Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/11/2020

Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam phải đi dây như thế nào ?

Benoît de Tréglodé - Nguyễn Việt Trung

Việt Nam trước Đại hội Đảng : Yếu tố Trung Quốc và lá bài Hoa Kỳ

Benoît de Tréglodé, Thu Hằng, RFI, 30/11/2020

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 01/2021. Khoảng 1.600 đại biểu toàn quốc sẽ bầu ra Ban chấp hành Trung ương đảng mới gồm 180 ủy viên. Ngoài khó khăn trong việc bầu ra "tứ trụ" lãnh đạo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2021-2025, "yếu tố Trung Quốc" vẫn hiện hữu trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam cho những năm tới.

yeuto1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/04/2019.  AP - Kenzaburo Fukuhara

Bắc Kinh khăng khăng đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bất chấp phản đối của một số nước ASEAN, đặc biệt là các nước ven Biển Đông và nhiều nước trên thế giới. Hoa Kỳ lên án lập trường của Trung Quốc, gia tăng các chiến dịch vì tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông và yêu cầu tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Những điểm này được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII : "Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn".

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, có ảnh hưởng lớn đến đường lối lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ nhiều năm gần đây, Hà Nội điều chỉnh chính sách để tránh quá phụ thuộc vào nước láng giềng phương bắc, mở rộng và cải thiện quan hệ ngoại giao, thương mại với các đối tác phương Tây và các nước dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ có chính quyền mới vào tháng 01/2021 được Hà Nội hết sức chú ý. Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức một hội nghị trực tuyến ngày 12/11 để cập nhật cho các báo cáo viên, cũng như dự báo về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ mới và những tác động đối với tình hình quốc tế và khu vực.

"Yếu tố Trung Quốc" tác động như nào đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam cho những năm tới, trong bối cảnh thay đổi chính quyền ở Mỹ ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

------------------------

RFI :Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII diễn ra vào tháng 01/2021. Liệu đây có phải là thời điểm tế nhị cho Hà Nội trong bối cảnh chưa rõ chính sách cụ thể của chính quyền mới của Hoa Kỳ đối với Biển Đông, cũng như trong khu vực ?

Benoît de Tréglodé : Trước hết là không nên chờ những thay đổi sâu sắc. Tuần trước, ông Joe Biden đã chỉ định ngoại trưởng tương lai trong chính quyền của ông. Đó là một nhân vật rất nổi tiếng, tại vì ông Antony Blinken là cựu trợ lý cố vấn an ninh dưới thời tổng thống Clinton. Ông cũng từng là trợ lý ngoại trưởng trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Obama. Thật sự đây là một nhân vật trọng tâm của hệ thống. Chính ông Blinken là người chuẩn bị cho chính sách « xoay trục sang châu Á » nổi tiếng, vì thế, chính sách của ông đối với Trung Quốc, đối với châu Á, được biết đến từ lâu. Cho nên, có rất ít khả năng là dưới thời Biden có những thay đổi sâu sắc so với những điểm trọng tâm trong chính sách của Mỹ về châu Á.

Vấn đề đối với ông Joe Biden, với mẫu ngoại trưởng như vậy, lẽ dĩ nhiên sẽ là đưa Hoa Kỳ trở lại với việc hợp tác giữa các quốc gia, cũng như duy trì đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh, tại vì từ giờ Trung Quốc là vấn đề trung tâm trong việc xây dựng bản sắc Mỹ trên trường quốc tế. Đó là đối thủ cạnh tranh nhiều nhất với tham vọng của Mỹ trên thế giới. Vì thế, theo tôi, sẽ vẫn có một chính sách, một đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh. Nhưng lần này sẽ rất khác so với thời tổng thống Donald Trump, vì chính sách mới trước hết sẽ luôn được phối hợp với các đồng minh của Mỹ trên toàn cầu.

Tôi biết là rất nhiều người Việt Nam có tình cảm đặc biệt với chính quyền Donald Trump và với con người của tổng thống Mỹ thứ 45. Thứ nhất là vì ông Trump biết Việt Nam và đã hai lần đến Việt Nam. Thứ hai, Donald Trump là người khích lệ thêm cho người Việt Nam nói to hơn, dõng dạc hơn những gì mà họ không thể tự nói với tư cách là nước đối tác, nước láng giềng của Trung Quốc.

