Mỹ thông báo viện trợ hơn nửa tỷ đô la hỗ trợ quốc phòng Đài Loan
Phan Minh, RFI, 30/09/2024
Chính quyền Hoa Kỳ thông báo tổng thống Joe Biden, hôm qua 29/09/2024, đã phê duyệt gói viện trợ trị giá hơn nửa tỷ đô la để hỗ trợ quốc phòng Đài Loan.
Máy bay F-16 của không quân Đài Loan do Mỹ cung cấp, biểu diễn trong một sự kiện tại Đài Trung, Đài Loan, ngày 28/08/2020. Reuters - Ann Wang
Hãng tin AFP dẫn lại thông cáo của Nhà Trắng cho biết, tổng thống Biden đã yêu cầu ngoại trưởng Antony Blinken gửi "các thiết bị và dịch vụ quốc phòng trị giá lên tới 567 triệu đô la để hỗ trợ Đài Loan".
Gói hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ kế hoạch viện trợ quy mô lớn được Quốc Hội Mỹ thông qua hồi tháng 04/2024, với hơn 8 tỷ đô la được huy động để giúp Đài Loan có thể đương đầu với quân đội Trung Quốc, bằng cách đầu tư vào tàu ngầm. Washington cũng hỗ trợ Đài Bắc về mặt kinh tế, giúp cạnh tranh với các dự án lớn của Bắc Kinh ở những nước đang phát triển.
Trung Quốc đã gia tăng áp lực quân sự và chính trị với Đài Loan trong những năm gần đây, thường xuyên điều tàu chiến và máy bay quân sự di chuyển vòng quanh hòn đảo. Bắc Kinh thường xuyên phản đối việc Washington hỗ trợ Đài Bắc và cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Về tình hình tại chỗ, chính quyền Đài Loan, hôm qua, tuyên bố đang trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi phát hiện "sóng" tên lửa được phóng bên trong lãnh thổ Trung Quốc, vài ngày sau khi Bắc Kinh tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Bộ quốc phòng Đài Loan ghi nhận các tên lửa hoạt động ở khu vực Nội Mông, Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương, đồng thời nhấn mạnh "lực lượng phòng không của Đài Loan duy trì mức cảnh giác cao độ" và cho biết "bất kỳ hành động đe dọa và khiêu khích nào của Trung Quốc sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định trong khu vực".
Phan Minh
*************************
Biển Đông : Trung Quốc "bao vây hoàn toàn" bãi cạn Scarborough
Chi Phương, RFI, 30/09/2024
Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông dường như hoàn toàn bị Trung Quốc "bao vây", theo các hiệp hội ngư dân Philippines, trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post. Về phía Việt Nam, báo chí trong nước hôm nay, 30/09/2024, đưa tin 1 tàu cá thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị "một tàu nước ngoài", tấn công khi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc diễn tập gần tàu tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua gần Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Ảnh ngày 08/02/2024. via Reuters – Philippine Coast Guard
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong vòng 4 tháng (01/05-16/09) của Trung Quốc tại Biển Đông đã kết thúc từ 2 tuần qua, nhưng theo ghi nhận của chủ tịch của hiệp hội đánh cá New Masinloc của Philippines, Leonardo Cuaresma, trả lời South China Morning Post hôm nay, cho biết "kể từ ngày 15/06, bãi cạn Scarborough đã bị canh giữ nghiêm ngặt và không ai có thể tiếp cận". Một nhóm ngư dân từ Subic của Philippines đã đến đánh bắt cá gần bãi cạn nhưng "đã bị ngăn chặn và đe dọa bằng vũ khí".
Leonido Moralde, ngư dân Philippines, trả lời báo Inquirer, cho biết thêm : "Chúng tôi không thể đến gần, nhưng từ xa, chúng tôi có thể nhìn thấy các tàu ở đó. Chúng tôi thấy một chiếc tàu màu xám, ban đầu chúng tôi nghĩ là của Philippines, nhưng khi thấy lá cờ đỏ, chúng tôi mới nhận ra đó là của Trung Quốc".
Về phía Việt Nam, báo chí trong nước cho biết, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi (QNg 95739TS), đã báo cáo bị một tàu nước ngoài tấn công vào hôm qua, khiến 10 ngư dân bị thương. Chính quyền Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể.
Chi Phương
*****************************
Hải cảnh Trung Quốc nói tàu Philippines đã tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây
Reuters, VOA, 27/09/2024
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc hôm thứ Sáu (27/9) cho biết Philippines đã cử một tàu dân sự để vận chuyển nhu yếu phẩm hàng ngày đến một tàu chiến tại Bãi Cỏ Mây mà Bắc Kinh nói đã "mắc cạn" bất hợp pháp trên tuyến đường thủy đang tranh chấp ở Biển Đông.
Lá cờ Philippines trên tàu BRP Sierra Madre, một tàu chiến cũ mắc cạn từ năm 1999 và trở thành một đơn vị quân sự Philippines trên Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp. Hải cảnh Trung Quốc hôm 27/9/2024 cho biết Philippines đã cử một tàu dân sự vận chuyển nhu yếu phẩm đến tàu này.
Truyền thông nhà nước dẫn lời lực lượng hải cảnh nói chuyến đi hôm thứ Năm phù hợp với thỏa thuận tạm thời giữa hai nước, ám chỉ đến thỏa thuận tạm thời đạt được vào tháng 7 sau khi cả hai liên tục xảy ra xung đột gần bãi cạn.
Tuy nhiên, Philippines cho biết thỏa thuận đạt được sau nhiều lần đụng độ tại bãi cạn trong vài tháng qua có thể bị xem xét lại, sau một vụ bùng phát khác gần đây ở Biển Đông.
Tại Manila, lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cho biết nhiệm vụ tiếp tế cho tàu hải quân Sierra Madre đã được lực lượng tuần duyên của nước này hỗ trợ.
Các nguồn cung cấp và nhu yếu phẩm cần thiết đã được chuyển đến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển quân đội, tuyên bố cho biết thêm, cam kết sẽ kiên trì với các nhiệm vụ của mình ở Biển Tây Philippines (Biển Đông), cung cấp hỗ trợ và chăm sóc đầy đủ cho quân đội đồn trú tại đó.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp các yêu sách hàng hải chồng lấn của Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, khiến các nước láng giềng tức giận
Reuters
Nguồn : VOA, 27/09/2024
Trong một động thái hù dọa rõ nét và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc hôm 26/03/2021 đã điều 20 máy bay quân sự tiến vào khu vực tây nam vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Trong một bản thông cáo, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết đã đặt hệ thống phòng thủ trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến.
