Tại Châu Mỹ la-tinh, theo tuần báo L’Express, ngày tàn của chế độ Cuba đã điểm với cuộc "Cách mạng trong cách mạng". Ba tháng sau khi Raul Castro ra đi, các cuộc biểu tình ngày 11/07/2021 đánh dấu bước ngoặt lớn của đảo quốc.
Không còn sợ hãi, người dân ồ ạt biểu tình chống chính phủ tại La Havana ngày Chủ nhật 11/07/2021, gây bất ngờ cho giới lãnh đạo Cuba. AP - Eliana Aponte
"Đó là một cuộc nổi dậy à ? - Không, thưa bệ hạ, đó là cách mạng !". Tuần báo cho rằng không thể không nhớ đến sự sững sờ của vua Louis XVI vào thời điểm dân Pháp phá ngục Bastille năm 1789. Cuộc biểu tình lịch sử của người dân Cuba hôm Chủ nhật 11/07 đã làm rung chuyển toàn quốc, và gây kinh ngạc cho bộ máy nhà nước, đứng đầu là ông Miguel Diaz-Canel mới lên thay Raul Castro được ba tháng.
Kể từ cuộc cách mạng Cuba năm 1959, chưa bao giờ người dân dám công khai thách thức chế độ như thế. Từ La Havana cho đến mọi miền đất nước, hàng ngàn người biểu tình ở các thành phố hô vang "Tự do !", "Đả đảo độc tài !", và đặc biệt "Chúng tôi không còn sợ nữa !"
Hồi năm 1994, cũng đã nổ ra một cuộc biểu tình bất ngờ ở đại lộ Malecon, khiến chính quyền lo sợ do đang khủng hoảng kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng sự hùng biện của Fidel Castro cộng với sự can thiệp của lực lượng an ninh khiến phong trào lắng xuống, và lúc đó chỉ có vài trăm người tham gia tại thủ đô La Havana.
Nhà phân tích Elizabeth Burgo nhận định, việc người biểu tình hô lên "không còn sợ nữa" là hết sức ý nghĩa : hàng rào ngăn trở người dân phản ứng đã sụp đổ. Và lần đầu tiên trong lịch sử mới thấy cảnh sát chạy trốn người biểu tình, cảnh này đã được ghi hình lại. Một cảnh khác rất ấn tượng ở La Havana : một an ninh mặc thường phục rút súng chĩa vào một thanh niên biểu tình, anh này thản nhiên giơ đầu ra hô : "Nào, cứ bắn, bắn đi !", và nhân viên an ninh đành cất khẩu súng.
Jorge Ricardo Masetti (có cha là nhà cách mạng lão thành, thân cận với Che Guavara) nhận định, phải hết sức can đảm mới dám đi biểu tình ở Cuba. Tai mắt của Đảng trong khu phố sẽ báo cáo, và có thể vào tù hay bị an ninh thẩm vấn. Những người dân xuống đường hôm đó hoàn toàn ý thức được các nguy cơ, nhưng họ không còn gì để mất.
Khi cuộc biểu tình đột xuất đầu tiên nổ ra ở San Antonio de Los Banos, cách thủ đô khoảng 30 km, Miguel Diaz-Canel lên truyền hình tuyên bố một cách vụng về. Tân chủ tịch 61 tuổi còn phạm sai lầm là thúc đẩy nội chiến, ông kêu gọi "tất cả những người cách mạng và cộng sản xuống đường để bảo vệ cách mạng".
Theo Masetti, ở Cuba chưa bao giờ có việc người đứng đầu Nhà nước công khai kêu gọi chống lại chính nhân dân mình. Đứng trước thách thức, Nhà nước Cuba giờ đây chỉ có cách hoặc hy sinh ông Diaz-Canel, hoặc tiếp tục đàn áp, nhưng cả hai cách đều tệ hại. Chính quyền cố giải thích mọi việc do đại dịch Covid gây ra, nhưng thực tế, sự kiện cho thấy những lỗ hổng trong bộ máy an ninh. Họ ngỡ rằng chỉ là một nhúm người bất mãn, nhưng từng phút một, biểu tình lan ra như vết dầu loang.
Làn sóng bất bình đã được nung nấu dưới thời Raul Castro và trước nữa, thời Fidel. Trái với những gì được tờ báo đảng Granma viết mà một số báo chí các nước ngây thơ đưa lại, nguyên nhân của cuộc biểu tình "long trời lở đất" không phải do Covid hay cấm vận của Mỹ.
L’Expressđề nghị cứ nghe trên YouTube những khẩu hiệu của người biểu tình - thường là giới trẻ, nghèo khó, khá nhiều phụ nữ. Trên các đường phố Cuba, không có ai hô "Đả đảo Covid" hay "Đả đảo đế quốc Mỹ" cả. Tờ báo nhắc lại, họ hô : "Đả đảo độc tài !", "Tự do muôn năm !", "Chúng tôi không còn sợ hãi !"
Courrier Internationaldịch bài viết của trang web độc lập Cubanet mang tựa đề "Cuba : Một cuộc cách mạng chống lại ‘Cách mạng’" có nhận định tương tự. Các cuộc biểu tình bất ngờ hôm 11/07 lại mang đến hy vọng lật đổ được "những kẻ cai trị bụng phệ" - từ ngữ của tờ báo.
Người dân Cuba xuống đường không phải chỉ vì bị cúp điện hay vì đói - họ đã đói từ lâu, trước khi đại dịch ập đến và chẳng có gì để mất, đã thoát khỏi nỗi sợ. Trang mạng này viết : "Bởi vì chúng tôi không còn muốn một đảng ăn bám, chúng tôi là con người chứ không phải con vật, vì một đất nước không thể được điều hành như một trang trại".
Những người đã xuống đường hôm 11/07 không phải là lính đánh thuê cũng chẳng phải tội phạm. Đó là hàng ngàn người đã bị mất đi số tiền dành dụm từ nhiều năm do những "điều chỉnh" của một chính quyền đã làm nợ nước ngoài thêm chồng chất. Họ xây dựng một khách sạn chọc trời (42 tầng, 600 phòng) nhưng đồng thời lại nói là không có đủ tiền để cung cấp thực phẩm cho các chợ. Các thanh niên đã hô "Tổ quốc và cuộc sống" thay cho "Tổ quốc hay là chết" không muốn kết thúc cuộc đời trong cảnh khốn cùng như cha ông.
Có những gia đình đi biểu tình vì không còn chịu được cảnh sống chia cách với người thân lưu vong, nghèo khổ, bị kiểm duyệt, ảo tưởng chính trị, sự ngạo mạn của một chế độ coi kiều dân ở nước ngoài như một nguồn ngoại hối chứ không phải đồng bào mình. Những người cha, người mẹ đau khổ nghĩ rằng không có lối thoát, một khi họ nằm xuống thì con cái phải tiếp tục sống trong một đất nước không có tương lai, khác hẳn với những gì Fidel Castro đã hứa hẹn.
Về Châu Á, L’Obs phỏng vấn bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư Trường Đảng Trung ương Trung Quốc hiện đang tị nạn tại Mỹ. Người đã từng giảng dạy cho các quan chức cao cấp - kể cả ủy viên Bộ Chính trị - khẳng định "Đảng cộng sản Trung Quốc đã chết !".
