Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

11/11/2020

8. Những nguy cơ đe dọa sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam

Đan Tâm

25. Tồn vong theo số phận nổi trôi của Đảng cộng sản Trung Quốc anh em

Vì nhiều yếu tố tương đồng của Đảng cộng sản Trung Quốc đồ sộ và người em nhỏ là Đảng cộng sản Việt Nam, nên sự tồn vong của Đảng cộng sản Trung Quốc phải được xem xét trước, thứ đến sẽ là Đảng cộng sản Việt Nam.

dcsvn1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 05/11/2015

Xem xét thật kỹ gần 30 mối nguy sống chết của Đảng cộng sản Việt Nam gần như có đến 90% cũng chính là nguy cơ thiết tử của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Đảng viên tại Trung Quốc bây giờ nhìn thấy Đảng cộng sản Trung Quốc nguy cơ tứ bề, thế lớn đã qua đi, nên không muốn tiếp tục làm con dê thế tội cho Đảng cộng sản Trung Quốc ở "thời điểm then chốt cuối cùng" này, không muốn phối hợp với ông Tập Cận Bình chạy theo cái giấc mộng viển vông không thiết thực kia nữa. Tâm lý nầy đang lan truyền sang cho đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam anh em răng môi nên khó có thể ngăn chặn được tập đoàn tham nhũng khổng lồ bên trong thể chế nuốt chửng lợi ích của cả quốc gia.

Nhìn từ một góc độ khác, dẫu cho phe phái nào trong Đảng cộng sản Việt Nam có đưa một người khác lên thay thế ông Nguyễn Phú Trọng thì liệu người đó có thể hoàn trả nổi những món nợ máu mà Đảng cộng sản Việt Nam đã nợ trong suốt 75 năm qua ? Liệu sức mạnh chính nghĩa toàn cầu vốn đã thức tỉnh nay lại chìm sâu trong giấc ngủ mê muội, đối với Đảng cộng sản Việt Nam trong thập niên 1970, một lần nữa hay không ?

Dưới cái nhìn cải cách thì con tàu Đảng cộng sản Việt Nam với trăm nghìn lỗ thủng giờ lại đang gặp phải sóng gió cuộn dâng, dẫu ai là người cầm lái cũng không thể ngăn nổi vận mệnh bị chôn vùi dưới đáy biển sâu của thời kỳ toàn cầu hóa mới kể từ 2020 nầy.

Ngay trong đại dịch Covid-19 và sau đó, Trung Quốc đang bị thế giới vây hãm về chính trị, ngoại giao, văn hóa xã hội và kinh tế. Sau chuyến thăm 4 nước Đông Âu, ngày 18/08/2020, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết ván cờ thế giới đã thay đổi và "Quyết tâm của những người yêu tự do trên toàn thế giới là mong muốn giữ gìn lối sống và giá trị quan của họ, và điều này đang ngày càng gia tăng" và "Dân chúng Mỹ nhận ra rằng người dân Trung Quốc hoàn toàn khác với Đảng cộng sản Trung Quốc và rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang đe dọa đến các giá trị quan và lối sống của người dân Mỹ. Cả hai đảng ở Washington đều biết rất rõ chúng tôi đang phản đối điều gì. Ván cờ đã thay đổi, như tôi đang thấy trên khắp Châu Âu và thế giới. Phương Tây đang chiến thắng".

Ông Pompeo chia sẻ rằng sau khi bức màn sắt của Liên Xô cũ sụp đổ, Trung và Đông Âu trở lại với thế giới tự do của phương Tây, nhưng chủ nghĩa độc tài vẫn chưa tiêu vong : "Ngày nay, mối đe dọa lớn hơn là mối đe dọa do Đảng cộng sản Trung Quốc và các phong trào cưỡng chế và kiểm soát tư tưởng của nó gây ra. Ý thức hệ cốt lõi của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc là chủ nghĩa Mác-Lênin của Liên Xô, thậm chí còn tồi tệ hơn thế. Cái đảng này từ đầu đến cuối đều luôn ích kỷ.

Nguồn gốc của mọi hành động của nó bắt nguồn từ hình thái ý thức của nó. Hơn nữa nó mang tâm lý thù địch đối với các xã hội tự do như của chúng ta". "Những gì đang diễn ra hiện nay không phải là cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0. Thách thức trong việc đối kháng lại mối đe dọa của Đảng cộng sản Trung Quốc ở một số khía cạnh còn khó khăn hơn. Điều này là do Đảng cộng sản Trung Quốc đã có sự móc ngoặc với nền kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta theo cách thức mà Liên Xô trước đây chưa từng làm được", Ngoại trưởng Michael Pompeo nói.

Và ông nhấn mạnh, "Cũng giống như đại quân Mỹ đồn trú ở NATO năm xưa, khi đại quân Mỹ đóng quân ở Tây Đức, không ai nghĩ rằng Bức màn sắt sẽ thực sự sụp đổ trước khi Bức tường Berlin bị lật đổ. Ván cờ thế giới đã thay đổi, thế giới sẽ đoàn kết để chống lại sự áp bức của Đảng cộng sản Trung Quốc. Xã hội tự do cuối cùng sẽ chiến thắng".

Ba ngày sau, 21/08/2020, ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng Hoa Kỳ bác bỏ bất kỳ hành động nào nhằm áp đặt lối tư duy "chân lý thuộc về kẻ mạnh" ở Biển Đông, lên án yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính"Chúng tôi bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt lối tư duy ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’ ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn".

Đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay đang gặp nguy cơ tứ bề và đang trở nên điên cuồng thể hiện ra bộ mặt "chiến lang" trước thế giới. Rory Truex, phó giáo sư môn chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton (Mỹ) cho biết : "Đảng cộng sản Trung Quốc cũng là "chế độ tinh vi nhất" trong việc lợi dụng internet và công nghệ để kiểm duyệt và tuyên truyền. Nhằm mục đích trấn áp, kiểm soát và xuyên tạc thông tin". 

Ngày 12/08/2020, tờ Thời báo New York đăng một bài báo trên trang tiếng Trung, trong đó đưa tin gia tộc của ba ủy viên Ban Thường vụ gồm Tập Cận Bình, Lật Chiến Thư và Uông Dương có tư sản ở Hồng Kông. Gần đây, Hoa Kỳ đã chế tài đợt đầu các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hồng Kông liên quan đến luật an ninh. Lần này, truyền thông Hoa Kỳ bất ngờ tập trung vào việc phơi bày khối tài sản khổng lồ của thân nhân của ba đảng viên cấp cao nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc hiện tại là Tập Cận Bình, Lật Chiến Thư và Uông Dương ở Hồng Kông.

"Tài liệu Panama" được tiết lộ vào tháng 04/2016 cho thấy Hồng Kông đã trở thành cơ sở rửa tiền của giới chóp bu trong Đảng cộng sản Trung Quốc, kể từ khi Anh Quốc trao trả chủ quyền của Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Lã Bỉnh Quyền, giảng viên cao cấp Khoa Báo chí của Đại học Tân Văn Hồng Kông, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với "Voice of Germany" rằng, Trung Quốc xem Hồng Kông là một trung tâm rửa tiền (tẩu tán tài sản). Tuy nhiên, nếu các tham quan muốn tìm nơi ẩn náu lâu dài thì Hồng Kông không phải là nơi lý tưởng của họ.

