Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 05 avril 2022 21:41

Dưới bóng nhà độc tài

Cho phép 

D.L. Champion,Trần Quốc Việt dịch 

Họ đã đi chung với nhau trên con đường dài, hai người này. Nhà độc tài ngồi đằng sau chiếc bàn to bóng loáng đặt ngay chính giữa căn phòng rất lớn. Mặt ông nhăn nheo và mệt mỏi ; nhưng đôi mắt nhỏ của ông ánh lên mục đích cuồng tín, tàn bạo. Ông mỉm cười rất thân thiện với Stangel đang đứng nghiêm trước mặt.

doctai1

Nhà độc tài ngồi đằng sau chiếc bàn to bóng loáng đặt ngay chính giữa căn phòng rất lớn.

"Bạn đấy à", ông nói. "Tôi xin lỗi để anh phải chờ. Chuyện gì thế ?"

"Thưa ngài", Stangel nói. "Tôi đến để xin một ân huệ".

Nhà độc tài vẫy tay và nhún vai. "Được chứ, tại sao không ?", ông nói. "Bạn ơi, chúng ta đã cùng nhau làm được nhiều việc đáng kể. Đã kề vai sát cánh tiến lên. Chúng ta đã đập tan bè lũ phản động. Chúng ta đã lập quốc. Hơn nữa, chúng ta còn làm nên lịch sử. Thế mà anh chưa bao giờ đòi hỏi điều gì cho bản thân. Anh muốn ân huệ ư ? Cứ coi như đã được ban cho rồi nhé".

Dưới giọng nói trầm bổng thu hút của người kia, Stangel hầu như quên chuyện ông sắp xin. Đúng như thế thật. Họ đã cùng nhau cứu quốc ; họ đã viết nên lịch sử. Hai người họ-và Gerich. Mắt ông thoáng lo lắng khi ông nghĩ đến Gerich. Dù nước họ rất bao la, biên giới rất rộng, nhưng tưởng như không đủ chỗ cho Gerich và ông. Một kẻ trong hai người họ lẽ ra đã chết từ lâu nếu không nhờ bàn tay khủng khiếp của nhà độc tài ngăn cản lại.

Ông không nghĩ ngợi gì nữa khi ông nhận ra nhà độc tài đang nhìn ông với đôi mắt tò mò.

"Stangel, ân huệ này ?"

"Thưa ngài, đúng ạ. Tất nhiên là ân huệ. Tôi định giết một người".

Đôi mắt nhà độc tài nhìn như cháy bỏng vào mắt của Stangel như muốn dò xét. Ông ta thở dài, nói chậm rãi, "Stangel, người này-người này mà anh định giết là kẻ thù của Nhà nước ta phải không ?"

"Thưa ngài tôi nghe nói như vậy".

Nhà độc tài nhướng mày. "Không phải Gerich chứ ?"

"Không !" Stangel nói "Thưa ngài không ạ. Không phải Gerich".

Nhà độc tài cười nụ, và tay ông lần xuống chạm vào khẩu súng trong bao. "Không", ông nói. "Tất nhiên không phải là Gerich rồi. Stangel, anh nhớ không được giết Gerich đấy. Anh ấy cũng không được giết anh. Tôi cần cả hai anh. Tay mặt và tay trái của tôi mà. Tôi sống thì cả hai anh phải sống. Tôi chỉ sợ rằng một khi tôi mất đi, một trong hai anh không lâu đâu cũng sẽ chết theo tôi".

Stangel không đáp. Ông vẫn đứng nghiêm, nhìn đăm đăm vào bức tường đối diện. Câu nói cuối quả thật đúng. Nếu nhà độc tài mất, người kế vị sẽ hoặc là ông hay Gerich. Ai biết tin trước, ai nắm được quân đội, công an, sẽ thắng. Mệnh lệnh đầu tiên của chế độ mới sẽ là lệnh tử hình cho kẻ thua cuộc.

"Stangel, vậy anh muốn xin ân huệ", nhà độc tài nói. "Anh muốn giết một người. Stangel, ân huệ ấy chỉ là chuyện nhỏ. Anh đã có nhiều công lao với tôi. Muốn giết ai cũng được. Nhưng không phải Gerich. Stangel, hãy nhớ đấy nhé. Không bao giờ giết Gerich. Thế thôi".

Stangel cúi đầu chào. Ông bước đi những bước dài kiểu nhà binh đến những cánh cửa có người canh gác ở tít đằng xa.

