giữa năm 2017 ?
Thời điểm giáng cái án cực kỳ bất công và nặng nề - 10 năm tù - đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, lại xảy ra ngay trước chuyến công du sang Đức - cũng của Thủ tướng Phúc, nhân sự kiện Hội nghị G20 quốc tế.
Võ An Đôn - một trong các luật sư bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã tiết lộ trong bài viết "Chuyện Mẹ Nấm bây giờ mới kể" trên facebook của anh : "Không hiểu tại sao, sau khi ngài thủ tướng đi thăm Mỹ về thì việc điều tra vụ án kết thúc nhanh chóng và Viện kiểm sát ra cáo trạng truy tố trong thời gian ngắn, làm các luật sư trở tay không kịp".
Vô tình hay hữu ý ?
Chỉ biết rằng ngay sau bản án 10 năm trên, dư luận quốc tế cùng Mỹ và phương Tây đã nổi giận thật sự, đã phản ứng mạnh mẽ hơn hẳn nhiều vụ Việt Nam bắt người đấu tranh nhân quyền trước đó. Sau giải "Người phụ nữ can đảm quốc tế", vấn đề bây giờ không chỉ là nhân quyền Việt Nam mà còn là thể diện của nước Mỹ.
Riêng tại Hoa Kỳ, giới lập pháp ở đất nước này đã phải dùng cụm từ "vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đến mức báo động", và ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ lên tiếng ủng hộ đưa Việt Nam vào lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), cũng như Hoa Kỳ cần nhanh chóng triển khai Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu để chế tài những quan chức vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Đảng tự giẫm chân hay ai giẫm lên đảng ?
Vô tình hay hữu ý, "thúc đẩy quan hệ kênh đảng" - một trong những mục tiêu thể diện và rất quan trọng mà ông Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam - đặt ra trong chuyến công du sang Washington gặp Tổng thống Obama, được lặp lại trong tuyên bố chung Mỹ - Việt sau cuộc gặp Trump - Phúc vào cuối tháng 5/2017, đã trở nên xấu hổ và xấu đi đến khó tả sau cái án "10 năm Hoa Quỳnh".
Một hiện tượng đáng chú ý và mổ xẻ là vào nửa đầu năm 2017, "quan hệ kênh đảng" đã bắt đầu được triển khai bằng quan hệ truyền thông.
Tháng 6/2017, lần đầu tiên VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) sang London để tiếp xúc với BBC World Service.
Có tin cho biết kể cả Tạp chí Cộng Sản - tờ báo được xếp "loại một" trong hệ thống báo chí quốc doanh và là nơi mà ông Nguyễn Phú Trọng đã từng là tổng biên tập - cũng có kế hoạch giao tiếp với "đài địch".
Chưa kể đến những mục tiêu thầm kín mang tính cá nhân thay vì tập thể, mục tiêu công khai là nâng tầm uy tín và vị thế cho đảng cầm quyền ở Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể là cho nâng cao uy thế chính trị cho những người bên đảng, ưu tiên thuộc khối đảng, không chỉ "trên trường quốc tế" mà có lẽ quan yếu nhất là trong "chính trường nội bộ".
Một trong hiếm hoi bài học có thể "nhân điển hình tiên tiến" là chuyến đi "thành công rực rỡ" của Tổng bí thư trọng sang Mỹ vào tháng 7/2015 : ông Trọng đã nhận được lời cam kết của Mỹ về cho Việt Nam tham gia vào TPP - một Hiệp định thương mại mà giới chóp bu Việt Nam rất thèm muốn hầu mong cứu vãn nền kinh tế đang suy sụp. Chính cam kết này đã hỗ trợ đáng kể cho tiếng nói và vị thế chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng ngay trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền tại Việt Nam - một đại hội cực kỳ cam go khi lần thứ hai nổ ra cuộc chiến "Trọng - Dũng". Kết quả, ông Trọng đã giành thắng lợi lớn chưa từng có !