Hồng Kông chỉ có thể được sử dụng như một trạm trung gian, có thể tiến hành rửa tiền, hoặc mua hộ chiếu, hoặc có thể ủy thác giao dịch cho các nhà đầu tư. Do đó, Hồng Kông chỉ là bàn đạp cho một số quan chức tham nhũng. Lã Bỉnh Quyền nói rằng Hồng Kông là nơi lý tưởng để các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc và các gia tộc quyền lực rửa tiền và tẩu tán vốn, đây cũng là một bí mật công khai. Họ thông qua các đại lý của mình ở Hương Cảng để điều hành hoạt động và tỏa rộng ra khắp thế giới.

Một số gia tộc trực tiếp điều hành các quỹ riêng với quy mô lớn. Vì họ sẽ không sử dụng tên thật của mình và sẽ không hiển thị chế độ hoạt động của mình một cách rõ ràng nên các quỹ này liên tục chảy vào và ra khỏi Hồng Kông và rất khó điều tra. Ông tiết lộ rằng hầu hết tất cả các gia tộc quyền lực đều hoạt động theo cách này nên điều này đã trở thành sự đồng thuận công khai. Miễn là không có sự khác biệt lớn về chính trị, những gia tộc quyền lực này sẽ không gặp rắc rối, bởi vì mọi người đều có cơ chế lợi ích hỗ tương.

Trừ khi xảy ra chuyện đụng chạm như Bạc Hy Lai, hoặc dòng dõi trực hệ nào đó gặp trục trặc pháp lý thì tài sản sẽ bị điều tra. Tuy nhiên, ông cho rằng xét về tổng thể, Hồng Kông chỉ là bàn đạp cho hoạt động của họ, những tài sản dài hạn hay kho chứa tài sản lớn nhất của các gia đình quyền lực sẽ không ở lại Hồng Kông lâu dài, thay vào đó nó sẽ ở một nơi có độ an toàn tư riêng, bảo mật cao hơn và hoạt động ẩn tàng hơn ở nước ngoài.

Hôm 21/08/2020, Epoch Times cho hay, một danh sách gần 2 triệu đảng viên của Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) ở đảng bộ thành phố Thượng Hải đã bị rò rỉ, những thông tin chi tiết về những đảng viên này như họ tên, số CMND, giới tính, nơi sinh, địa chỉ nhà và số điện thoại đều được hiển thị rõ.

Một cư dân mạng đã thử gọi đến những số điện thoại có trong danh sách rò rỉ và xác nhận rằng thông tin hiển thị trong danh sách là chính xác. Vì thế nhiều người đánh giá rằng bản danh sách này đúng là tài liệu nội bộ bị rò rỉ của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đây là tài liệu mật cấp độ 2 của Đảng cộng sản Trung Quốc, bao gồm 1.957.239 đảng viên thuộc đảng bộ Thượng Hải, có cả đường link để tải xuống danh sách được chứa trong một file excel.

Nhiều người cho rằng danh sách này rất khó bị tin tặc đánh cắp vì Đảng cộng sản Trung Quốc có cơ chế bảo mật rất kỹ các tài liệu nội bộ của họ, do vậy có suy đoán rằng đây là một tài liệu do chính người trong Đảng cộng sản Trung Quốc tung ra với mục đích triệt hạ lẫn nhau. Có một điều trùng hợp là bản danh sách này bị tung ra chỉ ít ngày sau khi New York Times, vào ngày 15/07/2020 cho hay chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc cấm các đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc và người thân của họ nhập cảnh, thậm chí những đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc và người nhà đang ở Mỹ cũng sẽ bị trục xuất.

Một cư dân mạng đã đưa ra bình luận rằng, trong tương lai, một quốc gia nào đó áp lệnh cấm nhập cảnh với các đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc và người thân, thì những người trong danh sách này sẽ bị nhắm làm mục tiêu. Theo Epoch Times, một số phương tiện truyền thông Hồng Kông đã dự báo rằng làn sóng trừng phạt thứ hai của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông sẽ sớm đến, bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với con cháu của của các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc.

Theo bản tin ngày 15/08/2020 của Apple Daily, ông Solomon Yue, phó chủ tịch Tổ chức các vấn đề hải ngoại của Đảng Cộng hòa Mỹ, tiết lộ trên Twitter rằng, do vụ Đảng cộng sản Trung Quốc bắt giữ ông trùm truyền thông Lê Trí Anh, vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ sẽ sớm đến, và sẽ nhắm vào thế hệ thứ hai và thứ ba của các quan chức trong chế độ đỏ Trung Quốc. Ngày 07/08/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc vì đã "phá hoại quyền tự trị và tự do của Hồng Kông". Các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc đã đánh vào "điểm yếu" của tổ chức này.

Trong 41 năm qua, gia đình và con cái của các quan chức cấp cao trong Đảng cộng sản Trung Quốc đã di cư đến Hoa Kỳ và các nước phương Tây phát triển khác với số lượng lớn, đồng thời họ cũng đã mang theo một lượng tài sản tham nhũng khổng lồ của cha ông họ sang những nước này. Theo chuyên gia Viên Cung Di, số tiền mà các gia đình quyền lực trong Đảng cộng sản Trung Quốc chuyển ra nước ngoài có thể lên tới 10 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Trong đó, phần lớn nhất thuộc về các thành viên trong gia đình cựu lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ. Đối mặt với việc Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực, hủy bỏ thị thực, từ chối nhập cảnh, hủy bỏ tình trạng thường trú nhân (thẻ xanh), hủy bỏ quốc tịch, trục xuất, đóng băng tài sản, ngừng giao dịch, xóa khỏi hệ thống tài chính toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo và các biện pháp trừng phạt khác, các quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc, cho dù họ hiện vẫn đang đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, cũng như gia đình và con cái của họ, liệu Đảng cộng sản Trung Quốc có sợ hay hãi không ? 

Lần này Mỹ đang tung tất cả các chiến thuật và ra đòn một cách toàn diện để tấn công Trung Quốc, tuy chưa tung đòn chiến tranh, nhưng trên một số lĩnh vực cụ thể, Mỹ sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Có như thế, các quốc gia thuộc không gian FOIP, đặc biệt là các nước ASEAN mới tin tưởng vào quyết tâm "tạo ra sự thay đổi" như tuyên bố hôm 24/07/2020 của ngoại trưởng Pompeo từ Quận Cam, miền nam tiểu bang California.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 21/07/2020, báo Japan Times đã dẫn thông báo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết lực lượng này đang tiến hành cuộc tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Australia và nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ. Đợt diễn tập giữa hải quân ba nước như vừa nêu tại khu vực Biển Philippines diễn ra từ ngày 19/07/2020 và sẽ kết thúc vào ngày 23/07/2020.

Mục tiêu được nói rõ là để làm rõ cam kết trong chiến lược tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tham gia đợt diễn tập phía Nhật Bản có tàu khu trục JS Teruzuki thuộc lớp Akizuki ; phía Australia có các tàu HMAS Canberra, Hobart, Stuart, Arunta và Sirius. Phía Hải quân Hoa Kỳ ngoài hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan còn có tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin.

Trước khi xảy ra sự kiện nói trên, ngày 17/07/2020, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tiến vào khu vực Biển Đông. Đây là cuộc tập trận lần thứ hai chỉ trong vòng nửa tháng. Hai nhóm tàu sân bay này của Mỹ cùng hơn 12 ngàn nhân viên quân sự, các tàu khu trục, tàu tuần dương hộ tống cùng hoạt động tại Biển Đông. Ngoài ra có hơn 120 máy bay đã được triển khai, tiến hành tập trận phòng không chiến thuật với mục đích để duy trì tính chuyên nghiệp và khả năng sẵn sàng tác chiến, bảo đảm phản ứng nhanh trước bất cứ sự cố bất ngờ nào.

