"Sao không thấy hình ảnh Nguyễn Phú Trọng đi lại ?"
Từ cuối tháng 9 năm 2019, bắt đầu rộ lên thông tin bên lề chính trường Việt Nam về việc ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng gặp phải vấn đề khó khăn về sức khỏe nên sẽ khó có thể đi Washington gặp Tổng thống Trump, dự kiến vào tháng 10.
Ẩn số trong phương trình ‘Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ’ dường như đang lộ dần đáp án. Vì sao lại là Nguyễn Xuân Phúc mà không phải quan chức khác, nếu quả thật Trọng không thể ‘tự đi’ ?
Dấu hiệu gần nhất và dễ nhận ra nhất là Nguyễn Phú Trọng đã phải vắng mặt tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2019 - một hội nghị quốc tế lớn mà nếu còn đủ sức khỏe thì Trọng đã luôn hớn hở ‘mình phải như thế nào thì người ta mới tiếp đón như thế chứ’.
Nếu cuộc gặp Trump - Trọng vào tháng 10 bị bỏ lỡ, đó sẽ là lần thứ hai trong năm 2019 bất thành chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên không thành là chuyến đi dự kiến vào tháng 7, khi đó Trọng chỉ vừa tạm phục hồi sau cơn bạo bệnh ở Kiên Giang vào tháng 4 năm 2019 nên chưa thể tiến hành được.
Biểu hiện rõ nhất cho ý đồ Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ kế hoạch đi Mỹ, dù ông ta đã ‘trốn biệt’ không đi Trung Quốc suốt từ đầu năm 2019 đến giờ, là ‘con thoi’ Phạm Bình Minh. Viên phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao này đã có một chuyến tiền trạm ở Washington vào tháng 5 năm 2019, với vai trò được nâng cấp hẳn lên sau một thời gian khác dài bị thất sủng trước Trọng từ sau sự biến khủng hoảng ngoại giao Việt - Đức vào năm 2017. Trong chuyến đi Mỹ đó, thậm chí Phạm Bình Minh còn có những cuộc làm việc với cả Bộ Quốc phòng Mỹ, cho thấy rất rõ là Minh đang trở thành một trong những quan chức có được quyền đàm phán song phương, đặc biệt là đàm phán về việc nâng cấp mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thậm chí có thể vươn từ ‘đối tác toàn diện’ lên tầm ‘đối tác chiến lược’ - một nhu cầu mà Đảng cộng sản Việt Nam luôn õng ẹo theo não trạng ‘Mỹ cần ta hơn ta cần Mỹ’, nhưng bất chợt trở nên thúc bách khi nổ ra vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính lần thứ ba vào đầu tháng 7 năm 2019.
Cũng vào tháng 5 năm 2019, người ta không nghe nói gì đến ‘phương án Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ’. Vào thời điểm đó, có vẻ việc đi Mỹ và gặp Trump là độc quyền của Nguyễn Phú Trọng. Thêm vào đó, Trump đã có lời mời đích danh Trọng - khi đó đã nghiễm nhiên là chủ tịch nước chứ không chỉ là một tổng bí thư đảng ‘danh không chính ngôn không thuận’ - đi Washington.
Tuy nhiên cho đến tháng 9 năm 2019, tình hình sức khỏe của ông Trọng dường như vẫn trầy trật. Dù báo đài đảng đã cố gắng đưa hình ảnh và phát sóng về ông ta đi nơi này nơi kia cùng vài buổi họp hành trong đảng, nhưng điều lộ diện bị nhiều người thắc mắc nhất vẫn là ‘sao không thấy, hoặc có quá ít hình ảnh Nguyễn Phú Trọng đi lại ?’
Thách thức tự thân với Trọng là biểu đồ hồi phục sức khỏe của ông ta sau một thời gian ngắn tạm ổn nhưng giờ đây lại có vẻ chựng lại và có dấu hiệu đi xuống. Trong ít lần xuất hiện gần nhất, rõ ràng là vận động tứ chi của Trọng không khả quan hơn so với trước đây.