Nhưng bây giờ không còn là năm 2015, mà đang là 2017.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ biết rằng giờ đây phía Mỹ và Tây Âu đang trở nên khó nghĩ và khó khăn hơn nhiều khi phải tiếp những phái đoàn tự nguyện của "đảng và nhà nước ta". Cứ nhìn vào nhân quyền Việt Nam là thấy hết. Và chắc chắn nhiều chính khách phương Tây rất muốn hỏi thẳng "kênh đảng" của ông Trọng, ông Phúc, bà Ngân… rằng tại sao các ông bà lại để cho vi phạm nhân quyền đổ đốn đến thế…
Có một cái gì đó thuộc về nội bộ đảng đã trở nên vừa thâm hiểm vừa lộ liễu đến mức Luật sư Võ An Đôn phải đặt dấu hỏi : "Nghe nói trong chuyến đi Mỹ vừa qua, một nhóm nghị sĩ dân biểu Mỹ đến gặp ngài thủ tướng, yêu cầu Việt Nam thả ngay các tù nhân lương tâm, trong đó đặc biệt quan tâm trường hợp Mẹ Nấm. Ngài thủ tướng hứa sẽ thả Mẹ Nấm trong thời gian sớm nhất, là luật sư bào chữa nghe tin này tôi rất vui mừng. Không ngờ, tòa tuyên Mẹ Nấm 10 năm tù giam, làm luật sư và nhiều người sốc tức tưởi. Không lẽ, ngài thủ tướng cũng bị cấp dưới "chơi" giống như ông Nguyễn Đức Chung trong vụ Đồng Tâm hay sao ?".
Một nghi ngờ rất lớn : chẳng lẽ đảng cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, bằng quá nhiều hành động đàn áp nhân quyền lộ liễu và tàn nhẫn, đã tự phá đi "hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế" của họ, cũng như làm khó hẳn cho những chuyến công du đối ngoại mà bị dư luận đánh giá không ngoài mục đích "xin tiền" của Thủ tướng Phúc ?
Hay "toàn đảng toàn quân" vẫn cố níu kéo con bài "đổi nhân quyền lấy lợi ích thương mại" mà cộng đồng quốc tế ngày càng quay lưng ?
Hoặc nếu không phải là những người bên đảng tự giẫm lên chân mình, thế lực nào đã tạo ra vi phạm nhân quyền để giẫm lên đảng ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/07/2017
Việt Nam : Blogger "Mẹ Nấm" bị tuyên án 10 năm tù (RFI, 29/06/2017)
Theo báo chí trong nước, ngày 29/06/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án 10 năm tù đối với blogger Mẹ Nấm, tức bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, "Mẹ Nấm", ra tòa ở Nha Trang, ngày 29/06/2017. STR / Vietnam News Agency / AFP
Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 10/2016, blogger Mẹ Nấm đã sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải chia sẻ "nhiều bài viết sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền đả kích đường lối" của đảng Cộng Sản Việt Nam, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam...
Cáo trạng cũng khẳng định là bà Quỳnh đã nhiều lần trả lời báo đài nước ngoài để xuyên tạc tình hình trong nước.
AFP bị cấm tham dự phiên tòa tại tỉnh Khánh Hòa. Các bức ảnh trên Facebook cho thấy tòa án được cảnh sát canh giữ cẩn thận.
Blogger "Mẹ Nấm" Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt vào tháng 10/2016 vì các bài viết trên Facebook về chính trị và môi trường. Theo luật sư Nguyễn Khả Thành, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tòa án xét xử với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước", chiếu theo điều 88 bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Còn luật sư Lê Văn Luân cho AFP biết các công tố viên đã đề xuất án tù 8 đến 10 năm cho bà Quỳnh.
Các tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch của Mỹ (HRW) gọi cáo buộc của tư pháp Việt Nam là "quá đáng" và yêu cầu thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức. Hôm qua tổ chức bảo vệ nhà báo Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp kêu gọi Việt Nam hủy bỏ phiên tòa và trả tự do vô điều kiện cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. RSF cũng kêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngưng sử dụng điều 88 bộ Luật Hình Sự để ngăn cản mọi lời chỉ trích chính quyền.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được nhận giải thưởng Những Người Phụ Nữ Quốc Tế Can Đảm của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng 03/2017. Tuy nhiên, Việt Nam đánh giá là giải thưởng trao cho bà Quỳnh "không phù hợp và không có lợi cho sự phát triển quan hệ của hai quốc gia".