Tin nầy đã được Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ loan đi, dẫn lời phát biểu của chuẩn đô đốc Jim Kirk, Chỉ huy Nhóm tác chiến USS Nimitz, rằng : "Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan hoạt động trên Biển Đông, nơi được luật pháp quốc tế cho phép, nhằm củng cố cam kết của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)". Ngay đến cả Viện Sáng kiến Điều tra Nam Hải thuộc Đại học Bắc Kinh cũng từng công bố ghi nhận trong hai ngày 15 và 16/07/2020, Hải quân Hoa Kỳ đã cho máy bay bay qua Biển Đông để đến Đài Loan.

Cụ thể, vào trưa ngày 15/07/2020, máy bay không người lái trinh sát tầm cao MQ-4C Triton bay qua Biển Đông đến phía đông nam Đài Loan. Sáng ngày 16/07/2020, một máy bay chống ngầm P-8A và máy bay tiếp liệu trên không KC-135R tiếp tục bay qua Biển Đông để đến phía tây nam Đài Loan.

Trong khi đó mạng Nikkei Asian Review của Nhật vào ngày 17/07/07 loan tin quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai một đơn vị tác chiến điện tử đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tin cho hay hoạt động này sẽ được triển khai vào năm tới để thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau, trong đó có tác chiến điện tử và tác chiến mạng.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là tất cả mọi động thái can dự nói trên của chính quyền Hoa Kỳ diễn ra ngay sau tuyên bố mạnh mẽ ngày 13/07/2020 của ngoại trưởng Michael Pompeo. Nó cho thấy sự cứng rắn hơn trong chính sách của Mỹ tại một khu vực rất quan trọng nhưng đầy bất trắc của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó là Biển Đông - nơi mà Trung Quốc đang thực thi hành động bá quyền khu vực. Rõ ràng là hành động của Mỹ đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định lập trường của Washington chống đối đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ Biển Đông bất hợp pháp của Trung Quốc.

Tổng hợp ý kiến từ giới chuyên gia, ít nhất có 3 lĩnh vực Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, đó là tăng cường viện trợ, hợp tác, đào tạo dành cho các nước trong khu vực và kịp thời ngăn chặn các hành động của Trung Quốc lăm le chiếm đóng lãnh hải và lãnh thổ các nước nhỏ trong vùng Đông Nam Á. Nhờ vậy các quốc gia thuộc không gian FOIP, đặc biệt là các nước ASEAN tin tưởng vào lộ trình bao quát của Washington, bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong tương lai. Viện trợ ở đây được hiểu là Mỹ sẵn sàng gia tăng các khoản cho vay, cũng như các hoạt động đầu tư và thương mại, đặc biệt là đối với các nước Đông Nam Á.

Riêng đối với Việt Nam, sau khi "Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011", "Tuyên bố về tầm nhìn chung năm 2015 và bản kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020" hết hạn, thì chương trình hợp tác và đào tạo Việt - Mỹ sau 2020 sẽ là gì ? Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam từng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó nhấn mạnh nội dung nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Tuy nhiên, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ từ "đối tác toàn diện" lên "đối tác chiến lược" xem ra vẫn còn là câu chuyện của tương lai, vì trở ngại từ đàn anh Trung Quốc của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, từ hai tháng trở lại đây, hàng loạt các thành viên trong nội các Trump lần lượt liên tiếp nhau lên án các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Hôm 24/06/2020, cố vấn an ninh quốc gia Robert C. O’Brien tấn công thẳng vào hệ tư tưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ngày 07/07/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray nêu bật các đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của nước Mỹ. Ngày 17/07/2020, bộ trưởng tư pháp William Barr phân tích các phản ứng của Hoa Kỳ đối với các tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

Đến lượt ngoại trưởng Pompeo, ngày 23/07/2020 mới đây, đã tổng kết toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Có thể nói chính phủ Hoa Kỳ lần này tung tất cả các chiến lược và tung đòn một cách toàn diện và dữ dội để tấn công Trung Quốc. Vì vậy, nhiều nước trong khu vực kỳ vọng rồi đây Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa các công cụ ngoại giao hoặc kinh tế. Chính sách của Mỹ, ít nhất qua những tuyên bố từ các nhân vật chóp bu trong hành pháp, có vẻ như đang thay đổi. Mỹ sẽ chủ động hơn trong việc định hình trật tự mới theo những nguyên tắc đã được "Bộ tứ" hay "Bộ tứ Mở rộng" bàn thảo.

Với sự cam kết của "Bộ tứ" (QUAD) cốt cán (ngoài Mỹ ra là Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), nay lại thêm cả Anh quốc, Canada cùng "kề vai sát cánh", hy vọng hệ thống các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ trên thế giới sẽ cảm nhận được hình hài của "vành đai chiến lược mới" sau những can dự cụ thể như hỗ trợ Việt Nam và một số nước ASEAN tiền tuyến. Sau tuyên bố 13/07/2020, đặc biệt là sau tuyên bố 23/07/2020 của ngoại trưởng Pompeo, thế giới kỳ vọng nhiều hơn vào Hoa Kỳ.

Cho đến nay, Mỹ đã thể hiện quan điểm của mình bằng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) hay các cuộc tập trận quân sự như vừa nêu trên. Cục diện ĐNÁ và trật tự thế giới rồi đây sẽ khác. Các nền dân chủ đang đón đợi để được chia xẻ qua lời khẳng định của ngoại trưởng Pompeo tại tuyên bố 23/7/2020 như sau : "Cách duy nhất để thực sự thay đổi Trung Quốc cộng sản là hành động không dựa trên những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, mà dựa theo lối họ hành xử" (Nguồn : RFA, 26/07/2020 - Hải Đăng).

Hai ngày sau bài diễn văn lịch sử của ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo, hôm 23/07/2020 tại Thư viện & Bảo tàng Nixon ở California , Giáo sư Nguyễn Ngọc Chu đã nghiên cứu liệt kê "21 quan điểm đá tảng của chính quyền Tổng thống Donald Trump về Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" cho thấy nguy cơ của Trung Quốc rõ ràng là không lối thoát trước chiến lược tấn công toàn diện về kinh tế chính trị văn hòa xã hội, nhắm thẳng vào Đảng cộng sản Trung Quốc 

*************************

26. Giấc mộng Trung Hoa không thành của Tập Cận Bình

Khả năng Trung Quốc của Tập Cận Bình có thể thực hiện được giấc mộng Trung Hoa bá chủ giới hầu như không hiện thực và đã bị loại trừ.

dcsvn2

Thực tế của "giấc mộng Trung Hoa" này đối kháng triệt để với những giá trị dân chủ và tự do của văn minh nhân loại, vì thế làm cho nước Trung Quốc của giấc mộng Trung Hoa hôm nay trở thành vấn đề của cả thế giới

Thế giới thời hậu đại dịch covid-19 khách quan đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi triệt để vì sự tồn tại và phát triển của chính mình trong một thế giới đã đổi khác.

Hơn nữa sự phát triển tự thân của Việt Nam hôm nay đã đi tới đòi hỏi cấp thiết phải tìm đường chuyển lên một thời kỳ phát triển mới cao hơn và bền vững hơn. Hơn thế nữa, nằm ở vị trí địa đầu của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam lọt vào một trong những tâm điểm quyết liệt nhất, nóng nhất của mâu thuẫn đối kháng Mỹ - Trung, với tất cả những hệ lụy nguy hiểm nhất có thể - bao gồm cả tình huống có thể xảy ra chiến tranh cục bộ, hoặc chiến tranh xâm lược từ phía Bắc.