Bà Thái Hà thuộc lớp "hồng đại nhị" đầy quyền lực, con cháu của các nhà cách mạng lão thành. Chuyên nghiên cứu về "xây dựng đảng", bà cho rằng có quá nhiều hào quang huyền ảo được dựng lên cho đảng cộng sản. Công dân Trung Quốc bị ngợp trong "lịch sử chính thức" đã giấu đi những hỗn loạn, sai lầm và tội ác của nhiều nhà lãnh đạo.
Trước hết, vì sao kỷ niệm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc lại là 01/07, trong khi thực ra đó là ngày 23/07 ? Giáo sư Thái Hà cho biết đó là do Mao Trạch Đông quyết định, vì chỉ nhớ mơ hồ hôm lập đảng là tháng Bảy, nên chọn ngày 1 đầu tháng cho dễ nhớ. Các nhà sử học chỉ tìm ra ngày chính xác sau khi Mao chết.
Những sự kiện lịch sử nào ảnh hưởng trầm trọng đến hình ảnh của Đảng "quang vinh, vĩ đại" đều bị ngăn chặn thông tin. Chẳng hạn nạn đói khủng khiếp do quyết định điên rồ của Mao trong Đại nhảy vọt (1958-1961) đã làm hơn 40 triệu người chết trong vòng ba năm. Đảng tỏ ra cơ hội, dối trá một cách trơ trẽn và gần đây còn sáng tạo ra một tội danh mới : "chế tác lịch sử Trung Quốc". Mọi phản bác lịch sử chính thức bị coi là đối lập chính trị, một nhà sử học nghiêm túc có nguy cơ bị quy tội "chống đảng" và bị tống giam.
Mỗi dịp kỷ niệm quan trọng, Đảng đều phát hành cuốn sách tóm lược lịch sử đảng, nhưng phiên bản nhân 100 năm thành lập lần này lại rất tệ. Bà Thái Hà nhận xét, nó được viết theo kiểu thô thiển như cho học sinh tiểu học, nội dung phù hợp với trình độ Tập Cận Bình mà người ta đều biết là học hành không đến nơi đến chốn. Một chi tiết đáng chú ý là tập sách không có tên tác giả lẫn cơ quan nghiên cứu đã biên tập, thậm chí cả nhà xuất bản, trong khi trước đây mỗi bài viết đều được ký tên - đây là cả một vinh dự.
Vì sao Đảng không có khả năng đối mặt với sự thật ? Những đầu óc hiện nay bất lực trong việc tổng hợp lại các thời kỳ đã qua và rút tỉa kinh nghiệm từ những sai lầm. Đảng cộng sản Trung Quốc chọn lựa cách cai trị độc tài ngay từ khi thành lập, tạo lập quyền lực trên một núi xác chết.
Tất cả những người có của ăn của để ở nông thôn bị quy là "địa chủ" và sát hại, giết tất cả những người lính từng chiến đấu dưới cờ Trung Hoa Dân Quốc và đàn áp, tịch biên tài sản công chức. Tiếp theo lại nhân danh "tập thể hóa nông nghiệp" để tịch thu đất đai vừa chia cho nông dân, nhân danh công nghiệp hóa để cướp lấy các doanh nghiệp của "tư sản yêu nước" dù họ là đồng minh. Dân chúng trở thành nô lệ của Đảng.
Đặng Tiểu Bình dù chấm dứt "đấu tranh giai cấp", cải cách kinh tế nhưng không muốn người dân biết sự thật về Mao, có nguy cơ kéo theo sự suy sụp của Đảng. Giải pháp của Đặng là để cho trôi vào quên lãng với thời gian. Còn Tập Cận Bình ngày nay, có ít kinh nghiệm, kém nhạy bén chính trị và uy tín không bằng người trước ; lại còn gánh thêm di sản là vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, tham nhũng, môi trường bị hủy hoại, bất bình đẳng xã hội… Hoàn toàn không có hy vọng Đảng nói thật và dân chủ hóa từ từ.
Tính chính danh gồm hai mặt. Trước hết, giữa chính quyền và nhân dân : chính quyền này không hề do nhân dân bầu lên. Thứ hai là giữa giới lãnh đạo và 94 triệu đảng viên. Tập Cận Bình ít uy tín hơn những người tiền nhiệm, ông ta trở thành tổng bí thư chỉ vì là con một nhà cách mạng lão thành, đa số cán bộ cấp trung không đồng tình trước việc ông ta đưa Trung Quốc đối đầu với cả thế giới. Tuy nhiên không ai dám lên tiếng phản đối, cả trong Bộ Chính trị lẫn các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu.
Bởi vì Tập có hai thế mạnh mà những người đi trước không có được : khối tài sản khổng lồ tích tụ sau 30 năm phát triển, và hệ thống kiểm tra bằng kỹ thuật số, giúp bóp chết mọi ý định phản kháng. Ông ta không sợ dân nổi dậy mà sợ các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng. Từ bốn, năm năm qua, những người này bị theo dõi chặt chẽ. Những "cận vệ" có mặt ngày đêm báo cáo cho Tập Cận Bình mọi động thái. Nếu một ủy viên Bộ Chính trị hưu trí dám chỉ trích, tài xế của ông ấy sẽ bị thẩm vấn và nếu cứ tiếp tục, sẽ đến lượt thư ký, rồi con, cháu. Mọi ý định chống đối đều bị dập ngay từ trong trứng nước. Đó là lý do bà Thái Hà khẳng định "Đảng cộng sản Trung Quốc đã chết". Từ 2011 đến nay, ngân sách nội an Trung Quốc còn cao hơn cả quân đội.
Vị giáo sư lưu vong cho rằng cách cai trị như thế thường dẫn đến một sự sụp đổ bất ngờ, một khi áp lực bên trong và bên ngoài vượt quá ngưỡng chịu đựng. Còn về nền kinh tế Trung Quốc, bà Thái Hà nhận định, tất cả các công nghệ cao hiện có đều được mua lại, sao chép hoặc đánh cắp. Nếu các "kênh cung ứng" bị cắt, khúc ca khải hoàn cũng sẽ kết thúc. Tất nhiên Bắc Kinh làm mọi cách để tránh, như tung tiền ra mua các chuyên gia nước ngoài.
Liên quan đến Việt Nam, Courrier International dịch bài phóng sự của Asahi Shimbun nói về tình cảnh của những "thực tập sinh" Việt Nam tại Nhật Bản. Những người này vay nợ để đi lao động tại Nhật nhằm giúp đỡ gia đình, nhưng phải bỏ trốn do bị bóc lột, và đang khốn khó trong đại dịch.
Báo Asahi đến thăm "làng của những người mất tích" tại Kamisato tai tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo, theo sự hướng dẫn của một tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ thanh niên Châu Á. Đó là một ngày trước Tết nguyên đán. Phóng viên vào một căn hộ hai phòng được sáu người chia nhau tiền thuê.
Vũ Văn Dũng (38 tuổi) quê Yên Bái, sau khi bị đinh đâm vào chân ở công trường nhưng không được chăm sóc đã trốn ra ngoài làm đủ nghề, kể cả việc dọn vệ sinh trên chiếc tàu Diamond Princess từng là ổ dịch lớn ở Nhật. Anh nghèo nhất trong nhóm, nhưng còn may mắn hơn Hoàng Ban Lenh (30 tuổi), chết vì tai nạn ở công trường, trong túi chỉ còn khoảng 2.000 yen (16 euro). Còn Nguyễn Xuân Sơn (29 tuổi) sau cơn bạo bệnh phải ngồi xe lăn. Gia đình họ lại phải vay mượn để trở về nước, nhưng Covid đã ngăn trở.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các thực tập sinh bỏ trốn là món nợ đã vay để sang Nhật. Đó là do đơn vị tổ chức ở Việt Nam phải quà cáp, hoa hồng cho đối tác Nhật Bản, cái giá cho mỗi thực tập sinh vào khoảng 200.000 yen (1.500 euro) và sau đó chính người lao động phải gánh. Trong năm 2019, có 8.700 thực tập sinh Châu Á (người Trung Quốc, Việt Nam, Philipppines…) bỏ ra ngoài làm chui.
