Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/11/2020

Làm gì để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản ?

Gia Bình

Đó là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm tại hội thảo quốc tế 'Đà Lạt - đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển' do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 27/11 tại Thành phố Đà Lạt.

dalat1

Đà Lạt hội đủ các yếu tố để trở thành đô thị di sản - Ảnh : Gia Bình

Thật sự khác biệt

Tại hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường) nhấn mạnh sự độc đáo của Thành phố Đà Lạt. Ông cho rằng nhìn lại toàn bộ quá trình hình thành và phát triển, Đà Lạt vẫn là thành phố có nhiều khác biệt nhất, khác với mọi thành phố trong vùng Tây nguyên. Các thành phố khác ở Tây nguyên đều mang dáng vẻ gắn với rừng đại ngàn, âm nhạc là tiếng vọng của đại ngàn thể hiện bằng cồng chiêng và tre nứa. Đà Lạt thì khác, thành phố kiểu kiến trúc Pháp biến điệu bằng dáng vẻ địa phương, cảnh quan thiên nhiên là rừng địa phương được tổ chức theo kiểu rừng Châu Âu. Âm nhạc của Đà Lạt cũng mang âm hưởng giai điệu nhạc lãng mạn Pháp. Tiếp nữa, Việt Nam có nhiều thành phố trên núi, nhưng Đà Lạt không giống bất kỳ thành phố trên núi nào. Đà Lạt là thành phố duy nhất tạo nên nét hoàn toàn khác biệt, khác biệt về kiến trúc và khác biệt về sự lãng mạn. Cũng theo ông Võ, sự khác biệt ở đây là cảnh quan kiến trúc gắn với cảnh quan thiên nhiên. Đà Lạt là một thành phố có kiến trúc Pháp khác biệt nhưng lại gắn rất chặt với kinh tế nông nghiệp, gồm các sản phẩm chính là hoa, rau và quả.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cho biết trước đây ông đã từng 3 lần đến Đà Lạt (vào các năm 1977, 2004, 2010) và mỗi lần đều có một cảm nhận riêng. Nhưng ở lần thứ 3 thì ông thấy Đà Lạt đã thay đổi rất nhiều, một số thay đổi là tích cực và nhiều thay đổi là tiêu cực. "Tôi có cảm giác như sự khác biệt của Đà Lạt đã phai nhạt dần. Có vẻ như những lợi ích kinh tế trước mắt đang làm mọi người quên mất Đà Lạt đang có sự khác biệt từ xưa, chứa đựng nhiều giá trị rất lớn. Những giá trị này mới là cốt lõi tạo ra giá trị lớn hơn rất nhiều trong tương lai", Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ chia sẻ.

dalat2

Nhiều ý kiến khẳng định cần giữ mảng xanh đặc trưng ở khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng - Ảnh : Gia Bình

Giữ "hồn cốt" đô thị

Tiến sĩ Emmanuel Cerise, đại diện vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp) tại Hà Nội, cho biết những thách thức mà Đà Lạt phải đối mặt để trở thành một thành phố di sản thực sự vẫn còn rất lớn. Ông cho rằng vấn đề cấp bách là bảo tồn các yếu tố vật chất đã làm nên lịch sử Đà Lạt : kiến trúc công cộng và tư nhân cũng như các hình thái đô thị, quy hoạch không gian công cộng và cảnh quan đặc thù của Đà Lạt. Do đó, cần kiểm soát tốt chiều cao công trình và quy mô của các dự án kiến trúc và đô thị được đề xuất cho tương lai của Đà Lạt. Di sản đô thị của Đà Lạt bao gồm những công trình xây dựng và không gian công cộng được thiết kế theo tỷ lệ thân thiện với con người...

Đừng mổ bụng gà để moi hết trứng vàng

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa và di sản văn hóa đô thị là "con gà đẻ trứng vàng" thông qua dịch vụ du lịch, nhưng cách ứng xử đặt ra trong quy hoạch chi tiết xây dựng và chỉnh trang khu trung tâm lịch sử Đà Lạt (khu rạp Hòa Bình và khu đồi Dinh) chẳng khác gì hành động mổ bụng gà moi hết trứng một lần. Ông Bài mong muốn chính quyền Đà Lạt, Lâm Đồng suy xét, cân nhắc thận trọng và có những điều chỉnh phù hợp để bảo toàn "khu vực di sản ký ức" của người Việt tại đây.

Còn Kiến trúc sư Salvador Perez Arroyo, Giáo sư danh dự Đại học London (Anh), cho rằng Đà Lạt có địa hình và di sản kiến trúc được đánh giá cao. "Yếu tố địa hình chính là một phần bản sắc của vùng đất này. Hình ảnh công trình in lên nền trời và thiên nhiên xung quanh làm nên một Đà Lạt duy nhất. Tất cả các dự án kiến trúc và chính sách bảo tồn của thành phố cần phải gìn giữ cái cảm giác địa hình này". Vì vậy theo ông, không nên tùy tiện chỉnh sửa địa hình của thành phố hay xây dựng những công trình cao tầng.

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, với sự hội tụ các yếu tố khí hậu, các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng với quần thể di sản kiến trúc, có thể nói Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để trở thành đô thị di sản. "Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý và trong luật Di sản văn hóa vẫn chưa đề cập đến khái niệm đô thị di sản cũng như chưa có những quy định để bảo vệ loại hình di sản này. Thực tế đó đòi hỏi di sản đô thị cần phải được quan tâm nhiều hơn, phải được đặt đúng vị trí để có những biện pháp bảo vệ trước khi những di sản này bị biến dạng, xuống cấp hay biến mất hoàn toàn, trong đó bao gồm cả việc đánh giá lại tài nguyên khí hậu, tài nguyên cảnh quan của Đà Lạt để có ứng xử phù hợp", ông Chính đề nghị. Ông Chính cho rằng để trở thành đô thị di sản, Đà Lạt không chỉ bảo tồn các di sản vật thể mà cần phải bảo tồn "hồn cốt" rất riêng có của Đà Lạt.

Ông Chính cũng cho biết Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thống nhất chủ trương lập quy hoạch chi tiết khu Hòa Bình – Thành phố Đà Lạt với cách tiếp cận trên nguyên tắc "quy hoạch cải tạo chỉnh trang, bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc, cảnh quan đã đi vào ký ức đô thị". Với khu vực đồi Dinh, công trình Dinh tỉnh trưởng - nơi có không gian xanh, có ý nghĩa lịch sử và giá trị về cảnh quan, cần bảo tồn, tôn tạo và khai thác khu vực này trở thành điểm du lịch cao cấp, thu hút du khách đến tham quan và vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng.

Gia Bình

Nguồn : Thanh Niên, 28/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gia Bình
Read 494 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)