Trên tất cả, mối quan hệ Việt - Trung dù quan trọng đến mức sống còn đối với Việt Nam như thế nào đi nữa, dù phía Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể hoặc thậm chí đã quá mức có thể để gìn giữ, củng cố mối quan hệ song phương không thể thiếu này. Song le, những xâm phạm, sự can thiệp, và những thách thức mới ngày càng nhiều và thường trực hơn từ phía Trung Quốc đã đi quá lằn ranh đỏ, đã và đang kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, uy hiếp nghiêm trọng Việt Nam trên nhiều phương diện. 

Với những gì có được ở ngay tầm tay Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay trong bối cảnh cục diện thế giới toàn cầu hóa mới này, thì Việt Nam hoàn toàn không hội đủ mọi điều kiện để giải quyết thành công 3 loại thách thức nói trên để phát triển quốc gia mình và đồng thời để đưa quan hệ Việt - Trung vào thời kỳ phát triển lành mạnh đúng như nhân dân hai nước mong đợi.

Mọi quỵ lụy yếu hèn hèn dưới thân phận cộng sản đàn em nhu một chư hầu suốt 30 năm qua đối với Trung Quốc chỉ mời gọi thảm bại và sự lấn tới của Trung Quốc. Điều nguy hại là Đảng cộng sản Việt Nam không ý thức sâu sắc được chính mình và đủ tầm nhìn nhận được thấu đáo cục diện và xu thế vận động của thế giới hôm nay.

Cho dù Đảng cộng sản Việt Nam không muốn tham gia vào các tranh chấp và cũng không muốn bị lôi kéo vào các tranh chấp và chỉ muốn trung lập bề ngoài giữa Mỹ và Trung Quốc để được yên ổn, nhưng thực tế không cho phép Việt Nam được yên ổn để trung lập, bởi vì :

- Việt Nam không có hoàn cảnh phù hợp để mà được trung lập như một số các quốc gia ở Châu Âu.

- Việt Nam không có vị trí địa lý biệt lập ở xa hẳn Trung Quốc và vùng hàng hải tự do trên Biển Đông để không bị đe dọa và không bị can dự vào tranh chấp.

- Việt Nam lại nằm ở một vị trí chiến lược quan trọng trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.

- Việt Nam có biên giới với Trung Quốc - là nước từ nhiều ngàn năm đã tiến hành hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

- Việt Nam phải ở cạnh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - là cường quốc đang nổi lên với một thể chế dị tật nhất trong lịch sử nhân loại, có những kẻ cầm quyền hung hăng tham vọng bá chủ thế giới, muốn trói buộc các quốc gia khác vào sự lệ thuộc, muốn có nhiều chư hầu để tranh ngôi vị số 1 thế giới.

Cho nên, Việt Nam muốn trung lập cũng không thể được yên ổn mà trung lập. Thực tế lịch sử 70 năm gần đây đã minh chứng, Việt Nam chịu sự ảnh hưởng lớn của thể chế Cộng hòa Nhân dân Trung hoa do Đảng cộng sản Trung Quốc toàn trị. Đảng cộng sản Việt Nam tuy nói là trung lập nhưng lại gắn bó thực tế với Đảng cộng sản Trung Quốc qua "4 tốt và 16 chữ vàng và mật ước Thành Đô 1990", nên quốc tế khó tin vào sự kiện Việt Nam trung lập. Dù thật sự muốn trung lập thì Việt Nam vẫn sẽ không tránh khỏi bị can dự vào cuộc tranh chấp địa chính trị khốc liệt ở Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và Việt Nam phải đối mặt với sự can dự này.

Mâu thuẫn Mỹ - Trung, hình thành với những lý do đã biết, mang tính đối kháng lớn nhất và triệt để nhất kể từ sau chiến tranh thế giới II, giữa một bên là Mỹ quyết bảo vệ vai trò số một thế giới và những giá trị đã làm nên nước Mỹ, và một bên là đế chế Trung Quốc trỗi dậy và cho rằng thời cơ đã đến để thực hiện giấc mộng Trung Hoa bá quyền thế giới.

Trên nhiều phương diện, tính đối kháng của mâu thuẫn Mỹ - Trung hôm nay vượt xa tính đối kháng của mâu thuẫn Mỹ - Liên Xô thời chiến tranh lạnh. Sự thật là thế giới đang đi vào thời kỳ biến động quyết liệt nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II, với những nguy cơ chiến tranh ngày càng nhiều ở những quy mô khác nhau, có thể bắt đầu nổ ra ở trận địa ở một nước thuộc bên thứ ba là Việt Nam, một quốc gia đang bị chiến lược 4 không của Đảng cộng sản Việt Nam ghìm chặt trong cuộc phân tranh toàn cầu Mỹ-Trung.

Những nguyên nhân đưa đến sự vận động của kinh tế thế giới và quá trình toàn cầu hóa của nó từ gần 3 thập kỷ vừa qua cũng đang chuyển sang một giai đoạn khác và đang tác động sâu sắc vào sự phát triển của mọi quốc gia. Thực tế này về nhiều mặt là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến mâu thuẫn đối kháng Mỹ - Trung và đồng thời cũng làm cho mâu thuẫn đối kháng này càng triệt để hơn, đại dịch Covid-19 là một giọt nước tràn ly thúc đẩy sự vận động này tiến triển nhanh hơn.

Lợi ích của Mỹ hôm nay và những giá trị nó phải bảo vệ cho sự tồn tại của nó với tính cách là vai trò số một thế giới có nhiều mặt phù hợp với lợi ích và những giá trị phổ quát của nhiều quốc gia hùng mạnh phương Tây, Úc, Canada và Nhật. Trong khi đó mục tiêu bá quyền thế giới của giấc mộng Trung Hoa lại nhằm khuất phục thế giới phải vận động theo những giá trị và khuôn mẫu của đế chế "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc" - nhiều học giả có tên tuổi trên thế giới đã đi tới kết luận chung : Đế chế Trung Quốc trỗi dậy đang muốn tạo dựng nên một thế giới theo cái bóng của nó ! 

Thực tế này làm cho mâu thuẫn đối kháng Mỹ - Trung về nhiều mặt và ngày càng mang tính mâu thuẫn giữa một bên là những giá trị cốt lõi của văn minh nhân loại là tự do và dân chủ, và một bên là độc quyền toàn trị kiểu Trung Quốc. Cũng đã có những bước đi dưới lá cờ của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc vượt xa những gì chủ nghĩa Đức quốc xã Hitler đã làm trong thế kỷ trước.

Thực tế của "giấc mộng Trung Hoa" này đối kháng triệt để với những giá trị dân chủ và tự do của văn minh nhân loại, vì thế làm cho nước Trung Quốc của giấc mộng Trung Hoa hôm nay trở thành vấn đề của cả thế giới, và đang được giải quyết dứt điểm và quyết liệt dưới sự chung sức của cả cộng đồng thế giới - bao gồm cả chính nhân dân Trung Quốc, Hồng Kông & Đài Loan.

Thời kỳ biến động quyết liệt đang nói tới ở đây là một bắt đầu tốt đẹp cho việc hình thành một xu thế chủ đạo mới của trào lưu dân chủ và những giá trị cơ bản của nó, cho nên có thể dự báo thời hậu đại dịch Covid-19 sẽ mở ra thời đại của thể chế dân chủ và của vai trò con người để trở thành 2 yếu tố cơ bản định hình và tạo ra nguyên lý vận động của thế giới toàn cầu hóa mới từ 2020.

