Lãnh đạo Pháp, Đức kỉ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc (VOA, 11/11/2018)
Một trăm năm sau khi dứt tiếng súng Thế chiến thứ nhất, hai nhà lãnh đạo của Pháp và Đức nắm tay và tựa đầu vào nhau trong một buổi lễ gây xúc động đánh dấu sự kiện hai bên kí hiệp ước đình chiến.
Tổng thống Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Compiègne, Pháp, ngày 10 tháng 11, 2018
Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel thị sát binh lính thuộc Lữ đoàn Pháp-Đức hỗn hợp trước khi khánh thành một tấm lắc tôn vinh sự hòa giải và tình hữu nghị mới giữa hai nước từng là kẻ thù trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Hơn 3 triệu binh sĩ Pháp và Đức nằm trong số khoảng 10 triệu binh sĩ tử vong trong cuộc Đại chiến năm 1914-1918. Phần lớn chiến sự ác liệt nhất diễn ra trong các chiến hào ở miền bắc của Pháp và Bỉ.
Một phái đoàn của Đức đã kí hiệp ước đình chiến trước bình minh vào ngày 11 tháng 11 năm 1918, trong một đoàn tàu riêng tư của tư lệnh lực lượng Pháp, Ferdinand Foch, đậu trên đường ray băng qua Rừng Compiegne. Vài giờ sau đó, lúc 11 giờ sáng, chiến tranh kết thúc.
"Châu Âu đã hưởng thái bình suốt 73 năm qua. Đó là bởi vì chúng ta muốn nó được như vậy, bởi vì Đức và Pháp muốn hòa bình", ông Macron phát biểu trước một vài thanh thiếu niên, với bà Merkel đứng bên cạnh, nhắc đến hòa bình kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945.
"Và vì vậy thông điệp, nếu chúng ta muốn sống xứng đáng với sự hi sinh của những người lính nói rằng ‘Không bao giờ nữa !’, là không bao giờ khuất phục trước những bản năng yếu hèn nhất của chúng ta, cũng như trước những nỗ lực chia rẽ chúng ta".
Bà Merkel nói bà cảm động vì buổi lễ và mô tả lời mời của ông Macron là một "cử chỉ rất có tính biểu tượng".
Trong một biểu hiện đoàn kết mạnh mẽ, ông Macron và bà Merkel ngồi bên trong toa xe lửa được dựng lại bằng gỗ tếch mà trong đó hòa ước được kí và xem một cuốn sổ tưởng niệm. Sau khi hai người kí sổ tưởng niệm, họ nắm tay nhau lần thứ hai.
Lần cuối cùng các đoàn đại biểu Pháp và Đức ngồi ở nơi này là khi Adolf Hitler của Đức Quốc xã buộc nhà chức trách Pháp đầu hàng sau khi xâm lược nước này vào năm 1940.
Kể từ Thế chiến thứ hai, Pháp và Đức đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn ở Châu Âu và Liên minh Châu Âu đã trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới.
******************
Trump bị chỉ trích vì hủy lễ tưởng niệm tại nghĩa trang Mỹ ở Pháp do mưa (VOA, 11/11/2018)
Tổng thống Donald Trump không thể tham dự một buổi lễ tưởng niệm ở Pháp dành cho binh sĩ và thủy quân lục chiến Mỹ tử trận trong Thế chiến thứ nhất trong ngày thứ Bảy vì mưa khiến Nhà Trắng không thể sắp xếp được việc đi lại, Nhà Trắng nói.
Nghĩa trang Mỹ Aisne-Marne trong Rừng Belleau cách Paris 85 km về phía đông, Pháp, ngày 10 tháng 11, 2018
Việc hủy bỏ vào phút chót đã khơi ra chỉ trích rộng khắp trên mạng xã hội và từ một số quan chức ở Anh và Mỹ, nói rằng ông Trump "làm nhục" các quân nhân Mỹ.
Theo lịch trình tổng thống lẽ ra sẽ đến dự một buổi lễ tại Nghĩa trang Mỹ Aisne-Marne ở Belleau, cách Paris 85 km về phía đông, cùng phu nhân Melania. Nhưng mưa dầm dề và trần mây thấp khiến máy bay trực thăng của ông không thể bay tới địa điểm này.
"(Sự tham dự của họ) đã bị hủy bỏ vì những khó khăn trong việc lên kế hoạch và khó khăn hậu cần do thời tiết", Nhà Trắng nói trong một thông cáo. Họ nói thêm rằng một phái đoàn của Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, một tướng về hưu, đã đi thay.
Quyết định này khơi ra một loạt những chỉ trích trên Twitter. Nicholas Soames, một thành viên trong Nghị viện Anh và là cháu trai của cựu Thủ tướng Winston Churchill, nói ông Trump đang làm nhục các quân nhân Mỹ.
"Họ hi sinh khi đối diện kẻ thù và @realDonaldTrump thảm hại thậm chí không thể bất chấp thời tiết mà tới để tỏ lòng tôn kính những người đã ngã xuống", ông Soames viết trên Twitter.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết quyết định được đưa ra do thời tiết và dẫn ra những lo ngại về an ninh trong việc vội vàng sắp xếp một đoàn xe hộ tống. Những lo ngại tương tự từng ngăn ông Trump đến khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên một năm trước khi sương mù ngăn máy bay trực thăng của ông hạ cánh.
