Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đó là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm tại hội thảo quốc tế 'Đà Lạt - đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển' do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 27/11 tại Thành phố Đà Lạt.

dalat1

Đà Lạt hội đủ các yếu tố để trở thành đô thị di sản - Ảnh : Gia Bình

Thật sự khác biệt

Tại hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường) nhấn mạnh sự độc đáo của Thành phố Đà Lạt. Ông cho rằng nhìn lại toàn bộ quá trình hình thành và phát triển, Đà Lạt vẫn là thành phố có nhiều khác biệt nhất, khác với mọi thành phố trong vùng Tây nguyên. Các thành phố khác ở Tây nguyên đều mang dáng vẻ gắn với rừng đại ngàn, âm nhạc là tiếng vọng của đại ngàn thể hiện bằng cồng chiêng và tre nứa. Đà Lạt thì khác, thành phố kiểu kiến trúc Pháp biến điệu bằng dáng vẻ địa phương, cảnh quan thiên nhiên là rừng địa phương được tổ chức theo kiểu rừng Châu Âu. Âm nhạc của Đà Lạt cũng mang âm hưởng giai điệu nhạc lãng mạn Pháp. Tiếp nữa, Việt Nam có nhiều thành phố trên núi, nhưng Đà Lạt không giống bất kỳ thành phố trên núi nào. Đà Lạt là thành phố duy nhất tạo nên nét hoàn toàn khác biệt, khác biệt về kiến trúc và khác biệt về sự lãng mạn. Cũng theo ông Võ, sự khác biệt ở đây là cảnh quan kiến trúc gắn với cảnh quan thiên nhiên. Đà Lạt là một thành phố có kiến trúc Pháp khác biệt nhưng lại gắn rất chặt với kinh tế nông nghiệp, gồm các sản phẩm chính là hoa, rau và quả.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cho biết trước đây ông đã từng 3 lần đến Đà Lạt (vào các năm 1977, 2004, 2010) và mỗi lần đều có một cảm nhận riêng. Nhưng ở lần thứ 3 thì ông thấy Đà Lạt đã thay đổi rất nhiều, một số thay đổi là tích cực và nhiều thay đổi là tiêu cực. "Tôi có cảm giác như sự khác biệt của Đà Lạt đã phai nhạt dần. Có vẻ như những lợi ích kinh tế trước mắt đang làm mọi người quên mất Đà Lạt đang có sự khác biệt từ xưa, chứa đựng nhiều giá trị rất lớn. Những giá trị này mới là cốt lõi tạo ra giá trị lớn hơn rất nhiều trong tương lai", Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ chia sẻ.

dalat2

Nhiều ý kiến khẳng định cần giữ mảng xanh đặc trưng ở khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng - Ảnh : Gia Bình

Giữ "hồn cốt" đô thị

Tiến sĩ Emmanuel Cerise, đại diện vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp) tại Hà Nội, cho biết những thách thức mà Đà Lạt phải đối mặt để trở thành một thành phố di sản thực sự vẫn còn rất lớn. Ông cho rằng vấn đề cấp bách là bảo tồn các yếu tố vật chất đã làm nên lịch sử Đà Lạt : kiến trúc công cộng và tư nhân cũng như các hình thái đô thị, quy hoạch không gian công cộng và cảnh quan đặc thù của Đà Lạt. Do đó, cần kiểm soát tốt chiều cao công trình và quy mô của các dự án kiến trúc và đô thị được đề xuất cho tương lai của Đà Lạt. Di sản đô thị của Đà Lạt bao gồm những công trình xây dựng và không gian công cộng được thiết kế theo tỷ lệ thân thiện với con người...