Khả năng Trung Quốc của Tập Cận Bình có thể thực hiện được giấc mộng Trung Hoa bá chủ giới hầu như không hiện thực và đã bị loại trừ. Một Trung Quốc thất bại trong việc thực hiện giấc mộng Trung Hoa sẽ là một quốc gia như thế nào - Sẽ là một liên bang Trung Quốc ? Hay là những tiểu Trung Quốc ? Hay là một Trung Quốc nào khác nữa ? Dù thế nào, thất bại nầy của Trung Quốc cũng còn là một nguy cơ tồn vong cho "Đảng cộng sản Việt Nam đồng chí anh em răng môi".

**************************

27. Những nguy cơ nội tại của Đảng cộng sản Việt Nam : Cái gì sẽ đến ?

Một câu hỏi quan trọng mà mỗi người Việt Nam phải có câu trả lời là cái gì sẽ đến : một tình trạng hỗn loạn hay một giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ trong hòa bình và trật tự ?

dcsvn3

Cái gì sẽ đến ? Một tình trạng hỗn loạn hay một giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ trong hòa bình và trật tự ?

A. Kết lại bản báo cáo tổng hợp nghiên cứu

Trước khi kết lại bản báo cáo tổng hợp nghiên cứu nầy, các sự kiện đánh giá về Việt Nam từ quốc tế cần được điểm qua như sau :

1. Giáo dục

Theo chỉ số Human Development Index, nước Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có một trường đại học nào của Việt Nam được lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có chất lượng.

2. Bằng sáng chế

Theo International Property Rights Index, nước Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ.

3. Ô nhiễm môi sinh

Theo chỉ số ô nhiễm môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, gần đội sổ danh sách.

4. Thu nhập bình quân tính theo đầu người

Nước Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.

5. Tham nhũng

Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International 2020, nước Việt Nam đứng hàng 116/177, có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng.

6. Phát triển xã hội

Theo chỉ số chất lượng sống (Quality of Life) thì nước Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng.

7. Y tế

Theo chỉ số y tế, sức khỏe, nước Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.

Việt Nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác ? Đó là nguy cơ tồn vong nhức nhối đặt ra cho Đảng cộng sản Việt Nam.

B. Tụt hậu

Nếu cần có một nhận xét về sự kiện thống nhất 30/04/1975, có thể nói thế này : "Một xã hội văn minh hơn đã bị đè bẹp bởi một xã hội dã man hơn". Sức mạnh quân sự không phải lúc nào cũng đi kèm với trình độ văn minh, ví dụ cho điều đó trong lịch sử đã có rất nhiều. Ví dụ như cuộc xâm lược khắp Á Âu của đội quân du mục Thành Cát Tư Hãn chiếm đóng những quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật và văn minh tiên tiến hơn nhiều. Riêng với Việt Nam, 30 năm sau ngày 30/04/1975, đất nước quay lại với những nền tảng căn bản mà người Việt Nam đã đạt được ở miền Nam trước năm 1975, một sự thụt lùi sâu sắc của lịch sử.

Mượn sức mạnh của lòng yêu nước để đạt được quyền lực và thiết lập được chế độ cai trị, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam đã đánh cắp luôn chiến thắng ấy bằng cách ghi quyền cai trị của họ vào hiến pháp sau ngày thống nhất. Xương máu và tổn thất thuộc về toàn bộ người Việt Nam, nhưng thắng lợi thì chỉ thuộc về một mình Đảng cộng sản Việt Nam. Chế độ cầm quyền hiện nay kế thừa di sản của những người cộng sản đời đầu.

Một mặt thì Đảng cộng sản Việt Nam luôn có lý do và nhu cầu để xích gần Trung Quốc, khi cả hai đảng là những thứ tồn tại bị thế giới coi là dị dạng. Đó là lý do ông Nguyễn Văn Linh tìm cách bắt tay với Trung Quốc bằng mọi giá ở hội nghị Thành Đô 1990, khi hàng loạt chế độ cộng sản trên thế giới sụp đổ. Mặt kia là chủ nghĩa bành trướng hiện là một cứu cánh để kéo dài thời gian cai trị của chế độ cộng sản Trung Quốc, nó khiến cho chế độ cộng sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ lớn là đất nước sẽ bất ổn và bị thôn tính. Đồng thời cần làm rõ một thực tế : "Chế độ cai trị này không thể trường tồn".

Họ phải thừa nhận thực tế đó, để hoặc cùng tham gia vào kiến tạo tương lai với phần còn lại của đất nước, khi đó họ sẽ vẫn còn chỗ trong tương lai, hoặc cứ tiếp tục mù quáng tiếp tục đi trên con đường tội phạm và sai lầm hiện tại. Điểm kết cuối cùng sẽ là một cuộc chiến tương tàn, ngoại bang xâm lấn chủ quyền và bản thân họ, với tư cách những kẻ tội đồ mất khả năng cải tạo, bị tàn sát hàng loạt.

Những kẻ độc tài chóp bu khó có cơ hội chạy trốn ra nước ngoài trong thế giới toàn cầu hóa mới ngày nay. Kadafi, Saddam Hussein, sau những tội ác ghê rợn gieo rắc cho người dân, sở hữu tới hàng chục và hàng trăm tỷ USD, nhưng đều bị tận diệt. Không ai hình dung ra viễn cảnh các tay cộng sản chóp bu ở Việt Nam sẽ chạy trốn sang Trung Quốc.

Cuối thập niên 1980, sự tan rã của hàng loạt các nhà nước cộng sản đánh dấu sự cáo chung của phong trào cộng sản toàn cầu. Trong lúc đó, những người cộng sản ở Trung Quốc và ở Việt Nam loay hoay tìm cách thay đổi để kéo dài thời gian cai trị. Họ thấy rằng có thể vay mượn nền kinh tế thị trường vốn có năng lực nổi trội để tạo ra của cải ở phương Tây, và dựa vào đó làm bầu sữa nuôi sống cho bộ máy cai trị độc tài của mình.

Trung Quốc tiến hành những cải cách cho phép sự hiện diện của đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân vào cuối thập kỷ 1970. Chế độ cộng sản Việt Nam nối gót chậm hơn, vào khoảng giữa cuối thập niên 1980. Cả hai chế độ cộng sản này đều gặp may, vì các nước phương Tây sau khi chứng kiến sự tan rã của hàng loạt nhà nước cộng sản Đông Âu đã cho rằng sớm muộn gì Trung Quốc hay Việt Nam cũng sẽ phải từ bỏ con đường bế tắc ấy. Vốn nước ngoài và công nghệ đổ vào những đất nước này và tạo ra những nguồn lực mới.

Trong khi đó việc giành được quyền tồn tại cũng khiến các lực lượng tư nhân tham gia vào việc tạo ra của cải. Tuy nhiên đây cũng là lúc đánh dấu sự tuyệt chủng của những người cộng sản đúng nghĩa tại Việt Nam. Các lợi ích kinh tế được tạo ra cùng với quyền lực độc tài không được kiểm soát đã khiến toàn bộ đội ngũ cai trị tại nước cộng sản Việt Nam nhanh chóng thoái hóa và đánh mất chút niềm tin lý tưởng cuối cùng.

Kết quả là họ trở thành một tập đoàn tội phạm gắn kết với nhau bởi những khẩu hiệu chẳng ai còn tin và các món lời được tạo ra từ bòn rút ngân sách, từ việc lạm dụng quyền lực hoặc kiếm lợi từ lợi thế thông tin bất bình đẳng. Thực tế chế độ cộng sản đã chết từ lâu ở cả Trung Quốc lẫn cộng sản Việt Nam, còn lại chỉ là một tập đoàn cai trị độc tài tham nhũng dưới cái vỏ cộng sản.