Trong một bản thông cáo, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết là nhóm máy bay quân sự Trung Quốc bao gồm 4 oanh tạc cơ chiến lược H-6K, 10 chiến đấu cơ đa năng J-16, 2 tiêm kích J-10, hai máy bay săn ngầm Y-8, một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và một trinh sát cơ chiến thuật Y-8. Các oanh tạc cơ H-6K và máy bay săn ngầm Y-8 hoạt động trong khu vực gần miền nam đảo Đài Loan và bay qua eo biển Ba Sĩ phân cách Đài Loan và Philippines.
Đối với Đài Loan, đây là một cuộc xâm nhập lớn nhất của Không quân Trung Quốc kể từ khi chính quyền Đài Bắc bắt đầu thông báo công khai về hoạt động thâm nhập không phận Đài Loan của phi cơ quân sự với tần suất gần như hàng ngày của Bắc Kinh vào năm ngoái. Đây cũng là một động thái bất thường và diễn ra khi lực lượng không quân của hòn đảo đình chỉ mọi hoạt động huấn luyện sau hai vụ rơi máy bay chiến đấu trong tuần này.
Theo bộ Quốc phòng Đài Loan, Không Quân của vùng lãnh thổ này đã cho chiến đấu cơ bay lên để sẵn sàng đối phó và phát cảnh báo qua sóng radio, đồng thời triển khai tên lửa để "giám sát" đội máy bay Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, một người quen thuộc với kế hoạch an ninh của Đài Loan cho biết là Quân Đội Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng hoạt động chống lại các tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển Ba Sĩ.
Việc một lực lượng không quân hùng hậu của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan diễn ra ít lâu sau khi Đài Bắc Loan và Washington ký kết thỏa thuận đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden về việc thành lập Nhóm Công Tác Tuần Duyên nhằm phối hợp chính sách sau khi Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng Hải Cảnh của họ nổ súng vào tàu nước ngoài.
Thỏa thuận đó đã lập tức bị Trung Quốc tố cáo. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm qua đã cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Đài Loan vi phạm các cam kết của Hoa Kỳ với Trung Quốc và kêu gọi Hoa Kỳ "thận trọng với lời nói và hành động đối với các vấn đề liên quan đến Đài Loan".
Mai Vân
********************
Thanh Hà, RFI, 26/03/2021
Trong cuộc họp báo đầu tiên hôm 25/03/2021 tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ không để Trung Quốc "qua mặt" và "thống lĩnh thế giới". Nga và Bắc Triều Tiên cũng trong tầm ngắm của chủ nhân Nhà Trắng. Về đối nội, ông Biden nhấn mạnh đến chiến dịch tiêm chủng chống Covid-19 và thông báo ý định tái tranh cử năm 2024.
Khi được hỏi về Trung Quốc, tổng thống Biden mạnh mẽ tuyên bố sẽ làm tất cả để ngăn cản Bắc Kinh đạt được mục đích làm bá chủ thế giới. Hoa Kỳ đòi Trung Quốc "tôn trọng luật pháp quốc tế, cạnh tranh và giao thương một cách bình đẳng" với các quốc gia khác trên thế giới. Vẫn theo Joe Biden, Bắc Kinh có tham vọng "trở thành quốc gia thịnh vượng nhất, thế lực nhất trên toàn cầu" nhưng kịch bản đó sẽ "không xảy ra dưới nhiệm kỳ" của tổng thống Mỹ thứ 46. Lý do là "nước Mỹ sẽ tiếp tục lớn mạnh" và để đạt được mục đích đó Nhà Trắng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Tổng thống Biden cam kết nhắm tới mục tiêu dành đến 2 % tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hoa Kỳ cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, thay vì 0,7 % như hiện nay.
Về quan hệ Mỹ -Trung, lãnh đạo Nhà Trắng khẳng định lại ông không chọn giải pháp đối đầu với Trung Quốc nhưng nhìn nhận rằng hai cường quốc trên thế giới này sẽ lao vào một cuộc "cạnh tranh khốc liệt". Cũng trong cuộc họp báo hôm 25/03/2021 tổng thống Hoa Kỳ đã nhắc lại Washington sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để kềm tỏa Trung Quốc trước tham vọng thâu tóm Biển Đông, thôn tính Đài Loan, khai tử mô hình một quốc gia hai chế độ tại Hồng Kông và đàn áp cộng đồng thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Theo hãng tin Reuters, tổng thống Biden nhắc lại, ở cương vị phó tổng thống Hoa Kỳ dưới chính quyền Obama, ông đã nhiều lần tiếp xúc với ông Tập Cận Bình và về mặt cá nhân, ông xem lãnh đạo Trung Quốc là người "thông minh" nhưng "không mảy may tin vào mô hình dân chủ". Tương tự như tổng thống Nga, Vladimir Putin ông Tập Cận Bình "không tin vào tương lai của các mô hình dân chủ mà chỉ đặt niềm tin vào các mô hình chế độ chuyên chế".
Tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên tiếp xúc với báo giới từ khi lên cầm quyền đúng vào lúc Bắc Triều Tiên bắn thử "tên lửa dẫn đường chiến thuật" mới. Ông Biden cảnh báo : trong trường hợp Bắc Triều Tiên chọn giải pháp leo thang, Hoa Kỳ sẽ "tham khảo ý kiến các đối tác và đồng minh và sẽ đáp trả tương xứng". Trước mắt Washington "sẵn sàng nối lại kênh ngoại giao dưới một hình thức nào đó nhưng phải kèm theo một số điều kiện về tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên".
Tuy nhiên phần lớn buổi nói chuyện với báo giới của ông Biden hôm qua tập trung vào hai hồ sơ nóng bỏng đang được công luận Mỹ chờ đợi liên quan đến các làn sóng người nước ngoài nhập cư đang ồ ạt tràn vào Hoa Kỳ và nỗ lực chống dịch Covid-19.
Thông tín viên Eric de Salve tường thuật :
Joe Biden bắt đầu cuộc họp báo đầu tiên với ưu tiên tuyệt đối và cũng là thành công hiển nhiên rõ ràng nhất của ông : đó là chiến dịch tiêm chủng. Ngay khi trở thành thổng thống Mỹ thứ 46, ông đã đề ra mục tiêu phân phối 100 triệu liều vac-xin trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ. Mục tiêu đó đã đạt được sau 58 ngày ông bước chân vào Nhà Trắng. Do vậy giờ đây Joe Biden nâng mục tiêu này lên gấp đôi. Ông nói "200 triệu liều sẽ được phân phối trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của tôi".
