Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/12/2018

Điểm báo Pháp - Phong trào Áo Vàng

RFI tiếng Việt

Pháp : Phong trào Áo Vàng đẩy chính phủ vào thế tự mâu thuẫn

Cuộc khủng hoảng "Áo Vàng" tiếp diễn tại Pháp là chủ đề lớn của hầu hết các báo. "Macron hủy nhiều loại thuế và kêu gọi bình tĩnh" là tựa trang nhất Le Figaro. "Áo Vàng : Chính quyền bị những nỗi giận dữ chồng chất đe dọa" - tít chính của Le Monde. Libération nói đến những yêu sách kinh tế của người dân đang dồn chính quyền vào chân tường. Le Monde có bài xã luận : "Phản ứng lệch pha và những mâu thuẫn của chính quyền", nhằm lý giải nguyên do dẫn đến cuộc khủng hoảng chưa tìm thấy lối ra.

aovang1

Cuộc họp về "Chiến lược kinh tế Xanh" tại phủ tổng thống, Paris, ngày 27/11/2018. Trong ảnh, tổng thống Emmanuel Macron (G), thủ tướng Edouard Philippe (T) và bộ trưởng môi trường François de Rugy.Ian Langsdon/Pool via Reuters

Cách đây ba tuần, không có ai, ngay cả những người "Áo Vàng" (Gilets Jaunes), tưởng tượng được "quy mô, cường độ và tính chất bạo lực" của phong trào phản kháng đang làm chính phủ chao đảo. Không ai tưởng tượng được là "ngọn lửa nhỏ" của cuộc phản đối giá xăng dầu đã làm bùng cả một cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị lớn, có thể so sánh với cuộc nổi dậy tháng Năm 1968 hay cuộc tổng bãi công mùa thu 1995.

Bài xã luận Le Monde nhấn mạnh đến những điểm tương đồng của cuộc khủng hoảng này với những lần trước. Đó là chính phủ luôn nhận thức ra vấn đề quá trễ. Ở mỗi giai đoạn khủng hoảng, chính phủ đều đánh giá thấp nguy cơ.

Sau đợt biểu tình thứ Bảy đầu tiên, thủ tướng Philippe liên tục nhắc lại là hoàn toàn không cần điều chỉnh gì về chính sách, và từ chối đề nghị hỗ trợ của CFDT, nghiệp đoàn hàng đầu nước Pháp. Sau ngày thứ Bảy lần thứ hai, tổng thống Macron đã buộc phải chấp nhận mở ra cuộc thương thuyết với những người Áo Vàng về các yêu sách của họ, nhưng phản ứng của tổng thống chỉ "thổi bùng lên nỗi giận dữ" của những người Áo Vàng, bởi họ cho rằng chính phủ coi những ám ảnh của người dân về cuộc sinh kế hàng ngày là "chuyện thứ yếu".

Sau lần biểu tình ngày thứ Bảy lần thứ ba, và bạo động dữ dội tại Paris và nhiều thành phố, thì chính quyền đã có "một cử chỉ đáng kể", đó là đình chỉ tăng giá xăng dầu – đặc biệt là giá diesel - trong 6 tháng, được coi là nguồn gốc của khủng hoảng, cùng một số biện pháp khác. Thế nhưng câu trả lời của chính phủ, có độ trễ đến ba tuần, bị đông đảo những người tự coi là phát ngôn cho phong trào, cùng các đảng phái đối lập, coi là "quá ít". Việc đình chỉ tăng giá xăng dầu, khiến ngân sách thâm hụt khoảng 2 tỉ euro, bị những người Áo Vàng coi là "của bố thí".

Bên cạnh phản ứng luôn luôn chậm trễ, các đề xuất được đưa ra đặt chính phủ vào thế tự mâu thuẫn với chính mình. Cụ thể là việc rời bỏ "thuế sinh thái" hủy hoại chính uy tín của tổng thống Macron, người vốn coi việc áp dụng không khoan nhượng các cam kết tranh cử là "chiến lược chính trị" chủ đạo.