C. Căn bệnh trầm kha

Hai thứ bùa thiêng từng giúp những người cộng sản nắm quyền là cái bánh vẽ về một xã hội bình đẳng thì nay đã chẳng còn lừa gạt được ai khi chính họ đang là một đẳng cấp ưu tiên với mọi đặc quyền. Tuy nhiên, thứ vũ khí siêu hạng còn lại là kiểm soát thông tin và tiêu diệt mọi trí thức có năng lực tư duy độc lập thì họ vẫn đang làm rất tốt. Trung Quốc kiểm soát mạng xã hội cực kỳ ngặt nghèo và thanh trừng khốc liệt mọi trí thức đối lập. Việt Nam cũng đàn áp và triệt hạ không tiếc tay mọi trí thức phản biện với hàng loạt án tù. Bên cạnh đó, họ vẫn tiếp tục cố gắng duy trì hoạt động tuyên truyền để có thể lừa gạt càng lâu càng tốt những thành phần dân trí thấp nhằm kéo dài thời gian tồn tại.

dcsvn4

Cuộc cách mạng Internet đã bồi thêm những đòn trí mạng vào bức màn sắt kiểm duyệt tư tưởng và tuyên truyền của những chế độ cộng sản. 

Tất nhiên đó là những nỗ lực không có ngày mai vì theo thời gian, khi chứng kiến tình trạng tham nhũng lan tràn, khi đối diện với sự tận diệt môi trường, những món nợ khổng lồ mà những tay cộng sản tham nhũng mang về cho đất nước, sự tuyên truyền của bộ máy cộng sản ngày một mất hiệu quả. Cuộc cách mạng Internet đã bồi thêm những đòn trí mạng vào bức màn sắt kiểm duyệt tư tưởng và tuyên truyền của những chế độ cộng sản. Họ càng lúc càng mất khả năng kiểm duyệt và bóp nghẹt các luồng tư tưởng tự do.

Bên cạnh đó chính nền kinh tế thị trường mà họ vay mượn từ các xã hội phát triển phương Tây đã tạo ra sự hội nhập và giao lưu văn hóa mà họ không thể chặn lại được. Vấn đề mà tất cả các lãnh tụ cộng sản đều nhận ra : Không phải là có tồn tại được hay không mà là còn tồn tại được bao lâu nữa ?

Những căn bệnh trầm kha mà Trung Quốc đang mắt phải thì Việt Nam đang thâm nhiễm nặng nề và gần như giống hệt nhau. Một bộ máy tha hóa tham nhũng đến tận gốc rễ với hiệu năng cai trị ngày càng suy giảm. Các nguồn tài nguyên cạn kiệt và môi trường bị tàn phá nặng nề đến mức mất khả năng duy trì cuộc sống thông thường. Tình trạng bất công lan tràn với nạn lạm dụng quyền lực của bộ máy cai trị đã bị lưu manh hoá.

Gánh nặng nợ công đè ngập cổ người dân cộng với mức thuế phí nặng nề trong khi các dịch vụ an sinh xã hội vô cùng tồi tệ. Chính sách dân tộc và chủ nghĩa bành trướng của Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay vừa là một nguy cơ sinh tồn nhưng cũng đồng thời là bình tiếp oxy hà hơi cho Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng lại là sự thật.

Trên thực tế, chính bản thân những nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng hiểu rất rõ họ đang đối mặt với sự sụp đổ từ bên trong, và thời gian tồn tại của nền cái trị độc tài cộng sản ở quốc gia này là một chiếc đồng hồ đếm ngược. Sự lai căng quái đản giữa mô hình cái trị độc tài và nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã tạo ra những vấn nạn mà chế độ này không thể tự giải quyết được. Toàn bộ nền tảng lý luận của họ đã bị thực tế phủ nhận và lộ rõ tính ảo tưởng, những đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất lâm vào sự khủng hoảng khi không còn lý tưởng soi đường.

Trong khi đó, quyền lực độc tài và những món lợi kinh tế được tạo ra từ sự cấu kết giữa quyền lực chính trị và các hoạt động kinh tế tư bản rừng rú đã khiến bộ máy cai trị của Việt Nam tha hóa nhanh chóng đến tận gốc rễ. Trên thực tế, tất cả các đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất tại nước cộng sản Việt Nam đều không sống bằng những nguồn thu nhập công khai, họ vơ vét tiền và làm giàu nhanh chóng từ những lợi thế quyền lực và thông tin mà chế độ ban phát cho họ. 

Thế giới đương đại đang đứng trước một khúc quanh quan trọng của lịch sử. Một trật tự thế giới mới đang được thiết lập sau đại dịch Covid-19. Trung Quốc, Nga và các nước độc tài còn lại đang bị nhìn nhận như là mối đe dọa cho hòa bình thế giới và đó là điều mà người Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Một "trật tự dân chủ mới" sẽ không có chỗ cho các nước độc tài.

Mọi dễ dãi và ưu đãi của thế giới dành cho Việt Nam sẽ chấm dứt hoặc chỉ dừng ở mức thấp nhất nếu Việt Nam không chuyển hóa về dân chủ. Các công ty lớn của thế giới sẽ không đến Việt Nam vì họ lo lắng và không biết cuộc cách mạng dân chủ đường nào cũng phải xảy ra ở Việt Nam sẽ như thế nào. Trật tự dân chủ mới đó sẽ khiến Đảng cộng sản Việt Nam dù muốn dù không cũng phải chấp nhận dân chủ hóa đất nước. 

D. Thành quả năm 2020

Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam cướp được chính quyền cai trị Miền Bắc rồi cả nước suốt 45 năm qua thì người dân Việt Nam vào năm 2020 nầy đang có được những gì ? Mạng xã hội trong tháng Bảy & Tám /2020 vừa qua đã chia sẻ mạnh mẽ một bản tổng kết như sau :

1. Về giá trị tiền tệ, nước Việt Nam nằm trong top 3 giá trị kém nhất.

2. Về môi trường, nước Việt Nam nằm top 20 ô nhiễm nhất.

3. Về GDP đầu người, với tầm 2.500 USD nước Việt Nam đứng áp chót.

4. Về lương bổng, với 200 USD trung bình mỗi tháng, nước Việt Nam đứng ở mức gần chót.

5. Về đóng góp cho nhân loại, gần như không ai biết đến Việt Nam, ngoài chiến tranh và món ăn "Phở".

6. Về mức độ hài lòng của dân chúng, nước Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ xuất ngoại định cư nhiều nhất. Ước tính mỗi năm có khỏang 100,000 người ra đi.

7. Về tự do báo chí, nước Việt Nam ngang hàng với các nước như Iran và Trung Quốc, nơi tự do ngôn luận bị kiểm soát và thông tin bị kiểm duyệt.

