Câu chuyện về nghi phạm Đoàn thị Hương hiện đang bị giam tại Malaysia với cáo buộc ám sát anh trai của nhà lãnh đạo Bắc Hàn vẫn đang thu hút sự quan tâm của người dân Việt Nam trên toàn thế giới.
Đoàn Thị Hương, 28 tuổi (trái) được cảnh sát đặc biệt hộ tống sau phiên tòa tại Sepang, Malaysia vào ngày 01 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Chính quyền phản ứng chậm trễ
Khoản 3 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định : "Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ". Do đó, bất luận Đoàn Thị Hương là một người ra sao, cô vẫn phải được nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ. Đặc biệt trong tình huống cô đang phải đối diện với cáo buộc giết người và không có người thân bên cạnh, hoảng loạn tinh thần.
Tuy nhiên, từ khi cô Hương bị bắt giữ tại Kuala Lumpur, phía chính quyền Việt Nam bị một bộ phận công chúng chỉ trích về phản ứng chậm trễ và không có hành động cương quyết như phía chính quyền Indonesia, quốc gia cũng có công dân bị tình nghi trong vụ giết ông Kim Jong Nam.
Giải thích cho sự chậm trễ này, Luật sư Nguyễn Hà Luân từ Hà Nội cho rằng :
"Các nhà ngoại giao của Việt Nam ở Malaysia chưa đánh giá và chưa hiểu biết được về mức độ nhanh gọn của hệ thống luật pháp tại nước sở tại. Sự chậm trễ của họ xuất phát từ căn nguyên là thói quen làm việc của hệ thống hành pháp, tư pháp ở đất nước chúng ta thôi".
Bên cạnh đó, nhiều người đưa ra những luận cứ cáo buộc chính quyền chưa làm trọn trách nhiệm bảo vệ công dân ở ngay nước láng giềng như Lào hoặc Thái Lan trong nhiều trường hợp công dân Việt Nam bị giam giữ.
Nguyễn Trường Sơn - một nhà hoạt động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan chia sẻ câu chuyện của những ngư dân Việt Nam vi phạm luật đánh bắt cá trái phép bị giam giữ tại Thái Lan :
"Rất nhiều người ngư dân Việt Nam đã bị giam giữ tại miền Nam Thái Lan 6 hoặc 7 tháng. Tuy nhiên họ mới chỉ được tiếp xúc với cấp Đại sứ quán Việt Nam một lần.
Họ cho tôi biết những lần tiếp xúc như vậy thì nhân viên Đại sứ quán Việt Nam cũng chỉ hỏi han và giải đáp những thông tin cơ bản mà không hề có bất cứ động thái cụ thể nào để bảo hộ công dân nước mình cũng như là tìm kiếm những sự giải thoát cho họ. Nguồn hy vọng duy nhất của họ là người thân nơi quê nhà.
Những công chức ở nơi mà những ngư dân này đang bị giam giữ cũng nói với tôi rằng họ rất sẵn lòng thả những ngư dân này về Việt Nam tuy nhiên phía Đại sứ quán Việt Nam không chịu bảo lãnh cho những người này nghĩa là chi trả những chi phí hồi hương cho nên tất cả họ bị kẹt lại".
Kêu gọi cộng đồng giúp đỡ
Theo truyền thông Việt Nam, ngày 2/3/2017 - một ngày sau phiên toà đầu tiên xử Đoàn Thị Hương, đại diện của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới có cuộc tiếp xúc với thân nhân nghi phạm nhằm giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho cô Đoàn thị Hương theo đúng qui định của pháp luật Malaysia và thông lệ quốc tế.
Cùng ngày 2/3, Ông Đỗ Ngọc Thịnh - chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, họ đã chủ động đề xuất với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao về việc cử luật sư hỗ trợ pháp lý cho cô Đoàn Thị Hương tại Malaysia. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, chưa có thêm thông tin chi tiết nào về việc này.
Cùng thời điểm trên, đã có nhiều lời kêu gọi cộng đồng giúp đỡ về tài chính cho gia đình Đoàn Thị Hương bởi cha cô là thương binh và gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhóm kêu gọi bao gồm : Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên Đại học Ngoại Thương, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, và Luật sư Trần Vũ Hải, cùng một số luật sư, doanh nhân và trí thức khác.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết động lực thúc đẩy bà lên tiếng kêu gọi giúp đỡ cho Đoàn Thị Hương :
"Xuất phát từ chuyện đơn giản là một người phụ nữ thương một người phụ nữ và thương đồng bào của mình nên chúng tôi đứng ra kêu gọi thôi".
