Báo Tuổi Trẻ ra ngày 01/03/2023 có bài "Nghe "thầy thuốc online", cắt sâu 5 đầu ngón tay khiến máu chảy đầm đìa" với nội dung [1] : Bịnh viện Nhân Dân 115 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) trong tình trạng năm đầu ngón tay bên bị liệt, đã bị người thân dùng lưỡi lam cắt sâu. Người đàn ông này đột ngột bị liệt và được vợ cùng người em nhanh chóng "cấp cứu", bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt, sau khi họ học "cách chữa" từ những lang băm trên mạng.
Các đầu ngón tay của bệnh nhân vẫn còn vết thương do người vợ dùng lưỡi dao lam cắt vào để chữa đột quỵ. Ảnh : BSCC.
Từ lâu lắm rồi - Khi đột quỵ, tai biến mạch máu não - trong dân gian truyền nhau phương pháp : Lấy dao cắt hoặc lấy kim châm 10 đầu ngón tay - 10 đầu ngón chân, day ấn nhân trung, đồng thời lấy kim đâm sâu vào dái tai, sẽ có khả năng cao, cứu được người bị nạn ngay tức thì. Thoạt nghe quá có vẻ hữu lý nhưng hãy suy nghĩ kỹ :
- Cơ thể con người là một bộ máy tinh vi - hoàn hảo đến từng chi tiết mà tạo hóa đã làm ra - một cách kỹ lưỡng - đến không ngờ về sự tuyệt diệu, vốn không có bất kỳ một bàn tay nhân tạo nào có thể vượt qua bàn tay của ông Trời [2].
- Máu trong cơ thể di chuyển trong một mạng lưới bao gồm động mạch, mao mạch và tĩnh mạch. Ở người lớn, nếu duỗi thẳng chúng ra và nối lại với nhau, các loại mạch máu có độ dài khoảng 96.000 km. Nghĩa là tổng chiều dài các mạch máu của một người trưởng thành gấp 2,5 lần so với chu vi trái đất [3].
- Máu di chuyển khắp châu thân, tới tận từng tiểu tiết chi li mà bất cứ ai cũng đã từng một lần chảy máu, dù vết xước nhỏ nhứt cũng thấy máu chảy ra hoặc xuất huyết nội (thấy được (tức là vết máu bầm) hoặc không thấy được (tức là bên trong bộ phận nào đó của cơ thể, như : não, thận, phổi, v.v.).
- Máu nuôi toàn bộ cơ thể nhờ có hệ tuần toàn. Trái tim - trong một ngày - trung bình đập khoảng 100.000 lần để vận chuyển hơn 7.500 lít máu đi nuôi cơ thể. Cũng nên tránh lầm lẫn với lượng máu chứa trong cơ thể, bởi đó là lượng máu tĩnh (khoảng 70 - 80ml máu/kg, từ trẻ em đến người trưởng thành) [4].
- Máu đông là một ơn phước Trời ban cho động vật nói chung và con người nói riêng. Dễ thấy, khi bị vết thương hở (nhẹ hoặc nặng, người ta luôn được may vết thương), sau một quãng thời gian máu tự đông lại, rồi vết thương khô, đóng mài, bong tróc ra để lại lớp da non v.v. theo thời gian dài hay ngắn, vết thương sẽ liền lạt và kèm theo có để lại sẹo hay không.
- Khi cục máu đông hình thành trong não (không thấy được), đó là một quá trình dài hay ngắn, chứ không phải như vết thương ngoài da mà thấy được. Con người chỉ cảm thấy "sao sao" do cảm nhận. Dấu hiệu "sao sao" đó chính là cục máu đông đang hình thành dần trong não. Do đó, khi cục máu đông hình thành, người bị thường bỏ qua, vì chỉ thấy "sao sao" chút xíu, như : xây xẩm, choáng váng, nhức đầu, chóng mặt v.v. một chút rồi hết.
- Máu nuôi toàn bộ cơ thể chứ không chỉ nuôi não. Do đó, khi cục máu đông hình thành và tới lúc phát tác, nó ngăn cản ngay lập tức dòng máu đang nuôi não. Vì vậy, trích (cắt) máu từ 10 đầu ngón tay - 10 đầu ngón chân ngay lúc đó, chỉ có nghĩa là "máu ở tại ngón tay – ngón chân", chứ không hề có nghĩa máu từ não được chảy ra "tại" 10 đầu ngón tay - ngón chân. Điều này cũng giống như hình ảnh một ống nước dài ngoằn ngòeo bị nghẹt, người ta phải tìm ngay chỗ nghẹt để thông nó, chứ không phải khơi thông ngay ở chỗ cuối ống nước (tức là dễ hình dung như từ 10 đầu ngón tay - ngón chân).
Do đó, trích (cắt) máu từ 10 đầu ngón tay - ngón chân chỉ là sự huyễn hoặc và trấn an theo kiểu "còn nước còn tát", vốn phản khoa học. Cách này người ta thường chỉ thấy trong các bộ phim kiếm hiệp, để coi cho vui.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 01/03/2023
[1] https://tuoitre.vn/nghe-thay-thuoc-online-cat-sau-5-dau-ngon-tay-khien-m...
[2] https://phongkhambinhminh.com.vn/moi-truong-songnhung-dieu-bi-an-tuyet-v...
[3] https://www.umcclinic.com.vn/tin-tuc/y-hoc-thuong-thuc/thoi-gian-vang-de...
[4] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/thoi-gian-dong-mau-...
Việt Nam : Sau "đột quỵ", Nguyễn Phú Trọng càng ''độc đoán'' hơn ?
RFI, 17/05/2019
Nguyễn Phú Trọng đột ngột trở lại chính trường ngày 14/05/2019, sau một tháng chữa bệnh. Sự trở lại của ông Trọng, ngay trước thềm hội nghị trung ương 10, đi kèm với một loạt vụ tấn công "quan chức" tham nhũng cấp cao khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền ông Trọng đang chuyển sang "đốt lò" dữ dội hơn.
Ông Nguyễn Phủ Trọng chủ trị hội nghị Trung ương 10 của Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 16/05/2019. Ảnh chụp màn hình : VTV 1
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, nếu như chủ trương chống tham nhũng quyết liệt của tổng bí thư – chủ tịch nước nhận được sự tán thưởng của một bộ phận dân chúng và giới chức chính quyền, thì với tình trạng "độc tôn thái quá", không khuyến khích dân chủ, không bảo vệ người dân chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, các chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng sẽ chỉ là "nửa vời", "mỵ dân". "Lò" của người bệnh hậu đột quỵ làm sao đủ sức thiêu được "đầm lầy tham nhũng". Và vì một lý do nào đó mà quyền lực của ông Trọng và phe cánh suy giảm, chẳng hạn như do lãnh đạo tối cao lâm vào một cơn bạo bệnh lần thứ hai, Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng "loạn đảng".
Sau đây là một số ghi nhận, phân tích và dự báo của nhà báo Phạm Chí Dũng (1) với RFI, ngày 14/05/2019, ngay sau khi có thông tin về buổi họp đặc biệt của ông Nguyễn Phú Trọng với một số lãnh đạo chủ chốt.
***
Nguyễn Phú Trọng xuất hiện đột ngột vào ngày 14/05. Phải nói là đột ngột, vì trước đó ít ngày đã có thông báo trên báo Đảng là Nguyễn Phú Trọng sẽ xuất hiện vào ngày 29/05, trong kỳ họp Quốc hội, để trình trước Quốc hội về Công ước 98 – tức một trong ba công ước về lao động mà Việt Nam chưa ký, liên quan đến Hiệp định Tự do Thương mại Châu Âu – Việt Nam. Nhưng có lẽ trước áp lực của dư luận đòi hỏi phải minh bạch hóa sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng, thành thử ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương cùng Bộ Chính Trị, và ông Trọng có vẻ sốt ruột. Họ đã tính đến chuyện phải cho ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện sớm hơn.
