Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/01/2022

Myanmar - "Gân gà" đối với Hun Sen

Thạch Sari

Myanmar chìm đắm trong nội chiến

Ngày 1/2/2021, các lực lượng vũ trang Myanmar đã phong tỏa các đường phố của nước này và bắt giữ các thành viên của chính phủ dân cử ở Myanmar. Kể từ đó, Chính quyền quân sự đã thắt chặt "gọng kìm" kiểm soát, trấn áp người biểu tình bằng vũ lực ngay cả khi họ đã cam kết sẽ tiến hành các cuộc bầu cử vào năm 2023.

ganga1

Thủ tướng Hun Sen trao tặng phẩm lưu niệm cho Tướng Min Aung Hlaing (trái) tại Naypyidaw hôm 7/1/2022 – AFP

Gần một năm sau khi quân đội đẩy nước này vào tình trạng hỗn loạn, không hề đạt được sự thỏa hiệp chính trị nào. Myanmar trước cuộc đảo chính vốn đã có nhiều vùng lãnh thổ do các nhóm vũ trang sắc tộc kiểm soát ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, cuộc đảo chính không được lòng dân này đã đẩy nhiều thanh niên vào vòng tay của rất nhiều "lực lượng phòng vệ nhân dân" hiện đang tiến hành cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Chính quyền quân sự. Trong bối cảnh dân chúng Myanmar đang phản đối hết sức gay gắt đối với tình hình chính trị hiện nay, chỉ có một số lực lượng phòng vệ nhân dân được điều phối bởi Chính phủ đoàn kết dân tộc (NUG) đang cạnh tranh với Chính quyền quân sự về tính hợp pháp quốc tế. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng đang phải vật lộn để tìm kiếm giải pháp cho Myanmar.

Chuyến đi thất bại của Hun Sen

Bản "Đồng thuận 5 điểm" của ASEAN (1), được soạn thảo cách đây hin tháng để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, đã bị đình trệ. Kế hoạch này kêu gọi chấm dứt bạo lực, đối thoại toàn diện, bổ nhiệm một đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan và thúc đẩy đối thoại, cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo.

Năm 2021, ASEAN đã có một động thái chưa từng có khi loại bỏ tư cách dự hội nghị của khối này đối với Tướng Min Aung Hlaing và các đại diện khác của chính quyền quân sự Myanmar. Quyết định này được đưa ra do chính quyền quân sự Myanmar không đạt được tiến bộ nào trong việc thực hiện "Đồng thuận 5 điểm" mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng do quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà San Suu Kyi hôm ½/2021.

Tuy nhiên, Hun Sen dường như đã phá vỡ lập trường thống nhất của ASEAN khi đến thăm Myanmar và gặp Tướng Min Aung Hlaing – hoạt động quan trọng đầu tiên của ông trên cương vị Chủ tịch ASEAN (2).

Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 25/1, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã tuyên bố với người đồng cấp Campuchia Hun Sen rằng Malaysia sẽ không ủng hộ mọi nỗ lực mời các đại diện chính quyền quân sự Myanmar tham dự các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (3). Cuộc hội đàm này diễn ra trong bối cảnh rạn nứt giữa các nước về chuyến thăm Myanmar gây tranh cãi của Thủ tướng Hun Sen hồi đầu tháng này.

Thủ tướng Ismail Sabri đã nhắc lại với người đồng cấp Hun Sen về nhu cầu cấp bách trong việc giảm leo thang căng thẳng ở Myanmar và chấm dứt bạo lực đối với dân thường. Ông Sabri cũng kêu gọi một cuộc đối thoại chính trị toàn diện với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị bao gồm cả bà San Suu Kyi và Tổng thống bị phế truất U Win Myint. 

Mối quan hệ Malaysia-Campuchia sau đó trở nên xấu đi sau khi Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah công khai chỉ trích chuyến thăm của Hun Sen rằng đây quyết định đơn phương, không tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN khác. Ông Saifuddin cho rằng, chuyến thăm - được các phương tiện truyền thông Campuchia ca ngợi là lịch sử và thành công – là vô ích. Những ý kiến chỉ trích lo ngại chuyến thăm của Hun Sen có nguy cơ gây sự hiểu lầm rằng ASEAN đã công nhận chính quyền quân sự Myanmar. Và Malaysia cảnh giác với việc Campuchia lợi dụng vai trò chủ tịch ASEAN để mời chế độ quân sự của Myanmar trở lại khối (4). Đáp lại, Hun Sen đã gọi ông Saifuddin là "kẻ ngạo mạn" và "bất lịch sự", không tôn trọng vai trò của một chủ tịch ASEAN (5). Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hướng đi mà Campuchia sẽ dẫn dắt ASEAN trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 này.

ganga2

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đi cùng Tướng Min Aung Hlaing ở Naypyidaw hôm 7/1/2022. AFP

Bàn tay của Bắc Kinh

Mặc dù vẫn còn quá sớm để nói liệu các thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm có dẫn đến bất kỳ thay đổi thực sự nào hay không, nhưng chuyến thăm này đã làm dấy lên những cáo buộc rằng ông Hun Sen đang "làm việc theo lệnh của Trung Quốc" để hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar. Về phần mình, Bắc Kinh đã thiết lập được một mối quan hệ làm việc với chính phủ của Tướng Min Aung Hlaing ngay cả khi chính quyền quân sự Myanmar triển khai các chiến thuật càn quét để dập tắt sự phản kháng đối với cuộc đảo chính. Ngày 12/1, Campuchia cũng đã hoãn cuộc họp ASEAN đầu tiên trong năm khi có nhiều đồn đoán xoay quanh những bất đồng về cách thức Myanmar nên được cử đại diện như thế nào.