RFI tiếng Việt
**********************
"Nhà cầm quyền sẽ dùng bản án cho Mẹ Nấm để mặc cả sau này" (VOA, 29/06/2017)
Phiên tòa xét sử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, một blogger có nhiều hoạt động tranh đấu cho chủ quyền biển đảo và môi trường. Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án bà 10 năm tù giam nhưng các nhà tranh đấu trong nước đều không coi trọng bản án này.
Các nhà tranh đấu trong nước không ngạc nhiên với mức án 10 năm tù giành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm, nhưng gọi đây là một bản án "bỉ ổi, "vô nhân đạo"và "tàn bạo".
Họ cho rằng chính quyền Cộng sản sẽ dùng bản án này để "mặc cả"và "đổi chác"sau này cho những mục đích chính trị và trao đổi nhân quyền.
Ngay sau khi tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra phán quyết 10 năm tù đối với blogger Mẹ Nấm, VOA-Việt ngữ tiếp xúc với các nhà hoạt động tranh đấu vì dân chủ và nhân quyền ở trong nước để tìm hiểu phản ứng về mức án này.
Nguyễn Chí Tuyến, một nhà tranh đấu nhân quyền từ Hà Nội, nói trong khi nhiều người tỏ ý thương xót và có người phẫn nộ trước bản án này, thì cá nhân anh thấy "lạnh băng không phải vì tôi vô cảm mà vì quá hiểu bản chất của nhà cầm quyền Cộng Sản".
"Tôi nghĩ rằng đây là một chiến thuật trong thời điểm hiện nay. Họ sẽ lại tiếp tục sử dụng Mẹ Nấm cũng như đối với một số nhà đấu tranh nổi bật khác như Cù Huy Hà Vũ hay Điếu Cày chẳng hạn", anh Tuyến nói. "Họ sẽ dùng Mẹ Nấm như một món hàng – tức là Cộng Sản sẽ sử dụng công dân của mình như những món hàng để mang ra cho mục đích thỏa thuận để ‘mặc cả’ với các nước khác như Mỹ và EU trong những vấn đề gọi là 'trao đổi nhân quyền' để lấy những lợi lộc mang về cho giới cầm quyền ở Việt Nam".
Bên ngoài phiên tòa xử Blogger Mẹ Nấm ngày 29/6/2017 tại Khánh Hòa.
Theo ông Tuyến, Hà nội đang ‘ve vãn’ chính quyền của Tổng thống Trump, và sẽ dùng điều mà anh gọi là "những món hàng là những con người để trao đổi, đổi chác với phương Tây trong vấn đề nhân quyền".
Đồng tình với nhận định này, một nhà hoạt động khác từ Hà Nội, Lã Việt Dũng, nói mức án gắt gao của tòa sơ thẩm có thể sẽ được thay đổi ở tòa phúc thẩm, tùy vào những sự mặc cả giữa chính quyền Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
"Nếu sức ép lớn của cộng đồng quốc tế hoặc họ mặc cả - ví dụ như với Mỹ chẳng hạn – khi ký kết với Việt Nam có những điều khoản buộc phải thả tù nhân lương tâm như Mẹ Nấm thì (chính quyền Việt Nam) lấy cái điều kiện đó để mặc cả với họ", theo ông Dũng.
(Từ trái) Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, Lê Mỹ Hạnh và Lã Việt Dũng đều cho rằng bản án cho Mẹ Nấm sẽ được chính quyền Hà Nội dùng để mặc cả trong các vấn đề về nhân quyền.
Lê Mỹ Hạnh, người từng bị hành hung vì bị cáo buộc đã tham gia các tổ chức dân sự và đi biểu tình, cũng chung nhận định, nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ sử dụng bản án này như một sự "giao giá".
"Tôi nghĩ vấn đề sâu sa là sẽ có một sự giao giá cho vụ án xử Mẹ Nấm 10 năm", bà Hạnh nói. "Với những người đấu tranh vì dân chủ nhân quyền, họ sẽ đưa ra bất cứ một thỏa thuận nào với bất cứ một tổ chức nào kể cả Mỹ hay Châu Âu. Họ sẽ dùng con bài bất cứ khi nào phù hợp".