Đã gần nửa khuya khi Stangel về đến tư dinh ở ngoại ô. Lúc ấy gia đình ông và những người giúp việc đã đi ngủ. Từ bên dưới chiếc áo choàng được gấp ngay ngắn ông rút ra khẩu súng trường nòng dài. Ông bước đến phòng và đặt mạnh súng lại vào giá. Ông bước ngang qua nhà im ắng để đến phòng làm việc của mình. Ông lấy từ trong túi ra chiếc ống nhòm cực mạnh rồi bỏ vào ngăn kéo bàn. Rồi thở dài thật sâu ông ngồi xuống, nhồi thuốc vào ống điếu.

doctai2

Ông đã chờ để thấy cái cảnh ông biết ông phải thấy - bóng người đàn ông hiện lên ở khung cửa sổ. Khi ông thấy bóng, ông bắn. Chỉ đơn giản như thế.

Hai mươi phút trước đấy, ông đã giết người, và ông rất mãn nguyện trong lòng. Đây không phải là vụ ám sát chính trị lạnh lùng. Đây là vụ giết người thuần túy tình cảm. Nó tác động lên cái tôi của ông giống như hơi rượu mạnh.

Hơn nữa, tuy không quan trọng, nhưng bọn chó săn mật vụ đáng sợ của Gerich cũng không thể tài nào lần theo dấu vết đến ông. Ông hoàn toàn giấu kín chuyện ông ngoại tình với Rosa Miller. Dù sao cũng phải nghĩ đến vợ ông, gia đình, và chức vụ rất cao của ông ở trong nước.

Thật ra cũng chẳng dễ dàng gì giấu kín. Ông đi đâu ai ai cũng nhận ra và chú ý ; còn Rosa được ca tụng là nữ diễn viên tài năng nhất ở trong nước thì cũng chẳng có cuộc sống riêng tư gì nhiều. Ông phải đem hết tất cả tài năng và sở trường về bày mưu tính kế bài bản mới giữ kín được bí mật của hai người. Nhưng ông đã thành công.

Như bây giờ ông cũng may mắn thành công vậy. Ông biết cách đây một tháng nàng đã không chung thủy với ông. Ông đã nhận ra những thay đổi tinh tế ở nàng. Rồi một đêm ông theo dõi nàng từ xa. Ông thấy nàng bước vào nhà cùng với một người đàn ông. Stangel không hành động theo cảm tính nhất thời. Ông không theo họ để ra tay liền. Thay vì thế ông chờ đợi và lên kế hoạch hành động.

Ông đã chờ đợi suốt ba đêm liền, chờ trong một nhà máy bỏ hoang cách nhà Rosa bốn trăm mét. Ông đã chờ với lòng kiên nhẫn của mèo rừng, mắt ông dán chặt vô ống nhòm, nhắm đến cửa sổ phòng ngủ của Rosa. Ông đã chờ để thấy cái cảnh ông biết ông phải thấy-bóng người đàn ông hiện lên ở khung cửa sổ. Khi ông thấy bóng, ông bắn. Chỉ đơn giản như thế.

Ông bắt đầu tập trung vào giấy tờ trước mặt và làm việc đến tận khuya. Cả vụ giết người cũng không khiến ông xao lãng trọng trách rất nặng nề của ông đối với nhà độc tài và nhà nước. Lúc trời gần sáng ông nghe những tiếng giậm chân ở ngoài hiên nhà và chục người mặc áo quần màu xám tràn vô phòng ngoài. Viên đại úy trẻ cương nghị chào ông.

"Thưa ông Bộ trưởng Stangel", y nói. "Tôi lấy làm tiếc báo cho ông biết ông bị bắt".

Stangel nhìn y một cách bao dung. Ông nhận ra viên đại úy trẻ là người của Gerich.Trong lúc ấy ông vẫn có thời gian khâm phục kẻ thù ông cực kỳ tài giỏi. Làm sao Gerich buộc ông vào vụ giết người quá nhanh như vậy ?

"Được rồi, Đại úy", ông nói. "Tôi sẽ đi với ông. Nhưng vụ này ông sẽ bị khiển trách nặng nề đấy. Nhà độc tài sẽ giận dữ khi nghe tin tôi bị bắt".

Viên đại úy trẻ nhìn ông một cách lạ lùng. "Nhà độc tài ?", y nói chậm rãi. "Nhà độc tài đã chết. Ông bị Rosa Millier, diễn viên, bắn chết cách đây hai giờ. Cô ta đã bị hành quyết. Bộ trưởng Gerich hiện nắm chính quyền. Theo lệnh Bộ trưởng ông bị bắt giam".

Khi họ đưa ông ra khỏi nhà, Stangel tuyệt vọng cố suy nghĩ, chẳng biết nên khóc hay cười. Nhưng ông không thể khóc hay cười. Trong đầu ông giờ chỉ có một ý nghĩ khủng khiếp, xua tan tất cả mọi ý nghĩ khác. Ông biết ông sẽ không bao giờ còn sống mà đến được đồn công an.

