Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

01/07/2022

Đà Lạt - 120 năm sau nhìn lại

Nguyễn Văn Huy

 Lời tác giả : Ngày 15/03/2019, chính quyền Thành phố Đà Lạt công bố dự án biến Khu Hòa Bình Đà Lạt thành một khu cao tầng thương mại phức hợp. Khu trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu.

dalat1

Bản vẽ thiết kế đô thị khu Hòa Bình - Đà Lạt

Cụ thể, phân khu 1 (khu vực chợ Đà Lạt) là khu vực chợ truyền thống, kết hợp với quảng trường trung tâm (quảng trường hoa mang tính đặc trưng của Đà Lạt) ; khu phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm. Tổng diện tích khu vực này là 6,95 ha.

Phân khu 2 (khu trung tâm Hòa Bình) là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách với tổng diện tích 3,37 ha.

Phân khu 3 (khu vực đồi Dinh) là khu thương mại, dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 4,43 ha.

Phân khu 4 (khu vực chỉnh trang đô thị) là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Tổng diện tích khu vực này khoảng 9,19 ha. 

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng quy định rõ các chỉ tiêu về chiều cao, mật độ xây dựng công trình, kiến trúc công trình. Việc thiết kế xây dựng công trình phải tận dụng tối đa địa hình tự nhiên ; khuyến khích trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái công trình ; sử dụng cây xanh đặc trưng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt… hạn chế việc san gạt theo diện rộng, phá vỡ địa hình tự nhiên ; không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực... 

Phân khu 5 (khu vực ven hồ Xuân Hương) là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương với tổng diện tích khoảng 6,06 ha.

Theo thể hiện trên bản quy hoạch, chợ Đà Lạt sẽ được giữ lại, kết nối với Quảng trường trung tâm và mở phố đi bộ, trung tâm thương mại. Ngoài ra sẽ có các hầm phục vụ dịch vụ thương mại và bãi đậu xe. Một cụm khách sạn cao cấp với kiến trúc mái tròn, cao tầng sẽ mọc lên ngay trên đồi Dinh Tỉnh trưởng. Được biết, dinh thự di sản kiến trúc Pháp quen gọi là Dinh Tỉnh trưởng sẽ bị đập bỏ nhường chỗ cho cụm công trình mới này. Dự kiến, những con đường uốn khúc quanh Dinh hiện tại sẽ được thay bằng các trục giao thông rộng "cho các phương tiện tiếp cận"…

Liền tức thì xảy ra một làn sóng phản đối trên mạng và báo chí dự án này. Những người gắn bó với Đà Lạt nói chung và Khu Hòa Bình nói riêng, cho rằng dự án sẽ biến một khu Hòa Bình đầy dấu ấn lịch sử, ký ức đô thị, không những tạo ra sự bất an nơi những cư dân trong khu vực bị chi phối, cư dân quan tâm đến lịch sử văn hóa Đà Lạt mà còn gây tranh cãi trong giới chuyên môn nghiên cứu, quy hoạch, kiến trúc đô thị địa phương và trong nước muốn bảo tồn di sản kiến trúc địa phương với những kiến trúc sư thuê từ nước ngoài. Có đề nghị giữ nguyên công trình kiến trúc thời Pháp nhưng sẽ được nâng lên khoảng 30m cao hơn và trở thành Viện bảo tàng Đà Lạt, còn vị trí hiện tại của Dinh Tỉnh trưởng sẽ là một khách sản 5 sao, Hôtel du Printemps, do kiến trúc sư Thierry Van de Winageart (Pháp) thiết kế, cùng với nhiều tầng nhân tạo bao gồm một trung tâm hội nghị quốc tế, nhiều khu thương mại, giải trí và khách sạn cao cấp.

doidinh0

Dự án Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng lên khoảng 30m cao hơn và trở thành Viện bảo tàng Đà Lạt, còn vị trí hiện tại của Dinh Tỉnh trưởng sẽ là một khách sản 5 sao, Hôtel du Printemps, do kiến trúc sư Thierry Van de Winageart (Pháp) thiết kế...

Cho dù những phản đối có đúng hay sai, chính quyền Đà Lạt vẫn tiến hành dự án như đã dự trù. Lý do là những nhà đầu tư bất động sản và xây dựng hạ tầng cơ sở đều đã sẵn sàng chờ lệnh thi công.

Là thế hệ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở Đà Lạt, chúng tôi có thể tự nhận mình là thế hệ Khu Hòa Bình, còn gọi là băng "Nhà Gỗ" đường Phan Bội Châu. Thời niên thiếu, chúng tôi được cha mẹ dẫn ra Khu Hòa Bình mỗi sáng Chủ nhật để ăn kem, xem phim tây rạp Ngọc Lan, xem phim tàu rạp Ngọc Hiệp hay mua sắm quanh Khu Hòa Bình. Thời học sinh và sinh viên, ngoài những buổi xem phim, uống cà phê, ăn mì chúng tôi đi lang thang quanh Khu Hòa Bình không biết bao nhiêu lần trong ngày, đó là chưa kể những mối tình và những cuộc ẩu đả, những cuộc đua xe hay lạn xe gắn máy biểu diễn quanh Khu Hòa Bình. Cũng rất khó quên những buổi xếp hàng trước tiệm Winh Chan chờ mua đợt bánh mì "sợi chỉ" (ficelle) nóng dòn vừa mới ra lò…

Do đó, đối với tôi, việc đổi mới bộ mặt thành phố Đà Lạt nói chung và Khu Hòa Bình nói riêng là một bắt buộc. Từ sau ngày 30/04/1975, tình trạng xuống cấp của một số công trình kiến trúc, tính thẩm mỹ và sinh hoạt thương mại của một thành phố du lịch đang phát triển mạnh đòi hỏi một giải pháp thích ứng. Nhìn chung, đồ án quy hoạch mới này đáp ứng đúng những yêu cầu vừa kể. Vấn đề là làm sao giải quyết việc di dời và bồi thường cho khoảng 5.370 người (1.064 hộ) đang sinh sống trong Khu Hòa Bình một cách xứng đáng, kế là phục hồi cảnh quan thiên nhiên một cách tích cực.

Nói thêm về Vallée d'amour (Thung lũng tình yêu)

Nhân nói tới Đà Lạt, tôi muốn cung cấp một thông tin nhỏ về tên gọi Thung lũng Tình yêu.

Tết Mậu Thân 1968, ngôi trường chúng tôi theo học, Lycée Yersin, bị quân cộng sản tràn vào chiếm đóng vì lầm tưởng là Nha Địa Dư, ở cạnh đó. Ngôi trường bị hư hỏng nặng sau khi được quân đội Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại. Trong thời gian trường cho nghỉ học để sửa chữa, chúng tôi (một nhóm học sinh ở lứa tuổi 15, 16) rủ nhau lái xe gắn máy chạy rong từ phía sau trường Yersin ở cuối hồ Xuân Hương, rồi men theo con dốc chạy sau khu Nguyên Tử Lực Cuộc đến ấp Đa Thiện. Đến đây thì hết đường tráng nhựa, chúng tôi liền phiêu lưu theo những con đường đất đỏ chạy tản mạn trên khắp những ngọn đồi chung quanh. Một cách vô tình, chúng tôi khám phá ra một thung lũng phủ đầy cỏ hoang với một rừng thông vừa được trồng trong khu vực xây dựng hồ Đa Thiện, lúc đó là hai hồ nước nhỏ được ráp nối với nhau bằng những bệ cỏ lau sình nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trước khung cảnh đẹp và hoang vắng đó, chúng tôi thường chở bạn gái đến đây tình tự, vừa để tránh xa sự theo dõi của gia đình vừa để thưởng ngoạn một khung cảnh thiên nhiên vừa yên bình vừa xinh đẹp dành riêng cho hai người, tên gọi Vallée d'amour khởi sinh một cách tự nhiên từ đó. 

yersin1

Học sinh lớp Seconde A, niên khóa 1968-1969, trường Yersin - Ảnh minh họa 

Khác với giải thích của những cơ quan du lịch và một số "học giả" sau 1975, tên gọi Vallée d'amour là do những học sinh trường Yersin đặt ra trong những năm 1968-1970, và chỉ lưu truyền trong giới trẻ của trường. Chỉ từ sau 1970, khi tin về thung lũng này được giới sinh viên và học sinh trường Việt biết đến,  địa danh này mới được dịch ra tiếng Việt thành "Thung Lũng Tình Yêu". Không có người Pháp nào trước đó biết đến địa danh này, vì thung lũng này chỉ xuất hiện sau khi ấp Đa Thiện được thành lập năm 1956 để đón nhận những di dân từ miền Trung đến Đà Lạt lập nghiệp và canh tác rau cải và trái cây ôn đới : bắp sú, sú lơ, cà rốt, khoai tây, ớt tây, hành tây, tỏi tây, đậu boa, đậu cô ve, hành boa rô, sà lách, sà lách xoong, cà tô mát..., dâu tây, táo, bôm, mận, đào lông, trái bơ (avocado)...

valleedamour1

valleedamour2

Một buổi sinh hoạt ngoài trời của nhóm Hướng Dương, sinh viên năm Khái Luận khóa 8 CTKD, cùng với Giáo sư David Brown (University of Michigan) tại Thung Lũng Tình Yêu tháng 11/1972.

