Trọng không đi Mỹ vì Trump đồng bóng ?
Thường Sơn, VNTB, 17/10/2019
Từ nửa cuối tháng 9 năm 2019, bắt đầu xuất hiện một luồng ‘tin nội bộ’ lan truyền trong một số dư luận về việc ‘Cụ tổng’ Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ không đi Mỹ, thay vì đi như dự kiến vào tháng 10 năm 2019.
Cuộc gặp Trọng - Trump tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2019 - Ảnh minh họa
Lý do : Trump là người đồng bóng và hay có những quyết định thất thường, vậy nên ‘cụ tổng’ không muốn đi.
Lý do trên trái ngược hẳn với bầu không khí hồ hởi : Nguyễn Phú Trọng nhiệt tình nhận lời mới đi thăm Mỹ của Donald Trump khi tổng thống Mỹ đến Hà Nội vào tháng 2 năm 2019 để đối thoại song phương với Kim Jong Un. Khi đó, cầm chắc là Trọng sẽ đi Mỹ và không có một lý do nào có thể cản được tâm trạng ‘mình có như thế nào người ta mới tiếp đón như thế chứ’.
Thế nhưng thật là ‘trời không có mắt’ : cú bạo bệnh ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’ vào tháng 4 năm 2019 đã phá tan giấc mộng đặt chân lần thứ hai lên Washington, nhưng lần dự kiến này với tư cách chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia chứ không còn là tổng bí thư của một đảng phái đã hoạt động ‘vô luật’ suốt hơn bảy chục năm trên rẻo đất quằn quại hình chữ S - của Nguyễn Phú Trọng.
Cùng với luồng tin ‘cụ tổng không đi Mỹ vì Trump đồng bóng’, từ cuối tháng 9 năm 2019, bắt đầu rộ lên thông tin bên lề chính trường Việt Nam về việc Nguyễn Phú Trọng gặp phải vấn đề khó khăn về sức khỏe nên sẽ khó có thể đi Washington gặp Tổng thống Trump.
Dấu hiệu gần nhất và dễ nhận ra nhất là Nguyễn Phú Trọng đã phải vắng mặt tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2019 - một hội nghị quốc tế lớn mà nếu còn đủ sức khỏe thì Trọng đã luôn hớn hở đi dự, theo đúng tâm trạng của Nguyễn Tấn Dũng khi ông ta thường xuyên đi dự họp Đại hội đồng Liên Hiếp Quốc vào thời còn làm thủ tướng.
Dù báo đài đảng đã cố gắng đưa hình ảnh và phát sóng về ông ta đi nơi này nơi kia cùng vài buổi họp hành trong đảng, nhưng điều lộ diện bị nhiều người thắc mắc nhất vẫn là ‘sao không thấy, hoặc có quá ít hình ảnh Nguyễn Phú Trọng đi lại ?’.
Thách thức tự thân với Trọng là biểu đồ hồi phục sức khỏe của ông ta sau một thời gian ngắn tạm ổn nhưng giờ đây lại có vẻ chựng lại và có dấu hiệu đi xuống. Trong ít lần xuất hiện gần nhất, rõ ràng là vận động tứ chi của Trọng không khả quan hơn so với trước đây.
Người ta tự hỏi là với tình trạng sức khỏe chỉ đủ ‘ngồi’ mà không phải là ‘đi’, liệu Nguyễn Phú Trọng có thể bảo đảm cho một chuyến công du dài đến Washington, gặp Trump và sau đó dĩ nhiên phải xuất hiện trước ống kính soi mói của báo chí phương Tây ?
Đến lúc đó, bắt đầu manh nha vài tin tức ‘có thể Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi Mỹ thay cho Nguyễn Phú Trọng’. Nếu chuyến đi này mang về cho Việt Nam được món quà ‘nâng tầm đối tác chiến lược’ với Hoa Kỳ, dù món quà này chỉ mang ý nghĩa hình thức, đó sẽ là một thành quả chính trị ghê gớm, đủ để biến cá nhân Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng cử viên số một cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13, nếu từ đây đến đó Nguyễn Phú Trọng không thể cải thiện hơn về mức độ đề kháng tai biến mà có thể khiến cho ‘thái tử’ Trần Quốc Vượng mất ngôi.