Tuy nhiên các phóng viên muốn được nghe tổng thống phát biểu về khủng hoảng người nhập cư. Kể từ khi ông Biden hủy sắc lệnh của người tiền nhiệm là Donald Trump, người nhập cư đã ồ ạt kéo đến biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Chủ yếu là trẻ vị thành niên. Các trung tâm tạm giữ người nhập cư bị quá tải. Tuần này hình ảnh trẻ em bị nhốt sau những tấm rèm sắt, ngủ trên những tấm nệm trải dưới đất, đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đã làm mọi người nhớ lại những năm tháng dưới chính quyền Trump. Tổng thống Biden thận trọng giảm nhẹ vấn đề và từ chối sử dụng cụm từ khủng hoảng. Ông cho rằng "Chuyện này vẫn thường xảy ra hàng năm. Số người kéo đến vùng biên giới vẫn luôn luôn tăng đáng kể vào các tháng mùa đông".
Về câu hỏi liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần tới, Joe Biden trả lời : "Tôi có ý định lại ra tranh cử để được bầu lại. Đây chưa phải là thông báo tranh cử chính thức, mà mới là một ý định", ông nói rõ như vậy. Joe Biden sẽ 81 tuổi vào năm 2024.
Thanh Hà
*********************
Mai Vân, RFI, 26/03/2021
Từ ngày ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng, Washington vẫn duy trì thái độ cứng rắn với Bắc Kinh và cho thấy rõ mối quan tâm trong việc củng cố vai trò của Mỹ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việt Nam được cho là rất hài lòng với đường lối cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, nhưng cùng lúc có phần lo ngại trên một số điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền.
Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện một thái độ cứng rắn rõ rệt đối với Trung Quốc, mà ví dụ mới nhất là tuyên bố ngày 25/03/2021 nhân một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, khi ông nhấn mạnh quyết tâm phối hợp với các đồng minh của Hoa Kỳ để buộc Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả về hành vi của họ trên các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Biển Đông, cũng như về cách đối xử với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, và buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ quốc tế về thương mại công bằng.
Nhận định về đường lối chung của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, nhật báo Pháp Le Monde ngày 23/03 vừa qua đã có một công thức rất lý thú khi cho rằng, nhìn từ Bắc Kinh, "Biden là Trump cộng với nhân quyền", tức là còn tệ hại hơn đối với Trung Quốc.
Tờ báo liệt kê một loạt hồ sơ : "Thuế quan ư ? Vẫn được duy trì. Các biện pháp chống lại Hoa Vi, ZTE và các đại gia công nghệ khác của Trung Quốc ư ? Tiếp tục được củng cố. Danh sách đáng xấu hổ của các quan chức Trung Quốc bị trừng phạt đích danh vì chính sách ở Tân Cương hay Hồng Kông ư ? Dài thêm ra".
Trong lĩnh vực ngoại giao, chiến lược cũng vậy, Hoa Kỳ đã tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác với các nước vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương với mục tiêu kềm chế đà bành trướng của Trung Quốc.
Hôm 16/03/2021 ngay tại Nhật Bản, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không ngần ngại lên tiếng chống lại việc sử dụng các thủ đoạn "cưỡng bức và gây hấn", cho rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông khiến cho căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ông Blinken đã cảnh cáo : "Chúng tôi sẽ trả đũa nếu cần thiết khi Trung Quốc sử dụng biện pháp ép buộc và gây hấn để đạt được mục đích của mình".
Đối với chuyên gia Mỹ Derek Grossman thuộc trung tâm tham vấn Rand Corporation, việc chính quyền Joe Biden cứng rắn đối với Trung Quốc có thể vừa khiến Việt Nam vui mừng, vừa tạo ra một số lo âu nhất định. Trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 16/03/2021, chuyên gia Mỹ cho rằng với chính quyền Biden, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục chiều hướng đi lên, mặc dù vẫn còn một số trở ngại nhất định.
Theo ông Grossman, những dấu hiệu đầu tiên mà chính quyền Biden bộc lộ về chính sách Châu Á của Mỹ "hết sức tích cực" đối với Việt Nam. Có vẻ như chính quyền của ông Biden về cơ bản sẽ duy trì chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Trump, giữ cho khu vực được "tự do và rộng mở", tránh bị Trung Quốc bức hiếp, nhưng với lời lẽ nhẹ nhàng hơn và nhấn mạnh hơn trên việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác.
Theo chuyên gia Mỹ, dưới thời Donald Trump, Việt Nam là một nước nhiệt tình ủng hộ chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ, dù không tuyên bố công khai để tránh gây hiềm khích với Trung Quốc một cách vô ích. Hà Nội đánh giá cao sự tập trung chú ý của Washington vào khu vực, đặc biệt trên các tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Việt Nam hoan nghênh sự giúp đỡ của Mỹ thông qua các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và các tuyên bố chính thức. Và trong một khoảng thời gian ngắn ngủi từ ngày lên nắm quyền, chính quyền Biden đã tiến hành ba chiến dịch tự do hàng hải được tiết lộ công khai ở Biển Đông, hai lần gần Trường Sa và một lần ở vùng Hoàng Sa.
Ngoài ra, ngoại trưởng Antony Blinken còn tái khẳng định sự chuyển hướng chính sách Biển Đông mà người tiền nhiệm Mike Pompeo loan báo vào tháng 7 năm 2020 để công nhận sự tồn tại và tính hợp pháp của các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các bên phản đối yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc, chỉ dựa trên quyền lịch sử, trái với luật lệ quốc tế.
Hơn nữa, rõ ràng là chính quyền Biden có kế hoạch tiếp tục hướng cạnh tranh quyền lực của chính quyền Trump với Trung Quốc. Đây là một điều tốt cho Hà Nội vì Washington đang thể hiện quyết tâm lâu dài nhằm đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh.
Cuối cùng, Hà Nội có thể hài lòng trước quyết định gần đây của chính quyền Biden về việc đặc biệt nêu tên Việt Nam là một đối tác chính ở vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Trong bản "Hướng dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời" công bố ngày 3 tháng 3, chính quyền Biden viết rõ rằng : "Chúng ta sẽ… làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), để phát huy các mục tiêu được chia sẻ".
Tuy nhiên, theo chuyên gia Grossman, đường lối mới của chính quyền Joe Biden chắc chắn cũng có nhiều điểm khiến Việt Nam lo ngại, trước tiên hết là trọng tâm mà Washington đặt trở lại trên các giá trị, chẳng hạn như dân chủ, tự do và nhân quyền, vốn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Chuyên gia Mỹ cho rằng đối với Hà Nội, có thể có một số lo lắng nhất định về hậu quả tiềm tàng của việc liên kết chặt chẽ hơn với một chính quyền Washington lớn tiếng hơn trên những hồ sơ này, như Mỹ đang làm với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, còn có những khúc mắc có từ thời Donald Trump. Hà Nội có thể lo ngại về việc liệu chính quyền Biden có hành động nhắm vào Việt Nam vì những cáo buộc theo đó Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Ngoài ra cũng có một yếu tố khác, tồn tại từ thời Trump, là khả năng Mỹ trừng phạt Việt Nam vì mua thiết bị quân sự của Nga.