Cũng về Việt Nam, L’Obs trong loạt bài về các dinh thự mùa hè nói về Khiêm Lăng của vua Tự Đức, nhà vua thi sĩ thường đi nghỉ mát tại cung điện sau này sẽ thành lăng tẩm của mình.
Ngài chọn một địa điểm hiền hòa bên dòng sông Hương, ở cách kinh thành khoảng 8 cây số, và thích lưu lại điện Hòa Khiêm, dù nhỏ nhưng xung quanh nhiều cây xanh, hoa cỏ, hơn là Hoàng cung. Nhà vua viết lách rất nhiều, thường tự trách mình vì không giữ được đất nước. Emmanuel Poisson, nhà sử học chuyên về Việt Nam, giáo sư đại học Paris-Diderot nhận định thái độ ăn năn này rất hiếm đối với một quốc vương.
Năm 1882, quân của đại tá Henri Rivière chiếm được thành Hà Nội. Ngày 19/07/1883, vua Tự Đức băng hà. Người Việt tin rằng 49 ngày sau khi mất, hương hồn người quá cố vẫn còn quanh quẩn, và như vậy vong linh nhà vua lại phải chứng kiến thêm một sự kiện đau buồn khác : Pháp chiếm kinh thành Huế ngày 18/08/1883 và đến ngày 25/08/1883 triều đình đầu hàng, công nhận "bảo hộ" của Pháp. "Vương quốc Đại Nam" không còn nữa.
Trang nhất các tuần báo Pháp kỳ này đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau. Courrier Internationalnghỉ hè sớm nhất với số đúp cho ba tuần lễ, với chủ đề "Những người bạn tuyệt vời của chúng ta", trong thời đại Covid. L’Expresschạy tựa sốc "Cần sa, ngành thu dụng nhân viên nhiều nhất nước Pháp", giúp 150.000 đến 200.000 người kiếm sống, đứng trên cả nhiều tập đoàn lớn, chỉ thua có ngành bưu điện.
Le Pointnhìn sang Châu Á, "2021, phe Taliban chiếm lại Afghanistan : Thất bại của phương Tây". Cho dù đã dự báo trước, sự ra đi của người Mỹ để lại dư vị cay đắng cho hàng triệu người Afghanistan, phụ nữ và giới trẻ sau thời gian được hưởng các quyền tự do nay có nguy cơ là nạn nhân đầu tiên. Cựu thủ tướng Afghanistan phụ trách giám sát đàm phán với phe Hồi giáo, Abdullah Abdullah cho rằng phe Taliban không thể chiến thắng bằng quân sự, nhưng Mỹ vẫn đơn phương triệt thoái trong khi Taliban không hề chấm dứt bạo lực cũng như mối liên hệ với Al Qaeda. Ông Gérard Arnaud, cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ nhận định, phương Tây nghĩ rằng chỉ cần có Hiến Pháp và tổ chức bầu cử đàng hoàng là đủ để trở nên dân chủ. Nhưng Châu Âu đã phải mất đến hai thế kỷ, còn Afghanistan, Iraq, Mali vốn không có báo chí độc lập, không có truyền thống đa nguyên lại kém phát triển, chưa kể nội chiến, đảo chính, chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc.
L’Obsdành hồ sơ cho "Cuộc cách mạng ARN thông tin". Chỉ mới 7 tháng, các vac-xin ARN thông tin đã được tiêm cho nhiều trăm triệu người trên thế giới. Phát minh quan trọng này là một tin tuyệt vời cho nhân loại. Ngoài việc ngăn ngừa Covid, ARN thông tin đã bắt đầu được nghiên cứu để chống lại ung thư, bệnh tim và một số bệnh nặng khác, một viễn cảnh mới đã được mở ra.
Thụy My
Điều đáng nói, bài phân tích về tuổi thọ của Đảng cộng sản Trung Quốc cho thấy những nét tương tự đã, đang và sẽ hiện diện tại Việt Nam. Cụ thể : Đảng cộng sản Việt Nam đang trong giai đoạn "cơn ghẻ ngứa" – 75 năm nắm quyền (1945 – 2020) ; lão hóa dân số nhanh nhất thế giới (sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035) ; luật pháp dành để cai trị và giữ gìn quyền lực (rule by law) hơn là pháp quyền ; kiểm duyệt ngày càng gay gắt thông tin ; lãnh tụ đã xuất hiện trở lại ; tầng lớp trung lưu đang gia tăng và dự đoán là 2020 sẽ có 33 triệu người ; và nợ xấu, thất nghiệp, lạm phát có xu hướng bị kiểm soát (?)
Các chế độ độc đảng hiếm khi tồn tại lâu hơn 70 năm.
Bình luận : "Đảng cộng sản Trung Quốc còn trụ được bao lâu ?" câu hỏi không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị trên thế giới, người dân tại các khu tự trị và vùng lãnh thổ của Trung Quốc, mà cho cả người dân Việt Nam.
"Đảng cộng sản Trung Quốc còn trụ được bao lâu ?" sẽ cho phép mọi người có quyền suy đoán tương tự về số phận của các quốc gia có chế độ độc Đảng cộng sản lãnh đạo còn lại.
Trong bài viết "Đảng cộng sản Trung Quốc còn trụ được bao lâu ?", có thể nhận diện rõ ràng các nguy cơ mà Trung Quốc đối diện (lão hóa dân số, kinh tế tăng trưởng chậm, đấu đá quyền lực, lạm dụng quyền lực cá nhân). Nhưng trên hết, tác giả bài viết nhận định khả năng Đảng cộng sản Trung Quốc buộc phải chuyển đổi dân chủ, tương tự như Quốc Dân Đảng áp dụng đối với nền dân chủ Đài Loan vào năm 1996.
Điều đáng nói, bài phân tích về tuổi thọ của Đảng cộng sản Trung Quốc cho thấy những nét tương tự đã, đang và sẽ hiện diện tại Việt Nam. Cụ thể : Đảng cộng sản Việt Nam đang trong giai đoạn "cơn ghẻ ngứa" – 75 năm nắm quyền (1945 – 2020) ; lão hóa dân số nhanh nhất thế giới (sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035) ; luật pháp dành để cai trị và giữ gìn quyền lực (rule by law) hơn là pháp quyền ; kiểm duyệt ngày càng gay gắt thông tin ; lãnh tụ đã xuất hiện trở lại ; tầng lớp trung lưu đang gia tăng và dự đoán là 2020 sẽ có 33 triệu người ; và nợ xấu, thất nghiệp, lạm phát có xu hướng bị kiểm soát (?)
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu Đảng cộng sản Trung Quốc sụp đổ, nhưng 16 chữ vàng có thể kéo Việt Nam vào một vận mệnh không thể tránh khỏi.
Dự đoán sự sụp đổ của Đảng cộng sản Trung Quốc của Pundits đã sai sau nhiều thập kỷ.