Ấp Đa Thiện có hai đập nước nhỏ do Ty nông lâm mục cùng với Trung tâm thực nghiệm rau hoa Đà Lạt xây dựng trong thập niên 1960 để giữ nước tưới tiêu cho nông dân ấp Đa Thiện canh tác và cung cấp rau cải ôn đới cho thành phố Đà Lạt và quân đội Mỹ. Một đập nước thứ ba lớn hơn do Ty canh nông Đà Lạt khánh thành năm 1972 để gia tăng lượng trữ nước cho sản xuất. Thung lũng ấp Đa Thiện từ đó trở thành một khung cảnh thiên nhiên đẹp với sự kết hợp của ba hồ trữ nước nhân tạo, đặc biệt là những đồi thông ba lá trãi dài trên những thảm cỏ hồng giữa một không gian rộng lớn. Với lượng nước tích trữ từ ba hồ nước này, ấp Đa Thiện trở thành nơi canh tác rau cải lớn nhất thành phố Đà Lạt và là trung tâm cung cấp rau cải ôn đới cho toàn miền Nam Việt Nam.

Sau đây là bài viết về Đà Lạt, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, đăng trên tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn (Hoa Kỳ) tháng 11 năm 1999.

Nguyễn Văn Huy


Ai lên xứ hoa đào - tiếng hát Ánh Tuyết - Sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Nguyên với nhiều video clip về thắng cảnh Đà Lạt, có một số clip không phải cảnh xứ hoa đào nhưng lấy cho phù hợp với lời nhạc - Courtesy of Hung Le, 14/08/2012

***************

Bài viết này tặng Bảo Ngọc (Linh Linh Ngọc),

giọng nói truyền cảm của đài Tiếng Nói Quân Đội về đêm,

để nhắc lại một lần gặp gỡ trong khuôn viên Viện Đại Học Đà Lạt 1973

numérisation0215

Nguyễn Văn Huy (1973)

 

Đà Lạt - Một trăm năm sau nhìn lại (1899-1999)

Những ai đã từng biết Đà Lạt không khỏi ngậm ngùi cho thân phận của một thành phố không may.

Nếu Đà Lạt trước kia được ví như một thiếu nữ diễm kiều, quí phái trong chiếc áo dài màu tuyết trinh, ngồi nép mình dưới gốc cây thông yên bình đọc sách, mái tóc chảy dài trên bờ vai…

dalat2

Sau ngày 20/04/1975 (ngày thành phố Đà Lạt bỏ ngỏ), cô gái ấy đã trở thành một thiếu phụ cằn cỗi, đầu quấn khăn với chiếc nón lá rách, thân hình bó chặt dưới nhiều lớp áo bà ba thùng thình và trong chiếc quần bạc màu gió bụi, hai tay ôm bó rơm vừa cắt, lạc lõng đứng nhìn khách qua đường là những chủ nhân mới từ trong rừng tiến vào thành phố, với nụ cười khó khăn trên khuôn mặt sạm màu nắng cháy.

dalat1

Ngày nay thành phố đó trở thành nơi thử nghiệm của những phong trào quần chúng bình dân. 

dalat2

Cuộc đổi đời nào cũng đau xót, nhưng cuộc đổi đời sau tháng 4/1975 là đau đớn nhất, số phận của Đà Lạt đã thay đổi hẳn. Từ một thành phố du lịch và văn hóa sạch sẽ và đẹp đẽ nhất Đông Dương, Đà Lạt trở thành một thành phố nông nghiệp, phi văn hóa, nghèo nàn và dơ bẩn như mọi thành phố nghèo nàn và dơ bẩn khác của Việt Nam. Những cố gắng trang điểm một thành phố dáng dấp phương Tây bởi những người chưa bao giờ biết quản trị một thành phố văn hóa chỉ để lộ những nét quê mùa, cục mịch của một người thiếu văn hóa.

dalat1

Sự nhập cư ồ ạt của những thành phần "cơ bản" đến từ miền Bắc và các "gia đình cách mạng" từ rừng Trường Sơn và vùng đồng bằng duyên hải nghèo khó miền Trung sau tháng 4/1975 đã biến thành phố cao nguyên này thành một eldorado sơ đẳng. Nghề sinh sống chính của những cư dân mới này là phá rừng làm than, đốn cây để bán, tiêu diệt thú rừng, khai hoang làm rẫy, đã làm mất đi nhiều khoảng không gian tươi thắm và những đồi cỏ bao la. Thêm vào đó, việc đô thị hóa không qui hoạch, sự mở rộng các vùng canh tác nông nghiệp không ưu tư sinh thái và khai thác gỗ thông vô tổ chức đã tiêu diệt môi sinh và môi trường, thành phố Đà Lạt xuống cấp ngày càng trầm trọng.

dalat3

Rừng thông vốn là một trong những biểu tượng của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đang bị tàn phá không tiếc thương.

Một tai họa khác đến sau 1988 là việc khai thác sa khoáng chứa quặng thiếc quanh các vùng Thái Phiên, hồ Than Thở, đầu nguồn hồ Đa Thiện, hồ Chiến Thắng, khu vực Lạc Dương, bột vàng quanh Dinh 2, Mang Ling và hồng ngọc tại Tà Nung, càng biến cao nguyên Lang Bian thêm phần xác xơ. Tồn hệ sinh thái có nguy cơ bị tiêu hủy vì các chất độc hóa học tiếp tục thải ra trên sông hồ, suối nước, nhiều loại cá nước ngọt và thú rừng đã bị diệt chủng. Diện tích rừng và đồi cỏ teo hẹp lại như thân thể một người ốm đói. Đồ hình tại nhiều nơi loang lỗ giống đất Mặt Trăng, các hồ chứa nước bị đất sình bồi lấp chỉ còn lại tên (hồ Mê Linh, hồ Than Thở, hồ Vạn Kiếp và hồ Đội Có).

dalat4

Đà Lạt ngày nay với những vụ phá hủy rừng để làm vườn và vòm trồng rau

Đà Lạt không xứng đáng phải chịu một số phận như vậy. Với khung cảnh thiên nhiên tươi mát, Đà Lạt phải là nơi nhiều người tìm đến để quên khí trời oi ả ở miền đất thấp. Đà Lạt phải được biết đến như một trung tâm du lịch với những phong cảnh thần tiên, những công trình kiến trúc mỹ thuật. Đà Lạt phải được biết đến như một trung tâm văn hóa với những trường học, dòng tu danh tiếng, nơi đào tạo và hội tụ những tinh hoa của đất nước, chứ không là thành phố chỉ biết sản xuất gỗ thông, khoai tây, cà rốt…

Đà Lạt ngày nay không còn xa lạ đối với một ai, nhưng sự khai sinh thành phố cao nguyên này cần được biết đến. Đó là cả một mối tình. Những người đầu tiên đến đây đã yêu mến vùng đất này, đã làm mọi cách để biến nơi này thành một trung tâm du lịch và một thành phố văn hóa. Chính vì vậy Đà Lạt phải được gìn giữ như một tài sản văn hóa quí.

Ru ta ngậm ngùi - Lời tự sự của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly

Nhớ lại ngày xưa...

Đà Lạt đã được khám phá trong một giai đoạn u buồn của lịch sử, đất nước mất chủ quyền vào tay người Pháp. Hiệp ước 1884 là một nhục nhã lớn không những cho triều đình Huế mà cho cả toàn dân tộc, Việt Nam mất độc lập. Trong sự không may này có một thuận lợi khác. Chính vì muốn mở rộng vùng đất bảo hộ, người Pháp đã củng cố và mở rộng lãnh thổ Việt Nam, Đà Lạt là nằm trong sự mở rộng đó.

So với các thành phố khác tại Việt Nam, Đà Lạt tương đối đối trẻ, tuổi đời vừa đúng trăm năm nếu dựa theo những văn kiện hành chánh. Ngày 1/11/1899, toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) ban hành nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, một khu vực hành chánh mới trực thuộc Trung Kỳ, bao gồm một vùng đất rộng lớn từ thượng lưu sông Đồng Nai đến ranh giới các lãnh thổ Nam Kỳ và Nam Lào. Tòa công sứ tỉnh đặt tại Di Linh và hai trạm hành chánh phụ thuộc, một tại tại Tánh Linh và một tại Lang Bian.

Lang Bian là tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này. Vào thời điểm đó, người Pháp lưỡng lự giữa việc chọn làng Dankia (cạnh đập Ankroet, Suối Vàng) và làng K'Mlây (Cam Ly, vị trí Đà Lạt ngày nay) để xây một trạm nghỉ dưỡng (sanatorium) chứ không phải trạm hành chánh (poste administratif) như Tánh Linh (nay thuộc tỉnh Bình Thuận). Trong thực tế, việc chọn Đà Lạt thay cho Dankia là một quá trình phức tạp kéo dài trong nhiều năm, vì cả hai địa danh đều nằm trong cao nguyên Lang Bian và chỉ cách nhau 15 km.

Có ba ý kiến chọn Đà Lạt làm trung tâm nghỉ dưỡng tại Đông Dương nổi bật nhất, đó là báo cáo của ông Capus, giám đốc nông nghiệp và Thương Mại Đông Dương (30/03/1900), của tướng Baylié, trưởng ban khảo sát xây dựng một đồn quân sự trên cao nguyên Lang Bian (tháng 5/1903) và của ông Champoudry, nhà trắc địa và là thị trưởng Đà Lạt (12/03/1906). Ông Alain Capus là người khởi xướng thành lập một trung tâm thí nghiệm trồng hoa quả ôn đới cạnh suối Cam Ly (dưới chân đồi Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc ngày nay) mà thành quả là các giống bắp cải, khoai tây, cà rốt và mận đào được gieo trồng khắp Đà Lạt. Thiếu tướng Baylié là người đề xướng xây dựng một đồn lính cạnh suối Cam Ly (trên ngọn đồi bên trái Chợ Mới Đà Lạt ngày nay, sau này là Dinh Tỉnh trưởng) để bảo vệ các công trình xây dựng thành phố. Ông Paul Champoudry, nguyên là chủ tịch Hội Đồng Paris, đã phát thảo một đồ án thiết kế được nhiều kiến trúc sư dựa theo để qui hoạch thành phố Đà Lạt sau này. Cuộc tranh luận về địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng cuối cùng đã được giải quyết năm 1906, Đà Lạt được chọn làm địa điểm xây dựng chính thức.