Ngay cả trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng cần chú ý nhiều hơn. Sau cuộc họp cấp bộ trưởng Bộ Tứ vào tháng Hai, thông cáo mà Washington đưa ra lại không đề cập đến vấn đề Biển Đông - một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Hà Nội. Tuy nhiên, thiếu sót đó đã được bổ sung với tuyên bố của chính quyền Biden sau Thượng Đỉnh Quad lần đầu tiên ngày 12 tháng 3.
Tuyên bố đó đã ghi rõ : "Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt như được phản ánh trong Công Ước LHQ về Luật Biển UNCLOS, và tạo điều kiện cho sự hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, để đối phó với những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật pháp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông".
Sau cùng, chuyên gia Grossman nhắc đến một quan tâm trước mắt của Việt Nam là muốn sắp xếp thời gian để Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng tiếp xúc với tổng thống Mỹ Biden.
Lần duy nhất mà sự kiện này diễn ra là vào tháng Giêng năm 2015, cách nay quá lâu, và theo ông Grossman, nếu Hà Nội không dàn xếp được một thượng đỉnh như vậy trong năm nay, điều đó sẽ bị coi là một bước lùi.
Nhà nghiên cứu Mỹ kết luận : Về tổng thể, tất cả những thách thức nói trên đều có thể vượt qua được nhờ động lực tích cực và đáng kể của quan hệ song phương Mỹ-Việt.
Trong tương lai, chính quyền Biden có thể tìm cách giảm bớt những lo ngại của Việt Nam để củng cố hơn nữa hậu thuẫn của Hà Nội đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, chẳng hạn như mời ông Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà Trắng.
Về phần mình, Việt Nam nên có thái độ cởi mở đối với chính quyền mới tại Mỹ và những thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của Washington trong 4 năm tới.
Mai Vân
Đài Loan thầm lặng và công khai nhận ủng hộ từ Hoa Kỳ và quốc tế (BBC, 22/05/2020)dd
Sự kiện bộ trưởng ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo công khai chúc mừng nữ tổng thống Đài Loan nhậm chức nhiệm kỳ hai đã làm Bắc Kinh bực bội.
Bà Thái Anh Văn làm lễ nhậm chức ngày 20/5
Nhưng đây chỉ là một trong nhiều hoạt động ngoại giao trên thế giới ngày càng theo hướng ủng hộ Đài Loan và không thích bị Trung Quốc bắt tuân phục.
Trước sự kiện bà Thái Anh Văn nhậm chức ở Đài Bắc, tối 19/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo viết :
"Khi chúng ta nhìn về tương lai, tôi tin tưởng rằng, với Tổng thống Thái Anh Văn tại vị lãnh đạo, quan hệ đối tác của chúng tôi với Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ".
Nhưng bà Thái Anh Văn không chỉ nhận lời chúc từ các lãnh đạo đương chức của Hoa Kỳ.
Trong động thái được cho là sự ủng hộ từ đảng Dân chủ Mỹ với Đài Loan, cựu Phó tổng thống Joe Biden cũng đã chúc mừng bà Thái Anh Văn.
Ứng viên tổng thống Joe Biden, người năm 1979 đã bỏ phiếu ủng hộ Luật về Đài Loan của Hoa Kỳ, còn ca ngợi "nền dân chủ mạnh mẽ của Đài Loan và nỗ lực chống Covid-19 tiêu biểu" của chính phủ Thái Anh Văn.
Điều này cho thấy không chỉ lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ tiến gần đến chính sách ủng hộ Đài Bắc thực chất hơn trước, mà còn là dấu hiệu đảng Dân chủ xa dần đường lối ưu tiên quan hệ với Trung Quốc thời Barack Obama.
Ông Biden, phó tổng thống thời Obama đã xác nhận việc thay đổi, từ học thuyết "ưu tiên liên kết Trung Quốc" sang ủng hộ một Đài Loan mạnh mẽ.
Theo các báo khu vực, điều này không nằm ngoài sự xoay chuyển thái độ ở Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như hậu quả của đại dịch virus corona.
Ứng xử của Trung Quốc về Covid-19
Trước dịch Covid-19 lan ra từ Vũ Hán, quan hệ Mỹ -Trung đã xấu đi nhiều vì căng thẳng do thương chiến chưa ngã ngũ.
Nhưng đại dịch lại làm nổi bật nghi ngờ từ chính giới Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về giai đoạn đầu của đại dịch.
Ở thời kỳ đầu, câu chuyện bị cho là có liên quan đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lãnh đạo tổ chức này "quá tin vào số liệu Trung Quốc".
Sang giai đoạn sau, Đài Loan nổi lên nhưng một ví dụ ngăn chặn Covid-19 hiệu quả nhưng bị Trung Quốc ngăn chặn không cho dự họp WHO.
Câu chuyện khiến nhiều nhân vật cao cấp của Hoa Kỳ và đồng minh bất bình và đẩy mạnh thêm suy luận của họ rằng Trung Quốc "chơi không đẹp".
Hoạt động trên mạng công khai đả phá Phương Tây của nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc, nhóm chiến lang (wolf warrior) gần đây chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
Cùng lúc, có vẻ như sức ép từ Trung Quốc không còn có tác dụng như trước với thế giới về vấn đề Đài Loan, cụ thể là việc gọi tên hòn đảo này.
Theo lãnh đạo Dân Tiến Đảng của Đài Loan thì Bộ Ngoại giao Đài Loan xác nhận với họ rằng có ít nhất 22 hãng hàng không quốc tế đã quay trở lại gọi Đài Loan là Đài Loan.
Năm ngoái và trước nữa, chừng trên 50 hãng hàng không trên thế giới bị Trung Quốc buộc phải đặt điểm đến của đường bay là "Đài Bắc, Trung Quốc', hoặc Đài Loan, vùng thuộc Trung Quốc".
Nay thì nhiều hãng đã âm thầm quay lại dùng tên 'Đài Loan' mà không công bố để tránh làm Trung Quốc bực bội.
Một số hãng, chẳng hạn như British Airways của Anh, đánh dấu điểm đến trên trang web của họ là "Đài Loan", và đi kèm lá cờ Trung Hoa Dân Quốc.
Trong một diễn biến khiến chiến lược tạo ảnh hưởng của Trung Quốc qua "Vành đai và Con đường" ở Đông ÂU bị sứt mẻ, hàng chục dân biểu và chính khách EU lên tiếng ủng hộ Đài Loan có ghế trong Đại Hội đồng Y tế Thế giới - WHA.