Đảng cộng sản Trung Quốc – vừa kỷ niệm ngày thành lập lần thứ 70 – là một trong những chế độ độc đảng kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại. Nhưng các chế độ độc đảng cai trị hiếm khi tồn tại lâu hơn 70 năm.
Đảng cộng sản Liên Xô cầm quyền 74 năm trước khi sụp đổ vào năm 1991, và Đảng cách mạng thể chế của Mexico bị thất bại trong cuộc bầu cử năm 2000, chấm dứt 71 năm quyền lực.
Đối thủ cạnh tranh duy nhất của Trung Quốc là Đảng ở Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành được thành lập vào năm 1948 – đến nay là 71 năm.
Các nhà phân tích nhận định rằng, quy tắc độc đảng của Đảng cộng sản Trung Quốc có thể không bền vững, mặc dù có khả năng phục hồi và khác biệt trong quá khứ so với các chế độ khác.
Vậy khi nào và làm thế nào Bắc Kinh có thể trải qua cải cách chính trị ? Muốn biết câu trả lời này, thì cần phải tìm hiểu : làm thế nào Đảng cộng sản Trung Quốc giữ vững quyền lực trong một thời gian dài ?
Làm thế nào mà Đảng cộng sản Trung Quốc tồn tại lâu như vậy ?
Rory Truex, Phó giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, nói với ABC rằng Đảng cộng sản Trung Quốc giảm nhẹ hai mối đe dọa chính đối với các chế độ độc tài – đảo chính và các cuộc cách mạng.
Để ngăn chặn điều trước đây, ông Truex cho biết Bắc Kinh có một hệ thống để đảm bảo việc chuyển giao quyền lực "tương đối yên bình".
Sau cái chết của Mao Trạch Đông vào năm 1976, Đặng Tiểu Bình đã đặt giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước vào hiến pháp của Trung Quốc, bởi ông ta nhận ra sự nguy hiểm của quyền lực cá nhân và sùng bái cá nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp vào tháng Ba, 2018 – loại bỏ giới hạn 10 năm, và trao cơ hội cho Tập Cận Bình cầm quyền cho đến khi chết.
Trong khi đó, chế độ đã tự bảo vệ mình khỏi một cuộc cách mạng bằng cách "thống trị vừa phải để giữ cho dân đen hạnh phúc, và khiến dân đen không muốn nổi dậy", và tất nhiên là thông qua việc kiềm soát thông tin và đàn áp, ông Truex nói.
Michael Albertus, đồng tác giả của Chủ nghĩa độc đoán và Nguồn gốc dân chủ tinh hoa, nói rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đã đặt ra tính hợp pháp của chính nó đối với sự phát triển quốc gia và đã thực hiện lời hứa đó một cách đáng kinh ngạc, giúp nửa tỷ người thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây.
Năm nay cũng được coi là "một năm chiến thắng quyết định để xóa đói giảm nghèo", ông Tập nói trong bài phát biểu năm mới của mình, khi thời hạn 2020 tự đặt ra của Đảng cộng sản Trung Quốc đã hiện diện.
Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã chuyển đổi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới sang nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhờ cải cách và các chính sách kinh tế mở.
Đồng thời Bắc Kinh đã sử dụng quyền lực để kiểm duyệt và loại bỏ những gì mà nhà nước này coi là mối đe dọa đối với tính hợp pháp của nó.
Ông Truex lưu ý Đảng cộng sản được cho là "chế độ tinh vi nhất" về mặt đàn áp, kiểm soát và bóp méo thông tin bằng internet, công nghệ, kiểm duyệt và tuyên truyền.
"Nhưng có một số bằng chứng cho thấy một số điều này có thể thay đổi dưới thời Tập Cận Bình, và một số điều thực sự khiến Đảng cộng sản trở nên vững mạnh có thể bị xói mòn dưới sự cai trị của ông ấy".
Ông Albertus nói rằng Đảng cộng sản Trung Quốc mạnh một phần vì nó đã "tiêu diệt kẻ thù chính của nó", Kuomintang (Quốc dân Đảng).
"Nó đã phát triển thành một tổ chức chặt chẽ, được tổ chức tốt và nhiều thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc có lợi ích về sức bền và khả năng dự báo của chính nó".
Điều gì khiến chế độ độc đảng sụp đổ ?
Vào năm 2013, Larry Diamond, một học giả dân chủ nổi tiếng tại Đại học Stanford, viết rằng Trung Quốc đang bước vào thời kỳ – thường cho thấy sự nguy hiểm đối với các chế độ độc đảng khác.
Ông gọi đó là "cơn ghẻ ngứa 70 năm" – một hiện tượng mà Trung Quốc đang phải đối mặt "sau một thời gian độc tài cai trị thành công".
Và có nhiều lý do tại sao chế độ Bắc Kinh tiếp tục thành công trong khi những chế độ khác thất bại, ông viết.
Sự tương phản giữa Trung Quốc ngày nay và Liên Xô trước khi sụp đổ không thể rõ ràng hơn.
Vào thời điểm Mikhail Gorbachev trở thành lãnh đạo Liên Xô năm 1985, nền kinh tế đã suy thoái và mục đích của ông là hồi phục nó bằng hai cải cách lớn : perestroika và glasnost (cải cách kinh tế và mở cửa chính trị).
Sarah Percy, Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Queensland, gần đây đã viết rằng cải cách kinh tế đã thu hút sự chỉ trích của người dân – nhưng "vấn đề cho phép một số lời chỉ trích là nó trở nên không thể kiểm soát được".
Hampnost đã mở ra một tự do ngôn luận với Pandora, giảm kiểm duyệt truyền thông và cho phép chỉ trích các quan chức chính phủ.
Maria Repnikova, một nhà khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia, nói với ABC rằng sự sụp đổ của Liên Xô đã biến nó thành một "mô hình chống đối" cho chế độ Trung Quốc.
"Đó là điều mà Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá thông qua sự kết hợp giữa khả năng đáp ứng và kiểm soát toàn diện".
Bà Repnikova, tác giả của cuốn sách "Chính trị truyền thông ở Trung Quốc", nói rằng Bắc Kinh đã bị ám ảnh bởi việc nắm bắt và định hướng dư luận, quản lý các cuộc khủng hoảng thông qua tiếp xúc với truyền thông chính thống và xã hội.
Đảng cộng sản Trung Quốc khác với các chế độ độc đảng khác như thế nào ?
Các chuyên gia gắn tuổi thọ Đảng cộng sản Trung Quốc với khả năng học hỏi và thích nghi của chính nó.
Kerry Brown, Giáo sư nghiên cứu Trung Quốc và là giám đốc của Viện Lau China tại Đại học King London, lưu ý rằng Đảng cộng sản Trung Quốc rất linh hoạt ở chỗ nó không "quá căng thẳng về ý thức hệ".
Ví dụ, khi Đảng cộng sản Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong cuộc Cách mạng Văn hóa vào giữa những năm 70, các nhà lãnh đạo đảng "tái sinh" bằng cách tập trung vào nền kinh tế , ông nói.
Giáo sư Brown cho biết ý tưởng về chủ nghĩa xã hội với "đặc sắc Trung Quốc" cũng "hoàn toàn cốt lõi" bởi nó có nghĩa là nó không giống bất kỳ hệ thống nào khác.
Trong khi chế độ độc đảng của Bắc Triều Tiên cũng khá đặc biệt, triều đại họ Kim hoạt động gần giống như một chế độ quân chủ, hệ thống chính trị đóng cửa khét tiếng đã hạn chế nghiêm trọng mọi cơ hội phát triển kinh tế.