Ngày 4/3/2017 vừa qua, luật sư Trần Vũ Hải và một số thành viên trong nhóm kêu gọi đã tiếp xúc với ông Đoàn Văn Thạnh - cha của Đoàn Thị Hương. Tại cuộc gặp, Ông Thạnh cám ơn cộng đồng đã quan tâm đến số phận của con gái ông và xin tiếp nhận sự hỗ trợ cho gia đình ông trong lúc gia đình còn nhiều khó khăn. Được biết, gia đình Hương đã nhận số tiền hỗ trợ đi lại ban đầu là 2 triệu đồng. Bà Hoàng Ánh chia sẻ :
"Bọn tôi được khoảng chừng hơn 10 ngàn USD rồi (220 triệu tiền Việt) nhưng chúng tôi phấn đấu phải đủ tiền. Thứ nhất là cho gia đình Hương sang Malaysia. Số tiền cho gia đình sang thì chắc không đắt lắm nhưng số tiền thuê luật sư thì có thể từ 15 cho tới 25 ngàn USD. Do đó số tiền hiện nay chưa đủ".
Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều với lời kêu gọi kể trên, nặng nề nhất là những lời miệt thị nặng nề về Đoàn Thị Hương. Bà Hoàng Ánh nhận định đây là do sự "thiếu bao dung" và cái nhìn vấn đề một chiều của người Việt.
"Tôi nghĩ rằng nếu mình đã có niềm tin thì mình cứ làm thôi".
Cũng giống như Mỹ, Úc và các quốc gia khác, Việt Nam có các quy định pháp luật về bảo hộ công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài trong pháp luật, thực tiễn quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.
Từ trường hợp cụ thể Đoàn Thị Hương đang bị xét xử tại Malaysia, theo đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị, công tác bảo hộ công dân của các nước trên thế giới về nguyên tắc, phải dựa trên Công ước Vienna 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Vienna 1963 về quan hệ lãnh sự ; Các điều ước quốc tế quốc gia tham gia hoặc ký kết ; Các hiệp định song phương về lãnh sự, lao động... và luật pháp sở tại. Trên cơ sở đó, các quốc gia sẽ nội luật hoá, có những quy định cụ thể về công tác bảo hộ công dân.
Đoàn Thị Hương đang bị xét xử tại Malaysia. Ảnh minh họa : Tuổi trẻ
Cũng theo đại sứ Lương Thanh Nghị, giống như Mỹ, Úc và các quốc gia khác, Việt Nam có các quy định pháp luật về bảo hộ công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài trong pháp luật, thực tiễn quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể như sau :
1. Pháp luật và thực tiễn quốc tế :
- Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 (Điều 3) và Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự năm 1963 (Điều 5) đều quy định "cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự có chức năng bảo vệ quyền lợi của công dân của nước mình trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế".
2. Pháp luật Việt Nam :
- Hiến pháp 2013 (Khoản 3 Điều 17) quy định : Công dân Việt Nam ở nước ngoài được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.
- Luật quốc tịch 2008 (Điều 6) quy định : Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó.
- Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Điều 8, các khoản 1, 2 và 3) quy định :
+ Bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích hợp pháp của công dân trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc gia tiếp nhận (nước sở tại) và điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế ;
+ Thực hiện việc thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân Việt Nam trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù tại quốc gia tiếp nhận.
+ Trong trường hợp công dân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận cho đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.
Thực hiện thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân trong trường hợp họ bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù ; Trong trường hợp công dân, pháp nhân không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cơ quan đại diện tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho công dân và pháp nhân tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền nước tiếp nhận.
Nguyên tắc chung
Những giúp đỡ mà Cơ Quan Đại Diện có thể làm :
• Cấp hộ chiếu để tiếp tục hành trình hoặc cấp Giấy thông hành để về nước ;
• Tiến hành thăm lãnh sự nếu công dân có yêu cầu trong trường hợp bị bắt, bị giam giữ hoặc bị tù ;
• Thăm công dân ốm đau đột xuất phải cấp cứu tại bệnh viện ; giúp thông báo cho gia đình, thân nhân biết ;
• Giúp cung cấp danh sách, địa chỉ bệnh viện, luật sư ;
• Giúp liên hệ với gia đình, người thân, bạn bè trong nước nếu bị bắt giữ ; giúp thuê luật sư (với điều kiện bản thân hoặc gia đình chịu chi phí) ;
• Giúp can thiệp khi công dân Việt Nam bị giam giữ trong điều kiện phi nhân đạo (Bị tra tấn, đánh đập, ốm đau không được khám, chữa bệnh) ;
• Giúp tìm kiếm thông tin nếu công dân bị mất tích ;
• Giúp thông báo cho gia đình, người thân bạn bè trong trường hợp công dân bị chết ;
• Giúp hồi hương công dân bị ốm đau, bị tai nạn hoặc đưa thi hài người chết về nước với chi phí của gia đình, người thân, bạn bè người đó.
