Tổng thống Trump hậu thuẫn đề xuất chi tiêu quốc phòng 750 tỷ đôla (VOA, 10/12/2018)
Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ kế hoạch đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua ngân khoản 750 tỷ đôla dành cho chi tiêu quốc phòng.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết như vậy hôm 9/12, đồng thời nhận định rằng động thái trên cho thấy khả năng chi tiêu tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ gia tăng, dù có tình trạng "thắt lưng buộc bụng" tại các cơ quan khác trong chính phủ.
Đối mặt với thâm hụt ngân sách ở mức cao nhất trong sáu năm, ông Trump đầu năm nay đã yêu cầu các quan chức trong nội các cắt giảm chi tiêu của cơ quan mình quản lý khoảng 5%, nhưng ra chỉ dấu về khả năng Lầu Năm Góc sẽ không thuộc diện bị giảm ngân sách.
750 tỷ đôla, theo Reuters, sẽ cao hơn con số 733 tỷ đôla mà Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ trình lên cơ quan lập pháp Hoa Kỳ cho năm tài khóa 2020.
Con số này cũng cao hơn nhiều so với mức 700 tỷ đôla mà ông Trump nêu hồi tháng Mười.
Một quan chức Mỹ giấu tên được hãng tin Anh dẫn lời nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis những ngày qua đã thảo luận vấn đề ngân sách quốc phòng với ông Trump, đồng thời nêu lên các nguy cơ từ việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Quan chức trên nói thêm rằng trong cuộc thảo luận, Tổng thống Trump muốn "đẩy nhanh tiến độ mà chính quyền của ông đã cam kết trong việc tái củng cố quân đội".
Hồi tháng Tám, ông Trump đã ký thông qua dự luật chính sách quốc phòng trị giá 716 tỷ đôla.
Nhà Trắng không hồi đáp ngay trước yêu cầu bình luận của Reuters.
*****************
Quân đội Nhật Bản định chi tiêu kỉ lục, mua thêm vũ khí của Mỹ (VOA, 09/12/2018)
Quân đội Nhật Bản dự định tăng chi tiêu trong năm năm tới để đối phó với các thách thức an ninh và thu hẹp thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ bằng cách mua các trang thiết bị của Mỹ, nhật báo kinh doanh Nikkei đưa tin hôm thứ Bảy.
Binh sĩ thuộc Lực lượng Tự vệ Trên Bộ của Nhật Bản tham gia một buổi huấn luyện thường niên gần Núi Phú Sĩ tại bãi diễn tập Higashifuji ở Gotemba, phía tây Tokyo, Nhật Bản, ngày 23 tháng 8, 2018.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch chi tiêu ít nhất 27 ngàn tỉ yen (240 tỉ đôla) trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 3 năm 2024, với mức chi tiêu tăng trung bình 1,1 phần trăm mỗi năm, vượt qua mức trung bình 0,8 phần trăm trong năm năm kết thúc vào tháng 3 năm sau, bài báo cho biết mà không xác định nguồn tin.
Hiện tại, các khoản thanh toán cho trang thiết bị và chi phí nhân sự chiếm tới 80 phần trăm chi tiêu quốc phòng, Nikkei nói. Theo kế hoạch này, ngân quỹ mua trang thiết bị mới sẽ được tách khỏi các chi phí này, giúp cho việc mua trang thiết bị Mỹ dễ dàng hơn, bài báo nói thêm.
Nhật Bản đặt mục tiêu cho nội các chuẩn chi vào giữa tháng 12, theo bài báo. Hãng tin Reuters nói họ không liên lạc được với Bộ Quốc phòng ngay lập tức để yêu cầu bình luận.
