Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/11/2020

Chính sách Biển Đông của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình

Mai Văn Hạnh

Chính sách của Trung Quốc về Biển Đông đã trở nên hung hăng hơn sau khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào tháng 11/2012. Chúng ta có thể đánh giá mức độ của sự hung hăng này bằng cách xem xét Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền đã thực hiện chính sách của Trung Quốc về Biển Đông như thế nào?

tcb0

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ở Macau hôm 18/12/2019 - AFP

Giữ nguyên các yêu sách phi lý và quá đáng

Nhiều người cho rằng, Trump là người có thể buộc Trung Quốc xuống thang trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế là trong suốt thời gian nắm quyền Tổng thống của Donald Trump, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các thực thể ở Biển Đông vẫn không có gì thay đổi. Các nhóm thực thể này bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; các đá thuộc quần đảo Trường Sa như đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Vành Khăn; và bãi cạn Scarborough.

Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, bao gồm cả những yêu sách đối với các khu vực mà Trung Quốc không kiểm soát, cũng không thay đổi. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với phần lớn các thực thể ở Biển Đông, bao gồm nhóm thực thể thuộc các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng hai nhóm bãi ngầm khác là Pratas và Macclefield Bank. Trung Quốc cũng đưa ra yêu sách chủ quyền đối với vùng nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp mà Trung Quốc cho rằng các nhóm thực thể này có thể tạo ra.

tcb2

Hơn nữa, Trung Quốc tuyên bố có các quyền và lợi ích ở Biển Đông, kể cả đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, mà Trung Quốc cho là nhóm thực thể này được hưởng, cho dù chúng không được phép như vậy. Trung Quốc cũng tuyên bố quyền lịch sử đối với Biển Đông, cụ thể là khu vực "đường chín đoạn". Các quyền và lợi ích đối với "đường chín đoạn" này có phạm vi hạn chế hơn so với chủ quyền lãnh thổ – chúng chủ yếu liên quan đến quyền tài phán đối với các nguồn tài nguyên kinh tế ở biển như cá và dầu khí, bao gồm cả những tài nguyên nằm trong phạm vi "đường chín đoạn".

Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc phản ánh sự quyết đoán trong chính sách của họ và được sử dụng để huy động sự ủng hộ trong nước đối với chính sách đó. Ngoài ra, những yêu sách này cũng có thể đóng vai trò là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đã sử dụng những đòn bẩy này để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Myanmar, Nga, Việt Nam và các nước Trung Á.

Tập Cận Bình đã quyết liệt hơn trước

Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã khởi động một dự án cải tạo đất quy mô lớn trên các rạn san hô mà họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa từ năm 2013. Dự án này đã biến các rạn san hô, vốn có kích thước nhỏ và hầu như không nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống, thành các đảo nhân tạo lớn. Tổng diện tích đất cải tạo lên tới hơn 10 km2. Ví dụ, đá Su Bi được mở rộng lên 4 km2, đá Chữ Thập lên 2,83 km2 và đá Vành Khăn lên 5,52 km2. Trong khi đó, kích thước tự nhiên của đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, chỉ khoảng 0,51 km2. Cuối cùng, đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa, được mở rộng từ 2,13 km2 lên 3,16 km2.

Việc cải tạo trên quy mô lớn đã mang lại cho Trung Quốc những vùng đất rộng để xây dựng các sân bay lớn, bến cảng nước sâu, cũng như các cơ sở giám sát và liên lạc ở Biển Đông. Ba sân bay với đường băng dài 3.000 m và các nhà chứa máy bay được xây dựng lần lượt trên đá Xu Bi, đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Những công trình này có thể đáp ứng nhu cầu triển khai và vận hành các phương tiện vận tải hạng nặng, máy bay giám sát và tiếp liệu trên không, cũng như máy bay ném bom và máy bay chiến đấu. Các bến cảng ở đá Chữ Thập và đảo Phú Lâm có thể phục vụ tàu trọng tải 5.000 tấn. Diện tích đất được mở rộng cũng cho phép Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai một lực lượng quân sự lớn. Chỉ riêng ở đá Su Bi hiện được cho là đã có 3.330 quân của PLA.

tcb3

Các cấu trúc được Trung Quốc xây trên Đá Subi. Hình chụp hôm 21/4/2017. Hình Reuters

