Nạn buôn người không bị trừng phạt vẫn phổ biến (RFI, 07/01/2019)
Hôm 07/01/2019, Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo bày tỏ lo ngại về các tội phạm buôn người cho các đường dây bóc lột tình dục, lấy nội tạng trên thế giới đa phần vẫn không bị trừng phạt.
Phụ nữ và trẻ em Iraq trong một trại tị nạn ở Hammam al-Alil, phía tây Mosul, tháng 04/2017 - CHRISTOPHE SIMON / AFP
Báo cáo của Cơ Quan Liên Hiệp Quốc chống Ma túy và Tội phạm (ONUDC), trụ sở tại Vienna ghi nhận, mặc dù gần đây các bản án liên quan đến tội phạm buôn người ở Châu Phi và Trung Đông tăng nhiều, nhưng ở phần còn lại thế giới số án phạt như vậy vẫn còn rất ít, chưa có nhiều tội phạm buôn người được đưa ra xét xử. Trong khi đó, số lượng các nạn nhân tiếp tục tăng.
Văn kiện Liên Hiệp Quốc kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để đưa các mạng lưới tội phạm buôn người ra xét xử trước công lý.
Báo cáo tổng hợp các dữ liệu cho đến năm 2016 cho thấy phổ biến nhất là nạn buôn bán phụ nữ để bóc lột tình dục, chiếm 59% số nạn nhân được thống kê trong năm 2016. Trong đó, đặc biệt là các phụ nữ của các sắc tộc thiểu số bị bán làm nô lệ tình dục cho các nhóm thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq.
Lao động cưỡng bức là hình thái phổ biến thứ hai của nạn buôn người. Con số nạn nhân chiếm 1/3, chủ yếu tại Châu Phi và Trung Đông.
Từ 2014 đến 2017, báo cáo của Liên Hiệp Quốc thu thập được 100 trường hợp nạn nhân của tệ buôn người lấy nội tạng. Các trại tị nạn là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tội phạm này.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhân 70% nạn nhân của tệ buôn người bị phát hiện là phụ nữ và 23% các nạn nhân là trẻ vị thành niên. Ở khu vực Châu Á, chủ yếu là nạn buôn bán phụ nữ cho mục đích cưỡng ép hôn nhân.
ONUCD đưa con số 25 nghìn nạn nhân trong năm 2016, tức tăng 10 nghìn người từ năm 2011, đa phần ở Châu Mỹ và Châu Á.
Anh Vũ
****************
Nhật Bản, thị trường yêu thích nhất của lao động Việt năm 2018 (VOA, 07/01/2019)
Nhật Bản đã trở thành điểm đến ưa thích nhất của công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam trong năm 2018, sau 5 năm ở vị trí thứ hai sau Đài Loan.
Kyodo dẫn nguồn từ chính phủ Việt Nam đưa tin như vậy hôm 4/1.
Tin cho hay, số người Việt tới "xứ sở mặt trời mọc" đã lên tới gần 143 nghìn người năm ngoái, và vị trí số 2 là Đài Loan với hơn 60 nghìn người sau đó là Hàn Quốc ở vị trí thứ ba với hơn 6 nghìn 500 người.
Hãng tin trên nói thêm rằng con số người Việt tới Nhật làm việc đã tăng mạnh kể từ năm 2014.
Kyodo cho biết rằng tại Nhật, Việt Nam được coi là một thị trường cung cấp lao động lớn sau khi chính quyền Tokyo chuẩn bị nhận thêm công nhân nước ngoài từ tháng Tư năm nay để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động.
Một năm trước, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, "Đài Loan và Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam".
Một báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam cho biết một công nhân Việt Nam có mức thu nhập trung bình từ 1.000 - 1.200 đôla mỗi tháng ở Nhật và Hàn Quốc, theo truyền thông trong nước.
Với mức lương này, công nhân Việt Nam đã có mức thu nhập từ lao động ở nước ngoài cao mức kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2017.
Cũng theo báo cáo này, công nhân Đài Loan và Trung Đông có mức thu nhập thấp hơn, lần lượt là 700 - 800 đôla/tháng và 400 - 600 đôla/tháng.
Mới đây, Đài Loan là nơi hơn 100 du khách Việt Nam "biến mất" và nay chính quyền hòn đảo này đã phải treo thưởng để tìm cách bắt lại những người có thể là nạn nhân của những kẻ buôn người.
*******************
101 du khách Việt Nam vẫn mất tích ở Ðài Loan(VOA, 07/01/2019)
47 du khách Việt Nam mất tích sau khi nhập cảnh Ðài Loan hồi tháng trước đã bị nhà chức trách bắt giữ.
(Ảnh của hãng tin Đài Loan CNA)
Focus Taiwan hôm 7/1 loan tin rằng 47 người bị bắt giữ này nằm trong số 148 du khách Việt Nam biến mất khỏi các nhóm du lịch không lâu sau khi nhập cảnh Ðài Loan.
Cục Di dân Ðài Loan (NIA) hôm thứ Hai 7/1 cho biết nhóm chuyên án của cơ quan này tiếp tục truy tìm 101 người của bốn nhóm du khách Việt Nam đến đảo quốc này hôm 21 và 23 tháng 12.
NIA trước đó nói rằng 152 trong tống số 153 người đến Ðài Loan du lịch đã mất tích, nhưng sau đó xác nhận tung tích của bốn du khách trong số này.
Các du khách Việt Nam này đến Ðài Loan theo chương trình nới lỏng thủ tục xin thị thực. Chương trình này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015, miễn phí visa cho các đoàn du lịch có ít nhất 5 người đến từ Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Brunei. Du khách được miễn chứng minh tài chính nếu đi theo nhóm du lịch được do các công ty du lịch được Cục Du lịch Đài Loan cấp phép tổ chức.
Các nguồn tin từ Việt Nam nói rằng một số người Việt phải trả từ 20.000 Đài tệ (khoảng 650 đôla) cho tới 70.000 Đài tệ để có tên trong các nhóm du lịch đến Ðài Loan.
Hãng tin Focus Taiwan dẫn lời Cục Du lịch Đài Loan hôm 26/12 cho biết 409 trong tổng số 566 du khách nước ngoài đến Đài Loan theo chương trình nới lỏng thủ tục xin thị thực và trốn mất là du khách Việt Nam.
Theo VnExpress, Đài Loan đã giảm số ngày lưu trú đối với du khách Việt Nam từ 30 ngày xuống 14 ngày và Cục Du lịch Đài Loan đã đề nghị ngừng cấp visa cho các đoàn du khách Việt Nam sau vụ 148 du khách biến khỏi đoàn du lịch. Tuy nhiên, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho biết vẫn cấp visa cho khách đoàn nhưng siết chặt quản lý sau khi nhập cảnh.
Người nước ngoài nhập cảnh Ðài Loan không có giấp tờ hợp lệ có thể bị phạt đến 90.000 Đài tệ (khoảng 2.900 đôla) và 3 năm tù. Cơ quan di trú khuyến cáo những ai chứa chấp người vi phạm có thể bị tù đến 2 năm.
(Theo Focus Taiwan, AP, VnExpress)