Nhóm 67 nghị sĩ EU ủng hộ sáng kiến này trong tháng 4 vừa qua có các dân biểu từ Ba Lan, CH Czech, Slovakia, Estonia...
Thư ngỏ của nữ dân biểu Ba Lan, bà Anna Fotyga (cựu bộ trưởng ngoại giao) phê phán Trung Quốc và yêu cầu để Đài Loan được tham gia các hoạt động tại WHA và WHO.
Cũng liên quan đến WHO và Đài Loan, ba cựu lãnh đạo Châu Âu là Anders Fogh Rasmussen (cựu tổng thư ký Nato, cựu thủ tướng Đan Mạch), Aleksander Kwaśniewski (cựu tổng thống Ba Lan) và Carl Bildt (cựu thủ tướng Thụy Điển) đã công khai một thư ngỏ yêu cầu EU vận động để Đài Loan tham gia WHO.
Kiến nghị tương tự đã được Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand nêu ra.
Mới nhất, Thượng viện Cộng hòa Czech bỏ phiếu ủng hộ Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil đi thăm Đài Loan.
Bà Thái Anh Văn làm lễ nhậm chức ngày 20/5
Nghị quyết thông qua hôm 20/5 với tỉ lệ phiếu 54/1, nói chuyến thăm "đồng nhất với lợi ích ngoại giao lâu dài của Cộng hòa Czech".
Thượng viện Czech phản ứng sau khi Sứ quán Trung Quốc ở Prague gửi thư đe dọa cho văn phòng Tổng thống Czech hồi tháng Giêng.
Đặc biệt, Úc dưới thời thủ tướng Scott Morrison trở nên tích cực hơn hẳn trong kiến nghị điều tra vụ Covid-19 ở Trung Quốc , trong chiến lược 'thoát Trung', theo một số ý kiến.
Báo Trung Quốc gọi Úc là 'chó con của Hoa Kỳ' để đáp trả việc chính phủ Úc và một phần dư luận đổ lỗi cho Bắc Kinh để dịch virus corona lan ra.
American Institute ở Đài Bắc, hoạt động như cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Đài Loan
Không còn tuân phục chính sách của Trung Quốc ?
Các diễn biến này, đang đem lại hiệu ứng mà một số nhà quan sát gọi là "thế giới điều chỉnh lại quan hệ (recalibrating) với Trung Quốc" xảy ra cùng đại dịch virus corona.
Theo một học giả về Trung Quốc, cựu lãnh đạo một quốc gia vùng Thái Bình Dương nói tại một hội nghị gần đây ở Anh, thì hiện có tâm lý ở nhiều nơi rằng "chúng ta không việc gì cứ phải chịu theo các chuẩn (norms) vừa ý Bắc Kinh".
Chính sách gọi là "luôn phải xin lỗi Trung Quốc" vì sợ làm mất lòng lãnh đạo nước này, khiến chính giới ở nhiều quốc gia thấy mệt mỏi.
Nay họ cho rằng không việc gì cứ phải lo Trung Quốc bị mất lòng mà cứ làm theo đúng các chuẩn mực quốc tế, vị học giả thạo Trung văn giải thích.
Ông cũng tin rằng lãnh đạo nhiều quốc gia Châu Âu, Mỹ, Úc đã "vượt qua lằn ranh" là phải giả vờ như Đài Loan không tồn tại.
Cùng thời gian, tiếng nói đòi cho quy chế riêng cho Đài Loan, không phụ thuộc vào Trung Quốc nay đến cả từ nội bộ ở Đài Loan.
Sự thất vọng với WHO trong đại dịch virus corona chỉ là lý do trực tiếp, còn sâu xa hơn thì bản sắc riêng của các thế hệ sau này ở Đài Loan tạo nhận thức về rõ hơn về sự khác biệt hẳn với Trung Quốc.
Một số báo Đài Loan nói thì quan chức Trung Quốc "lấy số liệu về Covid-19 của Đài Loan" từ mạng Internet và bắt WHO phải coi đó là số liệu y tế về Đài Loan.
Ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Thái Anh Văn, có các tuyên bố trong chính giới và học giả Đài Loan nói bà Thái cần cải tổ hiến pháp, đi tới chỗ bỏ cái tên Trung Hoa Dân Quốc và gọi tên chính thức của quốc gia là Đài Loan.
Được biết bà Thái Anh Văn vẫn giữ quan điểm bảo thủ trong vấn đề này, muốn duy trình tình trạng độc lập thực tế nhưng trên danh nghĩa thì vẫn coi Đài Loan là Trung Hoa Dân quốc.
Tuy thế, với giới trẻ Đài Loan có tiếng nói của cử tri trong tương lai - độ tuổi bầu cử sẽ giảm xuống 18, xu thế ủng hộ bản sắc Đài, xa hẳn với bản sắc Trung Hoa, chỉ ngày càng tăng và sẽ tạo sức ép lên chính quyền Thái Anh Văn.
*****************
Mỹ : Vì cách đối xử với giới hoạt động, Hong Kong khó được coi là ‘tự trị cao’ (VOA, 22/05/2020)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói hôm 20/5 rằng căn cứ vào cách Hong Kong đối xử với các nhà hoạt động dân chủ ở xứ này gần đây, càng khó khăn hơn để đánh giá rằng lãnh thổ này có tính tự trị cao đối với Trung Quốc.
Nhà cựu lập pháp ủng hộ dân Martin Lee, 81 tuổi (thứ hai, bên phải) rời đồn cảnh sát Hong Kong ngày 18/4.2020. Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ ít nhất 14 nhà lập pháp và nhà hoạt động dân chủ về tội tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp hồi năm ngoái.
Reuters dẫn lời ông Pompeo cho biết hiện Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn bỏ lửng việc đưa ra đánh giá xem liệu cựu thuộc địa của Anh có duy trì mức độ tự trị hay không. Bộ Ngoại giao Mỹ phải đưa ra đánh giá theo quy định của Quốc hội Mỹ.
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao những gì đang diễn ra ở đó", Reuters dẫn lời ông Pompeo nói tại một cuộc họp báo.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Hong Kong đã bị "trấn áp" trong tuần này khi họ cố gắng ngăn chặn "một quy trình lập pháp bất thường" mà các nhà lập pháp thân Bắc Kinh đưa ra. Ông Pompeo nói thêm rằng : "Các nhà hoạt động hàng đầu Hong Kong như Martin Lee và Jimmy Lai đã bị lôi ra tòa. Căn cứ vào những hành động như thế, càng khó có thể đánh giá là Hong Kong vẫn có tính tự trị cao đối với Trung Quốc đại lục".
Văn phòng đại diện của Bộ ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong nói trong một tuyên bố hôm 21/5 rằng ông Pompeo đã "tống tiền" chính phủ Hong Kong và "can thiệp một cách trắng trợn vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh".
