Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/12/2018

Brexit : Quốc hội và Thủ tướng Anh không đồng thuận

BBC tiếng Việt

Quốc hội Anh nổi giận vì bị Thủ tướng May 'lừa dối' (BBC, 05/12/2018)

Thủ tướng Anh Theresa May bị cáo buộc là đã "lừa dối Quốc hội, tuy là không chủ tâm" sau khi toàn bộ nội dung tư vấn pháp lý đối với chính phủ của bà về thỏa thuận Brexit được công bố.

anh1

Thủ tướng Anh, bà Theresa May - Bản quyền hình ảnh HOC

Nội dung trên được công bố lúc 11 :30 trưa ngày 5/12.

Đảng SNP nói bà đã "che giấu các sự kiện" sau khi lời tư vấn với nội dung cảnh báo về thỏa thuận thiết lập chốt chặn 'backstop' với EU được đưa ra.

Các thành viên chính phủ hôm thứ Ba bị cho là đã coi khinh Quốc hội khi chỉ cung cấp bình luận pháp lý khái quát về thỏa thuận.

Tuy nhiên, bà May nói hai tài liệu trên có nội dung phù hợp với nhau và quan điểm pháp lý trong đề xuất thiết lập hệ thống hải quan 'tạm thời' với EU được nêu ra trong đó là rất rõ ràng.

Tuy Anh không có quyền đơn phương rút khỏi 'backstop' - là biện pháp nhằm tránh việc phải thiết lập trở lại các chốt kiểm tra thực sự trên đường biên giới với Ireland - nhưng bà thủ tướng nói rằng cả Anh lẫn EU lúc ban đầu đều không muốn có 'backstop' - các chốt chặn thực tế.

anh2

Quốc hội Anh nhóm họp - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đảng Democratic Unionists nói rằng họ không thể chấp nhận việc Bắc Ireland phải chịu áp dụng các quy định khác so với phần còn lại của Anh quốc, mà trên thực tế sẽ biến khu vực này trở thành 'nước thứ ba' trong khối Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Chính phủ nói rằng nội dung phân tích của Tổng chưởng lý Geoffrey Cox đối với thỏa thuận Brexit là đủ, và việc tiết lộ toàn bộ nội dung đó sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia.

Đảng Lao động và các đảng đối lập khác nói rằng các thành viên chính phủ đã "cố ý" khước từ việc tuân theo kết quả biểu quyết có tính ràng buộc mà Hạ viện đưa ra hồi tháng trước, theo đó đòi nội dung trên phải được tiết lộ đầy đủ, và việc biểu quyết của các dân biểu hôm thứ Ba, 4/12, cũng đưa ra yêu cầu đó.

Cuộc chiến quá khó khăn

Trong hôm thứ Tư 5/12, các thành viên chính phủ tiếp tục cuộc chiến nhằm giành sự ủng hộ của giới dân biểu đối với thỏa thuận Brexit của bà Theresa May, một ngày sau khi chính phủ chịu liên tiếp ba thất bại trong các đợt biểu quyết then chốt.

An ninh là nội dung trọng tâm trong ngày thứ hai của năm ngày tranh luận tại Hạ viện Anh.

Điểm mấu chốt vào lúc này là các dân biểu đã hậu thuẫn cho yêu cầu cần làm rõ điều gì sẽ xảy ra nếu như thỏa thuận của bà May bị bác bỏ vào tuần tới.

Các thành viên chính phủ đồng ý công bố toàn bộ nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận sau khi các dân biểu hôm thứ Ba bỏ phiếu thuận rằng chính phủ đã coi thường Quốc hội khi phớt lờ việc Hạ viện đã biểu quyết đòi phải công bố nội dung đó.

anh3

Thủ tướng Theresa May đang phải chống đỡ vất vả trước sự phản đối của các đảng phái khác trong Quốc hội và cả từ một số dân biểu thuộc Đảng Bảo thủ của chính bà

Thỏa thuận mà bà thủ tướng đưa ra đã được các lãnh đạo EU chấp thuận, nhưng cần phải được Quốc hội Anh thông qua mới có hiệu lực.

Các dân biểu sẽ quyết định việc thông qua hay bác bỏ vào thứ Ba tới, 11/12.

Anh sẽ rời Liên hiệp Châu Âu vào ngày 29/3/2019. Các thành viên chính phủ nói nếu các dân biểu bác bỏ thỏa thuận này thì cũng có nghĩa là họ đang đẩy mạnh khả năng hoặc là Anh rời khỏi EU mà không dạt được thỏa thuận gì, hoặc Anh sẽ không rời EU nữa.

Các thành viên chính phủ sẽ nỗ lực giành sự ủng hộ của các dân biểu trong hôm thứ Tư, là ngày sẽ có tám giờ đồng hồ tranh luận về các vấn đề an ninh và nhập cư nêu trong thỏa thuận rút khỏi EU.

Bà May được trông đợi là sẽ tiếp tục thuyết phục các nhóm nhỏ dân biểu qua các cuộc họp riêng.

Bà sẽ đương đầu với lãnh đạo đảng Lao động, ông Jeremy Corbyn, trong phần chất vấn thủ tướng sẽ diễn ra vào giữa ngày, trước khi cuộc tranh luận về Brexit diễn ra.

anh4

Tổng chưởng lý Geoffrey Cox nói toàn bộ nội dung tư vấn pháp lý mà ông nói với chính phủ cần phải được giữ bí mật

Lời cảnh báo bị phớt lờ ?