Ben Rhodes, người từng là phó cố vấn an ninh quốc gia đặc trách truyền thông chiến lược dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói lí do thời tiết bất lợi là không thuyết phục.
"Tôi đã giúp lên kế hoạch cho tất cả các chuyến đi của Tổng thống Obama trong 8 năm", ông viết trên Twitter. "Luôn tính tới chuyện trời mưa. Luôn luôn".
*********************
Thế Chiến I : Paris ghi nhận công lao người lính Châu Á (RFI, 10/11/2018)
Ngày 09/11/2018, lần đầu tiên công lao của khoảng 400.000 người Châu Á sát cánh cùng quân đội Pháp trong Thế Chiến thứ nhất đã được tưởng niệm dưới chân Khải Hoàn Môn (Paris), gần ngọn lửa người lính vô danh.
Ngọn lửa tưởng niệm Người lính vô danh dưới chân Khải Hoàn Môn, ảnh chụp ngày 07/11/2018. Reuters/Charles Platiau
Từ lâu không được chú ý so với đóng góp của người Châu Phi, công lao, đóng góp của những người lính Châu Á đã được ghi công tại lễ tưởng niệm chiều tối 09/11/2018, theo sáng kiến của Hội đồng Cấp cao người Châu Á tại Pháp (Haut Conseil des Asiatiques de France, HCAF) với sự có mặt của phát ngôn viên chính phủ Benjamin Griveaux và một số nhà ngoại giao.
Lính tình nguyện Trung Quốc, An Nam, Ấn Độ được điều động khắp nước Pháp để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân công tại các nhà máy, bốc dỡ tầu hàng, đào chiến hào, sửa chữa đường, rà phá mìn trên chiến trường, thu xác lính tử trận.
Theo AFP, có khoảng 140.000 người Trung Quốc, 100.000 người Đông Dương (Cam Bốt, Lào, Việt Nam) và khoảng 140.000 người Ấn Độ (trong đó có 90.000 lính chiến đấu ngoài mặt trận) được điều ra chiến trường phía Tây nước Pháp. Những con người này bị quản lý với bàn tay sắt trong giai đoạn Thế Chiến thứ nhất.
Pháp là nước đầu tiên hướng đến Trung Quốc vì, giống như Anh, Pháp có nhiều khu nhượng địa tại quốc gia Châu Á này. Sau một thời gian đàm phán căng thẳng, Pháp mở một chi nhánh tuyển quân đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1916, trong đó có tỉnh Sơn Đông (bờ biển phía đông) và một số tỉnh lân cận Hà Bắc, Giang Tô. Một thành viên trong phái đoàn đàm phán nhận xét rằng "Rụt rè, tráng kiện, dai sức và dễ bảo, công nhân phương Bắc sẽ thích nghi được với khí hậu của chúng ta và những công việc dù nặng nhọc".
Theo bà Ma Li, nhà sử học người Pháp gốc Hoa, khoảng 37.000 người Trung Quốc được Pháp tuyển dụng, trong đó có 10.000 người được điều đến miền Bắc nước Pháp. Phía Anh tuyển từ 93.000 đến 95.000 người, cũng đóng quân ở miền Bắc. Phần lớn trong số họ bị mù chữ, là người nghèo, nông dân không đất, tình nguyện đi lính "vì được trả lương".
Điều kiện sống khắc khổ
Vẫn theo sử gia Ma Li, ngay tại Pháp, nghiệp đoàn CGT đã đấu tranh cho lao động Châu Á có mức lương tương xứng với người lao động Pháp và trong hợp đồng phải nêu rằng "lính thợ Trung Quốc không được đưa ra tiền tuyến". Tuy nhiên, ở chiến trường miền Bắc, họ đóng quân gần một mặt trận, nằm trong khu vực oanh kích và "họ rà phá mìn mà không có chút kinh nghiệm nào". Điều này vi phạm rõ ràng hợp đồng lao động. Thêm vào đó là điều kiện sống và thời tiết khắc khổ : giá lạnh, thiếu ăn, bệnh dịch, chậm lương… vì vậy đã xảy ra nhiều cuộc nổi dậy song bị đàn áp thẳng tay.
Quan hệ giữa lính Châu Á và người dân Pháp cũng căng thẳng, đặc biệt kể từ năm 1917, bộ tham mưu sử dụng người Trung Quốc và Đông Dương để ngăn chặn nhiều cuộc biểu tình.
Năm 1922, ít nhất 2.000 người Trung Quốc chọn ở lại Pháp, trong đó khoảng một nửa dần phân tán khắp Châu Âu trước năm 1925. Vậy bao nhiêu người Trung Quốc đã thiệt mạng trong Thế Chiến thứ nhất ? "Không ai có thể trả lời được câu hỏi này", theo nhận định năm 2014 của ông Dominique Guyot, cựu phụ trách một Ủy ban Lịch sử theo khởi xướng của bộ Lao Động Pháp. Ông cho rằng "còn phải nghiên cứu về giai đoạn nhập cư này, thời kỳ mà người lao động phải sống trong điều kiện không chấp nhận được và phi nhân tính".
Thu Hằng