Mua các trang thiết bị do Mỹ sản xuất có thể giúp Tokyo giảm bớt xích mích thương mại với Washington vào lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục Nhật Bản mua thêm hàng hóa của Mỹ, bao gồm trang thiết bị quân sự, trong khi đe dọa áp thuế nhập khẩu lên xe hơi của Nhật Bản để giảm thâm hụt thương mại với Tokyo.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hồi tháng 8 đã đề nghị khoản chi tiêu kỉ lục 5,3 ngàn tỉ yen vào năm sau để giúp chi trả cho những đợt nâng cấp lớn đối với hệ thống phòng thủ được thiết kế để bắn hạ bất kì phi đạn đạn đạo nào của Triều Tiên. Tokyo coi những phi đạn này là mối đe dọa liên tục dù Bình Nhưỡng đã hứa sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đang củng cố năng lực của quân đội Nhật Bản để đối phó với bất kì cuộc tấn công phi đạn nào của Triều Tiên và chống lại lực lượng không quân và hải quân đang lớn mạnh của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Nhật Bản.
***************
Biển Đông : Quan chức quân sự Trung Quốc đòi tấn công chiến hạm Mỹ (RFI, 10/12/2018)
Taiwan News hôm 09/12/2018 cho biết, trong cuộc hội thảo do Hoàn Cầu Thời Báo tổ chức hôm thứ Bảy 08/12 tại Bắc Kinh, một quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc đã tuyên bố cần phải chuẩn bị tấn công chiến hạm Mỹ nếu "xâm phạm lãnh hải Trung Quốc" trên Biển Đông.
Tiêm kích F/A-18 Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, ở Biển Đông, ngày 30/09/2017 - Reuters/Bobby Yip
Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời đại tá không quân Đới Húc (Dai Xu), giám đốc Viện An toàn Hàng hải và Hợp tác Trung Quốc : "Nếu các chiến hạm Mỹ lại xuất hiện trong vùng biển Trung Quốc, tôi đề nghị gởi đi hai tàu chiến : một chiếc để chận lại còn chiếc kia đâm vào. Trong vùng biển của mình, chúng ta không chấp nhận để cho chiến hạm Mỹ gây rối".
Nêu ra việc hải quân Mỹ ngày càng tuần tra thường xuyên hơn tại Biển Đông nhằm bảo vệ tự do hàng hải (FONOP), ông Đới Húc nói rằng không thể hiểu tại sao Trung Quốc lại sợ sử dụng vũ lực để chống lại các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ.
Nhật báo có trụ sở tại Đài Bắc nhắc lại, gần đây việc Hoa Kỳ gởi hai chiến hạm đến eo biển Đài Loan, bốn ngày sau cuộc bầu cử tháng 11, đã khiến các quan chức Bắc Kinh lo sợ.
Về Đài Loan, ông Đới Húc nêu ra tình hình căng thẳng đang tăng lên tại Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên sợ xung đột. Ông cho rằng một số thái độ thách thức trên Biển Đông có thể thúc đẩy Trung Quốc có hành động quân sự nhắm vào Đài Loan. Ông Đới Húc tuyên bố : "Việc này có thể đẩy nhanh tốc độ thống nhất Đài Loan… Chúng ta hãy sẵn sàng và chờ đợi. Một khi có được cơ hội chiến lược, ta sẽ chiếm lấy Đài Loan".
Một diễn giả khác là Hoàng Tĩnh (Huang Jing), trường đại học Ngoại ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ khó thể cạnh tranh với Trung Quốc để thu hút của các nước trong khu vực. Chính sách của Bắc Kinh vẫn "cứng rắn nhưng linh hoạt", và theo ông thì ASEAN sẽ tăng cường ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Taiwan News cho biết thêm giáo sư Mỹ gốc Hoa Hoàng Tĩnh, bị cho là gián điệp của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã bị Singapore trục xuất năm 2017 vì "âm mưu lật đổ, giúp thế lực nước ngoài can thiệp vào chính trị nội bộ của Singapore".
*********************
Chuyên gia Trung Quốc nói Trung Quốc nên tấn công Mỹ ở Biển Đông (RFA, 10/12/2018)
Trung Quốc nên chuẩn bị tinh thần để tấn công tàu chiến Mỹ trên lãnh hải của mình tại Biển Đông.
Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, với tàu sân bay Liêu Ninh (giữa), 1/2017. AFP
Hoàn Cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trích lời ông Đái Húc, Viện trưởng Viện an toàn hàng hải và hợp tác của Trung Quốc, cho biết như vậy.
Ông Đái Húc nói nếu tàu chiến Mỹ cứ tiếp tục đi vào lãnh hải Trung Quốc, thì Trung Quốc nên gửi hai tàu chiến đến vùng lãnh hải đó, một chiếc để chặn tàu Mỹ, còn chiếc kia húc vào tàu Mỹ.
Ông Đái Húc, người cũng là một đại tá không quân của Trung Quốc nói rằng Trung Quốc sẽ không cho phép tàu chiến Mỹ vào gây rối trong vùng lãnh hải của Trung Quốc.
Ông Đái Húc cũng để cập đến điều gọi là chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông và bình luận rằng tại sao người Trung Quốc lại sợ không dám dùng sức mạnh để chống lại những hoạt động của hải quân Mỹ.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vài lần điều các tàu chiến của Mỹ đi kèm tàu chiến của các nước khác khi những tàu này đi vào khu vực Biển Đông. Gần đây nhất là vào trường hợp Trung Quốc cho tàu chiến đi sát ở mức không an toàn với tàu Decatur của Mỹ khi tàu này đang đi quá đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa, thực hiện hoạt động trong chương trình tự do hàng hải của Mỹ.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình trên 90% diện tích Biển Đông. Trong vòng ba năm nay Mỹ cùng các đồng minh là Úc, Anh,… đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, cho tàu chiến đi sát các đảo đá và bãi cạn mà Trung Quốc chiếm đóng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để thách thức sự tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh.
**************
Việt Nam mua 3 máy bay trinh sát không người lái hiện đại của Israel (VOA, 10/12/2018)
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) vừa ký hợp đồng bán ba máy bay trinh sát không người lái hiện đại cho chính phủ Việt Nam với giá 160 triệu đôla.
Máy bay không người lái Heron của quân đội Israel trong cuộc trưng bày tại Căn cứ Không quân Pahmahim của Israel (ảnh tư liệu ngày 7/3/2007).
Máy bay không người lái cỡ lớn Heron 1 sẽ được quân đội Việt Nam sử dụng cho các nhiệm vụ thường lệ, trong đó có việc tuần tra trên biển – theo báo Jerusalem Post.
Truyền thông Châu Á nói các chiếc Heron 1 mà Việt Nam mua được IAI thiết kế có thể cất cánh, hạ cánh hoàn toàn tự động, kể cả trong điều kiện thời tiết phức tạp, để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và các hoạt động giám sát chiến lược. Heron 1 có tầm hoạt động khoảng 350 km trong khoảng thời gian lên tới 50 giờ và có thể mang tải trọng lên tới 250kg.
Công ty IAI từ chối bình luận về các tin tức này.
Tháng trước, IAI không tranh được thầu cung cấp máy bay không người lái cho quân đội Bỉ và Australia trị giá hàng trăm triệu đôla. Công ty General Atomics của Mỹ giành được các hợp đồng đó.
(Theo The Jerusalem Post, Globes)
*******************
Việt Nam mua 3 máy bay không người lái của Israel (Người Việt, 09/12/2018)
Israel thỏa thuận bán cho Việt Nam 3 máy bay không người lái nhiều phần là phiên bản tấn công, tức máy bay có khả năng mang võ khí cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, theo báo Globe online.
Máy bay không người lái Eitan (Heron TP) trưng bày trong ngày lễ độc lập của Do Thái năm 2017. (Hình : IAF)
Nguồn tin nói rằng trong mấy ngày gần đây, công ty kỹ nghệ hàng không của Israel (Israel Aerospace Industries Ltd., – IAI) đã thỏa thuận một hợp đồng bán ba máy bay không người lái (UAV) cho Việt Nam, trị giá $160 triệu. Đây là phiên bản xuất khẩu trang bị cả khả năng tấn công của chiếc Heron-1 UAV gọi với tên mới Heron TP hay Eitan.