Qua những ý kiến này, từ một làng thổ dân hẻo lánh Đà Lạt đã biến thành một đô thị tân tiến, đẹp đẽ trong một thời gian kỷ lục. Tuy vậy, công lao lớn nhất vẫn thuộc về bác sĩ Yersin, một người Pháp gốc Thụy Sĩ và là người đồng bằng đầu tiên khám phá cao nguyên Lang Bian, chính ông đã vận động chọn nơi này làm trạm nghỉ dưỡng tại Đông Dương.

…cùng bác sĩ Yersin khám phá Lang Bian

Sinh ngày 22/09/1863 tại làng Lavaux, thị xã Vaud, Thụy Sĩ, Alexandre John-Emile Yersin đã trải đời niên thiếu tại thị trấn Morges, cạnh hồ Léman. Sau một thời gian theo học tại các trường đại học Lausanne (Thụy Sĩ) và Marburg (Đức), Yersin sang Paris học tiếp ngành y khoa, tốt nghiệp bác sĩ năm 1890 và làm việc tại phòng thí nghiệm do bác sĩ Louis Pasteur sáng lập tại đường Ulm (Paris 5ème) cùng với bác sĩ Emile Roux. Năm 1894 Yersin khám phá ra vi trùng bệnh dịch hạch và trở nên nổi tiếng.

Là một người có óc mạo hiểm, Yersin quyết định nhập quốc tịch Pháp năm 1889 để có cơ hội phiêu lưu. Ngày 21/09/1890, cơ hội đã đến, Yersin xin vào làm việc tại hãng chuyên chở tàu biển Messageries Maritimes ở cảng Marseille và được cử sang Đông Dương phục vụ trên các chuyến tàu Saigon - Manila và Saigon - Haiphong. Lúc đó ông vừa tròn 27 tuổi.

Trên đường từ Sài Gòn ra Hải Phòng, tàu "Saigon" của ông cập bến Nha Trang nghỉ vài ngày. Nha Trang có lẽ là thành phố đã hấp dẫn Yersin ngay khi vừa mới đến, nhất là dãy núi xa xăm về phía Tây. Ngày 29/07/1891, khi tàu vừa bỏ neo ông xin thuyền trưởng cho xuống tàu để tổ chức một cuộc thám hiểm lên cao nguyên, với dự định băng rừng đi từ Nha Trang vào Sài Gòn trong vòng 10 ngày, nhưng không thành công. Phái đoàn của Yersin, gồm sáu người (Yersin, người hầu và 4 phu khuân vác), đi gần đến Di Linh thì phải trở về vì tới ngày tàu của ông nhổ neo ra Hải Phòng. Cuối năm 1891 Yersin xin nghỉ việc để có thì giờ thực hiện các cuộc thám hiểm riêng.

Từ 28/3 đến 9/6/1892, Yersin thực hiện cuộc thám hiểm lần thứ hai. Lần này theo lời yêu cầu của đại úy Cupet, một thành viên của phái bộ Pavie khai sinh ra nước Lào, Yersin đi từ Nha Trang sang Stung Treng (Campuchia), băng qua cao nguyên Darlac. Sau chuyến thám hiểm này, Yersin về lại Paris và được bộ giáo dục Pháp cấp kinh phí để thực hiện công tác khảo sát khoa học trên cao nguyên Đông Dương tháng 10/1892.

Trở lại Sài Gòn tháng 1/1893, Yersin được toàn quyền Lanessan giao nhiệm vụ khảo sát, mở một tuyến đường bộ đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết xuyên cao nguyên. Cùng đi với Yersin có người gác rừng giỏi nhất Nam Kỳ thời đó là ông Wetzel, cùng bốn người Việt sinh quán tại Sài Gòn. Ngày 24/2, phái đoàn đi từ Biên Hòa ra Tân Uyên bằng xe hơi, sau đó dùng thuyền đến Trị An, rồi đi bộ băng rừng đến Trà Cú và Tánh Linh, và từ Tánh Linh tìm đường về Phan Thiết.

Sau chuyến đi này, Yersin nắm vững một phần địa hình và dân cư trên cao nguyên, ngày 8/4/1893 ông quyết định tổ chức một cuộc thám hiểm thứ ba từ Phan Rí đến Tánh Linh, băng qua những vùng đất lạ phía Đông-Bắc. Lần này đoàn thám hiểm được trang bị rất hùng hậu : 80 phu khuân vác, 6 ngựa và một voi. Từ Phan Rí phái đoàn đi dọc theo sông Lũy đến Kalon, sau đó trèo dốc liên tục đến làng Laogouan (nay là Laouan Krela) để đến làng Riong Bolieng trên sông Đa Dung, rồi từ Riong trở về Ta La (Di Linh) khảo sát khu vực hữu ngạn sông La Ngà, tiếp tục băng rừng lên Konhin rồi đi dọc theo thượng lưu sông Đa Hoai để đến Mépou, băng qua Cao Can (Định Quán), Võ Đắt, Trà Cú rồi trở về Tánh Linh ngày 28/05/1893.

Kết quả cuộc khảo sát này không làm ông hài lòng vì không thể thiết lập một con đường xuyên qua vùng này : các thung lũng thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa, vả lại dân cư bản địa không đông để có thể chiêu mộ làm phu xây dựng đường sá. Yersin liền tổ chức một chuyến thám hiểm khác từ Tánh Linh đi Phan Rang xuyên qua cao nguyên phía Bắc. Lần này phái đoàn đi dọc tả ngạn sông La Ngà, tới làng Droum (nay là Kondroum), băng qua sông La Ngà rồi đi dọc hữu ngạn con sông này lên phía Bắc. Phái đoàn vượt qua sông Đa Riam và Đa Dung (thượng nguồn sông Đồng Nai) tới núi Tadoung (1974 m), rồi quay về làng Riong nghỉ chân. Từ Riong, Yersin cùng bốn phu khuân vác đi ngược sông Da Tam (một chi lưu sông Đa Nhim) về phía Đông đến các làng Kréan (nay là Fimnom, gần núi Mnil), Brenne (làng Thiên Sa, gần thác Prenn), rồi tiến lên dãy núi phía Tây-Bắc. Sau gần một giờ leo núi, phái đoàn trèo qua thác Datanla (thác Mây) đến một thung lũng nhỏ có một dòng nước chảy qua.

Khi đi dọc theo con suối nhỏ trong thung lũng, phái đoàn Yersin tiếp xúc với người M'Lates (một sắc dân Koho thuộc nhóm ngữ hệ Nam Môn Khmer) và được biết con suối nhỏ đó tên là Dak K'Mlây (Camly). Đi thêm độ hơn chục cây số và vừa ra khỏi rừng thông 3 lá (Pinus Khasya Royle), phái đoàn nhìn thấy trước mắt... cao nguyên Lang Bian hùng vĩ.

Lúc đó là 15 giờ 30 ngày 21/06/1893. Trong sổ hành trình, bác sĩ Yersin viết : "3h30, grd plateau dénudé mamelonné" (cao nguyên rộng lớn trơ trụi lồi lõm).

Trong hồi ký, ông mô tả thảo nguyên Langbian như sau :

"...15 à 20 km avant d'arriver au pied de la montagne, on sort de la forêt et on se trouve dans un pays absolument dénudé et recouvert d'herbe. De grandes ondulations de terrain permirent croire que l'on marche sur un océan agité de vagues énormes. Le Lang Bian se dresse au milieu comme une ìle, et paraìt s'éloigner à mesure qu'on avance. On calcule mal les distances dans ces vastes plaines. Dans le bas-fond, la terre est noire et tourbeuse. De grands troupeaux de connai se laissent approcher jusqu'à une centaine de mètres puis s'éloignent au grand galop en s'arrêtant de temps en temps pour se retourner et nous regarder curieusement".

(...khoảng từ 15 đến 20 cây số trước khi đến chân núi, chúng tôi ra khỏi rừng và đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ đầy cỏ. Mặt đất dợn lên những lượn sóng dài làm cho chúng tôi có cảm tưởng như đang trên một vùng biển đầy sóng lớn. Núi Lang Bian đứng sừng sững trước mắt như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi chúng tôi tiến tới. Trước những cánh đồng rộng lớn này, thật khó tính được cự ly chính xác. Đáy thung lũng là đất bùn đen. Nhiều đàn nai để chúng tôi đến gần độ vài trăm mét rồi vụt bỏ chạy, thỉnh thoảng chúng còn ngoáy đầu nhìn lại chúng tôi một cách tò mò).

Bác sĩ Yersin viết tiếp : "Chúng tôi chạy hết tốc lực lên xuống những ngọn đồi như một chú học trò nhỏ".

Độ 15 phút sau, phái đoàn lội qua suối Cam Ly tiến về phía Tây-Bắc đến làng Deung lúc 17 giờ 55, sau đó vượt sông Đa Dung (thượng nguồn sông Đồng Nai) đến làng Dankia lúc 18 giờ 15.