Le Monde chỉ ra một mâu thuẫn khác về phương pháp. Đó là đối mặt với một phong trào mà sự phẫn nộ bùng lên mạnh hơn từng ngày, cùng với các đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, tổng thống Macron đề xuất tiến hành các thảo luận phức tạp với sự tham gia của nhiều bên, một công việc đòi hỏi nhiều tuần lễ.

Tổng thống Pháp phải đối mặt với tình thế lưỡng nan : Im lặng thì sẽ bị cho là không còn làm chủ được tình hình, cất tiếng nói lại có thể khiến ông bị người dân càng thêm ghét bỏ. Le Monde hoài nghi là, với tất cả mâu thuẫn hiện nay, khó mà biết được là làm thế nào mà tổng thống và chính phủ có thể thoát hiểm.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Về phần mình, Le Figaro chỉ ra tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa tổng thống và thủ tướng, bắt đầu bộc lộ trong bối cảnh chính phủ buộc phải có những phản ứng nhanh chóng.

Chiều 5/12, thủ tướng Philippe có mặt tại Quốc hội để trình bày đề xuất để ngỏ hai giải pháp, một trong hai giải pháp là thiết lập trở lại sắc thuế carbonne bị phản đối (sau 6 tháng đình hoãn) trong một số điều kiện nhất định. Trong lúc Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu đề xuất của thủ tướng, sau 5 giờ thảo luận, phủ tổng thống loan tin sẽ "từ bỏ" dự án tăng thuế này.

Đích thân tổng thống, không bàn bạc trước với thủ tướng, trực tiếp yêu cầu bộ trưởng Môi Trường François de Rugy, thông báo ngay lập tức quan điểm mới trực tiếp trên kênh thời sự BFMTV, một kênh truyền hình rất đông người coi. Bộ trưởng Môi Trường tuyên bố "hủy bỏ hoàn toàn" sắc thuế này trong năm 2019. Một người thân cận với tổng thống Pháp nhấn mạnh là tổng thống đã hiểu rằng việc chỉ thông báo hoãn tăng thuế sẽ bị người dân cho là"một biện pháp nửa vời".

"Bom nổ" tại phủ thủ tướng

Theo Le Figaro, can thiệp bất ngờ của tổng thống Macron như một "trái bom nổ tung" tại phủ thủ tướng. Tối hôm qua, ngay tức khắc, văn phòng thủ tướng lên tiếng khẳng định "phối hợp rất chặt với Điện Elysée, và giữa thủ tướng và tổng thống mọi việc hoàn toàn thông suốt". Về phần mình, phủ tổng thống Pháp cũng ra ngay một thông điệp tương tự.

Le Figaro ghi nhận là, tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược này chắc chắn "để lại những hệ quả sâu sắc", và hiện tại chưa rõ lý do vì sao Điện Elysée lại đột ngột có quyết định đơn phương như vậy.

Le Monde trong bài "Edouard Philippe hy vọng xua tan cơn giận (của dân chúng) và cứu được ghế" theo sát các diễn biến về phía chính phủ và ghi nhận là, thủ tướng Philippe, bị chỉ trích là quá cứng nhắc, từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay, đã phải thừa nhận trước Quốc hội là bản thân đảng cầm quyền sẽ "phải có một số thay đổi".

Thủ tướng Philippe, trước các nghị sĩ đảng cầm quyền LRM, đã nói vui : cho dù ông "có phong cách cứng nhắc" thật, nhưng điều này "không cản trở việc lắng nghe" các công dân. Hai tuần trước, khi khủng hoảng mới bùng phát, nhiều nghị sĩ vẫn còn nhớ thủ tướng Pháp khi đó trách cứ các dân biểu đã không phản ứng cứng rắn hơn.

Thuế ISF : Biểu tượng của sự lúng túng

Sắc thuế đánh vào tài sản của những người có thu nhập cao nhất nước Pháp (ISF) được coi là một đầu mối chính của khủng hoảng. La Croix chạy trang nhất hàng tựa "Thuế ISF lại trở thành đối tượng tranh luận", với ghi nhận ngày càng có nhiều người phản kháng đòi chính phủ phải thiết lập lại sắc thuế này.