D. L. Champion

Nguyên tác : "With Permission", The Short Short Story, Collier's Weekly08/01/1938, p. 12

Trần Quốc Việt dịch

********************

Đám đông 

Ivan Kraus, Trần Quốc Việt dịch 

Người đứng đầu nhà nước lái xe dạo phố. Một chính khách có quan điểm bình thường, trong một chiếc xe bình thường có kính chống đạn bình thường.

doctai3

Đám đông im lặng – Tranh biếm họa

Ông vừa lái xe trên đường phố vừa nhìn quanh và lộ vẻ khó chịu.

"Họ ở đâu ?", ông hỏi người thư ký đi cùng.

"Thưa ông, ông nói ai ở đâu ạ ?", thư ký hỏi.

"Tất nhiên là nhân dân rồi, chứ còn ai nữa", chính khách cau mày đáp.

Thư ký ngập ngừng rồi nói :

"Thưa ông, nhân dân lớp thì đang ở tù và lớp thì, tôi hiểu là…".

"Thế à", người đứng đầu nhà nước cáu kỉnh nói. Ông lấy làm khó xử.

Họ đi ngang qua một nhóm nhỏ người vẫy tay cuồng nhiệt. Họ nghe vài tiếng hoan hô. Người đứng đầu nhà nước đương nhiên hài lòng.

"Thế mới tốt hơn chứ, đúng không nào", ông nói.

"Dạ, thưa ông, những người này đều là người của ta cả". Thư ký bất đắc dĩ phải thú thật. Người đứng đầu nhà nước trở nên tức giận. Ông thật không hiểu được những người duy nhất đến xem ông lái xe ngang qua lại chỉ toàn là bọn mật vụ, chim mồi và chỉ điểm. Trước đây chẳng đời nào ông tưởng đến chuyện này.

"Chúng ta phải có một nhân dân mới. Lành mạnh hơn và tốt hơn", ông bảo thư ký, rồi quay về dinh. Ngày hôm sau ông gọi thư ký vào.

"Sao, việc ấy thế nào rồi ? "

"Tôi... tôi rất lấy làm tiếc rằng…", thư ký lắp bắp.

"Chuyện gì đây ? Chuyện này nghĩa là sao ?", người đứng đầu nhà nước quát lên.

Thuộc cấp ông hoảng sợ báo cáo : "Chúng ta không thể mua được ai. Giá cả đã tăng lên".

"Tôi muốn anh kiếm cho tôi nhân dân mới ngay !", người đứng đầu nhà nước ra lệnh. "Hãy viết thư ra nước ngoài, hãy liên lạc với các nước láng giềng. Nước ta là nước xinh đẹp, thời tiết rất tốt, thức ăn ngon, nhiều di tích lịch sử và nhiều phong tục tập quán hay. Hãy trả giá với họ !".

Thư ký bắt đầu làm ngay. Ông viết thư, đặt quảng cáo, làm hết sức mình.

Họ nhận thư trả lời từ các nước khác.

"Chúng tôi tiếc rằng chúng tôi không thể nào đáp ứng yêu cầu của ông... do thiếu hụt người trầm trọng...".

"Mặc dù chúng tôi có đủ số người, nhưng không may họ lại không đáng tin tưởng lắm và lại nguy hiểm...".

Một người khác trả lời rằng ông ta hầu như không có đủ người để tham dự những cuộc mít tinh của chính ông.

"Dân số chúng tôi đã giảm nhiều...", thư trả lời khác viết.

"Đa phần dân chúng chúng tôi đã trốn ra nước ngoài...".

"Chúng tôi không phải để đem bán", họ viết từ một nước mà nhân dân ở đấy mới giành được chính quyền.

Người đứng đầu nhà nước đọc thư. Ông không kìm được cơn giận dữ. Giận vì bất lực. Giận chỉ vì lệnh ban ra mà không thể nào thực hiện được. Đồng thời ông cảm thấy bất an rõ ràng, một cảm giác hoàn toàn mới. Trong suốt bao nhiêu năm nay ông chẳng bao giờ gặp phải chuyện như thế này... Ông càng lúc càng giận dữ hơn rồi ông chết vì lên cơn đau tim.

Tất nhiên, đám tang ông thật linh đình. Lần này ông được đưa đi ngang qua thành phố mà không cần kính chống đạn. Bây giờ ông chẳng có gì phải sợ.

Hè phố đông nghẹt, phố xá đầy người. Nhân dân cuối cùng đến cho có mặt và ta tưởng như họ quên hẳn tính cách trang nhiêm của tang lễ.

Họ ai nấy cũng đều mỉm cười.

