Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/01/2022

Thói độc tài không chỉ nguy hiểm ở tầm vĩ mô

JB Nguyễn Hữu Vinh

Thông thường trong đời sống xã hội, người ta thường kêu ca, chê trách hay phản đối một chế độ độc tài ở tầng vĩ mô, nghĩa là ở đường lối, phương hướng đưa đất nước đi lên với những sai lầm, những tụt hậu hoặc những tệ nạn xã hội cản trở sự phát triển của quốc gia.

Nhưng, ít ai nghĩ rằng thói độc tài không chỉ ảnh hưởng, chế ngự ở tầm vĩ mô của quốc gia, dân tộc mà nó còn tác động trực tiếp ngay trong cuộc sống thường ngày, ngay cả những điều nhỏ nhất.

vimo1

Nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, còn gọi là Nhà thờ Thánh Giuse.

Những câu chuyện nghe được

Trong thời gian tôi công tác ở Viện thiết kế Bộ Giao thông vận tải, những câu chuyện về kinh nghiệm thiết kế các công trình, cách xử lý cũng như những kỷ niệm trong đời thiết kế công trình của mỗi người, thường được anh em kể lại trong những lúc trà dư, tửu hậu với nhau.

Khi đó, là một kỹ sư mới vào nghề, tôi chú ý nhiều câu chuyện của các đàn anh đi trước để rút cho mình những bài học, những kinh nghiệm khi tiếp nối nghề nghiệp tại đây.

Nhiều câu chuyện mà các đồng nghiệp kể lại, đã để lại những ấn tượng mạnh trong tôi đến tận sau này trong cuộc đời của mình. Chẳng hạn, khi biết tôi là một người công giáo, một đồng nghiệp đi trước đã kể cho tôi về những công trình tôn giáo mà anh ấy đã tham gia. Chẳng hạn việc anh ấy được lệnh đo, vẽ và tái tạo lại đầu ngôi nhà thờ của Giáo hội Công giáo trên đường Hùng Vương khi nhà nước chiếm một phần ngôi nhà thờ này để làm đường thẳng vào lăng Hồ Chí Minh, đồng thời chiếm cướp luôn cơ sở rộng lớn của nhà dòng làm nơi tập kết cho khách thăm lăng ngày nay.

Anh kể lại việc phải đo vẽ tỉ mỉ và tìm thợ để tái tạo lại đầu nhà thờ thật giống như nhà thờ bị phá, để sau đó dân chúng không thấy rõ sự cướp chiếm phần nhà thờ này.

Anh cũng kể cho tôi nghe từ bấy giờ về dự án, phương án thiết kế bệnh viện quận Đống Đa, Hà Nội để di chuyển và trả lại khu đất Nhà Dòng Chúa cứu thế mà khi đó, UBND quận Đống Đa đang "mượn tạm".

Hoặc một kiến trúc sư kể cho chúng tôi nghe về việc tham gia thiết kế Trụ đầu cầu Thăng Long, đến nhà Đỗ Mười để thông qua phương án kiến trúc ra sao… với những tình tiết đủ cả bi, hài.

Nhưng chi tiết câu chuyện về Lăng Hồ Chí Minh làm tôi chú ý nhất. Bởi thời bấy giờ, Hồ Chí Minh vẫn là một thần tượng, một ngôi sao, một vị thánh đã hình thành trong tôi qua báo chí, sách vở cũng như hệ thống giáo dục mà chúng tôi được đào tạo "dưới mái trường xã hội chủ nghĩa".

vimo2

Lăng Hồ Chí Minh xây vào năm 1973 chỉ sau gần 9 tháng Hiệp định Paris được ký kết.

Và thêm câu chuyện về lăng Hồ Chí Minh

Mới đây, một người bạn của tôi kể câu chuyện về việc xây lăng Hồ Chí Minh như sau :

"Lăng Hồ Chí Minh xây vào năm 1973 chỉ sau gần 9 tháng Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ rút, nhưng hai miền vẫn trong tình trạng chiến tranh. Hà Nội, sau 12 ngày đêm năm 1972 Mỹ dùng B52 ném bom vết tích tàn phá vẫn nguyên vẹn.

