Giáng sinh đến rồi đi, khủng hoảng vẫn còn đó
Giáng sinh đây rồi ! Qua hình ảnh cây thông yên bình và máng cỏ ấm áp, báo chí Pháp ngày 24/12/2018 không quên những cuộc khủng hoảng mà từ trái đất, con người, cho đến muôn thú đều là nạn nhân. Nhưng trong bóng đêm đầy bất trắc này, qua các trang báo mùa Noel, không thiếu những tia sáng hy vọng.
Giáo dân ở Jordan dự thánh lễ tại Nhà thờ Công giáo Latinh ở thành phôe Fuheis, gần Amman, ngày 23/12/2018. Reuters/Muhammad Hamed
Giáng sinh đến rồi !
Nhật báo công giáo La Croix chia sẻ niềm hy vọng pha lẫn ưu tư cho những nơi không được may mắn : Indonesia lại bị sóng thần, hàng trăm người chết. Noel nào cho tín hữu đạo Thiên Chúa ở Syria ? Cho Asia Bibi, người phụ nữ Pakistan nạn nhân của người Hồi cuồng tín, đang ẩn náu bảo tồn sinh mạng sau khi thoát án tử hình.
Tuy nhiên, thông điệp chính của nhật báo Công giáo qua bài xã luận "Ngày lễ quan trọng nhất" : Con người đừng để lối sống hiện đại lôi vào vòng xoáy triệt tiêu lòng kiên nhẫn.
Không hẹn mà nên, Le Figaro dành nhiều trang bày tỏ quan ngại cho các cộng đồng Thiên Chúa Giáo tại Trung Đông : Tại Syria, từng xóm đạo trở thành hoang phế . Ở Iraq và Algeria, tín đồ Thiên chúa giáo tiếp tục bị đe dọa và trấn áp. Tương lai nào cho cộng đồng Thiên chúa giáo trong mùa Giáng sinh này ? Những người Syria tị nạn ở nước ngoài có thể hồi hương hay không ? Chổ đứng nào cho cộng đồng thiểu số trong một nước tan từng mảnh và là nơi mà giám mục bị bắt cóc, linh mục bị chặt đầu ? Aleppo, nơi chỉ còn 30.000 tín đồ so với con số 150.000 bảy năm trước đây, là một trường hợp điển hình. Tia sáng hy vọng không thiếu tuy còn chút rụt rè : ngày 15 vừa qua, tại Homs, thành phố toan hoang vì chiến tranh, hàng trăm tín đồ thu hết can đảm dự thánh lễ đầu tiên trong ngôi thánh đường mới vừa được tu bổ.
Donald Trump cô đơn hơn bao giờ hết.
Hoa Kỳ trong cơn biến động là chủ đề tốn hao giấy mực nhưng lại rất đồng thuận trên các báo : Phương pháp của Trump làm đất nước bị "shutdown", Mattis ra đi gây rún động NATO là hai tựa lớn của Le Monde. Les Echos bồi thêm : Donald Trump cô đơn hơn bao giờ hết.
Le Monde, một lần nữa, nhấn mạnh thái độ khó hiểu của chủ nhân Nhà Trắng : thứ nhất là "ương ngạnh", muốn xây bức tường biên giới, thứ hai là đổi quan điểm như chong chóng mà không hề tham khảo ý kiến ban lãnh đạo đảng Cộng Hòa. Hệ quả đầu tiên, về đối nội, guồng máy chính phủ liên bang bị "tê liệt". Đối ngoại, nước Mỹ mất uy tín với đồng minh và tạo ra những hệ quả khó lường cho cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và cho an ninh tại Châu Âu, nằm sát sườn với Trung Đông.
Trump muốn tự định đoạt chính sách ngoại giao
Phải chăng Donald Trump muốn một mình quyết định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ? Chiến lược của tổng thống Mỹ như thế nào và hệ quả ra sao ?
Được Les Echos phỏng vấn, chuyên gia Mỹ về quan hệ quốc tế James Lindsay xác nhận : Trump muốn tự định đoạt chính sách ngoại giao. Quan điểm của tổng thống Mỹ rất đơn giản : từ nhiều năm nay, Donald Trump cho rằng Hoa Kỳ không nên can dự vào tình hình Trung Đông. Trong 23 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, ông để cho các cố vấn duy trì các chiến dịch quân sự chống khủng bố. Giờ đây, Donald Trump ngưng tất cả, tuyên bố chiến thắng, để rồi sau đó ông giải thích : để cho Nga, Thổ, Iran đối phó với thánh chiến.
Vấn đề là chiến lược này không được thảo luận, cân nhắc lợi hại với các chuyên gia an ninh Mỹ, cũng không báo trước cho các đồng minh.
Cũng theo phân tích của chuyên gia James Lindsay, sở dĩ Donald Trump làm như thế là vì quan niệm về quan hệ quốc tế của ông rất đơn giản : không thắng thì không tiếp tục chiến tranh, còn đồng minh thật ra là kẻ thù chứ không phải là bạn. Theo suy nghĩ của Donald Trump, các đồng minh của Washington chỉ là những người lợi dụng ô dù an ninh của Mỹ, các hiệp định thương mại quốc tế để trục lợi, chiếm lấy công ăn việc làm của lao động Mỹ. Khi lên cầm quyền, Donald Trump nhanh chóng "bịt miệng" các chuyên gia. Bộ trưởng quốc phòng James Mattis là nhân vật cương nghị cuối cùng phải ra đi.