Đừng mổ bụng gà để moi hết trứng vàng

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa và di sản văn hóa đô thị là "con gà đẻ trứng vàng" thông qua dịch vụ du lịch, nhưng cách ứng xử đặt ra trong quy hoạch chi tiết xây dựng và chỉnh trang khu trung tâm lịch sử Đà Lạt (khu rạp Hòa Bình và khu đồi Dinh) chẳng khác gì hành động mổ bụng gà moi hết trứng một lần. Ông Bài mong muốn chính quyền Đà Lạt, Lâm Đồng suy xét, cân nhắc thận trọng và có những điều chỉnh phù hợp để bảo toàn "khu vực di sản ký ức" của người Việt tại đây.

Còn Kiến trúc sư Salvador Perez Arroyo, Giáo sư danh dự Đại học London (Anh), cho rằng Đà Lạt có địa hình và di sản kiến trúc được đánh giá cao. "Yếu tố địa hình chính là một phần bản sắc của vùng đất này. Hình ảnh công trình in lên nền trời và thiên nhiên xung quanh làm nên một Đà Lạt duy nhất. Tất cả các dự án kiến trúc và chính sách bảo tồn của thành phố cần phải gìn giữ cái cảm giác địa hình này". Vì vậy theo ông, không nên tùy tiện chỉnh sửa địa hình của thành phố hay xây dựng những công trình cao tầng.

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, với sự hội tụ các yếu tố khí hậu, các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng với quần thể di sản kiến trúc, có thể nói Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để trở thành đô thị di sản. "Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý và trong luật Di sản văn hóa vẫn chưa đề cập đến khái niệm đô thị di sản cũng như chưa có những quy định để bảo vệ loại hình di sản này. Thực tế đó đòi hỏi di sản đô thị cần phải được quan tâm nhiều hơn, phải được đặt đúng vị trí để có những biện pháp bảo vệ trước khi những di sản này bị biến dạng, xuống cấp hay biến mất hoàn toàn, trong đó bao gồm cả việc đánh giá lại tài nguyên khí hậu, tài nguyên cảnh quan của Đà Lạt để có ứng xử phù hợp", ông Chính đề nghị. Ông Chính cho rằng để trở thành đô thị di sản, Đà Lạt không chỉ bảo tồn các di sản vật thể mà cần phải bảo tồn "hồn cốt" rất riêng có của Đà Lạt.

Ông Chính cũng cho biết Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thống nhất chủ trương lập quy hoạch chi tiết khu Hòa Bình – Thành phố Đà Lạt với cách tiếp cận trên nguyên tắc "quy hoạch cải tạo chỉnh trang, bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc, cảnh quan đã đi vào ký ức đô thị". Với khu vực đồi Dinh, công trình Dinh tỉnh trưởng - nơi có không gian xanh, có ý nghĩa lịch sử và giá trị về cảnh quan, cần bảo tồn, tôn tạo và khai thác khu vực này trở thành điểm du lịch cao cấp, thu hút du khách đến tham quan và vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng.

Gia Bình

Nguồn : Thanh Niên, 28/11/2020

Additional Info

  • Author Gia Bình
Published in Diễn đàn

Hiện nay số người sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam ngày càng giảm, chỉ còn chiếm khoảng 0,7% trên tổng số hơn 90 triệu dân. Tuy vậy, Việt Nam là một quốc gia vẫn còn mang nặng dấu ấn của văn hóa Pháp và nhất là kiến trúc Pháp, đặc biệt là tại Đà Lạt, vốn được mệnh nhanh là Paris nhỏ. Tại thành phố này có rất nhiều biệt thự theo kiến trúc Pháp và sau một thời gian bị bỏ hoang, khu biệt thự này đã được khôi phục và nay trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp mang tên Dalat Cadasa Resort.

dalat1

Các biệt thự của Dalat Cadasa Resort. CADASA

Từ ngày 27/03 đến 31/03/2017, tức là vài ngày sau Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/03), đã diễn ra tuần lễ Pháp ngữ do Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 tổ chức với đề tài chính là Pháp ngữ ở châu Á, với khách mời danh dự là nhà văn Nhật viết bằng tiếng Pháp Akira Mizubayashi, và với sự tham gia của nhiều Giáo sư , chuyên gia Việt Nam trong vào ngoài nước. Riêng ngày 27/03 đã được dành cho các hoạt động và hội thảo " Tiếng Pháp tại Việt Nam : Lịch sử, văn học và ký ức". Không chỉ nói về lịch sử và tương lai của khối Pháp ngữ ở châu Á, cuộc hội thảo cũng đã đề cập đến các cuộc chiến tranh bán đảo Đông Dương trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cũng như cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung và cuộc can thiệp quân sự của Việt Nam vào Cam Bốt.