Một bước đi mạnh bạo khác trong chính sách của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình là việc củng cố quyền quản lý hành chính đối với các khu vực mà Trung Quốc đang kiểm soát, cũng như các yêu sách chủ quyền của nước này đối với Biển Đông. Tháng 4/2020, Trung Quốc đã thành lập 2 đặc khu hành chính là quận Tây Sa và quận Nam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa đang trong tình trạng tranh chấp. Trong khi đó, Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" cho các cấu trúc địa hình ở Biển Đông, bao gồm 25 bãi cạn và đá ngầm cùng với 55 ngọn núi và rặng núi dưới đáy biển. Đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm hợp nhất thẩm quyền của hai đặc khu hành chính bằng cách chỉ rõ các quyền tài phán cụ thể.

Hai thay đổi chính sách nữa của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình có thể có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách của nước này về Biển Đông. Thứ nhất, việc tái cơ cấu PLA sau năm 2015 dẫn đến sự ra đời của Chiến khu Nam bộ của PLA. Dưới sự chỉ huy của một sĩ quan hải quân, người chỉ huy và kiểm soát các lực lượng hải quân, không quân, tên lửa thông thường và lục quân được triển khai tại khu vực, Chiến khu Nam bộ thường được hiểu là một thao trường chiến lược với các hoạt động chủ yếu là hoạt động hàng hải. Chiến khu này được cho là để bảo vệ những gì Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích của họ ở Biển Đông.

Thứ hai là việc Tập Cận Bình hợp nhất các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc. Theo truyền thống, các cơ quan này trực thuộc 5 bộ khác nhau, bao gồm Cơ quan giám sát biển (CMS) thuộc Bộ Đất đai và tài nguyên, Cơ quan thực thi luật thủy sản Trung Quốc (FLEC) thuộc Bộ Nông nghiệp, Lực lượng bảo vệ bờ biển thuộc Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP), Cảnh sát chống buôn lậu trên biển thuộc Hải quan Trung Quốc và Cơ quan an toàn hàng hải (MSA) thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Sự tồn tại của những cơ quan này trong nhiều bộ ngành dẫn đến tình trạng dư thừa và lãng phí nguồn lực, cũng như sai lầm về chính sách do thiếu sự phối hợp. Năm 2013, CMS, FLEC, Lực lượng bảo vệ bờ biển và Cảnh sát chống buôn lậu trên biển được hợp nhất và đặt dưới sự chỉ huy của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) mới được thành lập. Năm 2018, CCG trở thành lực lượng bán quân sự.

Sự tái cơ cấu này dẫn đến việc thành lập Bộ Tư lệnh vùng biển phía Nam của CCG, chỉ huy 6 đội tàu tuần duyên và một phi đội. Vì PAP đã được đặt dưới sự chỉ huy và kiểm soát của PLA vào năm 2018, nên Bộ Tư lệnh vùng biển phía Nam của CCG có thể sẽ được đặt dưới sự chỉ huy và kiểm soát của Chiến khu Nam bộ của PLA. Do đó, mọi hoạt động bảo vệ bờ biển hiện nay ở Biển Đông có thể do Chiến khu Nam bộ của PLA điều phối.

Điều gì đã khiến Tập Cận Bình tăng cường mức độ hung hăng ở Biển Đông như vậy ?

Thứ nhất, việc xây dựng các đảo nhân tạo phản ánh rõ nét các ưu tiên thể chế của PLA. Việc này giúp PLA giành được thế chủ động trong việc giảm bớt thiệt hại cho các bãi đá do Trung Quốc kiểm soát ; tăng cường cơ sở hạ tầng, khả năng giám sát và hậu cần của PLA nhằm đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển quan trọng và các điểm chốt chặn ở Biển Đông ; tạo ra các cứ điểm cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược đang hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, vì PLA có lợi ích chiến lược ở Biển Đông từ trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền và kế hoạch của PLA không được Hồ Cẩm Đào tán thành, nên sự thay đổi vị trí lãnh đạo cao nhất và những khác biệt về tính cách có thể dẫn đến những lựa chọn chính sách khác nhau.

Hồ Cẩm Đào được biết đến là một người thận trọng, chủ trương không can thiệp và tránh xung đột trong việc xử lý các vấn đề chính sách. Trong khi đó, Tập Cận Bình là người thích can thiệp và không sợ xung đột. Với tư cách là nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tập Cận Bình được khuyến khích củng cố quyền lực bằng cách ưu ái PLA hoặc thuận theo ý muốn của PLA, trong đó có việc xây dựng các đảo ở Biển Đông.