Nếu cuộc gặp Trump - Trọng vào tháng 10 bị bỏ lỡ, đó sẽ là lần thứ hai trong năm 2019 bất thành chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên không thành là chuyến đi dự kiến vào tháng 7, khi đó Trọng chỉ vừa tạm phục hồi sau cơn bạo bệnh ở Kiên Giang nên chưa thể tiến hành được.
Tục ngữ ‘lực bất tòng tâm’ ngày càng nở rộ trên cửa miệng các quan chức dưới trướng Trọng. Nhiều kẻ đã thấu cày rằng ‘cụ tổng’ chẳng còn mấy hơi sức để tiếp tục ‘cống hiến cho sự nghiệp cách mạng’ nữa.
Còn cái cách loan tin về ‘cụ tổng không đi Mỹ vì Trump đồng bóng’ hẳn chỉ thuần túy do nhu cầu sĩ diện cá nhân phải ngồi một chỗ của Nguyễn Phú Trọng.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 17/10/2019
**********************
Ông Trọng hoãn đi Mỹ vì lo ngại sức khỏe ?
VOA, 17/10/2019
Có những dấu hiệu cho thấy Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ không thực hiện được chuyến công du Mỹ đầy mong đợi trong năm nay vì những lo ngại về sức khỏe, theo các chuyên gia phân tích chính trường Việt Nam.
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội hôm 27/2. Theo các chuyên gia, ông Trọng sẽ không tới thăm Mỹ trong năm nay vì lý do sức khỏe.
Trích dẫn các nguồn tin khác nhau, nhà phân tích Ấn Ðộ-Thái Bình Dương Derek Grossman của RAND Corporation nhận định rằng ông Trọng sẽ không đi thăm Mỹ trong tháng này, trong khi Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales cho biết người đứng đầu nhà nước Việt Nam sẽ thăm Mỹ vào năm sau. Cả hai chuyên gia đều đưa ra lý do là vì những quan ngại về sức khỏe của ông Trọng.
Chuyến thăm của người đang nắm quyền lực cao nhất tại Việt Nam tới Washington được nhiều người mong đợi trong bối cảnh Mỹ muốn thúc đẩy cho một mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam khi Trung Quốc ngày càng gây sức ép trên Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đích thân mời ông Trọng tới thăm Nhà Trắng để bàn thảo các giải pháp tăng cường các mối quan hệ song phương, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hồi tháng 2 khi ông Trump tới Hà Nội tham dự thượng đỉnh với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Trọng lần đầu tiên tới thăm Mỹ năm 2015 và được tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama tiếp đón tại Nhà Trắng trong tư cách là tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Với việc ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời, ông Trọng được kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch nước và sẽ "danh chính ngôn thuận" khi gặp tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên tháng 4 vừa qua, ông Trọng được cho là đã phải nhập viện trong một chuyến thăm và làm việc tới Kiên Giang. Ông Trọng sau đó đã xuất hiện trở lại trong các sự kiện diễn ra tại Hà Nội qua các hình ảnh được truyền thông chính thống đăng tải.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, trong một bài phân tích đăng trên VOA, cũng cho biết rằng từ cuối tháng 9 "bắt đầu rộ lên thông tin bên lề chính trường Việt Nam về việc (Tổng bí thư-Chủ tịch nước) Nguyễn Phú Trọng gặp phải vấn đề khó khăn về sức khỏe nên sẽ khó có thể đi Washington gặp Tổng thống Trump, dự kiến vào tháng 10".
Nói với VOA từ Canberra hôm 15/10, Giáo sư Thayer trích các nguồn tin từ Việt Nam, mà ông tiếp xúc trong vòng một tháng qua, cho biết ông tổng bí thư "bị liệt tay phải" và rằng "ông ấy đã phải nhập viện ngay trước khi Hội nghị Trung ương 11" diễn ra hồi tuần trước.
Ông Trọng đã không tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, vào cuối tháng trước.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa bao giờ cho biết thời gian cụ thể ông Trọng sẽ thăm Mỹ nhưng truyền thông quốc tế cho rằng ông Trọng dự kiến thăm Mỹ vào tháng 10. Trong một buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm 12/9, bà Hằng nói với các phóng viên rằng "hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ được thông báo đến truyền thông vào thời điểm thích hợp".