Chắc chắn là với chính quyền Biden, giọng điệu và phong cách sẽ thay đổi, ngôn từ cũng sẽ thay đổi. Chính sách thời Donald Trump đối với Bắc Kinh đậm tính tư tưởng, xoay quanh những nguyên tắc gần như kế thừa từ thời Chiến tranh lạnh giữa hai đế chế thiện và ác, thì kể từ giờ với ông Joe Biden và Blinken, với tư cách ngoại trưởng, sự thống trị của nền ngoại giao phức hợp, chủ nghĩa đa phương, cơ chế trọng tài, tìm kiếm cân bằng, sẽ trở lại là trọng tâm trong cuộc đối đầu của Mỹ với Trung Quốc. Đây là điều chắc chắn !

Vì thế, việc Hoa Kỳ trở lại với chính sách ngoại giao phức hợp hơn, với những mối quan hệ quốc tế, đúng là đôi khi có thể gây phức tạp hơn cho Việt Nam. Họ không trực tiếp còn một nhân vật khuấy động như ông Donald Trump để có thể nấp đằng sau và đạt được thành quả trong vấn đề quan hệ với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Nhưng một lần nữa, chúng ta đừng quên là quan điểm của Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn không thay đổi. Bà Hillary Clinton, khi còn là ngoại trưởng Mỹ, đã đến Hà Nội năm 2010. Chính bà là người đã ủng hộ lập trường của Việt Nam và cho thấy rằng Hoa Kỳ sẽ là một đồng minh có ích của Hà Nội để bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải, mở lối vào khu vực biển chung của châu Á và thúc đẩy việc tôn trọng luật lệ quốc tế ở Biển Đông. Đó là đường lối mà chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi.

RFI :Việt Nam thể hiện lập trường cứng rắn về Biển Đông trong những năm gần đây. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền tổng thống Donald Trump có tác động như thế nào đến thái độ cứng rắn này của Hà Nội trước những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông ?

Benoît de Tréglodé : Dưới thời tổng thống Trump, quả thực Hoa Kỳ đã thực sự biến chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương thành giấc mơ vĩ đại của họ ở châu Á và trở lại trong khu vực đang bị cạnh tranh sâu sắc vì những bước tiến của Trung Quốc. Cần phải biết là chủ tịch Tập Cận Bình không sẵn sàng thỏa hiệp và ông Tập đã có những bước tiến vô cùng lớn ở châu Á trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên là chính sách của Việt Nam trước hết là một chính sách tìm kiếm sự cân bằng lâu dài giữa các cường quốc thế giới và được ấn định theo quan điểm từ chính sách an ninh, cụ thể là Sách Trắng Quốc Phòng. Được công bố vào cuối năm 2019, phiên bản mới nhất của Sách Trắng Quốc Phòng nêu lên nguyên tắc bốn « Không » trong chính sách đối ngoại và an ninh của Việt Nam. Những nguyên tắc này không cho phép, hay đúng hơn là không muốn đẩy Việt Nam vào việc chọn hoặc tham gia một liên minh quân sự để chống lại một nước thứ ba, hoặc tham gia vào các cuộc tập trận nhắm trực tiếp đến một nước thứ ba, cụ thể là Trung Quốc.

Vì thế, nguyên tắc trụ cột trong đường lối ngoại giao của Việt Nam là vừa tìm được và duy trì sự độc lập, tự chủ giữa những cơn cuồng nộ của hai cường quốc và tiếp tục có được quan hệ đối tác vững chắc với Trung Quốc về mặt kinh tế, thương mại, kể cả vấn đề chính trị nhưng vẫn phải có lập trường cứng rắn trong những vấn đề chiến lược và an ninh ở Biển Đông. Đây thực sự là điểm trọng tâm trong mọi chính sách đối ngoại của Việt Nam. Và trước kỳ Đại hội Đảng sắp tới với dàn lãnh đạo tương lai sẽ điều hành đất nước từ tháng 01 hoặc tháng 02/2021, tôi nghĩ sẽ không có thay đổi sâu sắc về điểm này.

RFI :Giả sử chính phủ Việt Nam tiếp tục đường lối cứng rắn này, Hà Nội sẽ phải triển khai chiến lược nào trong những năm tới ? Và sẽ phải xoay chuyển như nào trong trường hợp chính quyền ông Joe Biden tỏ ra hòa hoãn hơn với Bắc Kinh ?

