Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/11/2018

Điểm báo Pháp - Mỹ : Bài học của cuộc bầu cử giữa kỳ

RFI tiếng Việt

Mỹ : Bài học của cuộc bầu cử giữa kỳ

"Midterms" giờ sự thật của Donald Trump, Mỹ trừng phạt Iran,Trung Quốc làm quốc tế thất vọng, Pháp truy nã ba chỉ huy mật vụ tình báo Syria phạm tội ác chiến tranh, chính phủ Pháp tăng thuế xăng dầu làm dân la gào phản đối là những chủ đề quốc tế, quốc nội trên báo Pháp hôm nay.

midterms1

Cảnh cử tri Mỹ xếp hàng bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ. Ảnh tại Deerfield Beach, Florida, ngày 06/11/ 2018. Reuters/Joe Skipper

Dân Mỹ đánh giá tổng thống Trump qua bầu cử giữa nhiệm kỳ

Giờ sự thật, dân Mỹ đánh giá tổng thống Trump qua bầu cử giữa nhiệm kỳ mang ý nghĩa một cuộc trưng cầu dân ý, tựa của Le Figaro và nhận định của Les Echos.

Được ăn cả ngã về không, La Croix cho rằng cử tri Mỹ sẽ quyết định có cho chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục chính sách gây tranh cãi trong nước hay không ? Nhật báo thiên tả Libération nhận định tổng thống Trump đối đầu với một cuộc bầu phiếu mà đảng Dân chủ có thể lấy lại thế chủ động. Cũng như các đồng nghiệp, Le Monde lo ngại nước Mỹ của Donald Trump bị chia rẽ nhiều hơn do những tuyên bố cực đoan của ông.

Trong bài xã luận "Một cuộc bầu cử giữa kỳ nhiều bài học", Le Monde suy đoán vào buổi tối ngày 06/11/2018, nước Mỹ chắn chắn sẽ có các yếu tố để trả lời câu hỏi của đa phần cử tri, nhất là của phe Dân chủ : Phải chăng chuyện đắc cử của Donald Trump, cách nay hai năm, là một "sự cố lịch sử". Cử tri Dân chủ quá tin vào chiến thắng của Hillary Clinton nên nhiều người ngồi nhà chờ kết quả ? Hay thật sự Hoa Kỳ đã chuyển hướng và Donald Trump đại diện cho xu hướng dân tộc chủ nghĩa ích kỷ, chỉ lo tư lợi bằng mọi giá. Chưa bao giờ mà một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ lại huy động đông đảo người tham gia và với nhiệt tâm nhiệt tình như lần này.

Châu Âu cũng chờ đợi kết quả để đo lường hố sâu chia rẽ giữa đồng minh hai bờ Đại Tây Dương, vào lúc sắp đến ngày kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc, một sự kiện lịch sử có sự tham gia của Mỹ, lần đầu tiên can thiệp vào tình hình thế giới.

Một cách khách quan, công bằng, Le Monde lưu ý độc giả là tổng thống Barack Obama, trong suốt hai nhiệm kỳ, cũng chẳng xem trọng Châu Âu. Điều đáng trách ở Donald Trump là ông phê phán rất mạnh nhưng lại không phác họa ra được một dự án nào khác thay thế, quên cả lịch sử chung mà hai lục địa cùng chia sẻ mà lễ tưởng niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất trong vài hôm nữa đây, tại Paris, sẽ nhắc nhở ông Trump.

Quyết định của lá phiếu ngày 06/11 cũng giúp cho những ai lo âu vì khắp nơi làn sóng dân tộc chủ nghĩa, hẹp hòi, bất chấp sự thật, chỉ biết có mình, trỗi dậy, có câu trả lời về tình trạng của nền dân chủ Mỹ. Nền dân chủ Mỹ, tuy có suy nhược, nhưng các định chế đối trọng quyền lực, dựa trên nền tảng tôn trọng người khác, vẫn vững chắc, làm gương cho các quốc gia thiếu niềm tin không bị trôi dạt như thuyền không lái.

Bài học cuối cùng là dành cho phe Dân chủ tại Mỹ, một cơ hội để tìm một con đường khác, đối nghịch với con đường của Donald Trump liên quan đến vấn đề san sẻ lợi nhuận vật chất, bảo vệ môi trường mà theo quan điểm của tổng thống đương nhiệm dường như ông có thể xây hàng rào ngăn chận thiên tai, biến đổi khí hậu tràn vào nước Mỹ. Nếu tổng thống Donald Trump bị thua thì đó là dịp để xem xét lại các thách thức và giải pháp cho thế giới. Trong chiều hướng này, theo kết luận của Le Monde, tỷ lệ đi bầu đông đảo là một tín hiệu khích lệ.

Lệnh trừng phạt Iran đợt II

Lệnh trừng phạt Iran, đợt hai đánh vào dầu hỏa và ngân hàng liệu có bóp nghẹt được Iran ?

Theo tuyên bố của tổng thống Hassan Rohani, Iran sẽ lách né một cách "hãnh diện" tựa của Le Figaro. Hôm thứ Hai, chính quyền Mỹ cho phép 8 khách hàng truyền thống của Iran là Ấn Độ, Trung Quốc cùng với sáu đồng minh thân thiết là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hy Lạp tiếp tục mua dầu hỏa của Tehran. Do vậy, theo nhật báo cánh hữu, Iran sẽ gặp khó khăn nhưng tác hại trong trung hạn của đợt cấm vận thứ hai khó mà dự đoán được.

Trái lại, trong mục quan điểm "Iran sẽ ra sao ?", nhật báo kinh tế Les Echos khá bi quan : Châu Âu bất lực.Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh vững chắc. Cho nên tổng thống Hassan Rohani, thuộc phe ôn hoà, rất khó ngồi đến hết nhiệm kỳ.

Trung Quốc tuyên bố mở cửa thị trường

Tại Châu Á, Trung Quốc một đối thủ khác của Donald Trump trả đũa áp lực thương mại của Mỹ bằng tuyên bố "mở cửa thị trường". Hư thực ra sao ?

Theo tường thuật của đặc phái viên của Le Figaro tại Thượng Hải, không có biểu tượng nào bằng tại Hội Chợ Thương Mại Thượng Hải được khai mạc long trọng, với 3.000 công ty nước ngoài tham dự, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tự cho mình là "nhà vô địch bảo vệ tự do mậu dịch đa phương" đối đầu với tổng thống Mỹ Donald Trump "kẻ bảo hộ thị trường". Chủ tịch Trung Quốc còn loan báo một loạt biện pháp giảm thuế quan và hứa sẽ "cố gắng" nhập khẩu thêm hàng ngàn tỷ đô la hàng hóa trong tương lai. Tuy nhiên, Le Figaro cho biết diễn văn của Tập Cận Bình chỉ được giới đầu tư quốc tế đón tiếp một cách dè dặt bởi vì những gì lãnh đạo Trung Quốc cam kết cách nay năm năm chưa thấy đến.

Cùng nhận định, Les Echos cho biết là giới doanh nhân, ngoại giao rất thất vọng vì cứ phải chật vật vì tình trạng nhiêu khê cản trở đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể là cuối tuần qua, Liên Hiệp Châu Âu lại hối thúc Bắc Kinh phải ban hành "các biện pháp cụ thể và có hệ thống" mở cửa thị trường, không chỉ giới hạn ở chuyện giảm thuế quan, với một tuyên bố rõ ràng và một lịch trình áp dụng nhân Hội Chợ Thượng Hải. Thế nhưng, thay vì loan báo chính sách cải cách mới, ông Tập Cận Bình chỉ "hứa và bảo đảm" giảm hàng rào quan thuế và gia tăng tiêu dùng hàng nước ngoài, nhập khẩu 30.000 tỷ đô la hàng hóa "trong 15 năm tới".

Trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu tác hại đến nền kinh tế Trung Quốc, giới đầu tư rất mong chờ có thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh nhưng cuối cùng thất vọng vì không có gì mới. Theo nhận định của chuyên gia chiến lược kinh tế Sue Trinh của Hồng Kông, Tập Cận Bình chỉ "lặp đi lặp lại chính sách kinh tế quy hoạch mà chúng ta thường nghe trong mấy tháng qua".

Paris truy nã các quan chức Syria vì "tội ác chiến tranh".

Lệnh truy nã nhắm vào ba chỉ huy tình báo Syria. Le Monde Libération đồng loạt đưa tin.

Ba nhân vật này là Ali Mammuk, giám đốc An ninh quốc gia Syria, Jamil Hassan, chỉ huy trưởng tình báo Không quân và Abbel Mahmoud, tình báo phi trường quân sự Mezzeh có biệt danh là "quần đảo tra tấn", bị một thẩm phán điều tra Pháp phát lệnh truy nã. Phải nói ngay, theo Le Monde, sự kiện này là một bước chiến thắng của các hiệp hội nhân quyền vì từ 2011 đến nay, khi phong trào dân chủ nổi dậy và bị đàn áp, các nỗ lực vận động quốc tế trừng phạt những kẻ ra lệnh đều bị vô hiệu hóa. Thứ nhất vì Syria không công nhận tòa án hình sự quốc tế CPI, thứ hai là ở Hội Đồng Bảo An, Nga luôn sử dụng quyền phủ quyết bảo vệ chế độ Syria.

Qua thông tin của Le MondeLibération, độc giả được biết thêm là nhờ vào một tài liệu khai tử chính thức của Damascus mà các nhà điều tra tìm ra tông tích hai bố con người Syria quốc tịch Pháp, Mazen Dadbagh 57 tuổi, kỹ sư và con trai là Patrick, 20 tuổi, là sinh viên văn khoa năm thứ hai ở Damas mất tích cách nay 5 năm. Hai nạn nhân bị mật vụ Syria bắt vào năm 2013, cùng chết vì "bệnh tim", ghi trong giấy khai tử. Trong quá trình điều tra, cảnh sát Pháp đã xem xét hơn 50.000 tấm ảnh nạn nhân chết vì tra tấn mà một nhà nhiếp ảnh của mật vụ Syria, biệt danh là Cesar, đào tị mang theo.

Một chi tiết quan trọng là Jamil Hassan, kẻ có tiếng là hung thần, đã từng tuyên bố với báo chí Anh năm 2016, lẽ ra chính phủ Syria phải đàn áp thẳng tay phong trào dân chủ ngay từ trong trứng nước. Nhân vật này và giám đốc an ninh quân đội Syria Ali Mammuk cũng đang bị tòa án Đức truy nã.

Dân Pháp phản đối chính phủ Pháp tăng thuế xăng dầu

Cuối cùng, vào lúc một bộ phận dân chúng đe dọa phong chính tỏa các thành phố vào ngày 17/11 để phản đối phủ Pháp tăng thuế xăng dầu gây khó khăn cho cuộc sống, báo Pháp đua nhau đề nghị giải pháp.

Les Echos quy trách nhiệm cho đảng Xã hội, lúc cầm quyền đã "đẻ" ra thuế chống ô nhiễm còn chính phủ hiện nay thì ra quyết định không đúng lúc và không đo lường được phản ứng tâm lý của dân. La Croix không phê phán ai, nhưng đề nghị các công ty quản lý xa lộ đóng góp bằng cách giảm tiền phí lưu thông. Le Figaro đề ra một loạt biện pháp như giảm thuế cho nhân viên sử dụng xe tiền xăng dầu đắt đỏ hoặc bớt thuế cho công ty phụ cấp cho nhân viên. Nhưng triệt để hơn hết là làm một cuộc "cách mạng bỏ xăng dầu".

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)