Người ta tự hỏi là với tình trạng sức khỏe chỉ đủ ‘ngồi’ mà không phải là ‘đi’, liệu Nguyễn Phú Trọng có thể bảo đảm cho một chuyến công du dài đến Washington, gặp Trump và sau đó dĩ nhiên phải xuất hiện trước ống kính soi mói của báo chí phương Tây ?
Đến lúc đó, bắt đầu manh nha vài tin tức ‘có thể Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi Mỹ thay cho Nguyễn Phú Trọng’.
Vì sao lại là Nguyễn Xuân Phúc mà không phải quan chức khác, nếu quả thật Trọng không thể ‘tự đi’ ?
Cơ hội lịch sử của hội chứng buồn ngủ gặp chiếu manh
Nếu xét về số thứ tự trong danh sách ứng viên cho chức tổng bí hoặc chủ tịch nước tại đại hội 13, cái tên Nguyễn Xuân Phúc có lẽ chỉ đứng thứ hai, sau Trần Quốc Vượng. Vượng tuy là Thường trực Ban bí thư, nhưng được xem là ‘ngoan hiền dễ bảo’ hơn Phúc và đã lọt vào mắt xanh của Trọng như ứng cử viên số một. Chỉ có điều, Trần Quốc Vượng là người bên đảng, mà Trump thì không có thói quen tiếp đảng chính trị, nhất là Đảng cộng sản.
Nếu Nguyễn Phú Trọng không thể ‘cải lão hoàn đồng’ càng sớm càng tốt, vai trò đi Mỹ của ông ta sớm muộn sẽ rơi vào tay người khác, bất chấp Trọng có thích hay không.
Hơn nữa, tình thế của Đảng cộng sản Việt Nam cùng chính thể độc tài này đã vào ngõ cụt, và mức độ nguy hiểm do bị ‘đảng anh’ Trung Quốc đe dọa ngày càng hiện rõ. Sau tuyên bố - được hiểu như một tối hậu thư - vào tháng 9 năm 2019 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về ‘chủ quyền’ của Bắc Kinh ở Bãi Tư Chính và đòi hỏi Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này, xác suất nổ ra chiến tranh từ lá cờ ‘Mười sáu chữ vàng’ đã tăng vọt.
Tình thế nguy khốn ấy buộc ‘đảng em’ - trong nỗi cơ đơn tận cùng dù đã thủ trong túi chẵn một tá ‘đối tác chiến lược’ với nhiều nước - phải tranh cướp thời gian để nhích sang Hoa Kỳ - đối trọng quân sự duy nhất với ‘đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam’ là Trung Quốc ở Biển Đông.
‘Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế đang đứng trước cơ hội lịch sử của hội chứng buồn ngủ gặp chiếu manh : nếu sắp tới chính Phúc được đi Mỹ thay cho Trọng, và nếu chuyến đi này mang về cho Việt Nam được món quà ‘nâng tầm đối tác chiến lược’ với Hoa Kỳ, dù món quà này chỉ mang ý nghĩa hình thức và tương tự như cái cách Thủ tướng Phúc chỉ đạo Tổng cục Thống kê Việt Nam ‘thổi’ GDP thật cao để lấy thành tích, đó sẽ là một thành quả chính trị ghê gớm, đủ để biến cá nhân Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng cử viên số một cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13, nếu từ đây đến đó Nguyễn Phú Trọng không thể cải thiện hơn về mức độ đề kháng tai biến mà có thể khiến cho ‘thái tử’ Trần Quốc Vượng mất ngôi.
Cũng không loại trừ khả năng chuyến đi Mỹ nếu thành công của Nguyễn Xuân Phúc sẽ đưa vị thế của ông ta trong nội bộ đảng sánh ngang với uy quyền một thời của người tiền nhiệm là Nguyễn Tấn Dũng. Và chính thức trở thành một đối thủ chính trị để đối chọi với tham vọng ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’ của Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp Trọng bỗng nhiên ‘trẻ mãi không già’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/10/2019