Thành viên nội các, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, người chủ trương theo đuổi việc Anh ra khỏi EU, cảnh báo các dân biểu rằng nếu họ không bỏ phiếu ủng hộ thì có nguy cơ "sẽ không có Brexit".

Tuy nhiên, Mark Harper, cựu lãnh đạo nắm quyền kiểm soát kỷ luật đối với các dân biểu thuộc đảng Bảo thủ trong Hạ viện và là người muốn Anh ở lại EU, nói rằng ông thấy bà thủ tướng sẽ không hội đủ số phiếu ủng hộ.

Ông Harper nói với báo Daily Telegraph rằng ông sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận của bà May, và dự đoán thỏa thuận này sẽ bị khoảng 80 dân biểu trong đảng của ông bác bỏ.

Ông thúc giục bà thủ tướng hãy tái đàm phán thỏa thuận và nói kế hoạch rời khỏi EU như hiện nay sẽ khiến nước Anh thiệt thòi.

Vì sao các thất bại mới đây có ý nghĩa quan trọng ?

Trước tiên, chính phủ đã thua trong việc muốn nội dung tư vấn pháp lý được xem xét riêng biệt bởi Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện.

Trong lần biểu quyết thứ nhì, các thành viên chính phủ bị kết luận là đã coi khinh quốc hội và bị buộc phải chấp nhận rằng họ lẽ ra phải công bố đầy đủ nội dung tư vấn đó, trong lúc trước đó chính phủ nói rằng việc công bố như vậy là vi phạm quy ước làm việc và không phục vụ lợi ích quốc gia.

Quan trọng nhất là lần thất bại thứ ba, có nội dung quanh các thay đổi về thủ tục cần tiến hành trong Quốc hội nếu xảy ra trường hợp Hạ viện bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận của bà May.

Thay vì được giới hạn trong phạm vi "ghi biên bản" về những gì chính phủ trình bày trước Hạ viện, thì các dân biểu cũng có thể gây thêm ảnh hưởng với việc biểu quyết về những gì họ muốn chính phủ sẽ làm tiếp.

anh5

Anh Quốc vẫn chia rẽ bởi hai phái ủng hộ và chống lại Brexit

Điều này có thể sẽ dẫn tới việc Quốc hội tước quyền kiểm soát tiến trình Brexit từ tay chính phủ, nếu như các dân biểu thúc đẩy cho "Phương án B" - điều mà hiện nay đang được cho là sẽ xảy ra - thay cho thỏa thuận của bà May, và tìm cách chặn cơ hội Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

*******************

'Anh có quyền đơn phương hủy quyết định rời EU' (BBC, 04/12/2018)

Anh có thể đơn phương hủy bỏ quyết định rút khỏi EU, theo một cố vấn pháp lý hàng đầu Châu Âu.

anh6

Tòa án công lý Châu Âu

Quan điểm này được đưa ra từ một cố vấn pháp lý của Tòa án Công lý Châu Âu ECJ (European Court of Justice), không lâu trước ngày Hạ viện Anh bỏ phiếu về Brexit, dự kiến vào 11 tháng 12.

Một nhóm các chính trị gia Scotland cũng đã yêu cầu tòa án này xem xét liệu Anh quốc có thể hoãn Brexit mà không cần sự đồng ý của các nước thành viên khác hay không.

Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào một ngày nào đó tới đây.

Lời khuyên được cố vấn pháp lý Manuel Campos Sanchez-Bordona đưa ra sau khi Hạ viện Anh bắt đầu quá trình năm ngày tranh luận về thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Anh Theresa May, trước khi có cuộc bỏ phiếu vào thứ Ba tới (11/12).

Trong một tuyên bố bằng văn bản, ECJ cho biết quan điểm của ông Campos Sanchez-Bordona là nếu như một quốc gia quyết định rời khỏi EU, quốc gia đó cũng có quyền thay đổi quyết định đó trong tiến trình hai năm đàm phán theo Điều khoản 50 của hiệp ước EU.

Quốc gia đó có thể làm như vậy mà không cần đến sự đồng ý của 27 quốc gia thành viên khác.

anh7

Tòa Công lý Châu Âu lắng nghe nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện lời khuyên của các nhóm cố vấn

Các chính trị gia và các nhà vận động phản đối Brexit hy vọng Điều 50 sẽ mang đến cho các dân biểu Hạ viện Anh một sự lựa chọn bổ sung trong việc cân nhắc liệu có nên phê chuẩn thỏa thuận Brexit mới đây của bà May hay không, bởi vì nó có thể làm sống lại viễn cảnh ngừng Brexit - có khả năng là thông qua một cuộc trưng cầu dân ý khác.

Theo tuyên bố của ECJ, các cố vấn pháp lý đề xuất rằng : "Điều 50 cho phép đơn phương hủy bỏ việc thông báo ý định rút khỏi EU".

"Khả năng đó tiếp tục tồn tại cho đến khi thỏa thuận rút khỏi EU được chính thức ký kết", tuyên bố này cho biết thêm.

Hôm 25/11, các lãnh đạo EU đã thông qua thỏa thuận về việc Anh quốc rút khỏi Liên minh EU.

Kết quả có được sau hơn 18 tháng đàm phán, và Anh quốc sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.

Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu vào 11/12 nhưng chưa chắc đã thông qua vì có những phản đối trong các dân biểu thuộc nhiều đảng phái khác nhau.

Quay lại trang chủ
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)