Một thành phố được Pháp xây dựng, với những ngôi nhà xây bằng gạch không quá ba tầng trên những con phố hẹp. Mấy chục năm chiến tranh tàn phá, không được sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng trở nên xộc xệch xuống cấp, chỉ một cơn bão cấp 10 cũng đủ làm cho người dân lo sợ, nói gì đến động đất.

Lăng Hồ Chí Minh xây dựng rất tốn kém vào đúng thời điểm đất nước đang chiến tranh và người dân rất nghèo. Đặc biệt sự tàn khốc của cuộc chiến "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 cướp đi sinh mạng của hàng vạn người trong chiến dịch Quảng Trị vừa diễn ra.

Ông Minh lúc ấy là kỹ sư xây dựng học ở Liên Xô về nước được vài năm, ông là số ít được trực tiếp làm việc với chuyên gia Liên Xô trên công trường xây dựng lăng Hồ Chí Minh.

Lăng Hồ Chí Minh được thiết kế vững chắc chịu được động đất đến 6 độ Richter, và bom nguyên tử.

Hôm đưa trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô đi thăm Hà Nội, rồi quay về khách sạn Phú Gia dự tiệc do thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi. Tay trưởng đoàn uống rượu say tuý luý, nó vít vai vít cổ ông Minh lè nhè :

- Hà Nội của chúng mày nhà cửa như chuồng gà, một trận động đất ba độ Richter cũng san phẳng, chết hết. Lúc ấy chỉ còn Hồ Chí Minh nằm trong cái lăng, còn ai mà viếng mới thăm.

Rồi nó cao hứng :

- Hồ Chí Minh, Giáp, Giáp !

Sau này ông Minh có dịp sang Nga, hỏi ra mới biết tay trưởng đoàn chuyên gia đã chết vì ung thư gan do nghiện rượu. Đến năm 1990 ông Minh đã là viện trưởng của một Viện thiết kế, chợ Đồng Xuân được phá đi xây lại.

Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng năm 1890, nó chỉ là 5 nhịp nhà, một tầng kết cấu thép, lợp tôn sau 100 năm đã cũ nát.

Thành phố Hà Nội quyết định xây dựng chợ Đồng Xuân mới hoành tráng, ba tầng bê tông cốt thép. Vào năm 1990 công trình xây dựng chợ Đồng Xuân được cho là trọng điểm, không những của thành phố Hà Nội mà cả của quốc gia.

Hôm bộ trưởng đến giao nhiệm vụ thiết kế cho viện ông Minh, chẳng biết ai mớm lời cho Bộ trưởng, mà ông bắt chợ Đồng Xuân phải tính thêm chịu động đất.

Tiêu chuẩn thiết kế động đất ở Việt Nam chưa có, kỹ sư, các nhà khoa học của ta chẳng có ai chuyên về tính toán động đất, nhưng nhiệm vụ giao phải thực hiện.

Hôm ra quyết định thành lập nhóm thiết kế, cậu Tài kỹ sư học ở Rumania về, ngán ngẩm lắc đầu :

- Theo tôi chẳng phải tính toán động đất cho chợ Đồng Xuân làm gì cho nó mệt. Nếu Hà Nội có động đất, chết hết rồi còn ai đi chợ nữa. Lúc ấy, lăng với chợ có cũng như thừa.

Cũng vì câu nói ấy, một kỹ sư tài năng ngày hôm sau đi đóng gạch. Đến bây giờ ông Minh cũng chẳng biết cậu Tài đó còn sống hãy đã chết".

Câu chuyện của bạn tôi kể lại về Lăng Hồ Chí Minh đã làm tôi nhớ lại câu chuyện mà tôi đã nghe trước đây về một chi tiết ở trên cái lăng này, thể hiện thói độc tài sâu sắc đã ảnh hưởng đến mọi chi tiết đời sống xã hội, đạp đổ mọi nguyên tắc, luật pháp cũng như quy định của đám độc tài gây ra.