Hệ quả là từ nay về sau, bộ ngoại giao Mỹ sẽ không tìm cách chứng minh với Donald Trump nước nào là đồng minh xứng đáng của Mỹ. Trái lại, các đồng minh sẽ được "giúp đỡ" để thi hành chính sách mà tổng thống Donald Trump lựa chọn. Nước Mỹ của Donald Trump sẽ mang hình ảnh của một siêu cường con buôn.
Israel và các vương quốc vùng Vịnh lo âu là phải, vì họ không biết những cam kết của Donald Trump có giá trị đến đâu ? Châu Âu cũng phải thận trọng trước những phê phán của Donald Trump về thuế hải quan, về gánh nặng trong NATO.
Về đối ngoại, Donald Trump gây ra một tình trạng bất trắc khó lường.
Về đối nội, mục tiêu của Donald Trump là gì ?
Câu trả lời có thể tìm thấy trên Libération : tái tranh cử 2020, được ăn cả ngã về không. Donald Trump đang đánh lá bài "thấu cáy". Biết rõ Mitch McConnel, lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng viện, sẽ không nhượng bộ trước áp lực của lãnh đạo hành pháp, thay đổi luật biểu quyết tại Thượng viện, để thông qua ngân sách xây tường với đa số quá bán, Donald Trump chơi lá bài liều lĩnh để kích động tinh thần cử tri cơ sở, những ủng hộ viên vô điều kiện. Phía Dân Chủ, cuộc đua giành vé tranh cử cũng đã mở màn và có nhiều xác suất Donald Trump sẽ gặp một đối thủ Dân Chủ đồng ký đồng cân. Điều này cho phép dự kiến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ là trận đọ sức giữa hai phe cử tri cuồng nhiệt nhất. Trận đánh "du kích" mùa Giáng sinh báo hiệu hai năm chao đảo trên chính trường Mỹ.
Phê phán Donald Trump, Les Echos dành cho bộ trưởng quốc phòng James Mattis một bài viết ngắn nhưng súc tích : viên tướng già, độc thân, từ chức vì nhất quyết không làm một chuyện trái với nghĩa khí, lương tri của một người lính tác chiến : bỏ rơi đồng đội.
Bộ luật lao động cho thú vật
Khác với các đồng nghiệp lo âu cho tình hình thế giới trước những quyết định theo "trực giác" của tổng thống Mỹ Donald Trump, Libération tập trung vào sự tồn vong của trái đất. Nhật báo cánh tả dành hai số đặc biệt Giáng sinh… cho muôn thú .
Trong thực đơn dài 28 trang của số báo hôm nay, mở đầu với một chú khỉ đột đang nghỉ trưa trong rừng, Libération giới thiệu những "nghề nghiệp" của loài vật mà con người không thể cán đáng : bò, ngựa kéo xe, chó giữ nhà, giúp đỡ người mù, làm vệ sĩ bảo vệ đàn cừu chống chó sói, chống gấu rừng…
Độc giả được dẫn đi vào thế giới ngôn ngữ của mèo, đời sống sinh lý của khỉ, suy nghĩ về số phận loài sư tử ở châu Phi, cho dù bị đe dọa diệt chủng, vẫn tiếp tục làm mồi cho thợ săn. Nhật báo cũng dành nhiều trang phóng sự cho trò chơi "đá gà" ở miền bắc nước Pháp, cùng với quần đảo Antilles là hai nơi duy nhất, nhân danh bảo tồn văn hóa truyền thống, chưa cấm "đá gà".
Theo Libération, đã đến lúc phải nghĩ đến một "bộ luật lao động" cho thú vật.
Nhật báo cánh tả không quên bản kiến nghị kêu gọi hỗ trợ pháp lý kiện chính phủ Pháp "không có hành động gì trước tình trạng biến đổi khí hậu", hiện đã thu được 1,6 triệu chữ ký. Đây cũng là thông điệp "chính quyền bất động thì dân phải năng động" để thúc đẩy thời thế như phong trào "Áo Vàng" chống bất công xã hội kéo dài từ 7 tuần qua.
Cũng như các đồng nghiệp, Libération dành nhiều trang tường thuật thảm nạn sóng thần vừa xảy ra ở Indonesia, xứ bất hạnh triền miên. Chỉ trong chớp mắt, sóng thần không được báo trước đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người. Trong số nạn nhân có toàn ban nhạc Pop Seventeen, đang trình diễn trên sân khấu xoay lưng ra biển. Ca sĩ Riefan cũng bị sóng cuốn đi nhưng may mắn thoát chết. Người bạn đời của anh nằm trong danh sách mất tích.
Pháp : Tiền dân tiết kiệm không thua ngân sách nhà nước
Về thời sự Pháp, trong khi Le Monde, với bài "Những ngày căng thẳng trong chiến hào", tường thuật tổng thống Macron suy tính cách nào để thoát vòng vây "Áo vàng", thì Les Echos, với thống kê làm cơ sở, cho biết dân Pháp cất dấu rất nhiều tiền dưới dạng tài khoản tiết kiệm : tổng cộng 390 tỷ euro, tương đương với ngân sách quốc gia 2018.
Tú Anh