Benoît de Tréglodé : Điều đầu tiên cần nghĩ đến là những bó buộc hay chính sách đối ngoại của Việt Nam được xây dựng dựa trên một sự kết hợp nhiều yếu tố, một thỏa hiệp lâu dài giữa thực tế kinh tế, ảnh hưởng về địa lý và những tính toán ngoại giao thay đổi theo những lần đổi chính phủ ở các nước lớn.

Có một sự kiện vô cùng quan trọng cần được nêu lên, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký ngày 15/11/2020 trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN do Hà Nội tổ chức. Chính Trung Quốc là nước khởi xướng và đứng đầu thỏa thuận thương mại đa phương mới này. Đừng quên là 6 trong số 10 nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam từ giờ là thành viên của thỏa thuận RCEP, như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tôi đơn cử trường hợp Hàn Quốc, một trong những nước đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 70 tỉ đô la đầu tư, nhiều hơn gần gấp 10 lần so với tổng đầu tư hơn 7 tỉ đô la của toàn bộ các nước Liên Hiệp Châu Âu vào Việt Nam.

Quá trình hội nhập này của Việt Nam không phải là mới, mà đã có từ hơn 10 năm nay. Kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập tại Châu Á, trước tiên là ở Đông Nam Á, và kể từ giờ là Đông Á. Đây là một yếu tố quan trọng để hiểu được tiến triển, khả năng và phạm vi hành động mà chính quyền Việt Nam có thể có trong tương lai trong mối quan hệ với các cường quốc.

RFI :Đảng cộng sản Trung Quốc có ảnh hưởng đến đảng cộng sản Việt Nam, trong khi người dân Việt Nam lại tỏ ra nghi kị Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đảng cộng sản phải dung hòa hai mâu thuẫn này thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Một kinh nghiệm chính trị lớn và lâu dài cho người Việt Nam mỗi khi gần đến kỳ Đại hội đảng cộng sản, điều vẫn thường xảy ra trong suốt nhiều thập niên qua và thực sự cấu thành đời sống chính trị Việt Nam, đó là đảng cộng sản Việt Nam, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã luôn phải phối hợp : vừa lựa theo Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ, đồng thời là đối tác tư tưởng, kinh tế, vừa sử dụng những lá bài có lợi, qua việc tìm cách cân bằng nhờ ảnh hưởng ngày càng lớn của Hoa Kỳ. Washington cũng tìm cách lập một liên minh chính trị, và trong tương lai, tại sao không, cả về lĩnh vực quân sự với các thỏa thuận liên minh ở khu vực Nam Á.

Vấn đề được đặt ra cho cả Việt Nam, cũng như Trung Quốc và Hoa Kỳ, là làm thế nào, trong 4 năm, chính sách về châu Á của tổng thống Trump vốn cực kỳ tập trung vào ý thức hệ, mà cuối cùng lại nhường chỗ cho Trung Quốc. Chính quyền Trump tập trung giải quyết song phương với từng đối tác Châu Á một loạt hồ sơ khác, cụ thể hơn và thường nhật hơn rất nhiều, mà Hoa Kỳ từng gác sang một bên.

Có thể nói là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống Trump thực ra đã gây thiệt hại cho lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực và củng cố rõ nét hơn ảnh hưởng của Trung Quốc trong đối thoại với các nước châu Á. Việt Nam phải tính tới và cân nhắc yếu tố mới này. Dĩ nhiên Hà Nội sẽ thử tiếp lá bài Hoa Kỳ. Ông Joe Biden với đội ngũ lãnh đạo mới sẽ có phát biểu vừa cứng rắn, nhưng cũng lắng nghe hơn lập trường của toàn bộ các nước trong vùng. Và bối cảnh trong khu vực hiện ít thuận lợi hơn cho lợi ích của Mỹ.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 30/11/2020

**********************

Việt – Trung – Mỹ : Giãn cách và Tiến gần

Nguyễn Việt Trung, RFA, 29/11/2020

Giãn cách Trung Quốc ra và Tiến gần hơn tới Mỹ là giấc mơ lâu nay của đại đa số người Việt. Nhưng dân xứ "Đông Lào" ta vốn rất bị hạn chế trong các khả năng chọn lựa, nhất là quyền lựa chọn về chính trị đối ngoại. Biết vậy, nên trong vòng chưa đầy một tháng, Mỹ đã cho mấy ông kẹ cấp tập sang Hà Nội để làm cái chuyện đã rồi. Đặt lộ trình cho quan hệ Mỹ – Việt tới đây sao cho các chính quyền mới, cả Washington lẫn Hà Nội, nếu rồi đây có bị ép, cũng khó bẻ lái sang hướng khác.