Giáo sư Thayer, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, nói rằng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từng là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phan Văn Khải, nói với ông bên lề một hội nghị rằng cho tới lúc này chưa có bất cứ một cuộc gặp nào ở cấp làm việc giữa Mỹ và Việt Nam được tổ chức để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Trọng.
"Đồng sàng dị mộng" về đối tác chiến lược
Theo nhà phân tích chính sách của Mỹ, Derek Grossman, viết trong một phần đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 15/10, rằng nếu đúng là tổng bí thư-chủ tịch nước Việt Nam không thăm Mỹ trong tháng này thì "giờ đây sẽ có rất ít khả năng Mỹ và Việt Nam nâng sự hợp tác lên ‘quan hệ đối tác chiến lược".
Chuyến thăm Mỹ của ông Trọng được mong đợi trong suốt nhiều tháng qua trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gây sức ép với Việt Nam trên Biển Đông trong hoạt động khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài, trong đó có ExxonMobil củaMỹ.
Nhiều người kỳ vọng chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ sẽ nâng tầm quan hệ giữa hai nước từ "đối tác toàn diện" lên "đối tác chiến lược".
Mặc dù Việt Nam và Mỹ cùng muốn có mối quan hệ chiến lược, nhưng Giáo sư Thayer cho rằng hai nước lại "đồng sàng dị mộng" trong quan niệm về "đối tác chiến lược".
"Đối tác chiến lược của người Mỹ có xu hướng được thiết kế bởi Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) và đại loại đưa Việt Nam vào một mối liên minh để lập nên trật tự dựa trên luật pháp để chống lại Trung Quốc", Giáo sư Thayer nói.
Trong khi đó, theo vị giáo sư này, Việt Nam có một quan niệm rộng lớn hơn về "đối tác chiến lược", trong đó bao gồm cả hỗ trợ về "công nghệ, giáo dục, y tế và có thể là hợp tác về an ninh và chính sách ngoại giao".
Việt Nam hiện vẫn đang duy trì chính sách "3 không" – trong đó có không dựa vào nước này để chống nước kia.
"Việt Nam cần sự hỗ trợ của Mỹ nhưng họ lại không muốn một sự cam kết với Mỹ", Giáo sư Thayer nói. "Quan niệm về đối tác chiến lược của Lầu Năm Góc có thể đẩy Việt Nam quá gần tới một mối quan hệ mà họ sẽ không muốn".
Do đó, theo Giáo sư Thayer, Việt Nam đã luôn "do dự" trong việc trở thành đối tác chiến lược của Mỹ, trong khi Mỹ luôn thúc giục Việt Nam về việc này.
"Trước vụ Bãi Tư Chính, Việt Nam do dự hơn bởi vì làm thế nào để họ cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc", Giáo sư Thayer nói. "Nhưng giờ đây họ gần như bị dồn vào chân tường bởi vì Trung Quốc ngày càng tăng sức ép, tăng sự hiện diện, và không lùi bước. Ai mà biết được ?"
Theo nhận định của vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Úc, thuộc đại học New South Wales, ông Trọng sẽ thăm Mỹ vào năm sau khi hai quốc gia cựu thù kỷ niệm 25 năm ngày nối lại quan hệ ngoại giao.
Vị giáo sư của đại học Úc nói rằng chuyến thăm của ông Trọng nên được tiến hành trước khi bầu cử Mỹ vào cuối năm sau vì nếu có sự thay đổi trong sự lãnh đạo của Mỹ thì "Việt Nam sẽ phải đặt niềm tin vào bất cứ chính quyền mới nào của Mỹ". Nhưng theo ông, điều đó có thể "rủi ro và không chắc chắn".
********************
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh : Việt Nam ‘không thể’ quay lưng với Trung Quốc
Viễn Đông, VOA, 16/10/2019
Một quan chức của Thành phố Hồ Chí Minh mới nói rằng Việt Nam "không thể quay mặt đi" khi đương đầu với Trung Quốc, trong khi một chuyên gia nước ngoài nói rằng Bắc Kinh đang đẩy Hà Nội "vào thế khó".
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, được truyền thông trong nước trích lời nói với các cử tri hôm 15/10 về vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc, đồng thời khẳng định rằng "chưa bao giờ" lực lượng hải quân Việt Nam "hùng mạnh như bây giờ".
