Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/12/2018

Điểm báo Pháp - Giáo hội Công giáo Hoàn vũ

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Hội nhập vào Giáo hội Công giáo Hoàn Vũ là điều thiết yếu

Ngược lại với các đồng nghiệp ra số đặc biệt từ tuần trước lễ Giáng Sinh, L’Express chờ đến tuần này mới ra số kép, vừa tất niên, vừa tân niên. Tạp chí đã dành một hồ sơ dầy cả 36 trang cho Tòa Thánh Vatican, dưới tựa đề trang bìa "Lịch sử các giáo hoàng" điểm lại hai nghìn năm lịch sử cầm quyền tại Tòa Thánh, những gương mặt tiêu biểu, những bí mật còn che giấu. Hồ sơ kết thúc bằng thời giáo hoàng Francis, với sự kiện gần đây nhất là thỏa thuận Vatican-Bắc Kinh về việc đề cử giám mục Trung Quốc.

giaohoi1

Giáo dân dự thánh lễ Noël hôm 24/12/2018 tại một nhà thờ ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây Trung Quốc. Reuters/Jason Lee

Dưới tựa đề "Một cuộc đối thoại cởi mở", L’Express đã nhờ một quan sát viên thông thạo tình hình Trung Quốc giải mã quan hệ phải nói là phức tạp giữa một Nhà Nước "vô thần" với Tòa Thánh Vatican. Đó là ông Claude Martin cựu đại sứ Pháp ở Trung Quốc và cũng từng là đại sứ Pháp ở Việt Nam. Theo chuyên gia này, đối với Bắc Kinh, sự hội nhập của giáo hội "yêu nước" Trung Quốc vào giáo hội Công giáo Hoàn Vũ là điều thiết yếu.

Trả lời câu hỏi về hình ảnh của đạo Thiên Chúa trong một nước nổi tiếng là "vô thần", ông Claude Martin trước hết đã xác định rằng Trung Quốc không phải một đất nước không tôn giáo, chỉ có điều là quốc gia này đã sống quá lâu trong một không gian khép kín, với một kiểu "tôn giáo" theo đó vũ trụ quan và cái nhìn về trật tự chính trị, xã hội xếp chồng lên nhau một cách hoàn hảo...

Theo ông Martin, trong cấu trúc đó, giá trị tâm linh không chiếm bao nhiêu chỗ, và tại Trung Quốc, cái thế giới quan vốn được hệ thống hóa trong đạo Khổng, đã không đáp ứng được những mong mỏi, nguyện vọng của một dân tộc, luôn cảm nhận là cần phải có "một cái gì khác".

Trong thời gian gần đây, người ta ghi nhận một sự đột phá của các hội thánh Truyền Bá Phúc Âm của đạo Tin Lành tại Trung Quốc song song với thành công của đạo Công giáo. Đối với ông Claude Martin, hoạt động của những hội thánh Phúc Âm đã mạnh mẽ lên một cách đáng kể sau chính sách mở cửa năm 1979.

Vốn dĩ rất mạnh ở Mỹ, lại có phương tiện dồi dào, biết sử dụng những tổ chức phi chính phủ một cách rất hữu hiệu, các hội thánh Tin Lành đã có mặt hầu như khắp nơi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Theo đại sứ Martin, Bắc Kinh có đánh giá thuận lợi hơn về các hội thánh Phúc Âm, vì cho rằng đó là những tổ chức tự do, độc lập, không gắn với một thế lực chính trị nào đó.

Hai điểm bất lợi của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc

Theo ông Martin, lẽ ra Giáo hội Công giáo cũng có thể tranh thủ được chính sách mở cửa từ năm 1979 ở Trung Quốc. Thế nhưng lại bị vướng vào hai nhược điểm.

Trước tiên là Công giáo tại Trung Quốc bị chia cắt thành hai giáo hội, với một bên (thường được gọi là giáo hội "thầm lặng") hoàn toàn từ chối, không chịu phục tùng chính quyền Bắc Kinh và bên kia là giáo hội "yêu nước", đi theo chính quyền, nhưng không được Roma công nhận.

Nhược điểm thứ hai còn nghiêm trọng hơn nữa. Đó là việc Vatican là một trong những nhà nước cuối cùng trên thế giới còn công nhận Đài Loan, và có đại sứ quán tại đó.

