Giới đầu tư Trung Quốc tháo chạy khỏi Thung lũng Silicon (VOA, 07/01/2019)
Các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm kiểm soát sự tiếp cận của Trung Quốc đối với ngành công nghệ của Mỹ đã ngăn chặn nguồn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ, theo hãng tin Reuters.
Bản đồ Thung lũng Silicon, bang California, Hoa Kỳ.
Theo Công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group có trụ sở ở New York, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc trong các dự án khởi nghiệp vào năm ngoái tăng đến 3 tỷ đôla, khi ấy các nhà đầu tư và các công ty công nghệ ồ ạt tranh giành các giao dịch làm ăn tại Mỹ.
Thế nhưng kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra một quy chế mới vào tháng 8/2018 thì tình hình đã thay đổi. Theo kết quả khảo sát mà Reuters đã thực hiện với 35 công ty, các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ đã chững lại.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành một dự luật mới, gia tăng thẩm quyền của chính phủ để ngăn chặn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty của Hoa Kỳ, bất kể nhà đầu tư có xuất xứ từ nước nào. Nhưng Tổng thống Trump đặc biệt lên tiếng về việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược của Hoa Kỳ.
Trong khi bộ quy tắc mới vẫn đang được hoàn thiện, thì các nhà đầu tư công nghệ cho biết việc rút lui cũng đang diễn ra.
Luật sư Nell O’Donnell, người đại diện cho các công ty công nghệ Hoa Kỳ giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài, cho biết : "Các thỏa thuận liên quan đến các công ty Trung Quốc, khách hàng Trung Quốc, và các nhà đầu tư Trung Quốc gần như đã chững lại".
Các luật sư nói với Reuters rằng họ đang điều chỉnh các điều khoản hợp đồng để được Washington chấp thuận. Các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm các công ty đại gia đình, đã từ bỏ các giao dịch và ngừng tham gia các cuộc họp với các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, một số doanh nhân khác lo ngại việc phê duyệt kéo dài của chính phủ Mỹ có thể làm mai một các nguồn lực và động lực của họ trong một lĩnh vực mà tốc độ tiếp cận thị trường nhanh là rất quan trọng.
Một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon nói với Reuters rằng ông biết có đến ít nhất 10 giao dịch đã bị rút, trong đó có một số công mà công ty của ông có mua cổ phần, họ hủy giao dịch vì cần phải có sự chấp thuận từ nhóm liên ngành chính phủ được gọi là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS). Ông từ chối cho Reuters nêu tên vì sợ gây ra tác động tiêu cực cho các công ty khách hàng của mình.
CFIUS là một cơ quan liên nghành của chính phủ được giao nhiệm vụ phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và rủi ro cạnh tranh.
Từ trước đến nay, các nhà đầu Trung Quốc luôn đi đầu trong ngành công nghệ được coi là quan trọng đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu và sức mạnh quân sự. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua cổ phần của các công ty phi mã như Uber Technologies Inc và Lyft, cũng như các công ty có công nghệ nhạy cảm hơn bao gồm công ty mạng trung tâm dữ liệu Barefoot Networks, công ty xe ôtô tự lái Zoox và công ty nhận dạng giọng nói AISense.
Ông Reid Whitten, một luật sư của công ty Sheppard Mullin, nói rằng trong số 6 công ty mà ông gần đây đã tư vấn để có được sự chấp thuận của CFIUS, thì chỉ có 2 công ty tiếp tục nộp hồ sơ. Những công ty khác đã từ bỏ giao dịch của họ hoặc vẫn đang xem xét liệu có nên tiếp tục hay không.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã áp thuế nhập khẩu trị giá hàng tỷ đôla đối với hàng hóa của nhau. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đang xem xét một sắc lệnh để cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông do hai công ty Trung Quốc Huawei và ZTE sản xuất, mà chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc các công ty này hoạt động gián điệp.
*************************
Moskva đòi Mỹ giải thích vụ FBI bắt giữ một công dân Nga (RFI, 06/01/2019)
Bộ Ngoại giao Nga hôm 05/01/2019 yêu cầu Hoa Kỳ giải thích về vụ FBI đã bắt giữ công dân Nga Dmitri Makarenko hồi cuối tháng 12/2018, một ngày sau khi Paul Whelan, một cựu quân nhân thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ bị câu lưu tại Moskva hôm 28/12 vì bị nghi làm gián điệp.
Saipan, thủ phủ quần đảo Bắc Mariana (Northern Mariana Islands). Ảnh minh họa - Wikipedia
Hãng tin Anh Reuters cho biết : Theo tài liệu mà một tòa án Florida nhận được, hồi năm 2017, Makarenko đã bị tố cáo tìm cách bán các trang thiết bị quốc phòng của Mỹ sang Nga, dù không được nhà chức trách Hoa Kỳ. cho phép
Từ Moskva, thông tín viên RFI Étienne Bouche cho biết thêm chi tiết :
"Việc FBI bắt giữ công dân này của Nga đã được Bộ Ngoại giao xác nhận vào ngày thứ Bảy (hôm qua). Người đàn ông bị bắt tên là Dmitri Makarenko, sinh năm 1979. Công dân Nga bị bắt tại quần đảo Bắc Mariana, khi máy bay vừa hạ cánh. Quần đảo Bắc Mariana thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ và nằm ở phía bắc đảo Guam, gần Philippines.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, Makarenko khi đó đi cùng vợ, các con và cha mẹ. Bộ Ngoại giao khẳng định đại sứ quán Nga ở Washington nhận được tin báo từ người thân của Makarenko, chứ không phải từ an ninh Mỹ. Lý do vụ bắt giữ Makarenko không được nêu rõ trong thông cáo.
Người đàn ông này đã được đưa đến Florida. Moskva tố cáo Washington vi phạm luật lệ về trợ giúp lãnh sự mà theo đó lẽ ra Makarenko phải được hưởng muộn nhất là vào ngày 02/01. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ đã "lơ là" trong việc thực hiện "các nghĩa vụ quốc tế".
Vụ bắt giữ Makarenko là một trong những nguyên nhân khiến hai nước thêm căng thẳng. Quan hệ Nga - Mỹ vốn đã xấu đi vì nhiều lý do, trong đó có các vụ gián điệp".
Thùy Dương