"Có thể gọi nó là toàn trị, khi chính đảng có toàn quyền kiểm soát cuộc sống của người dân và hoàn toàn kiểm soát luồng thông tin".
Thoạt nhìn, Bình Nhưỡng có vẻ như là xứ sở thần tiên xã hội chủ nghĩa mà triều đại họ Kim luôn mơ ước – nhưng nó nhanh chóng trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Graeme Smith từ Đại học Quốc gia Úc cho biết Đảng cộng sản Trung Quốc đã nhận ra từ rất sớm – ngay cả trước khi lên nắm quyền vào năm 1949 – rằng việc thanh trừng thường xuyên để thanh lọc hàng ngũ của Đảng sẽ không phải là một chiến lược dài hạn.
Ở Campuchia, các cuộc thanh trừng đã góp phần lật đổ nhà lãnh đạo Khmer Đỏ của Pol Pot.
Một bài báo của Trung tâm Wilson kiểm tra mối quan hệ của Đảng cộng sản Trung Quốc với Khmer Đỏ vào những năm 1970 cho biết Đặng Tiểu Bình đã chỉ trích Pol Pot vì "chủ nghĩa cực đoan quá mức [của Đảng]", nói thêm rằng khuynh hướng "cánh tả" – đặc biệt là thanh trừng – đã "làm tổn hại khả năng đẩy lùi cuộc tấn công quân sự Việt Nam".
Mặc dù Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đã thanh trừng một số lượng lớn đảng viên trong quá khứ, nhưng sau đó, nó đã chuyển hướng sang chiến lược cải chính của đảng.
"Đây là ý tưởng rằng tất cả các cán bộ về cơ bản là tốt và có thể được cải tạo thông qua công tác tư tưởng".
Nhưng Tiến sĩ Smith nói thêm rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình – "hổ và ruồi" – một cụm từ lóng đề cập đến các quan chức cấp cao và tại địa phương – đã biến ông thành kẻ thù kể từ khi ông trở thành Chủ tịch nước.
Bao gồm cả số người có thể có quyền thế trong tương lai, Tiến sĩ Smith cho biết.
Chế độ Bắc Kinh sẽ trở thành ngoại lệ ?
Ông Diamond từ Đại học Stanford nói với ABC rằng mặc dù không có "quy luật sắt" nào đòi hỏi chế độ độc đảng phải tan rã sau 70 hoặc 80 năm, nhưng ông không nghĩ rằng hệ thống độc đảng của Đảng cộng sản là bền vững trong tương lai.
"Mặt khác, những người cầm quyền của Đảng cộng sản rất mong muốn Đảng cộng sản Trung Quốc trở thành lực lượng chính trị hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2049, khi chế độ đạt tuổi thọ 100, và tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra", ông nói .
"Mặc dù ảnh hưởng chính trị của hiện đại đã bị chậm lại và bị trì hoãn do một số yếu tố, bao gồm quản lý chặt chẽ thông tin của chế độ và mức độ đàn áp và giám sát của Orwell, chế độ phải đối mặt với những mâu thuẫn dài hạn như các chế độ độc đoán khác".
Ông Diamond nói rằng thu nhập và giáo dục của mọi người càng cao, giá trị của họ sẽ càng thay đổi và cuối cùng "họ muốn tự chủ hơn, nhân phẩm hơn, tự do hơn hơn cuộc sống bị kiểm soát".
"Một số người quay trở lại Chương trình Ngàn người tài năng hoặc đưa ra các cơ hội liên quan… và thực sự, chủ nghĩa dân tộc trong giới trẻ gần đây đã tăng mạnh".
"Tuy nhiên, nếu tôi là Đảng cộng sản Trung Quốc, tôi sẽ lo lắng trước xu hướng và những mâu thuẫn cơ bản trong hệ thống".
Anne-Marie Brady, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Canterbury nói rằng, câu hỏi lớn là liệu Đảng cộng sản Trung Quốc có thể tiếp tục cung cấp lợi ích kinh tế cho dân số Trung Quốc hay không.
"Tăng trưởng đã chậm lại ở Trung Quốc và họ có xã hội già hóa nhanh nhất thế giới", cô nói.
"Các ngân hàng Trung Quốc có nợ xấu, con số thất nghiệp thực tế bị kiểm duyệt, [và] lạm phát rất cao".
Ông Diamond tin rằng "sự bùng nổ nhân khẩu học" của Trung Quốc – được thúc đẩy bởi chính sách một con trước đây của Trung Quốc – sẽ khó có thể đảo ngược nếu không có sự nhập cư đáng kể.
"Nhưng làm thế nào Trung Quốc có thể làm điều đó với quy mô đủ lớn ?"
"Sự già hóa nhanh chóng của dân số sẽ thách thức mọi khía cạnh của ‘giấc mơ Trung Quốc’".
Hệ thống chính trị của Trung Quốc sẽ trông như thế nào trong tương lai ?
Diamond tin rằng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với "tham nhũng trong hệ thống", nhưng nói rằng có "mâu thuẫn cơ bản" khi cố gắng giải quyết vấn đề này.
"Tham nhũng chỉ có thể được kiểm soát thông qua nhà nước pháp quyền, chứ không phải nhà nước cai trị bằng quyền lực đảng phái, đòi hỏi phải tách Đảng cộng sản khỏi nhà nước và tư pháp".
"Nhưng nếu Đảng cộng sản Trung Quốc không còn thống lĩnh với nhà nước và ngành tư pháp thì nó có nguy cơ mất quyền kiểm soát".
"Đây là một vấn đề nan giải mà Đảng cộng sản Trung Quốc không thể giải quyết trừ khi tiến tới dân chủ".
Mặc dù không ai chắc chắn liệu Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia dân chủ với quyền bầu cử phổ thông hay không, nhưng không nghi ngờ gì khi Đảng cộng sản Trung Quốc tránh sử dụng thuật ngữ này.
Trong chuyến đi tới Thượng Hải vào tháng 11, ông Tập Cận Bình đã nói rằng nền dân chủ của Trung Quốc là một nền dân chủ "toàn quy trình".
Ông Trux nói rằng Đảng cộng sản thường sử dụng ngôn ngữ dân chủ – trừ khi đó không phải là một nền dân chủ được phương Tây biết đến".
"Ví dụ, nếu bạn sử dụng các cuộc thăm dò ý kiến của công dân Trung Quốc, đa số sẽ nói rằng họ sống trong một hệ thống dân chủ, ngay cả khi hầu hết mọi người mô tả Trung Quốc là độc tài".
Ông nói thêm rằng trong khi các nước phương Tây có xu hướng đánh đồng dân chủ với bầu cử, Trung Quốc đang cố gắng tăng sự tham gia của công dân vào chính trị theo một số cách khác nhau.
Ví dụ, ông nói rằng nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc có cái gọi là "hộp thư của Chủ tịch" nơi mọi người có thể gửi khiếu nại trực tuyến và cho phép dân đen đưa ra ý kiến sau khi thông qua pháp luật.
"Có nhiều thủ tục khác cho phép công dân bày tỏ sự bất bình hoặc bày tỏ ý kiến của họ về chính trị", ông nói.
"Nhưng thật khó để biết được, liệu chính phủ có thực sự đếm xỉa đến nó hay không…".
Nhưng ông Alberts nói rằng Đảng cộng sản Trung Quốc có thể đi theo con đường tương tự như Quốc Dân Đảng ở Đài Loan, nơi dần dần mở ra sự cạnh tranh chính trị theo cách riêng của nó.