"Dù bất cứ hoàn cảnh nào giữa ta và Trung Quốc vẫn phải duy trì kênh đối thoại chứ không thể quay mặt đi", ông Nhân, một ủy viên Bộ Chính trị, nói, theo Infonet, trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh được cho nói thêm rằng Việt Nam "đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án, lúc nào cần thiết sẽ sử dụng", nhưng "mỗi bước cao hơn kèm theo sự căng thẳng hơn nên cần phải cân nhắc".
Bình luận của lãnh đạo trung tâm tài chính của Việt Nam được đưa ra một ngày sau khi có tin chưa được Hà Nội xác nhận nói rằng tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn hoạt động trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên khoảng 120 km.
Về diễn biến này, ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington, nhận định rằng đó là "thông điệp" của Bắc Kinh về việc tiếp tục "củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông".
"Việc Trung Quốc sử dụng tàu thăm dò ở Bãi Tư Chính là một chỉ dấu cho thấy rằng Trung Quốc cảm thấy có quyền thăm dò dầu khí trong đường đứt khúc chín đoạn (tức "đường lưỡi bò"), kể cả việc đó có ở trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam", ông Hiebert nói.
"Điều này đẩy Việt Nam vào một tình thế khó khăn vì sau các áp lực về hải quân của Trung Quốc đối với Việt Nam trong những tháng gần đây, các công ty dầu khí nước ngoài sẽ ngày càng cảm thấy lo lắng khi ký hợp đồng với Việt Nam vì lo ngại rằng họ sẽ phải gánh chịu áp lực quân sự lớn".
Nhà nghiên cứu về tình hình ở Biển Đông này nói thêm rằng một mặt "Trung Quốc luôn nói với lãnh đạo ở Đông Nam Á rằng họ không nên lo lắng vì các tham vọng của Trung Quốc hoàn toàn ôn hòa", nhưng mặt khác, "họ cũng cho thấy rõ rằng họ sẽ bảo vệ và chiếm giữ những gì mà họ coi là của mình, đặc biệt là ở Biển Đông". Chuyên gia của CSIS nêu ví dụ về việc Trung Quốc đưa các tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái và xe tăng qua Bắc Kinh trong cuộc diễu hành nhân dịp 70 năm ngày Quốc khánh hồi đầu tháng này. Các chuyên gia khác từng nhận định rằng hành động phô trương vũ khí đó "đe dọa gián tiếp" Việt Nam.
Cùng ngày ông Nguyễn Thiện Nhân nói về việc "không thể quay mặt đi" với Trung Quốc, Tổng bí thư và Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập với cử tri về vấn đề tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, nói thêm rằng "hay gì mà [gây] căng thẳng" vì "cả đôi bên cùng thiệt".
"Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó", ông Trọng nói, theo báo Thanh Niên.
"Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ? Vô trách nhiệm à ?"
Trong chuyến thăm Nepal mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình được truyền thông Trung Quốc dẫn lời cảnh báo rằng bất kỳ âm mưu nào nhằm chia rẽ Trung Quốc sẽ bị "đập tan".
Một số chuyên gia cho rằng đây không chỉ là lời cảnh báo đối với người dân Hong Kong mà còn với cả các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Viễn Đông
**********************
Trung Quốc kêu gọi Việt Nam đối thoại về Biển Đông
VOA, 16/10/2019
Bắc Kinh kêu gọi Hà Nội đối thoại hòa bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau khi Việt Nam đẩy mạnh lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng
Báo South China Morning Post (SCMP) trích lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo vào hôm thứ Tư 16/10 rằng "Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại và đàm phán, để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua các hành động thiết thực".
Tuyên bố được đưa ra tiếp theo sau một cảnh báo hồi đầu tuần của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rằng đất nước sẽ "không bao giờ thỏa hiệp" chủ quyền của mình, nhưng cần duy trì một môi trường hòa bình.
Trước đó, hôm 7/10 người kiêm nhiệm hai chức vụ cao nhất của Việt Nam "đề nghị Trung ương phân tích" về tình hình Biển Đông trong bối cảnh các tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau quanh khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7.