viettrungmy1

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 30/10/2020 - Reuters

Bởi vì không chỉ Hoa Kỳ sắp có tân tổng thống, tân nội các, mà ngay sau quý I sang năm, Việt Nam cũng sẽ có một ê-kíp lãnh đạo mới, từ Đảng, Nhà nước đến Quốc hội. Thế nhưng, tư bản "giẫy chết" vốn không có được cái ưu việt của "tư duy nhiệm kỳ" như bên cộng sản Việt Nam, nên dù ở Mỹ các phe phái đang tranh chấp quyết liệt về kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử, hai ông Pompeo và O’Brien vẫn đôn đáo tiến hành "ngoại giao con thoi" vì quyền lợi quốc gia – dân tộc.

Động cơ chiến lược của Hoa Kỳ

Mà lợi ích chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ sau khi chính quyền "hậu bầu cử" tiếp quản Nhà Trắng là gì? Rất đơn giản. Không thể để cho Trung Quốc soán ngôi, xoá Trật tự được xây dựng từ sau thế chiến hai, dựa trên luật pháp quốc tế và quyền tự do đi lại trên các đại dương, kể cả Biển Đông (FONOP). Lợi ích này, về cơ bản vẫn đòi hỏi phải chống lại mọi tổ hợp trong cái đại sáng kiến "Vành đai Con đường" (BRI) và "Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình.

Nói cách khác, chiến trường của chính quyền mới – như "The Financial Times" ngày 25/11/2020 đưa lại phát biểu của ông Biden – sẽ phản ánh thực tế rằng nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn đầu thế giới, chứ không hề tính chuyện rút lui hay né tránh các vấn đề của khu vực và toàn cầu. Tuy chưa có tuyên bố về các vấn đề cụ thể, nhưng qua chiến dịch tranh cử Tổng thống 2020, ông Joe Biden dường như đã định hình được các trụ cột chủ yếu trong chính sách đối ngoại.

Nổi bật theo đó, ông Biden được cho là sẽ cứng rắn đối với các chế độ độc tài. Suốt chiến dịch tranh cử, ông đã công khai cảnh báo những lãnh đạo chuyên quyền rằng ông sẽ có một thái độ hoàn toàn khác so với Trump trước đây. Angela Stent, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á – Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown, nhận định : "Ông Biden sẽ dễ đoán định hơn, ngay cả khi ông ấy áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt và nhấn mạnh nhiều hơn đến nhân quyền và dân chủ".

viettrungmy2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ở Hà Nội hôm 7/7/2015. AFP

Nhiều quốc gia vừa và nhỏ trên khắp năm châu đang ngóng đợi ông Biden sẽ quan tâm tới họ. Tân Tổng thống sẽ không coi châu Phi là lục địa của "những quốc gia đáng sợ" như ông Trump ca thán. Từng làm Phó Tổng thống, Biden đã đến châu Phi nhiều lần, điều mà Trump chưa từng làm với tư cách Tổng thống. Biden được cho là người theo chủ nghĩa toàn cầu, muốn Mỹ là trung tâm trong mọi vấn đề từ đối phó với đại dịch, phục hồi kinh tế đến chống khủng bố.

Bối cảnh quốc tế nói trên được giới nghiên cứu đánh giá là đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mấy năm trở lại đây, quan hệ Mỹ – Trung nói chung và tình hình Biển Đông nói riêng xấu đi nhanh chóng. Nhưng không thể vì thế mà lại đi đánh giá là "cả Trung Quốc lẫn Mỹ đang leo thang căng thẳng với những luận điệu hiếu chiến và hành động quân sự, đẩy mối quan hệ song phương vào tình thế tiến thoái lưỡng nan…". Phân tích như vậy là một sự lộn sòng nguy hiểm.

Đánh tráo Lý Thông với Thạch Sanh, đánh đồng kẻ đang rắp tâm gây ra bao hiểm hoạ cho Việt Nam với người "giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha", có thiện ý làm "đối tác toàn diện" với Việt Nam, vì lợi ích tương hỗ cho cả hai – là cái nhìn nông cạn chết người. Hẳn nhiên, Mỹ không thể và không bao giờ lại đứng ra làm thay các trách vụ của giới lãnh đạo Ba Đình hay của các thủ lĩnh ASEAN. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, thay đổi số phận của mỗi dân tộc, trước hết phải do quốc gia – dân tộc ấy là chính.