Hôm 6/5, ông Pompeo tuyên bố hoãn đưa ra báo cáo đánh giá liệu Hong Kong có thực sự tự trị hay không. Đây là tiêu chí để đảm bảo Hong Kong được ưu đãi đặc biệt về kinh tế, một yếu tố giúp cho đặc khu này vẫn duy trì là một trung tâm tài chính thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ nói việc trì hoãn giúp có thêm thời gian để xem xét bất kỳ hành động nào mà Bắc Kinh có thể dự tính trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc.
Hôm 17/5, ông Pompeo nói ông tin rằng Trung Quốc đã đe dọa can thiệp vào công việc của các nhà báo Mỹ ở Hong Kong và cảnh báo Bắc Kinh rằng bất kỳ quyết định nào về quyền tự trị của Hong Kong đều có thể ảnh hưởng đến đánh giá của Mỹ.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng đột biến trong những tuần gần đây, với việc ông Pompeo và Tổng thống Donald Trump mạnh mẽ đả kích Bắc Kinh về dịch virus corona, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
**********************
Luật an ninh mới của Trung Quốc ‘có thể kết liễu Hong Kong’ (BBC, 22/05/2020)
Các nhà hoạt động dân chủ đã bày tỏ quan ngại về "sự cáo chung của Hong Kong" sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng luật an ninh mới.
Chính trị gia Tanya Chan (Trần Thục Trang) (giữa) nói rằng đây là "ngày buồn thảm nhất trong lịch sử Hong Kong"
Phía Hoa Kỳ thì nói rằng động thái này có thể "gây bất ổn cao" và làm xói mòn các cam kết từ Trung Quốc đối với quyền tự trị của Hong Kong.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc (Quốc hội, NPC) đang tranh luận về luật này vào thứ Sáu, nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động dấy loạn và lật đổ.
Người ủng hộ cho rằng cần phải chặn đứng bạo lực trong các cuộc biểu tình chính trị nổ ra vào năm ngoái. Những người phản đối lo ngại luật mới sẽ được sử dụng để loại bỏ các quyền tự do cơ bản.
Tại sao tranh cãi ?
Hong Kong đã thực hành chính sách "một quốc gia, hai chế độ" và "một nền tự trị mức độ cao" kể từ khi Anh trả lại chủ quyền vùng đất này cho Trung Quốc vào năm 1997.
Nhưng các nhà hoạt động và phong trào dân chủ cảm thấy rằng Bắc Kinh đang hủy hoại điều đó.
Năm ngoái, hàng triệu người đã xuống đường trong suốt bảy tháng để phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Nhiều cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực. Cuối cùng, người ta đã phải đình chỉ và sau đó rút lại dự luật dẫn độ.
Luật an ninh đang được đề xuất còn gây tranh cãi nhiều hơn. Theo Luật cơ bản, gọi là tiểu hiến pháp của vùng lãnh thổ, chính quyền Hong Kong phải thông qua luật an ninh quốc gia. Tuy nhiên, vào năm 2003, nỗ lực ban hành luật đã thất bại sau khi có 500.000 người xuống đường phản đối.
Đó là lý do tại sao nỗ lực hiện tại nhằm ban hành luật an ninh quốc gia lại gây ra sự phẫn nộ như vậy. Hôm thứ Năm, một nhà lập pháp đã gọi đây là "vấn đề gây tranh cãi nhất ở Hong Kong kể từ khi chuyển giao".
Phóng viên BBC đặc trách Trung Quốc, Robin Brant, nói rằng điều làm cho tình hình trở nên tồi tệ là Bắc Kinh có thể dửng dưng qua mặt các vị dân cử ở Hong Kong và áp đặt thay đổi.
Trung Quốc có thể đặt các quy định này vào Phụ lục III của Luật cơ bản, bao gồm các luật quốc gia mà Hong Kong phải thực thi - dưới hình thức luật hoặc sắc lệnh.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ lo ngại luật pháp sẽ được sử dụng để dẹp các hoạt động phản đối bất chấp quyền tự do đã được ghi trong Luật cơ bản, như cách mà các luật tương tự ở Trung Quốc được sử dụng để dập tắt sự phản đối nhằm vào Đảng cộng sản.
Người phản đối nói gì ?
Một số nhân vật ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, bao gồm nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Wu Chi-wai, cho biết việc ban hành luật là sự cáo chung của "một quốc gia, hai chế độ".
Nhà lập pháp thuộc đảng Công dân (Civic Party) Dennis Kwok nói rằng "một khi chuyện này được thực hiện, thì 'một quốc gia, hai chế độ' sẽ chính thức bị xóa sổ. Đây là sự cáo chung của Hong Kong".
Đồng nghiệp của ông là bà Tanya Chan nói thêm rằng đây là "ngày buồn thảm nhất trong lịch sử Hong Kong".
Trên trang Twitter của mình, nhà hoạt động sinh viên và chính trị gia Joshua Wong viết rằng với hành động này, Bắc Kinh muốn "dùng vũ lực và sự sợ hãi để trấn áp tiếng nói phê phán của người Hong Kong".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo "mọi nỗ lực áp đặt luật an ninh quốc gia không phản ánh ý chí của người dân Hong Kong sẽ gây bất ổn cao, và có thể bị lên án mạnh mẽ".
Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ phản ứng mạnh nếu Trung Quốc một mực triển khai dự luật này, nhưng ông không đi vào chi tiết.
Hoa Kỳ hiện đang xem xét liệu có tiếp tục gia hạn các đặc quyền đầu tư và giao dịch ưu đãi của Hong Kong hay không. Quyết định này phải được chốt vào cuối tháng.
Thống đốc cuối cùng của Anh tại Hong Kong, ông Chris Patten, gọi động thái của Trung Quốc là "cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị của thành phố".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết Anh kỳ vọng Trung Quốc "tôn trọng các quyền và tự do của Hong Kong và mức độ tự trị cao".
Lập trường của Trung Quốc là gì ?
Các nguồn từ Quốc hội từng cho biết Bắc Kinh không muốn tiếp tục chờ Hong Kong thông qua luật riêng của mình, và cũng không muốn tiếp tục đứng nhìn sự phát triển của phong trào bạo lực chống lại chính phủ.
Một nguồn tin nói với báo South China Morning Post : "Chúng tôi không tiếp tục cho phép các hành vi như xúc phạm quốc kỳ hoặc biểu tượng quốc gia xảy ra ở Hong Kong".
Bắc Kinh cũng có thể đang lo ngại cuộc bầu cử tháng Chín của cơ quan lập pháp Hong Kong. Nếu các đảng ủng hộ dân chủ thành công như họ đã từng trong các cuộc bầu cử cấp quận hồi năm ngoái, các dự luật của chính quyền có khả năng bị chặn đứng.
