Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/11/2018

Điểm báo Pháp - 100 năm Thế chiến I

RFI tiếng Việt

100 năm Thế chiến I : Tổng thống Pháp "tái chinh phục" niềm tin của dân

Cuộc tưởng niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất , được nước Pháp long trọng tổ chức, là chủ đề chính của hầu hết các báo hôm 05/11/2018.

tramnam1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước tượng đài tưởng niệm trận Morhange (tỉnh Moselle), chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến tưởng niệm Thế chiến thứ nhất, 5/11/2018. Reuters/Philippe Wojazer/Pool

"1914-1918. Thế giới tưởng nhớ" là tựa trang nhất của La Croix trên nền hình ảnh một nghĩa trang ngút ngàn bia mộ. "1918-2018 : Tổng thống Macron muốn sống lại với nước Pháp đau thương", tựa của Le Figaro.

Le Monde coi chuyến đi một tuần lễ của Emmanuel Macron tại miền bắc và miền đông nước Pháp đến với các địa phương, nơi diễn ra các trận chiến năm xưa, cũng là một cơ hội để tổng thống lấy lại uy tín, vốn đang xuống thấp chưa từng thấy. Les Echos có bài phân tích "Macron khởi sự chiến dịch tái chinh phục các địa phương".

Cuộc hành trình trở lại với các địa điểm mang tính biểu tượng của cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất bắt đầu tại thánh đường lớn thành phố Strasbourg, sát biên giới với Đức, từ tối hôm qua, Chủ Nhật 04/11, với sự có mặt của tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và sẽ khép lại ngày Chủ Nhật tới 11/11, tại Khải Hoàn Môn, Paris, với các khách mời đến từ gần 100 quốc gia.

Chuyến đi trở về quá khứ, nhưng nóng hổi tính thời sự. Les Echos nhắc lại là, cách nay đúng một năm tại Hartmannswillerkopf, ngọn núi ở Vosges, dãy núi vùng tây bắc, tổng thống Emmanuel Macron đã long trọng hứa là một năm sau, ông sẽ trở lại với "vùng đất chết chóc vì chiến tranh năm xưa, giờ đây lại điêu tàn vì khủng hoảng".

Nhật báo kinh tế Pháp nhấn mạnh là, bên ngoài các lễ tưởng niệm mang ý nghĩa lịch sử, trên thực tế, tổng thống Pháp dự định mang lại cho chuyến đi chưa từng có này "một ý nghĩa chính trị rõ ràng". Ngoài các địa danh nổi tiếng trong Thế chiến thứ nhất, Emmanuel Macron sẽ đến thăm nhiều khu vực bị khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề trong vài chục năm trở lại đây, đặc biệt do hậu quả của nạn "phi công nghiệp hóa", với việc hàng loạt nhà máy đóng cửa, thất nghiệp gia tăng.

Trong thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo đối lập liên tục đưa ra các lời chỉ trích dữ dội nhắm vào nguyên thủ Pháp. Chủ Nhật trước, ông Xavier Bertrand, lãnh đạo vùng Hauts de France, kêu gọi Emmanuel Macron hãy "nói chuyện thực sự" với người dân Pháp, "chứ đừng lên lớp dậy dỗ họ". Nhiều chính trị gia ngay trong hàng ngũ đảng cầm quyền cũng báo động về "sự cắt đứt" giữa các địa phương với các lãnh đạo dân cử.

Tình hình phần nào được cải thiện với việc chính quyền lập ra một bộ lớn, phụ trách các vùng lãnh thổ, trong cuộc cải tổ nội các mới đây. Chính phủ cũng đã có những lời lẽ tỏ ra khiêm nhường hơn. Tuy nhiên, theo Les Echos, con đường chinh phục trái tim của người dân tại các nông thôn và ven đô thị sẽ còn dài. Điều này càng khó khăn hơn, bởi hiện tại người dân có rất nhiều lý do để giận dữ, ví dụ như chuyện giá cả xăng dầu tăng vọt hay việc xe hơi bị hạn chế tốc độ tối đa 80km/h (trước đây là 90km/h, mà nhiều người cảm thấy bị áp đặt võ đoán - người viết).