Đấu khẩu FB Trung – Mỹ giữa Hà Nội

Từ lâu, Hoa Kỳ hơn một lần từng tuyên bố : "Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện ở đây (tức hiểu là ở Đông Nam Á và châu Á). Chúng tôi đã hỗ trợ các bạn và chúng tôi sẽ không rời đi. Chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho một khu vực ‘Ấn Thái Dương tự do và rộng mở’ (FOIP) với tất cả bạn bè và đối tác của chúng tôi" (Họp báo trực tuyến của Cố vấn O’Brien từ Manila hôm 23/11).

Trước đó một ngày tại Hà Nội, hôm 22/11/2020, trực tiếp nói chuyện với các sinh viên thuộc Học viện Ngoại giao ngay tại Nhà khách Chính phủ, ông O’Brien đã truyền đi thông điệp từ trái tim đến trái tim : "Từ Biển Đông đến Lưu vực sông Mekong, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu các bạn… Quyền thừa kế những nguồn tài nguyên này không thể bị tước đoạt, chỉ đơn giản vì một nước láng giềng to xác hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn".

viettrungmy3

Ảnh chụp màn hình trang FB của Đại sứ quán Trung Quốc và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Việt Nam hôm 24/11/2020

Và hôm 25/11, hàng trăm Facebooker đã nhất loạt để lại vô số các bình luận xác đáng ngay bên dưới một bài đăng trên Facebook từ Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Vốn dĩ trước đó, bài của Sứ quán Trung Quốc viết: "Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien trong thời gian thăm Việt Nam đã ác ý làm nóng vấn đề Biển Đông và sông Mê Kông, phát đi tín hiệu công kích Trung Quốc, các ngôn luận này hoàn toàn đi ngược lại sự thật khách quan, chứa đầy tư duy chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ mạnh mẽ" (!?)

Đáp lại là gần hàng ngàn comment của cư dân mạng, hầu hết đều kịch liệt phản đối bài viết nói trên của ĐSQ Trung Quốc. Facebooker Phú Điền bình luận: "Dân Việt Nam không dám nhận làm láng giềng tốt, anh em tốt với các vị đâu, ngán đám tiểu nhân, lưu manh lắm". Độc giả Nguyễn Nguyễn nêu ý kiến: "Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu chính xác quá. Trung Quốc hãy bớt tham, bớt bạo ngược với Việt Nam đi thì chả mấy chốc sẽ làm bá chủ thế giới. Nhưng các vị tham bát bỏ mâm. Ỷ mạnh hiếp yếu. Rất không trượng nghĩa".

Trước đó, cũng lại có một bài khác trên Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc với nội dung công kích ĐSQ Mỹ ở Hà Nội. Sự việc cho thấy dường như Cơ quan đại diện của Bắc Kinh không rút kinh nghiệm mỗi khi chỉ trích Mỹ bằng tiếng Việt, rằng trong các vụ tranh cãi, phần đông dân Việt Nam sẽ đứng về phía Hoa Kỳ. Đáng lưu ý, trong cả hai vụ việc, Facebook của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam không hề lên tiếng bác lại các phản pháo của Đại sứ quán Trung Quốc và cũng chẳng màng gỡ bài viết gây tranh cãi.

Đến nay, dễ hiểu là Bộ Ngoại giao Việt Nam giữ im lặng về cuộc đấu khẩu trên FB giữa hai Đại sứ quán của hai cường quốc hàng đầu thế giới ngay trong lòng Hà Nội. Điều ly kỳ được dân mạng phát hiện, với bài đăng mới nhất chỉ trích Mỹ bằng tiếng Việt và tiếng Hoa, Sứ quán Trung Quốc đã hạn chế thị trường xem bài, chứ không để chế độ "public" như các post khác. Nghĩa là đối tượng "các đồng chí" Trung Quốc nhắm đến là người Tàu và người Việt chứ không phải dân từ xứ Cờ hoa.