Đặc biệt là trước thời điểm hội nghị Trung ương 10, đang sinh ra rất nhiều đồn đoán là Nguyễn Phú Trọng không thể chủ trì được, và do đó sẽ mất vai trò, cũng như uy quyền chính trị tại hội nghị này. Sự xuất hiện của Nguyễn Phú Trọng vào ngày 14/05 mang lại một số điểm hoài nghi.
Ông Trọng đột ngột trở lại : Điểm gì đáng chú ý ?
Qua nghe giọng nói ông Nguyễn Phú Trọng được đài Truyền hình Việt Nam tường thuật, ghi hình, cũng như ghi âm, tới hơn 6 phút, có thể thấy giọng nói của ông ta, khẩu khí của ông ta gần như không có gì thay đổi so với trước khi ông ta bị bệnh. Điều đó mang lại sự hoài nghi về tin đồn về việc ông ta phải nhập viện, không thể nói được, cũng như đang phải tập nói. Tôi nghĩ rằng, đối với một người bị tai biến mạch máu não, đột quy, dù là nhẹ, mà bị méo miệng, cũng không thể hồi phục giọng nói trong một thời gian ngắn thế này. Mới chỉ trong vòng một tháng mà giọng nói của ông ta rành mạch, dứt khoát, nói chung không có gì thay đổi so với trước đây.
Bên cạnh đó, lại lộ ra những chi tiết là trong suốt hơn 6 phút tường thuật của đài Truyền hình, đã không một lần cho thấy Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế… Điều đó có vẻ lô-gic với suy đoán là Nguyễn Phú Trọng đang phải tập đi, và căn bệnh tai biến mạch máu não đã làm ảnh hưởng một phần nào đó đến cơ thể ông ta.
Cần chú ý một điểm nữa là đài Truyền hình Việt Nam được tham gia ghi hình và thu tiếng đối với Nguyễn Phú Trọng, trong một buổi họp được coi là rất nội bộ. Nguyễn Phú Trọng họp với các lãnh đạo chủ chốt, để phổ biến về tình hình nội bộ. Điều này cho thấy đây không hẳn là một cuộc họp nội bộ.
"Riết róng, gia trưởng, độc đoán hơn"
Còn một điểm nữa là qua cách nói năng, diễn đạt của ông Trọng, tôi thấy có một sự khác biệt về khẩu khí. Đó là vào lần này, ông Trọng ít cười hơn. Hầu như trong hơn 6 phút tường thuật trên đài Truyền hình Việt Nam, ông ta không cười. Trước đây, thỉnh thoảng trong các buổi tường thuật trên đài Truyền hình, ông ta có cười. Lần này, không những không cười mà giọng nói ông ta còn nghiêm khắc hơn. Thậm chí có thể mô tả là giọng nói đó có một cái gì đó riết róng, gia trưởng, độc đoán hơn. Trong khi đó cả Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ, Nguyễn Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội, Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí Thư, Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng Trung ương Đảng, đều cắm cúi ghi chép những lời chỉ bảo của Nguyễn Phú Trọng.
Việc Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo với cung cách và giọng nói như vậy làm cho tôi có cảm giác, cảm giác cá nhân thôi, là dường như tôi đang chứng kiến một ông Trọng khác. Tôi không nghĩ là có người đóng thế cho ông Trọng, mà đây là ông Trọng thật. Nhưng mà sau một cơn bạo bệnh, dường như tôi đang lờ mờ nhìn thấy sự biểu cảm của một Nguyễn Phú Trọng khác hẳn đi. Tôi thấy ông ta như trở nên gia trưởng hơn, độc đoán hơn, khó khăn hơn và có thể là bẳn tính hơn.
"Đốt lò" dữ dội hơn ?
Cần chú ý là trùng với ngày ông ta xuất hiện, ngày 14/05, cơ quan điều tra bộ Công An ra quyết định bắt giữ hai quan chức kinh doanh. Một là Bùi Quang Huy, tổng giám đốc công ty Nhật Cường, được coi là sân sau của một quan chức ở Hà Nội. Và hai là Tề Trí Dũng, tổng giám đốc công ty Tân Thuận, một đơn vị làm kinh tế Đảng của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt liên quan đến cựu phó bí thư thành ủy Tất Thành Cang.
Đặc biệt trong cuộc họp với cán bộ lãnh đạo chủ chốt, mà nội dung được công khai hóa một phần, Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại là việc chống tham nhũng không thể trùng xuống. Ông ta không phải đề cao nữa, mà yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải liên tiếp làm việc, và thậm chí phải "đốt lò" mạnh hơn nữa.
Khoảng một tuần trước khi Nguyễn Phú Trọng tái xuất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có cuộc họp tôi cho là bất thường, công bố kỷ luật hàng loạt tướng lĩnh, đặc biệt cả một cựu phó thủ tướng, Vũ Văn Ninh, bị coi là liên quan đến một dự án thời Đinh La Thăng… Ngay sau đó, thì đã có tin là việc kỷ luật hàng loạt tướng, và Vũ Văn Ninh sẽ được đem ra hội nghị Trung ương 10 này, để chính thức hóa việc cách toàn bộ chức vụ, để mở đường cho việc hình sự hóa (tức truy tố) sau đó.
Điểm nhấn mạnh của buổi xuất hiện trở lại đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng ngày 14/05 là tập trung vào việc "đốt lò". Điều đó có nghĩa là, có nhiều khả năng trước đó ông ta đã dần hồi phục về trí não. Và từ trên giường bệnh, ông ta đã có sự chỉ đạo… tiếp tục đốt lò nóng hơn. Và bây giờ xuất hiện chính thức, ông ta đưa ra thông điệp. Tôi hình dung rằng chiến dịch đốt lò của Nguyễn Phú Trọng đang chuyển sang một giai đoạn mới, nóng hơn, dữ dội hơn, rộng hơn.
Việc Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như thế này còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những giới quan tham, đối thủ chính trị của ông Trọng. Đó là một cái tin rất buồn, rất đáng đau khổ với họ. Bởi vì họ tưởng như có thể reo mừng, vì tưởng như Nguyễn Phú Trọng nằm liệt giường, liệt chiếu. Giờ ông Trọng thình lình xuất hiện, và nguy cơ đang ập đến với họ.
Tôi xin nhắc lại một liên tưởng là, vào mỗi lần Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại, là lại có bắt người. Vào cuối năm 2017, Nguyễn Phú Trọng tự nhiên bị coi là mất tích khoảng nửa tháng, trong lúc nổi lên dư luận là cái lò của ông ta ướt sũng, và chìm nghỉm. Ngày 08/12/2017, ông Trọng bất chợt xuất hiện, và họp Ban phòng chống Tham nhũng Trung ương vào buổi sáng. Và ngay buổi chiều Quốc hội họp. Và ngay trong chiều tối hôm đó, bộ Công An bắt cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng. Lần này, Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại, thì ngay trong ngày hôm đó bắt bớ một loạt, và sang hôm sau bắt tiếp.
Làm chủ hội nghị 10…
Hiện tại chưa có nhiều thông tin. Chỉ có thông tin đồn đoán ngoài lề. Hội nghị lần này có nhiệm vụ rất quan trọng, là phải chốt một danh sách nhân sự Bộ Chính Trị cho Đại hội XIII. Danh sách này có thể là chính thức. Với sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Phú Trọng hôm nay, nhiều khả năng Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì hội nghị Trung ương 10, thậm chí ông ta có thể phát biểu khai mạc, hoặc kết thúc.
Chỉ có điều chưa biết ông ta sẽ xuất hiện theo cách nào mà thôi. Có thể là người ta sẽ thấy ông ta tự nhiên ngồi một chỗ, trong một khoảng thời gian đủ ngắn, và đọc diễn văn, và sau đó bằng cách nào đó, ông ta sẽ biến mất. Hay có khả năng là ông ta sẽ bình tĩnh, tự tin, bước từng bước một, hoặc thậm chí có người dìu đi vào hội nghị Trung ương 10, trước các cặp mắt có thể là cực kỳ tò mò của bao nhiều ủy viên Trung ương ở đó.
Dù gì thì tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang phần nào làm chủ lại tình hình, chấm dứt tình trạng vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm, đã manh nha xuất hiện trong khoảng thời gian ông Nguyễn Phú Trọng bị coi là mất tích.
…nhưng làm sao với cả một "đầm lầy tham nhũng" ?
Chắc chắn là đã có một bộ phận trong giới cách mạng lão thành, phần nào tin vào chủ nghĩa xã hội, tin vào cá nhân ông Trọng, kể cả giới cận thần vẫn thường ca ngợi ông Trọng lên mây xanh, là bậc nhân kiệt, thế thiên hành đạo, hay minh quân…, đã cảm thấy rất được an ủi khi thấy ông ta xuất hiện trở lại. Và điều này không phải chỉ là do việc đốt lò đâu, mà vì quyền lợi của họ nữa.
Bên cạnh đó, cần phải nhìn thấy là bất kỳ sự độc tôn thái quá nào cũng không thể kéo dài quá lâu. Thực ra, ông Trọng đã có sự tập trung quyền lực vào cá nhân khá là nhiều. Có thể nói là gần như là đỉnh điểm so với các thời tổng bí thư, chủ tịch nước ở Việt Nam. Ông ta đang phải đối phó với một núi việc khổng lồ. Trong đó, điều kiện sống chết - để ông ta có thể tiếp tục tồn tại trên ghế tổng bí thư, chủ tịch Nước, và được lưu truyền sử xanh - là chiến dịch đốt lò.
Nhưng phía trước ông ta, có thể nói là cả một "đầm lầy tham nhũng" khổng lồ, mênh mang. Mà thành tích của ông ta, dù đã qua hơn nửa nhiệm kỳ, vẫn còn rất khiêm tốn, rất ít ỏi so với thành tích chống tham nhũng của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Nếu mà Nguyễn Phú Trọng không rút ra phương cách làm việc - đặc biệt là việc dân chủ hóa, khơi dậy sức lan tỏa của người dân, sức phản biện của người dân (ví dụ như không để cho người dân tố cáo tham nhũng bị công an bắt, như một vụ mới xảy ra ở Bắc Ninh) - thì ông ta sẽ không thể nào đi vào sử xanh, không thể nào chống tham nhũng được. Chỉ là chống tham nhũng nửa vời, chỉ là mỵ dân mà thôi.
Ngay trước mắt, sự độc tôn thái quá, và thiếu phương pháp của Nguyễn Phú Trọng, tôi cho là có thể dẫn đến tình trạng loạn đảng. Đó là, một khi ông ta bị suy giảm quyền lực, vì một lý do nào đó, chẳng hạn một lý do dễ dàng như một cơn bạo bệnh lần thứ hai. Lúc đó, sẽ sinh ra tình trạng loạn thần, ly tâm quyền lực, cát cứ.
RFI tiếng Việt
Ghi chú :
(1) Nhà báo Phạm Chí Dũng là chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN), một tổ chức truyền thông thuộc xã hội dân sự, thành lập năm 2014.
********************
RFA, 17/05/2019
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 10 hôm 16/5 đưa ra nhận định rằng kinh tế tư nhân của Việt Nam đang phát triển rất tốt. Đây là một phát biểu đáng chú ý của người đứng đầu Đảng luôn kêu gọi củng cố vai trò của kinh tế nhà nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị Trung ương 10, sáng 16/5/2019. Ảnh chụp màn hình doanhnhanviet.net.vn
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viên Kinh tế Việt Nam cho rằng lời phát biểu của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một bước tiến đối với tình hình kinh tế tư nhân hiện nay và có thể thấy được Việt Nam đang hướng đến cơ chế cố gắng không phân biệt đối xử, môi trường cạnh tranh bình đẳng :
"Cách đặt vấn đề của Tổng Bí thư cho thấy sự tiếp tục thay đổi trong đánh giá vai trò kinh tế tư nhân. Cách đây 5 năm chính Đảng cộng sản đã công nhận kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng, mấy năm vừa rồi kinh tế tư nhân có khởi sắc lên nhưng cơ chế vẫn còn bị phân biệt đối xử, vẫn chưa được bảo đảm các điều kiện phát triển thuận lợi, nên Tổng Bí thư thấy cần tiếp tục giải tỏa hơn nữa, không nên kỳ thị".
Trong buổi Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra vào hai ngày 2-3/5 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận còn nhiều rào cản, vướng mắc về mặt thể chế và pháp luật trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tình hình kinh tế tư nhân trong nước tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Cụ thể theo bà, số liệu thống kê hiện nay cho thấy có khoảng 700.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động ở Việt Nam, chưa tính khối đầu tư nước ngoài cũng là một bộ phận của kinh tế tư nhân.
"Những năm gần đây lại hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân càng ngày càng phát triển rộng lớn và hoạt động trên nhiều mảng. Nếu ban đầu chủ yếu bắt đầu bằng bất động sản thì bây giờ họ đang làm sang nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, các dịch vụ, giáo dục, y tế, kể cả tham gia đầu tư vào những ngành lớn như ô tô, bắt đầu làm cả điện thoại di động, các sản phẩm công nghệ cao. Tôi nghĩ đây là biểu hiện của sự phát triển lớn mạnh của kinh tế tư nhân Việt Nam".
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, chỉ riêng trong năm 2018, có đến 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó gần 128.000 công ty là doanh nghiệp tư nhân.
Ảnh minh họa : Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thoibaonganhang.vn
Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, có đăng tải thông tin cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, nền kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP cả nước.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, chừng 97% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, phát triển không bằng những doanh nghiệp tư nhân lớn. Bà giải thích :
"Số lượng rất đông nhưng năng lực vẫn còn thiếu về nhiều mặt. Một trong những lý do là việc tiếp cận với nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như tài chính, tín dụng, đất đai, các nguồn lực khác hoặc đầu tư mua sắm công thì doanh nghiệp tư nhân rất khó vào mảng kinh tế công đó. Ngay cả thông tin hay nguồn nhân lực chất lượng, đối với khu vực tư nhân vẫn còn khó khăn hơn so với khu vực nhà nước hoặc đầu tư nước ngoài".
Vấn đề chính phủ Hà Nội hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhà nước luôn là vấn đề được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong những năm qua.
Xác nhận thực tế này vẫn còn trong môi trường kinh doanh hiện nay, bà Phạm Chi Lan cho biết :
"Cho đến gần đây thì doanh nghiệp nhà nước vẫn nhân được nhiều sự ưu ái, hỗi trợ của nhà nước. Tất nhiên bây giờ nhà nước khi đầu tư thì chỉ đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước thôi bởi vì nhà nước rút ra khỏi mảng thị trường mà tư nhân làm. Thay vì đó khi nào cần thì nhà nước lại áp dụng cơ chế hợp tác công – tư theo dạng TPP để có những dự án nhà nước và tư nhân đều bỏ vốn cùng nhau làm. Nói chung đầu tư của nhà nước sẽ dành tập trung cho khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực này ở Việt Nam vẫn còn khá lớn, nhất là khu vực tiếp cận nguồn lực. Tuy nhiên vai trò của họ có mặt rất quan trọng và có những ngành lớn cần thiết cho tất cả những ngành trong kinh tế quốc dân Việt Nam, ví dụ như năng lượng vẫn còn trong tay doanh nghiệp nhà nước".
Do đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc tạo ra sự cân bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cần được chính phủ Hà Nội quan tâm và thiết lập rõ ràng hơn.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận xét :
"Tuy những bước cải cách của Việt Nam đang diễn ra khó khăn, đặc biệt là thủ tục trói buộc doanh nghiệp hiện nay, hiệu quả làm việc của bộ máy nhà nước, cơ chế phân bổ nguồn lực còn nhiều chuyện nhưng rõ ràng nỗ lực đang có kết quả tích cực tuy chậm, nhưng tôi cho rằng nó bảo đảm cho một thay đổi không thể đảo ngược được. Đấy là điều rất đáng hy vọng".
Cũng trong Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ phát triển và vươn ra thị trường thế giới.
Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân vừa qua, giới chức Nhà nước Việt Nam cũng nhắc lại mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ có một triệu doanh nghiệp tư nhân và cố gắng nâng tỷ trọng đóng góp lên đến 50-60% GDP.
Việt Nam từ năm 1996 đã đặt ra mục tiêu giảm số doanh nghiệp nhà nước có quá nhiều và làm ăn thua lỗ từ 12.000 doanh nghiệp xuống còn khoảng 100 doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, theo một bài phân tích mới đây của nhà báo David Hutt trên Asia Times, số doanh nghiệp nhà nước vào năm ngoái ở Việt Nam vẫn còn khoảng 500. Các doanh nghiệp nhà nước được cho là ngốn nhiều tiền, ít khi mang lại lãi trong khi lại có cơ chế quản lý yếu kém.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị 10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không quên nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Ông đặt câu hỏi "Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không ?".
RFA tiếng Việt
******************
Ông Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 10, chuẩn bị ‘tiến tới Đại hội 13’
VOA, 16/05/2019
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa chính thức khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 vào ngày 16/5, 2 ngày sau khi ông xuất hiện trở lại sau một tháng bị bệnh.
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 tại Hà Nội vào ngày 16/5/2019. Ảnh : TTXVN.
Theo TTXVN, nội dung thảo luận của hội nghị bao gồm các đề cương báo cáo chính trị, cương lĩnh, thi hành điều lệ Đảng ; tổng kết việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm (2011-2020) và xây dựng chiến lược cho 10 năm tới (2021-2030).
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng Hội nghị Trung ương lần này "có ý nghĩa rất quan trọng" đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến diễn ra vào quý 1 năm 2021.
Đây là lần xuất hiện chính thức trong ngày thứ 3 liên tiếp sau khi ông Trọng vắng mặt suốt một tháng vì lý do sức khỏe "bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cường độ làm việc" trong chuyến công tác đến Kiên Giang vào tháng trước, theo lời phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Sự vắng mặt của ông trong nhiều sự kiện quan trọng vừa qua đã làm rộ lên nhiều suy đoán về tình trạng sức khỏe của ông cũng như khả năng có những thay đổi lớn về "cán cân quyền lực" trong các kỳ đại hội quan trọng của Đảng Cộng sản sắp tới.
VOA tiếng Việt
****************
Việt Nam : Ông Trọng chủ trì hội nghị Trung ương 10
Trọng Thành, RFI, 16/05/2019
Ngày 16/05/2019, Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XII. Điểm khiến công luận quan tâm đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng, trong cương vị người chủ trì hội nghị, sau một tháng vắng mặt vì bệnh.
Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ngày 14/05/2019. Tri Dung/VNA via Reuters
Theo một số nhà quan sát, hội nghị thứ 10 - diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/05 - được ban lãnh đạo Đảng coi là một bước đệm quan trọng, để chuẩn bị về nhân sự cho Đại hội lần tới, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN), một tổ chức truyền thông thuộc xã hội dân sự, cho biết một số nhận định của ông về hội nghị này, với tâm điểm chú ý là sự trở lại của ông Trọng :
"Như vậy, hội nghị trung ương 10 đã khai mạc ngày hôm nay, mà không bị hoãn lại, như thông tin ngoài lề trước đó khoảng một tuần. Chính thức Nguyễn Phú Trọng xuất hiện. Cùng với hiện tượng ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trong hai cuộc trước đó - một cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt, cuộc thứ hai với Bộ Chính Trị - cho thấy việc hoàn thiện khả năng phát ngôn, phát âm đã tương đối khá. Vấn đề là đã không nhận ra bất cứ hình ảnh di chuyển nào của ông ta, bằng cách nào ông Trọng đã vào được hội trường và chỉ đạo ý kiến.
Thứ hai là việc xuất hiện của ông Trọng đã chính thức hóa việc tiếp tục "đốt lò". Trước đó chúng ta biết có một loạt các vụ bắt giữ các quan chức kinh doanh, được coi là sân sau của một loạt quan chức cao cấp về mặt chính trị. Công cuộc "đốt lò" dường như tập trung chú ý vào hai quan chức cao cấp. Một là cựu phó bí thư thường trực thành ủy, thành phố Hồ Chí Minh, Tất Thành Cang, nay còn giữ chức thành ủy viên. Và thứ hai là quan chức Nguyễn Đức Chung, đương kim chủ tịch Hà Nội, ủy viên trung ương Đảng. Theo huấn thị của Nguyễn Phú Trọng, công cuộc "đốt lò" sẽ được đẩy thêm nữa.
Điểm thứ ba là sự xuất hiện chính thức của Nguyễn Phú Trọng, tôi cho rằng đã mở một cung đường thuận lợi cho ứng cử viên thay thế ông ta, là Trần Quốc Vượng (thường trực ban bí thư, được coi là nhân vật số hai của Đảng), mà không phải là (thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc".
Trọng Thành
******************
Do đâu ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay chống tham nhũng ?
Diễm Thi, RFA, 15/05/2019
Mạng Asia Times vừa đăng bài viết của tác giả David Hutt bàn về những lý do thật sự trong công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Tổng bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp của các quan chức cấp cao tại Hà Nội hôm 14/5/2019. AFP
Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại năm 2016, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCS Việt Nam, ông Trọng đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp với nhắc nhở "đánh chuột đừng để vỡ bình".
Điều ông Trọng muốn nói là chống tham những nhưng không gây thiệt hại cho chính đảng cộng sản. Thực tế chiến dịch chống tham nhũng đã xử lý nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức cao cấp trong chính quyền, chẳng hạn như cựu Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm hay cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.
Vụ PetroVietnam trong vai trò đầu tư và mất hơn nửa tỉ đô la vào các dự án tại Venezuela cũng đang được xem xét.
Theo tác giả David Hutt thì có một số lý do mà các nhà quan sát cho rằng đó là ‘lý do’ để ông Trọng mở cuộc chiến chống tham nhũng một cách mạnh mẽ như trong hai năm 2016-2017. Cụ thể trước hết loại bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và sau đó là chiến dịch nhằm loại bỏ những đảng viên bị cho là "tự chuyển hóa" hoặc không còn đủ lý tưởng chính trị.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ trong nước nhận định công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng có thể hiểu là chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn 1 dùng chống tham nhũng để giữ đảng ; Giai đoạn 2 là dùng chống tham nhũng để giữ nước :
"Nói đến công cuộc chống tham nhũng thì phải nói đến khóa 12 này vì Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 là ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và ‘bảo vệ chế độ’, tức việc chống tham nhũng từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 chủ yếu là để bảo vệ đảng. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 là ‘lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm trọng tâm’".
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ và phá vỡ phẩm chất đạo đức, văn hóa truyền thống của người Việt Nam, cho nên cái gốc của vấn đề là lòng dân bất bình thì chính quyền phải vào cuộc chống tham nhũng. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri của nhiều khóa thì người dân phản ứng rất mạnh mẽ về tham nhũng nên khi TBT Nguyễn Phú Trọng phát động công cuộc chống tham nhũng và được xã hội đồng tình, được cả hệ thống chính trị vào cuộc thì đã thu được những kết quả tốt đẹp. Ông nói thêm :
"Trước đây cũng có nghi ngờ về những vấn đề có những vùng cấm hoặc phe phái nội bộ nhưng thực ra càng ngày càng thể hiện đây là quyết tâm của đảng và nhà nước thực hiện theo ý nguyện người dân một cách công tâm và quyết liệt. Tội đến đâu xử lý đến đó chứ không có vùng cấm và không loại trừ một ai. Tất cả đều thượng tôn pháp luật".
Nói tới tham nhũng và chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, nhà báo Mạnh Kim nhận định nguồn gốc tham nhũng ở Việt Nam không phải từ những cá nhân mà là từ thể chế và có hệ thống, và muốn chống thì không thể chỉ tập trung đánh vào một vài cá nhân nào đó. Ông Trọng chỉ lo bắt những ‘con sâu’ trên bề mặt thì không giải quyết được gì. Ông nhận định thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng :
"Thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là chuyện đánh chém phe nhóm hơn là thực tâm cải cách chính trị và cải tổ hệ thống lẫn thể chế. Ông Trọng chỉ lo bảo vệ đảng chứ không phải lo cho vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Những vấn đề người dân quan tâm ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia như cải cách thể chế, sửa đổi những sai lầm trong hệ thống hay luật đất đai…thì ông Trọng đâu có đụng đến".
Vì chính trị hay kinh tế
Nhận xét về chiến dịch chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam, tác giả David Hutt cho rằng có thể chiến dịch này đã chuyển hướng, tức là để cải thiện kinh tế Việt Nam, bớt đi mục tiêu chính trị.
Ông Đinh La Thăng (đứng) và ông Trịnh Xuân Thanh (ngồi) tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 8 tháng 1 năm 2018. AFP
Hiện nay Đảng cộng sản đang phải đối diện với hiện trạng còn quá nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ với cơ chế quản lý yếu kém, trong khi ngân sách nhà nước thâm hụt, nợ công tăng. Ông đưa ra con số hiện còn khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước so với 12.000 doanh nghiệp vào năm 1996 và mục tiêu giảm còn 103 trước năm 2020.
Tác giả David Hutt nhận xét Việt Nam có ba lựa chọn để giải quyết các doanh nghiệp Nhà nước nhưng có lẽ giải pháp thứ ba là phù hợp nhất :
Thứ nhất là tăng cường rà soát và tăng chi cho các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai là thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh và bán tất cả các doanh nghiệp nhà nước và sau đó tập trung vào quản lý kinh tế từ xa.
Thứ ba là thoái vốn từ càng nhiều công ty nhà nước càng tốt và chỉ giữ lại các công ty làm ăn hiệu quả.
Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định việc chống tham nhũng hiện nay vừa có mục tiêu chính trị vừa có mục tiêu kinh tế, nhưng ưu tiên là chính trị.
"Việc chống tham nhũng vừa vì lý do chính trị vừa để giải quyết bài toán ngân sách cho chính phủ. Về nguyên tắc thì khóa trước dùng chống tham nhũng để thu hồi tài sản về cho chính phủ diễn ra ít, vì lúc đó Việt Nam còn có thể vay bên ngoài nhiều tiền. Bây giờ việc vay bên ngoài khó khăn hơn thì phải xiết bên trong, dùng chống tham nhũng để thu tiền về cho ngân sách".
Nhà báo Mạnh Kim nhận xét rằng báo chí Nhà nước xây dựng ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật hoàn toàn trong sạch. Với công cuộc chống tham nhũng, ông Trọng muốn thể hiện mình là nhân vật quyền lực nhất khi ông làm rất mạnh và rất nhiều người đang ủng hộ ông Trọng. Nhưng theo nhà báo này thì sẽ không tới đâu vì ông Trọng không thể làm nổi.
Hôm 14 tháng 5 năm 2019, cuộc họp lãnh đạo chủ chốt tại Hà Nội do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì sau đúng một tháng vắng bóng, ông Trọng nói "Phải làm tiếp một vài vụ cho ra. Các đồng chí không được nghỉ ngơi, không được có cái gì người ta cảm thấy là chùng xuống cả. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt".
Trong ngày ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lần đầu sau một tháng vắng bóng với tin đồn bị bệnh nặng, hai tổng giám đốc tại hai thành phố hàng đầu của Việt Nam bị khởi tố và bắt tạm giam. Đó là ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Nhật Cường Mobile, một công ty từng ăn nên làm ra dưới thời chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Tề Trí Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Đây là công ty bị Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kết luận có những sai phạm theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Diễm Thi
Động thái Bộ Ngoại giao Việt Nam ‘bạch hóa’ về tình trạng sức khỏe của ‘đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng’ vào chiều ngày 25/05/2019 cho thấy điều gì ?
Ông Trọng tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, tại Hà Nội, hồi tháng Bảy, 2018.
Thừa nhận ‘đột quỵ’ ?
"Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc bình thường" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thông báo.
Cách thức ‘đọc bài’ trên hiện ra khi bà Hằng phải trả lời câu hỏi của hãng AFP về việc "một số nguồn tin cho biết Tổng bí thư bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang vừa qua, tình trạng hiện nay và đang được điều trị ở đâu".
Đáng chú ý, bà Hằng đã không hề lên tiếng phủ nhận hay bác bỏ khả năng ‘đột quỵ’ mà phóng viên hãng AFP nêu ra.
‘Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ’ là một trong những đồn đoán nổ ra ngay từ chiều 14/4 tại Sài Gòn và sau đó lan như tên bắn ra cả nước. Còn khi ông Trọng được chuyên cơ đưa từ Kiên Giang - địa bàn xem là ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ mà Trọng đến ‘làm việc’ đúng vào ngày sinh nhật của ông ta - lên Sài Gòn để vào thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy, nghi vấn về đột quỵ đã chuyển thành cụ thể hơn : xuất huyết não. Thậm chí đến ngày 15/04/2049 còn xuất hiện thông tin cho biết ông Trọng bị liệt một cánh tay.
Trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam buộc phải lên tiếng về vấn đề của Trọng, tình hình dư luận đã đi quá xa khỏi tầm kiểm soát của đảng trong việc ‘bảo mật’ tin tức về Nguyễn Phú Trọng. Báo chí quốc tế bắt đầu chú tâm đặc biệt đến vấn đề sức khỏe và sự ‘mất tích’ của Trọng.
Vào gần cuối năm 2017, Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng có thời gian ‘mất tích’ khoảng 10 ngày. Nếu đối chiếu với thời gian hai tháng Mười và Mười Một năm 2017 khi mật độ xuất hiện của Tổng bí thư Trọng trên mặt báo đảng là bình quân từ 2 – 4 ngày/sự kiện và giữa hai sự kiện thường không cách nhau quá 5 ngày, thì việc ông Trọng "vắng mặt" đến gần 10 ngày xứng đáng là một dấu hỏi. Thậm chí là dấu hỏi lớn… Khi đó, đã xuất hiện những đồn đoán về tình trạng huyết áp và tim mạch của Trọng là ‘không tốt’.
Và lần này, giới quan sát chính trị quốc tế đang đặc biệt chú ý vấn đề sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng. Ngày càng xuất hiện nhiều bài viết, bài bình luận nước ngoài đặt dấu hỏi ‘Trọng ra sao rồi ?’. ‘Bị liệt một cánh tay’ cũng là tin tức mà Carl Thayer - giáo sư thuộc Học viện quốc phòng Australia và là một trong những chuyên gia am hiểu về tình hình chính trị Việt Nam - nhắc lại trong một bình luận mới đây.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm quay lại làm việc - Thanh Niên (26/04/2019)
Không thể tránh thoát áp lực dư luận xã hội, quốc tế và cả áp lực đang mạnh dần lên trong nội bộ đảng - một nội bộ hỗn tương không chỉ với thành phần cán bộ cách mạng lão thành lo lắng cho sức khỏe của ‘minh quân’, mà cả những thế lực đối thủ chính trị của Trọng với ngoài mặt là lo lắng cho ‘lãnh tụ kính yêu’ nhưng bên trong hẳn chỉ muốn ông ta ‘nhắm mắt xuôi tay’ càng sớm càng tốt, rốt cuộc Ban Bí thư của nhân vật ‘Phó tổng bí thư đảng’ Trần Quốc Vượng đã phải quyết định cho Nguyễn Phú Trọng ‘tái xuất’ qua kênh ngoại giao, dù thông tin qua kênh này là mù mờ và trí trá hơn rất nhiều cái hiện thực ông Trọng đã phải nằm ‘điều trị tích cực’ suốt từ Kiên Giang về Hà Nội.
Một cách tối thiểu, chính thể độc đảng và luôn độc tôn bảo mật những tin tức nhạy cảm chính trị đã buộc phải thừa nhận tình trạng sức khỏe của ông Trọng là ‘có vấn đề’ mà đã khiến ông ta ‘mất tích’ hơn mười ngày qua.
Nhưng động thái ‘bạch hóa’ trên còn cho thấy gì khác ?
Ai làm trưởng ban quốc tang Lê Đức Anh ?
"Trưởng Ban Lễ tang nhà nước là Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch nước" là một nội dung then chốt theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP. Nguyễn Phú Trọng liệu có hiện ra với tư cách trưởng ban lễ tang cho quốc tang của cố chủ tịch nước Lê Đức Anh ?
Viên tướng từng ra lệnh ‘không được nổ súng’ trong trận bộ đội Việt Nam chống trả lại đợt xâm lược đảo Gạc Ma mà đã khiến toàn bộ binh lính Việt phải chịu một trận thảm sát tức tưởi, đã chính thức chết vào ngày 22/4/2019.
Nhưng thực ra, Lê Đức Anh đã làm dậy lên dư luận về cái chết của ông ta vào tháng 9 năm 2018, trùng thời gian với cái chết của kẻ hậu bối là chủ tịch nước Trần Đại Quang. Dấu hỏi rất lớn là vì sao từ đó đến nay Lê Đức Anh chưa chết mà chỉ mới đây - trùng với thời gian Nguyễn Phú Trọng ‘mất tích’ - mới ‘được quyền chết’ ?
Trong khi đó, có vẻ đã xảy ra một điều gì đó mà người ta có thể cho rằng đó là thuyết âm mưu hoặc không : có dư luận đặt nghi vấn về việc ‘ai đã ra lệnh rút ống thở Lê Đức Anh để buộc Nguyễn Phú Trọng phải xuất hiện ?’.
Trong lúc báo đảng vẫn kiên định thông tin về hoạt động của ‘Người’ gửi thư điện chức mừng giới chóp bu của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên và vài nước khác, chi tiết rất đáng chú ý và mổ xẻ là thậm chí một bức ảnh về Nguyễn Phú Trọng ngồi chủ trì họp hoặc tối thiểu cũng có thể ngồi thẳng lưng trên giường (bệnh) cũng không thể có. Tình trạng trống vắng của cái chi tiết tối thiểu phải có ấy đang gợi ra một tình huống khủng khiếp : ‘Tổng tịch’ không những không ‘sức khỏe ổn định’ mà còn có thể rơi vào trạng thái trầm kha đến mức không thể tỉnh táo và ngồi dậy để có thể chụp một tấm hình cho ra ‘Tổng bí thư, chủ tịch nước đang làm việc’.
Chỉ đến lúc này mới hiện ra khuôn mặt xanh xao của Bộ Ngoại giao khi ‘bạch hóa’ về tình trạng sức khỏe của Trọng. Điều đó cũng có thể mang hàm ý là với lý do đầy thuyết phục là ‘ốm’, ‘tổng tịch’ có thể sẽ không cần phải xuất hiện trong đám quốc tang của ‘nguyên tịch’ Lê Đức Anh, mà vai trò trưởng ban lễ tang có thể giao cho một người khác - khả năng là Trần Quốc Vượng.
Tuy nhiên, thách thức lớn hơn nhiều so với đám tang Lê Đức Anh là một sự kiện khác sẽ xảy ra vào đầu hoặc khoảng trung tuần tháng 5 năm 2019 : Hội nghị trung ương 10, được tổ chức ngay trước kỳ họp quốc hội cùng tháng - rất thường là không thể vắng mặt Nguyễn Phú Trọng.
‘Deadline’ Hội nghị 10
Sự có mặt của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị 10 là đặc biệt cần thiết vì những lý do cũ như tính cần kíp phải duy trì chiến dịch ‘đốt lò’, tiếp tục tăng tốc ‘cơ cấu cán bộ cấp chiến lược’ để chuẩn bị cho Đại hội 13, và những lý do mới hơn là cần có ý kiến chính thức của Trọng về một số dự luật như 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, Bộ Luật Lao động, Luật về Hội… liên quan đến quan điểm của chính thể Việt Nam buộc phải nhượng bộ trước Liên Hiệp Châu Âu (EU) trước khi EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam) được ký kết và phê chuẩn trong nửa cuối năm 2019 ; nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là bàn về nội dung và công tác sắp xếp ‘bầu đoàn thê tử’ cho chuyến đi Mỹ dự kiến sắp tới của Trọng theo lời mời chính thức của Donald Trump.
Nhưng cơn bạo bệnh xảy đến với Nguyễn Phú Trọng - đúng vào lúc ông ta đang ở đỉnh cao quyền lực - xứng đáng là một thách thức khủng khiếp đối với Trọng : có nên hoặc có buộc phải rời bỏ quyền lực để giữ sinh mạng hay là không ?
Nếu Trọng không thể xuất hiện, khi đó không chỉ dân chúng mà cả giới cách mạng lão thành và các quan chức trong nội bộ đảng hoàn toàn có thể nghi ngờ về Trọng không thể đảm bảo sức khỏe để ông ta có thể ‘ngồi’ từ đây cho đến khi Đại hội 13 diễn ra vào năm 2021. Từ đó, sẽ xuất hiện những đòi hỏi cần phải minh bạch hóa tin tức về Trọng, và chính Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương là cơ quan phải làm nhiệm vụ này, để nếu Trọng không còn đủ tỉnh táo để ‘lèo lái con thuyền của đảng và dân tộc’ thì phải bàn đến phương án ‘nước không thể một ngày thiếu vua’.
Hội nghị trung ương 10 là ‘deadline’ quan trọng đầu tiên mà Nguyễn Phú Trọng phải hiện ra và vượt qua, nếu ông ta còn muốn ‘ngồi’ đến cuối Đại hội 12.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/04/2019
Chính quyền Việt Nam gián tiếp thừa nhận Nguyễn Phú Trọng ‘đột quỵ’ ?
Thường Sơn, VNTB, 26/04/2019
Phải mất 11 hôm kể từ ngày 14/4/2019 khi ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng gặp nạn ở ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ tại Kiên Giang, chính thể độc đảng và luôn độc tôn bảo mật những tin tức nhạy cảm chính trị mới buộc phải thừa nhận tình trạng sức khỏe của ông Trọng là ‘có vấn đề’ mà đã khiến ông ta ‘mất tích’ hơn mười ngày qua.
Hồi tưởng : Hai bàn tay của Nguyễn Phú Trọng rất giống với điệu bộ 'bắt ấn trừ tà' tại quốc tang Trần Đại Quang vào tháng 9/ năm 2018
Chiều ngày 25/4/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thông báo : "Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc bình thường".
Cách thức ‘đọc bài’ trên hiện ra khi bà Hằng phải trả lời câu hỏi của hãng AFP về việc "một số nguồn tin cho biết Tổng bí thư bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang vừa qua, tình trạng hiện nay và đang được điều trị ở đâu".
Chi tiết đáng chú ý là bà Hằng đã không hề lên tiếng phủ nhận hay bác bỏ khả năng ‘đột quỵ’ mà phóng viên hãng AFP nêu ra.
‘Đột quỵ’ lại là một trong những từ ngữ hàng đầu mà dư luận đề cập đến tình trạng sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng trong những ngày qua, và là từ khóa thuộc nhóm hàng đầu được người đọc tra cứu trên mạng Internet liên quan đến Trọng.
‘Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ’ là một trong những đồn đoán nổ ra ngay từ chiều 14/4 tại Sài Gòn và sau đó lan như tên bắn ra cả nước. Còn khi ông Trọng được chuyên cơ đưa từ Kiên Giang lên Sài Gòn để vào thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy, nghi vấn về đột quỵ đã chuyển thành cụ thể hơn : xuất huyết não. Thậm chí đến ngày 154/ còn xuất hiện thông tin cho biết ông Trọng bị liệt một cánh tay.
‘Bị liệt một cánh tay’ lại là tin tức mà Carl Thayer - giáo sư thuộc Học viện quốc phòng Australia và là một trong những chuyên gia am hiểu về tình hình chính trị Việt Nam - nhắc lại trong một bình luận mới đây.
Đến lúc này, thông tin từ giới dư luận viên cho rằng Nguyễn Phú Trọng chỉ bị ‘choáng nhẹ’ đã không còn thuyết phục hay ma mị được ai.
Bởi nếu chỉ bị choáng nhẹ, vì sao Bệnh viện đa khoa Kiên Giang không thể xử lý được mà phải đưa lên bệnh viện tuyến trên là Chợ Rẫy ? Và nếu chỉ bị ‘choáng nhẹ’, tại sao khi đưa Trọng về Sài Gòn lại không đưa vào Bệnh viện Thống Nhất là nơi điều trị cho cán bộ lãnh đạo trung cao và được bảo vệ an ninh tốt hơn hẳn ở Chợ Rẫy ?
Chưa hết, nếu chỉ bị ‘choáng nhẹ’, vì sao không đưa Trọng từ Kiên Giang thẳng ra A11 (khoa điều trị tích cực, cũng là nơi mà Lê Đức Anh vừa chết) của Bệnh viện trung ương quân đội 108, mà phải ‘quá cảnh’ ở Chợ Rẫy ?
Cộng hưởng với nội dung phát ngôn và cách thức phát ngôn vừa trí trá vừa lấp liếm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, có thể cho rằng đang tích hợp nhiều dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng bị một cơn đột quỵ hành hạ - cơn đột quỵ không hề nhẹ nhàng, bởi Người phát ngôn bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chỉ dám nói rằng Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ sớm trở lại làm việc’ chứ không thể xác định thời điểm nào hoặc ít ra là khoảng thời gian nào cho sự trở lại đó.
Trong khi đó, một thách thức rất lớn đang chờ đợi ‘Tổng tịch’ : đám tang của ‘Nguyên tịch’ Lê Đức Anh. Theo quy định của chính phủ, ông Trọng với vai trò là tổng bí thư và chủ tịch nước phải lãnh trách nhiệm làm trưởng ban lễ tang và đọc điếu văn. Nhưng làm thế nào để chủ tịch Trọng, trong tình trạng thậm chí báo đảng không lấy nổi một tấm ảnh ông ta ‘đang làm việc’, đang gửi thư điện chúc mừng lãnh đạo Bắc Triều Tiên’ và thậm chí không có cả ảnh ông Trọng ngồi trên giường (bệnh), sẽ đứng dậy được và đi đến được chỗ lễ tang để đọc điếu văn cho nhân vật cựu chủ tịch nước vừa ‘được quyền chết’ ?
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 26/04/2019
*****************
Việt Nam : Ông Trọng sẽ không thể nắm quyền đến hết nhiệm kỳ ?
Thanh Phương, RFI, 26/04/2019
Sau nhiều ngày có những tin đồn trên các mạng xã hội, chính phủ Việt Nam cuối cùng đã phải công khai thông tin về tình trạng sức khỏe của tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo ở phủ chủ tịch, Hà Nội, ngày 09/11/2018 Reuters/Kham/Pool/File Photo
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, 25/04/2019, trả lời câu hỏi của một phóng viên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết là " cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi" đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định là ông Trọng "sẽ sớm trở lại làm việc bình thường".
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao không nói rõ ông Nguyễn Phú Trọng bị vấn đề gì về sức khỏe và từ khi nào. Nhưng rõ ràng là chính phủ Việt Nam buộc phải cung cấp thông tin nói trên để đáp lại những tin đồn đã lan truyền trên mạng xã hội từ nhiều ngày qua.
Theo những tin đồn này, chủ tịch nước của Việt Nam đã bị đột quỵ vào ngày 14/04 khi đến thăm tỉnh Kiên Giang, có tin là ông đã bị liệt nửa người. Các nguồn tin ngoại giao tại Hà Nội (xin được giấu tên do tính chất nhạy cảm của vấn đề) hôm qua khẳng định với hãng tin Reuters là ông Nguyễn Phú Trọng đã được đưa vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo luật pháp hiện hành, tình trạng sức khỏe của các lãnh đạo Việt Nam là thông tin thuộc loại bí mật Nhà nước và cho tới hôm qua, báo chí chính thức của Việt Nam không hề nói gì về bệnh tình của ông Trọng.
Không biết thực hư như thế nào về bệnh tình của chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, nhưng kể từ hôm 14/04, ông không xuất hiện trước công chúng, thậm chí đã không thể viếng thăm chính thức Trung Quốc như lịch trình dự kiến. Hà Nội đã phải cử thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Việt Nam đi Trung Quốc để dự Hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Một vành đai một con đường (do Bắc Kinh tổ chức) lần thứ hai từ ngày 25 đến 27/04.
Trước đó tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã không thể tiếp đoàn Thượng Viện Hoa Kỳ, gồm 9 thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, tại Trụ sở Trung ương Đảng vào chiều ngày 18/04 . Thay mặt ông Trọng tiếp đoàn Thượng Viện Mỹ là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Theo tờ Nikkei Asian Review, tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng càng làm gia tăng những đồn đoán là ông sẽ không thể nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Tờ báo Nhật nhận định rằng, trong số các lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Trọng được xem là nhân vật thân cận với Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, cho nên mọi thay đổi nhân sự do bệnh tình của ông có thể sẽ có tác động đáng kể lên chính sách kinh tế và ngoại giao của Việt Nam.
Nhà phân tích tình hình Việt Nam Jonathan London được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua cho rằng một số nhân vận thân tín của ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ thay thế ông và không có dấu hiệu gì cho thấy các đối thủ trong chính quyền trước đây sẽ giành lại quyền hành.
Dầu sao, theo nhận định của hãng tin Reuters, do ông Trọng nắm cả hai chức vụ lãnh đạo, nếu hai chiếc ghế này bị trống, sẽ có sự thay đổi trong các cân quyền lực ở Việt Nam trước kỳ Đại hội Đảng lần tới vào đầu năm 2021.
Trả lời RFI Tiếng Việt, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng tình trạng sức khỏe của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ gây xáo trộn cho việc kế nhiệm ông, nhưng sẽ không có biến động lớn nào xảy ra trên chính trường Việt Nam.
Thanh Phương
*****************
Chính trường Việt Nam sẽ ra sao nếu ông Nguyễn Phú Trọng bệnh nặng ?
Thụy My, RFI, 25/04/2019
Trên Asia Times, có bài viết mang tựa đề "Có phải nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đang hấp hối ?". Tác giả David Hutt đặt vấn đề, nếu tin này được xác nhận thì có ý nghĩa như thế nào đối với một đất nước chia rẽ về chính trị, vốn thường giữ bí mật, trong khi sự kế thừa quyền lãnh đạo cho năm 2021 vẫn chưa được quyết định ?
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Hà Nội ngày 27/03/2019. Reuters/Kham
Các mạng xã hội tại Việt Nam trong tuần lễ vừa qua sôi sục với thông tin tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã được đưa cấp tốc vào bệnh viện hôm 14/04/2019. Cho đến nay vẫn chưa thấy ông xuất hiện trước công chúng.
Cơn bão tin đồn
Một số bài đăng trên mạng cho biết nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam chỉ bị sốc nhiệt vì cảm nắng, số khác nói rằng ông bị xuất huyết não hay đột quỵ, và hiện đang hấp hối.
Trong cơn bão tin đồn, một số còn cáo buộc những người ủng hộ địch thủ của ông Trọng là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ám hại ông. Đó là do lúc ông Trọng đi công cán Kiên Giang, căn cứ địa của ông Dũng, thì ông mới ngã bệnh.
Người thì khẳng định đây là một cú đảo chính trong triều đình, có lẽ do ông Trần Quốc Vượng cầm đầu. Ông Vượng hiện là thường trực Ban Bí thư, phụ trách những công việc hàng ngày của đảng, là người có quyền lực thứ nhì về mặt đảng, chỉ đứng sau tổng bí thư.
Những thông tin đáng tin cậy hơn cho rằng ông Trọng đã được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy ở Saigon, hoặc đưa sang Nhật chữa bệnh. Nếu việc sang Nhật trị bệnh là sự thật, thì tình trạng của ông có vẻ nghiêm trọng : đa số quan chức cao cấp đều được điều trị trong nước vì tinh thần dân tộc - theo tác giả - trừ trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer, trường đại học New South Wales dẫn các nguồn tin riêng cho biết ông Trọng "đã hồi phục lại phần nào", rất có thể là từ tai biến mạch máu não, nhưng bị liệt một cánh tay. Tình hình sức khỏe của ông có mức độ nghiêm trọng như thế nào có thể quan sát được trong Hội nghị trung ương sắp tới, được ấn định vào tháng Năm.
Asia Times cho biết không thể kiểm chứng một cách độc lập tất cả các thông tin và tin đồn trên đây. Cho dù báo chí nhà nước tránh đề cập đến, việc ông Nguyễn Phú Trọng bị bệnh là một bí mật nay ai cũng biết cả, trong một Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ cả về xã hội lẫn internet. Tờ báo ghi nhận hôm 14/4, cái tên "Nguyễn Phú Trọng" đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tiếng Việt.
Nắm chắc quyền lực
Ông Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam vào năm 2011. Nhưng nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông không hề yên ả, do sự kèn cựa với thủ tướng thời đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng có quyền hành "oai trùm thiên hạ" trong bộ máy chính phủ, lấn át phía đảng.
Tại Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Trọng đã thành công trong việc hình thành một liên minh để ngăn chận tham vọng trở thành tổng bí thư của ông Dũng, và rốt cuộc ông thủ tướng phải về vườn.
Với quyền lực được củng cố, ông Nguyễn Phú Trọng đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng, để loại trừ những nhân vật thuộc phe ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi đảng, cắt đứt mối quan hệ giữa các quan chức đảng với các lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh tham nhũng.
Ông Trọng càng có nhiều quyền hành hơn từ khi kiêm luôn chức chủ tịch nước vào cuối năm 2018, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào tháng Chín. Điều đáng chú ý là báo chí nhà nước giữ im lặng về bệnh tình của ông Quang đến tận lúc ông này qua đời.
Nếu ông Trọng bất ngờ bị mất quyền hành, có thể gây tác động như một trận địa chấn, trong một đất nước có truyền thống bí mật, khép kín.
Danh chính ngôn thuận khi đối ngoại
Trong nhiều thập niên qua, đảng vẫn tôn trọng một thỏa thuận bất thành văn là không ai trong "tứ trụ" có thể cùng lúc nắm hai chức vụ. Một số nhà phân tích nghĩ rằng khi hợp nhất hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng muốn tăng cường quyền lực trong tay, đi theo con đường của Tập Cận Bình, cũng nắm cả hai chức vụ ở Trung Quốc. Một cách giải thích khác, theo tác giả có vẻ thuyết phục hơn, là ông Trọng muốn đóng vai trò tích cực hơn trong đối ngoại.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể là quan hệ giữa hai đảng cộng sản. Nhưng Hoa Kỳ, nay đã trở thành một trong những đồng minh thân thiết của Việt Nam, muốn trao đổi với các thành viên chính phủ thay vì quan chức đảng.
Hồi tháng Hai, khi Hà Nội đóng vai trò nước chủ nhà của cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã mời ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm chính thức Washington trong năm nay. Nếu ông Trọng đi thăm với tư cách tổng bí thư đảng thì sẽ phức tạp đôi chút. Nhưng với tư cách chủ tịch nước, nay ông là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, khiến tiếng nói của đảng có trọng lượng hơn trong đối ngoại.
Tuy nhiên nếu việc ông Trọng kiêm luôn chủ tịch nước được cho là sẽ tạo điều kiện cho quan hệ với bên ngoài, thì ngược lại tình trạng sức khỏe của ông - nếu kéo dài và làm ông suy nhược đi - có thể gây nguy hiểm cho tham vọng độc chiếm quyền lực. Trong trường hợp bệnh tật nên không thể đi nước ngoài, điều đó có nghĩa ông Trọng sẽ phải rời bỏ chức vụ.
Gậy ông đập lưng ông ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện nghiên cứu kinh tế - chính sách (VEPR) của Việt Nam, nhấn mạnh rằng ông Trọng có thể bị "gậy ông đập lưng ông".
Vào đầu năm 2018, dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá các cán bộ cao cấp được Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý. Theo đó họ phải "có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ".
Ông Giang viết trên The Diplomat tuần trước : "Động thái này được coi như một nỗ lực nhằm ngăn chận ảnh hưởng của ông Trần Đại Quang. Nhưng nay sẽ mang ý nghĩa mỉa mai nếu quy định này giờ đây quay ngược lại, đánh vào ông Nguyễn Phú Trọng".
Tuy nhiên tình hình sẽ càng xáo trộn hơn trước câu hỏi, ai sẽ thay ông Trọng lên làm chủ tịch nước. Đặc biệt vào thời điểm đảng bắt đầu bàn bạc về việc ai sẽ nắm quyền lãnh đạo vào năm 2021.
Kế thừa chính trị là một vấn đề rắc rối, có khả năng gây bất ổn tại Việt Nam. Các mạng lưới bảo trợ, quan hệ với các tỉnh và phe nhóm khiến các quan chức cao cấp phải tả xung hữu đột để đưa được những đồng minh của mình vào các ủy ban quan trọng, được bầu vào Bộ Chính trị. Cuộc đối đầu chính trị này thường bắt đầu ít nhất hai năm trước khi diễn ra Đại hội Đảng.
Nhân sự tương lai và việc định hướng chính sách
Đại hội kỳ tới sẽ được tổ chức vào đầu năm 2021, có nghĩa bây giờ là thời điểm để Hội nghị trung ương đảng bàn về nhân sự tương lai. Hầu như chắc chắn là ông Trọng sẽ rời ghế vào năm 2021 – quy định của đảng chỉ cho phép hai nhiệm kỳ.
Nhưng nếu ông Nguyễn Phú Trọng muốn bảo đảm các đồng minh bảo thủ của mình sẽ lên lãnh đạo đảng sau khi ông về hưu, thì tình hình sức khỏe được cho là xấu của ông sẽ làm ý định này khó thể thực hiện. Thấy tình trạng ông Trọng như vậy, các đối thủ của ông trong đảng sẽ nghĩ rằng đây là cơ hội để yêu sách các vị trí họ mong muốn.
Nhiều chính khách cho rằng cần phải tự do hóa nền kinh tế, đặc biệt là giải thể các doanh nghiệp nhà nước chỉ chuyên khai thác tài nguyên. Người khác muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và bớt dần lệ thuộc vào Trung Quốc. Vẫn còn những người muốn có một dạng dân chủ hơn của chế độ cộng sản.
Trên thực tế, cho dù chủ nghĩa của ông Trọng có được định nghĩa theo kiểu nào đi nữa, thì nỗ lực nhằm giữ cho đảng không bị rạn vỡ và quyền lực của ông vẫn yếu dần đi, khi đất nước đang có những thay đổi đáng kể về kinh tế xã hội.
Ông Trọng từng nói rằng nếu mở cửa trong đảng dù chỉ nhẹ nhàng, có thể dẫn đến sự sụp đổ. Đó là lý do khiến ông cố gắng diệt trừ tham nhũng và loại các nhân tố phi đạo đức, không tuân theo ý thức hệ ra khỏi đảng.
Asia Times kết luận, với sự lên ngôi của ông Trọng trong ba năm qua, các phe nhóm đối địch không có bao nhiêu tiếng nói trong đảng. Nhưng nếu sức khỏe ông Trọng yếu đi, các đồng minh của ông đứng ngoài lề trong việc kế tục, thì các phe phái này có thể tấn công để nắm quyền kiểm soát đảng, định hướng lại về chính trị và kinh tế.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi vừa nhận được, thì sức khỏe ông Trọng "đã ổn".
Thụy My
Nguồn : RFI, 25/04/2019