Trong tình hình đó, theo đại sứ Martin, rất may là cuộc đối thoại Vatican-Bắc Kinh mở ra kể từ năm 1980, đã giúp thay đổi tình hình, ít ra là trên điểm thứ nhất, tức là tình trạng chia rẽ giữa hai "giáo hội Công giáo" Trung Quốc.

Cộng đồng người Công giáo nói chung ở Trung Quốc đang ngày càng có cảm nhận là một ngày nào đó, giáo hội Công giáo Trung Quốc sẽ tìm lại được sự thống nhất và lấy lại được chỗ đứng trong Giáo hội Hoàn Vũ. Trong niềm hy vọng đó, cả hai giáo hội ở Trung Quốc, đã thấy hàng ngũ của mình thêm đông đảo, nhất là phía giáo hội "yêu nước", với một số giám mục, kể từ nay được chỉ định với sự chấp thuận của Vatican, được cả hai bên công nhận là chính đáng.

Bắc Kinh cần có thỏa thuận với Vatican để nâng cao vị thế quốc tế

Giải thích về lý do vì sao Bắc Kinh đã nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận với Tòa Thánh Vatican, nhà cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc nêu bật nhu cầu tăng cường vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Đối với ông Martin, hiển nhiên là chính quyền Bắc Kinh chưa sẵn sàng chấp nhận việc một mạng lưới lãnh đạo tôn giáo phát triển trên đất Trung Quốc và được chỉ huy từ bên ngoài. Nhưng đồng thời thì Bắc Kinh cũng thấy là giáo hội Công giáo "yêu nước", cho dù có đông đảo người theo và được tín đồ tôn trọng, nhưng chỉ có tính chính đáng thật sự khi được giáo hoàng đồng ý cho hội nhập vào cộng đồng Công giáo toàn cầu.

Đối với Bắc Kinh sự hội nhập này rất quan trọng. Đó là một yếu tố giúp Trung Quốc tăng cường vị thế quốc tế, điều mà họ từng đạt được với việc gia nhập Liên Hiệp Quốc, hay Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO, OMC).

Theo ông Martin, chính quyền Trung Quốc dường như đang tin chắc rằng, như trong trường hợp gia nhập OMC, Bắc Kinh có thể dùng việc chính thức chấp nhận thẩm quyền của giáo hoàng trên giáo hội Công giáo Trung Quốc – một nhượng bộ không phải là nhỏ - để đánh đổi lấy việc được Vatican cho hưởng một "chế độ ưu đãi đặc biệt".

Dẫu sao thì theo cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc, chế độ vừa được Bắc Kinh và Vatican chấp nhận rất cân đối, vừa có lợi cho Trung Quốc, vừa tốt cho Vatican vì sẽ giúp cho Công giáo tăng thêm ảnh hưởng ở Trung Quốc.

Tóm lại, theo ông Claude Martin, cho dù vẫn còn bị một số người chỉ trích, hướng tiếp cận Trung Quốc mà giáo hoàng Francis đã chọn là một hướng đi tốt và đúng đắn căn cứ vào tình hình Trung Quốc hiện nay.

Armenia, quốc gia tiêu biểu năm 2018 của The Economist

Trong số kép cuối năm 2018, như thông lệ, tuần báo Anh The Economist đã bình chọn quốc gia tiêu biểu trong năm - "Country of the year". Trước khi nêu tên nước được chọn, tờ báo đã giải thích lý do bình bầu, nhưng đặc biệt năm nay, đã đưa ra một lời xin lỗi kép !

Mở đầu bài viết, The Economist nhắc lại rằng danh hiệu "Country of the year" của tạp chí không trao cho quốc gia có ảnh hưởng nhất, giàu nhất, mà là để ca ngợi bước tiến bộ trong năm. Tờ báo công nhận rằng đây là một sự chọn lựa hết sức tế nhị, một kết quả sáng chói trong năm này không bảo đảm là sẽ tiếp tục thành công trong những năm sau.