Ivan Kraus

Nguyên tác : "Two stories - The Censor, Prague 1968, The Crowd", Sage Journals, Index On Censorship, tháng 9/1976

Trần Quốc Việt dịch

Ivan Kraus sinh năm 1939 là nhà văn, nhà viết kịch và là diễn viên người Tiệp Khắc.

**********************

Hồ Chí Minh ở Havana

Virgil Suárez, Trần Quốc Việt dịch 

Che kín trên các bức tường bên hông những tòa nhà,
trên tem, áp phích treo sát trần nhà lớp học,
Khắp nơi toàn ảnh giống nhau của Nhà thơ/Lãnh tụ,
nước ông bị băm nát thành đống máu nhầy nhụa.
Bà tôi, vẫn còn sống vào năm 1969, năm tuổi thơ

 

doctai4

Hồ Chí Minh tiếp tướng lục quân Raul Castro trong chuyến thăm Việt Nam năm 1966. Ảnh : Granma Archives

 

Cuba cuối cùng của tôi, khinh bỉ ông vì
bà không thể nào hiểu được lẽ nào nhà thơ như thế
lại có thể đưa nhân dân, tổ quốc mình vào cõi chết.
Nhưng, ở trường, chúng tôi học về
nhà thơ lớn, tóc bạc, đôi mắt uyên thâm.

Chúng tôi vẽ những vòng tròn quanh mắt ông.

Tôi tin tất cả các nhà thơ mang

kính để phóng đại chữ viết cẩu thả của họ

thành những con cò và rồng.

Chúng tôi vẽ những cái sừng trên trán ông.

Khi cô giáo bắt quả tang chúng tôi,
Cô xé tờ giấy rồi ném vào thùng rác,
khiển trách chúng tôi vì không biết chẳng bao lâu nữa
chúng tôi sẽ chợt thấy mình ở trong rừng thẳm,
dưới vòm cây tối đen, tiếng hổ gầm
dội vào tai chúng tôi như tiếng nổ loạt đạn đại bác.

Ở nhà, cha mẹ tôi nói về chuyện rời Cuba,

về những cơ hội tốt hơn ở nơi khác, tránh xa chuyện
chiến tranh này, về cách mạng không ngừng.

Bà tôi mỉm cười với chúng tôi. Bà nói ở đâu cũng vậy. Cha mẹ tôi không đồng ý nhưng im lặng.

Ban đêm, tôi mơ thấy những nhà thơ nửa cò, nửa hổ
đi lang thang khắp miền quê, ăn trong đêm đen
không ánh trăng, từ rác của con người, gầm lên

những bất mãn của đời họ, tại sao nhiều người sẽ dành trọn đời mình theo đuổi một từ, một hình ảnh,

như hình ảnh này của con hổ biến thành sương mù.

Virgil Suárez

Nguyên tác : Tạp chí văn The TriQuaterly, số mùa Thu 2001, trang 159-160

Trần Quốc Việt dịch

 

Virgil Suárez là nhà thơ và nhà văn Mỹ gốc Cuba. Ông cũng là giáo sư Anh văn ở đại học Florida State University. Người dịch chân thành cảm ơn tác giả cho phép dịch sang tiếng Việt.

Published in Diễn đàn

Thông thường trong đời sống xã hội, người ta thường kêu ca, chê trách hay phản đối một chế độ độc tài ở tầng vĩ mô, nghĩa là ở đường lối, phương hướng đưa đất nước đi lên với những sai lầm, những tụt hậu hoặc những tệ nạn xã hội cản trở sự phát triển của quốc gia.

Nhưng, ít ai nghĩ rằng thói độc tài không chỉ ảnh hưởng, chế ngự ở tầm vĩ mô của quốc gia, dân tộc mà nó còn tác động trực tiếp ngay trong cuộc sống thường ngày, ngay cả những điều nhỏ nhất.

vimo1

Nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, còn gọi là Nhà thờ Thánh Giuse.

Những câu chuyện nghe được

Trong thời gian tôi công tác ở Viện thiết kế Bộ Giao thông vận tải, những câu chuyện về kinh nghiệm thiết kế các công trình, cách xử lý cũng như những kỷ niệm trong đời thiết kế công trình của mỗi người, thường được anh em kể lại trong những lúc trà dư, tửu hậu với nhau.

Khi đó, là một kỹ sư mới vào nghề, tôi chú ý nhiều câu chuyện của các đàn anh đi trước để rút cho mình những bài học, những kinh nghiệm khi tiếp nối nghề nghiệp tại đây.