Trong hồi ký, bác sĩ Yersin viết : "Vùng đất này dân cư thưa thớt, một vài làng người M'Lates sống tập trung dưới chân núi, những ruộng lúa nước rất đẹp. [...] Người M'Lates nói thạo tiếng Chăm cũng như tiếng Mạ. Phụ nữ có vành tai thật rộng để để sỏ vào đó những vành tròn hay treo vào đó những ống thiếc hình xoắn ốc rất nặng. Dân chúng tiếp tôi trong căn nhà làng. Mỗi già làng mang tới vò rượu cần của mình. Có đến sáu vò rượu xếp hàng dài trước mặt tôi, cũng may là người ta không bắt tôi phải thưởng thức hết".

Vì thời gian quá cấp bách và nguồn lương thực cạn dần, Yersin chỉ lưu lại cao nguyên Lang Bian một ngày đêm rồi trở lại làng Riong tìm đường rừng xuống Phan Rang. Trên đường về, khi phái đoàn băng qua thung lũng sông Đa Nhim thì bị một nhóm người võ trang tấn công. Nhóm này gồm khoảng 30 người chia làm 5 tốp do một người tên Thước cầm đầu. Theo dò xét, đây là những tù nhân chính trị đã phá nhà tù Phan Rí, giết quan án sát và tổ chức nổi dậy nhưng không thành công, họ tấn công kho đạn và tịch thu nhiều súng ống rồi rút lên cao nguyên. Vốn là những người đồng bằng, không nắm rõ địa hình khu vực rừng núi, và tình cờ biết có một đoàn thám hiểm trên cao nguyên, nhóm kháng chiến quân liền đi theo dấu chân phái đoàn Yersin để tìm đường xuống Phan Rang. Trong cuộc chạm trán này Yersin bị trọng thương nhưng toán kháng chiến quân cũng bị thiệt hại nặng nề. Yersin được đưa cấp tốc về Phan Rang chữa trị ngày 26/06/1893. Nhóm kháng chiến quân cũng tìm được đường về đồng bằng tổ chức đánh phá các đồn bót Pháp nhưng vì thế cô, sức yếu, thủ lãnh tên Thước bị bắt tại Nha Trang và bị chém đầu ngày 5/7/1893. Yersin có đến dự buổi hành quyết và, trong thư gửi cho mẹ, tỏ ý thán phục con người can đảm không sợ chết này.

Trở lại cao nguyên Lang Bian. Kết quả cuộc khám phá mới này được Yersin công bố trên Revue Indochinoise Illustrée cuối năm 1893 và được chính quyền thuộc địa Pháp đặc biệt chú ý. Ngày 28/12/1893, Hội Đồng Thuộc Địa cấp cho Yersin một kinh phí mới để thực hiện một chuyến thám hiểm khác từ Nha Trang băng qua cao nguyên tìm đường xuống Đà Nẵng. Đoàn thám hiểm đi từ Nha Trang đến Dankia bằng một lộ trình mới dọc theo chân núi, băng qua thung lũng các phụ lưu sông Cái, men theo các khe suối lên tới làng Diom thuộc cao nguyên Dran (Đơn Dương). Từ Diom, Yersin theo đường mòn Prenn đến Dankia lần thứ hai. Từ Dankia, ông tìm đường lên cao nguyên Darlac và Kontum để đến Attopeu (Hạ Lào) rồi băng rừng tìm đường về Đà Nẵng. Cuộc thám hiểm bắt đầu ngày 12/2 và kết thúc ngày 7/5/1894.

Hai lần tiếp xúc với cao nguyên Lang Bian đã để lại trong lòng Yersin nhiều ấn tượng đẹp. Vùng cao nguyên hùng vĩ, khí hậu trong lành có lẽ đã làm Yersin nhớ lại nơi sinh trưởng cũ, thị trấn Morges cạnh hồ Léman bên Thụy Sĩ, nên trong suốt thời gian sau đó ông đã tích cực vận động với các cấp chính quyền thuộc địa để xây dựng một trung tâm nghỉ dưỡng tại đây. Cố gắng này trùng hợp với ước muốn của toàn quyền Paul Doumer (1897-1902), lúc đó cũng vừa tới Đông Dương nhậm chức. Năm 1897, trên đường sang Đông Dương, Doumer đã có dịp ghé thăm Ấn Độ và Indonesia. Tại hai nơi này ông thấy người Anh và người Hòa Lan đã thành lập nhiều khu nghỉ dưỡng có khí hậu mát mẽ gần giống Châu Âu, nên có ý định thành lập những khu tương tự tại Đông Dương để cư dân Pháp lên nghỉ mát hay dưỡng sức thay vì về lại mẫu quốc, quá tốn kém.

Ngày 23/07/1897, Doumer gửi thư cho thống sứ Bắc Kỳ và khâm sứ Trung Kỳ yêu cầu tìm địa điểm thiết lập những khu nghỉ dưỡng cho kiều dân Pháp tại Đông Dương với những chi tiết như sau : "Phải có độ cao tối thiểu 1.200 m, dồi dào nguồn nước, có thể canh tác rau quả và thiết lập đường giao thông dễ dàng". Nhiều đoàn thám hiểm đã lên miền thượng du Bắc Kỳ, cao nguyên Nam Lào và Trung Kỳ dò tìm. Cuối cùng có hai địa điểm được chú ý nhất, đó là cao nguyên Bà Na (gần núi Bạch Mã) tại Đà Nẵng và cao nguyên Lang Bian. Cao nguyên Bà Na không hội đủ điều kiện vì khí hậu nóng lạnh bất thường, mưa bão thường xuyên, hơn nữa lại gần kinh đô Huế do đó khó tự quyền lấy quyết định. Ngày 17/08/1897, theo lời đề nghị của Yersin, cao nguyên Lang Bian được Paul Doumer chọn làm thí điểm xây dựng.

Về tên địa danh mới, bác sĩ Yersin không biết phải gọi là gì. Sau nhiều suy nghĩ, ông liền ghép chữ đầu của tên con suối "Dak K'mlây" và tên của sắc dân "M'Lates" thành "Dak Lates". "Dak" là suối nước và "M'Lates" là tên của một bộ tộc Koho, "Dak M'Lates" là "con suối của người M'Lates", tức suối Cam Ly. Danh xưng "Dak M'Lates" có lẽ khó đọc nên được viết thành "Dak Late". Vì xuất hiện sau cao nguyên "Dak Lak" (Hồ nước tại làng Lak), được phát hiện năm 1888 (đổi thành Darlac năm 1903) và trùng cách phát âm, nên để tránh mọi nhầm lẫn Yersin đã bỏ mẫu tự "k" của chữ Dak để đọc thành "Da" và bỏ chữ "e" (đọc là "ơ" theo tiếng Việt) ở cuối chữ Late để đọc thành "Lat", từ đó có tên "Dalat" (1906).

Yersin còn là một học giả thông thạo chữ la-tinh. Muốn cho vùng đất mới này một ý nghĩa đặc biệt, ông phát minh một câu chữ la-tinh : "Dat Aliis Laetitiam Aliis Teperriem" ("Cho người này niềm vui, Cho người kia sự mát dịu"). Nhiều người đã lầm tưởng chữ Dalat xuất phát từ những chữ đầu của câu này. Cũng nên biết, thành phố Đà Lạt từ lúc được phát hiện và xây dựng, không người Việt nào được quyền đến sinh cư lập nghiệp nếu không được chính quyền thuộc địa Pháp cho phép (hành chính và trồng rau quả), vì chỉ muốn dành riêng cho cư dân gốc Pháp.

Sau 1954, thành phố được giao lại cho chính quyền Ngô Đình Diệm, người Việt được đến đây lập nghiệp. Để cho dễ đọc, người Việt thêm dấu phiên âm, đọc và viết thành "Đà Lạt". Các con sông bắt nguồn từ cao nguyên Langbian cũng được Việt hóa : Dak K'Mlây thành Cam Ly, Dak K'nim thành Đa Nhim, Dak Yung thành Đa Dung, Dak Wai thành Đa Hoai, Dak R'gna thành La Ngà, v.v...

Xây dựng...

Tháng 10/1897, Doumer cử đại úy Thouard chỉ huy một phái đoàn lên Lang Bian khảo sát địa hình, mở một con đường từ Nha Trang lên cao nguyên. Cùng đi với Thouard có trắc địa sư Cunhac thám hiểm các vùng đất quanh Đà Lạt (Suối Vàng, Suối Bạc, sông Đa Dung, sông Ankroet và sông Dankia). Sau một năm thám sát và đo đạc, tháng 10/1898 phái đoàn Thouard kết luận không thể làm một con đường trực tiếp từ Nha Trang mà phải mở một lộ trình từ Phan Rang lên Lang Bian, băng qua thung lũng Đa Nhim. Thouard còn đề nghị mở thêm một tuyến đường khác từ Sài Gòn lên Lang Bian, dọc theo thung lũng sông Đồng Nai để tránh các triền dốc núi, đề nghị này được Doumer chấp thuận. Nhiều đoàn thám hiểm, do các ông Odhéra, Garnier, Bernard và Génin chỉ huy, được cử đi khảo sát trong suốt thời gian từ 1898 đến 1900.

Kết quả những cuộc khảo sát này đã thuyết phục toàn quyền Doumer. Cuối tháng 3/1899, Doumer cùng Yersin lên Lang Bian quan sát trực tiếp. Phái đoàn dùng ngựa đi từ Nha Trang đến Krong Pha, leo đèo Ngoạn Mục đến Dran (Đơn Dương), băng qua Trạm Hành (Cầu Đất) đến Dankia rồi trở về lại Phan Rang. Một trạm quan sát và thử nghiệm trồng ra được thành lập tại Dankia.