8. Về quan liêu và tham nhũng thì 2 lãnh vực nầy đã trở thành thương hiệu quốc gia của nước Việt Nam.

9. Về danh dự quốc gia thì tại Nhật Bản, Việt kiều của nước Việt Nam đứng đầu danh sách tội phạm ăn cắp nhiều nhất.

10. Về giá trị con người ở Đài Loan và Hàn Quốc, thì cô dâu đến từ nước Việt Nam nhiều nhất.

11. Về giá trị tinh thần, nước Việt Nam có tỷ lệ phá thai cao nhất.

12. Về thuế phí, tỷ lệ trên GDP đưa Việt Nam đứng nhất nhì bảng trong khu vực.

13. Về giá xe và xăng dầu, người tiêu dùng ở đất nước này trả giá cao nhất.

Mười ba sự kiện nêu trên cho thấy :

Thứ nhất là sau 75 năm qua Việt Nam, gần như thất bại toàn diện về việc quản trị và phát triển quốc gia. Để duy trì độc tài toàn trị, Đảng cộng sản Việt Nam biến hệ thống quyền lực thành hệ thống kiếm tiền bằng quyền lực để neo giữ những nô bộc trung thành, để ứng phó và triệt tiêu đối lập nhằm nắm quyền lực độc tôn. Đảng cộng sản Việt Nam và các cá nhân trong hệ thống chính trị ngày nay đã trở thành tập đoàn tham nhũng và lợi ích nhóm có được từ quyền lực nhưng vẫn mang danh xã hội chủ nghĩa. 

Chế độ này đã đánh mất chủ quyền một phần lãnh thổ và lãnh hải, tàn phá tài nguyên quốc gia - đất nước Việt Nam từng tự hào với ‘rừng vàng, biển bạc’ - làm cho rừng bị triệt phá đến mức xác xơ để lấy gỗ, lẫy chỗ xây biệt phủ, đền đài, biển thì bị ô nhiễm nặng nề do không quản lý được hệ thống xả thải từ hoạt động công nghiệp từ công ty nước ngoài.

Thêm nữa là chế độ Việt Nam không cải thiện được đời sống nhân dân. Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam càng ngày càng tỏ ra chối từ hoặc suy giảm trách nhiệm điều hành phúc lợi và thuế để lo an sinh xã hội cho dân, mặc cho dân phải hết sức chật vật, nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng, giàu nghèo quá cách biệt. Có nhiều ý kiến cho rằng chế độ cộng sản Việt Nam đang tiệm cận đến sự thoái trào.

E. Thách thức tự do - dân chủ

Nhà văn Võ Thị Hảo - tỵ nạn chính trị tại Berlin, Đức đã "dùng hình tượng để nói chế độ hiện nay thể hiện đúng sức khỏe của một ông lão dưới 80 mặc bộ đồ complê Trung quốc, đi giày tây, có song song hai quốc tịch Việt Nam và quốc ngoại (như Cyprus chẳng hạn) để nếu có biến thì có thể sẵn sàng thoát li đi thật nhanh, để lại sau lưng mọi hậu quả". Bà nhấn mạnh : "Chế độ sau 75 năm, nay mang nhiều bệnh nan y nhưng lại chối từ mọi chữa trị, trái lại lại sẵn sàng cầm dao súng đánh đuổi, bỏ tù những bác sĩ đưa ra kết quả chẩn bệnh và thuốc thang cứu mạng cho thể chế này".

Bà Võ Thị Hảo còn dự đoán thêm : "Trong tương lai gần, phe được cho là thân Trung Quốc vẫn thắng thế. Trong khoảng 5 năm tới, e rằng đa số người dân sẽ càng nghèo, thậm chí kiệt quệ vì thể chế này và ảnh hưởng của Covid-19 cùng thiên tai. Đây là thách thức cực lớn cho đảng cộng sản. Tương lai xa mà tất cả đều có thể, sự bất công và yếu tố địa chính trị, có thể góp phần tạo nên thời vận cho một nền dân chủ…".

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì cho rằng "chế độ này đang ở vào giai đoạn cuối của chu kỳ tự nhiên "sinh - lão - bệnh - tử". Xét cho cùng, sức khỏe của một thể chế cũng không khác gì so với sức khỏe con người. Liên Xô và các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu là những ví dụ sinh động. Một loạt các nước Mỹ Latinh cũng đã rơi vào trường hợp đó. Câu chuyện của Việt Nam hiện nay liên quan cả đến đối nội và đối ngoại. Một cơ thể già nua tất sẽ sinh nhiều bệnh tật".

Ông Mai Thanh Sơn nhận định thêm : "Theo tôi, xét theo quy luật lịch sử, chế độ nào rồi cũng có hồi cáo chung để được thay thế bằng một chế độ khác ưu việt hơn, hợp lòng dân hơn.Vấn đề chỉ là khi nào và bằng cách nào ? Tôi, chắc cũng như đại đa số quốc dân Việt Nam khác, đều mong muốn có một sự chuyển đổi trong hòa bình, thông qua các cuộc đối thoại giữa những người anh em Việt, với tinh thần thượng tôn quốc gia/dân tộc thay vì dựa vào những người đồng chí có chung một ý thức hệ đã bị thế giới ruồng bỏ.

Triển vọng thì nhiều, vì hiện nay dân trí đã cao hơn so với dăm bảy thập niên trước. Nhưng thách thức cũng vô cùng lớn, bởi tất cả các nhà cầm quyền (cá nhân và tập thể) luôn có xu hướng bảo thủ. Việt Nam chắc chắn cũng không là ngoại lệ. Và các kinh nghiệm cũng cho thấy, sự sinh thành nào cũng đớn đau".

Như vậy, thách thức gặp phải không chỉ riêng của Đại hội 13 mà của cả Đảng cộng sản Việt Nam xoay quanh hai vấn đề lớn nhất là dân chủ và tự do.Về dân chủ thì dường như là điều không thể với Đảng cộng sản Việt Nam vì sự độc quyền lãnh đạo là điều kiện sống còn của Đảng.

Đảng cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định là lực lượng lãnh đạo mạnh mẽ, độc tôn đối với xã hội, đất nước. Đảng vẫn nhấn mạnh "kiên định" chủ nghĩa Marxism - Leninism, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tự do thì lại càng là một điều bị Đảng cộng sản Việt Nam dị ứng rõ rang như sự đàn áp tự do ngôn luận, ngay cả lời kêu cứu của dân oan vẫn một lòng tin đảng vẫn bị đàn áp, đến mức năm 2020 này đã xẩy ra vụ tập kích và thảm sát Đồng Tâm.

Cần làm rõ một thực tại cuối cùng trước đây : Những người cộng sản thế hệ của ông Hồ Chí Minh, khi tin vào lý thuyết cộng sản, bản chất là đã tin vào một con đường không có lối ra. Sự thất bại của Liên Xô, Việt Nam và tất cả các nước cộng sản trong quá khứ trong việc tạo ra các giá trị vật chất so với phương Tây có căn nguyên gốc rễ chính từ sự ảo tưởng và bịp bợm ngay từ đầu trong lý thuyết cộng sản mà họ tôn sùng.

Tương lai nhân loại trong kỷ nguyên mới sau năm 2020 sẽ là một xã hội văn minh, khuyến khích sự sáng tạo của con người trong đó các chính sách xã hội và tái phân phối thu nhập sẽ điều tiết một cách nhân văn, để bất cứ công dân nào cũng có cơ hội có một mức sống tối thiểu, được học hành, được chăm sóc y tế, bình đẳng trước luật pháp, và điều quan trọng nhất là họ sẽ có cơ hội được vươn lên cao trong xã hội nếu có tài và chăm chỉ. Hiện nay nhiều xã hội phương Tây, đều đã ngấp nghé xây dựng được những cơ sở có thể nói là bền vững cho một xã hội như vậy.

