Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/12/2020

Hà Nội chúc mừng Biden, thận trọng hay vẫn còn sợ Trump ?

Trương Nhân Tuấn

Rốt cục rồi bộ sậu Ba đình cũng gởi điện văn chúc mừng Joe Biden và Kamala Harris đã đắc cử tổng thống, trễ hơn đồng lưu các quốc gia khác là một tháng. Có ý kiến cho rằng Việt Nam chần chờ vậy là do "thận trọng". Việt Nam không dám làm điều gì phật lòng Trump vì sợ ông này trả đũa.

biden1

Theo tôi là không hề có vụ "thận trọng".

Nhiều dữ kiện tiền bầu cử cho thấy lãnh đạo Việt Nam đã "chọn phe". Họ chọn đứng về bên Trump, với tư cách "ủng hộ viên chủ động", chớ không phải là một "quan sát viên" có chủ kiến chính trị.

Vấn đề là, Mỹ cũng như Việt Nam, là những quốc gia "độc lập có chủ quyền". Hai quốc gia này đã có những kết ước mang nội dung "hai bên tôn trọng chế độ chính trị của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau".

Lập trường "ủng hộ viên chủ động" của Việt Nam có thể bị phê phán là hành vi "xen vào chuyện nội bộ của nước Mỹ".

Bởi vì Việt Nam là nơi xuất phát các nguồn thông tin giả liên quan đến bầu cử Mỹ. Lượng thông tin giả này đã làm nhiễu loạn đức tin của con người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.

Đại đa số người dân Việt Nam, dân thường cũng như trí thức, nhà tranh đấu "dân chủ nhân quyền", dân "đu càng" cũng như "Việt cộng" hay đảng viên... có tới trên 75% ủng hộ Trump. Số người này cuồng Trump đến độ coi ông Trump như là "thiên sứ", người được "trời đưa xuống để dẫn dắt thế gian". Nhiều người trong họ sẵn sàng chết để ông Trump tiếp tục làm tổng thống.

Thông tin theo thể loại này dĩ nhiên đã làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Có thống kê cho biết tỉ số dân Mỹ gốc Việt bỏ phiếu cho Trump cao hơn bất cứ dân gốc Á nào.

Rõ ràng là nhà nước Việt Nam đã can thiệp vào nội bộ, chuyện bầu cử của Mỹ.

Sau bầu cử một tuần, kết quả đã được báo chí loan tin như thông lệ. Lãnh đạo các quốc gia đa số đều gởi lời chúc mừng đến tổng thống đắc cử Biden, ngoại trừ một vài quốc gia (độc tài) như Nga, Trung Quốc, Việt Nam...

Luật lệ có nguyên tắc : "Consuetudo est jus quoddam moribus institutum, quod pro lege usurpatur ubi deficit lex". Có nghĩa là "thông lệ cũng là luật, được thiết lập bởi thói quen, tập quán ; nó thay thế cho luật, ở nơi mà luật lệ chưa có".

Việc công bố kết quả tổng thống bên Mỹ thuộc về báo chí. Bao nhiêu đời tổng thống Mỹ đắc cử đã được công bố theo hình thức này. Lâu ngày thói quen này trở thành "luật". Lãnh đạo Việt Nam không thể không biết nguyên tắc này.

Họ quyết định không chúc mừng Biden. Điều tệ hại là họ tiếp tục hỗ trợ cho phe cuồng Trump, cho phép những người này tung tin giả về cuộc bầu cử gian lận. Kết quả là gì ? Biden đắc cử tổng thống là nhờ gian lận bầu cử.

Biden trở thành một tổng thống không có chính danh.

Điều bỉ ổi là họ cho phép đám cuồng Trump trong ngoài nước lớn tiếng chửi bới, nhục mạ cá nhân của những người dân "sinh hoạt bình thường", biết tôn trọng luật lệ, yêu chuộng công bằng, chân lý và đứng về phía "sự thật".

Để làm gì ?

Dĩ nhiên các nhà nước độc tài như Nga, Trung Quốc, Việt Nam... luôn là "điểm nhắm", phê bình hay trừng phạt, của các vị tổng thống Mỹ, ngoại lệ Trump. Họ muốn bôi nhọ Biden để tiếng nói ông này không còn thuyết phục nữa.

Nhà nước Việt Nam vì vậy có thể bị cho là xen vào chuyện nội bộ của Mỹ để "phân hóa" nước Mỹ.

Nhớ có lần ông Nguyễn Minh Triết có lần đi Mỹ về khoae ông đã "thành công phân hóa nước Mỹ".

Bây giờ "chuột chạy cùng sào".

Thể thức bầu phiếu ở Mỹ là vô phương gian lận (hàng loạt). Một, hai cá nhân có thể "gian lận" như lấy tên cha mẹ chết để bỏ hai ba phiếu một lượt. Hoặc người này có thể "bỏ dùm" người kia, tiện thể ký tên dùm luôn. Tỉ lệ "gian lận" là 1/10000, tức mười ngàn người trung bình có một người gian lận.

Các việc cáo buộc (như vụ Dominion) thảo chương máy kiểm phiếu bị phe Biden điều chỉnh để xóa phiếu của Trump, tất cả đều là chuyện không có.

Tất cả các cuộc đếm phiếu lại bằng tay sau này đều không làm thay đổi kết quả.

"Tranh chấp" có thể làm thay đổi kết quả bầu cử là "thể thức bầu cử" ở một số tiểu bang "không phù hợp với luật lệ". Điều này có thể đưa lên Tối cao pháp viện. Nhưng đến nay việc này không xảy ra. Cách bỏ phiếu bằng thư, qua bưu điện, đến nay không thấy ai thành công chứng minh rằng phương cách này vi phạm luật lệ.

Các việc này, một bộ óc "bình thường" và "lương thiện", đều nghĩ ra được. Chỉ có những người "cuồng" mới không thấy và người "có ý đồ" mới tin và làm chuyện ngược lại.

Hy vọng là sau tiếng "súng linh" của Ba đình, các nhóm "đu càng" ở Bolsa cũng như các tổ "đảng viên và Việt cộng nằm vùng" bên Mỹ... thôi không còn tố cáo "Biden gian lận bầu cử" nữa.

Luật lệ các xứ văn minh có nguyên tắc "không ai bị phạm tội vì ý nghĩ của mình".

Người Mỹ có quyền nghi ngờ kết quả bầu cử. Công dân Trump có quyền khiếu nại, nếu thấy nghi ngờ. Nhưng các việc "nghi ngờ", nếu không có bằng chứng chứng minh trước tòa, nghi ngờ không làm thay đổi kết quả bầu cử.

Nhưng các âm mưu bên ngoài, như Việt Nam, cố gắng tạo "bằng chứng giả", có thể xem như là hành vi "tấn công vào nước Mỹ".

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 02/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)