Về phần mình, xã luận tờ Le Figaro thiên hữu tỏ ra rất bi quan khi tiên liệu là tổng thống Pháp khó mà thuyết phục được dân chúng ở "các vùng ngoại vi", khi chính ông không vượt qua được "các mâu thuẫn" trong quan điểm của chính mình. Le Figaro lên án Emmanuel Macron đã "một mặt ca ngợi những hy sinh tột cùng vì đất nước trước đây, mặt khác lại sỉ nhục những người nhiệt huyết bảo vệ biên giới trong hiện tại", "một mặt kêu gọi những người hưu trí hay tầng lớp trung lưu hãy cố chịu thiệt thòi, nhưng mặt khác lại không đưa họ tham gia vào sứ mệnh lớn của toàn dân tộc".

Giá xăng dầu : Chính phủ "tự bắn vào chân mình"

Thách thức với tổng thống Pháp là rất lớn. Nhật báo thiên tả Libération tập trung chỉ trích một vấn đề cụ thể "Giá xăng dầu. Bất bình dâng cao" (tựa trang nhất), với bài xã luận mang tựa đề "Lừa đảo".

Libération mỉa mai là chính phủ "đã rất giỏi trong nghệ thuật tự bắn vào chân mình. Biến một sáng kiến tốt lành thành một thảm họa xã hội, gây phản đối trên toàn quốc (…) Chính phủ của ông Philippe đã không đo lường được nỗi giận dữ của những người không có lựa chọn nào khác là phải sử dụng xe hơi… và đặc biệt là đã không tôn trọng cam kết đầu tư cho năng lượng tái tạo. Theo tính toán của chúng tôi, chỉ có một phần tư khoản thuế thu được sẽ được dùng để đầu tư cho việc chuyển sang mô hình kinh tế sinh thái…. Nhiều can gián của một số dân biểu trong đảng cầm quyền đã không hề có tác dụng. Chính sách hạn chế tiêu thụ năng lượng hóa thạch đúng là quan trọng, nhưng điều bất công ở đây là buộc những người có thu nhập thấp nhất phải chịu nhiều gánh nặng nhất" (1).

Libération cảnh báo : "Nếu chính phủ không muốn khoản thuế sinh thái trở thành một cái cớ khiến dân chúng phẫn nộ thì phải ngay lập tức điều chỉnh chính sách". Theo Libération, ngày 17/11 tới sẽ có cuộc tuần hành đông đảo của các tài xế trên toàn quốc, phong tỏa đường xá, để phản đối xăng dầu tăng giá, nhưng cho đến nay, chính phủ chưa có ý định nhường bước.

Bầu cử Mỹ giữa kỳ : Trump trước phán quyết của cử tri

Nhìn sang Hoa Kỳ, một ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài vở về chủ đề này. Les Echos chạy tựa trang nhất : "Trump đối diện với phán quyết của cử tri Mỹ". Cho dù đây chỉ là các cuộc bầu cử ở cấp nghị viện Liên bang và địa phương, nhưng uy tín của tổng thống được coi là chủ đề chính. Les Echos dẫn thăm dò dư luận của Viện Pew, theo đó 60% cử tri sẽ bỏ phiếu để ủng hộ hoặc chống lại tổng thống đương nhiệm, cho dù đối tượng bầu trực tiếp của họ là một dân biểu hay thượng nghị sĩ. Đây là một con số kỷ lục.

Có nhiều lý do dẫn đến thực tế này. Một lý do chính là chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục tổ chức nhiều cuộc mít tinh vận động dân chúng, từ khi ra hè đến nay, khiến cuộc bỏ phiếu ngày 6/11 gần như trở thành một cuộc trưng cầu dân ý xung quanh uy tín cá nhân của Donald Trump.

"Kinh tế Mỹ tốt chưa từng có từ 49 năm !"...

Phóng sự của Les Echos thuật lại là gần như tất cả các cuộc mít tinh tranh cử của tổng thống Mỹ đều biến thành một cuộc đả phá cuồng nhiệt chống lại bà Hillary Clinton, nguyên ứng cử viên tổng thống năm 2016, và các nữ chính trị đảng Dân Chủ. Trong các cuộc mít tinh để ủng hộ các ứng cử viên tại địa phương, tổng thống Mỹ liên tục nhắc đi nhắc lại các thông điệp là kinh tế Mỹ tốt chưa từng có từ 49 năm nay, chưa bao giờ lại có được các thỏa thuận thương mại tuyệt vời như thế… đồng thời nhục mạ giới báo chí là "đồ vô lương", các chính trị gia Dân Chủ là "bọn điên rồ".

Càng trước giờ bỏ phiếu, tổng thống Mỹ càng nói nhiều đến vấn đề nhập cư, vốn được coi là thế mạnh lâu nay. Ông Trump tiếp tục hứa hẹn sẽ hoàn tất bức tường ngăn cách nước Mỹ với Mexico, từng được coi là một cam kết tranh cử chính. Nhưng Le Monde cho rằng, đây chỉ là một fake news không biết là lần thứ mấy của tổng thống Trump, vì dự án xây tường biên giới cho đến nay chưa hề tiến triển, do không được Hạ Viện, do chính đảng của tổng thống nắm quyền, phê duyệt.

Về phía đối lập, Le Monde cho biết, để cản đường Trump, dân gốc Mỹ Latinh lần này huy động lực lượng đông đảo. Theo viện Pew, 50% dân gốc Nam Mỹ lo ngại vì cuộc sống của họ đã trở nên tồi tệ hơn từ một năm nay. Phóng sự của Le Monde nói về sự tham gia tích cực của một nghiệp đoàn hùng mạnh của giới nhân viên ngành khách sạn tại Las Vegas, tiểu bang Nevada, nơi có nhiều người gốc Nam Mỹ sinh sống. Nghiệp đoàn 57.000 đoàn viên này đã lập ra một nhóm gần 300 người, đi vận động từng gia đình một chống lại các ứng cử viên được Trump hậu thuẫn.

Twitter xóa 10.000 tài khoản kêu gọi tẩy chay

Mạng xã hội Twitter lần này cũng nỗ lực tham gia hỗ trợ cuộc bầu cử. Twitter đã xóa bỏ tổng cộng 10.000 tài khoản, kêu gọi không tham gia bỏ phiếu, trong đó có nhiều tài khoản mạo danh là của đảng Dân Chủ.

Kịch bản Dân Chủ chiếm Hạ Viện không gây lo ngại

Theo Les Echos, rất nhiều khả năng phe Dân Chủ sẽ chiếm được đa số tại Hạ Viện, còn phía Cộng Hòa sẽ giữ được đa số tại Thượng Viện. Đây là điều "thị trường" theo rất sát. Theo Les Echos, kịch bản đảng Dân Chủ giành được đa số tại Hạ Viện – điều vốn xảy ra nhiều lần trong lịch sử nước Mỹ - không khiến "thị trường" lo ngại, bằng viễn cảnh phe Dân Chủ giành được cả Lưỡng viện, có thể khiến chính trị Mỹ lâm vào bế tắc, khi hành pháp bị lập pháp chống lại.

Điện thoại Trump – Tập : Thị trường lạc quan dè dặt

Các thị trường cũng theo sát quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Triển vọng Washington và Bắc Kinh chấm dứt cuộc chiến thuế, sau cú điện thoại Trump – Tập cuối tuần trước khiến các sàn chứng khoán lạc quan nhưng dè dặt.

Các sàn chứng khoán hưng phấn hôm thứ Sáu tuần trước, ngay sau cú điện thoại bất ngờ, bởi từ nhiều tháng nay, hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc không tiếp xúc trực tiếp. Viễn cảnh một khủng hoảng hết sức tồi tệ tạm thời được gạt qua một bên, khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, đi kèm với lạm phát tăng mạnh và lãi suốt chỉ đạo tăng cao. Tuy nhiên, thị trường ngay lập tức bị dội gáo nước lạnh, khi cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố Washington chưa hề khởi sự chuẩn bị cho một thỏa thuận nhằm giải quyết bất đồng với Bắc Kinh.

Hội chợ Thượng Hải : Bắc Kinh muốn chứng tỏ rất mở cửa

Vẫn Les Echos chú ý đến cuộc Hội chợ toàn cầu tại Thượng Hải, khai mạc hôm nay, được coi là rầm rộ nhất kể từ năm 2010. Đích thân chủ tịch Trung Quốc dự lễ khai mạc. Bắc Kinh muốn nhân Hội chợ này chứng tỏ Trung Quốc đang hết sức nỗ lực mở cửa thị trường, trái ngược hẳn với cáo buộc của nhiều đối tác, nhằm thu hút cảm tình quốc tế, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ tiếp diễn.

Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu rất thận trọng. Liên Âu ra một thông cáo riêng, kêu gọi Trung Quốc hãy có các biện pháp và lịch trình cụ thể, để chứng tỏ thiện chí này. Hai đại sứ Đức và Pháp có chung một bài viết trên báo kinh tế Trung Quốc Caixin, đăng tải tuần trước, kêu gọi Bắc Kinh hãy đối xử với các doanh nghiệp Châu Âu một cách bình đẳng.

Khoảng 70 doanh nghiệp Pháp tham dự Hội chợ này. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết đã bị phía Trung Quốc gây áp lực, nên buộc phải thôi tham dự.

Les Echos có bài phóng sự, đưa độc giả đến với thành phố Đông Quản (Dongguan), một trung tâm kinh tế ở phía nam Trung Quốc, cho thấy các doanh nghiệp đang phải xoay xở như thế nào để đối phó với cuộc chiến tăng thuế do chính quyền Trump chủ trương. Bài phóng sự kết luận là, tác động của cuộc chiến này là rất lớn, nhưng kết quả chắc chắn là sẽ không đưa các nhà máy trở lại đất Hoa Kỳ, như tổng thống Trump liên tục hứa hẹn.

So sánh Châu Âu hiện tại với giai đoạn giữa hai Thế chiến

Mục thảo luận của báo công giáo La Croix hôm nay có cuộc tranh luận thú vị về chủ đề : "Phải chăng giai đoạn mà chúng ta đang sống hiện nay giống với thời kỳ giữa hai cuộc Đại chiến thế giới trước đây ?". So sánh nói trên được tổng thống Pháp đưa ra hồi tuần trước trong cuộc trả lời phỏng vấn La CroixOuest-France.

Quan điểm của sử gia Pascal Blanchard, tác giả cuốn "Những năm 30" là đúng như vậy. Theo ông, cho dù không giống hệt, nhưng giữa hai giai đoạn có nhiều điểm chung. Tiêu biểu là cuộc khủng hoảng kinh tế làm các xã hội bất ổn, và tình trạng "lo sợ về bản sắc", khiến các phong trào dân túy cánh hữu đoàn kết lại. Trước đây, người cộng sản, người Do Thái bị coi là kẻ thù của xã hội, và giờ đây kẻ thù là dân Hồi giáo, dân nhập cư… và điều này không chỉ ở Châu Âu, mà cả Châu Mỹ, Châu Á.

Ngược lại, một chuyên gia về các phong trào cực hữu, ông Jean-Yves Camus, nêu ra hàng loạt lý do để phản bác so sánh này, xét về mặt sử học. Đặc biệt trong đó có thực tế là nhân loại hiện tại không phải chịu hậu quả của một cuộc xung đột khủng khiếp, làm tan nát thế giới, như cuộc Đại chiến thứ nhất mà chúng ta đang kỉ niệm 100 năm kết thúc. Tuy nhiên, theo sử gia Jean-Yves Camus, tổng thống Pháp - với tư cách là một chính trị gia - đã "có lý" khi sử dụng một so sánh rõ ràng như vậy, trong cuộc vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu 2019, nhằm chống lại các thế lực mà ông gọi là "dân túy". Và cho dù cách so sánh này có phần phóng đại, nhưng không phải không tương ứng ít nhiều với một thực tế mà người dân Châu Âu đang chứng kiến hàng ngày. Đó là một số đảng phái, thù địch với nền dân chủ tự do, nắm quyền lãnh đạo tối cao tại một số quốc gia, đang cổ vũ cho sự đối đầu của các nhóm dân chúng, và tình hình này không biết sẽ đi về đâu.

Chẩn bệnh cho Trái đất và tìm phương cứu chữa

Về phần mình, Le Monde giới thiệu một nghiên cứu mới của nhóm 300 hơn nhà khoa học về xã hội và con người trên khắp thế giới (kinh tế học, xã hội học, chính trị học, sử học, triết học, nhân học, luật học, khoa học về truyền thông…) Mục tiêu của nhóm "Le Panel international sur le progrès social (IPSP)" là nhận dạng các nguyên nhân và tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

"Lo hãi đang ngày càng xâm chiếm các xã hội. Định kiến, sợ hãi, hận thù một lần nữa ám ảnh các xã hội chúng ta. Chúng ta sẽ đi về đâu ? Làm thế nào để tránh lặp lại các sai lầm đã dẫn đến các thảm kịch của thế kỷ XX" là câu hỏi đặt ra (2).

Hội đồng đỡ đầu IPSP bao gồm nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel kinh tế, như kinh tế gia Mỹ gốc Ấn Độ Amartya Sen, các kinh tế gia người Mỹ James Heckman, Kenneth Arrow (qua đời năm ngoái), nhà xã hội học người Tây Ban Nha Manuel Castells (giải Holberg, được coi như giải Nobel về khoa học nhân văn), hay nhà triết học Pháp Edgard Morin...

Báo cáo của IPSP mang tựa đề "Suy nghĩ về xã hội thế kỷ 21" (Rethinking Society for the 21st Century) (đăng tải trên mạng ipsp.org), đề xuất xem xét lại toàn bộ "các định chế nền tảng của xã hội dân chủ và tự do đương đại", để có thể đối phó hiệu quả với các thách thức chưa từng có, đặc biệt là các bất công xã hội, môi sinh bị tàn phá.

Le Monde trích báo cáo : "Cần phải đoạn tuyệt một cách kiên quyết với một quan điểm ở phương Tây, theo đó các định chế tự do, dân chủ và tư bản chủ nghĩa đã đạt đến các hình thức hoàn thiện nhất, và trở thành cái đích cho mọi dân tộc (theo quan niệm "Lịch sử đã kết thúc"). Giờ đây, các thành quả xã hội và dân chủ có thể bị cuốn trôi chỉ sau một cuộc bầu cử và bị thay thế bởi các chính sách độc đoán và mang tính hủy diệt trên các bình diện xã hội và môi trường. Lịch sử luôn trong quá trình vận động, chúng ta cần xem xét lại các định chế của chúng ta, nếu chúng ta muốn mô hình của chúng ta tồn tại bền vững".

Nhóm nghiên cứu tìm lối thoát cho khủng hoảng nhấn mạnh : "không có một sự chuyển đổi khẩn cấp hướng đến một mô hình phát triển vừa mở rộng cho tất cả, vừa bền vững, thì nguy cơ đối đầu, sụp đổ và hỗn loạn là hiện hữu". Đóng góp đa dạng của "các liên minh rộng rãi", "phi tập trung", "phối hợp một cách uyển chuyển" đủ mọi hình thái tổ chức của xã hội dân sự là một giải pháp mang tính quyết định. Báo cáo cũng ca ngợi mô hình Bắc Âu, với rất nhiều điểm ưu việt cần được kế thừa.

Trọng Thành

(1) "Pháp : Xăng tăng giá, dân kêu gọi phong tỏa đường xá", điểm báo 31/10/2018 (phần thứ 7 trong bài)

(2) Hãy nhóm lại ngọn lửa của "các nhà Khai Sáng" (phần thứ 5 trong bài)

Quay lại trang chủ
Read 392 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)