"Nhu" nhưng quyết không "nhược"

Không chỉ trong lòng Hà Nội, mà trên Biển Đông, Hoa Đông và khắp hoàn cầu, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đã nghênh chiến và tuyên bố sẵn sàng đáp trả và chưa bên nào sẵn lòng lùi một bước để giảm căng thẳng, khiến bang giao đang "rơi tự do" hàng ngày. Đúng! Nhìn bề ngoài là như thế, nhưng bản chất của các hành động cũng như các tuyên bố của Mỹ lẫn Trung Quốc lại khác xa nhau về chất. Trên thực tế, Trung Quốc còn được cho là đang dự tính và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Cảnh báo cho Hà Nội về một số nguy cơ nhãn tiền trong quan hệ với Tàu có thể là mục đích chính yếu của hai chuyến thăm, kèm theo những thông điệp mà ông Pompeo và ông O’Brien mang đến. Tái khẳng định chính sách đối với Biển Đông là Mỹ cùng các quốc gia khác sẽ chống lại yêu sách lãnh thổ và biển đảo vô thiên vô pháp của Trung Quốc. Hai chuyến thăm vào phút chót của các quan chức Mỹ nhằm định vị di sản của Trump về chiến lược FOIP và biến tầm nhìn ấy thành "chuyện đã rồi" đối với cả Biden lẫn dàn Lãnh đạo tương lai ở Hà Nội.

Ngoài lý do sợ ông Trump "lật kèo" thành công và có thể ngại "bị trã đũa" kinh tế là điều khiến ông Nguyễn Phú Trọng chưa gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden. Nhấn mạnh đến "nguy cơ kép" ở Biển Đông, trên sông Mekong và bị thọc sườn từ phía Tây, Robert O’Brien hẳn đã khẳng định với Hà Nội là Mỹ sẽ chống lại các hành động cưỡng chế và bắt nạt của Trung Quốc trên biển đảo, đất liền và lưu vực Mekong. Để đổi lại, Mỹ có thể muốn Việt Nam trở thành thành viên "theo sát hoặc đồng hành" (shadow member) của FOIP.

Nếu sự kết nối của Hà Nội đối với toàn bộ chiến lược FOIP có thể làm Bắc Kinh nổi giận, "Bộ Tứ" sẵn sàng chấp nhận cấp độ thấp hơn – một kết nối "thuần tuý" về kinh tế – mà không nhấn mạnh công khai khía cạnh hợp tác an ninh. Đó là tham gia "Mạng lưới các quốc gia thịnh vượng", một dạng thức mở rộng của "Bộ tứ +", rồi đây không chỉ Việt Nam mà một số nước châu Á khác cũng có thể dự phần.

Mỹ quá hiểu tình thế "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông" của Hà Nội, nhất là vào thời điểm cuộc chia ghế ở Ba Đình đang vào hồi gay cấn. Chính vì thế bao lâu nay, các yếu nhân Hoa Kỳ, từ tổng thống đến các quan chức hàng đầu trong chính quyền, mỗi lần sang xứ "Đông Lào" này đều láy đi láy lại một ý tưởng nhất quán. "Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực…" (O’Brien nói với Phạm Bình Minh như thế trong hội đàm hôm 21/11 tại Hà Nội).

Trước nay nhìn chung, nhân loại có lương tri thường ủng hộ bên yếu thế chống lại kẻ cường quyền, dù ở quy mô quốc gia hay quốc tế. Ủng hộ bên yếu, chứ không thể ủng hộ kẻ nhu nhược. Với một Trung Quốc "núi liền núi, sông liền sông", Việt Nam buộc phải lấy "nhu thắng cương". Điều này thế giới hoàn toàn cảm thông. Tuy nhiên, ngày nay chỉ có thể phát huy tối đa sức mạnh thời đại khi Việt Nam biết cách giảm dần sự lệ thuộc vào Bắc Kinh, giãn cách Trung Quốc ra và tiến gần hơn tới Mỹ. Cần thì "nhu" nhưng quyết không được "nhược" !

Nguyễn Việt Trung

Nguồn : RFA, 29/11/2020

Tham khảo thêm các bài :

America is back and ready to lead world, says Joe Biden

Mỹ mang thông điệp gì tới Việt Nam về mối đe dọa đến từ Trung Quốc ?

Sứ Quán Trung Quốc công kích Mỹ, bị dân mạng Việt Nam chỉ trích

Đông Nam Á mong đợi gì từ chính sách của chính quyền Biden đối với Biển Đông ?

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Benoît de Tréglodé , Nguyễn Việt Trung
Read 488 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)