Nhiều câu chuyện mà các đồng nghiệp kể lại, đã để lại những ấn tượng mạnh trong tôi đến tận sau này trong cuộc đời của mình. Chẳng hạn, khi biết tôi là một người công giáo, một đồng nghiệp đi trước đã kể cho tôi về những công trình tôn giáo mà anh ấy đã tham gia. Chẳng hạn việc anh ấy được lệnh đo, vẽ và tái tạo lại đầu ngôi nhà thờ của Giáo hội Công giáo trên đường Hùng Vương khi nhà nước chiếm một phần ngôi nhà thờ này để làm đường thẳng vào lăng Hồ Chí Minh, đồng thời chiếm cướp luôn cơ sở rộng lớn của nhà dòng làm nơi tập kết cho khách thăm lăng ngày nay.

Anh kể lại việc phải đo vẽ tỉ mỉ và tìm thợ để tái tạo lại đầu nhà thờ thật giống như nhà thờ bị phá, để sau đó dân chúng không thấy rõ sự cướp chiếm phần nhà thờ này.

Anh cũng kể cho tôi nghe từ bấy giờ về dự án, phương án thiết kế bệnh viện quận Đống Đa, Hà Nội để di chuyển và trả lại khu đất Nhà Dòng Chúa cứu thế mà khi đó, UBND quận Đống Đa đang "mượn tạm".

Hoặc một kiến trúc sư kể cho chúng tôi nghe về việc tham gia thiết kế Trụ đầu cầu Thăng Long, đến nhà Đỗ Mười để thông qua phương án kiến trúc ra sao… với những tình tiết đủ cả bi, hài.

Nhưng chi tiết câu chuyện về Lăng Hồ Chí Minh làm tôi chú ý nhất. Bởi thời bấy giờ, Hồ Chí Minh vẫn là một thần tượng, một ngôi sao, một vị thánh đã hình thành trong tôi qua báo chí, sách vở cũng như hệ thống giáo dục mà chúng tôi được đào tạo "dưới mái trường xã hội chủ nghĩa".

vimo2

Lăng Hồ Chí Minh xây vào năm 1973 chỉ sau gần 9 tháng Hiệp định Paris được ký kết.

Và thêm câu chuyện về lăng Hồ Chí Minh

Mới đây, một người bạn của tôi kể câu chuyện về việc xây lăng Hồ Chí Minh như sau :

"Lăng Hồ Chí Minh xây vào năm 1973 chỉ sau gần 9 tháng Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ rút, nhưng hai miền vẫn trong tình trạng chiến tranh. Hà Nội, sau 12 ngày đêm năm 1972 Mỹ dùng B52 ném bom vết tích tàn phá vẫn nguyên vẹn.

Một thành phố được Pháp xây dựng, với những ngôi nhà xây bằng gạch không quá ba tầng trên những con phố hẹp. Mấy chục năm chiến tranh tàn phá, không được sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng trở nên xộc xệch xuống cấp, chỉ một cơn bão cấp 10 cũng đủ làm cho người dân lo sợ, nói gì đến động đất.

Lăng Hồ Chí Minh xây dựng rất tốn kém vào đúng thời điểm đất nước đang chiến tranh và người dân rất nghèo. Đặc biệt sự tàn khốc của cuộc chiến "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 cướp đi sinh mạng của hàng vạn người trong chiến dịch Quảng Trị vừa diễn ra.

Ông Minh lúc ấy là kỹ sư xây dựng học ở Liên Xô về nước được vài năm, ông là số ít được trực tiếp làm việc với chuyên gia Liên Xô trên công trường xây dựng lăng Hồ Chí Minh.

Lăng Hồ Chí Minh được thiết kế vững chắc chịu được động đất đến 6 độ Richter, và bom nguyên tử.

Hôm đưa trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô đi thăm Hà Nội, rồi quay về khách sạn Phú Gia dự tiệc do thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi. Tay trưởng đoàn uống rượu say tuý luý, nó vít vai vít cổ ông Minh lè nhè :

- Hà Nội của chúng mày nhà cửa như chuồng gà, một trận động đất ba độ Richter cũng san phẳng, chết hết. Lúc ấy chỉ còn Hồ Chí Minh nằm trong cái lăng, còn ai mà viếng mới thăm.

Rồi nó cao hứng :

- Hồ Chí Minh, Giáp, Giáp !

Sau này ông Minh có dịp sang Nga, hỏi ra mới biết tay trưởng đoàn chuyên gia đã chết vì ung thư gan do nghiện rượu. Đến năm 1990 ông Minh đã là viện trưởng của một Viện thiết kế, chợ Đồng Xuân được phá đi xây lại.

Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng năm 1890, nó chỉ là 5 nhịp nhà, một tầng kết cấu thép, lợp tôn sau 100 năm đã cũ nát.

