Sau hàng loạt vụ lùm xùm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi để cho đàn em cùng thân quyến mặc sức làm mưa làm gió, đua nhau xâu xé nền kinh tế, "ăn của dân không từ một thứ gì", Hội nghị trung ương 5 khóa XI diễn ra vào trung tuần tháng 5/2012 đã quyết nghị việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay thế vị trí Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng của một "đồng chí X" đầy tai tiếng.
Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội.
Dưới sự chỉ đạo của ngài tân Trưởng ban, hoạt động của bộ máy phòng chống tham nhũng ban đầu cũng có đôi chút "khởi sắc", nhưng rồi mọi chuyện lại sớm "đâu trở về đấy". Lời khẳng định "Tham nhũng ở Việt Nam 3 năm qua ổn định" của Tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại buổi tọa đàm "Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển do Thanh tra Chính phủ và UNDP tổ chức ngày 9/12/2014 ngay lập tức trở thành trò đàm tiếu của thiên hạ.
Tuy nhiên, tình hình đã bắt đầu thay đổi sau Đại hội XII, đặc biệt là từ khi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng (nhân vật được coi là "cánh tay phải" của Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam) trở về sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/9/2016.
Và sau câu phát ngôn hùng hồn "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng ngày 31/7, chiến dịch "đốt lò" do ngài Tổng bí thư phát động xem ra đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Thực tâm chống tham nhũng ?
Trong bài "Vòng luẩn quẩn hay tầm nhìn của ngài Tổng bí thư ", chúng tôi đã phân tích là nếu không cải cách chính trị, thiết lập một hệ thống thể chế tam quyền phân lập thì Việt Nam không thể nào chống được tham nhũng. Với một hệ thống vận hành dựa trên tham nhũng thì nếu không cải cách toàn diện và triệt để, cái gọi là "chống tham nhũng" chỉ là trò bịp bợm của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Điều này càng thể hiện rõ qua cái cách mà ngài Tổng bí thư chọn "củi" để tống vào "lò". Những vụ việc tai tiếng khiến công chúng bức xúc, phẫn nộ nhưFormosa Hà Tĩnh , thảm nạn BOT giao thông , VN Pharma, "biệt phủ Yên Bái"… đều không được ngài ngó ngàng đến chứ đừng nói là lên tiếng chỉ đạo giải quyết. Thậm chí, để tránh bị dư luận "hiểu nhầm", Chánh Văn phòng trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên còn phải thanh minh với báo chí, bác bỏ thông tin Tổng bí thư "có ý kiến" vụ VN Pharma. Lý do thật dễ hiểu : "tác giả" của những vụ tham nhũng, tiêu cực đó đều là đồng minh chính trị của ngài Tổng bí thư.
Với cái ô to đùng như thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mới đây quý bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn ngang ngược đến mức nhân danh Bộ Y tế phát công văn yêu cầu xử lý bác sỹ Hoàng Công Truyện, chỉ vì ông đã "dám" đăng một bài trên trang Facebook cá nhân "khuyên" Bộ trưởng Y tế nghỉ việc do yếu kém về công tác tham mưu, vấn đề an ninh ở bệnh viện.
Hai lần "ngoại lệ"
Đại hội XI Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra đầu năm 2011 khi Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi, quá 2 tuổi so với giới hạn 60 tuổi cho ủy viên Bộ Chính trị mới tham gia cơ quan quyền lực tối cao lần đầu và 65 cho người tái cử. Tuy nhiên, do trúng cử Tổng bí thư nên việc quá tuổi của ông ta được xem là trường hợp "ngoại lệ".
Năm năm sau, tại Đại hội XII, mặc dù đã quá giới hạn tuổi đến 7 năm, song vì các phe phái trong đảng không tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn nhân sự Tổng bí thư nào khác ngoài Nguyễn Phú Trọng, nên một lần nữa ngài giáo sư tiến sĩ chuyên ngành "xây dựng đảng" lại được "chọn mặt gửi vàng" như một "ngoại lệ", với cam kết là sẽ chỉ tại vị trong nửa nhiệm kỳ.
Thực ra lúc đó Nguyễn Phú Trọng là giải pháp tình thếtrong một nỗ lực tập thể nhằm loại trừ Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật mà Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã vạch mặt chỉ tên là "điệp viên hoàn hảo " của Trung Quốc (dù chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với tất cả những luận điểm của Luật sư Cù Huy Hà Vũ).
Mưu tính gì ?
Sau Đại hội XII, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh là hai ứng cử viên sáng giá nhất để tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư khi Nguyễn Phú Trọng chia tay khu nhà 1A Hùng Vương vào giữa nhiệm kỳ như cam kết. Và suốt một năm rưỡi, người ta cứ ngỡ cuộc đua vào ngôi vị số 1 chỉ diễn ra giữa Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh, với ưu thế nghiêng về phía ngài cựu Bộ trưởng Công an.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng im hơi lặng tiếng kể từ hồi tháng Năm, cái tên Đinh Thế Huynh xuất hiện trở lại trên truyền thông nhà nước vào ngày 1/8, khi Bộ Chính trị thông báo là ngài Thường trực Ban bí thư đang "điều trị bệnh", còn chiếc ghế của ông ta thì được tạm giao cho Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, người được coi là một Vương Kỳ Sơn của Việt Nam. Và từ đó đến nay, mọi thông tin về nhân vật đứng thứ 5 trong hệ thống phẩm trật cộng sản Việt Nam vẫn chìm trong màn bí ẩn.
Trong khi đó, kể từ khi "tái xuất" vào ngày 28/7, sau hơn một tháng biến mất một cách bí hiểm ngay giữa lúc vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin trở thành chủ đề bàn tán râm ran của công chúng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hầu nhưchỉ còn sắm vai "ông phỗng" trên sân khấu chính trị do liên quan đến cuộc đào thoát khỏi Việt Nam của viên cựu Phó chủ tịch Hậu Giang.
Hai ứng cử viên nặng ký nhất đã bị loại, còn các ứng cử viên khác thì sao ?
Xin thưa, chiến dịch "đốt lò" do Nguyễn Phú Trọng khởi xướng cùng Quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của 1.000 cán bộ cao cấp do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/5 lúc này đã trở thành "lưỡi gươm Damocles" sẵn sàng bổ vào đầu bất cứ kẻ nào dám cả gan thách thức quyền lực của ngài Tổng bí thư khả kính.
Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 18-24/10 trong bầu không khí mà nhiều nhà quan sát nhận định là không còn căng thẳng và bất đồng nội bộ, bởi Tập Cận Bình đã "xử lý" hết các đối thủ, cả công khai lần tiềm tàng, qua chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mà ông ta là người vừa viết kịch bản vừa "chỉ đạo nghệ thuật" thông qua trợ thủ Vương Kỳ Sơn.
Như chúng tôi đã trình bày trong bài "Ai có thể chặn được Nguyễn Phú Trọng ?", đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ là một nhân vật "thân Tàu" mà nguy hiểm hơn thế, qua cả lời nói lẫn hành động, ông ta còn cho thấy mình là một tay sai đắc lực của các ông chủ Trung Nam Hải.
Sau hai lần giành chiến thắng trong cuộc chiến giành ngôi vị tối cao như một trường hợp "ngoại lệ", việc ngài Tổng bí thư một lần nữa trở thành "ngoại lệ" tại Đại hội XIII là một khả năng không thể loại trừ, bởi với Đảng cộng sản Việt Nam thì điều gì cũng có thể xẩy ra, khi không một luật lệ nào đủ sức ràng buộc họ.
Không còn nghi ngờ gì, Nguyễn Phú Trọng đang làm tất cả những gì có thể để không chỉ bước vào Hội nghị trung ương 7 (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018) mà cả Đại hội XIII (đầu năm 2021) với vị thế của một Tập Cận Bình "made in Vietnam".
Trong bối cảnh hai ứng cử viên tiềm tàng đã bị loại, còn các đối thủ có khả năng thách thức quyền lực khác thì nơm nớp dè chừng thanh bảo kiếm mang tên "Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng", Nguyễn Phú Trọng sẽ không chỉ bảo toàn được ngôi vị số 1 của mình mà còn thoải mái xếp đặt nhân sự theo ý chỉ của Bắc Kinh.
Tóm lại, nếu không kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ lại bị cuốn vào một vòng xoáy "Hán hoá" mới ngay cả khi ngài Tổng bí thư buộc phải trở về "làm người tử tế" sau Hội nghị trung ương 7 hay sau Đại hội XIII.
Tương lai đất nước đang thực sự nhuốm màu u ám.
Nguồn : VOA, 23/10/2017
Sau một tuần làm việc, Hội nghị trung ương 6 khóa XII đã kết thúc vào ngày 11/10. Đây là một trong số ít kỳ hội nghị của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mà dư luận trong và ngoài nước dõi theo với một sự quan tâm đặc biệt.
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Điều này thật dễ hiểu khi xét đến bối cảnh của nó : tình hình khu vực và thế giới đang đứng trước những diễn biến khó lường ; chiến dịch "đốt lò" do ngài Tổng bí thư khởi xướng đang hứa hẹn những màn kịch tính ; yêu cầu đổi mới đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết…
Và dưới đây là một vài nhận định về kết quả của hội nghị.
Kết quả chống tham nhũng, tiêu cực kém xa kỳ vọng
Sau sự kiện Trịnh Xuân Thanh "từ Đức về Việt Nam đầu thú", dẫn đến cái khoát tay hùng hồn "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" của ngài Tổng bí thư tại cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng ngày 31/7, người ta có cảm tưởng như chiến dịch "đốt lò" do ông ta khởi xướng có thể thiêu cháy bất kỳ "khúc củi" nào.
"Ông trùm" ngân hàng Trầm Bê bị bắt và khởi tố cùng 24 bị can khác ; hàng loạt vụ bắt bớ diễn ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ; một án tử hình, một án chung thân cùng nhiều bản án nặng nề khác đã được tuyên trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Ngân hàng Đại Dương ; nhiều cơ quan báo chí đưa tin về việc LS Nguyễn Minh Tâm, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn (người phải nhận án tử hình trong vụ Ngân hàng Đại Dương) trưng văn bản do (nguyên) Chủ tịch PVN Đinh La Thăng ký, yêu cầu các đơn vị thành viên PVN cùng các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank ; Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật cảnh cáo, còn Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh thì bị cơ quan này đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương xem xét, thi hành "kỷ luật"…
Những diễn biến dồn dập thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng đó, cộng với những phát ngôn đầy "khí thế" của "trưởng lò" Nguyễn Phú Trọng, thật dễ hiểu khi công chúng chờ đợi kỳ hội nghị này sẽ có những "khúc củi" bự, bất kể "khô" hay "tươi", được tống vào "lò".
Vậy nhưng, trái với kỳ vọng của công chúng, "khúc củi" duy nhất bị tống vào "lò" trong dịp hội nghị chỉ là một Nguyễn Xuân Anh làng nhàng, nhân vật chính trong vụ đấu đá quyền lực cùng những tai tiếng tham nhũng ở Đà Nẵng, thành phố chiến lược và là trung tâm kinh tế tại Miền Trung, khiến Bộ Chính trị không thể không ra tay giải quyết. Và với việc Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính "mong mọi người giúp đỡ ông Xuân Anh trở thành đảng viên tốt" còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cho rằng "đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn", mọi chuyện với viên cựu Bí thư Đà Nẵng xem ra chỉ dừng lại đó.
Đặc biệt, những "khúc củi" bự như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình… thì vẫn cứ "bình chân như vại", cho dù sai phạm của họ có thể nói là sờ sờ. Những vụ việc nổi cộm khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ suốt thời gian qua như Formosa Hà Tĩnh, BOT giao thông, Việt Nam Pharma… đều không hề được đả động đến, chứ đừng nói là giải quyết.
Những lời lẽ "đao to, búa lớn" dành cho một Nguyễn Xuân Anh non nớt, cộng với câu chốt hạ "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng" trong bài diễn văn bế mạc hội nghị, khiến người ta không khỏi có cảm giác là dường như hồi chính của vở tuồng mang tên "Đốt lò" do ngài Tổng bí thư đạo diễn đã sớm hạ màn.
Lửng lơ trước yêu cầu đổi mới
Bảy năm trước, tại Đại hội XI, ngài Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành "xây dựng đảng" đã biện bạch :
"Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn chứng minh là đúng và đã có sự thống nhất tương đối rồi thì hãy sửa. Còn những vấn đề nào chưa đủ rõ, chưa đủ chín, thực tiễn còn đang vận động, ý kiến còn khác nhau thì xin phép chưa sửa đổi, sửa rồi mai kia lại vênh".
Bảy năm sau, mặc dù không ngớt hô hào "đổi mới" trong bối cảnh không thể né tránh đòi hỏi bức thiết này nếu muốn giải quyết được những vấn đề hệ trọng mà hiện thực đất nước đang đặt ra, song những lời lẽ chốt lại trong bài diễn văn bế mạc một kỳ hội nghị trung ương được không ít người kỳ vọng vẫn cho thấy một Nguyễn Phú Trọng "kiên định", "trước sau như một" :
"Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được trung ương nhất trí cao ; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn" (!!!).
Lý do ư ? Đơn giản, như chúng tôi đã chỉ ra trong bài "Ai có thể chặn được Nguyễn Phú Trọng ?", thế giới quan bảo thủ cùng mớ kiến thức kinh viện Mác Lê không thể giúp ngài Tổng bí thư làm chủ được cuộc chơi cải cách. Vì lẽ đó mà ông ta đã, đang và sẽ tiếp tục bám chặt vào Bắc Kinh, chặt đến mức tự biến mình thành tay sai của Trung Nam Hải, khiến tiền đồ dân tộc ngày một u ám.
Vị thế Nguyễn Xuân Phúc đã tăng lên đáng kể
Sau khi Trần Đại Quang "tái xuất" và hầu như chỉ còn sắm vai "ông phỗng" trên sân khấu chính trị từ ngày 28/8 ("chiến quả" của ngài Tổng bí thư cùng bộ sậu trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh), vị thế quyền lực của Nguyễn Xuân Phúc bỗng trở nên chông chênh, bởi lúc này ông ta đã trở thành đối thủ đáng kể nhất của một Nguyễn Phú Trọng quyền uy hơn bao giờ hết, trong khi "lưỡi gươm Damocles" mang tên "Quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của 1.000 cán bộ cao cấp" do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/5 vẫn lơ lửng trên đầu.
Điều này thể hiện rõ trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị trung ương 6, khi ngài Tổng bí thư công khai "dìm hàng" đối thủ của mình : "Đặc biệt là cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế năm 2017 nhìn chung thuận lợi hơn so với năm 2016".
Tuy nhiên, chỉ sau một tuần hội nghị, dường như Nguyễn Xuân Phúc không chỉ đã thoát khỏi tình cảnh chông chênh, mà vị thế của ngài Thủ tướng còn được nâng lên một "tầm cao" mới :
"[…] trong 9 tháng đầu năm 2017… kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước ; quý III tăng 7,46%, nâng mức tăng trưởng bình quân 3 quý lên 6,41%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm ; kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường. Thị trường tiền tệ ổn định ; dự trữ ngoại hối đạt 45 tỉ đô la, tăng thêm 6 tỉ đô la so với cuối năm 2016. Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Xuất khẩu đạt 154 tỉ đô la, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt ; có gần 94 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 15,4% về số lượng doanh nghiệp và 43,5% về vốn so với cùng kỳ. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển ; sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,77% ; khu vực nông nghiệp phục hồi rõ nét với mức tăng trưởng gần 3%, gấp hơn 4 lần năm 2016 ; khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008 ; khách du lịch quốc tế đạt 9,45 triệu lượt người, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ ; tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ ; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ; chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Dự báo, đến cuối năm 2017, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội ; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ; khắc phục những tồn tại, yếu kém vốn có củ a nền kinh tế, xử lý các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ ; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…"
Không còn nghi ngờ gì, đây là "bảng vàng thành tích" vô cùng hiếm hoi từ trước đến nay mà "cung vua" ghi nhận và ban tặng cho "phủ chúa" !
Tóm lại, với những gì đã nêu trên, những ai càng kỳ vọng thì sẽ càng cảm thấy hụt hẫng với kết quả mà Hội nghị trung ương 6 đạt được. Còn những ai tỉnh táo, hiểu biết thì không có gì quá bất ngờ, đơn giản là với họ "đảng ta" xưa nay lúc nào cũng vậy, dù bối cảnh và nguyên nhân có thể khác nhau.
Suy cho cùng, vận mệnh đất nước nằm trong tay mỗi người Việt Nam chúng ta, cho dù dĩ nhiên gánh nặng trách nhiệm luôn đặt trên vai những tinh hoa của giống nòi.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 13/10/2017