Quốc Dân Đảng là đảng cầm quyền duy nhất khi di tản đến Đài Loan vào năm 1949, trước khi chuyển sang chế độ dân chủ sau cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của hòn đảo vào năm 1996.
Và Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) được bầu lần đầu tiên vào năm 2000.
Tuy nhiên, ông nói rằng phải có một số động lực để làm điều đó và rất có thể nó sẽ đến từ các mối đe dọa chính trị không thể kiểm soát.
"Chính phủ Bắc Kinh dự kiến sẽ đối mặt với những thách thức lớn trong 5-10 năm tới, điều này có thể hối thúc chế độ này tiến tới dân chủ theo cách riêng của mình", ông nói.
"Có thể giống như nhiều quốc gia khác, sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu đang bắt đầu đòi hỏi phải tách biệt đại diện và tự do hơn khỏi an ninh kinh tế".
"Nhưng tại thời điểm này, Đảng cộng sản Trung Quốc có cơ hội tốt để tin rằng mối đe dọa này sẽ không đủ trong tương lai, vì vậy nó không cần phải cải tổ ngày hôm nay".
Christina Zhou
Nguyên tác : China's Communist Party is at a fatal age for one-party regimes. How much longer can it survive ?, ABC News, 04/01/2020
Diễm My biên dịch
Nguồn : VNTB, 07/01/2020
Chủ nhật ngày 10/3/2018, quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, với sự đồng thuận gần như tuyệt đối : 2.958 phiếu tán thành, 2 phiếu phản đối và 3 phiếu trắng. Như vậy, với sự sửa đổi hiến pháp đáng kể này, đảng cộng sản chính thức phong ngôi "Hoàng đế" cho Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc mãn đời.
Tập thay Mao cai trị Trung Quốc mãn đời - Tranh biếm họa (AP/Alamy)
Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực
Đối với nhiều người, việc quốc hội Trung Quốc thống nhất bãi bỏ hạn kỳ Chủ tịch nước là kết quả được mong đợi, không ngạc nhiên sau hơn 5 năm thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình. Liên tiếp thanh trừng và loại bỏ các đảng viên cao cấp hoặc phe nhóm chống đối, Tập chứng tỏ được thủ đoạn và tham vọng quyền lực không giới hạn của mình. Kể từ năm 2013, sau một năm lên nắm quyền, ngoài thâu tóm chức vụ lãnh đạo của các ủy ban kinh tế hùng mạnh, Tập cũng tự phong cho mình đứng đầu các ủy ban về an ninh quốc gia và ngoại giao. Cụ thể, sau khi sáp nhập cảnh sát vũ trang vào quân đội, Tập Cận Bình, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương, nắm quyền lãnh đạo trực tiếp lực lượng này.
Bên cạnh đó, Tập còn tích cực đẩy mạnh bộ máy kiểm duyệt nhà nước, bịt mồm tiếng nói bất đồng chính kiến và xóa sạch thông tin ảnh hưởng tới hình ảnh của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Đáng sợ hơn, Tập còn phát động chủ nghĩa "sùng bái cá nhân", tự đánh bóng hình ảnh mình và sẵn sàng đàn áp bất cứ ai dám chỉ trích hoặc nhạo báng mình. Trong vài năm gần đây, nhiều sinh viên và nghệ sĩ đã bị bắt giữ vì mặc áo gọi Tập là "Xitler" ; vì đặt tên cho Tập là "steam bun Xi" (Tập bánh bao) ; và vì treo băng rôn : "Trung Quốc không cần Tập Cận Bình". Nhiều nhà báo còn bị kỷ luật, đình chỉ và thậm chí bị đuổi việc do viết sai tên Tập. Tờ South China Morning Post tường thuật một cư dân ở Yugan nói : "Người dân sẽ không được nhận tiền trợ cấp cho người nghèo nếu không thay thế ảnh tượng Kitô giáo bằng ảnh ông Tập".
Nhiều sinh viên và nghệ sĩ đã bị bắt giữ vì mặc áo gọi Tập là "Xitler" (ảnh Internet)
Sự tôn thờ và sợ hãi đối với Tập Cận Bình là điều kiện gần như là bắt buộc cho các đảng viên muốn thăng tiến trong sự nghiệp. Vì vậy, hầu như không có ai dám tỏ thái độ chống đối Tập.
Giáo sư Kerry Brown, giám đốc học viện Lau China tại King's College, Luân Đôn, và tác giả của cuốn "CEO, China : The Rise of Xi Jinping" nhấn mạnh : "Đã có nhiều sự phản đối vào thời Mao hơn thời nay. Thật kỳ quái bởi những hậu quả của sự chống đối vào thời Mao là rất lớn nhưng mọi người vẫn phản đối. Và thời nay, gần như là sự thinh lặng hoàn toàn".
Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Học viện SOAS China tại Đại học London, chia sẽ : "Sẽ là một hành động tự sát chính trị, tự sát sự nghiệp và có nguy cơ phá hủy nguồn thu nhập tài chính đối với bất cứ ai thực sự dám phản đối Tập Cận Bình".
Quyền lực khổng lồ và gần như tuyệt đối của Tập Cận Bình được thể hiện rõ qua các chức vụ : Tổng bí thư đảng cộng sản, Chủ tịch Ủy ban quân sự và Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Điều này còn được khẳng định trong cương lĩnh chính trị mới của đảng cộng sản :
"Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Học thuyết Đặng Tiểu Bình, Học thuyết về Ba đại diện, về Tầm nhìn khoa học về sự phát triển và Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới làm hướng dẫn cho hành động".
Hiến pháp đã được thay đổi để phục vụ Tập. Quân đội và công an cũng đều dưới trướng Tập. Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc gồm 7 người, thì Tập là "lãnh đạo nòng cốt – hạt nhân" và có tiếng nói quyền lực nhứt. Quan trọng hơn, Tập còn tạo ra và là chủ tịch đứng đầu các Nhóm lãnh đạo Trung ương (Central Leading Groups) về an ninh quốc gia, ngoại giao, quan hệ Đài Loan, an ninh mạng, quốc phòng và cải cách quân đội, tài chính... Từ cơ quan địa phương đến trung ương tối cao. Từ đảng viên cơ sở đến đảng viên cấp cao. Tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của Tập. Vì thế, bất cứ thách thức nào đối với quyền lực lãnh đạo của Tập có thể bị qui tội phản bội.
Đảng cộng sản Trung Quốc cần Tập Cận Bình để tồn tại
Câu hỏi đặt ra là :
- Tại sao Tập Cận Bình, vốn đã 64 tuổi, lại tin rằng sự tập trung quyền lực vào thời điểm này là cần thiết, bất chấp nguy cơ của các cuộc khủng hoảng nội bộ và nhóm lợi ích mà Đặng Tiểu Bình đã phản đối bằng cách phân tán quyền lực thể hiện trong Hiến pháp 1982 ?
- Tại sao Đảng cộng sản Trung Quốc lại phong "Đế" cho Tập Cận Bình ?
Lý do thứ nhất : do khả năng và quyền lực gần như tuyệt đối mà Tập Cận Bình đã mưu mẹo thâu tóm và đang nắm giữ.
- Chống tham nhũng : Thủ đoạn hơn những người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình xem nạn tham nhũng nghiêm trọng, phân hóa nội bộ và lợi ích nhóm là những thách thức đối với sự tồn vong của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tập đã lợi dụng chiến dịch diệt tham nhũng "Đả hổ diệt ruồi" để mạnh tay thanh trừng đối thủ cấp cao và thâu tóm quyền lực.