Thứ hai, Tập Cận Bình là người không khoan nhượng trong việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước khác, có lẽ là vì thể hiện quyền lực cá nhân của ông ta thông qua vấn đề chủ quyền. Điều này được thể hiện rõ qua những lời cảnh báo thường xuyên của ông rằng các quốc gia không nên mong đợi người dân Trung Quốc chấp nhận làm những việc gây tổn hại đến chủ quyền của nước họ. Điều này trái ngược với Giang Trạch Dân, người đã đưa ra những nhượng bộ lớn trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

tcb4

Tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/4/2018. Hình Reuters

Thứ ba, sự sẵn có của các công nghệ thiết yếu có thể là một yếu tố khác lý giải cho những thay đổi về chính sách. Nhà thầu quan trọng nhất trong dự án xây dựng các đảo ở Biển Đông là Tập đoàn xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCG), chuyên phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, trong đó có cả các cảng nước sâu. CCCG sở hữu Sky Whale, tàu hút tự hành khổng lồ. Dựa trên công nghệ của Đức và được đưa vào hoạt động vào năm 2010, Sky Whale đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các đảo ở Biển Đông.

Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những thay đổi về chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông. Một số người cho rằng Tập Cận Bình đã lợi dụng chính sách yếu kém về Biển Đông của Tổng thống Obama để xây dựng các đảo nhân tạo trong giai đoạn 2013-2015. Những người khác cho rằng Trung Quốc đã tranh thủ sự mất tập trung của Mỹ và một số chính phủ châu Á vì đại dịch COVID-19 để thành lập hai đặc khu hành chính và đặt tên cho 80 cấu trúc địa hình ở Biển Đông hồi tháng 4/2020.

Logic của quan điểm này là nếu Mỹ áp dụng một chính sách cứng rắn hơn, thì Trung Quốc sẽ tiết chế hành vi của mình. Tuy nhiên, sau khi Donald Trump trở thành Tổng thống, năm 2017 Chính phủ Mỹ đã tuyên bố Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của họ. Tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 và tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp. Hải quân Mỹ đã triển khai hai tàu sân bay tới Biển Đông để tiến hành chiến dịch tàu sân bay kép. Tuy nhiên, thay vì tiết chế hành vi của mình, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách gia tăng các cuộc tập trận và các vụ bắn tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông.

Hầu hết các nhà phân tích ở Trung Quốc đều thể hiện quan điểm coi nước này là nạn nhân của các mối đe dọa do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ tin rằng những mối đe dọa bên ngoài này thúc đẩy Trung Quốc tạo ra những thay đổi trong chính sách về Biển Đông. Vì Mỹ và một số nước châu Á đang khai thác điểm yếu của Trung Quốc để giành lợi thế ở Biển Đông, nên những thay đổi về chính sách của Trung Quốc đều nhằm mục đích phòng thủ.

Tuy nhiên, một số phương tiện quân sự mà Trung Quốc triển khai đến Biển Đông lại phục vụ mục đích tấn công, và Trung Quốc có thể được cho là đang ở thế tấn công. Trung Quốc cũng có thể đã cho thấy chính cách hành xử và chính sách của họ là nguồn cơn của mọi căng thẳng. Yêu sách của Trung Quốc về "đường chín đoạn" thiếu cơ sở pháp lý trong hệ thống luật pháp quốc tế. Sự chồng chéo giữa yêu sách này và yêu sách về EEZ của các quốc gia ven biển là nguyên nhân chính gây căng thẳng. Thêm nữa, chính sách xây dựng đảo của Trung Quốc cũng đã phá vỡ hiện trạng ở Biển Đông, đẩy khu vực này vào sự lo lắng trước nguy cơ xung đột quân sự.

Kết luận

Qua sự phân tích và rút ra kết luận trên, ta thấy, từ khi Tập Cận Bình trở thành lãnh tụ số một của Trung Quốc, ông ta đã thể hiện quyền lực cả ở mức độ trong nước và chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách về Biển Đông. Điều đó cho thấy, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không thay đổi quan điểm trong vấn đề Biển Đông. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần tỉnh táo để dự báo và xây dựng một chiến lược đối phó trước thái độ này của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.

Mai Văn Hạnh

Nguồn : RFA, 29/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Văn Hạnh
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)