Và chắc chắn đó không phải là thứ chủ nghĩa cộng sản ảo tưởng, vốn đã gây bao tai họa cho nhân loại. Những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên là những người cuồng tín luôn tin rằng mình duy nhất đúng và sẵn sàng tiêu diệt không thương tiếc những ai khác ý kiến với mình. Về mặt này, họ không khác gì nhà nước hồi giáo IS hiện nay, phạm những tội ác không gớm tay nhưng vẫn luôn tin rằng mình đúng. Một lý tưởng sai lầm và sự cuồng tín mê muội chính là đặc trưng căn bản của những người cộng sản thế hệ của ông Hồ Chí Minh. Họ để lại một di sản sai lầm và những kẻ hậu duệ của họ biến đi sản ấy thành một thứ quái vật tiêu diệt mọi tiềm năng đất nước.

Hầu như không còn ai tại nước Việt Nam còn tin rằng chế độ cai trị hiện tại của cộng sản có thể trường tồn. Câu cửa miệng của các quan chức Đảng cộng sản Việt Nam khi gửi vợ con và các tài sản vơ vét được ra nước ngoài là : "Cũng chẳng còn được lâu nữa đâu".

Trên thực tế các xã hội như Việt Nam (và cả Trung Quốc) từ lâu đã biến thành những xã hội phân biệt đẳng cấp sâu sắc. Nếu có những thống kê thực tế về tài sản của các đảng viên Đảng cộng sản cỡ trung cao cấp và toàn bộ phần còn lại của đất nước thì chắc chắn rằng hầu hết các tài sản và nguồn lực kinh tế của những quốc gia này đều nằm dưới sự chi phối, sở hữu và thao túng của các hậu duệ cộng sản. Khởi nguồn từ những cuộc đấu tranh giai cấp, nhưng hiện nay chính họ lại là một giai cấp mới, sở hữu hầu kết các nguồn lực kinh tế và sở hữu tuyệt đối về quyền lực chính trị.

Tất nhiên, kiểu tồn tại của họ sẽ không thể lâu dài, vì tự thân nó là nguyên nhân của sự diệt vong. Bằng cách tận diệt tài nguyên và đánh đổi các giá trị môi trường, Việt Nam đã tạo được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế ngắn hạn. Đây được coi là thứ bùa thiêng để các nhà tuyên huấn cộng sản tuyên truyền nhằm duy trì tính chính danh của mình. Tuy nhiên, đó là sự phát triển không có ngày mai, vì đó là sự vay mượn tận diệt từ tương lai để đốt hết cho hiện tại, trong khi các vấn nạn về tham nhũng, tha hóa, bất bình đẳng kìm kẹp xã hội đến nghẹt thở và càng lúc càng nặng nề.

Ở chiều ngược lại là một nền tảng dân chúng ngày một khao khát tự do. Mặc dù biết chắc phía trước là vực thẳm, nhưng đội ngũ lãnh đạo chóp bu ở nước cộng sản Việt Nam (kể cả Trung Quốc) đều tin rằng họ có thể trì hoãn được thời gian. Những nỗ lực của họ không phải để hướng tới tương lai mà là để kéo dài cái chết. Điểm kết cuối cùng là những tay cộng sản nặng túi sẽ tìm cách đào thoát khỏi con tàu sắp đắm.

F. Sự tất yếu

Không có một quốc gia nào là hoàn hảo trên thế giới này. Nhưng cái hay của những quốc gia tự do, dân chủ là người dân luôn luôn có quyền lên tiếng chỉ trích, phản đối, xuống đường biểu tình, báo chí truyền thông săm soi phê phán những người đứng đầu quốc gia và chính phủ hàng ngày, từ đó chính phủ biết mà điều chỉnh những sai sót để xã hội tốt đẹp hơn, quốc gia phát triển hơn nữa.

Ngược lại ở những quốc gia độc tài độc đảng như Việt Nam, vì không có một cơ chế nào để kiểm soát, hạn chế quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ, quốc hội, luật pháp, nên tất cả truyền thông đều nằm trong sự kiểm soát và chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Người dân nếu lên tiếng chỉ trích, phê phán nhà cầm quyền thì bị xách nhiễu, bắt bớ, cầm tù…nên đảng và nhà nước muốn làm gì thì làm.

Hậu quả là ở nước Việt Nam, con người hoàn toàn không có tự do dân chủ, nhận quyền bị chà đạp, về kinh tế thì khoảng cách giàu nghèo quá lớn, bất công xã hội đầy dẫy, người dân đóng đủ loại thuế nhưng lại không được hưởng bất cứ sự hỗ trợ gì từ nhà nước, giáo dục nát bét, đạo đức xã hội xuống cấp, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, tham nhũng trở thành "quốc nạn" không thể diệt trừ, và…

Các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam có lẽ cần phải hiểu cho rõ bài học mà ông Milos Vystrcil, chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech nêu ra trong chuyến thăm Đài Loan cuối Tháng 8/2020 như sau : "Đất nước ông giành được dân chủ và tự do vào cuối năm 1989 không phải nhờ vào việc đa số người dân đứng lên nổi dậy lật đổ chính quyền. Ngược lại, nền dân chủ và sự tự do đó có được bất chấp việc đại đa số người dân không đứng lên biểu tình phản đối chế độ độc tài".

Đa số họ, theo lời ông Milos Vystrcil, vẫn đi làm, vẫn xếp hàng nhận hàng hóa phân phát, vẫn vào rạp xem những bộ phim tuyên truyền của Xô Viết. Họ vẫn bất mãn, vẫn biết mình mất tự do, nhưng lựa chọn giữ im lặng, lựa chọn đi quán bar uống bia quên sầu thay vì lên tiếng đòi quyền lợi của mình. Họ sợ lên tiếng, sợ biểu tình, sợ thay đổi, sợ chống lại chế độ. Milos Vystrcil rõ hơn ai hết, vì bản thân ông là một người trong đám đông sợ hãi đó.

Vì sao đám đông sợ hãi mà đất nước vẫn có dân chủ và người dân cuối cùng vẫn có tự do ? Đó là vì những thiểu số dám lên tiếng luôn luôn tồn tại. Việt Nam hiện nay cũng đang có mặt thiểu số lên tiếng nầy và thiểu số lên tiếng nầy vẫn đang tồn tại. Nơi nào, và chừng nào những con người dũng cảm đó còn được trân trọng và được quốc tế bảo vệ, nơi đó luôn còn đủ tiềm năng dân chủ, cho dù là đứng trước miệng cọp trong nước hay quái vật ngoại bang. Và ngày nào Việt Nam vẫn còn những con người như vậy, ngày đó người ta vẫn có thể nhìn thấy nguy cơ thảm bại của Đảng cộng sản Việt Nam đang đến gần.

*****************

Tóm lại sự sống chết của Đảng cộng sản Việt Nam trong thế giới "toàn cầu hóa mới sau năm 2020" đã được quy luật kinh tế chính trị của dòng chảy kỷ nguyên 21 ấn định rõ rệt dựa trên các nguy cơ chủ quan tự thân của Việt Nam và nguy cơ khách quan từ quốc tế. Thế giới cũng như Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh rất lớn sau đại dịch Covid-19, cho nên dù muốn dù không thì sự thay đổi cũng sẽ đến.

Một trật tự dân chủ mới đang hình thành và trong trật tự đó sẽ không có chỗ cho các chế độ độc tài. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bị đào thải và phải rút lui vào lịch sử ngay cả khi phong trào dân chủ chưa kịp lớn mạnh.

Một câu hỏi quan trọng mà mỗi người Việt Nam phải có câu trả lời là cái gì sẽ đến : một tình trạng hỗn loạn hay một giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ trong hòa bình và trật tự ?

Đan Tâm

Nguồn : VNTB, 11/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đan Tâm
Read 987 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)