Những việc mà Cơ Quan Đại Diện không thể làm :
• Cấp đổi giấy phép lái xe ;
• Trả tiền khách sạn, tiền phạt hoặc viện phí ;
• Trả tiền cho công dân mất tiền bạc tiếp tục hành trình ;
• Ứng tiền đặt cọc hoặc lệ phí thuê luật sư ;
• Cử viên chức lãnh sự ra sân bay cấp hộ chiếu ;
• Tiến hành điều tra tội phạm ;
• Can thiệp vào tiến trình tư pháp hoặc yêu cầu nhà chức trách sở tại thả công dân bị bắt ;
• Hành động thay thế luật sư ;
• Hành động thay thế các đại lý du lịch , bảo hiểm y tế hoặc ngân hàng ;
• Trả chi phí cho các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tiến hành bởi cơ quan dịch vụ nước sở tại ;
• Trả chi phí cho việc hồi hương thi hài, di hài người chết.
Một số vụ bảo hộ công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài mà cơ quan sứ quán Việt Nam đã thực hiện :
1/ Vụ Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết tại Malaysia
- Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết, sinh năm 1988 (công dân Tp. Hồ Chí Minh) bị cơ quan có thẩm quyền Malaysia bắt giữ ngày 26/6/2011 do vận chuyển 2,7 kg ma túy từ Châu Phi vào Malaysia.
- Ngày 18/07/2012, Tòa án sơ thẩm Penang đã xét xử và tuyên án tử hình đối với chị Tuyết.
- Từ 2012 đến 29/3/2016, tại các phiên xử Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết sử dụng luật sư do Tòa án chỉ định.
- Ngày 29/03/2016, Tòa án Liên bang Malaysia đã tuyên án 20 năm tù giam đối với chị Tuyết vì tội vận chuyển ma túy (tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đây, Tòa án Malaysia đều tuyên án tử hình với tội danh mua bán, tàng trữ ma túy).
2/ Vụ Klong K Djoanh tại Malaysia
- Ngày 21/5/2012, Klong K Djoanh (công dân tỉnh Lâm Đồng) bị kết án tử hình do vận chuyển ma túy.
- Trong suốt thời gian từ 2012 đến các lần xử ở cấp phúc thẩm, đương sự sử dụng luật sư do Tòa chỉ định.
- Từ phiên tòa phúc thẩm đến 2016 (thời điểm tòa án tối cao Malaysia tuyên y án sơ thẩm 18 năm tù giam) gia đình đương sự sử dụng luật sư Sruimurugan do gia đình nhờ Tổ chức Liên đoàn lao động Malaysia giới thiệu.
3/ Vụ Vũ Hoàng Giang (công dân Hà Nội) bị bắt, xét xử tại Hà Lan sau đó bị dẫn độ sang Mỹ.
- Sáng 29/8/2012 (5g30) Cảnh sát Hà Lan bắt Vũ Hoàng Giang do tham gia vào vụ lấy cắp 1,5 tỉ địa chỉ email, lấy thông tin thẻ tín dụng, chiếm đoạt hàng triệu USD ; tạm giữ 60 ngày để điều tra ; dự kiến sẽ dẫn độ sang Mỹ theo đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ.- Chiều 29/8/2012, Vũ Hoàng Giang đề nghị có luật sư và cảnh sát đã giới thiệu ông Jan Willem Bosman làm luật sư cho mình.
- Từ 29/8 đến 23/9, trong quá trình tố tụng tại Hà Lan, luật sư Jan Willem Bosman thực hiện vai trò là luật sư cho Vũ Hoàng Giang.
- Cho tới tháng 14/3/2014 (trước khi bị dẫn độ sang Mỹ) gia đình Giang chịu trách nhiệm thuê luật sư Bart Stapert để bào chữa cho Giang tại Hà Lan.
Đông Hải
Truyền thông quốc tế vào ngày 1 tháng 3 chiếu cảnh cô Đoàn thị Hương, nghi phạm trong vụ án quốc tế giết hại ông Kim Jong-nam bằng chất độc thần kinh VX, bị còng tay đưa ra tòa.