Ông Dũng dùng từ "bỉ ổi"để mô tả bản án đối với bà Như Quỳnh, và lưu ý rằng điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam rất mơ hồ và phiên tòa diễn ra không công bằng. Theo dõi từ Hà Nội qua mạng xã hội Facebook, ông Dũng nói đây là một phiên tòa xử kín "mặc dù họ nói là công khai".
"Người nhà không được tham dự, luật sư nhiều người bị chặn không được vào và không ai được nói gì. Chủ tọa lúc nào cũng nhăm nhe theo cái chủ quan duy ý chí của Đảng Cộng sản. Bị cáo như Mẹ Nấm và luật sư bào chữa không có quyền cãi lại".
Nhà đấu tranh Nguyễn Chí Tuyến viện hoàn cảnh của Như Quỳnh, một người mẹ đơn thân có 2 con nhỏ và một mẹ già, cho rằng đây là một bản án "vô nhân đạo"và "tàn bạo".
"Họ muốn dùng sự tàn bạo này để dằn mặt không phải chỉ Mẹ Nấm mà họ muốn lấy chuyện của Mẹ Nấm ra. Nó thể hiện tính tàn bạo ở trong đó là vì để bẻ gẫy ý chí của cô ấy để trả thù vì tôi biết Mẹ Nấm rất cương quyết, không thừa nhận việc làm của mình là sai trái".
Trong 9 tháng trước khi bị bắt giam, bà Như Quỳnh chỉ "đấu tranh ôn hòa cho quyền lợi của người dân"và đó là trách nhiệm của bất cứ người dân yêu nước nào, theo ông Tuyến.
Theo bà Hạnh, bản án dành cho blogger Mẹ Nấm và những hành động đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không làm nhụt chí của những người tranh đấu trong nước.
"Những anh chị em đã đấu tranh, đã dấn thân thì việc đối diện những bản án như thế này hay nặng hơn nữa hoặc không bản án nào như những người đấu tranh trong nước đang phải đối diện về đe dọa tính mạng, như bản thân tôi đang phải đối diện, cũng sẽ không làm nhụt chí anh chị em đang dấn thân".
Blogger Mẹ Nấm là 1 trong 13 phụ nữ được trao "Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế"năm 2017 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 29/3 tại Bộ ngoại giao Mỹ. Đệ nhất phu nhân Melania Trump là người trao giải nhưng bà Như Quỳnh đã không thể có mặt để nhận giải.
**********************
Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù (BBC, 29/06/2017)
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên án 10 năm tù cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 29/6.
Phiên tòa ngày 29/6
Luật sư Võ An Đôn, một trong ba luật sư có mặt tại phiên tòa, cho BBC hay bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày.
Theo ông Đôn, gia đình bà Quỳnh và nhiều người đã biết trước từ cách đây hai tuần bản án sẽ là 10 năm tù.
"Những vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia thì luật sư có cũng như không. Chỉ nói mà chẳng ai nghe hết", ông nói với BBC.
Tại cuộc họp báo trong khi phiên tòa đang diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang diễn ra công khai, đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
'Bản án mang tính chất răn đe'
Về bản án 10 năm tù mà bà Quỳnh phải nhận, luật sư Đôn cho rằng "bản án này mang tính chất răn đe rất là mạnh đối với những người có quan điểm trái ngược với chính quyền".
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh yêu cầu 5 luật sư bào chữa, nhưng có mặt tại tòa chỉ có ba luật sư.
Các luật sư đã yêu cầu hoãn phiên tòa để luật sư phối hợp bào chữa nhưng hội đồng xét xử không chấp thuận.
Trước phiên tòa, luật sư Đôn nói ông đã viết đơn yêu cầu được gặp bị cáo nhưng yêu cầu này bị hội đồng xét xử từ chối.
Luật sư Võ An Đôn cho BBC biết tại phiên tòa, "các luật sư bào chữa đều chứng minh rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là không có tội".
"Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ viết bài trên Facebook thể hiện quan điểm cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam quy định tại Điều 25 trong hiến pháp cũng như những công ước mà Việt Nam ký kết".
Trong vòng 15 ngày tới, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có quyền kháng cáo. Nếu bà kháng cáo, tòa án sẽ mở lại phiên tòa phúc thẩm, mà theo luật là trong vòng hai tháng, ra tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Đà Nẵng xét xử.
Ông Đôn cho biết sau khi tòa tuyên án, ông đã khuyên bà Quỳnh "phải kháng cáo".
Greg Rushford, một nhà báo độc lập người Mỹ, nhận xét với BBC sau phiên tòa :
"Điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam, hình sự hóa tự do ngôn luận, đã là vi phạm các ràng buộc pháp luật quốc tế của Việt Nam".
"Bộ Ngoại giao Mỹ và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump đã từng tôn vinh blogger Mẹ Nấm vì là người phụ nữ dũng cảm".
"Tôi thấy Tổng thống Donald Trump cũng nên phát biểu phản đối sự bất công này".
Ảnh minh họa
Gia đình không được tham dự
Sáng ngày 26/9. bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói với BBC bà không được trực tiếp tham dự phiên tòa mà phải theo dõi qua tivi ở một phòng riêng.
Bà mô tả rằng "trong phần tranh luận họ không cho Quỳnh trình bày hết ý".
"Họ quy chụp giáo điều. Trong bản cáo trạng thì họ ghi vậy nhưng lúc xét xử họ lấy mọi thứ ra để nói.
"Họ nói con tôi lợi dụng Hoàng Sa, Trường Sa, nói con tôi chống Trung Quốc làm ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế hai bên. Đó là nói láo!"
"Họ nói con tôi tuyên truyền không đúng về Formosa làm ảnh hưởng đến người dân. Và truy tố con tôi vì tàng trữ bài thơ của Bùi Chát và bài hát của nhạc sĩ Tuấn Khanh"
Hàng rào dựng chắn đường vào trụ sở tòa án tỉnh Khánh Hòa
Bà Lan cũng cho biết phiên tòa vừa kết thúc thì bà được tin cháu gái, em họ của bà Quỳnh bị bắt lên phường vì chụp ảnh cổng tòa án. Bà phải vội lên phường yêu cầu công an thả cháu mình.
Trịnh Kim Tiến, cũng là một blogger thân thiết với blogger Mẹ Nấm, người cùng bà Lan đến phiên tòa sáng nay cho BBC biết:
"Thực sự đây là một mức án quá gây bức xúc, sự phi luân, đốn mạt. Đây là sự thù hằn theo kiểu riêng tư chứ không phải lợi dụng chức quyền để bức tù người phụ nữ đơn thân.
"Không có bằng chứng xác thực, vô cùng mơ hồ, vô lý. Đây là một mức án quá kinh khủng cho một người phụ nữ đơn thân với hai con nhỏ.
"Họ coi thường dư luận, coi thường người dân, như thể ý kiến người dân không có gía trị gì hết. Nếu như chị Quỳnh mà bị tuyên án tám đến 10 năm thì bất kì ai cũng bị đi tù chỉ vì nói lên sự thật.
"Mức án này là mức án hành vi vô nhân đạo," Trịnh Kim Tiến nói thêm.
Tổng Lãnh sự Mỹ bà Mary Tarnowka và ông Charles Sellers Trưởng phòng Tham tán chính trị thăm bà Nguyễn Tuyết Lan tháng 11/2016
Mẹ Nấm là ai ?
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa khi bắt bà Quỳnh cáo buộc bà đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân..".
Trước đó bà cũng đã bị bắt nhiều lần vì tham gia các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại Biển Đông, và phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan trong vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung.
Bà là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố công dân tự do".
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận.
Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho cô Giải thưởng Của Năm. Tháng Ba năm 2017, cô được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát :
Sử dụng Facebook để đăng tải thông tin được cho là "tuyên truyền xuyên tạc chống phá nhà nước"
Thu thập thông tin và viết báo cáo về 31 trường hợp người dân chết sau khi làm việc với công an
Nhận tiền thưởng từ tổ chức dân sự Civil Rights Defenders sau khi được nhận giải Người bảo vệ nhân quyền
Khởi xướng chiến dịch vận động nhân quyền năm 2015
Trả lời báo chí quốc tế
Lưu giữ tập thơ Bài thơ một vần của Bùi Chát và CD nhạc Về ngư dân Việt Nam của nhạc sĩ Tuấn Khanh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói với các nhà báo hôm 30/3 năm nay :
"Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước".