Đại sứ Mỹ nói có thể ‘cân bằng thích ứng’ về nhân quyền đối với Việt Nam
Giang Nguyễn, RFA, 05/03/2021
"Cũng giống như mọi mối quan hệ, có những khác biệt giữa hai quốc gia và hệ thống chính trị của chúng ta. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta giữ quan điểm tổng quát thì có thể giải quyết những vấn đề đó một cách hiệu quả".
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink (Trái) và Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội (1/2018).
Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định như vừa nêu tại cuộc thảo luận trực tuyến hôm 5 tháng 4 do Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia (UVA) tổ chức. Ông nói, với quan điểm đó, từ năm 2017, trong vai trò nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông cùng các đối tác, chính quyền Việt Nam, đã có những thành công vượt bực, một phần không nhỏ vì những lợi ích của hai bên hoàn toàn "song hành với nhau". Ông nói :
"Tôi đã cùng với các đối tác và những người bạn Việt Nam của tôi phấn đấu giải quyết một số vấn đề vô cùng nhạy cảm và khó khăn trong ba năm qua. Chúng tôi đã giải quyết được hầu hết mọi vấn đề. Việt Nam biết điểm mấu chốt của họ là gì. Tôi nghĩ chính là giữ sự độc lập, an ninh và thịnh vượng".
Ông Kritenbrink ghi nhận rằng Việt Nam theo đuổi những mục tiêu đó một cách vô cùng "thực tiễn". Về phía Hoa Kỳ, ông Kritenbrink đề cập đến các thành tựu mà ông đặc biệt hãnh diện.
Đầu tiên là nỗ lực giúp hòa giải và xử lý các di chứng do chiến tranh để lại. Cụ thể, ông nhắc đến chuyến thăm Cầu Hàm Rồng cùng với cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam giữa năm ngoái. Ông cũng là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn năm 2019. Năm 2018 ông đã làm như thế tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Đây là nơi còn lại phần mộ của những chiến sĩ thuộc Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Ngoài ra, Đại sứ Kritenbrink còn nhấn mạnh thành quả trong lĩnh vực thương mại và giao dịch :
"Thứ nhì, tôi cũng tự hào về những điều thiết thực mà chúng tôi đã làm được. Bạn biết đấy, các giao dịch thương mại trị giá hàng tỷ đô la mà chúng tôi đã ký kết nhờ có quan hệ thực sự này. Chúng tôi ở đây để hoàn thành công việc giao dịch thực sự mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Tôi thực sự tự hào về điều đó. Tôi cũng tự hào về chuyến thăm của hai hàng không mẫu hạm".
Đại sứ Kritenbrink cũng nhắc đến nỗ lực giúp trả tự do cho công dân Mỹ, ông Michael Phương Minh Nguyễn. Nhưng ông thừa nhận ví dụ điển hình về các lĩnh vực mà hai bên không đồng quan điểm là vấn đề nhân quyền.
Ông chia sẻ rằng nhân quyền là một trong những mối căng thẳng lớn nhất trong quan hệ song phương. Khi trao đổi với phía Việt Nam về vấn đề này, thông điệp ông thường nêu ra như sau :
"Chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ thành công hơn nếu Việt Nam bảo vệ các quyền công dân, tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về nhân quyền. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nói rõ rằng chỉ có Việt Nam và người dân Việt Nam mới làm được những quyết định này. Theo tôi quí vị hiểu được ngữ cảnh đó và tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được sự cân bằng thích ứng và không quá tập trung vào một vấn đề. Vì như tôi đã đề cập ban đầu, bất chấp những khác biệt mà chúng ta có về nhân quyền, khi chúng ta nhìn vào các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của chúng ta từ mối quan hệ an ninh, thương mại, giữa con người với con người và nỗ lực quan trọng về việc xử lý di sản chiến tranh, thì bạn sẽ thấy rằng lợi ích của chúng ta gần như hoàn toàn song hành".
Nói đến lĩnh vực an ninh trong khu vực, ông khẳng định Trung Quốc là mối thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ, điều mà Tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đã khẳng định trong tuyên bố đầu tiên về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hôm 3 tháng 3.
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 05/03/202
*********************
VOA, 05/03/2021
Hôm 4/3, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu rằng hai nước hầu như có lợi ích "song trùng" về vấn đề an ninh và ổn định khu vực trong khi căng thẳng về nhân quyền và quan hệ kinh tế thương mại vẫn tồn tại. Ông cũng nhắc lại rằng nhân quyền là một phần "trọng tâm" trong chính sách đối ngoại của Washington đối với Hà Nội.
Đại sứ Kritenbrink phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến do Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia (UVA) tổ chức :
"Tôi nghĩ rằng mối quan tâm và tầm nhìn của chúng tôi về khu vực và thế giới thì gần như hoàn toàn song trùng với nhau".
"Hoa Kỳ và Việt Nam đều muốn sống trong một khu vực thịnh vượng, ổn định, nơi các quốc gia tuân theo luật pháp quốc tế, nơi các nước lớn không bắt nạt kẻ yếu, nơi các nước giao thương tự do và cởi mở, và là nơi chúng ta đề cao các giá trị chung".
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhận định rằng hai bên vẫn còn có những căng thẳng, khác biệt mà theo đó ông phải "lùi lại một bước để thấy rõ tầm nhìn dài hạn và tập trung vào mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn".
"Mặc dù thực tế rằng đây là một trong những mối quan hệ bạn bè và đối tác quan trọng và tích cực nhất của chúng ta, nhưng vẫn có sự căng thẳng trong mối quan hệ này".
"Có những khác biệt giữa hai quốc gia và sự khác biệt về hệ thống chính trị của chúng ta. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta lưu tâm đến điểm lớn hơn thì chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả", Đại sứ Kritenbrink chia sẻ.
Ông nói rằng một trong sự khác biệt rõ rệt nhất là nhân quyền, và ông nhấn mạnh rằng nhân quyền là "là một phần trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và vẫn là một phần trọng tâm trong cam kết của chúng tôi với Việt Nam".
"Chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ thành công hơn nếu Việt Nam bảo vệ các quyền của công dân theo những cách nhất định, tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến nhân quyền".
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào tuần này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Singapore), đưa ra nhận xét về sự tương đồng và khác biệt trong quan hệ Việt-Mỹ :
"Quan hệ giữa Hoa Kỳ - Việt Nam từ năm 1994 đến nay, tức sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, có những bước tiến triển tích cực cho cả hai phía, trở thành đối tác toàn diện, nhưng hai nước vẫn có sự khác biệt lớn và nhỏ, trong đó có các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, về phát triển, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn nhằm phát triển mối quan hệ Mỹ - Việt tốt hơn.
"Dù có khác biệt nhưng Mỹ và Việt Nam vẫn muốn trở thành những người bạn".
Hôm 3/3, trong Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia, chính quyền của Tổng thống Biden có nhắc đến Việt Nam như là một đối tác trong khu vực ASEAN mà Washington nhắm tới để thắc chặt an ninh vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Liên quan đến các khía cạnh kinh tế, trang Bloomberg dẫn lời Đại sứ Kritenbrink tại buổi hội thảo hôm 4/3 nói rằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước sẽ vẫn là trọng tâm của Hoa Kỳ dù Washington vẫn lo ngại về khả năng tiếp cận của các công ty Mỹ vào thị trường Việt Nam.
Vào tháng 12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã gắn mác Việt Nam là "nước thao túng tiền tệ" trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không sử dụng tỷ giá hối đoái "để tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế".
Ông Kritenbrink cho biết rằng chính quyền Biden tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của người lao động và nhà xuất khẩu Hoa Kỳ.
Nguồn : VOA, 05/03/2021
Dân biểu Úc gửi thư cho ngoại trưởng về tự do tôn giáo ở Việt Nam (RFA, 01/02/2018)
Chính phủ Úc phải hành động, can thiệp vào những trường hợp vi phạm tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam.
Công an bắt ông Vương Văn Thả hôm 18/5/2017 - Courtesy : chantroimoimedia.com
Đó là tuyên bố của hai nhà lập pháp Úc là ông Chris Hayes và Tim Watts trong một bức thư gửi bà Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop.
Bức thư nêu cụ thể các trường hợp những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy bị bắt bỏ tù vì thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình là các ông Vương Văn Thả, Vương Thanh Thuận, Nguyễn Nhật Trường, và Nguyễn Văn Thượng.
Vào ngày 23 tháng Một, 2018 vừa qua, những người này bị kêu án từ sáu cho đến 12 năm tù giam với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ Luật hình sự Việt Nam.
Ngoài ra hai dân biểu Úc còn đề cập đến trường hợp hai giáo dân Công giáo là các ông Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong bị bỏ tù vì đã biểu tình chống nhà máy Formosa làm ô nhiễm biển miền Trung gây ra thảm họa Formosa Vũng Áng hồi năm 2016.
Ông Hoàng Đức Bình bị cáo buộc tội "chống người thi hành công vụ" và "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 của Bộ luật hình sự. Ông Nguyễn Nam Phong bị truy tố về tội "chống người thi hành công vụ" theo điều 257.
Cuối thư, hai ông Chris Hayes và Tim Watts nhấn mạnh rằng nước Úc là thành viên của Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc, có trách nhiệm phải thúc đẩy Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cho công dân của mình, theo đúng những gì đã ghi trong Tuyên ngôn nhân quyền, và những cam kết về quyền con người của quốc tế.
***********************
Việt Nam cần thay đổi biện pháp giải quyết tranh chấp môi trường (RFA, 01/02/2018)
Một nghiên cứu mới nhất của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra kết luận nhiều người dân Việt Nam không hài lòng về những biện pháp giải quyết các tranh chấp liên quan tranh cãi gây ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp gây nên.
Người dân Việt Nam biểu tình phản đối công ty Formosa của Đài Loan ở trung tâm Hà Nội hôm 1/5/2016 - AFP
Theo báo cáo, người dân Việt Nam ngày càng ý thức hơn và hiểu được hoạt động công nghiệp hóa đang gây hại cho môi trường.
Mạng báo VnExpress ngày 01 tháng 02 loan tin về nghiên cứu vừa nêu cho thấy có 17 vụ tranh chấp môi trường lớn nhất xảy ra tại Việt Nam trong 6 năm qua đồng thời cảnh báo những hệ luỵ liên quan đến phát triển kinh tế xã hội và chính trị do những tranh chấp này gây nên.
Theo đó, trong tất cả những vụ tranh chấp vừa nêu, các giải pháp mà doanh nghiệp gây ô nhiễm đưa ra đều không thỏa đáng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, những người đóng vai trò trung gian hòa giải lại can thiệp bằng "biện pháp mạnh" nhằm cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường.
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công của Việt Nam (PAPI) năm 2016 chỉ ra rằng mối quan tâm về môi trường là vấn đề cấp bách thứ hai mà người dân Việt Nam muốn chính phủ giải quyết, ngay sau vấn đề đói nghèo. Nguyên nhân là do dân số Việt Nam đang ngày càng trở nên thân thiện hơn với môi trường bởi sự bùng nổ kinh tế đã dẫn đến ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, các vụ tràn dầu và suy thoái về môi trường.
Có tới 77 phần trăm người trả lời PAPI cho biết Việt Nam cần ưu tiên bảo vệ môi trường thay vì tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Theo tính toán thực tế, chi phí cho môi trường chiếm khoảng 0,6% GDP hàng năm của Việt Nam từ nay đến năm 2020.
Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng GDP lên mức 6,7% trong năm 2018 với nguồn thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tập trung ở các lĩnh vực xuất khẩu, khai thác tài nguyên thiên nhiên và du lịch. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này lại thường gây nên những tác động nghiêm trọng đối với môi trường.
Trong số 50 vụ nghiêm trọng nhất về chất thải độc hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận vào năm 2016, 60% là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gây ra, bao gồm cả những vụ gây ra cá chết hàng loạt hay gần đây nhất là những tranh cãi liên quan đến xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng với hơn 143 nghìn chữ ký trực tuyến phản đối dự án này.
Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh người dân cần được tham vấn ý kiến trước khi chính phủ thực hiện các hoạt động có thể tác động tới môi trường. Người dân có quyền được tiếp cận thông tin và quyết định những hoạt động liên quan đến môi trường bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ cũng như cho phép họ tham gia trong những tranh chấp liên quan đến môi trường sống.
*********************
Đại sứ Mỹ tặng ‘món quà cuộc sống’ cho người Việt (VOA, 01/02/2018)
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink cùng các nhân viên cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội đã trao "món quà cuộc sống" trong đợt hiến máu nhân dịp Tết Nguyên đán.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink hiến máu nhân đạo hôm 26/11.
Ông Kritenbrink cùng với ông Lê Lâm, Phó Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đã khai mạc Ngày hội Hiến máu thường niên lần thứ 7 của cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở thủ đô Việt Nam với chủ đề "Trao tặng Quà Tết – Món quà của cuộc sống" hôm 26/1.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Việt cho biết "cảm thấy đặc biệt khích lệ khi chứng kiến rất nhiều nhân viên của sứ quán cùng gia đình cũng như các em học sinh, sinh viên ghé thăm Trung tâm Hoa Kỳ, và nhiều người khác khắp Hà Nội chung tay trao tặng ‘món quà cuộc sống’ bằng việc tham gia hiến máu".
Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ, mục tiêu chính của Ngày hội Hiến máu là để ghi nhận các thành tựu của Chương trình Hiến máu Quốc gia trong việc gia tăng lượng máu dự trữ của Việt Nam, đặc biệt là từ những người hiến máu tự nguyện cũng như ủng hộ các nỗ lực giáo dục hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc tham gia hiến máu tự nguyện.
Bà Susan Tang, Cán bộ phụ trách Y tế thuộc Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, chia sẻ : "Những ngày hội hiến máu như thế này cũng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc duy trì lượng máu dự trữ đều đặn cũng như vai trò thiết yếu của những người hiến máu tự nguyện".
Số người tham gia hiến máu đã gia tăng liên tục kể từ Ngày hội Hiến máu lần thứ nhất do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức vào năm 2012. Năm nay, tin cho hay có tổng số 247 người tham gia hiến máu.
Theo đánh giá của Đại sứ quán Mỹ, từ khi Chương trình Hiến máu Quốc gia bắt đầu triển khai năm 2001, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc gia tăng lượng máu dự trữ từ nguồn máu hiến tự nguyện.
Theo thống kê mới nhất của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, 95% lượng máu dùng cho điều trị hiện nay là của người tình nguyện hiến tặng. Máu hiến được dùng để cứu sống những nạn nhân bị chấn thương, bệnh nhân cần phẫu thuật và người mắc các bệnh về máu gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền và vận động nhằm đạt hơn 230 nghìn lượt hiến máu nhằm đảm bảo đủ máu cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại thành phố này năm 2018.
Đại sứ quán Mỹ cho biết "tự hào ủng hộ Chương trình Hiến máu Quốc gia trong dịp nghỉ Tết, khi mà số người hiến máu thường suy giảm".
Ông Kritenbrink và vợ con mặc áo dài truyền thống của Việt Nam.
Năm nay, ông Kritenbrink lần đầu tiên đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam, ba tháng sau khi tới Hà Nội nhậm chức.
Trên trang Facebook, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ viết bằng tiếng Việt : "Vì đây là cái Tết đầu tiên của tôi cùng gia đình ở Việt Nam, chúng tôi vô cùng háo hức khi ngày Tết nguyên đán đang tới gần. Ngày hôm nay, chúng tôi đã đi thử áo dài, và khỏi cần nói, tất cả chúng tôi đều yêu thích trang phục này !"
Ông Kritenbrink cũng đăng kèm hình ảnh gia đình ông mặc áo dài, gây nhiều thích thú và bình luận của các Facebooker người Việt.
Không quên nhắc tới tranh cãi Tết Ta – Tết Tây, một người tên Nguyễn Vạn Toàn bình luận dưới bức ảnh : "Chúc mừng ông ăn Tết Ta, còn tôi thì bỏ Tết Ta ăn Tết của ông. Quan điểm tôi là bỏ Tết Nguyên đán và tôi sẽ thực hiện điều này trong năm nay. Chúc ông và gia đình hạnh phúc".
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink gặp Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trước Tết Nguyên đán hôm 29/1.
Nhân dịp năm cũ sắp qua và năm mới sắp tới, đương kim đại sứ Hoa Kỳ cũng đăng bức ảnh ông và phu nhân "rất vinh dự khi được Chủ tịch Quang và Phu nhân Hiền tiếp đón ăn trưa hôm nay [29/1] nhân dịp trước Tết nguyên đán.
"Chúng tôi đã cùng nhìn lại những thành tựu đạt được trong quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam trong năm 2017 và mong muốn mở rộng hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong năm mới", ông viết.
Năm ngoái, đánh dấu các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, trong đó nổi bật là chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Donald Trump.
Mới đây, ông Brian Hook, cố vấn cấp cao về chính sách của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nói rằng việc ông Trump thăm cả Hà Nội và Đà Nẵng là "một biểu tượng của tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với chúng tôi".
Viễn Đông