Về vấn đề này, Les Echos có bài "ISF, biểu tượng vĩnh cửu" ghi nhận cuộc đối đầu triệt để giữa lập trường của tổng thống Pháp và yêu sách của nhiều người Áo Vàng. Nếu như tổng thống Macron coi việc xóa bỏ sắc thuế này như một cải cách thuộc hàng quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của ông, thì nhiều người Áo Vàng lại coi đây là một sắc thuế tiêu biểu cho sự bất công xã hội.

Áp lực của phong trào phản kháng khiến một số bộ trưởng hôm qua tỏ ý muốn mở đối thoại để xét lại thuế ISF, phe đa số bắt đầu thảo luận về vấn đề này, tuy nhiên, ý định này ngay lập tức bị tổng thống bác bỏ. Theo Les Echos, thuế ISF một lần nữa trở thành "một biểu tượng" cho sự lúng túng của chính quyền.

Tổng thống tìm cách nối lại với người dân

Vẫn Le Figaro cho hay, sau khi liên tục để thủ tướng Philippe "trên tuyến đầu", theo một số nguồn tin từ Điện Elysée, không loại trừ tổng thống Macron sẽ sớm có phát biểu trực tiếp trước dân chúng. Trong bối cảnh "hết sức căng thẳng hiện nay", phủ tổng thống đang nỗ lực tìm cách nối lại các quan hệ trực tiếp với người dân Pháp.

Điện Elysée vừa tuyển mộ ông Nicolas Mouton, một cựu quan chức ngành đường sắt, người từng phụ trách "chiến lược về truyền thông xã hội" và "quan hệ khách hàng qua kỹ thuật số".

Báo kinh tế Les Echos ghi nhận, trước ngày biểu tình dự kiến của người "Áo Vàng" ngày thứ Bảy 8/12, khủng hoảng có nguy cơ lây lan. Nhiều tổ chức nghiệp đoàn đã thông báo ngày hành động, từ đây đến 13/12. Nhiều hiệp hội của nông dân, nhân viên ngành giao thông, học sinh sinh viên cũng kêu gọi biểu tình. Trước Quốc hội, thủ tướng Pháp trực tiếp kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trung gian.

Cựu bộ trưởng Nội vụ lên tiếng

Về các nguyên nhân khác của cuộc khủng hoảng hiện nay, Le Monde có bài phỏng vấn đáng chú ý với cựu bộ trưởng Nội vụ Gérard Collombe, vừa từ chức cách nay ít tuần, ông vốn được coi là một trụ cột của chính phủ Pháp.

Cựu bộ trưởng nội vụ, 71 tuổi, thừa nhận là vị tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron là một "người làm việc tận tụy, nắm rất chắc từng hồ sơ", nhưng điểm yếu của chính quyền Macron là thiếu đi nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, từng có vai trò lớn trong giai đoạn tranh cử tổng thống, nay đa số bị loại. Sự vắng mặt của những người này càng khiến cho các quyết định của chính phủ mang tính áp đặt một chiều hơn.

Cựu bộ trưởng Nội vụ, kêu gọi tất cả đoàn kết để đối phó với tình trạng nghiêm trọng này, và điều khẩn thiết là chính quyền trung ương phải nỗ lực phối hợp với các tổ chức chính quyền cơ sở, các dân biểu địa phương, các tổ chức trung gian (như nghiệp đoàn, hiệp hội). Hướng đến một nước Pháp "phi tập trung hóa" cũng là điều nằm trong cương lĩnh tranh cử của phong trào Tiến Bước của ứng cử viên tổng thống Macron. Cựu bộ trưởng Gérard Collombe nay là thị trưởng Lyon, thành phố lớn thứ hai nước Pháp.

Tại Lyon, vào ngày thứ Bảy 8/12 tới, dự kiến sẽ diễn ra 3 cuộc tuần hành lớn. Một vì khí hậu, một cuộc biểu tình của những người Áo Vàng, và một cuộc diễu hành nhân ngày Lễ hội Ánh sáng, thu hút hàng triệu du khách hàng năm. Theo Radio France, thị trưởng Collombe tỏ ra tin tưởng là dịp Lễ hội Ánh sáng năm nay sẽ không bị bạo động ảnh hưởng, an ninh sẽ được đảm bảo. Lễ hội Ánh sáng Lyon thường niên chưa bao giờ bị hủy, kể cả sau các vụ khủng bố tại Paris năm 2015.