Tập nói : "Để giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng, chúng ta cần diệt cả hổ lẫn ruồi". Chiến dịch chống tham nhũng đã phần nào giúp khôi phục niềm tin của nhân dân vào Đảng cộng sản Trung Quốc.
- Vành đai & Con đường (Belt & Road), được Tập Cận Bình công bố năm 2013, là sáng kiến lớn đầy tham vọng cho những dự án được Trung Quốc xây dựng hoặc tài trợ trên 65 quốc gia trải dài từ Nam Thái Bình Dương, qua Châu Á đến Châu Phi và Châu Âu. Những dự án này bao gồm khoan dầu tại Siberia ; xây cảng ở Đông Nam Á ; đường sắt ở Đông Âu ; và nhà máy điện ở Trung Đông. Chiến lược này chứng tỏ được tham vọng khổng lồ cũng như đường lối đối ngoại cứng cỏi và chủ động của Tập Cận Bình.
- Khôi phục Khổng giáo : Tập tin rằng tư tưởng chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời nên không còn sức hấp dẫn người dân nữa vàchỉ có văn hóa truyền thống của Khổng Nho mới gắn kết mọi người lại với nhau để cùng thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa". Ngày 24/9/2014, Tập tham dự hội thảo Nho học nhân kỷ niệm 2565 năm sinh Khổng Tử và đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao nhất Trung Quốc góp mặt. Sự kiện này chứng tỏ được quyết tâm khôi phục Nho giáo của Tập Cận Bình.
Roderick MacFarquhar, Giáo sư Đại học Harvard và là nhà Trung Quốc học (China Studies) nổi tiếng nhận xét : "Từ thời Mao đến nay, chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào đẩy mạnh một chương trình trọn vẹn phục hồi các giá trị cũ và sức mạnh thô bạo của Đảng cộng sản Trung Quốc như Tập Cận Bình đang làm".
Triết lý của Khổng Tử khuyến khích "kẻ sĩ" – tầng lớp quan lại, cán bộ - dốc lòng thần phục tầng lớp cai trị - vua chúa. Văn hóa Nho giáo sản sinh ra những nô lệ hèn nhát, vô cảm, mù quáng phục vụ tầng lớp cai trị dù cho nó có hung bạo đến mấy. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, Nho giáo đã thấm quá sâu vào tâm trí người dân. Lịch sử Trung Quốc là những chế độ phong kiến chuyên chế tôn sùng Khổng giáo bởi nó mang lại sự ổn định quan trọng cho tầng lớp cai trị. Tập Cận Bình nhận ra được Khổng giáo sẽ giúp mình duy trì quyền lực cá nhân lẫn sự ổn định của chế độ toàn trị, nên đã nỗ lực khôi phục Nho giáo để giáo dục và nhắc nhở các đảng viên và nhân dân phải tuyệt đối trung thành với chế độ và "lãnh đạo hạt nhân" của đảng cộng sản.
- Tăng cường quyền lực mềm (soft power) : Kể từ khi nắm quyền, Tập Cận Bình xem vị thế của Trung Quốc trên chính trường thế giới là một trong những mục tiêu cao nhất. Chiến lược quyền lực mềm tập trung quảng bá hình ảnh Trung Quốc và đặc biệt tạo ra những ảnh hưởng chính trị nội bộ ở những quốc gia nhận tài trợ kinh tế từ Bắc Kinh. Đã có nhiều lời cảnh báo về tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc, được che đậy dưới danh nghĩa giáo dục và văn hóa như "Viện Khổng Tử".
Theo học giả David Shambaugh, Trung Quốc chi khoảng 10 tỷ USD mỗi năm để phát triển quyền lực mềm – là chi phí cao nhất trên thế giới cho quyền lực mềm. Lý tưởng "Giấc mộng Trung Hoa" của Tập – một phần quan trọng của chiến lược quyền lực mềm, gửi thông điệp tới thế giới rằng Trung Quốc chỉ tập trung phát triển kinh tế nhằm mang lại cuộc sống khá giả cho người dân và Trung Quốc không phải là một mối đe dọa đối với hòa bình và trật tự thế giới mới.
Tóm lại, Tập Cận Bình đã chứng minh với Đảng cộng sản Trung Quốc rằng mình không phải là người "tầm thường" : thực hiện các kế sách mà không một lãnh đạo tiền nhiệm nào dám làm và có thể làm. Quyền lực mà Tập đã thâu tóm được suốt hơn 5 năm đặt Quốc hội Trung Quốc vào vị trí mà nó không thể làm khác được, ngoài ngoan ngoãn phục tùng bằng cách hợp thức hóa tham vọng cai trị mãn đời của Tập.
Lý do thứ hai : để củng cố tính chính danh của đảng cộng sản và bảo vệ sự tồn vong của chế độ độc tài toàn trị.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô là một bài học vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Trong một bài phát biểu nội bộ bị rò rỉ năm 2012, Tập đã hỏi các đảng viên cao cấp : "Tại sao Liên bang xô viết tan rã ? Tại sao Đảng cộng sản xô viết sụp đổ ? Một nguyên nhân quan trọng là do tư tưởng và niềm tin của họ bị dao động".
Đối với Tập, nếu đảng cộng sản sụp đổ, đất nước Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ. Vì thế, Tập thẳng tay đàn áp và loại bỏ bất cứ rào cản nào dám đe dọa sự lãnh đạo độc nhất của đảng cộng sản.
Tập cho rằng sự thất bại và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô là vì thiếu vắng một lãnh đạo mạnh mẽ dám đứng lên chống lại quyết định của Gorbachev. Do đó, Tập tin rằng Đảng cộng sản Trung Quốc cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ (strongman) nắm mọi quyền lực để duy trì sự tồn tại của đảng.
Tách biệt đảng và nhà nước là một trong những di sản chính trị quan trọng của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi dưới thời Tập Cận Bình khi ông ta tin rằng tất cả mọi vấn đề mà Trung Quốc đang đối mặt từ tham nhũng, bộ máy chính phủ quan liêu, đến kinh tế suy thoái, đều là do vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản bị phá hoại. Vì thế, Tập đã đẩy mạnh sự kìm kẹp chặt chẽ của đảng cộng sản lên tất cả mọi khía cạnh của Trung Quốc : "Chính phủ, quân đội, xã hội và giáo dục cũng giống như phía bắc, phía nam, phía đông và phía tây. Nhưng ở trung tâm là đảng cộng sản. Đảng cộng sản lãnh đạo tất cả".
Ngoài bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ, Quốc hội Trung Quốc còn bổ sung vào Hiến pháp định nghĩa vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản : "là đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc". Đề xuất thay đổi Hiến pháp này nhằm tăng cường tính chính danh của đảng cộng sản.
Tập tin rằng những thách thức cam go mà Trung Quốc đang phải đối mặt không chỉ đòi hỏi một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, mà còn cần một đảng cầm quyền thống nhất và vững mạnh. Nói ngắn gọn, đảng cộng sản cần Tập để củng cố tính chính danh và Tập cũng cần đảng cộng sản để củng cố triều đại Tập Cận Bình.
Lý do thứ ba : tình hình thế giới hiện tại đặt chóp bu Đảng cộng sản Trung Quốc vào tình thế phải dựa vào Tập Cận Bình để kiên cố xây dựng "chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc".
Những sự kiện quan trọng gần đây như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đặc biệt sự trỗi dậy đáng lo ngại của chủ nghĩa dân túy ở nhiều quốc gia dân chủ giàu mạnh, là động lực khiến cho Đảng cộng sản Trung Quốc tìm cách duy trì sự ổn định của chế độ dựa vào lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng như Tập Cận Bình.
Giáo sư Kerry Brown phân tích : "Donald Trump đã khiến cho mọi người nghĩ rằng : Wow, đây là một thế giới thực sự không ổn định và khó dự đoán, mà có thể sẽ dẫn tới chiến tranh thương mại, và Trung Quốc cần sự lãnh đạo ổn định và có thể dự liệu được, để có thể giải quyết vấn đề này".
Ngày 4/3/2018, tại kỳ họp Lưỡng hội, Tập Cận Bình phát biểu trước quốc hội rằng các quốc gia khác nên học theo "mô hình hệ thống chính trị mới" của Trung Quốc bởi nó ngăn ngừa "sự luân chuyển quyền lực và cạnh tranh gay gắt giữa các chính đảng" ở các nước dân chủ. Thực tế hơn, phần lớn các đảng viên tin rằng tư tưởng mạnh mẽ của Tập sẽ mang lại sự ổn định và kéo dài tuổi thọ chế độ, giúp họ và gia đình tiếp tục nhận được những đặc lợi cần thiết từ chế độ.
Lý do thứ tư : nhằm bảo vệ quyền lực, bảo vệ bản thân cũng như loại bỏ mọi âm mưu lật đổ của phe nhóm chống đối.
Vào năm 2012 và 2017, có nhiều tin đồn rằng phe Giang Trạch Dân đã âm mưu thực hiện một cuộc đảo chánh. Mặc dù những tin đồn không dựa trên bất kỳ thông tin giá trị nào, Tập vẫn có hành động quyết định để củng cố quyền lực bằng cách vô hiệu hóa đối thủ của mình. Lợi dụng chiến dịch "Đả hộ diệt ruồi", Tập đã nhắm đến các nhà lãnh đạo dưới thời Giang Trạch Dân.
Trong một bài phát biểu năm 2015, Tập đã cáo buộc năm thành viên cao cấp về kế hoạch "âm mưu chính trị để phá hoại và chia rẻ đảng", nhắm đến những hoạt động đảo chánh. Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Lưu Sĩ Dư (Liu Shiyu) đã khẳng định về một cuộc đảo chính tại kỳ họp quốc hội vào tháng 10/2017, rằng một số đảng viên đã "lên kế hoạch cướp đoạt sự lãnh đạo của đảng và cướp quyền lực nhà nước".
Theo các chuyên gia, mặc dù có những cuộc đảo chánh đáng nghi ngờ, cuộc chiến tranh phe phái của nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc chắc chắn đã ảnh hưởng đến quyết tâm tăng cường và củng cố quyền lực của Tập. Thay đổi hiến pháp để Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc suốt đời cũng là thông điệp của Tập và phe nhóm gửi đến nhóm chống đối hãy biết thân phận, chấp nhận thần phục để được ban phát lợi ích. Còn ngược lại, sẽ chỉ gặp thất bại và bị tiêu diệt mà thôi.
Tập buộc phải tìm cách để trở thành "hoàng đế" trọn đời (ảnh internet)
Cần lưu ý rằng, trong suốt quá trình thanh trừng đối thủ để thâu tóm quyền lực, Tập đã tạo ra quá nhiều kẻ thù. Vì thế, để bảo đảm sự an toàn cho bản thân, gia đình và phe nhóm thân cận, Tập buộc phải tìm cách để trở thành "hoàng đế" trọn đời.
Thay lời kết
Nhà văn nổi tiếng người Anh, George Orwell, đã sử dùng hình ảnh "Big Brother" – Đại Ca/Anh Lớn trong tác phẩm lừng danh "1984" mô tả Joseph Stalin, một trong những nhà độc tài cộng sản tàn ác nhất trong lịch sử nhân loại. Người Anh Lớn sở hữu quyền lực tuyệt đối, có đầu óc và luôn hiện diện ở khắp mọi nơi theo dõi mọi hoạt động và suy nghĩ của người dân. Tham vọng kinh hoàng của Big Brother là tạo ra một tầng lớp người cống hiến trọn vẹn tình cảm của mình cho tư tưởng, mục tiêu của đảng cộng sản và tiêu diệt những ai chối từ đặt đảng trong trái tim họ.
Quyền lực và tham vọng của Tập Cận Bình cũng không khác lắm so với Big Brother. Chắc chắn Đảng cộng sản Trung Quốc biết được mối nguy khi phụ thuộc quá nhiều vào Tập Cận Bình, nhưng có lẽ nó không có một sự lựa chọn nào tốt hơn và không thể nào làm khác được.
Năm 1980, Đặng Tiểu Bình, người được chọn để kế tục Mao Trạch Đông, kêu gọi sự tách biệt quyền lực giữa đảng cộng sản và nhà nước, nhằm chống lại sự tập trung quyền lực quá lớn vào một cá nhân vì dễ dẫn tới sự cai trị độc đoán. Nhưng Tập đảo lộn tất cả. Tập "lên voi" trở thành "Hoàng đế", đảng cộng sản "xuống chó" thành nô lệ phục tùng.
Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng sự chuyển hóa từ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân thường tạo ra nhiều bất ổn, xung đột và chế độ dễ bị rạn nứt, sụp đổ. Về cơ bản, sinh mạng của một chế độ độc tài có thể được kéo dài nếu nó được lãnh đạo bởi một đảng phái chấp nhận hoạt động với nhau để duy trì quyền lực. Khi có xung đột hoặc khủng hoảng, chính đảng này đóng vai trò là trung tâm điểm cho các cuộc đàm phán, thỏa hiệp trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo mới và giảm được hỗn loạn cũng như nguy cơ đảo chính. Ngược lại, chế độ độc tài cá nhân không có được lợi thế đó bởi sự cạnh tranh quyền lực và chia rẽ giữa những kẻ dưới trướng kẻ độc tài là rất lớn. Hiện tại, ở Trung Quốc, cái xác khô mang tên "đảng cộng sản" đang thần phục kẻ độc tài họ Tập.
Nhìn từ bên ngoài Trung Quốc có vẻ ổn định và đang phát triển như mong đợi. Nhưng trong thực tế, triều đại Tập Cận Bình đang đau đầu với vô số vấn đề nhức nhối ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ : ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu nước, đói nghèo ở nhiều nơi, mất cân bằng giới tính, khoản nợ khổng lồ của các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước, bất ổn ở các khu tự trị, số người thất nghiệp thành thị và nạn tham nhũng. Những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn của Trung Quốc lớn hơn những gì người ta có thể nhìn thấy. Đã thế còn thêm độc tài cá nhân. Rủi ro chồng chất ! Hiểm nguy giăng đầy !
"Ở một chế độ dân chủ, sẽ có nhiều than phiền, chỉ trích, nhưng ít khủng hoảng. Ở một chế độ độc tài, sẽ có nhiều sự thinh lặng, nhưng lại rất nhiều đau khổ".
Mai. V. Pham
(16/03/2018)
Tham khảo :
http://time.com/5195211/china-xi-jinping-presidential-term-limits-npc/
http://www.businessinsider.com/xi-jinping-ended-term-limits-because-of-failed-coup-2018-3?r=UK&IR=T
http://www.xinhuanet.com/english/2018-03/05/c_137015955.htm