Thành phố Hà Nội quyết định xây dựng chợ Đồng Xuân mới hoành tráng, ba tầng bê tông cốt thép. Vào năm 1990 công trình xây dựng chợ Đồng Xuân được cho là trọng điểm, không những của thành phố Hà Nội mà cả của quốc gia.

Hôm bộ trưởng đến giao nhiệm vụ thiết kế cho viện ông Minh, chẳng biết ai mớm lời cho Bộ trưởng, mà ông bắt chợ Đồng Xuân phải tính thêm chịu động đất.

Tiêu chuẩn thiết kế động đất ở Việt Nam chưa có, kỹ sư, các nhà khoa học của ta chẳng có ai chuyên về tính toán động đất, nhưng nhiệm vụ giao phải thực hiện.

Hôm ra quyết định thành lập nhóm thiết kế, cậu Tài kỹ sư học ở Rumania về, ngán ngẩm lắc đầu :

- Theo tôi chẳng phải tính toán động đất cho chợ Đồng Xuân làm gì cho nó mệt. Nếu Hà Nội có động đất, chết hết rồi còn ai đi chợ nữa. Lúc ấy, lăng với chợ có cũng như thừa.

Cũng vì câu nói ấy, một kỹ sư tài năng ngày hôm sau đi đóng gạch. Đến bây giờ ông Minh cũng chẳng biết cậu Tài đó còn sống hãy đã chết".

Câu chuyện của bạn tôi kể lại về Lăng Hồ Chí Minh đã làm tôi nhớ lại câu chuyện mà tôi đã nghe trước đây về một chi tiết ở trên cái lăng này, thể hiện thói độc tài sâu sắc đã ảnh hưởng đến mọi chi tiết đời sống xã hội, đạp đổ mọi nguyên tắc, luật pháp cũng như quy định của đám độc tài gây ra.

Tôi đã kể lại câu chuyện được nghe ngày đó như sau :

vimo3

Mặt trước lăng Hồ Chí Minh có hàng chữ : CHỦ TỊCH HỒ - CHÍ - MINH có nhiều điều khác thường nhưng ít ai chú ý.

Đó là một câu viết sai chính tả.

1. Bởi vì đã dùng chữ IN HOA thì không bao giờ chữ I lại có dấu chấm trên đầu. Ở đây, hai chữ I ở chữ TỊCH và MINH là có dấu chấm trên đầu, còn chữ CHÍ thì lại không có. (Đừng nghĩ là vì không có chỗ để đặt dấu sắc nhé, đất Việt Nam rộng mênh mông).

2. Những nét ngang gạch nối giữa các từ HỒ - CHÍ - MINH. Nếu sử dụng theo lối ngữ pháp ngày xưa, dùng nét ngang để nối các từ kép, thì thiếu nét ngang gạch nối giữa từ CHỦ - TỊCH. Ở đây chỉ có HỒ - CHÍ - MINH. Dù với nghĩa nào, thì câu đó vẫn sai ở chỗ này.

Nguyên nhân, theo những người am hiểu kể lại, thì rất đơn giản. Đó là do khi đang thi công, một lần Trường Chinh đi qua, nhìn thấy hàng chữ thì hỏi đám đàn em : Tại sao chữ I trên câu này không có dấu chấm trên đầu, từ HỒ CHÍ MINH không có gạch nối giữa ?

Đàn em, dù biết rất rõ rằng : Quy định của Ngữ pháp tiếng Việt là đã chữ IN HOA thì chữ I không có dấu chấm trên đầu. Thằng nào viết thế là ngu. 

Mặt khác, đã viết theo ngữ pháp miền Bắc hiện tại, thì không có dấu gạch nối. 

Hẳn nhiên là điều này, đứa trẻ con cũng biết rõ.

Tất nhiên là Lê Duẩn không dám nói với Trường Chinh, bởi Lê Duẩn có học hành gì đâu mà dám mở miệng với nhà thơ "Sóng Hồng".

Thế nhưng cả Bộ Chính trị, cả Trung ương và hàng vạn con người không thằng nào dám mở mồm cãi Trường Chinh. Chỉ cứ cúi đầu lặng câm để làm theo hành động ngu xuẩn để đời đó cho đến nay.

Nơi mà người cộng sản coi là đền thờ, là nơi thiêng liêng nhất, là nơi có thể mất cả đất nước chứ không được để xảy ra sai sót. Vậy mà vẫn mắc chình ình cái lỗi ngớ ngẩn đến ngu xuẩn như vậy. Cả hơn nửa thế kỷ nay, vẫn không thằng nào dám mở miệng, dù biết sai, dù biết ngu, dù biết như vậy là xúc phạm HỒ CHÍ MINH, chẳng coi HỒ CHÍ MINH ra con ghẻ gì. Chỉ vì thói độc tài cá nhân mà ra.