Cô Đoàn Thị Hương tại Malaysia, khi vừa bị bắt hôm 14/2/2017. AFP
Sau phiên xử cô này rời tòa trong chiếc áo chống đạn. Những hình ảnh trong ngày ra tòa cho thấy đó là một cô gái trẻ, tóc ngắn nhuộm hoe vàng… Trước đó kênh truyền hình Trung Quốc tiết lộ ảnh của nghi phạm mặc chiếc áo có chữ LOL (Laugh Out Loud). Tất cả khớp với thông tin mà cảnh sát Malaysia đưa ra sau khi bắt giữ nghi phạm hôm 15 tháng 2 : đó là một người mang quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1988 ở Nam Định.
Thân nhân và hàng xóm của cô này ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định khi được tiếp xúc cũng xác nhận hình ảnh được công khai giống hệt cô con gái út của ông Đoàn Văn Thạnh hiện ngụ tại địa phương.
Vào buổi tối sau khi có tin Đoàn thị Hương bị đưa ra tòa với cáo buộc tham gia vụ ám sát bằng chất độc thần kinh VX và nếu bị buộc tội thì có thể chịu án tử hình, ông Đoàn Văn Thạnh lặp lại việc gia đình không hề biết con đi xa làm những gì :
"Gia đình bây giờ rất là buồn. Biết làm sao được ! Cháu làm như vậy thì mình làm sao biết được. Cháu vẫn đi làm bình thường. Sự việc này xảy ra vậy không biết được".
Ngay sau tin tức về nữ nghi phạm Việt Nam có tên Đoàn thị Hương, sinh năm 1988 ở Nam Định được loan đi, nhiều cư dân mạng bắt đầu truy tìm tông tích của nhân vật này. Họ phát hiện ra một facebooker có biệt danh ‘Ruby, Ruby’.
Chủ nhân tài khoản facebook Ruby, Ruby có khuôn mặt giống Đoàn thị Hương nhưng ăn mặc rất khêu gợi, với những status thật ‘ngôn tình’. Một số tin còn cho biết khi ở Hà Nội, Đoàn thị Hương làm việc tại một quán bar ở thủ đô. Cô gái này còn giao du với nhiều người nước ngoài.
Chủ nhân tài khoản facebook Ruby, Ruby có khuôn mặt giống Đoàn Thị Hương. Courtesy FB Ruby, Ruby
Nhân vật mà cư dân mạng phát hiện như thế hoàn toàn khác với những gì mà người thân và hàng xóm nhận định về cô gái Đoàn Thị Hương, con ông Đoàn Văn Thạnh ở tại đội 14 xã nghĩa bình, huyện nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Đây là một gia đình không có gì là dư giả nhưng cũng không đến mức thiếu thốn. Ông bố và bà mẹ kế của Đoàn thị Hương hiện sống trong căn nhà cấp 4 cạnh một con lạch nhỏ. Đây là nơi mà Hương mới về thăm hôm tết âm lịch Đinh Dậu vừa qua.
Mẹ Hương mất đột ngột đúng ngày Noel năm 2016. Từ ngày Hương học xong cấp 3, mẹ thì bị bệnh tim nên gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng cho Hương học đại học. Người thân còn nói thêm Đoàn thị Hương lên Hà Nội học Dược và sau đó thêm ngành Kế toán.
Ông Đoàn Văn Thạnh là thương binh hạng nặng, cụt mất một chân ; nhưng nay làm việc coi chợ kiếm thêm thu nhập ngoài lương thương binh. Sau khi mẹ Hương mất được 1 năm thì bố Hương đi bước nữa vì cần người lo lắng chăm sóc, chia sẻ.
Hàng xóm nhà đối diện hương chia sẻ về hoàn cảnh cũng như tính cách của Hương :
"Mấy ngày nó về, tôi nhìn thấy nó leo qua cầu sang thăm anh chị nó. Rồi nó về nó cũng chào thím. Có khi đi thì nó bảo "Cháu đi đây !" Tôi thấy nó bình thường, hiền, ngoan ngoãn. Tôi không nghĩ là nó làm các cái đấy !".
"Ngày trước ở quê nó ngoan lắm. Nó cũng tham gia các đoàn thể mà. Có điều nó đi làm ăn mấy năm nay rồi, lâu lắm !".
Gia đình Đoàn Thị Hương cũng thuộc xứ đạo Phương Lạc, giáo phận Bùi Chu. Đây là vùng theo đạo Công giáo hiện do Linh mục Giuse Phạm Xuân Thi quản nhiệm.