Ngoài phát biểu của ông Trọng, hôm thứ Ba 15/10, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nói rằng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông đã bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng, theo SCMP.
Căng thẳng trên Biển Đông tăng cao trong hơn 3 tháng qua khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chấn Hải Dương 8 vào khu vực mà Việt Nam nói là chủ quyền của mình. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã vài lần lên tiếng phản đối sự "vi phạm chủ quyền" của các tàu Trung Quốc nhưng chưa kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như nhiều chuyên gia và công chúng kêu gọi.
(Theo SCMP, Tuổi Trẻ Online)
"Sao không thấy hình ảnh Nguyễn Phú Trọng đi lại ?"
Từ cuối tháng 9 năm 2019, bắt đầu rộ lên thông tin bên lề chính trường Việt Nam về việc ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng gặp phải vấn đề khó khăn về sức khỏe nên sẽ khó có thể đi Washington gặp Tổng thống Trump, dự kiến vào tháng 10.
Ẩn số trong phương trình ‘Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ’ dường như đang lộ dần đáp án. Vì sao lại là Nguyễn Xuân Phúc mà không phải quan chức khác, nếu quả thật Trọng không thể ‘tự đi’ ?
Dấu hiệu gần nhất và dễ nhận ra nhất là Nguyễn Phú Trọng đã phải vắng mặt tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2019 - một hội nghị quốc tế lớn mà nếu còn đủ sức khỏe thì Trọng đã luôn hớn hở ‘mình phải như thế nào thì người ta mới tiếp đón như thế chứ’.
Nếu cuộc gặp Trump - Trọng vào tháng 10 bị bỏ lỡ, đó sẽ là lần thứ hai trong năm 2019 bất thành chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên không thành là chuyến đi dự kiến vào tháng 7, khi đó Trọng chỉ vừa tạm phục hồi sau cơn bạo bệnh ở Kiên Giang vào tháng 4 năm 2019 nên chưa thể tiến hành được.
Biểu hiện rõ nhất cho ý đồ Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ kế hoạch đi Mỹ, dù ông ta đã ‘trốn biệt’ không đi Trung Quốc suốt từ đầu năm 2019 đến giờ, là ‘con thoi’ Phạm Bình Minh. Viên phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao này đã có một chuyến tiền trạm ở Washington vào tháng 5 năm 2019, với vai trò được nâng cấp hẳn lên sau một thời gian khác dài bị thất sủng trước Trọng từ sau sự biến khủng hoảng ngoại giao Việt - Đức vào năm 2017. Trong chuyến đi Mỹ đó, thậm chí Phạm Bình Minh còn có những cuộc làm việc với cả Bộ Quốc phòng Mỹ, cho thấy rất rõ là Minh đang trở thành một trong những quan chức có được quyền đàm phán song phương, đặc biệt là đàm phán về việc nâng cấp mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thậm chí có thể vươn từ ‘đối tác toàn diện’ lên tầm ‘đối tác chiến lược’ - một nhu cầu mà Đảng cộng sản Việt Nam luôn õng ẹo theo não trạng ‘Mỹ cần ta hơn ta cần Mỹ’, nhưng bất chợt trở nên thúc bách khi nổ ra vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính lần thứ ba vào đầu tháng 7 năm 2019.
Cũng vào tháng 5 năm 2019, người ta không nghe nói gì đến ‘phương án Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ’. Vào thời điểm đó, có vẻ việc đi Mỹ và gặp Trump là độc quyền của Nguyễn Phú Trọng. Thêm vào đó, Trump đã có lời mời đích danh Trọng - khi đó đã nghiễm nhiên là chủ tịch nước chứ không chỉ là một tổng bí thư đảng ‘danh không chính ngôn không thuận’ - đi Washington.
Tuy nhiên cho đến tháng 9 năm 2019, tình hình sức khỏe của ông Trọng dường như vẫn trầy trật. Dù báo đài đảng đã cố gắng đưa hình ảnh và phát sóng về ông ta đi nơi này nơi kia cùng vài buổi họp hành trong đảng, nhưng điều lộ diện bị nhiều người thắc mắc nhất vẫn là ‘sao không thấy, hoặc có quá ít hình ảnh Nguyễn Phú Trọng đi lại ?’