Thông báo về động thái của Trung Quốc vào hôm thứ Năm, phát ngôn viên Zhang Yesui không đưa nhiều chi tiết, chỉ nói rằng biện pháp mới là sự "cải thiện" trên nền tảng một quốc gia, hai chế độ.
Ông Zhang nói : "An ninh quốc gia là nền tảng cho sự ổn định của đất nước. Bảo vệ an ninh quốc gia phục vụ lợi ích cơ bản của tất cả người dân Trung Quốc, đồng bào Hong Kong của chúng tôi".
Sau khi thảo luận, Quốc hội - vốn là cơ quan được sử dụng để hợp thức hóa các quyết định đã được thống nhất trước đó - sẽ bỏ phiếu vào tuần tới. Vấn đề sẽ được chốt lại vào tháng Sáu, khi dự luật được trình lên Ủy ban Thường vụ.
Một bài xã luận trên tờ China Daily của nhà nước khẳng định với luật mới, "những ai thách thức an ninh quốc gia nhất thiết phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình".
Tại Hong Kong, Liên minh Dân kiến (DAB) thân Bắc Kinh cho biết "hoàn toàn ủng hộ" các đề xuất sắp được ban hành "để đáp lại tình hình chính trị đang xấu đi nhanh chóng trong những năm gần đây tại Hong Kong".
Nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh Christopher Cheung nói với Reuters : "Ban hành luật này là cần thiết và nên có càng sớm càng tốt".
Tình trạng pháp lý của Hong Kong
Hong Kong là thuộc địa nằm dưới quyền cai trị của Anh trong hơn 150 năm cho đến năm 1997.
Chính phủ Anh và Trung Quốc đã ký một hiệp ước, Tuyên bố chung Trung - Anh, trong đó hai bên đồng ý Hong Kong sẽ duy trì "mức độ tự trị cao, ngoại trừ trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng", trong 50 năm.
Điều này được quy định trong Luật cơ bản, có hiệu lực đến năm 2047.
Do đó, hệ thống pháp lý, biên giới và quyền của Hong Kong - bao gồm quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận - được bảo vệ.
Nhưng Bắc Kinh có quyền phủ quyết bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống chính trị và, chẳng hạn, đã loại trừ việc bầu trực tiếp chức danh đặc khu trưởng.
Năm 2019, hàng loạt cuộc biểu tình chính trị đã nổ ra và lan rộng tại Hong Kong nhưng đại dịch virus corona đã khiến các cuộc biểu tình này phải thu hẹp quy mô.
Tuy nhiên, hỗn loạn đã xảy ra tại viện lập pháp Hong Kong vào hôm thứ Hai, khi một số nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đã bị khiêng ra ngoài trong cuộc tranh cãi về một dự luật cấm coi thường quốc ca.
Hôm thứ Hai, 15 nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng cũng đã phải trình diện tại tòa với tội danh tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp hồi năm ngoái.
********************
Mỹ tính bán ngư lôi trị giá 180 triệu đô la cho Đài Loan, Trung Quốc nổi giận (VOA, 21/05/2020)
Chính phủ Hoa Kỳ vừa thông báo cho Quốc hội về việc có thể bán ngư lôi tiên tiến cho Đài Loan trị giá khoảng 180 triệu đô la, một động thái mà theo Reuters là sẽ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, nơi luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (phải) gặp các Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Coons (giữa) và Maggie Hassan tại Đài Loan vào ngày 28/4/2019.
Cũng như hầu hết các quốc gia, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp trong việc cung cấp phương tiện để tự vệ cho đảo quốc dân chủ.
Trung Quốc thường xuyên lên án Mỹ về việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc bán 18 ngư lôi tiên tiến hạng nặng MK-48 Mod6 và các thiết bị liên quan với chi phí ước tính là 180 triệu đô la, Reuters dẫn tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hôm 20/5.
Thương vụ đề xuất nhằm phục vụ lợi ích an ninh, kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ, bằng cách hỗ trợ "nỗ lực liên tục của Đài Loan trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng thủ tin cậy", tuyên bố của cơ quan Mỹ nói.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng đối với Washington về thương vụ dự định.
"Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ ngừng mọi hoạt động bán vũ khí và quan hệ quân sự với Đài Loan để ngăn chặn thiệt hại thêm cho quan hệ Trung-Mỹ", Reuters dẫn lời ông Triệu nói thêm.
Thông báo của Hoa Kỳ được đưa ra cùng ngày Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Nữ lãnh đạo Đài Loan nói rằng bà mạnh mẽ bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Còn Trung Quốc đáp trả rằng việc "thống nhất đất nước" là "không thể tránh khỏi" và họ sẽ không bao giờ dung túng cho nỗ lực độc lập của Đài Loan.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, đưa chiến đấu cơ bay vào không phận hòn đảo và điều tàu chiến đi vòng quanh Đài Loan.
Trung Quốc xem bà Thái là một phần tử ly khai vì chủ trương giành độc lập chính thức cho Đài Loan. Bà Thái Anh Văn nói Đài Loan là một quốc gia độc lập, có tên chính thức là Cộng hòa Trung Hoa, chứ không muốn trở thành một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Bắc Kinh cai trị.
Dù không chiếm lĩnh vị trí đầu trong dòng thời sự quốc tế trong những ngày gần đây, nhưng vấn đề Đài Loan tiếp tục gây xáo động trong quan hệ Mỹ-Trung vào lúc hai bên bước vào điều có thể gọi là giai đoạn cuối rất gay go của vòng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại. Giới quan sát ghi nhận một loạt động thái ngoại giao-quân sự của Washington mang dụng ý thị uy trên hiện trường, bên cạnh rất nhiều bài bình luận trên báo chí Mỹ cảnh báo Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan.
Hải quân Đài Loan và 4 chiếc tàu phá mìn lớp Aggressive mua của Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 01/03/2019 tại một căn cứ Hải quân ở miền nam Đài Loan. JAMES HUANG / AFP
Một trong những phân tích đáng chú ý gần đây là của trung tâm tham vấn chiến lược Stratfor, trụ sở tại Austin (Texas – Hoa Kỳ), gắn liền hai điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Trung vào lúc này là Biển Đông và Đài Loan để khẳng định rằng "Washington đang cân nhắc về khả năng hiện diện quân sự trên một hòn đảo Đài Loan". Bài phân tích này đã được tạp chí bảo thủ Mỹ The National Interest đăng lại ngày 22/03/2019 dưới một tựa đề đầy ấn tượng : "Phải chăng ác mộng khủng khiếp nhất đối với Trung Quốc là Hoa Kỳ hiện diện quân sự tại Đài Loan ? - China's Worst Nightmare : A U.S. Military Presence on Taiwan ?".