Tôi đã kể lại câu chuyện được nghe ngày đó như sau :

vimo3

Mặt trước lăng Hồ Chí Minh có hàng chữ : CHỦ TỊCH HỒ - CHÍ - MINH có nhiều điều khác thường nhưng ít ai chú ý.

Đó là một câu viết sai chính tả.

1. Bởi vì đã dùng chữ IN HOA thì không bao giờ chữ I lại có dấu chấm trên đầu. Ở đây, hai chữ I ở chữ TỊCH và MINH là có dấu chấm trên đầu, còn chữ CHÍ thì lại không có. (Đừng nghĩ là vì không có chỗ để đặt dấu sắc nhé, đất Việt Nam rộng mênh mông).

2. Những nét ngang gạch nối giữa các từ HỒ - CHÍ - MINH. Nếu sử dụng theo lối ngữ pháp ngày xưa, dùng nét ngang để nối các từ kép, thì thiếu nét ngang gạch nối giữa từ CHỦ - TỊCH. Ở đây chỉ có HỒ - CHÍ - MINH. Dù với nghĩa nào, thì câu đó vẫn sai ở chỗ này.

Nguyên nhân, theo những người am hiểu kể lại, thì rất đơn giản. Đó là do khi đang thi công, một lần Trường Chinh đi qua, nhìn thấy hàng chữ thì hỏi đám đàn em : Tại sao chữ I trên câu này không có dấu chấm trên đầu, từ HỒ CHÍ MINH không có gạch nối giữa ?

Đàn em, dù biết rất rõ rằng : Quy định của Ngữ pháp tiếng Việt là đã chữ IN HOA thì chữ I không có dấu chấm trên đầu. Thằng nào viết thế là ngu. 

Mặt khác, đã viết theo ngữ pháp miền Bắc hiện tại, thì không có dấu gạch nối. 

Hẳn nhiên là điều này, đứa trẻ con cũng biết rõ.

Tất nhiên là Lê Duẩn không dám nói với Trường Chinh, bởi Lê Duẩn có học hành gì đâu mà dám mở miệng với nhà thơ "Sóng Hồng".

Thế nhưng cả Bộ Chính trị, cả Trung ương và hàng vạn con người không thằng nào dám mở mồm cãi Trường Chinh. Chỉ cứ cúi đầu lặng câm để làm theo hành động ngu xuẩn để đời đó cho đến nay.

Nơi mà người cộng sản coi là đền thờ, là nơi thiêng liêng nhất, là nơi có thể mất cả đất nước chứ không được để xảy ra sai sót. Vậy mà vẫn mắc chình ình cái lỗi ngớ ngẩn đến ngu xuẩn như vậy. Cả hơn nửa thế kỷ nay, vẫn không thằng nào dám mở miệng, dù biết sai, dù biết ngu, dù biết như vậy là xúc phạm HỒ CHÍ MINH, chẳng coi HỒ CHÍ MINH ra con ghẻ gì. Chỉ vì thói độc tài cá nhân mà ra.

Thế mới biết, cái nguy hiểm của sự độc tài không chỉ ở chính sách, ở đường lối đưa quốc gia đi về đâu chỉ bởi một bộ óc độc tài ngu muội hướng dẫn.

Thế nên quốc gia không lụn bại, không tụt hậu và làm nô lệ mới là lạ.

Những phản biện

Tuy nhiên, sau khi đưa âu chuyện này ra, thì tôi đã gặp nhiều sự phản ứng của không chỉ là đám dư luận viên, bò đỏ… vì đám đó vốn không chấp nhận sự thật hay sự dối trá, mà chủ yếu là vào cãi cùn và văng tục nhằm kiếm tháng mấy "củ", mà cả ý kiến của những người vốn được coi rằng có tuy duy tương đối độc lập.

Rằng : "Tôi lại nghĩ thế này, không biết có phải không :

1. Hồi đó có mở cuộc thi thiết kế Lăng ở Việt Nam và mở rộng ra các nước xã hội chủ nghĩa có hội đồng kts chấm duyệt nên chuyện đang làm ông Trường Chinh đi qua mà chữ I thêm dấu là chuyện bịa.

2. Chữ trước lăng được chạm bằng đá quý Ru bi ( Hồng Ngọc) có kích thước rất lớn, giữa có dấu và không có dấu người ta chọn có dấu nó cân đối hơn, đó là sự cân đối cần thiết trong thiết kế xây dựng.

3. Chữ có gạch nối ?

Chóp bu đảng lúc đó biết rõ HỒ CHÍ MINH là tên chữ Hán phiên âm qua tiếng Việt, mà phiên âm thì đều có gạch nối, ví dụ Lê - Nin, Các - Mác, Mao - Trạch- Đông v.v.".

Thế nhưng, ngay cả cách nghĩ đó, cũng chỉ là sự suy diễn và chủ quan theo tư duy mà người cộng sản đã dạy dỗ.

Những tài liệu về lăng Hồ Chí Minh theo tạp chí Kiến Trúc cho biết :

1. Không có cuộc thi nào mở rộng ra các nước xã hội chủ nghĩa nào cả, ngoài phương án trong nước do Trường Chinh phác theo ý mình, đưa cho Viện thiết kế dân dụng do ông Nguyễn Ngọc Chân là viện trưởng. Đó là năm 1968, khi Hồ chưa cạn.

Sau khi Hồ khô. Cuối năm 1969, Bộ Kiến trúc và Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (nay là Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã phát động một cuộc góp ý về phương án Lăng ở miền Bắc. Một Ban chỉ đạo xây dựng Lăng được Bộ Chính trị quyết định thành lập. Đầu tiên, Nguyễn Lương Bằng làm trưởng ít lâu sau thay thế bằng Đỗ Mười.

Bố bảo hoặc có mọc thêm cái đầu nữa, thì mấy thằng Việt Nam cũng không dám trái ý Trường Chinh, dù Trường Chinh chẳng học hành gì và chẳng hiểu biết gì về Kiến Trúc xây dựng. Thế nên, khi trong nước mở cuộc thi chọn phương án nọ kia cho ra vẻ xôm trò, thì bố thằng nào dám bác bỏ mấy nét vẽ tay của Trường Chinh. Cái độc tài là chỗ đó.

Tháng 1/1970, một Đoàn chuyên gia Liên Xô do Trung tướng Kajuop – Tổng Cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật – làm Trưởng đoàn đã sang Việt Nam nhằm nghiên cứu, làm việc cùng Đoàn chuyên gia Việt Nam để lập nhiệm vụ thiết kế và biên bản phân công, giữa hai chính phủ trong việc thiết kế, cung cấp thiết bị vật tư, cung cấp lực lượng thi công… Ban chỉ đạo đã phát động đợt sơ phác lần hai. Thế nhưng, vẫn như lần trước, cái phương án của Viện Xây dựng Thiết kế Dân dụng từ phác thảo của Trường Chinh được chọn.

Đầu tháng 3/1970, Đoàn chuyên gia Việt Nam do Viện trưởng Nguyễn Ngọc Chân làm trưởng đoàn sang Mát-xcơ-va để làm việc với Đoàn chuyên gia Liên Xô. Liên Xô đã đưa ra 5 bản sơ phác Lăng vẽ màu sắc khá công phu và rất muốn Đoàn chuyên gia Việt Nam chọn 1 trong 5 mẫu sơ phác đó. Phía Việt Nam nhất định chọn phương án của Việt Nam đã chọn theo ý Trường Chinh. Cuộc giằng co khá dài.

Cuối tháng 11/1970, Đoàn chuyên gia Việt Nam mang phương án đó sang Liên Xô. Cuối cùng, bọn Liên Xô cũng phải chịu phương án theo ý Trường Chinh nhưng yêu cầu phải số bổ sung về kích thước theo tỷ lệ vàng.

Đó là tài liệu của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.

Còn theo Dư luận quần chúng nhân dân, thì từ 1965, Hồ đã được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ xếp vào dạng thù địch và vô hiệu hóa, cho ngồi chơi xơi nước. Đến tận cuộc chiến Mậu Thân, Duẩn còn đuổi Hồ sang Tàu để tổ chức cuộc đánh úp Tết Mậu Thân 1968. Lúc đó Hồ và Giáp trở thành thế lực thù địch của Duẩn và Lê Đức Thọ.

vimo4

Ngày xưa, vua quan phong kiến trị tội kẻ gian, án nặng nhất vẫn là "bêu đầu thị chúng"

Vì vậy, với chiêu bài kính trọng Hồ, Duẩn chủ trương không cho chôn mà để xác Hồ lại, lôi lên đặt xuống cho thiên hạ ngó chơi. Bởi ngày xưa, vua quan phong kiến trị tội kẻ gian, án nặng nhất vẫn là "bêu đầu thị chúng" - Nghĩa là chém đầu bêu cho dân chúng xem chứ không cho chôn.

Thế nhưng, sau này đảng bảo rằng : Thể theo nguyện vọng và ý chí của nhân dân, đảng ta đã quyết định bảo tồn vĩnh viễn thi hài của Chủ tịch HỒ CHÍ MINH. Chẳng biết thằng nhân dân nào được có nguyện vọng như thế. Và chuyện bảo tồn thi hài vĩnh viễn là chuyện vớ vẩn.

Bởi chỉ mấy năm sau, năm 1976 khi Mao chết, định ướp xác, muốn sang Việt Nam để lấy kinh nghiệm ướp xác Hồ, thì mũi, tai và mắt đã hỏng hết nên không thể học tập làm theo được. Đó là chuyện của Dư luận đại đa số quần chúng nhân dân. Mà dư luận của nhân dân thì hẳn nhiên là dù đúng cũng không được đảng công nhận.

Hẳn nhiên, cha ông đã nói : "có nhiều có ít, con nít mới đồn" chứ không phải là chuyện tự nhiên. Bởi khi đó, Trường Chinh có muốn bằng vạn, cũng không thể nào qua mặt Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Nếu không phải là ý của Duẩn, Thọ, thì Trường Chinh trái ý cũng rất dễ bêu đầu thị chúng như chơi.

2 - Chuyện anh hoạn lợn ĐM làm trưởng ban và anh Trường Chinh chỉ đạo mồm, dù có thiết kế thì Trường Chinh bảo đào cả đổ đi cũng phải đào chứ chưa nói là dấu to với chữ nhỏ.

3 - Chữ có gạch nối là cách viết từ ngày xưa, mặc định trong viết chính tả. Mãi đến sau này kể cả đến 1975 thì ở miền Nam vẫn dùng cách viết đó. Ở Miền Bắc thì chỉ thời gian ngắn sau thì bỏ.

Vấn đề ở đây là hoặc dùng gạch nối thì phải đủ, hoặc không dùng thì bỏ. Cái dùng cái bỏ như vậy chứng tỏ nó sai.

Những tư liệu đó, cho chúng ta thấy được, chỉ từ một ý tưởng của Trường Chinh, lập tức các nhà chuyên môn, các Kiến Trúc sư và ngay cả những nhà chuyên môn nước ngoài cũng phải chịu thua và chỉ thực hiện vai trò minh họa.

vimo0

Vì thế, nhiều người cho rằng, cái lăng với lối kiến trúc phụ thuộc Nga xô viết, đã trở nên lạc lõng giữa khung cảnh bao vây của những kiến trúc cổ, kiến trúc Gothic của các công thự trong khu vực Ba Đình. Thậm chí, ban đêm nếu đi qua khu lăng, nhiều người chợt nhớ đến hình ảnh cái bếp dầu hỏa thời bao cấp khi những bóng điện hồng được thắp lên chiếu sáng phía trong lăng.

Vì thế, chúng ta không lạ khi trên đất nước Việt Nam nhan nhản những công trình công cộng chưa làm xong đã bị dư luận phản ứng dữ dội phải phá bỏ. Những con hổ chào đón năm Nhâm Dần khắp nước đã nói rõ điều này.

Và chúng ta hiểu thêm một điều : Sự độc tài không chỉ nguy hiểm với những vấn đề vĩ mô, mà nó tác động đến mọi mặt đời sóng xã hội.

Và đó chỉ là những tác đông xấu, tiêu cực.

Ngày 31/1/2022

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 31/01/2022 (nguyenhuuvinh's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 404 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)