Thách thức tự thân với Trọng là biểu đồ hồi phục sức khỏe của ông ta sau một thời gian ngắn tạm ổn nhưng giờ đây lại có vẻ chựng lại và có dấu hiệu đi xuống. Trong ít lần xuất hiện gần nhất, rõ ràng là vận động tứ chi của Trọng không khả quan hơn so với trước đây.
Người ta tự hỏi là với tình trạng sức khỏe chỉ đủ ‘ngồi’ mà không phải là ‘đi’, liệu Nguyễn Phú Trọng có thể bảo đảm cho một chuyến công du dài đến Washington, gặp Trump và sau đó dĩ nhiên phải xuất hiện trước ống kính soi mói của báo chí phương Tây ?
Đến lúc đó, bắt đầu manh nha vài tin tức ‘có thể Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi Mỹ thay cho Nguyễn Phú Trọng’.
Vì sao lại là Nguyễn Xuân Phúc mà không phải quan chức khác, nếu quả thật Trọng không thể ‘tự đi’ ?
Cơ hội lịch sử của hội chứng buồn ngủ gặp chiếu manh
Nếu xét về số thứ tự trong danh sách ứng viên cho chức tổng bí hoặc chủ tịch nước tại đại hội 13, cái tên Nguyễn Xuân Phúc có lẽ chỉ đứng thứ hai, sau Trần Quốc Vượng. Vượng tuy là Thường trực Ban bí thư, nhưng được xem là ‘ngoan hiền dễ bảo’ hơn Phúc và đã lọt vào mắt xanh của Trọng như ứng cử viên số một. Chỉ có điều, Trần Quốc Vượng là người bên đảng, mà Trump thì không có thói quen tiếp đảng chính trị, nhất là Đảng cộng sản.
Nếu Nguyễn Phú Trọng không thể ‘cải lão hoàn đồng’ càng sớm càng tốt, vai trò đi Mỹ của ông ta sớm muộn sẽ rơi vào tay người khác, bất chấp Trọng có thích hay không.
Hơn nữa, tình thế của Đảng cộng sản Việt Nam cùng chính thể độc tài này đã vào ngõ cụt, và mức độ nguy hiểm do bị ‘đảng anh’ Trung Quốc đe dọa ngày càng hiện rõ. Sau tuyên bố - được hiểu như một tối hậu thư - vào tháng 9 năm 2019 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về ‘chủ quyền’ của Bắc Kinh ở Bãi Tư Chính và đòi hỏi Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này, xác suất nổ ra chiến tranh từ lá cờ ‘Mười sáu chữ vàng’ đã tăng vọt.
Tình thế nguy khốn ấy buộc ‘đảng em’ - trong nỗi cơ đơn tận cùng dù đã thủ trong túi chẵn một tá ‘đối tác chiến lược’ với nhiều nước - phải tranh cướp thời gian để nhích sang Hoa Kỳ - đối trọng quân sự duy nhất với ‘đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam’ là Trung Quốc ở Biển Đông.
‘Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế đang đứng trước cơ hội lịch sử của hội chứng buồn ngủ gặp chiếu manh : nếu sắp tới chính Phúc được đi Mỹ thay cho Trọng, và nếu chuyến đi này mang về cho Việt Nam được món quà ‘nâng tầm đối tác chiến lược’ với Hoa Kỳ, dù món quà này chỉ mang ý nghĩa hình thức và tương tự như cái cách Thủ tướng Phúc chỉ đạo Tổng cục Thống kê Việt Nam ‘thổi’ GDP thật cao để lấy thành tích, đó sẽ là một thành quả chính trị ghê gớm, đủ để biến cá nhân Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng cử viên số một cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13, nếu từ đây đến đó Nguyễn Phú Trọng không thể cải thiện hơn về mức độ đề kháng tai biến mà có thể khiến cho ‘thái tử’ Trần Quốc Vượng mất ngôi.
Cũng không loại trừ khả năng chuyến đi Mỹ nếu thành công của Nguyễn Xuân Phúc sẽ đưa vị thế của ông ta trong nội bộ đảng sánh ngang với uy quyền một thời của người tiền nhiệm là Nguyễn Tấn Dũng. Và chính thức trở thành một đối thủ chính trị để đối chọi với tham vọng ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’ của Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp Trọng bỗng nhiên ‘trẻ mãi không già’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/10/2019