Và tuần báo Anh đã ghi nhận hai lựa chọn trong những năm trước đây đã bị thực tế của năm 2018 phản bác một cách rõ rệt. Vào năm ngoái, Pháp đã được The Economist chọn làm quốc gia tiêu biểu trên thế giới. Thế nhưng vào cuối năm 2018 này, thì Pháp đã bị biểu tình bạo động ở nhiều nơi.

Cũng như vậy, theo thú nhận của tuần báo Anh, Miến Điện vào năm 2015 đã được chọn làm quốc gia tiêu biểu, thế nhưng đã tụt hậu trong máu lửa của năm nay.

Tuy nhiên, The Economist không nản chí, cho rằng dù sao cũng phải cố gắng chọn lựa. Và vấn đề lại đặt ra là phải chọn nước nào.

Tuần báo Anh ghi nhận là một số người trong ban biên tập đã hóm hỉnh đề nghị Anh Quốc, với lý do là đã gởi đến thế giới một lời cảnh báo rất có ích, theo đó "ngay cả một nước giàu có, hòa bình, có vẻ ổn định", cũng có thể thiếu suy nghĩ, thiêu hủy ngay cả các sắp xếp của mình mà không có một kế hoạch nghiêm túc để thay thế. Ở đây, rõ ràng là tuần báo Anh muốn nói đến vở bi hài kịch Brexit đang diễn ra.

Cũng có người đề nghị Ireland vì đã cưỡng lại một hình thức Brexit có thể làm tiêu tan hòa bình ở Ireland, và cũng đã giải quyết được cuộc tranh cãi sôi bỏng về vấn đề phá thai một cách dân chủ.

Sau cùng, danh sách bình bầu của The Economist đã được rút ngắn còn 3 nước nổi bật là Malaysia, Ethiopia, và Armenia.

Về Malaysia, tuần báo Anh đã đánh giá cao việc cử tri quốc gia Đông Nam Á này đã truất phế một thủ tướng đã không giải thích được rõ ràng là do đâu ông có được 700 triệu đô la trong tài khoản ngân hàng của mình. Đối với The Economist, chính quyết định của cử tri trừng phạt cựu thủ tướng Najib Razak là điều đáng ngạc nhiên.

Cho dù nhân vật này đầy rẫy điểm xấu, nhưng đảng cầm quyền Malaysia đã thống trị sân khấu chính trị nước này từ những năm 1950, và luôn luôn biết cách gian lận để duy trì quyền hành. Thế mà đối lập đã thắng, và người dân đã rất vui mừng trước cảnh tượng cảnh sát chuyển đi những hộp tiền, nữ trang, túi xách quý giá… của cựu thủ tướng phu nhân.

Điểm yếu của Malaysia, theo The Economist, lẽ ra là nên chọn một người thắng cuộc đáng giá hơn đương kim thủ tướng Mahathir, một người đã hơn 90 tuổi, và đã có dấu hiệu không muốn thực hiện một số thay đổi như việc hủy bỏ chính sách đãi ngộ theo chủng tộc, hoặc là trao lại quyền hạn như đã hứa cho người trẻ hơn là Anwar Ibrahim.

Ethiopia, một xứ châu Phi, cũng đã có một năm ngoạn mục, với việc đảng cầm quyền, dù vẫn chuyên chế, trong năm nay, đã đưa lên làm tổng thống một lãnh đạo theo khuynh hướng cải cách. Ông Abiy Ahmed đã trả tự do tù nhân chính trị, cởi trói báo chí, mở cửa kinh tế, hứa bầu cử thực sự tự do vào năm 2020, làm hòa với láng giềng…

Nhưng The Economist không chọn Ethiopia với lý do là không chắc ông Abiy Ahmed có kềm chế được bạo động chủng tộc hay không, nhất là khi những thành phần đòi ly khai đang muốn thành lập những vùng thuần chủng tộc, không pha trộn, và lôi kéo người dân bỏ nhà để đến những nơi này.

Rốt cuộc, The Economist đã chọn Armenia, một quốc gia trước đây thuộc Liên Xô, nơi mà người dân trong năm 2018 đã biết vùng lên ngăn chặn thành công xu hướng độc tài của vị tổng thống lãnh đạo họ.

Theo tuần báo Anh, tổng thống Armenia, Serzh Sargsyan, tại vị từ lâu và vốn không còn quyền tái cử, đã âm mưu nắm giữ quyền hành bằng cách trao cho mình chức thủ tướng điều hành. Đây là điều mà Putin đã làm tại Nga.

Thế nhưng, người dân Armenia đã ồ ạt xuống đường phản đối, và ông Nikol Pashinyan, một cựu ký giả kiêm nghị sĩ Quốc hội đã được đưa lên nắm quyền một cách hợp pháp và chính đáng, nhờ một làn sóng nổi dậy chống lại tham nhũng và bất tài. Liên minh mới của ông đã giành được 70% số phiếu trong một cuộc bầu cử sau đó. Một thế lực độc tài kiểu Putin đã bị loại bỏ ở thượng tầng nhà nước mà không mất một giọt máu, và Nga đã không có lý do để can thiệp.

Dù chọn Armenia là quốc gia tiêu biểu của năm 2018, The Economist cũng thận trọng lưu ý : Tranh chấp lãnh thổ gai góc với láng giềng Azerbaijan chưa được giải quyết và có thể bùng lên trở lại.

Vatican trong 20 thế kỷ nay

Trở lại với hồ sơ dài của L’Express về các giáo hoàng và Tòa Thánh Vatican, phải nói rằng tuần báo Pháp đã cung cấp cho độc giả những chi tiết mới lạ và những cái nhìn rất thú vị về một đề tài thoạt nhìn khá khô khan.

Trong phần giới thiệu chủ đề cuối năm này, tạp chí Pháp nêu bật : "Họ đã ngự trị trên Giáo hội Công giáo từ hơn 20 thế kỷ nay. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà hơn 200 vị giáo hoàng, từ Roma – ngoài 9 vị đã chọn Avignon làm thủ đô – đã điều hành được một tổ chức bí mật như vậy và tự nhận mình có đến 1,2 tỉ tín đồ. Đây là 36 trang để tìm hiểu".

Một trong những bài đáng chú ý mang tựa đề "12 vị giáo hoàng đã làm thay đổi lịch sử", phác họa chân dung của các giáo hoàng được đánh giá là vĩ đại nhất trong lịch sử Tòa Thánh.

Sau khi nhắc lại một câu nói đầy tính chất khinh thị của Stalin về ảnh hưởng của đức giáo hoàng khi cựu lãnh đạo Liên Xô thốt lên "Giáo hoàng à ? Ông ta có bao nhiêu sư đoàn ?", L’Express ghi nhận rằng các lãnh đạo giáo hội đã biết làm cho ảnh hưởng của Vatican ngày càng lan tỏa trên thế giới.

Trong danh sách những vị giáo hoàng đã ghi dấu ấn của mình trên lịch sử nhân loại, gần chúng ta hơn cả là giáo hoàng John Paul Đệ Nhị, trị vì từ năm 1978 đến năm 2005, một trong ba nhiệm kỳ dài nhất của giáo hội. Công trạng lớn nhất của John Paul Đệ Nhị, theo L’Express là đã khôi phục được tính chất toàn cầu của Giáo hội Công giáo, trong bối cảnh xã hội phương Tây đang lâm vào tình trạng "phi Thiên Chúa hóa".

Một trong những chiến thắng thường được nhắc đến nhiều nhất là "vai trò chính trị của ngài trong việc đánh đổ chủ nghĩa cộng sản".

Những điều ít được biết về Vatican

Bên cạnh loạt bài về các giáo hoàng vĩ đại, còn có bài viết về sự tồn tại thực sự hay tưởng tượng của "Gioan, nữ giáo hoàng gây chấn động", hay "Tòa Thánh Vatican, một nhà nước có tổ chức kém cỏi nhất thế giới".

Một bài viết đáng chú ý khác là "Các nhà ngoại giao mang cổ áo La Mã", nói về một số thành tích ngoại giao của Tòa Thánh Vatican, mà gần đây nhất là thành công trong việc giúp Cuba và Hoa Kỳ xích lại gần nhau.

Điểm lý thú là L’Express đã tóm lược phương châm hành động của nền ngoại giao Vatican trong ba chữ D theo tiếng Pháp : Discrétion, tức là kín đáo, Détermination, tức là kiên trì, và Dialogue, tức là đối thoại.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 555 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)