Hiện nay số người sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam ngày càng giảm, chỉ còn chiếm khoảng 0,7% trên tổng số hơn 90 triệu dân. Tuy vậy, Việt Nam là một quốc gia vẫn còn mang nặng dấu ấn của văn hóa Pháp và nhất là kiến trúc Pháp, đặc biệt là tại Đà Lạt, vốn được mệnh nhanh là Paris nhỏ. Tại thành phố này có rất nhiều biệt thự theo kiến trúc Pháp và sau một thời gian bị bỏ hoang, khu biệt thự này đã được khôi phục và nay trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp mang tên Dalat Cadasa Resort.

Người đứng ra tiến hành khôi phục khu biệt thự Đà Lạt là ông Nguyễn Thế Hùng, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ thông tin CADASA và cũng là một nhà hoạt động giáo dục ở Việt Nam.

Thật ra thì hoài bão của ông vẫn là muốn biến khu biệt thự này một viện nghiên cứu mang tầm quốc tế, trả lại cho Đà Lạt vai trò của một thành phố tri thức, và qua đó làm cầu nối, làm nơi hội tụ cho giới trí thức người Việt ở Pháp, giới trí thức Pháp và khối Pháp ngữ nói chung. Nhân dịp ông Nguyễn Thế Hùng sang Pháp để dự Tuần Pháp ngữ tại thành phố Montpellier (27/03 đến 30/03/2017), chúng tôi đã có dịp phỏng vấn ông.

RFI : Kính chào ông Nguyễn Thế Hùng. Trước khi nói về việc ông khôi phục khu biệt thự cổ ở Đà Lạt, xin ông nói sơ qua về những đặc điểm của các công trình kiến trúc ở thành phố này ?

Nguyễn Thế Hùng : Tôi có nhiều duyên nợ với Đà Lạt. Từ năm 1975, tôi có lên Đà Lạt thăm một vài người thân và đặc biệt từ năm 1979, tôi đi thỉnh giảng ở Đại học Đà lạt. Cho nên tôi có dịp tìm hiểu và thấy rằng Đà Lạt là một thành phố có bản sắc rất là riêng. Hầu hết các biệt thự là được xây dựng từ thời Pháp. Đà Lạt đã ra đời cho đến nay là 120 năm và một số công trình kiến trúc lớn là do Pháp xây dựng. Khi Pháp còn cai trị Việt Nam và từ khi ông Yersin khám phá ra đỉnh Lang Biang, thì Toàn quyền Đông Dương lúc đó và cũng chính Yersin đã đề nghị chính phủ Pháp là để cho việc lập chính quyền ở Đông Dương được bền vững, thì nên xây hẳn một thành phố tại Đà Lạt.

Từ đó, hàng loạt công trình ra đời và phải nói rằng cũng nhờ yếu tố lịch sử đó mà Đà Lạt trở thành một thành phố rất là Pháp, thậm chí người ta nói đó là "mini Paris". Khí hậu ở đây thì rất tuyệt vời, chỉ từ 12 đến 22 độ C thôi. Trên thế giới có nhiều cao nguyên như vậy, nhưng thường là có nhiệt độ dưới 0 độ. Khí hậu Đà Lạt hoàn toàn thích hợp với việc nghiên cứu và nghỉ dưỡng.