Thế mới biết, cái nguy hiểm của sự độc tài không chỉ ở chính sách, ở đường lối đưa quốc gia đi về đâu chỉ bởi một bộ óc độc tài ngu muội hướng dẫn.

Thế nên quốc gia không lụn bại, không tụt hậu và làm nô lệ mới là lạ.

Những phản biện

Tuy nhiên, sau khi đưa âu chuyện này ra, thì tôi đã gặp nhiều sự phản ứng của không chỉ là đám dư luận viên, bò đỏ… vì đám đó vốn không chấp nhận sự thật hay sự dối trá, mà chủ yếu là vào cãi cùn và văng tục nhằm kiếm tháng mấy "củ", mà cả ý kiến của những người vốn được coi rằng có tuy duy tương đối độc lập.

Rằng : "Tôi lại nghĩ thế này, không biết có phải không :

1. Hồi đó có mở cuộc thi thiết kế Lăng ở Việt Nam và mở rộng ra các nước xã hội chủ nghĩa có hội đồng kts chấm duyệt nên chuyện đang làm ông Trường Chinh đi qua mà chữ I thêm dấu là chuyện bịa.

2. Chữ trước lăng được chạm bằng đá quý Ru bi ( Hồng Ngọc) có kích thước rất lớn, giữa có dấu và không có dấu người ta chọn có dấu nó cân đối hơn, đó là sự cân đối cần thiết trong thiết kế xây dựng.

3. Chữ có gạch nối ?

Chóp bu đảng lúc đó biết rõ HỒ CHÍ MINH là tên chữ Hán phiên âm qua tiếng Việt, mà phiên âm thì đều có gạch nối, ví dụ Lê - Nin, Các - Mác, Mao - Trạch- Đông v.v.".

Thế nhưng, ngay cả cách nghĩ đó, cũng chỉ là sự suy diễn và chủ quan theo tư duy mà người cộng sản đã dạy dỗ.

Những tài liệu về lăng Hồ Chí Minh theo tạp chí Kiến Trúc cho biết :

1. Không có cuộc thi nào mở rộng ra các nước xã hội chủ nghĩa nào cả, ngoài phương án trong nước do Trường Chinh phác theo ý mình, đưa cho Viện thiết kế dân dụng do ông Nguyễn Ngọc Chân là viện trưởng. Đó là năm 1968, khi Hồ chưa cạn.

Sau khi Hồ khô. Cuối năm 1969, Bộ Kiến trúc và Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (nay là Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã phát động một cuộc góp ý về phương án Lăng ở miền Bắc. Một Ban chỉ đạo xây dựng Lăng được Bộ Chính trị quyết định thành lập. Đầu tiên, Nguyễn Lương Bằng làm trưởng ít lâu sau thay thế bằng Đỗ Mười.

Bố bảo hoặc có mọc thêm cái đầu nữa, thì mấy thằng Việt Nam cũng không dám trái ý Trường Chinh, dù Trường Chinh chẳng học hành gì và chẳng hiểu biết gì về Kiến Trúc xây dựng. Thế nên, khi trong nước mở cuộc thi chọn phương án nọ kia cho ra vẻ xôm trò, thì bố thằng nào dám bác bỏ mấy nét vẽ tay của Trường Chinh. Cái độc tài là chỗ đó.

Tháng 1/1970, một Đoàn chuyên gia Liên Xô do Trung tướng Kajuop – Tổng Cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật – làm Trưởng đoàn đã sang Việt Nam nhằm nghiên cứu, làm việc cùng Đoàn chuyên gia Việt Nam để lập nhiệm vụ thiết kế và biên bản phân công, giữa hai chính phủ trong việc thiết kế, cung cấp thiết bị vật tư, cung cấp lực lượng thi công… Ban chỉ đạo đã phát động đợt sơ phác lần hai. Thế nhưng, vẫn như lần trước, cái phương án của Viện Xây dựng Thiết kế Dân dụng từ phác thảo của Trường Chinh được chọn.

Đầu tháng 3/1970, Đoàn chuyên gia Việt Nam do Viện trưởng Nguyễn Ngọc Chân làm trưởng đoàn sang Mát-xcơ-va để làm việc với Đoàn chuyên gia Liên Xô. Liên Xô đã đưa ra 5 bản sơ phác Lăng vẽ màu sắc khá công phu và rất muốn Đoàn chuyên gia Việt Nam chọn 1 trong 5 mẫu sơ phác đó. Phía Việt Nam nhất định chọn phương án của Việt Nam đã chọn theo ý Trường Chinh. Cuộc giằng co khá dài.