Sau chuyến đi này, Doumer quyết định thành lập một trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Bian và cử đại úy Guynet đi khảo sát, mở một con đường đi từ Phan Rang lên Dankia (đường bộ và đường sắt). Sau hơn một năm băng rừng vượt suối, từ tháng 5/1899 đến tháng 6/1900, phái đoàn Guynet đã mở được một con đường lớn từ Phan Rang đến Xóm Gòn cho xe hơi, và từ Xóm Gòn lên Dankia (qua Dran, Cầu Đất và Đà Lạt) một con đường cho xe ngựa.

Ngày 1/11/1899, Doumer thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với hai trạm hành chánh, một đặt tại Tánh Linh (do Ernest Outrey làm đốc lý) và một tại Dankia (do Cunhac làm đốc lý). Năm 1902 Doumer mãn hạn toàn quyền phải về Pháp, mọi dự án phát triển trung tâm nghỉ dưỡng trên cao nguyên bị đình chỉ, kinh phí bị cắt giảm, những công trình xây cất dở dang bị đình chỉ.

Cuộc tranh luận về địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng trên Lang Bian bùng sống lại khi Paul Champoudry được toàn quyền Paul Beau (1902-1908) cử làm thị trưởng Đà Lạt năm 1906. Cho tới thời điểm này Đà Lạt vẫn chỉ là hai làng Thượng hẻo lánh nằm cạnh thác Cam Ly với vài viên chức Pháp. Nhờ tài năng và quyết tâm của Champoudry, thành phố Đà Lạt được phân lô xây dựng thành những khu công sở, thương mại, nghỉ dưỡng và canh tác. Đặc điểm của đồ án này là dành nhiều khoảng trống giữa thiên nhiên (cấm xây dựng nhà cửa hay đường sá) để tôn tạo và bảo vệ vẽ đẹp của thiên nhiên, đặc biệt là phải làm nổi bật dãy núi Lang Bian ở bất cứ góc cạnh nào.

Tỉnh Lang Bian được thành lập ngày 6/1/1916 dưới thời toàn quyền Roumer. Thành phố Đà Lạt được hợp thức hóa bởi dụ ngày 20/4/1916, do vua Duy Tân ban hành, và đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của người Pháp. Dân cư Việt đầu tiên được đưa lên làm việc là những tù nhân bị án khổ sai, họ cùng người Thượng phá rừng, khai hoang dựng nhà và làm đường sá, nhiều người đã thiệt mạng vì các chứng bệnh nhiệt đới.

Trong thế chiến thứ nhất, vì không thể trở về mẫu quốc trong dịp nghỉ hè, người Pháp bắt đầu lên Đà Lạt khá đông. Người Lat được dời về xã Lát gần suối Dankia (dưới chân núi Lâm Viên, còn gọi là núi Voi), người Chil sống dọc suối Camly được dời lên vùng đất cao hơn, Camly Thượng, và các vùng đất khác : Tà Nung và Đức Trọng (Tùng Nghĩa), nhường chỗ cho kiều dân Pháp và lao động Việt.

Quốc lộ Phan Rang-Đà Lạt và Sài Gòn-Đà Lạt, được hoàn tất trong những năm 1914 và 1915, có thể đưa người và vật liệu lên cao nguyên khá dễ dàng. Các tuyến đường sắt đang được thiết kế. Tháng 11/1915, toàn quyền (Ernest) Roume cho xây dựng ty bưu điện, ty ngân khố. Những con đường chính trong thành phố có bề rộng 20m, các đường phụ rộng từ 12m đến 16m cũng vừa hoàn tất. Khoảng 50 biệt thự bằng gỗ (châlets) được dựng lên gấp rút để đón du khách. Hôtel Langbian (Palace) bắt đầu xây từ 1916 và khánh thành năm 1922 ; nhà thờ đầu tiên (Saint Nicolas, còn gọi là Nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông là chong chóng định hướng gió hình con gà) được xây xong năm 1918 ; nghĩa trang của người Pháp được thành lập cùng thời gian phía sau nhà thờ. Hôtel du Parc cũng đươc xây dựng trong thời gian này trên một thung lũng cạnh nhà thờ.

Nóc chuông Nhà thờ Con Gà đã là nguồn cảm hứng của nhiều nhạc sĩ và nhà thơ ghi lại những cuộc tình đẹp... - Bài Thánh ca buồn - Sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Vũ qua tiếng hát Trần Thái Hòa - Courtesy of Thuy Nga Paris By Night 2016

Năm 1919, viên công sứ đầu tiên của Đà Lạt và là kỹ sư công chánh, Labbé, dựa theo dự án của kỹ sư Rouselle năm 1900, cho xây một đập nước chắn ngang sông Cam Ly thành một hồ nước nhân tạo, gọi là Grand Lac (nay là hồ Xuân Hương). Năm 1920, Đà Lạt có nhà máy nhiệt điện (cạnh lò sát sinh) và nhà máy nước. Nước uống được bơm từ hồ lớn vào hồ Đội Có để lọc và sau đó phân phối đến người tiêu dùng qua hệ thống nước máy. Tư nhân Pháp lên xây biệt thự nghỉ hè dọc theo những con lộ dẫn đến các ấp Du Sinh, Trại Hầm, Chi Lăng và đầu đèo Prenn.

...và phát triển thành phố Đà Lạt

Sự ra đời của một thành phố trên cao nguyên gây nhiều chú ý trong dư luận người Pháp tại Đông Dương. Chính quyền thuộc địa, quyết tâm biến nơi này thành một nơi nghỉ mát đúng nghĩa, thuyết phục vua Duy Tân ban hành dụ ngày 11/10/1920 mở rộng cao nguyên Lang Bian và ngày 31/10/1920 toàn quyền Maurice Long ký nghị định thành lập khu tự trị Lang Bian, Đà Lạt được nâng lên hàng thị xã hạng 2 và trực thuộc phủ toàn quyền. Từ đó nổi lên một phòng trào lên Đà Lạt mua đất xây biệt thự nghỉ mát của người Pháp, nhiều công trình xây dựng lớn được xây dựng. Điều kiện y tế vệ sinh ngày càng ổn định, các bệnh nhiệt đới giảm hẳn. Dân số Đà Lạt năm 1916 lên tới 1.500 người, trong đó có 833 người Việt đa số là lính, phu thợ, tù nhân được đưa lên xây dựng thành phố cùng 54 di dân tình nguyện, nhưng đến năm 1920 tụt xuống còn 571 người và 37 nông dân.

Năm 1921, toàn quyền Maurice Long giao kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập một đồ án mở rộng thành phố với mục đích biến Đà Lạt thành thủ đô Đông Dương. Năm 1923 Hébrard hoàn tất đồ án, Đà Lạt được qui hoạch để có thể chứa một dân số từ 30.000 đến 50.000 người. Bề rộng của thành phố gồm 7 km bề ngang theo hướng Đông-Tây và 4,3 km bề sâu theo hướng Nam-Bắc, diện tích tổng cộng khoảng 30.000 hecta, tương đương 17% diện tích toàn cao nguyên Lang Bian. Những khoảng trống nhằm tôn tạo và bảo vệ khung cảnh thiên nhiên theo đồ án Champoudry năm 1906 được tôn trọng triệt để, bên cạnh 6 hồ nước nhân tạo là các đồi Cù, đồi Cô Giang, đồi Đa Thiện và các rừng thông cạnh Hồ Than Thở và ấp Thái Phiên. Đồ án Hébrard còn dự trù xây dựng một con đường lớn đi vòng phía Bắc khu trung tâm để săn bắn và ngoạn cảnh, gọi là đường Vòng Lâm Viên. Luật lệ xây dựng trong thành phố được ban hành với những quy định cụ thể về kiến trúc, hạ tầng cơ sở và các khu sinh hoạt.

Từ đó khu vực dành cho người Pháp tập trung ở phía Nam suối Cam Ly (đường Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, Quang Trung, Cô Giang, Phan Chu Trinh, Huyền Trân Công Chúa, Pasteur) gồm các khu hành chánh, thương mại, dinh thự và trường học được thành lập. Khu vực hành chánh gồm ngân khố, bưu điện, cảnh sát, công chánh, trường học, tu viện, khách sạn hạng 2, khu thương mại người Âu, văn phòng du lịch được xây dựng về phía Đông Nam trên một trục lộ dài từ nhà ga tới thác Cam Ly. Các Dinh 1, 2 và 3 được xây trên các đỉnh đồi phía Nam sông Cam Ly pha trộn lối kiến trúc cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tại Châu Âu. Hai trường Yersin, Petit Lycée xây xong năm 1927 và Grand Lycée với lối kiến trúc vòng cung độc đáo được hoàn tất năm 1935. Biệt thự của người Pháp, được xây dựng bằng vật liệu cứng chắc, mang dáng dấp những kiểu nhà vùng Normandie, Bretagne, Pays Basque và Haute Savoie tại Pháp mà chức năng chính là làm nơi nghỉ mát cho những gia đình người Pháp làm việc tại Đông Dương. Một số gia đình người Việt được tuyển dụng vào làm gác-dan, bảo quản, chăm sóc vườn hoa, tài xế và phục dịch khách vãng lai.

dalat5

Trường trung học Yersin (Grand Lycée Yersin)

Dự án Hébrard thiết lập khu vực dành cho người Việt tập trung về phía Tây-Bắc và phía Đông-Nam (các ấp Hồng Lạc, Ánh Sáng, Xuân An, Dốc Nhà Bò, Dốc Nhà Làng, Trường Xuân và hạ lưu của Hồ Lớn) của thành phố, với các chợ, trường học, chùa, công viên, vườn tược và một lò sát sinh. Chợ Đà Lạt được thành lập tại ấp Ánh Sáng và năm 1929 được đời lên phố trung tâm, gọi là Chợ Cây vì vật liệu xây dựng bằng gỗ (tiền thân của khu Hòa Bình).

Trong thời gian từ 1922 đến 1939, dân số người Việt tăng vọt lên hơn 400%, từ 2.694 người (trong đó có 84 nông dân) năm 1922 lên 6.591 người (với 614 nông dân) năm 1937, sau đó là cả một phong trào di dân ồ ạt, trong đó có cả người Pháp : 9.000 người năm 1938 và 11.500 người năm 1939. Khi dân số người Việt lên lập nghiệp khá đông, người Pháp cho mở rộng thêm nhiều khu vực khác xa trung tâm thành phố, phần lớn nằm trong những thung lũng và triền đồi, để dựng nhà cửa và trồng rau quả. Các ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Thái Phiên, Sào Nam, Trại Hầm, Trại Mát, Thánh Mẫu... là nơi sản xuất các loại rau quả ôn đới cung ứng cho dân cư thành phố và Sài Gòn. Hạt giống các loại hoa quả ôn đới được lấy từ các vườn thử nghiệm của người Pháp. Người Hoa bắt đầu buôn bán dọc đường Cầu Quẹo và quanh Chợ Đà Lạt (khu Hòa Bình) từ năm 1923.

Bề rộng các tuyến giao thông đường bộ nối liền đồng bằng với cao nguyên (Sài Gòn - Đà Lạt và Phan Rang - Đà Lạt) được nới rộng thêm, con đường nối liền Sài Gòn - Đà Lạt xây xong năm 1932 qua ngã "xóm Bà Thái" (đoạn đường qua đèo Prenn chỉ bắt đầu có từ tháng 2/1943). Phi trường Liên Khương dài 700m bằng đất nện, đoạn đường sắt từ Phan Rang lên Đà Lạt được hoàn tất năm 1933 (nhà Ga Đà Lạt, dựa theo kiểu Nhà Ga Deauville vùng Normandie Pháp, được xây dựng xong năm 1938). Nhờ hai trục gia thông chính này, vật liệu nặng được chuyển lên khá dễ dàng nhờ đó thành phố Đà Lạt phát triển với một vận tốc cao. Lộ giới nội thành được phân chia thành nhiều loại : đại lộ từ Nhà Ga đến Cam Ly và Trần Hưng Đạo bề ngang rộng 20m, đường trong các khu dân cư và thương mại của người Pháp rộng 18m ; đường Vòng Lâm Viên và các khu dân cư và thương mại người Việt rộng 13m và đường đến các thôn ấp xa rộng 8m. Tất cả đều được tráng nhựa, trừ các đường đi vào các khu canh tác nông nghiệp được cán đá. Lề đường trong nội thành và các đại lộ cũng được nới rộng thêm 5m mỗi bên, nền tráng xi măng hoặc đá cuội và được trồng các loại cây merisier (mai hồng, anh đào), cerisier đắng (trái chát chát xám nâu) và thông ba lá, hệ thống đèn đường được cung cấp bởi nhà máy nhiệt điện cạnh lò sát sinh.

Nghị định ngày 30/07/1926 đổi khu tự trị Lang Bian thành thị xã Đà Lạt, cai trị bởi một đốc lý người Pháp với sự phụ tá của một thư ký và một hội đồng thị xã gồm 4 người (2 Pháp, 2 Việt). Đến năm 1930 hội đồng thị xã tăng lên 9 người (6 Pháp, 2 Việt và 1 Hoa). Triều đình Huế cử một quản đạo lên cai trị trực tiếp di dân Việt (lúc đầu là ông Phạm Khắc Hòe, sau là các ông Trần Văn Lý, Âng An...) và Pháp cử một tri huyện Thượng (lúc đầu là ông Bahnaria Ya Gut, người Churu, kế là ông K'Brai, người Koho Sré, sau là ông Touneh Han Dang, người Churu ; tất cả những lãnh tụ người Thượng này đều đã từng nắm các chức vụ lý trưởng, trù dịch, tri huyện Tân Khai do triều đình Huế ban phong) quản trị dân Thượng trên cao nguyên Lang Bian, từ Di Linh, Đơn Dương tới Dankia. Touneh Han Dang được tặng huân chương Kim Tiền hạng 3 khi tuyến đường sắt Krongpha-Ngoạn Mục được khánh thành ngày 14/2/1927, Kim Long Bảo Quốc năm 1929 và Kim Khánh hạng 3 năm 1933.

Ngày 4/5/1932, một cơn lũ lớn đã cuốn trôi cả hai đập trên Hồ Lớn và đập thủy điện nhỏ của nông trại Cam Ly. Một đập nước bằng đất được dựng lên phía dưới đập lớn (nay là cầu Bá Hộ Chúc) tạo thành hai hồ (một lớn, một nhỏ) để có thêm nguồn nước. Hồ Lớn được tu bổ lại và đến năm 1935 thì hoàn chỉnh sau khi xây xong một đập xi-măng lớn do kỹ sư Trần Đăng Khoa thiết kế, mang tên Cầu Ông Đạo (Ông Đạo là biệt hiệu của ông Phạm Khắc Hòe, quản đạo đầu tiên do triều đình Huế cử lên Đà Lạt năm 1926, dinh của ông được xây cạnh bên đập nên dân chúng gọi là Cầu Ông Đạo), nhà thủy tạ La Grenouillère, sòng bạc Casino (sau đổi thành Câu Lạc Bộ Thể Thao) và sân tennis được xây dựng thêm. Một con đường tráng nhựa dài 5 cây số, rộng 13 m được thành lập quanh hồ với những cây đại tùng mang từ Savoie về trồng gần Cầu Ông Đạo.

Chiến tranh lần thứ hai tại Châu Âu làm cho người Pháp không thể về chính quốc, đa số đã lên Đà Lạt nghỉ hè. Toàn quyền Decoux, ngay khi vừa nhậm chức năm 1940, muốn biến Đà Lạt thành trung tâm hành chánh Đông Dương. Ông dời văn phòng làm việc từ Sài Gòn lên Đà Lạt và đặt tại Dinh Mùa Hè (Palais d'Eté hay Dinh Decoux, xây từ 1933 đến 1937 mới xong), một năm làm việc 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10. Ông giao cho kiến trúc sư Lagisquet thiết lập đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt. Trong thời gian chờ quy hoạch mới, mọi việc sang nhượng, phân lô đất đai trong thành phố đều bị đình chỉ.

Ngày 27/4/1943 đồ án Lagisquet được chấp thuận, Đà Lạt phát triển với một vận tốc lớn : nhiều cơ quan y tế, quân sự, tôn giáo và biệt thự nghỉ mát được hoàn thành. Viện Pasteur Đà Lạt do bác sĩ Yersin thành lập khánh thành năm 1936. Trường Thiếu Sinh Quân (Ecole d'enfants de troupes de Dalat) được cất tại khu vực cạnh Đồi Cù (Viện Đại Học Đà Lạt ngày nay) năm 1939. Một bệnh viện lớn được thành lập trên ngọn đồi phía Tây-Nam thành phố và ty công chánh trên đường Lý Thái Tổ được khánh thành năm 1942.

Hội thánh Tin Lành, được thành lập tai Đà Lạt năm 1929, xây một nhà thờ Tin Lành lớn nhất (trên đường Hàm Nghi) dưới dinh đốc lý (sau được dùng làm Lữ Quán Thanh Niên). Nhiều tu viện công giáo nam nữ được thành lập ngoài vòng đai thành phố : dòng Chúa Cứu Thế (Redemptoristes), các dòng sư huynh Lasan, nữ tu Franciscaines, Domaine de Marie, Mến Thánh Giá. Nhà thờ công giáo thứ hai xây năm 1922, sau đó bị đập bỏ. Nhà thờ thứ ba (Nhà thờ Con Gà, Saint Nicolas) được xây năm 1931 và hoàn tất năm 1942 (nay là nhà cầu nguyện của các tu sĩ, cạnh trường Trí Đức cũ).

Đập thủy điện tại Suối Vàng (hồ Ankroet) với công suất 3.000 kW được xây xong năm 1945 để tăng thêm nguồn điện cho thành phố. Sở Địa Dư Đông Dương từ Gia Định được dời lên Đà Lạt năm 1944, cạnh Grand Lycée. Đèo Prenn được mở theo tuyến lộ mới năm 1944 nối liền Sài Gòn - Đà Lạt, đầu tuyến đường cũ (ở Xóm Bà Thái) đến thác Prenn bị bỏ. Hơn 500 biệt thự mới được xây cất xong trong vòng 5 năm bằng tổng số biệt thự xây trong 30 năm trước đó, đặc biệt là tại khu Saint Benoit (Chi Lăng), Cité Decoux, Cité Bellevue. Năm 1942 Đà Lạt có 728 biệt thự, năm 1945 1.000 biệt thự. Đà Lạt trở thành một thành phố đẹp nhất Đông Nam Á thời đó.

Để tự túc về lương thực, Decoux cho người Việt từ đồng bằng lên lập nghiệp nhưng chỉ được canh tác hoa màu và làm nghề phục dịch, nhờ đó dân số người Việt tăng trưởng mạnh (13.500 người năm 1940, 25.500 người năm 1945), nhiều ấp mới được lập thêm ở các vùng ngoại ô Tây-Bắc (Hà Đông, Nghệ Tĩnh) và Đông-Nam (Sào Nam, Trại Mát). Các công trình thể thao, hệ thống các trường trung tiểu học dành cho học sinh Việt (Phan Chu Trinh, Phan Sào Nam, Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân) hoàn tất năm 1942. Nghĩa trang công giáo dành cho người Việt được thành lập tại ấp Du Sinh trong những năm 1940. Các chùa Phật giáo xuất hiện hơi muộn và do chính người Việt xây cất lấy. Chùa Linh Sơn do các ông Võ Đình Dung (nhà thầu khoán giàu có nhất Đà Lạt) và Nguyễn Văn Tiến cùng với bà con bá tánh quyên góp xây cất từ 1936-1940. Nghĩa trang Phật giáo được thành lập năm 1938 trên đồi gần cây số 4, còn gọi là Số Bốn, trên đường đi Suối Vàng. Chùa Linh Phong (Trại Hầm) được thành lập năm 1944 bằng vật liệu nhẹ (mái tôn vách ván), sau được xây bằng xi-măng năm 1948.

Cho tới đầu năm 1945, Đà Lạt đạt tới mức cực thịnh của một thành phố lớn dưới thời Pháp thuộc. Không những là một trung tâm nghỉ mát mang dáng dấp Tây phương, Đà Lạt còn là một trung tâm chính trị (thủ đô mùa hè) và văn hóa lớn (các nhân vật chính trị của ba nước Việt Nam Campuchia và Lào đa số đều xuất thân từ trường Yersin) của Đông Dương.

Nhưng vinh quang này đến ngày 9/3/1945 thì hết, Nhật đảo chánh lật đổ chính quyền thuộc địa và làm chủ toàn cõi Đông Dương. Tất cả kiều dân Pháp (dân sự và quân sự) đều bị bắt đem về giam tại các đồn điền cao su ở Trảng Bàng, tài sản của họ đều bị tịch thu. Quân đội Nhật không màng tới những gì Pháp đã làm trên cao nguyên, họ tận dụng vật dụng và hạ tầng cơ sở (đường sá, phi đạo, đường sắt) của Pháp để tiếp ứng các chiến trường Miến Điện và Thái Lan. Người Việt bị mất lợi tức, phần lớn đã bỏ về đồng bằng, dân số Đà Lạt giảm xuống còn 5.200 người. Ngày 20/8/1945, Nhật đầu hàng Mỹ, phong trào Việt Minh hô hào dân chúng đứng lên tiếp quản thành phố Đà Lạt lúc đó bị bỏ trống. Ông Trần Xuân Biền, một nông dân gốc Thừa Thiên, được Việt Minh đưa lên làm chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời gồm 7 người ngày 23/08/1945, sau đó nhường cho Phan Đức Huy, một cán bộ Việt Minh từ Phan Rang lên thay.

Nhưng không may...

Năm 1946 Pháp tái chiếm lại Đà Lạt, người Pháp trở lại đông đảo, nhưng thiếu nguồn cung cấp rau quả tươi, đã khuyến khích người Việt lên Đà Lạt lập nghiệp. Dân số Đà Lạt tăng lên 18.513 người năm 1948, trong đó 15.000 người Việt, 1.897 người Pháp, 827 người Thượng Koho và 807 người Hoa.

Trường sĩ quan Catroux (năm 1950 đổi tên thành trường Võ Bị Liên Quân Việt Nam) nhằm đào tạo sĩ quan Việt Nam thay thế quân đội Pháp và trường dành cho người Thượng được thành lập tại Chi Lăng (Saint Benoit). Hai trường công giáo cũng được xây dựng thêm : trường nam Lasan Adran và trường nữ Couvent des Oiseaux sau 1945. Tuyến đường hàng không Hà Nội - Đà Lạt khai trương năm 1948. Để cung cấp thêm điện năng cho thành phố, Pháp cho xây thêm một đập thủy điện tại Suối Bạc, trên hồ Dankia.

Chiến cuộc Đông Dương đến hồi quyết liệt, Pháp và Việt Minh tổ chức một hội nghị sơ bộ từ 17/4 đến 12/05/1946 tại Đà Lạt chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Fontainebleau (tháng 9/1946). Sự kiện này không vừa ý cao ủy d'Argenlieu nên ông tổ chức một loạt lễ tuyên thệ trung thành của người Thượng đối với Pháp : tại Buôn Ma Thuột ngày 14/05/1946, tại Đà Lạt và Kontum ngày 30/06/1946 và 12/8/1946.

Ngày 27/05/1946 d'Argenlieu ban hành sắc luật thành lập "Xứ Thượng Nam Đông Dương" (PMSI, Pays Montagnard du Sud Indochinois) thuộc Liên Bang Đông Dương, lấy thành phố Đà Lạt làm thủ đô. Xứ này bao gồm tất cả những vùng đất có người Thượng cư trú nằm giữa ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam, cảng Cam Ranh được dùng làm nơi xuất nhập hàng hóa lên cao nguyên bằng đường biển. Ý đồ này bị bãi bỏ vì không được mẫu quốc chấp nhận.

Qua trao đổi thư, ngày 8/3/1949 tổng thống Pháp Vincent Auriol Pháp khuyến khích Bảo Đại thành lập một lãnh thổ dành cho những sắc dân không phải người Việt. Ngày 15/04/1950, Bảo Đại ban hành dụ số 6 thành lập Hoàng Triều Cương Thổ (Domaine de la Couronne), bao gồm Xứ Thượng Miền Nam và Xứ Thượng Miền Bắc (nơi cư ngụ của các sắc dân Thái, Mèo, Nùng, Mường), thủ phủ đặt tại Đà Lạt và văn phòng làm việc đặt tại Dinh 3, nhưng người Pháp vẫn cai trị và điều hành trực tiếp. Dinh 3, hay Dinh Bảo Đại, là nơi cư ngụ của Nam Phương hoàng hậu, hoàng tử Bảo Long và Phương Mai công chúa trong suốt thời gian từ 1949 đến 1954. Tháng 12/1949 ông Trần Đình Quế làm tỉnh trưởng Đà Lạt, sau nhường lại cho ông Cao Minh Hiệu. Dân số Đà Lạt năm 1954 là 52.000 người.

Sau hiệp định Genève 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm yêu cầu Bảo Đại giải tán Hoàng Triều Cương Thổ (11/03/1955) và thành lập một chính quyền dân sự trực thuộc Sài Gòn. Người Pháp bỏ về nước rất đông, dân số Đà Lạt giảm xuống còn 23.744 người năm 1956. Nhiều đợt di dân từ miền Bắc (Thái Bình, Phát Diệm) và miền Trung (Huế và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) lên Đà Lạt lập nghiệp. Những gia đình di cư miền Bắc về các xã quận Tùng Lâm, Tùng Nghĩa, Lạc Thiện canh tác nông nghiệp, những gia đình nghèo miền Trung về các ấp gần Đà Lạt (Cô Giang, Cô Bắc, Hồng Lạc, Thái Phiên, Số 4, Đa Thiện, Trại Mát, Sào Nam) canh tác hoa màu. Những gia đình giàu có miền Trung mở tiệm buôn tại trung tâm thành phố, một số đầu tư vào nghành tiểu thủ công và dịch vụ. Nhiều gia đình giàu có tại Sài Gòn cũng lên mua đất xây nhà nghĩ mát. Dân số Đà Lạt tăng lên 60.960 người năm 1957.

Ngày 19/05/1958, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh 261-VN thành lập tỉnh Tuyên Đức, thủ phủ đặt tại Đà Lạt, và cắt một phần đất ở phía Nam Lang Bian thành lập tỉnh Lâm Đồng, thủ phủ đặt tại Bảo Lộc.

Các danh lam thắng cảnh tại Đà Lạt được canh tân và bảo trì để đón tiếp thêm du khách. Một vườn bách thú được thành lập tại thác Prenn. Chợ Mới Đà Lạt được xây lại năm 1958, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ mẫu gồm ba tầng ăn thông lên phố trung tâm Hòa Bình. Trường thiếu sinh quân Pháp được tân trang và mở rộng thêm năm 1958 để trở thành Viện Đại Học Đà Lạt, do Giáo Hội Công Giáo quản lý. Trung tâm nghiên cứu Nguyên Tử Lực cuộc được xây từ 1958 đến 1962. Đập thủy điện Đa Nhim được Nhật xây dựng từ năm 1959 trong thỏa ước bồi thường chiến tranh. Những trường trung tiểu học công lập được xây thêm để dạy Việt ngữ cho học sinh. Nhiều trường tư thục cũng được thành lập để mở rộng kiến thức cho khối lượng học sinh ngày càng tăng : Trí Đức, Việt Anh, Đoàn Thị Điểm, Bồ Đề, Hiếu Học (sau đổi tên là Văn Học). Năm 1959 Trường Võ Bị Liên Quân đổi thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Chi Lăng, sau dời về Thái Phiên. Trong những năm 1960, Trường Cao Đẳng Quân Sự đổi thành Trường Chỉ Huy Tham Mưu tại Chi Lăng. Trường Chiến Tranh Chính Trị và Giáo Hoàng Học Viện Pio X, trường trung học sắc tộc Camly Thượng, Thư viện quốc gia, thư viện Hội Việt Mỹ cũng được xây cất trong những năm này. Nhiều dòng tu, nhà thờ được xây dựng. Đà Lạt có 38 dòng tu Công giáo và Phật giáo, gồm : 20 dòng nữ và 18 dòng nam.

Năm 1960 giáo xứ Đà Lạt được nâng lên hàng giáo phận dưới sự điều hành của một vị giám mục, nhà thờ Saint Nicolas được đổi thành Nhà Thờ Chánh Tòa năm 1960. Cũng trong những năm 1960, nhiều nhà thờ thuộc các hệ phái Tin Lành được thành lập, nhất là trong các bản Thượng : nhà thờ Cam Ly được xây năm 1960, hoàn thành năm 1968. Chùa Tàu được cộng đồng người Hoa tại Đà Lạt xây năm 1965 gần Trại Hầm và nổi tiếng với những bữa cơm chay miễn phí. Gần Trại Mát có một nhà thờ Cao Đài xây năm 1960. Chùa Linh Phong cũ bị đập bỏ vì quá cũ, được tân trang kiên cố và đẹp hơn năm 1962.

Sau 1963, các tỉnh trưởng tiếp tục bảo trì, sửa sang thành phố. Đường sá được tân trang, tráng nhựa. Quân đội Mỹ đã trùng tu lại đại lộ Lý Thái Tổ (con đường mà các viên chức Pháp ngày xưa đã xây cất những dinh thự nguy nga, đồ sồ nhất thành phố). Nhà cửa của dân chúng mọc lên rất nhiều, nhất là của phong trào thương phế binh năm 1968. Anh em thương phế binh đã chiếm đất cắm dùi ngay giữa trung tâm thành phố (gần rạp Ngọc Lan) để xây nhà ổ chuột. Sĩ quan, quân nhân, công chức và dân chúng cũng dựa theo đó chiếm đất, xây nhà, khai thác hoa màu làm giảm mỹ quan của thành phố. Lúc đó là thời chiến !

Năm 1972, dự án Phát Triển Đà Nẵng và Phụ Cận giúp tỉnh Tuyên Đức chỉnh trang lại thành phố Đà Lạt, nhờ đó Đà Lạt đã tìm lại vẽ đẹp của ngày xưa. Một phần hồ Xuân Hương được nạo vét, bờ hồ được đắp cỏ, vườn Bích Câu được trùng tu, mặt đường được tráng nhựa dầy hơn, các lề đường được đắp xi-măng và cây cối được trồng thêm hai bên lề đường. Các công viên khác cũng được cấu trúc lại thẩm mỹ hơn và các phòng trà ca nhạc cũng tăng thêm hơn. Khung cảnh Đà Lạt được phương Tây hóa trở lại và tưng bừng hơn. Dân số tăng đều từ 73.290 người năm 1965 lên 89.656 người năm 1970. Sinh viên từ khắp nơi ghi danh vào Viện Đại học Đà Lạt ngày càng đông hơn với hai phân khoa mới được thành lập : Chính Trị Kinh Doanh và Khoa Học (1964), trước đó đã có hai trường Văn Khoa (1958) và Sư Phạm (1960).

Tình yêu như bóng mây - Sáng tác : Song Ngọc - Trình bày : Khánh Hà - Courtesy of Song Ngọc & Khánh Hà

Nhưng Đà Lạt cũng bị mất an ninh khi chiến tranh gia tăng cường độ. Nhiều người đã hy sinh trong việc bảo vệ thành phố. Trong những năm 1965-1967, phe cộng sản đã đặt bom trong các rạp hát, tổ chức ám sát các viên chức địa phương, giựt mìn và bắt cóc hành khách trên các chuyến xe đò liên tỉnh, làm thiệt mạng rất nhiều thường dân. Tết Mậu Thân 1968, quân đội cộng sản vào chiếm thành phố nhưng bị đẩy lui, để lại nhiều xác chết trên các đường phố và công sở. Trong những năm 1970, Đà Lạt có phần yên bình nhờ Tiểu đoàn trinh sát 203 và Đại đội 302 địa phương quân tảo thanh ráo riết các mật khu cộng sản trong vùng rừng núi.

Đà Lạt sống những ngày đen tối...

Xuôi theo cuộc chiến, mặc dù không thấy xuất hiện bóng dáng của một cán binh cộng sản nào, ngày 20/04/1975 lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ thành phố Đà Lạt đi dọc quốc lộ 11 rút về đồng bằng (Phan Rang), dân số Đà Lạt giảm hẳn, còn 85.833 người.

Khi vào tiếp thu Đà Lạt những ngày sau đó, những cán bộ cộng sản đã phải ngạc nhiên về sự an ninh của thành phố. Nạn hôi của nhà vắng chủ tuy có nhưng mức độ không quan trọng, phần lớn nhà cửa vẫn còn nguyên vẹn. Người Đà Lạt trở về sau cuộc di tản sống những ngày đen tối, chế độ cộng sản bao trùm lên mọi sinh hoạt. Những người hàng xóm "bần cố nông" trước kia nổi lên tố giác những chủ nhân cũ ; nhà cửa các gia đình có cơ sở kinh doanh tại trung tâm thành phố đều bị tịch thu ; vườn hoa, thảm cỏ biến thành nương khoai, liếp bắp.

Chính quyền cộng sản đưa người từ miền Bắc ồ ạt vào thành phố. Dân số Đà Lạt kể từ sau 1975 tăng lên đáng kể, năm 1979 có 91.937 người, năm 1989 tăng lên 116.052 người và năm 1999 trên 150.000 người. Tất cả những công sở, biệt thự đều bị tịch thu, những cán bộ cao cấp thi nhau vào chiếm những biệt thự làm của riêng.

Trình độ của những chủ nhân mới này cần bị lên án, họ đập phá những công trình kiến trúc một cách vô trách nhiệm. Thiếu củi nấu ăn họ lấy bàn ghế, cửa, tủ của các công sở ra đốt. Tài liệu, sách vở trong các thư viện, kiến thức chung của người Việt bị vứt bừa bãi ra ngoài đường phố. Cơ quan, trường học, biệt thự trở thành nơi phóng uế, súc vật được nuôi ngay trong lớp học và các phòng ốc, hệ thống cống rảnh ứ nghẹt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nạn trộm cắp của công được hợp thức hóa, số lượng hàng hóa và đồ đạc lấy từ các cơ quan, nhà vắng chủ chở đi không sao kể hết. Nạn xây cất nhà cửa không qui hoạch làm mất sư duyên dáng của thành phố. Vùng đồi núi trước kia được gìn giữ để tôn vinh thiên nhiên và cảnh quang thành phố bị các cán bộ đương quyền chiếm dụng xây nhà dựng cửa và trồng rau.

dalat3

Hồ Than Thở trước 1975 là một địa danh thơ mộng nằm giữa rừng thông xanh bát ngát

hothantho

Hai Hồ Than Thở và Mê Linh ngày nay trở thành hai ao nước giữa rừng nhà lồng trồng rau và hoa màu 

Lỗi của những cấp lãnh đạo cộng sản không nhỏ, họ không những không tôn trọng giá trị văn hóa của Đà Lạt mà còn đập phá, bôi bẩn nét thanh tao của một thành phố du lịch tầm cỡ quốc tế để trở thành một thành phố nghèo nàn và lạc hậu. Hệ thống hạ tầng cơ sở không được tu sửa, mục nát theo thời gian ; nhiều cơ sở phải đập phá hẳn nếu muốn tân trang làm lại. Các trường Yersin, Viện Đại Học, trường Võ Bị, các cơ sở công quyền, dòng tu, nhà vắng chủ không được chăm sóc hư hỏng nặng. Cây rừng bị đốn để xuất khẩu và làm than củi. Hệ thống thoát nước không còn, sình đất mùa mưa làm tắc nghẽn các sông hồ, suối thác thiên nhiên đục ngầu màu nước đỏ. Đường sá mất hết nhựa đường, ổ gà lổm chổm, bụi bặm mùa khô sình lầy mùa mưa. Một phong trào bảo tồn cảnh quang và văn hóa của Đà Lạt, do một số người trước kia theo cộng sản, khởi xướng bị dập tắt trong bạo lực. Các ông Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu bị quản chế tại gia, nhóm bạn bè còn lại bất lực nhìn sự xuống cấp của thành phố.

Ý thức sự phá hoại của mình, đầu thập niên 1990 chính quyền cộng sản mời Hoa kiều Đông Nam Á lên đầu tư khai thác dịch vụ du lịch. Những công trình xây cất mới thay vì mở rộng thành phố cho mọi người chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách chính quyền - người dân. Cán bộ lãnh đạo cộng sản bán đứng cho tư bản ngoại quốc Đồi Cù, thắng cảnh đẹp nhất của Đà Lạt, để lập sân golf, xây khách sạn, mở nhà hàng và lập sòng bạc cho thành phần giàu có mới ăn chơi. Nhiều tượng đài chiến tranh được dựng ngay giữa trung tâm thành phố và chốn trang nghiêm nhắc nhở mọi người bạo lực là lẽ sống của chế độ.

* * *

Sau 24 năm dưới sự quản lý của chính quyền cộng sản, Đà Lạt tàn tạ và hư hao. Công lao xây dựng và phát triển của những người yêu mến ngày xưa nhường chỗ cho sự tầm thường và trơ trẽn. Tình trạng này cần sớm chấm dứt, Đà Lạt phải được giao lại cho những con người sáng suốt để thành phố này mãi là trung tâm du lịch và văn hóa.

Nguyễn Văn Huy

(Phụ Nữ Diễn Đàn, tháng 11/1999 )

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 4597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)