Đặc biệt trước năm 1975, Đà Lạt nổi tiếng là thành phố tri thức, với trường Đại học Quản trị Kinh Doanh Đà Lạt, nơi đào tạo nhiều nhân sĩ lỗi lạc trên khắp thế giới và trong nước, với Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt và cả một hệ thống trường trung học Pháp, như Lycée Yersin. Ai tốt nghiệp từ trường này cũng đều là Giáo sư , viện trưởng, viện phó các viện nghiên cứu, ở châu Âu, trong cộng đồng nói tiếng Pháp và cả ở Mỹ.

Mong ước của chúng tôi là trả lại cho Đà Lạt giá trị tri thức của nó và làm cho nó trở thành một thành phố quốc tế. Nếu được như vậy thì đất nước Việt Nam mình sẽ phát triển và mối bang giao, tình hữu nghị giữa Việt Nam với Pháp sẽ còn phát triển hơn. Đây sẽ là nơi quy tụ những trí thức, không chỉ trong cộng đồng tiếng Pháp, mà cả những trí thức Việt sống ở Pháp nhiều có nơi để trở về, để đóng góp phát triển.

dalat2

Ông Nguyễn Thế Hùng, tổng giám đốc CADASA

RFI : Đà Lạt có rất nhiều công trình kiến trúc của Pháp trước đây, nhưng trong một thời gian dài đã không được tu bổ, cho nên đã xuống cấp nặng nề, thậm chí bị phá hủy gần như hoàn toàn. Một số người đã có nỗ lực khôi phục lại những công trình này. Riêng ông, với tư cách tổng giám đốc công ty CADASA đã phục hồi một số biệt thự của Pháp tại Đà Lạt. Cụ thể, ông đã tiến hành như thế nào ?

Nguyễn Thế Hùng : Như tôi đã nói, tôi đã lên xuống Đà Lạt nhiều lần vào những năm đầu thập niên 1980, thì tôi thấy có một khu biệt thự ở đường Trần Hưng Đạo rất là đẹp. Đó là nơi ở của thống sứ Nam Kỳ Pháp, của thủ tướng Trần Trọng Kim thời vua Bảo Đại và của các Giáo sư  trường Yersin. Trước 75 là nơi của các quan chức chế độ cũ. Trong những ngày đầu sau giải phóng, là nơi ở của tướng Võ Nguyên Giáp, thủ tướng Phạm Văn Đồng và các lãnh đạo khác của chính quyền cách mạng khi lên làm việc với chính quyền thành phố Đà Lạt.

Nhưng vào năm 2000 khi tôi lên trở lại thì thấy khu biệt thư đó đã đổ nát hết ! Có lần báo Tuổi Trẻ đã viết một loạt bài về "những biệt thự bỏ hoang". Tôi đau lòng lắm và chỉ muốn làm sao giữ gìn nó như là một di sản văn hóa. Vào năm 2005, tình cờ tôi thấy có thông báo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đông mời gọi các nhà đầu tư tham gia đấu giá giành quyền thuê 50 năm khu biệt thự này. Tôi nghĩ mình có thể tham gia được và tuy những điều kiện họ đưa ra rất khắc nghiệt, nhưng cuối cùng tôi cũng đã vượt qua được để tham gia đấu giá.

Sau 17 hiệp đấu giá, tôi đã thắng một tập đoàn của Mỹ. Tôi đã bỏ ra 4 năm để trùng tu khu biệt thự này, theo các tiêu chí : giữ lại bản sắc kiến trúc của Pháp châu Âu đầu thế kỷ, kết hợp tính hoang dã của núi đồi thảo nguyên Đà Lạt và tính đồng quê Việt Nam. Tôi đã huy động hết tài lực và vật lực trong thời gian khó khăn nhất, trong khả năng của mình và cuối cùng sau 4 năm chúng tôi đã hoàn thành quần thể khu biệt thự đó, bây giờ mang tên là Dalt Cadasa Resort.

Thật ra, trong thâm tâm tôi muốn về lâu dài sẽ thành lập một viện nghiên cứu mang tầm quốc tế mà tôi sẽ đặt tên là Viện nghiên cứu Yersin và một trung tâm đào tạo sau đại học. Nhưng chính quyền Lâm Đồng đề nghị là trước hết nên làm du lịch, kích thích du lịch phát triển, cho nên quần thể biệt thự này hiện hoạt động như là một trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp có tên là Dalat Cadasa Resort.

Nhờ có địa thế quá đẹp và nhờ được trùng tu với những tiêu chí cao, cho nên đã có hơn 150 cuốn phim về tình yêu ở Việt Nam đã lấy nơi đây làm bối cảnh ! Giới điện ảnh đồn nhau rằng đó là "phim trường của tình yêu"  !

Tương tự như vậy, tôi cũng muốn giới Việt kiều Pháp và giới cộng đồng nói tiếng Pháp coi đây như là nhà của mình. Mỗi khi đi Đà Lạt nên ghé chúng tôi. Chắc chắn quý vị sẽ rất thú vị, xúc động. Nhiều người sẽ tìm lại được kỷ niệm của thời thơ ấu. Ai đã từng sinh ra ở Đà Lạt và từng học Lycée Yersin đến với chúng tôi thì sẽ nhìn thấy một Đà Lạt xưa.

RFI : Hiện giờ ông có đã vạch ra một dự án cụ thể để huy động sự trợ giúp của Nhà nước, của chính quyền địa phương, của Pháp hay của khối Francophonie ?

Nguyễn Thế Hùng : Về hành chánh thì tôi chưa được sự giúp đỡ chính thức của Nhà nước và chính quyền địa phương, hay của Nhà nước Pháp, nhưng các tổ chức phi chính phủ như AD@LY, Hội những người yêu Đà Lạt theo vết chân của Yersin, ở Thụy Sĩ và ở Paris vừa rồi có đến đây. Vừa rồi chúng tôi đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo quốc tế, đặc biệt gần đây nhất là đêm tưởng niệm 74 năm ngày mất của Yersin, có sự tham dự của lãnh sự quán Thụy Sĩ và một số người từ Thụy Sĩ, từ Pháp. Ai cũng thấy rằng khu biệt thự quá đẹp, có thể trở thành một cái gì đó, giữ lại cái tinh hoa và truyền bá văn hóa Pháp và Pháp ngữ.

Riêng tôi thì tôi thấy rằng nơi đây sẽ là nơi nối kết tất cả những người yêu văn hóa Pháp và quyết tâm làm cho tình hữu nghị Việt Pháp sống lâu dài. Trong thời gian (khu biệt thự) hoạt động từ 6,7 năm nay, nhiều nhân sĩ, nhiều nhà khoa học lớn đã lên đó, như ông bà Giáo sư  Trần Thanh Vân. Các nhà khoa học dạy ở Sorbonne ; Paris 1, 2, 3, 6, 13 đều đã lần lượt về đó hết.

Đặc biệt, một số người về ở đó khá lâu, làm công tác nghiên cứu, đi đi, về về, đếu thấy rằng nơi đây là nhân tố để phát triển trong cộng đồng nói tiếng Pháp Francophonie.

Tôi rất mong là tâm huyết, ý nguyện của chúng tôi lan tỏa đến nhiều người, chỉ làm sao cho Đà Lạt phát triển, giữ cho được cái tinh hoa, cái hồn của một thành phố có thể nói là duy nhất ở Đông Nam Á. Hoài bão của chúng tôi là biến Đà Lạt thành một thành phố quốc tế, với những tinh hoa mà người Pháp để lại, những dấu ấn về kiến trúc và văn hóa. Đặc biệt là phải nhanh chóng hình thành như điều chúng tôi đã trình bày, đó là một viện nghiên cứu và trung tâm đào tạo sau đại học.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 17/04/2017

Published in Văn hóa