"Áo Vàng" vẫn là ẩn số

Cuộc phản kháng của phong trào Áo Vàng bùng phát trên khắp cả nước, nhưng đối với truyền thông, đây là vẫn là một phong trào xã hội đầy bí ẩn. Libération dành một hồ sơ chính để tìm cách lý giải những người Áo Vàng thực sự là ai, họ muốn gì ? Trong một bài viết khác, tờ Libération thiên tả tìm cách giải thích vì sao phong trào cho đến nay lại thu hút được sự ủng hộ đông đảo của xã hội.

Bế tắc của một xã hội

Về cội nguồn của phong trào Áo Vàng, xã luận tờ Le Figaro thiên hữu nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng về bản sắc và định hướng tương lai của toàn xã hội. Theo Le Figaro, đây không chỉ là vấn đề áp lực sinh kế hàng ngày của người Pháp (tức câu chuyện mà người Pháp gọi là "fin du mois"), mà ẩn đằng sau đó là sự bế tắc của cả một xã hội (điều mà Le Figaro gọi là "fin d’un monde"), trước làn sóng toàn cầu hóa dữ dội.

"Ông Macron có hiểu ông Áo Vàng ?"

Libération có bài nhận định của nhà triết học Jean-Luc Nancy với tựa đề là một câu hỏi : "Ông Macron liệu có hiểu được ông Áo Vàng ?". Đối với nhà triết học, ẩn đằng sau phong trào phản kháng rộng lớn, muôn hình muôn vẻ và khó hiểu này là nỗi hoài nghi phổ biến trong dân chúng về tương lai. Không phải là một tương lai xa xôi, mà là "ngày mai / demain" - tương lai ngay trước mắt. Khác hẳn với thế kỷ 20, giờ đây người ta hoài nghi về triển vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Mỗi tiến bộ công nghệ đều đem lại sự hoài nghi, kỷ nguyên kỹ thuật số đặt xã hội trước một tương lai khó lường.

Có một nghịch lý là, trong thế giới kỹ thuật số ngày càng tân kỳ mà thông tin truyền đi với vận tốc ngày càng lớn hơn, thì con người lại càng khó hiểu nhau hơn. Không còn một thứ ngôn ngữ chính trị chung, đạo lý chung, thẩm mỹ chung hay nhân sinh quan chung. Chính vì vậy, theo nhà triết học, mọi người cần "học lại" cách nói chuyện với nhau. Triết gia Pháp kêu gọi giới tinh hoa hãy ra khỏi tháp ngà và người dân đừng chỉ thét lên tiếng gào đau đớn.

Mỹ - Trung cạnh tranh và sự chậm chân của Liên Âu

Một dự án tương lai đúng hướng là điều rất cần thiết đối với không chỉ nước Pháp, mà cả Châu Âu. Le Figaro có một cuộc phỏng vấn kinh tế gia Pháp Christian Saint-Etienne, với tựa đề "Hoa Kỳ và Trung Quốc kiểm soát 2 tỉ dân mạng…".

Theo nhà kinh tế học, nước Pháp và Châu Âu nói chung đang đứng trước thách thức sống còn, phải đầu tư mạnh cho các công nghệ mũi nhọn, đặc biệt là công nghệ số, một lĩnh vực Liên Âu đang tụt hậu so với Hoa Kỳ và kể cả Trung Quốc. Kinh tế gia Saint-Etienne phê phán chính phủ Pháp đã không phối hợp với Đức để thúc đẩy Liên Âu trong lĩnh vực này. Theo ông, các nước Châu Âu trụ cột, gồm Pháp, Đức, Áo, khối Benelux (Bỉ - Hà Lan – Luxembourg), Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cần lập một ngân sách khoảng 9.000 tỉ euro để có đủ tiềm lực lấp được khoảng cách với các đối thủ, trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và công nghệ mũi nhọn như 5G.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)