Sự trì hoãn cuộc họp đầu tiên đã làm dấy lên "bóng ma" về sự sụp đổ của ASEAN vào năm 2012, thời điểm Campuchia cũng đang là Chủ tịch ASEAN, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN không đưa ra được thông cáo chung về cuộc họp ngoại trưởng.

Lúc đó, Campuchia đã khẳng định rằng các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông không được đưa vào văn kiện (một đường lối nhất quán với quan điểm của Trung Quốc, vốn là nước ưa thích giải quyết các tranh chấp của mình với các thành viên ASEAN như Việt Nam và Philippines trên cơ sở song phương). Trong một cuốn sách về vai trò chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia do Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP) và Quỹ Châu Á ra mắt hôm 12/1 (6), nhà nghiên cứu cấp cao của CICP, Sovinda Po, đã ngụ ý rằng Bắc Kinh có thể sẽ dựa vào Campuchia một lần nữa trong năm nay để theo đuổi chương trình nghị sự của mình.

Theo ông Po, cho đến nay, chiến lược biển Đông của Trung Quốc là nhằm làm chia rẽ các thành viên ASEAN để đạt được "nhiều đòn bẩy lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán song phương". "Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục ngầm gia tăng sức ép đối với một số thành viên ASEAN như Campuchia và Lào để áp dụng các chính sách có lợi cho mình". Ông Po cũng cho rằng nước Chủ tịch ASEAN Campuchia chắc chắn sẽ phải đối mặt với thách thức khó khăn trong việc dung hòa các lợi ích cạnh tranh của từng quốc gia thành viên, bao gồm cả lợi ích của chính nước này, khi Campuchia cố gắng lèo lái ASEAN vượt qua những thời điểm hỗn loạn về địa chính trị này. Campuchia một lần nữa ngồi vào "chiếc ghế nóng" khi sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc đang lôi kéo các nước thành viên ASEAN đi theo những hướng hoàn toàn khác nhau.

Vấn đề Biển Đông thất bại tiếp tục là một vấn đề lớn không chỉ đối với các quốc gia có tranh chấp mà đối với toàn bộ khu vực ASEAN. Khó có thể nói rằng đã có tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trong vấn đề Biển Đông trong thập kỷ qua. Trong khi một số thành viên ASEAN coi năm 2022 là một năm quan trọng để ký kết COC, nhiều người lại hoài nghi về triển vọng này.

ganga3

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen ở Phnom Penh hôm 21/12/2021. AFP

Chuyến đi bất thường của ông Bùi Thanh Sơn

Ngày 19/1/2022, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có chuyến thăm Campuchia. Mặc dù báo chí hai nước này có ca ngợi chuyến đi này là để "thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước" (7), nhưng điều đáng chú ý là chuyến đi này của ông Bùi Thanh Sơn chỉ cách chuyến đi thăm Campuchia của Chủ tịch nước Việt Nam chưa đầy một tháng (21-22/12/2021). Và đương nhiên, trong chuyến thăm Campuchia của ông Nguyễn Xuân Phúc thì ông Bùi Thanh Sơn cũng là thành viên trong đó.

Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Campuchia về chuyến đi của ông Bùi Thanh Sơn có nhắc tới việc : "Việt Nam và Lào cùng ủng hộ vai trò của Thủ tướng Hun Sen trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar với chuyến thăm Myanmar gần đây của ông Hun Sen. Đồng thời, Việt Nam cũng ủng hộ Campuchia trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2022". (8)

Như vậy, có thể là chuyến đi của ông Bùi Thanh Sơn mang thông điệp ủng hộ Campuchia của Việt Nam và Lào trong khi Hun Sen đang hứng chịu các chỉ trích từ nhiều quốc gia ASEAN khác.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải cảnh giác "con ngựa thành Troy" của ASEAN, khi bàn tay đen đúa của Bắc Kinh vẫn đang len lỏi vào các chính sách của chính quyền Hun Sen, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Thạch Sari

Nguồn : RFA, 29/01/2022

Tham khảo :

1. https://asean.org/wp-content/uploads/Chairmans-Statement-on-ALM-Five-Point-Consensus-24-April-2021-FINAL-a-1.pdf

2. https://thediplomat.com/2022/01/myanmar-crisis-and-hun-sens-visit-asean-in-disarray/

3. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Malaysia-to-Hun-Sen-Myanmar-regime-still-not-welcome-at-ASEAN

4. https://www.rfa.org/english/news/cambodia/visit-01132022171925.html

5. https://www.rfa.org/english/news/cambodia/myanmar-malaysia-01212022165317.html

6. Cambodia's Chairmanship of ASEAN, Challenging Perceptions, concretizing consolidations, Cambodian Institute for Cooperation and Peace published, 2022, from p. 60- p. 67

7. https://www.khmertimeskh.com/501009995/vietnamese-foreign-affairs-minister-visits-cambodia-to-further-boost-ties/

8. https://opendevelopmentcambodia.net/pdf-viewer/?pdf=files_mf/1642997699HisExcellencyBuiThanhSon.pdf

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thạch Sari
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)