Vị Linh mục quản xứ cho biết :
"Em Hương sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo tốt. Trong thời gian học cấp 1, 2, 3 thì vẫn sinh hoạt tôn giáo và đoàn thể ở giáo xứ".
Quê nhà của cô Đoàn thị Hương là một làng quê thuần nông ở vùng đồng bằng bắc bộ. Nhiều làng quê xứ Việt nay không còn lặng yên sau lũy tre như xưa nữa. Những con đường bê tông thay thế đường đất quanh co, cũng như tường rào thay cho lũy tre bị bứng gốc trong Chương trình nông thôn mới được phát động lâu nay.
Hằng đêm làng quê sáng điện, nông dân quây quần xem truyền hình, một số bạn trẻ có thể lướt web, nghe nhạc mới…
Phương tiện hiện đại về đến làng quê giúp những thanh niên, thiếu nữ nông thôn tiếp cận được với lối sống hiện đại. Thế nhưng quê nhà không có đủ công ăn- việc làm cho lớp đến tuổi lao động. Nhiều bạn trẻ như Đoàn Thị Hương rời khỏi làng quê lên thành phố, nhất là thủ đô Hà Nội, tìm kiếm cơ hội vươn lên.
Có những bạn trẻ còn đi xa hơn ra khỏi nước. Khát vọng của nhiều bạn phải được ‘bằng chị, bằng em’ ; tuy nhiên không phải tất cả đều thành công nơi phố thị hay chốn quê người.
Tin tức cho thấy trong những năm qua, nhiều bạn trẻ cả nam lẫn nữ từ các vùng nông thôn xứ Việt bị lừa khi đi xuất khẩu lao động ; bị hụt hẫng lúc chân ướt- chân ráo đến chốn thị thành… Đoàn thị Hương hẳn là một trong những trường hợp không may đó. Họ như con thiêu thân bị thiêu rụi khi đâm đầu vào bóng đèn sáng nóng !
Anh Minh
Nguồn : RFA, 03/03/2017
Bộ Ngoại giao chính thức xác nhận Đoàn Thị Hương là công dân Việt Nam (VOA, 25/02/2017)
Đoàn Thị Hương, nghi phạm người Việt trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam tại Malaysia.
Bộ ngoại giao Việt Nam hôm thứ Bảy chính thức xác nhận Đoàn Thị Hương, một trong hai nghi phạm thực hiện vụ ám sát Kim Jong-nam, là công dân Việt Nam và cho biết thêm cô này tưởng mình tham gia một trò chơi khăm.
Thông cáo được đăng với tựa đề "Bản tin bảo hộ công dân" trên website của Bộ cho biết đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tiến hành thăm lãnh sự nghi phạm và xác định "đúng là công dân Việt Nam".
Thông cáo nói sức khoẻ của khi phạm "ổn định" và rằng Đoàn Thị Hương cho là mình đã "bị lợi dụng và nghĩ rằng tham gia đóng video clip hài" trong cuộc gặp gỡ các quan chức Đại sứ quán.
Thông cáo nói tiếp : "Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đề nghị phía Malaysia xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật Malaysia, pháp luật và thông lệ quốc tế ; đồng thời tìm hiểu các thủ tục để hỗ trợ về mặt pháp lý, tôn trọng quyền lợi chính đáng của công dân.
"Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Malaysia trong việc điều tra vụ việc này".
Các quan chức đại sứ quán Indonesia cũng đã gặp nghi phạm còn lại là công dân nước họ, Siti Aishah, và cô này cũng nói với họ là cô tưởng mình đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur bằng chất độc thần kinh VX, theo cảnh sát Malaysia.
*******************
Người Việt ở Mỹ nghĩ gì về Đoàn Thị Hương (VOA, 24/02/2017)
Nghi phạm Đoàn Thị Hương trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam (twicopy.org)
Đã hơn 1 tuần kể từ sau vụ ám sát vào nhân vật được cho là anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam, cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn không thể tin được có một người Việt Nam là nghi phạm trong vụ án.
Trả lời phóng viên VOA tiếng Việt, chị Lý Tri Anh một chủ tiệm Nails ở Fountain Valley, California cho biết rằng từ trước tới nay chị chỉ được nghe những vụ ám sát trên phim, đây là lần đầu tiên chị thực sự thấy một vụ như vậy và còn bị sốc khi nghe tin nó còn liên quan tới 1 người Việt Nam. Cùng chung ý kiến như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thành viên của Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA) nói với VOA :
"Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên là lại có 1 người Việt Nam dính líu đến 1 vụ ám sát rất là động trời, rất là tày trời như thế này".
Tuy nhiên, cũng có sự nghi ngờ liệu rằng thực sự cô gái đó có phải là người Việt Nam hay không, chị Lý Tri Anh băn khoăn :
"Mình hơi sốc và lo lắng không biết đó có phải người Việt Nam mình hay không, hay là họ chỉ giá họa cho người Việt mình ?"
Khi được hỏi về việc phản ứng chậm trễ của chính quyền Việt Nam khi 1 công dân Việt Nam bị tình nghi trong vụ án, chị Anh cho rằng chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, vì dù đúng dù sai, thì một nhà nước cũng nên bảo vệ quyền lợi của công dân :
"Cho dù tốt hay xấu thì cũng phải bảo vệ cái quyền của công dân của đất nước mình".
Với tư cách là một nhà hoạt động, ông Thắng cho biết ông không hề ngạc nhiên về phản ứng của chính quyền Việt Nam hay cụ thể là Ðại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur trước về việc của cô Đoàn Thị Hương. Ông nói :
"Trong rất nhiều lần, trong rất nhiều năm, chúng tôi đã có những trường hợp của những người Việt Nam đi lao động qua Malaysia, rồi bị bóc lột, rồi bị buôn bán làm nô lệ. Thì chúng tôi nêu lên với tòa Đại sứ của Việt Nam, thì họ không làm gì cả, họ luôn luôn lờ đi và họ đứng về phía của người chủ sử dụng lao động. Có nghĩa là, trong trường hợp buôn người thì đó là những thủ phạm can tội buôn người".
Ông nói thêm rằng mọi cá nhân dù có phạm tội hay không thì vẫn phải được tiếp cận với sự bảo vệ về pháp lý.
Vụ án vẫn còn đang được giới hữu trách Malaysia điều tra, tuy nhiên chị Lý Tri Anh sợ rằng vụ việc này sẽ làm cho hình ảnh của người Việt tại Hoa Kỳ bị ảnh hưởng, vì "với người Mỹ, họ lúc nào cũng nhìn người Việt Nam mình một cái ánh mắt rất là hiền hòa".
********************
Việt Nam khẳng định Đoàn Thị Hương 'là công dân Việt Nam' (BBC, 25/02/2017)
Giới chức Việt Nam đã được phía Malaysia cho phép gặp nữ 'nghi phạm Đoàn Thị Hương' theo BBC News.
Giới chức Việt Nam đã được phía Malaysia cho phép gặp 'công dân' là nghi phạm mang tên Đoàn Thị Hương, người bị nghi là một trong hai nữ 'sát thủ' ra tay sát hại người được cho là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong-un, một bản tin của Bộ Ngoại giao hôm thứ Bảy khẳng định nữ nghi phạm đúng là công dân Việt Nam.
Hôm 25/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra một thông báo dưới dạng 'Bản tin bảo hộ công dân', với nội dung toàn văn như sau :
"Sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman bên lề Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua, ngày 25/02/2017, phía Malaysia đã đồng ý để đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thăm lãnh sự đối với nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam có liên quan đến vụ sát hại 01 công dân Triều Tiên.
"Sáng ngày 25/02/2017, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tiến hành thăm lãnh sự nghi phạm và xác định đúng là công dân Việt Nam, tên là Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988 tại Nam Định ; sơ bộ thấy sức khoẻ ổn định. Trong tiếp xúc với cán bộ Đại sứ quán, Đoàn Thị Hương cho rằng bị lợi dụng và nghĩ rằng tham gia đóng video clip hài.
"Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đề nghị phía Malaysia xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật Malaysia, pháp luật và thông lệ quốc tế ; đồng thời tìm hiểu các thủ tục để hỗ trợ về mặt pháp lý, tôn trọng quyền lợi chính đáng của công dân.
"Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Malaysia trong việc điều tra vụ việc này", bản tin trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Hôm thứ Bảy, 25/2, giới chức Indonesia tại Malaysia đã được cho phép gặp công dân Siti Aisyah ở thủ đô Kuala Lumpur.
Sau cuộc gặp, giới chức Indonesia cho truyền thông hay nữ nghi phạm, 25 tuổi, nói đã 'được trả một khoản tiền tương đương 90 đô-la để chơi trò đùa lấy 'dầu trẻ em' đưa vào mặt người bị nghi là ông Kim Jong-nam.
Các quan chức tòa Đại sứ Indonesia ở Malaysia nói nghi phạm cho hay cô đã được đưa cho một khoản tiền Malaysia là 400 ringgit (400 MYR=90 USD).
"Cô ấy cho biết đã được trao tiền mặt để bôi 'dầu của trẻ em' lên mặt ông Kim Jong-nam như là một phần của một chương trình thực tế là một trò đùa.
Các xét nghiệm cho thấy ông Kim đã bị giết chết bằng loại chất độc thần kinh có độc tố rất cao là VX.
Chất độc này được Liên Hợp Quốc xếp loại là một dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ông Kim qua đời tuần trước sau khi hai phụ nữ bắt chuyện với ông trong một thời gian ngắn trong một phòng check-in tại sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.
Cuộc gặp 30 phút
Sau một cuộc gặp 30 phút với Siti Aisyah vào thứ Bảy, Phó Đại sứ Indonesia Andreano Erwin nói :
"Cô ấy chỉ nói chung chung rằng ai đó yêu cầu cô làm việc này.
"Cô chỉ nói chung rằng cô đã gặp một số người nhìn trông như người Nhật Bản hay Triều Tiên.
"Theo cô, người đó đưa cho cô 400 ringgit để thực hiện việc này... Cô ấy chỉ nói rằng cô đã được đưa cho một loại dầu như dầu em bé".
Trong tiếp xúc với cán bộ Đại sứ quán, (nghi phạm) Đoàn Thị Hương cho rằng bị lợi dụng và nghĩ rằng tham gia đóng video clip hài, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Các quan chức nói rằng họ không thấy bất kỳ dấu hiệu vật lý rằng nghi phạm đã bị ảnh hưởng bởi hóa chất.
Cảnh sát trưởng của Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết hôm thứ Sáu rằng sự hiện diện của các chất độc thần kinh đã được phát hiện trong bệnh phẩm lấy từ mắt và mặt của ông Kim.
Ông Kim đã tìm cách trợ giúp y tế tại sân bay, nói rằng ai đó đã vẩy hoặc phun vào ông một chất lỏng. Sau đó, ông bị một cơn co giật và chết trên đường đến bệnh viện.
BBC Việt ngữ đang liên lạc với giới chức Việt Nam và sẽ tiếp tục cập nhật các chi tiết về vụ việc liên quan cái chết của người được cho là ông Kim Jong-nam và tình hình của nữ 'nghi phạm' có hộ chiếu Việt Nam mang tên Đoàn Thị Hương, khi bị phía Malaysia bắt giữ.
**********************
Vì sao Tướng Tô Lâm lên tiếng với truyền thông quốc tế ? (BBC, 25/02/2017)
Một số nhà quan sát từ Việt Nam và Đông Nam Á nhận xét về phát biểu của Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm, trả lời BBC hôm 24/2 về nghi phạm 'người Việt Nam' trong vụ 'ám sát' được cho là xảy ra với ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.
Hôm thứ Sáu, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) cho rằng động thái xuất hiện trên truyền thông quốc tế tiếng Việt của ông Tô Lâm cho thấy vụ việc có tính chất 'nghiêm trọng' và Việt Nam muốn tránh những 'tác động chính trị' có thể có do việc một nghi phạm trong vụ việc xảy ra ở Malaysia mới đây, bước đầu được cho là 'công dân Việt Nam'.
Ông nói : "Tôi nghĩ rằng sự cố lần này tương đối là nghiêm trọng, một 'công dân Việt Nam' có liên quan và rõ ràng là nó có tác động về mặt chính trị nữa, cho nên tôi nghĩ rằng việc ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra các phát biểu đó thì hoàn toàn là bình thường và những phát biểu của ông Tô Lâm, tôi nghĩ cũng là phù hợp, hợp lý.
"Chỉ có điều là ai sẽ là người xử lý 'nghi phạm' Đoàn Thị Hương, nếu thực sự đấy là một công dân Việt Nam và thực sự cô Hương này có tham gia vào vụ 'ám sát'..., điều này còn phải phụ thuộc vào các thỏa thuận giữa hai bên.
"Chứ tôi cũng không nghĩ rằng Việt Nam chắc chắn sẽ có quyền để xử lý 'nghi phạm này', tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn phải chờ đợi những tình tiết tiếp theo và những thỏa thuận đàm phán tiếp theo liên quan trực tiếp thì mới biết được hướng xử lý tiếp sẽ là gì".
Hiện nhà chức trách Malaysia đang tiếp tục tiến hành điều tra và xác minh về vụ 'ám sát ông Kim Jong-nam'.
Khi được hỏi thế nào là 'tác động về mặt chính trị' đối với Việt Nam trong vụ việc, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đưa ra giải thích với BBC :
"Vì nhiều người cho rằng một 'công dân Việt Nam' mà 'tham gia trực tiếp' vào vụ 'ám sát' lần này thì nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng sự tham gia đấy chỉ là hành động cá nhân hay là có một thế lực nào đằng sau hay không, chẳng hạn...
"Nếu có những nghi ngờ như vậy, nó có thể gây ra những tác động về mặt chính trị, về mặt ngoại giao và làm sao giải quyết được các nghi ngờ đó để có thể, ví dụ như khẳng định rằng các cơ quan hay giới chức của Việt Nam không có dính líu gì vào đấy và đấy chỉ là 'hành động của cá nhân' cô Đoàn Thị Hương chẳng hạn.
"Tôi nghĩ điều ấy hết sức quan trọng và Bộ Công an cũng như giới chức của Việt Nam sẽ cần phải làm việc để chứng minh điều ấy...
"Những phản ứng của Việt Nam trong thời gian qua có thể có những điều có thể làm tốt hơn, nhưng tôi nghĩ về cơ bản là phù hợp và trong thời gian này, chúng ta vẫn phải chờ đợi kết quả điều tra của phía Malaysia cũng như việc bên Malaysia cho phép bên Việt Nam cũng như bên Indonesia được tiếp xúc và bảo hộ cho công dân của mình, chúng ta mới có thể có được thêm thông tin và biết được điều gì đã thực sự đã xảy ra", nhà nghiên cứu từ Viện Iseas nói với BBC.
'Đánh giá rất cao'
Một ý kiến khác, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị khu vực đang có mặt ở Hà Nội cho rằng động thái của Bộ trưởng Tô Lâm có tính 'mới' và ông 'đánh giá cao' động thái có tính chất cở mở này với truyền thông quốc tế của Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 24/2, ông Hợp nói :
"Đây là một cái mới và nó tốt thôi vì nếu có thể nhìn lại quá khứ thì chưa bao giờ có một Bộ trưởng Công an nào trả lời một việc tương tự và trước đây cũng chưa có việc nào xảy ra như việc này cả.
"Tôi đánh giá rất cao việc Bộ trưởng Công an Việt Nam đã trả lời trực tiếp một số cơ quan truyền thông nước ngoài, đầu tiên là trả lời Đài phát thanh Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và sau đó thì đến BBC...
"Và bây giờ truyền thông Việt Nam cũng bắt đầu mở ra, cũng đưa tin, đưa tin do mình làm và đưa tin từ các hãng khác làm".
'Đã từng từ chối'
Hôm thứ Sáu, trả lời BBC Việt ngữ qua điện thoại, Thượng tướng Tô Lâm nói về 'nghi phạm người Việt' và khả năng xử lý vụ việc, ông nói :
"Nếu là người Việt Nam thì chúng tôi phải bảo hộ và đưa về Việt Nam xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nhưng điều đầu tiên là phải xác minh đúng là người Việt Nam và có liên quan đến vụ án. Sau đó sẽ phải đánh giá có vi phạm như thế nào theo luật pháp Việt Nam".
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển đưa ra bình luận cho rằng phát biểu của ông Tô Lâm thể hiện một 'mong muốn và ý định' của chính phủ Việt Nam' tuy nhiên mong muốn này có được chấp nhận hay không 'còn tùy thuộc' vào thỏa thuận với phía Malaysia.
Phó Giáo sư Giao nói : "Theo tôi đây là mong muốn của chính phủ Việt Nam, nhưng quyền tài phán hình sự giữa các quốc gia là khác nhau, do đó đây là mong muốn hay ý định của chính phủ Việt Nam, nhưng ý định dẫn độ công dân đó để xét xử theo pháp luật Việt Nam có thực hiện được hay không, còn tùy thuộc vào sự thỏa thuận với phía Malaysia, nếu Malaysia đồng ý".
Nhân dịp này, chuyên gia về chính sách pháp luật nhắc lại trường hợp trước đây một công dân Canada gốc Việt (Việt Kiều) đã bị phía Việt Nam xử tử hình do bị khép vào tội buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép với số lượng lớn, ngay trong lúc phía chính phủ Canada đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao và đàm phán nhằm bảo hộ công dân, cũng như dẫn độ về Canada.
Ông nhận xét : "Đây là chuyện rõ nhất đã xảy ra, Việt Nam đã từng từ chối Canada việc dẫn độ công dân Canada gốc Việt phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là ví dụ rất cụ thể. Tôi xin nêu ví dụ cụ thể đó để làm rõ vấn đề này lên".