Cuối tháng 11/1970, Đoàn chuyên gia Việt Nam mang phương án đó sang Liên Xô. Cuối cùng, bọn Liên Xô cũng phải chịu phương án theo ý Trường Chinh nhưng yêu cầu phải số bổ sung về kích thước theo tỷ lệ vàng.

Đó là tài liệu của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.

Còn theo Dư luận quần chúng nhân dân, thì từ 1965, Hồ đã được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ xếp vào dạng thù địch và vô hiệu hóa, cho ngồi chơi xơi nước. Đến tận cuộc chiến Mậu Thân, Duẩn còn đuổi Hồ sang Tàu để tổ chức cuộc đánh úp Tết Mậu Thân 1968. Lúc đó Hồ và Giáp trở thành thế lực thù địch của Duẩn và Lê Đức Thọ.

vimo4

Ngày xưa, vua quan phong kiến trị tội kẻ gian, án nặng nhất vẫn là "bêu đầu thị chúng"

Vì vậy, với chiêu bài kính trọng Hồ, Duẩn chủ trương không cho chôn mà để xác Hồ lại, lôi lên đặt xuống cho thiên hạ ngó chơi. Bởi ngày xưa, vua quan phong kiến trị tội kẻ gian, án nặng nhất vẫn là "bêu đầu thị chúng" - Nghĩa là chém đầu bêu cho dân chúng xem chứ không cho chôn.

Thế nhưng, sau này đảng bảo rằng : Thể theo nguyện vọng và ý chí của nhân dân, đảng ta đã quyết định bảo tồn vĩnh viễn thi hài của Chủ tịch HỒ CHÍ MINH. Chẳng biết thằng nhân dân nào được có nguyện vọng như thế. Và chuyện bảo tồn thi hài vĩnh viễn là chuyện vớ vẩn.

Bởi chỉ mấy năm sau, năm 1976 khi Mao chết, định ướp xác, muốn sang Việt Nam để lấy kinh nghiệm ướp xác Hồ, thì mũi, tai và mắt đã hỏng hết nên không thể học tập làm theo được. Đó là chuyện của Dư luận đại đa số quần chúng nhân dân. Mà dư luận của nhân dân thì hẳn nhiên là dù đúng cũng không được đảng công nhận.

Hẳn nhiên, cha ông đã nói : "có nhiều có ít, con nít mới đồn" chứ không phải là chuyện tự nhiên. Bởi khi đó, Trường Chinh có muốn bằng vạn, cũng không thể nào qua mặt Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Nếu không phải là ý của Duẩn, Thọ, thì Trường Chinh trái ý cũng rất dễ bêu đầu thị chúng như chơi.

2 - Chuyện anh hoạn lợn ĐM làm trưởng ban và anh Trường Chinh chỉ đạo mồm, dù có thiết kế thì Trường Chinh bảo đào cả đổ đi cũng phải đào chứ chưa nói là dấu to với chữ nhỏ.

3 - Chữ có gạch nối là cách viết từ ngày xưa, mặc định trong viết chính tả. Mãi đến sau này kể cả đến 1975 thì ở miền Nam vẫn dùng cách viết đó. Ở Miền Bắc thì chỉ thời gian ngắn sau thì bỏ.

Vấn đề ở đây là hoặc dùng gạch nối thì phải đủ, hoặc không dùng thì bỏ. Cái dùng cái bỏ như vậy chứng tỏ nó sai.

Những tư liệu đó, cho chúng ta thấy được, chỉ từ một ý tưởng của Trường Chinh, lập tức các nhà chuyên môn, các Kiến Trúc sư và ngay cả những nhà chuyên môn nước ngoài cũng phải chịu thua và chỉ thực hiện vai trò minh họa.

vimo0

Vì thế, nhiều người cho rằng, cái lăng với lối kiến trúc phụ thuộc Nga xô viết, đã trở nên lạc lõng giữa khung cảnh bao vây của những kiến trúc cổ, kiến trúc Gothic của các công thự trong khu vực Ba Đình. Thậm chí, ban đêm nếu đi qua khu lăng, nhiều người chợt nhớ đến hình ảnh cái bếp dầu hỏa thời bao cấp khi những bóng điện hồng được thắp lên chiếu sáng phía trong lăng.

Vì thế, chúng ta không lạ khi trên đất nước Việt Nam nhan nhản những công trình công cộng chưa làm xong đã bị dư luận phản ứng dữ dội phải phá bỏ. Những con hổ chào đón năm Nhâm Dần khắp nước đã nói rõ điều này.

Và chúng ta hiểu thêm một điều : Sự độc tài không chỉ nguy hiểm với những vấn đề vĩ mô, mà nó tác động đến mọi mặt đời sóng xã hội.

Và đó chỉ là những tác đông xấu, tiêu cực.

Ngày 31/1/2022

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 31/01/2022 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn