Cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine đã hơn hai năm rưỡi. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Moskva không thể tiếp tục chiến tranh nếu không có hậu thuẫn của Bắc Kinh. Phương Tây liên tục kêu gọi Trung Quốc ngừng bán cho Nga hàng "lưỡng dụng", có thể dùng cho quân sự. Tuy nhiên hợp tác không dừng ở đó. Đầu tháng 9/2024, lần đầu tiên Washington cáo buộc Bắc Kinh hậu thuẫn quân sự trực tiếp. Một số chuyên gia cho rằng Trung – Nga đang hướng đến một liên minh quân sự không chính thức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, 16/05/2024. AP - Sergei Bobylev
Ngày 10/09/2024, trong một cuộc trao đổi với báo giới, thứ trưởng ngoại giao Mỹ, Kurt Campbell, đã cáo buộc Trung Quốc trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương cho Nga "ở quy mô lớn" để giúp Nga tiếp tục cuộc chiến chống Ukraine. Nhân vật số hai của bộ ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đây không phải là các hàng hóa "lưỡng dụng" (như các linh kiện điện tử), mà là các phương tiện "trực tiếp phục vụ cho cỗ máy chiến tranh của Nga". Tuyên bố được ông Kurt Campbell đưa ra sau cuộc họp với các đồng nhiệm trong Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, theo nhật báo Anh Financial Times.
Lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Bắc Kinh trực tiếp hỗ trợ Moskva vũ khí
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cũng cho biết là để đổi lại các viện trợ quân sự trực tiếp của Trung Quốc, Nga đã bắt đầu trao cho Bắc Kinh nhiều công nghệ quân sự tân tiến liên quan đến tàu ngầm, tên lửa và một số lĩnh vực khác. Ông Kurt Campbell nói rõ là phía Mỹ "đã ghi nhận những nỗ lực phối hợp ở cấp cao nhất của chính quyền hai bên nhằm che giấu một số yếu tố trong hợp tác gây lo ngại này". Sự thay đổi nói trên của Nga là rất đáng chú ý, bởi theo thứ trưởng ngoại giao Mỹ, trước đây Nga vốn rất lưỡng lự trong việc cung cấp các công nghệ như vậy, còn giờ đây ngược lại đã có một chủ trương mạnh mẽ trong việc này.
Mục tiêu của thứ trưởng ngoại giao Mỹ khi nêu bật vấn đề hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Nga đánh đổi lấy các công nghệ vũ trang tân tiến của Moskva tại Bruxelles là nhằm đánh động trước hết Châu Âu về "tác động rất lớn của việc này đối với tiềm lực quân sự của Trung Quốc và lực lượng Trung Quốc triển khai tại vùng phía tây Thái Bình Dương". Nhà báo Pierre-Antoine Donnet, chuyên về Trung Quốc và chính trị châu Á, trong một bài phân tích trên trang mạng Asialyst, đặc biệt chú ý đến việc thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã sử dụng cụm từ "fundamental alignment" (tạm dịch là "hướng đến quan hệ liên minh sâu sắc") để nói về quan hệ Trung – Nga hiện tại, thay vì chỉ là "một liên minh chiến thuật".
Công nghệ tàu ngầm Nga giúp Trung Quốc đối đầu với Mỹ ở Thái Bình Dương
Theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet, cho đến nay Bắc Kinh khăng khăng bác bỏ mọi hỗ trợ giúp Nga tiến hành xâm lăng Ukraine, chưa nói đến hỗ trợ quân sự trực tiếp, và Trung Quốc liên tục khẳng định là "hoàn toàn trung lập" trong xung đột Nga-Ukraine, thậm chí còn đề nghị đóng vai trò trung gian cho các thương lượng giữa Moskva và Kiev tìm giải pháp hòa bình. Trên thực tế, Bắc Kinh là bên được hưởng "những khoản lợi khổng lồ" từ cuộc chiến này, cụ thể như mua được dầu khí của Nga với giá rất rẻ. Chiến tranh càng kéo dài, Trung Quốc càng được lợi.
Nhà báo Pierre-Antoine Donnet nhấn mạnh là tuyên bố chưa từng có của một quan chức cao cấp Mỹ về hợp tác quân sự Trung – Nga ngày càng mật thiết nói trên cho thấy điều này không chỉ làm "thay đổi tương quan lực lượng tại Ukraine, mà cả trên phạm vi toàn cầu, theo một số chuyên gia quân sự".
Nga có thể thiếu hụt vũ khí và đạn dược trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine, nhưng tiềm lực về công nghệ quân sự tân tiến của Nga về tên lửa đạn đạo và tàu ngầm hạt nhân là điều Trung Quốc thèm muốn. Theo một số chuyên gia Mỹ, Quân đội Trung Quốc mới đây đã nhận được hỗ trợ từ Nga để hoàn thiện tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa Type 096, di chuyển ít gây tiếng ồn hơn, nên khó phát hiện hơn. Viện nghiên cứu về hàng hải Trung Quốc CMSI (China Maritime Studies Institute) của Mỹ dự đoán tàu ngầm Type 096 đi vào hoạt động vào cuối thập niên 2020 hoặc đầu 2030 sẽ có "nhiều tính năng công nghệ vượt trội" so với các đời tàu ngầm thế hệ trước.
Ngoài khả năng "tàng hình", tàu ngầm Type 096 - với vận tốc cao hơn, hoạt động độc lập dài hơn, được trang bị tên lửa hạt nhân liên lục địa JL3 có thể tấn công nước Mỹ - "có khả năng làm thay đổi cán cân lực lượng Trung – Mỹ tại Thái Bình Dương", theo chuyên gia Emma Salisbury, thuộc viện tư vấn Council on Geostrategy Anh quốc.
Nga – Trung liên tục tập trận quy mô lớn
Các cuộc tập trận lớn Nga – Trung diễn ra thường xuyên cũng được các nhà quan sát ghi nhận như một dấu hiệu cho thấy Nga – Trung siết chặt hợp tác quân sự. Ngày 12/09, hai bên tiến hành cuộc tập trận hải quân lớn quy mô toàn châu lục Á – Âu mang tên Ocean 2024. Địa bàn tập trận bao gồm Thái Bình Dương, Bắc Cực, Địa Trung Hải, biển Caspi và biển Baltic. Cuộc tập trận Ocean 2024 được một số phương tiện truyền thông Mỹ mô tả như là quan trọng nhất của Nga từ khi Liên Xô tan rã.
Tham gia tập trận về phía Nga có 120 phi cơ và trực thăng, 400 tàu chiến, tàu ngầm cùng 90.000 binh sĩ, nhân viên. Trung Quốc cử ba chiến hạm và 15 phi cơ. Cuộc tập trận kéo dài 6 ngày đã được mở ra tại Biển Nhật Bản. Theo thông cáo chung Nga – Trung, lý do tổ chức tập trận tại đây là nhằm "bảo vệ tốt hơn các hoạt động kinh tế ở khu vực", ngụ ý chống lại các đe dọa từ Mỹ và các đồng minh.
Hợp tác với Nga gia tăng khiến Trung Quốc hung hãn hơn ở Biển Đông ?
Sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, được Nga hậu thuẫn về công nghệ, gây lo ngại. Nhà báo Pierre-Antoine Donnet ghi nhận cùng lúc với đà hợp tác quân sự ngày càng mật thiết với Nga, Trung Quốc đang trở nên hung hãn hơn trong các tranh chấp ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền với gần 90% diện tích, yêu sách bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ trong phán quyết năm 2016.
Ngày 12/09 tại diễn đàn an ninh Hương Sơn, ở Bắc Kinh, với hơn 90 nước tham gia, trung tướng Trung Quốc Hà Lô (He Lei) đe dọa : Quân đội Trung Quốc kiên quyết đè bẹp các lực lượng "xâm phạm chủ quyền", bất kể của Mỹ hay nước nào.
Biến Nga thành "công cụ" trong cuộc chiến chống phương Tây
Việc Trung Quốc hướng đến một liên minh quân sự với Nga đang ngày càng hiện rõ là điều dường như đã ít được giới chuyên gia phương Tây tiên liệu là ghi nhận của nhà nghiên cứu Joséphine Staron, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, thuộc viện tư vấn Synopia, được nhà báo Pierre-Antoine Donnet dẫn lời.
Nhà báo Pháp cũng chú ý đến nhận định của nhà địa chính trị học Callum Fraser, thuộc viện RUSI - Royal United Services Institute, Anh Quốc. Vị chuyên gia này lưu ý nhiều hơn đến một khía cạnh khác của mối quan hệ ngày càng được coi là mang tính liên minh quân sự này. Đó là cuộc xâm lăng Ukraine của Nga không chỉ giúp Trung Quốc "khai thác những điểm yếu của kinh tế Nga", mà cuộc chiến tranh này còn là một cơ hội giúp Trung Quốc "làm suy yếu quyết tâm của phương Tây, làm kiệt quệ các nguồn lực của NATO. Và, xét đến cùng Putin – với giấc mơ phục thù Nga – đang biến đất nước này trở thành một công cụ cho nước láng giềng phương Đông đầy tham vọng và bất khả tín (tức Trung Quốc)" (1).
Trọng Thành
(1) "Russia and China : The True Nature of their Cooperation" (Bản chất của hợp tác Nga – Trung), trang mạng Viện RUSI, ngày 07/06/2024)
Gấu trúc Trung Quốc và gấu Nga trong điệu vũ chống phương Tây
Le Point cho rằng Pháp chỉ hoài công khi trông cậy vào Tập Cận Bình để thuyết phục Vladimir Putin xuống thang trong hồ sơ Ukraine, vì gấu trúc panda và gấu Nga đang cùng nhảy điệu luân vũ chống lại phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trong lễ kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao tại Bắc Kinh, ngày 16/05/2024. AP - Sergei Guneyev
Việt Nam : Đấu tranh quyền lực sẽ còn gay cấn cho đến đại hội đảng
Trước hết liên quan đến Việt Nam, The Economist nhận thấy "Những người cộng sản đang nắm quyền lo giành những chức vụ cao nhất". Tuần báo Anh nhận định chức chủ tịch nước của ông Tô Lâm không phải là quyền lực nhất, vì tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới là người nắm quyền, tuy nhiên quan trọng trong đối ngoại. Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến Hà Nội được sau chuyến thăm Trung Quốc vì chiếc ghế chủ tịch nước lúc đó bỏ trống. Đây cũng là vị trí để hy vọng lên tổng bí thư. Ông Trọng lãnh đạo đã ba nhiệm kỳ, sẽ rời chức vụ trong đại hội đảng năm 2026, nếu tình trạng sức khỏe cho phép ông ngồi đến lúc đó.
Người phó của ông Tô Lâm được giao tạm quyền lãnh đạo Bộ Công an, cho đến khi tìm được người thay thế ở Bộ Chính trị. Theo The Economist, có thể ông Tô Lâm là người đã hất cẳng ông Võ Văn Thưởng. Nếu một trong những người của Tô Lâm lên làm bộ trưởng công an, quyền hành của ông càng thêm vững chắc. Nhưng theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp của Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore, nếu Tô Lâm lên tổng bí thư có thể biến Việt Nam thành một Nhà nước công an, đe dọa sự sống còn của chính đảng cộng sản, phá vỡ khái niệm đồng thuận.
Còn nếu ngược lại, bộ trưởng công an là người của phe khác, bản thân ông Tô Lâm có nguy cơ trở thành mục tiêu của việc "đốt lò". Dù sao đi nữa, công an nằm trong số những định chế tham nhũng nhất Việt Nam, và người thân của ông Tô Lâm, cũng như các quan chức cao cấp khác, đều dính dáng đến các vụ làm ăn. Chẳng hạn người em trai của Tô Lâm có nguồn lợi trong ngành địa ốc, năng lượng và giao thông. Nếu ông bị cáo buộc tham nhũng vì những vụ trong quá khứ, thượng tầng sẽ lại rung chuyển.
Nói cách khác, chống tham nhũng và đấu tranh quyền lực sẽ càng dữ dội hơn, ít nhất là đến đại hội đảng, đặc biệt nếu sức khỏe ông Trọng xấu đi trước đó. Các công ty ngoại quốc đang tận dụng bùng nổ đầu tư tại Việt Nam có lý do để lo ngại, không phải vì sợ thay đổi đường lối kinh tế mà chủ yếu là do các dự án được duyệt rất chậm.
Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un gia tăng hành quyết để kiểm soát
Tại một quốc gia Châu Á khác là Bắc Triều Tiên, Courrier International giải thích "Kim Jong-un tổ chức chính sách khủng bố như thế nào". Tuần báo Pháp dịch lại tờ Mainichi Shimbun ở Tokyo thuật lại lời một quan chức đã đào thoát nhận định, nhà lãnh đạo tối cao do không có cơ sở vững chắc trong chính quyền, siết chặt kiểm soát người dân thông qua các vụ hành quyết.
Cựu quan chức an ninh, tạm gọi là ông Choe, bỏ trốn sang Hàn Quốc tị nạn từ năm 2019, đã trả lời độc quyền Mainichi Shimbun tại Seoul vào cuối tháng Hai. Đây là bằng chứng hiếm hoi về tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây. Nếu trước đây án tử hình dành cho tội sát nhân hay những trọng tội khác, thì nay áp dụng rộng rãi hơn theo các "sắc lệnh" được niêm yết trên đường phố. Chẳng hạn đánh cắp cáp điện thoại, ăn trộm hay giết gia súc… Đối với tù chính trị, những vụ hành quyết thường diễn ra trong bí mật để tránh gây xúc động.
Vào tháng Giêng năm nay, Kim Jong-un hủy bỏ khái niệm "thống nhất", "hòa giải" với Hàn Quốc, gây sốc cho dân chúng. Dù mục tiêu này là xa vời, nhưng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc cùng chung văn hóa. Hồi năm 1960 rồi 1980 Kim Il-sung từng đề nghị thống nhất hai nước Triều Tiên theo hệ thống liên bang. Năm 2000, Kim Jong-il đã gặp tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung để ký kết tuyên bố chung ngày 15/06 trong đó có mục tiêu thống nhất hai miền nam bắc trên cơ sở liên bang. Có nhiều giải thích cho sự thay đổi của Kim Jong-un : mặc cảm người mẹ sinh tại Nhật và có cha mẹ người Hàn Quốc, thất bại trong cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump ở Hà Nội…
Trung Quốc và Nga đang trong tuần trăng mật
Liên quan đến hồ sơ Ukraine, Le Point cho rằng Pháp chỉ hoài công khi trông cậy vào Tập Cận Bình để xoa dịu Vladimir Putin, vì gấu trúc Panda và gấu Nga đang cùng trong một điệu vũ chống lại phương Tây. Cả hai đang trải qua tuần trăng mật hoàn hảo. Tập Cận Bình ôm vai Vladimir Putin thắm thiết khi đón tiếp ở Bắc Kinh vào giữa tháng 5 – một cách làm bỉ mặt Emmanuel Macron.
Chưa đầy một tuần lễ sau khi được tổng thống Pháp tiếp đón long trọng, ông ta bất chấp đòi hỏi của Paris và các nước khác về việc dùng ảnh hưởng của mình để kềm lại Putin ở Ukraine. Trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ, Tập đã chọn Putin làm đối tác. Bắc Kinh và Moskva sóng đôi hơn bao giờ hết kể từ thời Stalin và Mao. Putin vừa gặp Tập đến lần thứ 43 ! Cả hai có cùng một tầm nhìn về thế giới với ý đồ đế quốc, thù ghét Mỹ và muốn bảo vệ cách cai trị độc tài không bị dân chủ lây sang. Họ tin rằng phương Tây đang suy tàn, giờ đây là thời cơ của mình.
Đối với Tập Cận Bình, chiến tranh Ukraine là một món quà từ trên trời rơi xuống. Cuộc chiến này bộc lộ những hạn chế của phương Tây và khiến Hoa Kỳ không thể tập trung sức mạnh để hướng về Châu Á, nhờ đó Trung Quốc có được thời gian quý giá để tăng cường quân đội. Bắc Kinh còn mua được dầu khí với giá rẻ mạt, vì Putin không thể bán cho Châu Âu được nữa, đồng thời đẩy nước Nga vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Moskva cam phận chư hầu, Bắc Kinh gây rối thế giới : Phương Tây không còn ảo tưởng
Lâu nay phương Tây vẫn tin rằng Nga quá kiêu hãnh để có thể chấp nhận làm chư hầu cho Trung Quốc. Dưới thời Stalin, Mao phải đóng vai đàn em. Xưa nay phương Tây vẫn bám vào hy vọng là Đảng cộng sản Trung Quốc lo duy trì sự ổn định để làm ăn hơn là gây rối loạn thế giới. Giờ đây cả hai ảo tưởng trên đều tan biến. Bởi vì nếu đạn pháo bắn vào Ukraine là của Bắc Triều Tiên, các drone của Iran, chính Trung Quốc là nước chủ chốt đóng góp vào việc chuyển đổi nền kinh tế Nga thành một cỗ máy chiến tranh.
Chính Trung Quốc xuất khẩu sang Moskva hàng loạt thiết bị lưỡng dụng : chất bán dẫn, kính ngắm, công nghệ viễn thông, radar… Cũng chính Trung Quốc giúp Nga né tránh cấm vận Mỹ. Năm 2023, buôn bán đôi bên đạt kỷ lục 240 tỉ đô la, tăng 60% so với trước chiến tranh, Trung Quốc thay chân Châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Moskva.
Tập Cận Bình không muốn tình hình xấu đi đến nỗi phải sử dụng vũ khí nguyên tử hay đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây. Nhưng ông ta cũng không có lợi gì nếu cuộc xung đột nhanh chóng chấm dứt. Niềm vui sướng nhất của ông Tập là nhìn thấy Putin ảo tưởng đang tái lập vị thế đại cường của Nga, trong khi chính Trung Quốc mới là kẻ thống trị.
Tổng thư ký NATO đề nghị không "trói tay" Ukraine
Cũng về Ukraine, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trên The Economist kêu gọi các nước đồng minh nên dỡ bỏ các hạn chế, cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tấn công các mục tiêu hợp pháp trên lãnh thổ Nga để có thể tự vệ hiệu quả. Ông tuyên bố đã đến lúc nới lỏng một số quy định đã áp đặt, nhất là hiện nay các trận đánh đang diễn ra ở Kharkiv gần biên giới. "Đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine. Ukraine có quyền tự vệ, kể cả tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga". Các nhà phân tích ghi nhận đã nhiều lần Mỹ từ chối cấp những vũ khí mà Kiev đang cần khẩn cấp, để rồi vài tháng sau lại đồng ý : từ rốc-kết đa nòng Himars, xe tăng Abrams cho đến chiến đấu cơ F-16, hỏa tiễn đạn đạo ATACMS.
Kremlin thanh trừng hàng loạt tướng trong quân đội
Về tình hình nội bộ Nga, các báo Le Monde, Le Figaro cuối tuần, Courrier International đều chú ý đến việc hàng loạt sĩ quan cao cấp trong quân đội bị thanh trừng, sau khi cách chức bộ trưởng quốc phòng Shoigu. Nạn nhân mới nhất là tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng quân đội, bị tạm giam vì nhận hối lộ đặc biệt quan trọng, có nguy cơ lãnh án đến 15 năm tù giam.
Vladimir Verteletski, phụ trách hậu cần Bộ Quốc phòng bị bắt vì cáo buộc tương tự. Trước đó một hôm, tướng Ivan Popov bị tạm giam vì tội gian lận. Tướng lãnh này nổi tiếng vì chỉ trích những sai lầm của bộ tham mưu trong chiến dịch Ukraine, được yêu mến vì quan tâm đến binh sĩ. Trường hợp hai tướng Shamarin và Popov cho thấy chiến dịch bắt bớ đã rời khỏi Bộ Quốc phòng để mở rộng ra cả bộ tham mưu và sĩ quan cao cấp, bắt đầu từ vụ câu lưu bất ngờ thứ trưởng Timur Ivanov phụ trách các dự án đại quy mô như tái thiết Mariupol, cùng với giám đốc nhân sự Yuri Kuznetsov và nhiều đối tác dân sự của hai người này.
Làn sóng bắt bớ bao giờ dừng lại ? Với việc viên phó bị bắt, Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng quân đội từ 2012 và là người chịu trách nhiệm về "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine có thể cảm thấy bị đe dọa. Gerasimov và Shoigu vốn là một cặp. Tuy bị cách chức bộ trưởng nhưng Shoigu vẫn được giao chức vụ khác. Đối với Vladimir Putin, lòng trung thành là quan trọng nhất, nhưng sự bảo đảm này không dành cho những đối tượng hạng hai như tướng lãnh và viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng. Kremlin dường như muốn hạn chế nạn tham nhũng, ăn cắp trong quân đội, phù hợp với việc bổ nhiệm nhà kinh tế Beloussov để giám sát luồng tài chánh cho kỹ nghệ quốc phòng.
Ngay sau khi tướng Vadim Shamarin bị bắt, báo chí nhà nước nhấn mạnh vợ ông ta đã mua một chiếc Mercedes giá 130.000 euro, cao gấp 4 lần thu nhập chính thức hàng năm của hai vợ chồng. Nhà chính trị học Vladimir Pastukhov nhận xét : "Trong quân đội Nga, các tướng lãnh không ăn cắp cũng hiếm hoi như những người không uống rượu". Putin ngày càng e ngại quân đội, dành ưu tiên cho lực lượng an ninh. Tương tự với nhà chính trị học Ekaterina Schulmann : "Kremlin không thể để cho giới quân sự có quá nhiều quyền lực. Còn về các tướng lãnh được yêu thích thì khó thể dung thứ".
Bàn tay Azerbaijan phía sau bạo loạn ở Tân Calédonie
Về quan hệ giữa Paris và Baku, L'Express tiết lộ chuyện Azerbaijan giựt dây trong cuộc bạo loạn ở Tân Calédonie, nhằm trả đũa việc Pháp ủng hộ Armenia trong chiến tranh Thượng Karabakh. Từ nhiều tháng qua, quốc gia Kavkaz nằm cách hòn đảo trên 13.000 kilomet tạo được ảnh hưởng ngày càng lớn ở lãnh thổ hải ngoại Pháp.
Trong đám đông người Kanak biểu tình, một số mặc áo thun có logo của Nhóm sáng kiến Baku (GIB), một tổ chức phi chính phủ Azerbaijan lập ra bên lề Phong trào không liên kết tháng 7/2023 nhằm "đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân", với Pháp trong tầm ngắm. Chỉ trong 9 tháng, tổ chức non trẻ này đã mở ra 8 hội nghị ở Liên Hiệp Quốc hay tại các nước Châu Âu, mời những đại diện phong trào độc lập tại lãnh thổ hải ngoại Pháp, và phổ biến thông tin trên mạng xã hội.
Giám đốc của GIB Abbas Abbasov, là cựu phó thủ tướng Azerbaijan (1992-2006), vừa công khai tuyên bố ủng hộ người Kanak. Tuần trước hôm 16/05 Nhóm sáng kiến Baku tổ chức một hội nghị video với sự tham gia của phe đòi độc lập tại quần đảo Polynésie, Guyane, Martinique, Guadeloupe của Pháp, thậm chí cả đảo Corse, để tỏ tình liên đới với người bản địa Tân Calédonie. Hồi tháng 4, một phái đoàn Tân Calédonie do dân biểu Omayra Naisseline dẫn đầu đã đến Baku ký với chủ tịch Quốc hội Azerbaijan một bản ghi nhớ hợp tác, được cho là mưu toan can thiệp của Baku vào chuyện nội bộ Pháp.
Chỉ trong vài phút, 5.000 bài viết liên quan đến Tân Calédonie từ các danh khoản Azerbaijan đã được đăng lên các mạng xã hội - một cung cách sao chép y hệt Nga. Tại Polynésie thuộc Pháp, nhóm đòi độc lập Tavini Huiraatira cũng ký bản ghi nhớ tương tự với Azerbaijan. Ở đảo Corse, khi tổng thống Emmanuel Macron đến thăm hồi tháng 2, các nhà báo Azerbaijan được gởi đến để tuyên truyền đậm về phong trào độc lập Nazione, cường điệu hóa tình hình hòn đảo.
Nam Phi : Cử tri da đen thất vọng
L’Express tuần này đưa chân dung tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên trang bìa với lời khẳng định "Chiến lược của chúng ta là đúng đắn". Le Nouvel Obs đăng lời kêu gọi của 70 chuyên gia, trí thức, nghệ sĩ, dân biểu, nhấn mạnh "Chúng tôi đòi hỏi công lý cho môi trường". Le Point nói về tổng thống Azerbaijan "Ilham Aliev : Nhà độc tài muốn phá rối nước Pháp".
Courrier International dành hồ sơ cho "Nam Phi : Một tương lai để viết ra". Ba mươi năm sau khi chính sách Apartheid kết thúc, đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông Nelson Mandela đã làm dân chúng thất vọng não nề vì quản lý tồi, tham nhũng, điện nước bị cúp liên miên, thất nghiệp… Các chính khách toàn hứa hão, chỉ thấy xuất hiện mỗi khi đến kỳ vận động bầu cử. Đặc biệt các chính khách da đen lại làm cử tri da đen chán nản nhất vì bất tài và chỉ phục vụ cho quyền lợi của chính mình và người thân.
Nghi vấn về cái chết của tổng thống Iran, "đao phủ Teheran"
Tại Trung Đông, Courrier International và The Economist đều đặt nghi vấn về tai nạn trực thăng khiến tổng thống Iran Ebrahim Raissi thiệt mạng hôm 19/05. Quân đội Iran bác bỏ thông tin chiếc trực thăng bị bắn hạ, nói rằng không có vết đạn nào, và không có dấu hiệu gì khả nghi. Tuy nhiên truyền thông Iran nhất là báo chí lưu vong nêu ra những tuyên bố bất nhất của chính quyền, và một số chi tiết khác.
Chẳng hạn một người thân cận của tổng thống trên một trực thăng khác nói rằng thời tiết quang đãng khi cất cánh, và bỗng nhiên chiếc trực thăng của ông Raissi biến mất. Việc tìm kiếm quá chậm chạp trong khi đã liên lạc được với một số người đi cùng trước khi những người này tử vong. Thuyết âm mưu nhanh chóng lan tràn trên mạng xã hội, trong đó những nhân vật như Mojtaba Khamenei, con trai của giáo chủ bị nghi ngờ vì là người hưởng lợi trong cái chết của Raissi.
Trong bài "Kinh cầu hồn cho kẻ tra tấn", Le Nouvel Obs dẫn lời một chính khách Iran so sách Ebrahim Raissi với một "Eichmann thực sự của quốc xã". Một báo cáo của Amnesty International cho biết chi tiết : trẻ em bị sát hại vì đi cùng với cha mẹ biểu tình, người thân bị bắt vì cầu nguyện cho người thân trước mộ… Raissi là một trong những kẻ tra tấn tàn bạo nhất của Cộng hòa Hồi giáo. Cáo buộc trên đây không phải của một tổ chức phi chính phủ phương Tây mà của Ali Montazeri, giáo sĩ ôn hòa, sau khi 30.000 tù chính trị bị hành quyết vô tội vạ năm 1998. Raissi năm đó 27 tuổi, phó chưởng lý, là một trong bốn thành viên của "ủy ban tử thần".
Thụy My
Phương Tây dọa trả đũa nếu Bắc Kinh giao vũ khí cho Moskva để sử dụng trên chiến trường Ukraine, bộ quốc phòng Trung Quốc hôm 30/03/2023 qua lời phát ngôn viên Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) tuyên bố đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga. Quân đội hai nước quyết tâm xây dựng lòng tin, hợp tác chặt chẽ "nhằm thực thi Sáng Kiến An Ninh Toàn Diện" vì "công lý hòa bình và an ninh quốc tế".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga, Vladimir Putin tại điện Kremlin trong chuyến viếng thăm Nga cấp nhà nước. Ảnh ngày 21/03/2023. © Getty Images / AFP / Sergei Karpukhin
Ồn ào phô trương hợp tác quân sự Nga - Trung vào thời điểm này bị coi như một tín hiệu Bắc Kinh thách thức phương Tây vào lúc Hoa Kỳ hàm ý Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, rồi thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và kể từ hôm nay 05/04/2023 tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula Von der Leyen công du Trung Quốc. Các bên kỳ vọng Trung Quốc lên tiếng về chiến tranh Ukraine, thúc giục Moskva chấm dứt chiến tranh.
Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược – FRS của Pháp trước hết đặt phát biểu của ông Đàm Khắc Phi, phát ngôn viên bộ quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc và Nga thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ hiện hữu từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến giờ :
Antoine Bondaz : Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga đã có từ lâu và đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây, kể cả trong lúc mà chiến tranh Ukraine đang diễn ra. Thí dụ như đôi bên đã tập trận chung ngay tại khu vực Châu Âu ở các vùng biển Baltic và Địa Trung Hải. Hải quân hai nước huy động nhiều phương tiện, cả máy bay ném bom trong các đợt thao diễn trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phát biểu của ông Đàm Khắc Phi cho thấy Bắc Kinh không bày tỏ lập trường về Ukraine mà chỉ nhằm nhắc nhở quốc tế rằng cho dù Nga khởi động chiến tranh, nhưng Trung Quốc vẫn muốn đẩy mạnh hợp tác song phương. Lời lẽ này khiến các nước trong vùng Ấn Độ -Thái bBnh Dương và đương nhiên là Châu Âu lo ngại. Cộng đồng quốc tế lo rằng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga ở quy mô lớn, tức là sẽ yểm trợ Moskva về mặt quân sự.
Hơn nữa tuyên bố của phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc được đưa ra ngay sau chuyến công du Nga cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình. Tại Moskva lãnh đạo hai nước đã biểu hiện tình bạn nồng thắm, kể cả trong việc hợp tác quân sự. Nói cách khác Bắc Kinh chứng tỏ Trung Quốc thực hiện những cam kết của ông Tập Cận Bình ở Moskva và sẽ tiếp tục hợp tác với Nga, tăng cường hợp tác quân sự. Điều đó hoàn toàn không nói lên điều gì về khả năng Trung Quốc cấp vũ khí cho Nga hay không. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đã xuất khẩu vũ khí sang Nga nhưng cũng không có gì bảo đảm kịch bản đó không xảy ra trong những tuần lễ sắp tới.
RFI : Phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc có nhắc đến "Sáng Kiến An Ninh Toàn Diện" kế hoạch đó gồm những gì thưa Antoine Bondaz ?
Antoine Bondaz : Một điểm rất quan trọng đối với Trung Quốc là vào tháng 4/2022 phát biểu tại Diễn Đàn Châu Á Bác Ngao, chủ tịch Tập Cận Bình đã trình bày Sáng Kiến An Ninh Toàn Diện. Đây là một trong ba sáng kiến của Bắc Kinh trong những năm gần đây và năm nay, 2023, Bắc Kinh mới vừa thông báo Sáng Kiến về Một Nền Văn Minh Toàn Diện. Kế hoạch chót này còn rất mù mờ. Thế nhưng mục tiêu của Bắc Kinh xoay quanh một ý chính : Trung Quốc là trung tâm của tất cả những sáng kiến đó nhằm tạo dựng lại một thể thức vận hành khác cho thế giới, phục vụ lợi ích của Bắc Kinh.
Riêng về Sáng Kiến An Ninh Toàn Diện, dụng ý của Bắc Kinh là sáng kiến này phải là công cụ để bảo đảm an ninh quốc gia–mà đó mới là cốt lõi trong tầm nhìn Trung Quốc về an ninh. Các chuyên gia và các công trình nghiên cứu của phương Tây chú trọng quá nhiều về hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và các đối tác của Bắc Kinh mà quên mất vế hợp tác an ninh. Hợp tác an ninh có nghĩa là hợp tác giữa công an Trung Quốc với các lực lượng cảnh sát nước ngoài, giữa hải quan Trung Quốc và phần còn lại trên thế giới, giữa cơ quan tình báo của Trung Quốc với lại các nước bạn như là ở Đông Nam Á hay Châu Phi. Nói tóm lại Sáng kiến an ninh nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia về mặt an ninh nhưng với trọng tâm là các bên phải chú trọng đến những trăn trở của Bắc Kinh về mặt an ninh đó.
RFI : Vào lúc tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen đến Bắc Kinh trong một chuyến công du bốn ngày : Châu Âu có thể chờ đợi gì từ phía ông Tập Cận Bình trên hồ sơ Ukraine ?
Antoine Bondaz : Chúng ta chỉ nên có những mong đợi mang tính thực tế, có nghĩa đó là những mong đợi khá hạn chế về những gì mà tổng thống Macron và chủ tịch Von der Leyen có thể đạt được sau cuộc hội kiến với ông Tập. Đồng thời cũng không nên hài lòng với tuyên bố của Bắc Kinh. Thí dụ như Trung Quốc sẽ lên tiếng chống sử dụng vũ khí hạt nhân, chống chiến sự diễn ra sát cạnh khu nhà máy điện nguyên tử … Nhưng Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố như vậy.
Đương nhiên Pháp và Châu Âu không thể làm thay đổi quan điểm của Bắc Kinh trong quan hệ với Moskva nhưng các lãnh đạo Châu Âu cần để Trung Quốc hiểu rằng, nếu như Trung Quốc nhập cuộc, tức là tiếp tay với tổng thống Vladimir Putin đe dọa đến an ninh của Châu Âu, thì Bruxelles sẽ có những biện pháp trả đũa, có thể là trừng phạt Trung Quốc, có thể là tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ. Chắc chắn đó là điều Trung Quốc không mong muốn.
RFI : Xin cảm ơn Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược – FRS của Pháp
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 05/04/2023
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tố cáo Trung Quốc và Nga muốn thống trị thế giới bằng chế độ chuyên chế
Trung Quốc và Nga bị bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin chỉ trích là chỉ biết dùng đến sức mạnh để giải quyết bất đồng, tranh chấp. Phát biểu ngày 19/11/2022 tại Diễn đàn An ninh Quốc tế ở Halifax, Canada, ông Lloyd Austin cũng khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo về luật pháp và những nguyên tắc quốc tế
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax, Canada ngay 19/11/2022. AP - Andrew Vaughan
Theo bộ trưởng quốc phòng Mỹ, được AFP trích dẫn, cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine "cho thấy thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương", cụ thể là "áp lực" của Trung Quốc trong khu vực này. Ông nhấn mạnh : "Bắc Kinh, cũng như Moskva, tìm cách xây dựng một thế giới nơi sức mạnh làm luật, nơi mà các bất đồng được giải quyết bằng sức mạnh và nơi mà các chế độ chuyên chế có thể bóp nghẹt ngọn lửa tự do".
Nói một cách khác, theo ông Austin, "cuộc xâm lược của Nga cho thấy tổng quan về khả năng một thế giới bị chế độ chuyên chế thống trị và những biến động mà không ai trong chúng ta muốn trải qua". Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cảnh báo "sự coi thường luật pháp quốc tế", như trường hợp Nga xâm lược Ukraine, "cổ vũ cho những nước khác thách thức luật pháp và các quy định quốc tế", ý muốn nói đến Trung Quốc.
Những nhận định trên được người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu lên một ngày trước khi bộ quốc phòng Trung Quốc xác nhận thông tin về cuộc họp quốc phòng cấp cao song phương vào ngày 23/11. Ông Lloyd Austin và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phương Hòa sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng tại Cam Bốt.
Theo Reuters, đây là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo quốc phòng kể từ chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 08, khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng. Trước đó, cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Joe Biden và Tập Cận Bình bên lề G20 được cho là dấu hiệu hạ nhiệt đầu tiên.
Thu Hằng
Đó là kết quả cuộc khảo sát do Military Times (tập đoàn truyền thông chuyên phục vụ độc giả là quân nhân và những người quan tâm đến hoạt động quốc phòng của Mỹ) phối hợp với Viện Nghiên cứu về Cựu chiến binh và Gia đình quân nhân của Đại học Syracus (New York), phối hợp thực hiện cách nay hơn một tháng, vừa công bố ngày mùng 7 (1).
Ngày càng nhiều quân nhân hiện dịch cảm thấy không hài lòng về chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ
Có 1.630 quân nhân hiện dịch (phục vụ toàn thời gian) là độc giả thường xuyên của Military Times tham gia khảo sát, trong đó có 92% là đàn ông, 8% là phụ nữ. Nếu tính theo chủng tộc, 78% là da trắng, 14% là công dân Mỹ gốc Hispanic, 13% là công dân Mỹ gốc Châu Phi, 5% là công dân Mỹ gốc Châu Á, 5% còn lại thuộc các chủng tộc khác.
Mẫu khảo sát bao gồm 28 câu hỏi nhằm tìm hiểu quan điểm của các quân nhân hiện dịch cả về bối cảnh chính trị hiện nay tại Mỹ lẫn chính sách và những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ. Vào thời điểm cuối tháng 11 năm 2019, chỉ có 28% tham gia khảo sát tán thành chính sách hiện nay đối với Iran. Tỉ lệ không tán thành khoảng 45%.
Theo nhận định của những người tham gia khảo sát, mức độ nguy hiểm đối với an ninh và lợi ích của Mỹ xếp theo thứ tự từ thấp đến cao là Iraq (chỉ 8%), Afghanistan (khoảng 9%), Syria (khoảng 20%), Bắc Hàn (khoảng 35%), kế đó là Iran (50%). Nguy hiểm hơn cả là Nga (khoảng 68%) và nguy hiểm nhất là Trung Quốc (khoảng 76%).
So sánh kết quả các cuộc khảo sát trước đây và hiện nay, Military Times cho biết, ngày càng nhiều quân nhân hiện dịch cảm thấy không hài lòng về chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ. Tỉ lệ ủng hộ về chính sách đối với Bắc Hàn là ngoại lệ - tăng thêm 1% (từ 33% lên 34%), tương hợp với khuynh hướng chung: Mong muốn chính sách của chính phủ Mỹ tập trung nhiều hơn vào Châu Á, hành xử mạnh mẽ hơn tại đây.
Có một điểm đáng chú ý là ở cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu năm 2018, khoảng 68% quân nhân hiện dịch tin rằng, nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn, Mỹ đủ khả năng kết thúc trong vòng 12 tháng, tuy nhiên ở cuộc khảo sát vừa thực hiện cách nay hơn một tháng, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 51%.
Military Times nhấn mạnh lưu ý, khảo sát được thực hiện trước khi mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng vì cuộc không kích giết Qasem Soleimani, chính phủ Iraq có ý định đầy quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ Iraq vì cuộc tấn công này và hàng ngàn quân nhân Mỹ được điều động đến Trung Đông để bảo vệ các cơ sở ngoại giao, các căn cứ của Mỹ.
***
Hôm 6 tháng 1, Stars And Strips – cơ quan truyền thông của quân đội Mỹ - cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định điều động Lữ đoàn Dù 193 đến Trung Đông. Lữ đoàn này là một trong những đơn vị thuộc lực lượng phản ứng nhanh, trước nay vẫn trú đóng tại Vicenza (Ý) để ứng phó với các biến cố tại Châu Âu, Châu Phi (2).
Ngày 7 tháng 1, Stars And Strips cho biết, "Defender - Europe 20" (cuộc tập trận được xem là lớn nhất giữa Mỹ và các đồng minh ở Châu Âu trong năm nay) có thể sẽ bị xáo trộn đáng kể vì một số đơn vị mà theo dự kiến sẽ góp mặt cho đủ 20.000 quân nhân Mỹ tham gia tập trận cùng các đồng minh tại Georgia (một quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết trước khi tan rã) đã hoặc sẽ được điều động đến Trung Đông (3).
Cũng theo Stars And Strips, do mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng, quân đôi Mỹ đã hủy kế hoạch có tên Hải sư Châu Phi (African Sea Lion) - tập trận với các đồng minh Châu Phi tại Morocco vào cuối tháng này vì một số đơn vị hải quân và Thủy quân lục chiến mà theo dự kiến sẽ tham gia tập trận đã lên đường sang Trung Đông.
Stars And Strips nhận định, mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng đang tác động đáng kể đến ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ : Giảm hoạt động tại Trung Đông, thông qua các cuộc tập trận thắt chặt quan hệ với các quốc gia ở Châu Âu và Thái Bình Dương để kiềm chế, răn đe cả Nga lẫn Trung Quốc.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/01/2020
Chú thích :
(2) https://www.stripes.com/news/europe/173rd-airborne-brigade-troops-to-deploy-to-middle-east-1.613712
Giới đầu tư Trung Quốc tháo chạy khỏi Thung lũng Silicon (VOA, 07/01/2019)
Các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm kiểm soát sự tiếp cận của Trung Quốc đối với ngành công nghệ của Mỹ đã ngăn chặn nguồn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ, theo hãng tin Reuters.
Bản đồ Thung lũng Silicon, bang California, Hoa Kỳ.
Theo Công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group có trụ sở ở New York, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc trong các dự án khởi nghiệp vào năm ngoái tăng đến 3 tỷ đôla, khi ấy các nhà đầu tư và các công ty công nghệ ồ ạt tranh giành các giao dịch làm ăn tại Mỹ.
Thế nhưng kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra một quy chế mới vào tháng 8/2018 thì tình hình đã thay đổi. Theo kết quả khảo sát mà Reuters đã thực hiện với 35 công ty, các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ đã chững lại.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành một dự luật mới, gia tăng thẩm quyền của chính phủ để ngăn chặn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty của Hoa Kỳ, bất kể nhà đầu tư có xuất xứ từ nước nào. Nhưng Tổng thống Trump đặc biệt lên tiếng về việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược của Hoa Kỳ.
Trong khi bộ quy tắc mới vẫn đang được hoàn thiện, thì các nhà đầu tư công nghệ cho biết việc rút lui cũng đang diễn ra.
Luật sư Nell O’Donnell, người đại diện cho các công ty công nghệ Hoa Kỳ giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài, cho biết : "Các thỏa thuận liên quan đến các công ty Trung Quốc, khách hàng Trung Quốc, và các nhà đầu tư Trung Quốc gần như đã chững lại".
Các luật sư nói với Reuters rằng họ đang điều chỉnh các điều khoản hợp đồng để được Washington chấp thuận. Các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm các công ty đại gia đình, đã từ bỏ các giao dịch và ngừng tham gia các cuộc họp với các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, một số doanh nhân khác lo ngại việc phê duyệt kéo dài của chính phủ Mỹ có thể làm mai một các nguồn lực và động lực của họ trong một lĩnh vực mà tốc độ tiếp cận thị trường nhanh là rất quan trọng.
Một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon nói với Reuters rằng ông biết có đến ít nhất 10 giao dịch đã bị rút, trong đó có một số công mà công ty của ông có mua cổ phần, họ hủy giao dịch vì cần phải có sự chấp thuận từ nhóm liên ngành chính phủ được gọi là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS). Ông từ chối cho Reuters nêu tên vì sợ gây ra tác động tiêu cực cho các công ty khách hàng của mình.
CFIUS là một cơ quan liên nghành của chính phủ được giao nhiệm vụ phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và rủi ro cạnh tranh.
Từ trước đến nay, các nhà đầu Trung Quốc luôn đi đầu trong ngành công nghệ được coi là quan trọng đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu và sức mạnh quân sự. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua cổ phần của các công ty phi mã như Uber Technologies Inc và Lyft, cũng như các công ty có công nghệ nhạy cảm hơn bao gồm công ty mạng trung tâm dữ liệu Barefoot Networks, công ty xe ôtô tự lái Zoox và công ty nhận dạng giọng nói AISense.
Ông Reid Whitten, một luật sư của công ty Sheppard Mullin, nói rằng trong số 6 công ty mà ông gần đây đã tư vấn để có được sự chấp thuận của CFIUS, thì chỉ có 2 công ty tiếp tục nộp hồ sơ. Những công ty khác đã từ bỏ giao dịch của họ hoặc vẫn đang xem xét liệu có nên tiếp tục hay không.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã áp thuế nhập khẩu trị giá hàng tỷ đôla đối với hàng hóa của nhau. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đang xem xét một sắc lệnh để cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông do hai công ty Trung Quốc Huawei và ZTE sản xuất, mà chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc các công ty này hoạt động gián điệp.
*************************
Moskva đòi Mỹ giải thích vụ FBI bắt giữ một công dân Nga (RFI, 06/01/2019)
Bộ Ngoại giao Nga hôm 05/01/2019 yêu cầu Hoa Kỳ giải thích về vụ FBI đã bắt giữ công dân Nga Dmitri Makarenko hồi cuối tháng 12/2018, một ngày sau khi Paul Whelan, một cựu quân nhân thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ bị câu lưu tại Moskva hôm 28/12 vì bị nghi làm gián điệp.
Saipan, thủ phủ quần đảo Bắc Mariana (Northern Mariana Islands). Ảnh minh họa - Wikipedia
Hãng tin Anh Reuters cho biết : Theo tài liệu mà một tòa án Florida nhận được, hồi năm 2017, Makarenko đã bị tố cáo tìm cách bán các trang thiết bị quốc phòng của Mỹ sang Nga, dù không được nhà chức trách Hoa Kỳ. cho phép
Từ Moskva, thông tín viên RFI Étienne Bouche cho biết thêm chi tiết :
"Việc FBI bắt giữ công dân này của Nga đã được Bộ Ngoại giao xác nhận vào ngày thứ Bảy (hôm qua). Người đàn ông bị bắt tên là Dmitri Makarenko, sinh năm 1979. Công dân Nga bị bắt tại quần đảo Bắc Mariana, khi máy bay vừa hạ cánh. Quần đảo Bắc Mariana thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ và nằm ở phía bắc đảo Guam, gần Philippines.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, Makarenko khi đó đi cùng vợ, các con và cha mẹ. Bộ Ngoại giao khẳng định đại sứ quán Nga ở Washington nhận được tin báo từ người thân của Makarenko, chứ không phải từ an ninh Mỹ. Lý do vụ bắt giữ Makarenko không được nêu rõ trong thông cáo.
Người đàn ông này đã được đưa đến Florida. Moskva tố cáo Washington vi phạm luật lệ về trợ giúp lãnh sự mà theo đó lẽ ra Makarenko phải được hưởng muộn nhất là vào ngày 02/01. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ đã "lơ là" trong việc thực hiện "các nghĩa vụ quốc tế".
Vụ bắt giữ Makarenko là một trong những nguyên nhân khiến hai nước thêm căng thẳng. Quan hệ Nga - Mỹ vốn đã xấu đi vì nhiều lý do, trong đó có các vụ gián điệp".
Thùy Dương
"Tôi tin rằng chúng ta phải kiên quyết và rõ ràng trong cách tiếp cận với các quốc gia mà lợi ích chiến lược của họ đang ngày càng xung đột với lợi ích của Hoa Kỳ. Rất rõ ràng là cả Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới phù hợp với kiểu mẫu độc đoán của họ… gây thiệt hại cho các nước láng giềng, Hoa Kỳ và đồng minh…".
Đó là một trong những dòng từ lá thư từ chức viết hôm 20/12/2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cảnh báo mối nguy của Trung Quốc và Nga.
Thông báo từ chức của ông James Mattis đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút quân Mỹ ở Syria. Ảnh : Reuters (21/12/2018)
Sau khi nghe tin Mattis từ chức, Konstantin Kosachev, đứng đầu Ủy ban Đối ngoại tại Thượng viện Quốc hội Nga, đã nói rằng : "Sự ra đi của Mattis là một tín hiệu tích cực đối với Nga vì Mattis là người hiếu chiến đối với cả Nga và Trung Quốc hơn là Donald Trump".
Khi được hỏi về quyết định Trump rút quân khỏi Syria, Putin nói : "Về vấn đề này, Donald đã đúng. Tôi đồng ý với ông ta". Cách Putin gọi Trump bằng tên thân mật "Donald" rất hiếm thấy, dường nhưmuốn cho cả thế giới biết mối quan hệ đặc biệt giữa hắn và Trump.
Trong một chương trình truyền hình nhà nước Nga có sự tham gia của các thành viên Quốc hội Nga, người dẫn chương trình Olga Skabeeva, nói : "Mỹ là phe thua cuộc vì Putin đã đánh bại họ bằng mọi cách". Người dẫn chương trình khác là Evgeny Popov, nói thêm : "Trump sẽ lại là người của chúng ta. Quan trọng nhất là các lệnh trừng phạt của Nga đã được Trump gỡ bỏ". Đúng vậy. Bộ Tài chính của chính phủ Trump đã thông báo sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với đế chế kinh doanh của Oleg V. Deripaska, một trong những tập đoàn nhôm có ảnh hưởng nhất ở Nga, vốn bị trừng phạt vì sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ở Hoa Kỳ.
Vladimir Frolov, nhà bình luận kiêm chuyên gia phân tích đối ngoại Nga nói : "Trump là món quà của Chúa dành cho Nga. Ông Trump mặc định thực thi chương trình nghị sự tiêu cực của Nga, làm suy yếu trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, gây tổn hại cho liên minh của Mỹ cũng như sự tín nhiệm của Mỹ với tư cách là một đối tác và một đồng minh. Tất cả những điều này đều do ông ấy thực hiện. Nga chỉ việc thư giãn, dõi theo và cổ vũ cho ông Trump".
Từ lúc nhậm chức tổng thống Mỹ cho đến nay, Trump đã đẩy mạnh chính sách cô lập nước Mỹ trong sự phản đối của lưỡng đảng và ngay cả Bộ trưởng quốc phòng Mattis vừa từ chức. Điều này đã tạo ra những khoảng trống quyền lực cho cả Nga và Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng và xích lại gần nhau.
Bộ ba Donald Trump, Tập Cận Bình và Vladimir Putin - Ảnh minh họa
Nga
Nước Nga của Putin cùng với chế độ độc tài Assad là một trong những bên giành được nhiều lợi ích nhất từ việc Trump rút quân khỏi Syria, trong khi lực lượng dân chủ Syria (Syrian Democratic Forces – phần lớn là người Kurd) gần như phải từ bỏ giấc mơ dân chủ và độc lập của họ. Việc Trump từ bỏ đồng minh và lực lượng dân chủ SDF đã giúp Nga có được ảnh hưởng quan trọng tại Trung Đông mà nó luôn khao khát.
Nga cũng sắp tiến hành xây dựng căn cứ không quân và hải quân trên đảo La Orchila thuộc Venezuala, cách Puerto Rico khoảng 800 km và cách Florida 2.400 km. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Nga sẽ có thể thực hiện các chuyến bay quân sự gần Hoa Kỳ.
Cách đây hơn một tuần, 2 chiếc máy bay ném bom Tu-160 Blackjack có khả năng hạt nhân đã bay hơn 10 giờ ở vùng biển Caribbean. Hành động này đã gây ra "nỗi lo lắng về nguy cơ Chiến Tranh Lạnh 2.0 " tại khu vực Mỹ La Tinh. Đây là một màn trình diễn phô trương sức mạnh của Nga đối với Hoa Kỳ.
Nhật Bản cũng vừa phản đối sau khi Nga xây 4 doanh trại thuộc quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản và sắp cho chuyển quân đến đây. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, có khoảng 3500 binh lính Nga trên hai hòn đảo lớn nhất trong khu vực tranh chấp thuộc quần đảo Kuril.
Tháng 9/2018, Nga lần đầu tiên mời Trung Quốc tập trận Vostok-2018 "lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh" với sự tham gia của 300 ngàn quân.
Trung Quốc
Trung Quốc tiếp tục chiến lược bành trướng để tăng cường ảnh hưởng quốc tế.Tại Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa nhằm kiểm soát và thống trị vùng biển quan trọng này. Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nói với Quốc hội Mỹ rằng "chỉ có chiến tranh mới ngăn được Trung Quốc kiểm soát biển Đông".
Ngày 18/12 , không quân Trung Quốc triển khai biên đội gồm các oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và trinh sát cơ Y-9JB, thực hiện cuộc diễn tập tuần tra và tác chiến tầm xa gần đảo Đài Loan. Gần đây, Trung Quốc liên tục tiến hành diễn tập không quân và hải quân ở khu vực quanh đảo Đài Loan, với các vũ khí hiện đại.
Tháng 5/2018, Mỹ cũng đã cáo buộc căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti đã sử dụng tia laser để tấn công máy bay C-130 của Mỹ, hoạt động tại căn cứ Camp Lemonnier gần căn cứ Trung Quốc vài cây số, khiến 2 phi công Mỹ bị thương tích trong lúc hạ cánh.
Nhật Bản cũng vừa tăng ngân sách quốc phòng lên 47 tỉ đô la cho năm 2019 và đây là mức tăng kỷ lục lần thứ năm liên tiếp, nhằm tăng cường khả năng quân sự trước mối đe dọa từ Trung Quốc trong sự yếu thế của Hoa Kỳ tại Châu Á. Chiến lược "xoay trục sang Châu Á" của Tổng thống Obama nhằm đối phó với Trung Quốc đã suy yếu nghiêm trọng.
Liên minh Nga và Trung Quốc
Một số người Việt ủng hộ Trump cho rằng việc rút quân khỏi Syria của Trump là để hợp tác với Nga nhằm đối phó với Trung Quốc. Tôi chia sẽ suy luận không căn cứ của họ. Trong thực tế, suy luận đó là ảo tưởng bởi các bằng chứng thuyết phục đều chứng minh cả Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác mạnh mẽ nhằm đối phó với Hoa Kỳ.
Trước khi qua đời vào năm 2017, một trong những nhà chiến lược hàng đầu thế kỷ XX, Zbigniew Brzezinski , đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với an ninh Mỹ, "sẽ là một liên minh của Trung Quốc và Nga - hợp tác với nhau không phải bởi ý thức hệ mà bởi sự bất bình".
Giáo sư lừng danh Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Khoa học Quốc tế Belfer tại Đại học Harvard và cũng là học giả nổi tiếng với Cụm từ "bẫy Thucydides " đã có bài phân tích cảnh báo về một liên minh Trung – Nga đang hình thành mạnh mẽ:
"Bị từ chối các cơ hội ở phương Tây, Nga có phương án nào khác ngoài việc chuyển sang phương Đông? Sự kết hợp của các chiến lược tầm xa và ngoại giao tinh tế của Trung Quốc và sự vụng về của Hoa Kỳ và Tây Âu, đã dần tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa hai đối thủ địa chính trị là Nga và Trung Quốc. Trong quan hệ quốc tế, một bài học cơ bản quan trọng đó là "Kẻ thù của kẻ thù ta chính là bạn ta". Sự cân bằng sức mạnh của quân đội, kinh tế, tình báo, ngoại giao giữa các đối thủ là rất quan trọng. Trung Quốc đã thuyết phục Nga ngồi về phía Trung Quốc làm tăng thêm sức mạnh của Trung Quốc, một siêu cường hạt nhân bên cạnh một siêu cường kinh tế.
Khi áp lực của Mỹ đối với Nga gia tăng thông qua các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea và một nỗ lực ngoại giao để cách ly Nga, thì Trung Quốc đã mở rộng vòng tay với Nga. Tại mọi thời điểm Hoa Kỳ và Tây Âu gây khó cho Nga, Trung Quốc đã chìa tay bày tỏ quan tâm. Hãy xem xét những gì đã thực sự xảy ra trong quan hệ Trung-Nga theo bảy chiều: nhận thức về mối đe dọa, mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo, công nhận chính thức dành cho nhau, hợp tác quân sự và tình báo, hợp tác kinh tế chặt chẽ, phối hợp ngoại giao và định hướng tầng lớp giàu có. Khi Nga hoặc các nhà lãnh đạo an ninh Trung Quốc nghĩ về các mối đe dọa hiện tại, bóng ma mà họ nhìn thấy là Hoa Kỳ. Họ tin rằng Hoa Kỳ không chỉ thách thức lợi ích của họ ở Đông Âu hay Biển Đông, mà còn tích cực tìm cách làm suy yếu chế độ độc tài chuyên chế của họ.
Trong những năm gần đây, Nga không chỉ bán cho Trung Quốc các hệ thống phòng không tiên tiến nhất của họ, S-400, mà còn tích cực tham gia với Trung Quốc trong hoạt động nghiên cứu và phát triển trên các động cơ tên lửa và UAV. Các cuộc tập trận quân sự chung của hải quân của họ ở Biển Địa Trung Hải vào năm 2015, Biển Đông năm 2016 và Biển Baltic năm 2017. Khi bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, họ đồng ý với nhau 98%. Nga đã ủng hộ mọi quyền phủ quyết của Trung Quốc kể từ năm 2007".
Tháng 6/2018, Putin nói : "Tôi nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình là người duy nhất trong số tất cả các nhà lãnh đạo thế giới đã tổ chức sinh nhật cùng với tôi... Ông Tập luôn cố gắng để đạt được hiệu quả tối đa trong công việc vì lợi ích của từng người dân Trung Quốc".
Ngày 8/6/2018, Tập Cận Bình đã trao tặng Huân chương Hữu nghị đầu tiên của Trung Quốc cho Putin và gọi Putin là người bạn thân thiết nhất của mình.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga . Thêm nữa, Nga và Trung Quốc đang đàm phán tăng cường hợp tác các dự án "Vành đai và Con đường" (Belt and Road) của Trung Quốc cũng như "Liên minh Kinh tế Á-Âu" (Eurasian Economic Union) của Nga.
Ngẫm
Mặc dù Trung Quốc và Nga có những hiềm khích riêng trong quá khứ, nhưng cả hai sẵn sàng gác lại, để cùng đối phó với kẻ thù chung: Hoa Kỳ và dân chủ. Cả Putin và Tập Cận Bình đều xem nền dân chủ và cuộc vận động dân chủ (democracy advocate) của Hoa Kỳ là một mối đe dọa với vận mệnhchính trị của mình.
Từ khi Trump nhậm chức tổng thống, cuộc vận động dân chủ và cải thiện nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ đã suy yếu rõ rệt. Theo ngân sách mà Nhà Trắng đệ trình cho năm 2019, nguồn tài chính cho tổ chức Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) và các chương trình thúc đẩy dân chủ khác giảm mạnh .
Trump ca ngợi Tập Cận Bình và Putin là những "lãnh đạo tài năng", "yêu nước" đồng thời cô lập nước Mỹ gây ra những hệ lụy xấu cho cuộc vận động dân chủ toàn cầu. Trump giảm uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ đang tạo cơ hội để Trung-Nga ngày càng mạnh lên.
Ảnh hưởng hiện nay của Hoa Kỳ tại Châu Á, Châu Âu và Trung Đông giảm đáng kể trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của liên minh độc đoán Trung-Nga. Các tổ chức xã hội dân sự là nền tảng quan trọng của nền dân chủ Mỹ, góp phần mang đến chiến thắng cho Đảng Dân chủ tại Hạ viện sau một thập kỷtrong cuộc bầu cử giữa kỳ 6/11. Vô số tổ chức dân sự Mỹ đã vận động cử tri bầu cho Đảng Dân chủ để kiểm soát quyền lực của Trump bởi chính sách cô lập và khen ngợi độc tài đang gây hại cho nền dân chủ Mỹ. Một bài học quý giá cho cuộc vận động dân chủ Việt Nam chính là tổ chức và đoàn thể. Bởi "Nếu muốn đi thật nhanh, thì hãy đi một mình. Nhưng muốn đi xa, thì phải đi cùng nhau".
Mai V. Phạm
(25/12/2018)
Quốc hội Việt Nam thừa nhận sự quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 06/12/2017)
Quốc hội Việt Nam nói rằng Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong việc sử dụng nhiều biện pháp để chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Những người biểu tình phản đối Trung Quốc với các biểu ngữ "Gạc ma, đất nước không quên' trong một cuộc tập trung ở Hà Nội hôm 14/3/2016 kỷ nhiệm trận chiến ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1988. AFP
Nhận định này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đưa ra trong một báo cáo vào ngày 5 tháng 12 và được báo chí Việt Nam trích dẫn.
Báo cáo này ghi rõ là Trung Quốc đã sử dụng cả biện pháp đâm chìm tàu Việt Nam để ngăn cản các hoạt động của Việt Nam trên biển.
Ngoài ra, báo cáo nói thêm là Trung Quốc cũng gia tăng liên tục việc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam để đánh trộm hải sản.
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Bắc Biển Đông hiện do Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn, là nơi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đoạt lấy quần đảo này từ Miền Nam Việt Nam sau một trận hải chiến hồi năm 1974.
Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trung Quốc đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào trong một đơn vị hành chính mà họ đơn phương lập ra để kiểm soát khu vực rộng lớn ở Biển Đông gọi là tỉnh Tam Sa.
Đối Với Việt Nam, Hoàng Sa là một huyện trực thuộc Thành phố Đà Nẵng, còn Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Trong thời gian mấy năm gần đây Trung Quốc thực hiện nhiều nổ lực gầy dựng sức mạnh quân sự ở những nơi họ đang chiếm đóng thuộc hai quần đảo này bằng cách xây đắp những đảo nhân tạo, triển khai máy bay chiến đấu hiện đại ra hai quần đảo này.
Vào đầu tháng 12 này, Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận đã đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa.
****************
Tư lệnh Hải quân Liên Bang Nga thăm Việt Nam (RFA, 06/12/2017)
Đô đốc Vladimir Ivanovich Korolev, Tư lệnh Hải quân Liên Bang Nga đã đến Việt Nam hôm thứ Tư 5/12, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam.
Lễ đón Đô đốc Vladimir Ivanovich Korolev tại cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam ngày 4/12/2017 - Courtesy baochinhphu.vn
Phát ngôn viên Hải quân Nga cho báo chí biết thông tin vừa nói hôm 6/12.
Theo chương trình làm việc, Đô đốc Vladimir Ivanovich Korolev sẽ gặp một số lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam, thăm Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam tại Hải Phòng, thăm Học viện Hải quân, thăm một chiến hạm và một tàu ngầm thuộc Hải quân Việt Nam.
Được biết, chuyến thăm của vị Tư lệnh Hải quân Liên Bang Nga theo lời mời từ phía Việt Nam.
Việt Nam cũng là nước mua nhiều vũ khí của Nga, đặc biệt là 6 tàu ngầm Kilo mà Nga đã chuyển giao cho Việt Nam và gần đây là các chiến hạm Gepard. Nga cũng giúp đào tạo các thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.
*******************
Nga đào tạo ‘chuyên ngành đặc biệt’ cho Hải quân Việt Nam (VOA, 06/12/2017)
Tư lệnh Hải quân Nga Đô đốc Vladimir Korolev khẳng định Hải quân Nga sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo, hợp tác về lĩnh vực kỹ thuật quân sự, và "hỗ trợ xây dựng Hải quân Việt Nam chính quy, hiện đại".
Đô đốc Hải quân Nga Vladimir Korolev và Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam Phạm Hoài Nam, ngày 4/12/2017. (Ảnh : Thanh Niên)
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, chiều 5/12, tại Hà Nội, Đô đốc Korolev đã gặp Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước.
Hãng Thông Tấn TASS của Nga dẫn lời đại úy Igor Dygalo, người phát ngôn Hải quân Nga, nói rằng chuyến công du của Đô đốc Korolev đến Việt Nam kéo dài từ ngày 4 đến 8 tháng 12, là do phía Việt Nam mời.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 6/12 nói chuyến công du này nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa hải quân hai nước.
Theo báo VietnamNet, trong cuộc gặp với chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân Việt Nam chiều 4/12 tại thành phố Hải Phòng, Đô đốc Korolev nói Nga sẵn sàng "hỗ trợ xây dựng Hải quân Việt Nam chính quy, hiện đại".
Báo Thanh Niên trích lời ông Nam đánh giá cao Hải quân Nga đào tạo cán bộ và học viên giúp Hải quân Việt Nam, nhất là về các chuyên ngành đặc biệt. Tuy nhiên, báo này không nêu rõ ‘chuyên ngành đặc biệt’ là gì.
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam đề xuất việc thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa Hải quân hai nước để khi tàu Nga đi qua vùng biển Việt Nam và nếu có yêu cầu, thì Hải quân Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ, theo VietnamNet.
Trong chuyến công du kéo dài một tuần, Đô đốc Korolev và đoàn công tác sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Bộ Quốc phòng ; thăm một số đơn vị Hải quân Việt Nam và tham quan di tích lịch sử ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Khánh Hòa, Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.
Hãng Thông tấn TASS nói ông Korolev sẽ thăm Học viện Hải quân Việt Nam, thăm một tàu chiến và một tàu ngầm của Việt Nam trong chuyến công du này.
Truyền thông trong nước trích lời Đô đốc Korolev nói ông mong muốn Hải quân Việt Nam cử đại biểu tham dự hội nghị quốc tế và cử đại diện tham gia các kỳ hội thao do Hải quân Nga tổ chức.
Việt Nam loan báo đã đặt mua bốn tàu khu trục Gepard có trang bị ngư lôi chống tàu ngầm của Nga. Theo đó, ba chiếc đã về đến Việt Nam và chiếc thứ tư, tính đến sáng ngày 6/12 đang được tàu vận tải Rolldock Star vận chuyển ở ngoài khơi Istanbul, sau khi khởi hành từ Novorossiysk của Nga vào chiều ngày 4/12.
Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đây nói với báo chí : "Việc Nga giao tàu khu trục cho Việt Nam nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam".
Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng. Có Trump hay không có Trump thì quan hệ quốc tế cũng phải được xét lại. Có Trump hay không có Trump làn sóng dân chủ thứ tư cũng đã đến lúc phải tràn tới vì thế giới đã thay đổi và vì nó là một chuyển biến tự nhiên và bắt buộc đã bị trì hoãn quá lâu.
Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng.
Không ai, nhất là nếu không phải là người Mỹ, có lý do nào để ái mộ Donald Trump. Ông không phải là người trang nhã, cũng không tài giỏi hay tốt bụng. Trong suốt cuộc đời ông chưa hề bày tỏ một quan tâm nào đối với các giá trị đạo đức, văn hóa, dân chủ và nhân quyền. Hay tình trạng nghèo đói cơ cực của gần một tỷ người tại Châu Phi. Thế giới và nhân loại không phải là quan tâm của ông. Cảm tình nồng hậu nhất của Donald Trump dành cho chế độ mafia của Putin tại Nga.
Tuy vậy không ai có thể phủ nhận tình trạng rất không bình thường từ khi Trump đắc cử tổng thống Mỹ, báo hiệu một hướng đi mới của thế giới.
Ngày 20/01/2017, tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, cuộc găp gỡ hàng năm của những người quyền thế nhất trái đất tại Davos, Thụy Sĩ, chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình đọc một bài diễn văn lớn cổ võ nồng nhiệt cho phong trào toàn cầu hóa và dõng dạc tuyên bố Trung Quốc sẽ làm tất cả để tăng cường thương mại toàn cầu, tăng cường trao đổi hàng hóa, tư bản, ý kiến, khoa học, kỹ thuật, sự gặp gỡ giữa các dân tộc và giữa những con người. Trong tinh thần đó Trung Quốc sẽ tôn trọng những cam kết tại hội nghị COP21 về khí hậu và môi trường. Trung Quốc tán thành và ủng hộ toàn cầu hóa và thương mại quốc tế nhiệt tình và không điều kiện.
Như để trả lời Tập Cận Bình, ba ngày sau, trong diễn văn nhậm chức Donald Trump thẳng thắn tuyên bố - và dõng dạc nhắc lại hai lần - rằng chính sách của ông sẽ chỉ giản dị là "nước Mỹ trước hết", America first. Như để đánh tan mọi ngờ vực về quyết tâm của ông quyết định đầu tiên của Trump, hai ngày sau, là rút khỏi Khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế là bao nhiêu công lao của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama bị ném vào sọt rác một cách không nể nang.
TPP là một thỏa thuận hợp tác giữa 12 quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, với trọng lượng 40% kinh tế thế giới trong đó các quốc gia không chỉ xóa bỏ hàng rào quan thuế mà còn đồng thuận trên nhiều tiêu chuẩn về phẩm chất, sản xuất và lao động. Đó sẽ là một họp tác lớn nhất từ xưa đến nay trong lịch sử thế giới. Đặc tính nổi bật của TPP là nó loại trừ Trung Quốc. Đó là một cố gắng của chính phủ Obama trong hai năm cuối của ông để ngăn chặn Trung Quốc sau nhiều năm lơ là để rồi nhận ra rằng Trung Quốc càng mạnh lên thì càng trở thành một đe dọa cho hòa bình. Một trong những lý do ra đời của TPP chính là Tập Cận Bình. Từ khi lên cầm quyền, cuối năm 2012, Tập đã chủ trương khép lại và xiết lại, thanh trừng nội bộ, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, kiểm soát thông tin, chống diễn biến hòa bình và củng cố chế độ, đối đầu thay vì thích nghi với thế giới dân chủ. Trump tỏ ra chống Trung Quốc rất quyết liệt nhưng quyết định đầu tiên của ông là phá tan một chiến lược chống Trung Quốc mà chính phủ Obama đã bỏ công sức xây dựng từ hơn hai năm qua. Sự triệt thoái về biên giới quốc gia của Hoa Kỳ, vào lúc mà Liên Hiệp Châu Âu đang lúng túng trước đe dọa tan vỡ, gần như đã nhường không gian thế giới cho Trung Quốc tha hồ tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng, cụ thể là đẩy mạnh hai dự án Hợp Tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) và Ngân Hàng Châu Á Đầu Tư Kết Cấu Hạ Tầng (Asian Infrastucture Investment Bank – AIIB).
Không chỉ Trung Quốc mà cả Nga cũng đang nổi bật trên sân khấu chính trị thế giới. Chính sách Trung Đông của Obama đã là một sai lầm lớn và một thảm kịch. Sự rút quân hấp tấp của Obama khỏi Iraq đã cho phép lực lượng khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo Daesh hồi sinh và suýt nữa làm chủ Iraq để sử dụng tài nguyên phong phú của đất nước này cho mục tiêu hủy diệt thế giới văn minh. Tệ nhất là tại Syria. Khi các cuộc biểu tình chống chế độ al-Assad nổ ra Obama đã tuyên bố hùng hổ đòi đánh đổ Bachar al-Assad khiến các lực lượng dân chủ nổi lên nhưng sau đó lại không dám can thiệp mạnh khiến họ trở thành mồi ngon cho lực lượng Daesh và chính quyền al-Assad. Cuối cùng, sau khi hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản, Hoa Kỳ đã phải can thiệp trở lại một cách vất vả và tốn kém hơn nhiều tại Iraq cũng như tại Syria. Tuy vậy tại Syria kẻ thắng là Nga chứ không phải Hoa Kỳ. Chế độ Putin đã nhập cuộc, đánh lùi Daesh, cứu được chế độ Al-Assad và tái lập được sự hiện diện của Nga tại Trung Đông sau gần 30 năm vắng mặt. Ngoài ra Nga còn ngang nhiên xâm chiếm Ukraine, sáp nhập bán đảo Crimea và đang đe dọa sáp nhập thêm hai tỉnh biên giới phía Đông bất chấp sự lên án và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Châu Âu. Nga cũng đang thao túng chính trị thế giới với một lực lượng gián điệp mạng hùng hậu. Chính thắng lợi của Donald Trump cũng đã phần nào nhờ lực lượng gián điệp mạng này. Ít nhiều Putin đã chỉ định tổng thống Mỹ.
Như vậy phải chăng Donald Trump đã làm đảo lộn trật tự thế giới với chính sách triệt thoái vể sau biên giới Mỹ và từ chối mọi trách nhiệm đối với thế giới ? Phải chăng Trung Quốc và Nga từ đây tha hồ thao túng? Phải chăng chúng ta đang chứng kiến dân chủ rút lui và co cụm lại trong khi phe độc tài xông lên và bùng ra ? Phải chăng làn sóng dân chủ thứ tư đã khựng lại và xẹp xuống ? Không hẳn như vậy.
Nước Nga của Vladimir Putin từ vài năm nay đang chật vật vì suy thoái và khủng hoảng kinh tế chứ không phải là một nước có tâm lý phấn khởi và bành trướng. Tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Nga được công bố là 1130 tỷ USD, nghĩa là chỉ bằng 1,5% GDP toàn cầu, giảm 40% so với hai năm trước. Đồng Rúp đã mất một nửa trị giá so với đồng đôla Mỹ. Nhưng đó là những con số chính thức. Sự thực có lẽ còn bi đát hơn, nhất là cho chính quyền Putin vì 35% ngân sách lấy từ lợi tức dầu khí đã tuột dốc từ ba năm qua. Các biện pháp trừng phạt kinh tế sau hành động xâm lược Ukraine còn làm nước Nga và chính quyền liên bang khốn khổ hơn nữa trong việc vay tiền cho chính mình cũng như cho các tổ hợp quốc doanh. Chính quyền Putin đang kiệt quệ và không thể có tham vọng bành trướng.
Việc xâm lược Ukraine không thể biện minh về mặt luật pháp quốc tế nhưng có thể hiểu là do áp lực từ lịch sử. Ukraine là cái nôi của nước Nga, là nơi mà nước Nga đã được thành lập vào thế kỷ thứ IX với thủ đô là Kiev. Mất Ukraine là một đau đớn quá lớn đối với dân tộc Nga và mất Crimea lại càng đau hơn vì bán đảo này là của Nga và mới chỉ được sáp nhập vào Ukraine bởi một quyết định hành chính năm 1954. Sự cám dỗ "lấy lại phần nào" đã quá lớn khi chính những người cầm quyền Ukraine xâu xé nhau và đẩy đất nước họ vào cảnh bạo loạn.
Can thiệp vào Syria không phải là một hành động bành trướng. Nó chủ yếu nhắm tiêu diệt lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo Daesh vì lý do tự vệ. Trong lực lượng khủng bố này có khoảng 9.000 quân, nghĩa là gần một nửa tổng số quân Daesh, đến từ Nga và các nước lân cận thuộc Liên Xô cũ trong đó có 4.000 người Nga. Trước viễn ảnh kinh hoàng là Daesh vì yếu dần đang chuyển sang chiến lược gửi các quân cảm tử trở lại quê hương cũ để hoạt động khủng bố tại chỗ, Nga đã chọn giải pháp can thiệp để tiêu diệt chúng ngay tại Syria trước khi chúng trở về Nga. Quyết định này có thể đúng hay sai nhưng đó là lý luận của chính quyền Putin và nó giải thích tại sao các máy bay chiến đấu của Nga đã nhắm tiêu diệt tối đa quân Daesh bất chấp những thiệt hại gây ra cho những thường dân vô tội. Cách can thiệp này đã khiến Nga bị cả thế giới lên án và trở thành đối tượng căm thù của Hồi Giáo, trước kết là của 25 triệu người Hồi Giáo tại Nga. Chính Putin gần đây đã giải thích rằng Nga chỉ can thiệp vào Syria trong mục đích tự vệ. Putin không phải là một mẫu mực của sự trung thực nhưng lần này người ta có hai lý do để tin ông. Một là Nga đã chỉ nhập cuộc bênh vực đồng minh Bachar al-Assad vào mùa hè 2015, bốn năm sau khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, điều này chứng tỏ Nga đã chỉ bất đắc dĩ phải can thiệp. Hai là dù đã giành được ưu thế tại Syria Nga không hề tìm cách ảnh hưởng tới các nước chung quanh, điều này chứng tỏ Nga không có tham vọng tại Trung Đông.
Điều chắc chắn là Nga muốn cải thiện quan hệ, kết thân nếu có thể được, với Mỹ và Châu Âu dù đang bị trừng phạt. Putin đã không trả đũa khi Hoa Kỳ trục xuất 35 nhân viên ngoại giao và cũng không giấu hy vọng được mời thăm viếng Châu Âu. Có thể nói đối với phương Tây chính sách của Putin là thân thiện không điều kiện. Putin cũng đặc biệt ưu ái Donald Trump và không hề thắc mắc về thái độ chống Trung Quốc rất hung hăng của ông này. Tập Cận Bình phải cảm thấy rất cô đơn.
Cô đơn và lo sợ vì hơn lúc nào hết Trung Quốc cần đồng minh. Chính sách mở cửa tối đa và cổ vũ nhiệt tình cho thương mại toàn cầu của Bắc Kinh nếu nhìn sát hơn cũng chỉ là một phản xạ tự vệ chứ không phải là cuộc tiến công hào hứng. Tập Cận Bình lên cầm quyền với chủ trương khép lại và xiết lại nhưng đã không có chọn lựa nào khác hơn là dồn hết sức lực để thúc đẩy thương mại quốc tế bởi vì kinh tế của Trung Quốc dựa trên xuất khẩu và sẽ sụp đổ nếu thương mại quốc tế sút giảm. Nhưng có thúc đẩy được hay không là chuyện khác.
Hãy nhìn vào hai vũ khí chiến lược của Trung Quốc. Dự án Hợp Tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện (RCEP) rất khó thành công vì chủ yếu chỉ gồm những nước tìm cách bán chứ không muốn mua và người ta không thể hình dung một thị trường chỉ có người bán. Dự án Ngân Hàng Châu Á Đầu Tư Kết Cấu Hạ Tầng (AIIB) lại càng phiêu lưu và có thể sẽ khiến Trung Quốc lỗ nặng. Đàng sau ngân hàng này là sáng kiến Nhất Đái Nhất Lộ (hay một vành đai, một con đường) được biết tới với tên tiếng Anh là Belt and Road Initiative (BRI). Trung Quốc bỏ ra 1.000 tỷ USD để cho vay tài trợ các dự án xây dựng những kết cấu hạ tầng - đường, cầu, đường sắt, hải cảng, sân bay, v.v. - mà các công ty Trung Quốc trúng thầu. Chính quyền Tập Cận Bình hy vọng như vậy sẽ vừa bành trướng được ảnh hưởng vừa sử dựng được những khả năng xây dựng quá thừa thãi do qui hoạch quá lạc quan và do sự ngừng trệ của ngành xây dựng tại Trung Quốc. Nhưng nước nào dám nhờ Trung Quốc xây dựng cho mình ? Ngành xây dựng luôn luôn là ngành tạo nhiều công việc làm nhất, trao cho nước ngoài xây dựng tương đương với chấp nhận để nhiều công dân mình lâm vào cảnh thất nghiệp. Cho tới nay đã chỉ có Việt Nam, Lào và một vài nước Châu Phi hưởng ứng với kết quả rất đáng thất vọng về cả phẩm chất lẫn tiến độ thi công, làm nổi lên cả một phong trào bài Trung Quốc. Những nước này lại cũng là những nước rất kém về khả năng trả nợ. Trung Quốc có thể mất cả công lẫn vốn.
Trong cuộc chiến tranh thương mại đang ló dạng với Hoa Kỳ Trung Quốc yếu cả về lực lẫn thế. Về lực GDP thực sự của Trung Quốc, mặc dù có những ước lượng rất hoang tưởng, chỉ bằng một nửa GDP Hoa Kỳ với một dân số đông gấp hơn bốn lần. Quan trọng hơn là về thế. Trung Quốc bán và Hoa Kỳ mua. Trong một gián đoạn thương mại kẻ thiệt thòi là kẻ bán chứ không phải người mua. Trung Quốc hơn nữa còn đang trong thế suy. Ngoại thương, động cơ chính của kinh tế Trung Quốc, đang liên tục sút giảm từ mấy năm nay và mọi dấu hiệu cho thấy là sẽ còn tiếp tục. Năm 2016 xuất khẩu đã giảm 7,7%, nhập khẩu giảm 5,5% so với năm 2015 đã từng được coi là một năm xấu nhất cho ngoại thương. Chưa hết, Trung Quốc còn đang mất hơn 200 tỷ USD mỗi năm vì tư bản đào thoát ra nước ngoài. Chính sách chống Trung Quốc của Donald Trump không biết sẽ được thực hiện tới mức nào nhưng chắc chắn số thặng dư ngoại thương gần 400 tỷ USD mỗi năm của Trung Quốc với Hoa Kỳ sẽ bị sút giảm nặng. Chưa kể là các nước Châu Âu cũng đang tìm mọi cách để giảm bớt hơn nữa mậu dịch đối với Trung Quốc. Trong tình huống này con số tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 vừa được công bố, dù đã là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất từ 1990, rất đáng ngờ vực. Có mọi triển vọng đà tăng trưởng không chỉ chậm lại mà còn đảo ngược, nghĩa là kinh tế Trung Quốc đã suy thoái từ vài năm nay. Cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói là nếu tỷ lệ tăng trưởng xuống dưới mức 8% thì Trung Quốc sẽ có nguy cơ bạo loạn bởi vì chính quyền Trung Quốc đã áp đặt những hy sinh quá lớn nhân danh mục tiêu tăng trưởng nhanh. Rất có thể đây là lý do khiến Bắc Kinh phải liên tục nói dối.
Nguy cơ chính trị như vậy còn lớn hơn suy thoái kinh tế, nhưng vẫn không nghiêm trọng bằng một nguy cơ khác. Chính sách tăng trưởng hoang dại đã hủy hoại môi trường ở mức độ không thể phục hồi được nữa, nhất là nửa lãnh thổ phía Bắc sông Dương Tử. Ô nhiễm kinh khủng đang khiến phần lớn những người có phương tiện tìm cách rời bỏ Trung Quốc vì lý do giản dị là họ sợ chết.
Tóm lại Trung Quốc vừa quá yếu vừa quá nguy ngập để có thể thay thế Hoa Kỳ trong vai trò đầu tầu của thương mại toàn cầu, chưa nói tới lãnh đạo thế giới. Bắc Kinh thừa biết như vậy vì theo chính dự kiến của họ thì ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất Trung Quốc cũng chỉ có thể trở thành giầu mạnh vào năm 2040, nghĩa là còn lâu. Và với điều kiện là Trung Quốc thành công trong cuộc chuyển hóa rất khó khăn và hiểm nghèo từ một nền kinh tế ô nhiễm và bất chấp con người nhắm sản xuất để xuất khẩu những sản phẩm kỹ thuật thấp sang một nền kinh tế lành sạch, kỹ thuật cao đặt nền tảng trên dịch vụ và thị trường nội địa. Tuy vậy trước mắt Tập Cận Bình không có chọn lựa nào khác hơn là cố sức cứu vãn thương mại toàn cầu để trì hoãn sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Nhưng đây chỉ là một cố gắng tuyệt vọng và sẽ chỉ có tác dụng làm Trung Quốc kiệt quệ nhanh hơn, như Liên Xô trước đây đã ngã gục vì hụt hơi trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ. Nhất là khi Bắc Kinh lại không thể trong đợi một sự liên đới nào ở nước Nga của Putin.
Sau cùng chính Donald Trump cũng sẽ nhanh chóng khám phá ra rằng dù muốn hay không Hoa Kỳ vẫn phải đóng góp bảo vệ một trật tự thế giới đặt nền tảng trên các giá trị dân chủ và nhân quyền chứ không thể chỉ biết có nước Mỹ. America first không thể đồng nghĩa với America only như ông muốn. Một tháng sau khi nhận chức, trong bài diễn văn đầu tiên trước quốc hội, ông đã phải thay đổi thái độ một cách khá rõ rệt. Liên minh với Châu Âu, cụ thể là liên minh quân sự NATO, không còn bị coi là lỗi thời nữa, các nước Châu Âu chỉ cần đóng góp tích cực hơn. Hoa Kỳ cũng không từ chối vai trò lãnh đạo thế giới, trái lại sẽ gia tăng hơn nữa ngân sách quốc phòng để đảm nhiệm vai trò này. Điều chắc chắn là Trump sẽ cứng rắn với Trung Quốc, nhất là trong quan hệ thương mại. Chính sách này có thể đẩy Trung Quốc đến khủng hoảng và làm chế độ cộng sản sụp đổ.
Có cần phải cảm ơn Donald Trump không ? Dứt khoát là không.
Trong ba thập niên qua thương mại quốc tế đã tăng trưởng rất nhanh nhờ có hai khách mua lớn là Hoa Kỳ và Châu Âu. Về mặt kinh tế có thể nói họ đã chia sẻ sự giầu có của họ với những nước chưa phát triển, nhất là Trung Quốc, nhưng ngày nay cả hai khách hàng lớn này đều đã bối rối sau một thời gian dài tích lũy thâm thủng mậu dịch và không muốn hoặc không thể tiếp tục đảm nhiệm "nghĩa vụ tiêu dùng" nữa. Mặt khác phong trào toàn cầu hóa là một phong trào rất lớn làm thay đổi hẳn thế giới nhưng cho tới nay lại không đi đôi với một phong trào tư tưởng đủ mạnh để vạch ra một cách thuyết phục những giá trị nền tảng của một trật tự thế giới mới và những thích nghi cần thiết đặt ra cho mỗi dân tộc. Nó đã tiến tới một cách ồ ạt và xô bồ, gạt nhiều người ra bên lề cuộc sống mà họ không hiểu tại sao. Tệ hơn nữa nó còn giúp chế độ cộng sản Trung Quốc mạnh lên và đe dọa hòa bình thế giới. Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng. Có Trump hay không có Trump thì quan hệ quốc tế cũng phải được xét lại, để ít nhất không tiếp sức cho những chế độ độc tài bạo ngược. Obama cũng đã thay đổi chính sách đối ngoại khi thành lập TPP. Có Trump hay không có Trump làn sóng dân chủ thứ tư cũng đã đến lúc phải tràn tới vì thế giới đã thay đổi và vì nó là một chuyển biến tự nhiên và bắt buộc đã bị trì hoãn quá lâu.
Sự khác biệt, nếu có, là Trump sẽ bạo tay hơn với Trung Quốc, cũng như với Mexico. Ông không cần phân biệt các chế độ độc tài phải bị cô lập với các nuớc cần được hỗ trợ trong cố gắng dân chủ hóa. Trump sẽ gây nhiều khó khăn cho nhiều dân tộc. Một hiệu ứng phụ của Trump là sẽ đóng góp làm cho các chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam sụp đổ nhanh hơn, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ gây nhiều xáo trộn và đổ vỡ đáng lẽ có thể tránh được trong giai đoạn chuyển tiếp.
Một lời sau cùng. Chế độ cộng sản Việt Nam hình như nghĩ rằng vì Donald Trump không quan tâm tới dân chủ và nhân quyền nên từ nay họ có thể yên tâm đàn áp những người dân chủ. Những vụ bắt giam, sách nhiễu, hăm dọa và hành hung đã gia tăng hẳn cả về số lượng lẫn mức độ hung bạo.
Họ đang làm một sai lầm lớn. Đúng là Trump không quan tâm tới dân chủ và nhân quyền, nhưng ông đang tìm mọi lý cớ để gây khó khăn cho quan hệ thương mại Việt Mỹ tối cần thiết cho Việt Nam và cho sự sống còn của chế độ. Những vi phạm nhân quyền, nhất là thô bỉ như hiện nay, đang cống hiến cho Trump những lý do mà ông chờ đợi.
Nguyễn Gia Kiểng
(05/03/2017)