Theo nguồn tin, Việt Nam sẽ dùng chúng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau nhờ khả năng đa dạng của chiếc Eitan từ trinh sát, thu thập tin tức tình báo, tuần tra biển, giám sát, đánh giá thiệt hại, cảnh báo hỏa tiễn từ xa, phát hiện mục tiêu, đến tấn công từ diệt xe tăng đến tàu chiến.
Thương vụ đã bị trì hoãn một thời gian và đối diện với việc bị hủy bỏ vì một số lý do không được nêu cụ thể. Theo nguồn tin, vụ mua bán chỉ đạt được khi có sự can thiệp của chính tổng giám đốc Udi Adam của Bộ Quốc Phòng Israel.
Hỏa tiễn chống xe tăng Nimrod. (Hình : IAI)
Hồi Tháng Sáu sang đầu Tháng Bảy 2018, đã có một số nguồn tin quốc tế đề cập chuyện Việt Nam đàm phán mua của Israel 3 chiếc UAV với giá 160 triệu USD. Tính ra mỗi chiếc lên tới 53 triệu USD, tương đương với giá một chiếc khu trục đa năng Sukhoi SU-30MK2 Việt Nam mua của Nga. Vì vậy, người ta ngờ rằng thương vụ nói trên bao gồm cả võ khí chứa trong bụng Eitan gồm cả hỏa tiễn Nimrod.
Hỏa tiễn tầm xa Nimrod gồm các phiên bản từ không đối không đến không đối đất, không đối hải tấn công mọi mục tiêu từ xe tăng, tàu chiến, công sự, một đơn vị quân sự.
Máy bay không người lái Eitan (Heron TP) có chiều dài 14 mét, cánh dài 26 mét, trọng lượng cất cánh tối đa 5.400 kg và mang được một trọng lượng lên tới 2.700 kg trong đó có 1.000kg vũ khí. Nó được so sánh với máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ trong khi giá mua lại rẻ hơn nhiều.
Theo những chi tiết kỹ thuật thấy trên trang mạng airforce.technology.com, hệ thống trinh sát của UAV Eitan vừa mạnh vừa toàn diện bao gồm radar tuần tra biển (MPR), radar khẩu độ tổng hợp (SAR), hệ thống tình báo điện tử (ELINT/ COMINT), kết hợp với các máy quang điện tử cho phép theo dõi tình hình trong mọi điều kiện thời tiết. Hình ảnh và thông tin sẽ được truyền theo thời gian thực về trung tâm điều khiển.
Mỗi chiếc UAV Eitan có thể mang theo 4 hỏa tiễn Nimrod nên khả năng tấn công từ trên cao của nó cũng không thua bao nhiêu so với một số loại máy bay khu trục cường kích. Nó có thể bay cao hơn 14.000 mét trong tầm hoạt động tới hơn 7.000 km và ở trên không liên tục suốt 30 giờ.
Ngoài Do Thái, một số nước khác cũng đang sử dụng Heron TP (Eitan) như nước Đức, Ấn Độ.
Sau Nga, là Israel cung cấp nhiều loại võ khí và trang bị điện tử tối tân cho Việt Nam. Israel đã bán bản quyền cho Việt Nam sản xuất súng trường tấn công Tavor 21, Galil ACE 31/32 ; hệ thống pháo phản lực phóng loạt EXTRA, AccuLAR hay tổ hợp hỏa tiễn phòng không SPYDER-SR/MR.
Israel cũng đã giúp Việt Nam tân trang cải tiến một số xe tăng T-55. Họ cũng chào hàng với Việt Nam một số máy bay F-16 khi nước họ đang muốn thải ra để thay bằng F-35. (TN)