Mỹ tăng hiện diện hải quân ở eo biển Đài Loan và Biển Đông
Theo phân tích của Stratfor ngay từ cuối năm ngoái 2018, chiều hướng mà Mỹ đang theo đuổi là tiếp tục củng cố sự hiện diện hải quân của họ ở Biển Đông, và tiếp tục xây dựng các mối quan hệ quốc phòng và kinh tế với các láng giềng trên biển của Trung Quốc từ Đài Loan đến Đông Nam Á.
Trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh chiến lược cô lập Đài Loan, Washington sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường quan hệ với Đài Bắc trong nỗ lực đối phó với Bắc Kinh trong khu vực.
Nhận định đầu tiên của Stratfor là hợp tác an ninh được tăng cường giữa Đài Loan và Hoa Kỳ có khả năng được mở rộng rất dễ dàng nhờ việc hai bên đều muốn cân bằng sự hiện diện quân sự gia tăng của Trung Quốc tại hai vùng eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Đài Loan sẵn sàng xem xét việc cho Mỹ tiếp cận đảo Ba Bình
Hai khu vực này đã được Đài Bắc đặt trong sự tương quan chặt chẽ với nhau gắn khi vào ngày 5 tháng 11 năm 2018, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, tướng Nghiêm Đức Phát (Yen Teh Fa) xác định tại Nghị Viện Đài Loan rằng chính quyền Đài Bắc sẵn sàng xem xét việc cho phép Hải quân Hoa Kỳ tiếp cận đảo Ba Bình (tên tiếng Hoa là Thái Bình) nếu Washington yêu cầu.
Nhận xét này theo Stratfor không hề có nghĩa là Đài Loan đã đồng ý, mặc dù bộ trưởng Đài Loan nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có thể được quyền ghé Ba Bình trong các hoạt động nhân đạo hoặc vì an ninh khu vực nếu phù hợp với lợi ích của Đài Loan.
Đối với Stratfor, việc cho phép Hoa Kỳ sử dụng đảo Ba Bình có khả năng làm thay đổi nguyên trạng trong khu vực vào thời điểm Hải quân Mỹ đang đẩy mạnh sự hiện diện tại vùng eo biển Đài Loan.
Ngay từ cuối năm ngoái, tàu hải quân Mỹ đã hai lần đi qua eo biển Đài Loan trong một nỗ lực được cho là nhằm áp đặt những cuộc tuần tra thường xuyên, thậm chí mở đường cho một hải đội tàu sân bay đi qua khu vực.
Các hoạt động khởi sự từ năm ngoái đã tiếp tục được đẩy mạnh trong ba tháng đầu năm nay. Ngày 25/02 vừa qua, hai chiếc tàu hải quân Mỹ, bao gồm khu trục hạm Stethem và tàu chở hàng và đạn dược Cesar Chavez đã đi qua eo biển Đài Loan, làm dấy lên những lời phản đối từ phía Trung Quốc.
Không đầy một tháng sau đó, ngày 24/03 vừa qua, lại có thêm hai chiến hạm Mỹ xẻ dọc eo biển Đài Loan. Trong chiến dịch tuần tra này, Hoa Kỳ đã có dấu hiệu gia tăng áp lực khi lần đầu tiên, tàu của lực lượng Tuần Duyên Mỹ được huy động vào chiến dịch tuần tra ở vùng biển nhạy cảm này.
Đây có thể được xem là một bước dấn thân mạnh mẽ hơn của Mỹ vào vùng biển quanh Trung Quốc, trước đây chỉ do Hạm Đội 7 phụ trách, sau này được thêm Hạm Đội 3 tiếp ứng, và bây giờ là Lực Lượng Tuần Duyên.
Giá trị chiến lược của Ba Bình
Theo nhận xét của Stratfor, đảo Ba Bình mà Đài Loan kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, có một giá trị chiến lược quan trọng.
Đảo Ba Bình - Ảnh minh họa
Đảo nằm giữa Biển Đông này là một địa điểm lý tưởng để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển, và để thiết lập một sự hiện diện trong khu vực đang tranh chấp.
Ba Bình còn sở hữu nguồn thủy sản dồi dào và là hòn đảo duy nhất ở khu vực Trường Sa có nguồn cung cấp nước ngọt trên đảo.
Nhờ vào vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên đó, Ba Bình có thể đẽ dàng đóng vai một căn cứ hậu cần quan trọng.
Việc tiếp cận Ba Bình sẽ hỗ trợ đáng kể cho hoạt động của Hoa Kỳ ở Biển Đông, qua đó khuyến khích các nước như Việt Nam hay Philippines mạnh dạn hơn trong việc chống lại các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.
Theo Stratfor, một sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trên Ba Bình hoặc trên đảo Đài Loan, sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với Bắc Kinh, luôn luôn coi Đài Loan là một tỉnh ngỗ nghịch đòi ly khai, và coi quan hệ Washington - Đài Bắc là mối đe dọa đối với chủ quyền của Trung Quốc.
Phản ứng lo ngại của Trung Quốc
Bắc Kinh đã cực lực phản đối các động thái hậu thuẫn của Mỹ đối với Đài Loan, thâm chí từng đe dọa tấn công Đài Loan nếu để cho chiến hạm Mỹ ghé cảng.
Vào lúc này, Đài Loan và Trung Quốc là hai bên tranh chấp khác nhau ở Biển Đông. Hy vọng sâu xa của Bắc Kinh là trong tương lại, sau khi họ thống nhất được với Đài Bắc, Ba Bình cũng như một vài đảo đá khác trong tay chính quyền Đài Loan sẽ đương nhiên trở về dưới trướng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc rất lo ngại trước hai khả năng : Một là Đài Loan không đủ sức bảo vệ Ba Bình, để đảo này bị một đối thủ tranh chấp nào đó chiếm mất, và hai là Đài Loan bật đèn xanh cho các đối thủ của Trung Quốc như là Việt Nam hay là Mỹ sử dụng đảo Ba Bình.
Về phần mình, Đài Bắc trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực tang cường sức mạnh để kháng lại sức bành trướng của Bắc Kinh. Trong hai năm gần đây, áp lực của Trung Quốc trên Đài Loan không ngừng gia tang, thúc đẩy chính quyền Đài Bắc xem hợp tác với Hoa Kỳ là một phương án tốt bảo đảm quyền kiểm soát của Đài Loan trên đảo Ba Bình và kháng lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan.
Một số học giả Đài Loan từng cho rằng chính quyền nên cho quân đội Mỹ thuê đảo Ba Bình, một động thái chắc chắn sẽ làm cho Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ làm cho tình hình căng thẳng leo thang.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 29/03/2019